Xuôi dòng Hương Giang


NGUYỄN VĂN LIÊM
30/10/2011 21:35 (GMT+7)
Số lượt xem: 100313
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Dòng Hương Giang sau khi thoát qua khỏi Đồi Vọng Cảnh và núi Ngọc Trản, bỗng trở nên chậm rãi, dòng sông mở rộng ra ôm lấy những bến bãi bồi đầy phù sa màu mỡ của vùng Nguyệt Biều, Hương Hồ, Lương Quán nổi tiếng với những bãi ngô non,




những vườn cây trái trĩu quả (đặc biệt vùng đất này là nơi duy nhất trồng được Thanh trà xứ Huế). Vượt qua Hương Hồ, Xước Dũ, dòng sông chia nước cho con sông Bạch Yến, con sông chảy qua trước chùa Huyền Không mà một lần tôi đã nhắc đến, rồi chảy thẳng về Đồi Hà Khê. Đến đây lòng sông mở rộng ra và dòng sông trở nên phẳng lặng khác thường.





Nếu đang xuôi thuyền theo dòng sông, ra khỏi đoạn ngoặt này, bạn sẽ nhìn thấy ngôi chùa nổi tiếng nhất trong số hàng trăm ngôi chùa cổ ở Cố đô Huế, đó là Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Chùa Linh Mụ) cùng ngọn tháp Phước Duyên sừng sững phía bên kia sông. Đây là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế.



Có lẽ tôi không cần giới thiệu nhiều về ngôi chùa này vì nó đã quá nổi tiếng, gần như là một biểu tượng của Huế, cũng giống như chùa một Cột ở Hà Nội và chợ Bến Thành của Sài Gòn vậy. Tôi chỉ mời bạn cùng xuống thuyền vào thăm ngôi chùa này mà thôi.
Chùa được xây theo hình chữ nhất, theo đúng với hướng của kinh thành Phú Xuân, từ bến thuyền với bậc cấp, dẫn lên các bốn trụ biểu, rồi nhiều bậc cấp nữa dẫn lên nền cũ của đình Hương Nguyện, tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm.



Từ bến thuyền theo những bậc cấp để lên chùa



Phía trước Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc, có 24 bậc tam cấp lên xuống Tam Quan và  4 trụ biểu xây sát đường, từ đó có 15 bậc tam cấp dẫn đến Đình Hương Nguyện. 

Sừng sững phía trước là Tháp Phước Duyên do Vua Thiệu trị xây năm 1844  bằng gạch, cao 21m gồm 7 tầng. Tháp thờ đức Phật tổ Như Lai và đức Thế Tôn. Các tầng đều có tượng Phật, tương truyền ngày xưa được đúc bằng vàng, về sau thay bằng đồngTháp Phước Duyên là ngôi tháp bát giác cổ và cao nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2006).



Các trụ biểu đứng từ nền đình Hương Nguyện nhìn từ phía trong ra.

Phía trước Tháp Phước Duyên vua Thiệu Trị cho xây  đình Hương Nguyện năm 1844  (để nhà vua dâng hương, cầu nguyện). Trận bão năm Thìn (1904) làm hư hỏng nhiều công trình trong đó có đình Hương Nguyện, nay chỉ còn là lại nền đình.



Đại Hồng Chung do chúa Nguyễn Phú Chu cho đúc năm 1710  cao 2,50m, nặng trên 2000kg và viết bài ký để khắc vào chuông. Chuông này được coi như là một pháp khí của chùa.

Tấm bia thời Lê Trung Hưng là tấm bia lớn nhất Việt Nam (Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2008).



Tấm bia được làm bằng đá khá lớn vào năm 1715, cao 2,6m, rộng 1.25m và đặt trên lưng rùa bằng đá cẩm thạch. Nội dung trên bia nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong.





Lầu bia hình lục giác





Tượng Kim Cương Hộ Pháp hai bên cổng Tam quan



Cổng Tam quan vào chùa







Đại Hùng Bửu Điện





Tượng Phật Di Lặc thờ giữa Đại Hùng Bửu Điện

Điện Đại Hùng là nơi thờ Phật, trung tâm của Chùa Thiên Mụ. Điện gồm 5 gian, 2 chái, được bài trí rất tôn nghiêm với nét kiến trúc đồ sộ, nguy nga. Ngoài những pho tượng Phật bằng đồng, bức hoành phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng do tự tay Chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề vào năm 1714 còn có 1 chiếc khánh đồng lớn chạm hình nhật nguyệt tinh tú. Chiếc khánh đồng này do vị quan người Quảng Trị là Trần Đình Ân thuê đúc năm 1677 để cung tiến chùa.





Nhà Tăng của chùa





Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn .



Cạnh đó là chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi tự thiêu để phản đối chính Sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.



Sau cùng chùa là vườn thông tĩnh mịch thoáng đãng.



Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, thế thứ 42 dòng Lâm Tế, đời thứ 8 dòng Thiền Liễu Quán, vị trụ trì nổi tiếng của Chùa Thiên Mụ, người có công trùng tu để giữ cho ngôi chùa lịch sử được trang nghiêm như ngày nay.


Âm lịch

Ảnh đẹp