KHAI THỊ
QUYỂN 1
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Phần 2
Chúng Sinh Vô Biên Thệ Nguyện
Ðộ
Chúng
ta sao cam tâm nhìn họ đau khổ
mà không tìm
cách cứu họ, khiến cho họ được an lạc chứ?
"Bồ-tát úy nhân,
chúng sinh úy quả." Bồ-tát thì sợ nhân, chúng sinh thì sợ quả. Nhân quả,
hai chữ này chẳng những chúng sinh không thể thoát khỏi mà ngay cả Phật,
Bồ-tát cũng chẳng thể trốn đặng. Chỉ vì Bồ-tát có cái nhìn sâu sắc nên
Ngài chẳng tạo nhân ác; do vậy thọ hưởng được quả khoác lạc. Chúng sinh,
nhãn quang như hạt đậu; chỉ biết thấy những việc trước mắt nên luôn làm
những điều xấu ác; bởi thế mới thọ quả báo đau khổ.
Có câu nói rằng: "Ða
tái đào lý, thiểu tái kinh." Nghĩa là trồng nhiều cây đào, cây lý; trồng
ít đi những bụi gai góc. Trồng nhiều nhân tốt thì chắc chắn sau nầy sẽ có
được một tiến trình sáng lạng. Còn nếu như chỉ nhìn vào những việc trước
mắt, làm những việc bất nghĩa, không chịu vun trồng những nhân tốt thì
chắc chắn là dự bị cho mình một tiền đồ đầy gai góc sau này.
Thế nào là một tiền
đồ sáng lạng? "Tùng thỉ Tây-phương quá thập vạn ức Phật-độ, hữu thế giới
danh viết Cực-lạc." Nghĩa là ở phía trời Tây, cách đây mười vạn ức
Phật-độ, có thế giới tên là Cực-lạc.
Còn thế nào là tiền
đồ đầy gai góc? Tức là "Ðịa ngục vô môn, khổ tự chiêu." Nghĩa là địa ngục
không có cửa, tự mình rước lấy khổ.
Ở Cực-lạc thế giới
thì mặt đất là vàng ròng, ao hồ là bảy báu, trời gió thổi nghe rộn rã
tiếng âm nhạc, không việc gì mà chẳng xứng tâm, vừa ý; lại còn được thấy
Phật, nghe Pháp, chóng thành Phật-đạo. Còn địa ngục thì sao? Núi đao, vạc
dầu, rừng kiếm, chảo sôi; đó là những thứ mà mình sẽ làm bạn.
Chúng sinh được
tuyệt đối tự do chọn lựa con đường mình muốn đi. Nếu như ý muốn ở
Tây-phương thì mình phát nguyện: Cầu vãng sinh Tịnh-độ, cần tinh tấn,
siêng năng niệm Phật Bồ-tát thì chắc chắn sẽ có ngày thành công. Còn nếu
như thích địa ngục, thì giản dị lắm: Cứ làm ác thì sẽ đọa địa ngục. Tuy
nhiên, tôi khẳng định rằng con người chẳng ai lại muốn xuống địa ngục,
không muốn vãng sinh Tây-phương Cực-lạc thế giới. Trừ phi anh ta chẳng tin
có địa ngục, chẳng tin có Cực-lạc; trừ phi anh ta không biết sự thống khổ
của địa ngục và sự an lạc của Tịnh-độ.
Ðối với những kẻ
thiếu thiện căn, thiếu lòng tin như thế, mình không có phương cách gì để
độ họ. Song đối với những kẻ chưa biết đạo thì mình có thể phát lòng từ bi
mà dẫn dắt. Kẻ ngoại đạo thường nói: "Thiên đàng thì gần lắm. Thiên đàng
dành cho các vị đó." Là tín đồ Phật-giáo, mình phải biết xả thân quên
mình. Ðối với thân hữu, mình phải khuyên họ, nói cho họ nghe công đức niệm
danh hiệu Bồ-tát và ích lợi của Cực-lạc thế giới. Phải nói "Cực-lạc thế
giới là của chúng sinh." Nếu như mình thường xuyên tuyên thuyết đạo lý
nầy, thì mình chính là một vị hành đạo Bồ-tát; cùng với chư Bồ-tát đi
chung một con đường; cùng làm bạn với những vị Bồ-tát, bất thối.
Do đó, không những
mình cần niệm danh hiệu Bồ-tát mà còn phải thường khuyên người khác niệm
nữa. Như vậy thì mình mới xứng đáng là một đệ tử của Phật; mới có thể nói
rằng mình đã không quên lời phát nguyện, bốn lời hoằng thệ lúc quy y. Nên
khi nói: "Ðộc lạc lạc, bất như chúng lạc lạc." Nghĩa là cái vui mình vui,
sao bằng cái vui mọi người cùng vui. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh.
Ðối với những kẻ có cùng Phật tánh như mình, chẳng khác gì mình cả, thì lẽ
nào mình lại cam tâm nhìn họ đau khổ mà không tìm cách cứu họ, làm họ được
an lạc chứ?
"Hữu chí giả, sự
cánh thành." Nghĩa rằng người có chí thì việc chắc thành. Bởi vì chúng
sinh khó độ, nên tín đồ Phật-giáo chúng ta mỗi ngày, sáu thời, phải ghi
nhớ, đừng quên chuyện độ chúng sinh.
Giảng vào ngày 18
tháng 6, năm 1958
Học Phật Cần Phải Tu Giới,
Ðịnh, Huệ
Thường
dùng Giới Ðịnh Huệ để tự thức tỉnh, vì chúng giúp ích việc tu hành.
Giới, Ðịnh, Huệ là
việc học vô lậu, người tu hành cần phải có đầy đủ.
Giới tuy có năm
giới, thập giới, Bồ-tát giới v.v... nhưng cơ bản nhất là Ngũ-giới: Không
sát sanh, không ăn trộm, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu.
Trì giới thì không tạo tội.
Ðịnh là gì? Ðịnh tức
là thiền định, nói rộng ra chút nữa có nghĩa là bất biến. Có kẻ tu hành
đầy vọng tưởng. Hôm nay tu thiền, ngày mai nghe nói niệm Phật công đức to
lớn, liền bỏ tham thiền mà niệm Phật. Sau vài ngày lại nghe nói trì chú là
thù thắng bèn bỏ niệm Phật mà trì chú. Người như vậy, nay tu pháp môn này,
mai tu pháp môn khác, kết quả chẳng tu thành cái gì. Lại còn có kẻ niệm
Phật, niệm Bồ-tát một ngày niệm, mười ngày nghỉ, hoặc ngày nay niệm ngày
mai nghỉ, đó đều gọi là không có định lực. Ðịnh lực đối với người tu hành
rất là quan trọng; không có định lực, tu đạo đương nhiên thất bại. Thiếu
định lực thì đạo tâm chẳng kiên cố, dễ dàng bị ảnh hưởng bên ngoài chi
phối làm đọa lạc.
Tiếp đến là Huệ, tức
là trí huệ. Làm người có kẻ thông minh, người ngu dốt. Vì sao có kẻ thông
minh lại có người ngu độn? Ðấy là do nhân quả, nếu quá khứ tu hành niệm
Phật thì đời nầy chắc chắn có được trí huệ; ngược lại chẳng trồng thiện
căn thì trí huệ đương nhiên chẳng có.
Trong Sách Ðại-học
nói:
Ðịnh nhi hậu năng
Tịnh,
Tịnh nhi hậu năng
An,
An nhi hậu năng Lư,
Lư nhi hậu năng Ðắc.
Nghĩa là:
Có Ðịnh rồi mới
Tịnh,
Có Tịnh rồi mới
An,
Có An rồi mới
Sáng,
Có Sáng rồi mới
Ðược.
Do đó có Ðịnh mới
sinh được Huệ. Nếu chẳng có Ðịnh, tạp niệm đầy dẫy, vọng tưởng lăng xăng
thì làm sao có thể thấy suốt đúng, sai, rõ ràng chân lý được.
Giới nghĩa là quy
luật giúp mình đề phòng phạm tội. Khi chưa phạm tội, mình cần tu Ðạo, bí
quyết tu đạo là ở định lực. Có định lực thì sinh trí huệ, từ đó mới có thể
liễu đạo thành Phật. Nên Giới, Ðịnh, Huệ là điều kiện tất yếu mà người tu
Ðạo phải có. Không trì giới thì có thể tạo tội nghiệp, thiếu định lực thì
tu Ðạo không thành, không trí huệ thì ngu si vô trí.
Tôi khuyên các vị
hãy lấy "Giới Ðịnh Huệ" ba chữ này khắc sâu vào lòng, thường đem ra tự
cảnh tỉnh. Tôi tin rằng đối với việc tu, chúng giúp ích mình lắm.
Giảng ngày 18
tháng 6 năm 1958
Nước Chảy Trào Trước Cửa Chùa
Bên
này xưa nay không có nước lại tự nhiên có.
Chẳng lẽ
thật sự đây chính là do tôi mang lại?
Hôm nay là lễ đức
Bồ-tát, tuy Chùa Tây Lạc Viên (Hồng Kông) xây ở trên núi xa xôi, phải leo
ba trăm bậc thang cấp mới lên tới được; song quý-vị tới đây tham gia đả
thất thì vô cùng vui sướng, đủ thấy rằng quý-vị có tâm chân thành, tinh
thần dũng mãnh tinh tấn.
Kể về số lượng người
tham gia đả thất thì mỗi năm mỗi đông hơn. Nhiều người ở đây sau khi lạy
Phật về cho biết rằng công việc làm ăn của họ thuận lợi hơn xưa.
Như vị cư sĩ Viên
Quả Lâm, từ ngày đến chùa công việc càng ngày càng phát đạt. Còn cư sĩ Ðàm
Quả Bộc từ ngày quy y thì tăng phước diên thọ, năm nay tám mươi tuổi ngoài
mà thân thể vô cùng tráng kiện.
Có một em què từ bốn
tuổi đến chín tuổi chẳng đi được, nhưng khi đến đây lạy Phật thì chân lành
bịnh, có thể đi đứng được. Con gái nhà họ Viễn chân cũng bị bịnh, tìm
thuốc bắc, uống thuốc tây nhưng bịnh chẳng lành, sau khi lạy Phật thì bịnh
khỏi ngay. Do vậy nên nhiều người tuyên truyền rằng tôi có thể trị bệnh,
thực sự chẳng qua đó là do công đức lạy Phật mà ra.
Còn một chuyện đáng
gọi là kỷ niệm: Trước khi chùa Tây Lạc Viên thành lập thì khu đất nầy là
một hố sâu bảy tám thước. Sau đó mấy người thợ mới đổ đất san bằng để làm
chùa. Chỗ đất nầy xưa nay chẳng có nước, nhưng đạo tràng xây xong rồi thì
có nguồn nước chảy ra bất tận. Có người nói rằng nước nầy là do tôi đem từ
núi Phù Dung lại. Vì khi tôi ở núi Phù Dung động Quán Âm thì ngoài động có
nước, nhưng kỳ quái thay khi tôi đến chùa nầy thì nước bên kia lại cạn
mất. Bên nầy xưa nay không có nước lại tự nhiên có. Chẳng lẽ thật sự đây
chính là do tôi mang lại? Ðó chắc chắn là do sự cảm ứng của Phật, sự ủng
hộ của Thiên Long.
Hôm nay quý-vị vui
mừng, hăng hái như vậy, song cuộc vui chóng tàn, phải chờ tới sang năm mới
thực hành khóa khác. Sang năm, quý-vị muốn tham gia đả Quán Âm Thất thì
phải sớm ghi danh đồng thời phát nguyện đả toàn thất. Ðến tháng mười một
thì sẽ có A Di Ðà Thất, quý-vị cần phải dũng mãnh tinh tấn tham gia chẳng
có phóng dật giải đãi.
Nay tôi có pháp môn
vô thượng nói cho quý-vị nghe, song trước khi nói Pháp, quý-vị phải biết
rằng cầu Pháp không phải dễ. Nên quý-vị phải đáp ứng lời tôi rằng sau khi
nghe xong phải y Pháp tu hành thì tôi mới nói cho nghe.
Pháp môn nầy quý-vị
mỗi ngày phải trước mặt Phật mà phát nguyện:
Chúng sinh vô biên
thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ
nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng
thệ nguyện học.
Phật đạo vô thượng
thệ nguyện thành.
Bốn đại nguyện nầy
quý-vị đều hiểu rõ, chư Phật thành Ðạo đều từ bốn lời nguyện này. Chư
Bồ-tát lại cũng từ nơi nguyện đây tu. Lại còn mấy lời nguyện mà quý-vị am
tường hơn, tức là:
Nguyện sinh
Tây-phương Tịnh-độ trung,
Cửu phẩm liên hoa vi
phụ mẫu.
Hoa khai kiến Phật
ngộ vô sanh.
Bất thối Bồ-tát vi
bạn lữ.
Nếu như quý-vị mỗi
ngày có thể phát nguyện như vậy, thì tôi tin chắc rằng quý-vị sẽ được gặp
mặt đấng Từ-tôn, sẽ không lùi bước trên đường học Ðạo, và sẽ sớm được
thành Phật.
Giảng ngày 19
tháng 6 năm 1958
Gia Phong của Kim Sơn Thánh Tự
Hai
giờ sáng thức dậy tọa thiền đến nửa đêm mới ngủ. Cả buổi chỉ có một giờ
nghỉ ngơi.
Kim phùng nhất cửu
thất lục niên,
Thập phương đại
chúng lại tham thiền.
Thời khắc phân thiền
đương ái tích,
Hành trợ tọa ngọa tế
toàn nghiên.
Hư không đã phá minh
tâm địa,
Pháp-giới y nhiên
kiến tánh thiên.
Bổn lai diện mục hà
xứ mịch,
Trực hạ thừa dương
Kim Sơn Tự.
Nghĩa là:
Nay nhằm năm một
chín bảy sáu,
Mười phương đại
chúng về tham thiền.
Giờ phút tích tắc
cần quý giữ,
Ði đứng nằm ngồi
khéo dũa mài.
Ðập nát hư không
tâm địa sáng,
Y nhiên Pháp-giới
thấy tánh thiên.
Bổn lai diện mục
ở đâu tìm?
Ngay đây, tức
khắc: Kim Sơn Tự.
Hôm nay là ngày rằm
tháng 12 năm 1976, quý-vị có thiện căn ở mười phương tới cái lò lửa của
Kim Sơn Thánh Tự để tham thiền. Tham thiền không phải là chuyện đùa, phải
chịu nhiều sự khốn khổ. Buổi sáng bắt đầu dậy từ hai giờ để ngồi thiền
(tọa hương). Ngồi một mạch đến 12 giờ đêm mới ngủ, trung gian chỉ có một
giờ đồng hồ để nghỉ ngơi. Ðây là gia phong của Kim Sơn Thánh Tự.
Trong thời kỳ tham
thiền, mình phải quên thân, quên tâm, quên cả thế giới; tất cả mọi thứ đều
quên hết; tức là không còn cái "ngã" nữa, cũng có nghĩa mọi thứ đều là
không. Khi tới được cảnh giới chân không như vậy, thì mới sinh được diệu
hữu. Quý-vị phải chú ý! Trong lúc tu hành, mình không thể tùy tiện nói
chuyện, tùy tiện nghỉ ngơi, không được vọng tưởng, cũng không được lười
biếng hoặc tìm cách đi ngủ. Mỗi một giờ mỗi một phút mỗi một giây đều phải
biết quý trọng nó, nuối tiếc nó, cho nên người ta nói rằng:
Nhất thốn thời
quang, nhất thốn mệnh quang.
Nghĩa là:
Một chút thời
gian là một chút mạng sống.
Bởi vậy, khi đi cũng
tham thiền, khi đứng cũng tham thiền, khi ngồi cũng tham thiền và khi nằm
cũng tham thiền. Ði đứng nằm ngồi đều là tham thiền. Nên nói phải cần khéo
lấy cái tâm mà mài dũa. Mài qua dũa lại, càng mài càng dũa thì càng sáng
suốt.
Mài dũa là tham
thoại đầu, không được đình chỉ, không được ngừng nghỉ. Lúc nào cũng tham
câu "Niệm Phật Là Ai?" hoặc là tham câu "Khi cha mẹ chưa sinh ra ta, thì
bộ mặt ta như thế nào?" Bởi vậy, nên nói mình cần phải dùi mài, đục dũa
cho tới một ngày nào đó mình sẽ "đập nát đi cái hư không" (ám chỉ sự vô
minh ngu muội). Ðến lúc đó thì mình sẽ hiểu rõ tâm địa của mình. Hư không
tuy bị mình đập phá đi nhưng Pháp-giới thì vẫn y nhiên tồn tại. Pháp-giới
đó tức là mười Pháp-giới, vẫn tồn tại, không có tạp loạn gì hết. Ðó là lúc
mình thấy được tánh thiên nhiên của mình. Cái bản lai diện mục của quý-vị
thì phải tìm ở đâu? Quý-vị nên đến Kim Sơn Thánh Tự để tìm lại bản lai
diện mục của mình. Quý-vị tới chỗ khác sợ rằng sẽ tìm không thấy đâu.
Tám câu kệ tôi nói
hôm nay, hy vọng quý-vị lưu tâm nhớ nó, theo đó mà tu hành, không thể ăn
mà không tiêu hóa, đó thật là vô lý. Chớ xem việc nầy như gió thổi qua
tai, nghe rồi cũng như chưa nghe, chẳng có ích lợi gì cả.
Giảng ngày 15
tháng 12 năm 1976 nhân dịp Thiền-thất tại Kim Sơn Thánh Tự
Học Phật Cần Có Chân Tâm
Nhất
cử nhất động, nhất ngôn nhất hạnh, đều phải chân thật.
Học Phật-pháp mình
cần phải có tâm chân thật, nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất hạnh đều phải
chân thật. Ðừng nên như kẻ thế tục, một nửa thật nửa giả. Nói năng thì lúc
có chút thiệt thà; lúc lại đầy giả dối. Người tu Ðạo lúc nào cũng phải nói
thật, làm chuyện thật, không được nói láo. Mỗi một ý niệm, phải bỏ đi điều
lỗi lầm; trừ tập khí trong vô lượng kiếp và cố gắng cải đổi nó đi. Tội lỗi
mình đã tạo trong vô lượng kiếp phải sám hối cho hết sạch.
Tại sao có kẻ học
Phật lâu năm như vậy mà không có một chút tương ứng nào cả? Là bởi vì mình
còn bao che lỗi lầm của mình, không chịu đem tâm chân thật ra mà tu hành.
Cho nên thời gian trôi qua uổng phí mà mình không khai được trí huệ chân
chính, và cũng không được định lực chân chính. Thời gian trôi qua một cách
oan uổng, mà mình đạo nghiệp chẳng được thành tựu, đó là điều thật đáng
tiếc thay.
Sống trong chùa,
mình cần phải cần kiệm tất cả những thứ vật chất. Có câu rằng:
Ái tích thường-trụ
vật,
Như hộ nhãn trung
châu.
Nghĩa là:
Hãy quý vật của
chùa,
Như gìn giữ con
ngươi (trong mắt).
Ðồ vật của chùa như
gạo, dầu, tương hay dấm, mình đều phải quý nó, không được lãng phí bừa
bãi. Cho đến những cái mình dùng, một đầu ngọn cỏ, một khúc gỗ, một trang
giấy mình cũng phải biết quý, biết tiếc kiệm. Nếu ở những chỗ nầy mình
không cẩn thận, chẳng biết tiếc phước thì làm tiêu hao công đức biết bao.
Rằng:
Sở tu, bất như sở
tạo,
Sở đắc, bất như sở
đâu.
Nghĩa là:
Công mình tu
không bằng nghiệp mình tạo,
Ðiều mình được ít
hơn thứ mình mất.
Thêm một điều nữa là
nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất hạnh mình chớ tổn hại đến người khác.
Khi nói thì phải dùng lời lẽ đức độ; không được nói lời ỷ ngữ (lời thêu
dệt), lời dối trá, lời ác ôn hay lời hai đằng. Miệng là cái mà mình cần
phải chú ý đặc biệt. Thân thì không được sát sinh, không được trộm cắp,
không được tà dâm. Ý thì không được phạm tham sân si, đừng nên coi trọng
tấm thân thịt da hôi hám nầy. Nếu tâm tâm niệm niệm mình vì thân này lén
trộm đồ ăn, tìm áo quần trang sức, hoặc tìm cách để thân nầy hưởng thụ,
khoái lạc thì đó đều là điên đảo! Mình phải nghĩ làm sao mà xuất ly
tam-giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), thoát ra khỏi lục đạo (địa
ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, người và trời) luân hồi nầy, làm sao cải
biến sửa đổi tập khí của mình. Phải làm cạn sạch bể ái tình. Lúc ấy mình
mới toại tâm mãn nguyện thành tựu đạo quả Bồ-đề được.
"Tu đạo, mình không
được hưởng phước." Hãy nhớ lại gương các vị lão Tổ tông của Phật-giáo. Ðức
Phật Thích Ca là một vị thái tử quyền quý cao sang nhất, song Ngài có thể
bỏ tất cả để xuất gia tu Ðạo. Nếu nói đến thân phận, thì dù Ngài xuất gia
rồi, Ngài cũng có thể ăn ngon mặc đẹp, ở chùa thật tốt thật sang; song
Ngài đâu có làm vậy. Ngài tới núi Tuyết Sơn chịu khổ sở, đói khát, nóng
lạnh, tu hành suốt sáu năm. Trong sáu năm đó, Ngài không ăn đồ ngon, chẳng
ở chỗ đẹp, cũng không có kêu người ta tới cúng dường. Ngài chỉ ở đó kham
chịu mọi khổ cực.
Thử ngẫm nghĩ xem
thân phận quyền quý của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, người tự ý chịu khổ tu
hành như vậy; rồi hãy thử ngẫm đến thân phận của mình ra sao? Mình bất quá
chỉ là kẻ phàm phu thì tại sao đòi ăn ngon, mặc đẹp, ở chỗ tốt, tham hưởng
thụ, không chịu cực lại còn sợ khổ! Quý-vị thử nghĩ xem mình so sánh với
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, thật chẳng hết sức hổ thẹn sao?
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm
Phải
làm như chẳng hề làm.
Khi
làm xong việc gì, đừng chấp
trước
rằng có được công đức gì.
Tác lễ vô trụ hóa
vãng sanh.
Vô cùng vô tận nghĩa
di phong.
Thập phương Như Lai
đồng nhiếp thọ.
Ly khổ đắc lạc xuất
hỏa khanh.
Nghĩa là:
Không trụ lễ lạy,
độ vãng sanh.
Nghĩa lý phong
phú chẳng tận cùng.
Mười phương Như
Lai đồng tiếp thọ.
Thoát hầm lửa khổ
được an vui.
Ðạo Phật thường có
câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" (khởi tâm niệm mà chẳng trụ trước vào
bất kỳ quan niệm, tình cảm hay hình tướng gì cả). Do đó khi giảng Chú Lăng
Nghiêm, tôi có nói rằng: "Tác lễ vô trụ hóa vãng sanh." Chữ "sanh" này có
nghĩa là sanh sanh không ngừng, hóa hóa chẳng dứt. Tác lễ là lễ lạy chư
Phật. Vô sở trụ có nghĩa là không chấp trước. Quý-vị nói: "Nếu tôi không
tu hành gì hết thì sẽ chẳng có gì chấp trước!" Như vậy là lầm! Khi tu
hành, quý-vị chớ chấp trước là mình có tu. Quý-vị nói: "Nếu lúc không ăn
uống mà tôi chẳng chấp trước là tôi không ăn uống, thì cái bụng tôi có
chịu đồng ý đâu." Song le nếu quý-vị ăn no rồi, mà cứ muốn ăn thêm, thì
cũng chẳng đúng. Kinh Kim Cang nói: "Khởi tâm niệm song chẳng trụ trước
vào đâu cả."
Hôm nay có một người
nghĩ rằng câu "Khởi tâm niệm song chẳng trụ trước vào đâu cả" thì cho rằng
không cần tu hành, không cần niệm chú, cũng chẳng cần tụng kinh; vậy thì
mới không chấp trước. Không phải vậy đâu! Mình phải "hành sở vô sự" - làm
mà như chẳng hề làm. Khi làm việc gì rồi, quý-vị đừng nên chấp trước rằng
mình được công đức này nọ, thì đó chính là vô sở trụ. Khi có chỗ trụ trước
thì có chỗ dính mắc, chỗ kẹt cứng, không thể siêu thoát được. Do đó, thâm
tâm mình chớ trụ trước vào đâu cả, quét sạch hết mọi pháp, xa lìa hết mọi
tướng. Lúc đó thì sự sanh sanh hóa hóa (cảnh do chân tâm hiển hiện) sẽ vô
cùng vô tận. Do đó câu: "Vô cùng vô tận nghĩa di phong" là nói sự vô cùng
tận của ý nghĩa câu Chú Lăng Nghiêm. Ý nghĩa của câu Chú nhiều đến nỗi
không còn gì nhiều hơn nữa.
Bởi vì thế khi mình
niệm một câu Chú Lăng Nghiêm thì "Thập phương Như Lai đồng nhiếp thọ,"
mười phương chư Phật đều nhiếp thọ mình, hệt như khi mình đối xử với một
em bé vậy: "Con ơi đừng khóc nữa! Ta cho kẹo đây nè. Ðừng khóc! Chờ một tí
ta sẽ cho con trái táo!" Khi em bé nghe trái táo tai nó vễnh lên, chú ý
nghe. Cũng vậy, chư Phật mười phương nhiếp thọ quý-vị, khiến quý-vị "ly
khổ đắc lạc, xuất hỏa khanh."
Trí Huệ Quang Minh Từ Vô Lậu
Khi
lòng có dục niệm, thật giống như của cải
bị bọn
cướp đoạt mất.
Chư Phật Bồ-tát hiền
thánh tăng đều có trí huệ quang minh vô lượng. Trí huệ đó là trí huệ vô
lậu vô tận.
Người thường ai cũng
là hữu lậu bởi vì có vô minh. Phật Bồ-tát là vô lậu bởi vì các Ngài không
còn vô minh nữa. Vô minh nghĩa là không hiểu biết, hồ đồ, không biết cái
nào đúng cái nào sai, không phân biệt được trắng với đen.
Cái lậu lớn nhất là
dục lậu (lòng dâm dục), nếu mình có lòng dâm thì cũng giống như tài sản
(công đức) của mình bị bọn cướp (lòng dục vọng) đoạt mất đi. Cũng giống
như thân cây bị sâu khoét không còn dùng đặng. Lại cũng giống như mâm đồ
ăn thơm ngon lại bị bỏ một đống phân ở bên trên làm cho người ta buồn nôn
đến ba ngày.
Có người lại nói:
"ồ, tâm dâm dục nầy ai cũng có cả mà." Ðúng, bởi vì do có lòng dâm đó, nên
mình mới phải tu hành. Nếu mình không còn dục vọng thì bản lai trí huệ
quang minh mới hiện ra. Nên "vô lậu" là chỗ mà người tu hành muốn tới; đó
là đồ quý nhất người tu muốn đắc.
Quý-vị phải hết sức
chú ý! Trong sáu thứ thần thông (Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Thần
túc thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Lậu tận thông) Lậu-tận-thông nầy
nghĩa là gì? Chính là không còn dục lậu nữa, hoàn toàn không còn lòng dâm
dục nữa. Nên nói rằng mình phải "đoạn dục khử ái" (Cắt đứt lòng dâm dục,
chặt phăng tâm ái tình), nếu có thể tu đến chỗ "lô hỏa thuần thanh" (công
phu chín mùi) thì mình sẽ tự tại. Nếu không đoạn dục, không khử ái thì
mình luôn bị vô minh chi phối làm điên đảo. Từ sớm đến tối không được tự
tại, không được sung sướng là bởi vì lòng dâm dục cứ phá phách mình.
Các vị
thiện-tri-thức! Ðây là chỗ thiết yếu mà mình cần phải đặc biệt dụng công.
Bởi do nó mà mình phản bổn hoàn nguyên, khôi phục bản lai diện mục của
mình, chứng được trí huệ vô tận; cái nguồn đó không bao giờ cạn, lấy không
hết, dùng cũng không xuể.
Quý-vị cần phải phát
tâm bồ-đề mới có thể phá được cửa sinh tử. Tự mình phải phản tỉnh hỏi lòng
mình: Tại sao ta cần phải tin Phật? Tại sao ta muốn xuất gia? Tại sao xuất
gia rồi mà mình không tu hành? Tại sao xuất gia rồi ta vẫn còn đủ thứ vọng
tưởng? Ðó là những vấn đề mà mình đừng nên bỏ qua, phải nghĩ cho thông
suốt thì mới thoát khỏi Tam-giới, liễu sinh thoát tử, đến chỗ Niết-bàn an
lạc được.
Tu Ðức - Tạo Nghiệp
Trong
cuộc sống hằng ngày, ta giống như kẻ sống trong say đắm, chết trong mộng
mị. Không tu một chút công đức nào, thì làm sao thành Phật được?
Quý-vị thử nghĩ xem:
Phật xưa kia, do tu vô lượng vô biên công đức, nên mới thành Phật được.
Chúng ta tại sao
chưa thành Phật? Là bởi chúng ta chưa có tu vô lượng vô biên công đức.
Công đức của mình so với Ngài thật quá sai lệch. Bởi vì một mặt thì mình
tu hành, một mặt thì tạo tội nghiệp; do đó "Công tu không bằng tội nghiệp
tạo ra."
Từ sáng đến tối mình
tạo thân nghiệp, tạo khẩu nghiệp, tạo ý nghiệp. Thử xét tư tưởng của mình:
Hết tưởng người nầy không tốt lại tưởng người kia đối với mình không đẹp;
tưởng người nọ đối với mình nghĩ như vầy, nói thế kia, cho nên trong lòng
tạo ra đủ thứ nghiệp tham, sân, si. Ở nơi miệng, mình cũng tạo nghiệp, nào
là nói thị phi (kẻ đúng người sai), hoặc là nói láo, nói lời thêu dệt, nói
điều ác ôn, nói điều đâm chọc hai đầu làm cho người nầy người kia bất hòa.
Có những người một ngày không nói những chuyện thị phi thì giống như một
ngày họ không sống vậy. Một ngày không nói láo giống như ngày đó họ không
có cơm ăn vậy, họ cảm thấy rất là khó chịu, nên từ sáng tới tối phải nói
chuyện thị phi, nói chuyện láo lếu thì họ mới sống được. Các vị coi thử
mấy người nầy có kỳ quái chăng? Thật làm cho người ta tốn công giải thích!
Những người có tật
xấu mà tự mình không nhận lỗi, lại còn che đậy, bao che cho cái tội của
mình. Cho rằng mình đâu có nói dối, mình nào có vọng tưởng, mình cũng
chẳng có dục niệm, đeo cái mặt nạ giả để đi lừa người khác. Kỳ thật ở đời
nầy làm sao mình có thể lừa được ai? Chẳng những mình không lừa được người
khác mà tự mình cũng không lừa được chính mình. Tại sao vậy? Tại vì khi
mình có vọng tưởng, thì thử hỏi xem mình có biết hay không? Nếu mình biết
thì mình không cách gì lừa được mình. Nếu không lừa được chính mình, thì
làm thế nào để lừa người khác chứ? Chỉ có người ngu si thì mới đi lừa kẻ
khác thôi.
Người không thật sự
tu hành thì mang mặt nạ, lòng dạ đen tối, không giữ quy luật, chẳng làm
chuyện quang minh chính đại, song không chịu thừa nhận. Do đó trong sự
sinh hoạt hằng ngày, y giống như kẻ được sinh ra trong say đắm, chết đi
trong mộng mị (túy sinh mộng tử). Không tu một chút công đức nào, thì làm
sao thành Phật được? Những người nầy cách xa Phật đến trăm ngàn vạn dặm.
Nói cách khác, công
đức mà mình tu được ít hơn tội nghiệp mình tạo ra, tức là "Phần thu hoạch
không nhiều bằng phần mất đi." Thử hỏi như vậy thì làm sao thành tựu được?
Vạn Vật Ðều Nói Pháp Cho Mình
Hễ tỏ
rõ thì mới buông bỏ đặng.
Không
tỏ rõ thì cứ mãi chấp trước.
Trong Kinh Hoa
Nghiêm có dạy rằng: "Phật thị hiện bách thiên ức chủng âm thanh, vi chúng
sanh diễn thuyết diệu Pháp." Nghĩa là Phật thị hiện trăm ngàn ức loại âm
thanh, để diễn nói Pháp mầu cho chúng sinh. Chúng ta cần giác ngộ tất cả
các âm thanh trên thế giới, vì tất cả đều là tiếng thuyết Pháp. Rằng:
Khê thanh tận thị
quảng trường thiệt,
Sơn sắc vô phi thanh
tịnh thân.
Nghĩa là:
Suối reo là tiếng
lưỡi rộng dài,
Non xanh là bóng
thanh tịnh thân.
Tiếng âm thanh của
con suối, con lạch giống như tiếng nói từ nơi lưỡi rộng dài của đức Phật
diễn thuyết diệu Pháp; màu xanh của núi, cũng chính là màu của thanh tịnh
Pháp-thân, khiến kẻ trông thấy sinh lòng hoan hỷ. Nếu hiểu được triết lý
này, thì trên đời, tất cả mọi thứ đều đang nói Pháp cho mình nghe.
Người thiện nói Pháp
thiện. Người ác nói Pháp ác. Con ngựa thì nói Pháp làm ngựa, con trâu thì
nói Pháp làm trâu. Chúng làm mình hiểu nguyên nhân làm thân ngựa, thân
trâu. Thì ra, những con ngựa, con trâu này kiếp trước là kẻ không hiếu
thảo với cha mẹ, không cung kính với sư trưởng, hoặc không muốn nghe lời
cha mẹ, ân sư giáo huấn, quay lưng nghịch lại cha mẹ, ân sư, nên giờ đây
sinh ra làm loài súc vật, chúng không thay đổi gì mấy.
Nói tóm lại, trì
Ngũ-giới và hành Thập-thiện thì mình sinh làm người hay lên trời. Khi có
tham, sân, si, thì bị đọa ba nẻo ác (địa ngục, ngạ quỷ, và súc sinh).
Con mèo đuổi bắt con
chuột. Con cọp rượt ăn con thỏ. Kẻ mạnh hà hiếp kẻ yếu. Tất cả đều nói
Pháp cho mình nghe. Sự gì cũng đều có nhân quả của nó. Mỗi việc đều có lập
trường riêng, đều nói lên Pháp kỳ-diệu cho mình nghe. Ông thầy thì nói
Pháp của ông thầy. Học trò thì nói Pháp của học trò. Vị Tỳ-kheo thì thuyết
Pháp của vị Tỳ-kheo. Vị Tỳ-kheo-ni thì thuyết Pháp của Tỳ-kheo-ni. Hữu
tình thuyết Pháp, vô tình cũng thuyết Pháp. Nếu nhận thức được thì núi
xanh, mây trắng, bông vàng, trúc biếc, vạn sự vạn vật đều thuyết Pháp cho
mình nghe cả.
Kẻ thổ phỉ đi ăn
cướp tài vật của người khác là bởi vì trong quá khứ y từng bị kẻ khác
cướp, nên bây giờ tới đòi nợ. Nếu xưa không bị người cướp mà bây giờ đi
cướp của người, thì tương lai y sẽ bị người cướp lại. Ðó gọi là hoàn trái
(tức là trả nợ). Ðây là đạo lý chân thật về sự báo ứng trong vòng tuần
hoàn nhân quả.
Do đó, làm người
mình phải biết "chánh đại quang minh, đại công vô tư" (đại công nghĩa là
việc chung, vô tư nghĩa là không có lòng ích kỷ, tư vị riêng). Bất cứ mọi
nơi, mọi lúc mình không nên nghĩ cách chiếm tiện nghi, không chịu thua
thiệt. Thật sự thì "chịu thua thiệt là cách để được tiện nghi." Phải nhớ
lấy, quý-vị, hãy ghi nhớ lấy. Ðừng nên tìm cách để chiếm tiện nghi, mình
phải nhường cho người khác, chịu thua thiệt đi. Khi được tiện nghi mà mình
không nhận, mình nhường lại cho người khác, thì đó chính là mình tồn giữ
được cái đức.
Mọi người phải làm
đúng với cương vị, tận tình vì chức vụ của mình. Ðừng tham những thứ mình
không xứng đáng hưởng, đừng uống quá lố những thứ rượu chè. Ðó cũng là
thuyết Pháp vậy.
Nên nói:
Thanh thanh thúy
trúc tổng thị pháp thân,
Uất uất hoàng hoa vô
phi bát nhã.
Nghĩa là:
Xanh xanh trúc
biếc đều lộ Pháp thân.
Lấp lánh cúc vàng
không chẳng Bát-nhã.
Mình phải quan sát
tất cả mọi sự việc như vậy. Hễ hiểu rồi thì hãy buông bỏ mọi thứ. Không
hiểu thì sẽ mãi chấp trước.
Ðừng Chờ Tới Lúc Già Mới Học
Ðạo
Tại
sao mãi tới hôm nay mình vẫn chần chờ, chưa chịu tu?
Sinh ra ở thế gian
này, chúng ta phải biết mau mau tu hành, đừng nên chờ đợi. Lúc trẻ không
tu, chờ đến khi đầu bạc mới tu thì nhiều khi không còn kịp nữa, cho nên có
câu rằng:
Mạc đãi lảo lai
phương học Ðao,
Cô phần tận thị
thiếu niên nhân.
Nghĩa là:
Ðừng chờ đến già
mới chịu tu,
Mộ hoang lắm kẻ
tuổi còn xanh.
Người trẻ nhưng cũng
mau đi đến chỗ chết. Con quỷ vô thường đâu cần biết người già hay trẻ, khi
thời điểm đến, thì nó không khách sáo với ai cả, nó sẽ lôi mình tới gặp
Diêm-la-vương. Cho nên:
Dương gian vô lão
thiếu.
Âm gian thường tương
phùng.
Nghĩa là:
Trên dương thế,
kể gì già trẻ.
Dưới âm phủ,
thường đụng mặt nhau.
Các vị nên chú ý:
Thời gian rất quý báu. "Một chút thời gian là một chút mạng sống." Cho nên
chớ tùy tiện để cho thời gian trôi qua lãng phí. Chờ đến lúc tam tai (nạn
lửa, nạn nước, nạn gió) tới, mình tránh được chăng? Vì vậy lúc trẻ mình
cần phấn tấn tu hành, đừng chờ tới ngày mai mới tu. Hôm nay, tức thời tu
hành, đó là thượng sách.
Có người nghĩ rằng:
"Ngày hôm nay mình khoan tu đã, chờ đến ngày mai hãy tu." Nhưng ngày mai
đến, mình lại hẹn đến ngày mai nữa, hẹn hoài hẹn mãi, hẹn đến lúc đầu bạc,
mắt mờ, tai lạng, răng long. Lúc đó dù muốn tu, mà tứ chi chẳng còn linh
hoạt, thân nào có nghe lời mình. Bấy giờ, khổ vô cùng vậy!
Các vị nên nhớ rằng,
chúng ta sống trên đời nầy cũng giống như con cá nằm trên vũng nước nhỏ,
không bao lâu nước sẽ cạn. Có câu:
Thị nhật dĩ quá,
mạng diệc tùy giảm,
Như thiểu thủy ngư,
tư hữu hà lạc;
Ðại chúng!
Ðương cần tinh tấn,
như cứu đầu nhiên;
Ðản niệm vô thường,
thận vật phóng dật.
Nghĩa là:
Một ngày đã hết,
mạng cũng giảm dần,
Như cá cạn nước, thử
hỏi vui gì?
Ðại chúng!
Hãy siêng tinh tấn,
như đầu bị đốt,
Chỉ nhớ vô thường,
chớ mặc buông lung.
Từ vô lượng kiếp đến
nay, chúng ta không biết làm sao tu, nên sinh rồi lại chết, chết rồi lại
sinh, đó là điều mà mình phải hết sức đau lòng. Tại sao tới ngày hôm nay
mình vẫn còn chần chờ, chẳng chịu tu? Quý-vị nghĩ xem, thời gian không chờ
đợi ai, trong nháy mắt thì sinh mạng mình đã kết thúc rồi.