Xuôi dòng Hương Giang


NGUYỄN VĂN LIÊM
30/10/2011 21:35 (GMT+7)
Số lượt xem: 97284
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng




Tiếp tục xuôi dòng sông Hương, thấp thoáng giữa những rừng cây xanh um trải dài từ chân đến đỉnh ngọn núi Ngọc Trản và bình yên soi bóng bên dòng sông Hương trong xanh huyền thoại là điện Hòn Chén, một di tích tôn giáo và danh thắng nổi tiếng thuộc quần thể di tích cố đô Huế, nằm trên địa bàn làng Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà.



Điện Hòn Chén nằm sát bờ sông Hương

Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn. Trên đỉnh núi có một chỗ đất trũng xuống, đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như bờ giếng, hễ gặp mưa thì nước đọng lại trông như cái chén đựng nước trong. Cho nên từ đó, hòn núi được đặt tên Ngọc Trản (núi Chén Ngọc) và dân gian thường gọi là Hòn Chén. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén.
Không biết ngôi đền thờ ở Ngọc Trản Sơn có tự bao giờ, chỉ biết rằng người Chăm xưa từng thờ cúng nữ thần Po Nagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) ở núi này. Theo truyền thuyết dân gian Chăm, nữ thần Po Nagar là con của Ngọc hoàng Thượng đế được sai xuống trần gian, bà có công lao tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Sau khi tiếp nhận từ người Chăm một di tích tôn giáo độc đáo như điện Hòn Chén, đến thời nhà Nguyễn, các vua, chúa tiếp tục tu sửa, mở rộng đền. Và để ký âm cho danh từ Po Nagar bằng Hán văn, các Nho sĩ ngày xưa đã phải tạo ra một âm hưởng hao hao và mang một ý nghĩa tương đương nhất định bằng bốn chữ Hán: Thiên Y A Na. Từ đó tục thờ Thánh Mẫu Thiên Yana với những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc sâu xa là tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo, cũng như ở miền bắc thờ Mẫu Vân Hương, hay ở miền nam thờ Mẫu ở núi Bà Đen, hoặc Pohnaga ở Tháp Chàm - Nha Trang.





Mặt bằng kiến trúc của toàn bộ ngôi đền không rộng, gồm điện thờ chính là Minh Kính Ðài nằm ở giữa, mặt hướng ra sông; bên phải là Nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là Dinh Ngũ Vị Thánh Bà; bàn thờ Các Quan, động thờ ông Hạ Ban (tức ông Hổ – con cọp), Am Ngoại Cảnh. Dưới bờ sông, cuối đường bên trái là Am Thủy Phủ. Trên mặt bằng kiến trúc ấy, còn có một số bệ thờ và am nhỏ khác nằm rải rác đó đây, như Am Cô Ngọc Lan, Am Trung Thiên… Liễu Hạnh Công Chúa, tức là Vân Hương Thánh Mẫu cũng được đưa vào thờ ở đây. Ngoài ra, tại điện Hòn Chén, người ta còn thờ Phật, thờ Thánh Quan Công và hơn 100 vị thần thánh khác thuộc vào hàng đồ đệ của các thánh thần nói trên. Vua Ðồng Khánh cũng là một trong những đồ đệ ấy. Như vậy, xét về mặt tín ngưỡng, điện Hòn Chén bối cục thờ không theo nguyên tắc, mà phối thờ nhiều tín ngưỡng khác nhau.



Khoảng 10 công trình kiến trúc xinh xắn của ngôi đền đều nằm ở lưng chừng sườn đông nam thoai thoải của ngọn núi, ẩn mình dưới bóng dâm của một khóm rừng cổ thụ tán lá xum xuê. Những hệ thống bậc cấp chạy từ đền cao xuống tận bến nước trong xanh. Mặt sông phẳng lặng như gương, được dùng cho toàn cảnh thiên nhiên và kiến trúc nghiêng mình soi bóng. Dù thuyền cập bến, đứng nhìn lên, khách dễ tưởng mình đang lạc vào chốn thần tiên.



Trong quần thể di tích cố đô Huế, có lẽ điện Hòn Chén gắn với nhiều giai thoại nhất. Dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”, vì vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua!  Trước điện là một cái vực rất sâu chưa ai đo được. Xưa kia, lắm người chài ngư nổi danh bơi lội cũng không lặn tới đáy sông được. Người ta tin rằng, vua Hà Bá ngự trị ở chốn này. Ghe thuyền mỗi khi đi qua đều im hơi lặng tiếng để tỏ lòng thành kính. Tương truyền nhiều người bị đắm thuyền chết đuối chỉ vì đã ngạo mạn với Mẫu thần. Nơi đáy vực có con ba ba to bằng chiếc chiếu rộng, mỗi lần nổi lên thường gây sóng gió dữ dội, mọi người lúc bây giờ đều tin đó là sứ giả của thần Hà Bá. Thấy dân chúng bị nạn, trong một buổi cúng tế, vua Tự Đức đã đeo vào tay thần một chuỗi bồ đề để cầu xin lòng từ bi cho chúng sanh. Người ta còn kể rằng, trong một hốc đá ở bợt bến, có một con cá trạch lớn như chiếc chiếu, thỉnh thoảng vụt lên mặt nước làm tung bọt trắng xóa. Dân chúng hoảng hốt sợ, không dám gọi là "con" mà gọi bằng "cố"- Cố trạch.
Trong số mười ba vị vua triều Nguyễn thì vua Đồng Khánh là một tín đồ rất ngưỡng mộ vị Thánh Mẫu này. Từ năm 1883 đến năm 1885, vì gặp một giai đoạn éo le của lịch sử triều Nguyễn, vua Ðồng Khánh chờ đợi mãi vẫn chưa được lên nối ngôi cha nuôi là vua Tự Ðức. Ông nhờ mẹ là bà Kiên Thái Vương lên đền Ngọc Trản cầu đảo và hỏi Thánh Mẫu Thiên Yana xem mình có làm vua được không. Theo một số người kể lại thì thần Thiên Yana đã cho hoàng tử biết ngày đăng quang và cũng cho biết ông chỉ ở ngôi được 3 năm rồi mất.
Quả nhiên lời tiên đoán của nữ thần điện Hòn Chén thật đúng, bởi vậy sau khi lên ngôi vào năm 1886, vua Ðồng Khánh liền cho xây lại đền này một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ khí tự để thờ và đổi tên ngôi đền là Huệ Nam Ðiện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu. Huệ Nam nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam. Từ đó vua Đồng Khánh rất tin tưởng về sự linh ứng của nữ thần Điện Hòn Chén; gặp việc gì khó xử ông thường đến đây để cầu đảo và dường như việc gì cũng được như ý nên vua Đồng Khánh đã phê rằng: “Điện Hòn Chén là một đền linh diệu thiên cổ, thế núi trông thật giống hình con sư tử uống nước dưới sông, quả là chân cảnh thần tiên, cứu đời, giúp người nhiều lắm”. Tháng 6, 7 năm 1886 tại Huế không có một giọt mưa, vua bèn sai các quan ở Phủ Thừa Thiên lập đàn cầu đảo khắp các đền trong kinh thành nhưng trời vẫn không mưa, đến khi lên cầu đảo tại đền Hòn Chén, chỉ trong một buổi sáng thôi mà trời đổ mưa tầm tả, ai cũng cho là linh ứng. Cũng chính vì sự linh ứng ấy mà vua Đồng khánh rất lo sợ trước lời tiên đoán của Nữ Thần. Và rồi không cãi được mệnh trời, năm 1888, ông thọ bệnh, đau liên tục, các ngự y bó tay, đến năm 1889 thì ông mất, đúng sau 3 năm ngồi trên ngai vàng.
Vua Đồng Khánh còn làm thơ văn ca tụng công đức của Mẫu Thiên Yana. Hiện nay trong đền vẫn còn thờ vài bức tranh ảnh của chính nhà vua được treo ở đây. Chính vua đã ban hành việc dùng Quốc lễ để tế tại Huệ Nam Điện. Theo lệnh vua, vào dịp xuân - thu nhị kỳ hằng năm đều tổ chức tế lễ, vị chủ tế là một triều thần. Tại Huế vẫn truyền tụng câu ca “Tháng 7 Vía Cha, tháng ba Vía Mẹ” là nói đến 2 lễ tế này. Sau vua Đồng Khánh, các vị vua chỉ cử quan thần tới chủ tế một lần vào tháng ba, còn tháng bảy dân làng Hải Cát tự tổ chức. Nghi lễ tại Ðiện Hòn Chén rất long trọng. Dân làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình. Ðám rước Thiên Yana Thánh Mẫu từ Huệ Nam đến đình làng Hải Cát tổ chức trọng thể hơn cả.



Hàng vạn người đến tham gia lễ hội

Ðám rước cử hành trên những chiếc “bằng” (thuyền kết đôi), trên đó có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu, hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, cờ phướn, hương án đủ màu sắc, hành hương về điện Hòn Chén, nơi thờ Thánh Mẫu. Tại khu vực điện sẽ diễn ra lễ Thánh Mẫu tuần du làng Hải Cát, lễ tế làng Hải Cát, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan về điện, lễ phóng sanh, phóng đăng….
Long kiệu của Thánh Mẫu là kiệu thêu, do các trinh nữ ăn mặc sặc sỡ khiêng, còn các bà, người mang bình hương, ống trầu, bình trà, hòm đựng đồ trang sức, kẻ mang cờ, biển, tàn, lọng, gối, quạt… Các thanh niên thì vác các đồ lễ bộ, bát bửu và các tự khí khác. Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ, không khí trang nghiêm. Khi đoàn ghé bến, đám rước chuyển từ sông lên bộ, đi cho đến đình làng Hải Cát, có phường bát âm đi sau kiệu. Phường bát âm với những bài hát chầu văn ca ngợi Thánh Mẫu và chư vị thánh thần. Các tín đồ vừa đi vừa hát, múa trên những chiếc bằng trong trang phục lộng lẫy, dưới lọng kiệu là đồ thờ của Mẫu Thiên Yana. Tất cả tạo nên một không khí tín ngưỡng thiêng liêng, huyền ảo và sôi động. Suốt đêm, trên mặt sông Hương và có khi ở trước đình làng là các cuộc hát thờ, hầu đồng, hầu bóng. Sáng ngày hôm sau là lễ chánh tế, tổ chức từ 02g – 05g00 sáng. Sau đó là lễ Tống thấn. Mặt sông Hương lại bùng lên với âm nhạc, pháo nổ tưng bừng, hàng trăm chiếc thuyền, bằng chen chúc, những bộ lễ phục rực rỡ.





Những năm gần đây, lễ hội Hòn Chén tấp nập, tưng bừng hơn. Vào ngày chính lễ có cả trăm chiếc thuyền, bằng trẩy hội trên dòng Hương, tín đồ của cả nước về tụ hội, dâng lễ, rước Mẫu, các tín đồ tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo lại có dịp trở về với Mẫu Thiên Yana với những sinh hoạt văn hóa dân gian tạo nên vẻ phong phú của nét văn hóa xứ Huế. Không chỉ dừng lại là một lễ hội văn hóa dân gian mà nó còn thu hút một lớn số lượng du khách trong nước lẫn nước ngoài, là sự pha trộn nhiều màu sắc tín ngưỡng và không biệt tín ngưỡng, đưa mọi người đến gần nhau hơn.
Điện Hòn Chén - là một trong mười sáu di tích được xếp hạng danh mục quần thể di tích Huế, di sản văn hóa thế giới. Đó cũng là ngôi điện duy nhất có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế và là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian; giữa lễ hội và đồng bóng; giữa văn hóa tâm linh và mê tín dị đoan. Đến thăm thành phố Huế đúng dịp diễn ra lễ hội, xuôi thuyền ngược dòng Hương Giang đến núi Ngọc Trản, du khách sẽ được tham gia vào lễ tế điện Hòn Chén, tận mắt chứng kiến cái không khí linh thiêng, huyền ảo tại nơi này.


Âm lịch

Ảnh đẹp