KHAI THỊ
QUYỂN 1
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Phần 1
Phật Pháp
là Thực Hành, Không Phải Chỉ Nói Suông
Ðạo
đức là căn bản làm người.
Một
khi có đạo đức rồi, chúng ta mới có thể đứng vững được.
Ngày đêm như tên
bắn, năm tháng như thoi đưa. Sóng trên sông, ngọn sau đẩy ngọn trước; cảnh
đẹp mau tàn. Ðời người tuổi trẻ qua nhanh, chẳng mấy chốc sẽ già chết hủ
diệt, không lưu lại dấu vết, đủ thấy mọi thứ thật vô thường.
Do mọi thứ vô thường
nên mình phải mau tìm nơi quy túc. Quý-vị rất là may mắn, sau khi tìm tòi,
truy đuổi, cuối cùng đã có lòng tin Phật. Tin Phật thì mình mới đến được
chỗ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh; tức cái vui rốt ráo nhất. Do đó mình phải tin
Phật. Nhưng tin suông chưa đủ, mình phải y theo Pháp mà tu hành. Nếu tin
mà không tu thì cũng như bàn chuyện ăn cơm, hay đếm giùm tiền người, mà
mình thì chẳng thấy no, hoặc chẳng giàu thêm. Cho nên người xưa có nói:
Ðạo thị yếu hành,
Bất hành tắc yếu đạo
hà dụng?
Ðức thị yếu tu,
Bất tu tắc đức tòng
hà lai?
Nghĩa là:
Ðạo phải hành,
Không hành sao
gọi là đạo.
Ðức do tu,
Không tu đức sao
thành.
Thế nên mình phải
"cung hành thực tiễn," thật sự tu hành. Thường đem hai chữ sinh tử treo
giữa đôi mày và hai chữ "đạo đức" đạp dưới chân. Nói ra nghe có vẻ khó
hiểu. Tại sao lại đem "đạo đức" đạp dưới chân? Vì đạo đức là gốc làm
người, ví như là gốc của cây. Có đạo đức thì mình mới đứng vững, còn ngược
lại, không có đạo đức thì mình như cây chẳng có gốc, không sao đứng vững
đặng. Mình cần đem đạo đức ra thực hành thì nhân cách mới vững vàng, mọi
sự mình làm tự nhiên sẽ thành công. Cho nên: "Ðạo đức nhị tự, thị tố nhân
căn bổn." Tức là đạo đức là căn bản làm người. Sách Luận Ngữ nói: "Quân tử
vu bổn, bổn lập nhi đạo sanh." Tức là bậc quân tử chú trọng đến cái gốc,
khi gốc vững thì Ðạo phát sinh. Chăm lo cái gốc thì mới sinh được đạo. Ðó
là lời minh huấn của cổ nhân.
Như đã nói lúc nãy,
thời gian trôi nhanh như tên bắn mà ta nào hay. Chuyện quá khứ đã qua thì
đành vậy, song chuyện tương lai, cần phải lập ra tông chỉ, không thể để
trôi qua một cách mê mờ được.
Tông chỉ của Chùa
Tây Lạc Viên là đề xướng Pháp-môn Tịnh-độ; chủ trương tinh tấn niệm Phật.
Thường lệ mỗi năm vào ngày 19 tháng 6 và ngày 17 tháng 11 âm lịch thì Chùa
cử hành Pháp-hội Quán-âm và Thất Di Ðà. Song quý vị không thể chỉ tham gia
cho có lệ thôi. Năm nay phải tinh tấn hơn năm trước, lúc nào cũng phải
chuyên tâm, trong bảy ngày này, mỗi giờ, mỗi phút đều phải siêng năng niệm
danh hiệu Bồ-tát mà không biết mỏi mệt.
Khi niệm Bồ-tát,
mình chớ mong Bồ-tát niệm mình. Tại sao vậy? Vì trong thời gian đả thất,
nếu mang danh là tham gia đả thất mà mình không siêng năng niệm hồng danh,
lòng lại đầy tạp niệm thì chỉ làm cho đức Bồ-tát đại từ đại bi sẽ thấy tội
nghiệp: Rằng mình đã không thành tâm đả thất, rằng mình thật đáng thương
xót. Cho nên đại chúng phải khẩn thiết thành tâm mà niệm và phát lòng từ
bi hỷ xả. Ðược như vậy tôi khẳng định rằng Bồ-tát chắc chắn sẽ gia hộ cho
quý-vị.
Xưa nay, Tây Lạc
Viên chưa từng phát thiệp mời đả thất, mà là đại chúng tự nguyện phát tâm
đến dự. Tinh thần tự động phát tâm như vậy rất tốt, đáng được tuyên dương.
Song mình đừng để sự chân thành nầy bị lãng phí, mà phải phát nguyện niệm
cho tới khi "thủy lạc, thạch xuất" nghĩa là nước cạn, đá lộ ra.
Niệm đến lúc Bồ-tát hiện thân thuyết Pháp. Vậy mới không uổng công tham
gia đả thất.
Hôm nay là ngày đầu
tiên của Pháp-hội. Tôi chúc quý vị năm nay sẽ gặt hái được nhiều thành
quả. Ngược lại, tôi sẽ thanh toán món nợ nầy với quý-vị. Nếu món nợ này
tính không xong, thì đừng hối hận! Thôi được rồi, tôi không nói đùa với
quý-vị nữa, hãy niệm nhiều danh hiệu Bồ-tát là hơn!
Giảng ngày 13
tháng 6 năm 1958, nhân dịp lễ Quán Âm Thất Tây Lạc Viên, Hồng Kông
Chú Ðại Bi Tiêu Trừ Tai Nạn
Sự lợi
ích chân chính thường khó diễn bày.
Giống
như người uống nước,
lạnh
hay nóng chỉ tự mình biết.
Ngay trong lúc thời
tiết nóng bức tột độ mà quý-vị không sợ nóng cũng chẳng sợ đường xa núi
cao, tới đây tham gia đả thất thì như vậy có điều gì lợi chăng? Sự lợi ích
chân chính thường khó diễn bày. Giống như người uống nước, lạnh hay nóng
chỉ tự mình biết. Duy người có tâm chân thật mới lãnh hội được sự diệu kỳ.
Làm thế nào để thu
hoạch được điều lợi ích này? Không gì khác hơn là thành tâm niệm danh hiệu
Bồ-tát. Chân tâm tức là chuyên tâm vậy. Cho nên nói: "Chuyên nhất tất
linh, phân chi tất tệ." Tức là chuyên nhất thì linh ứng, phân chia
thì bế tắc. Khi tâm chuyên nhất, tự nhiên sẽ được cảm ứng đạo giao. Sự cảm
ứng đạo giao vốn không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, tự mình phải dụng công mới
được, người khác không thể làm thay mình đặng, lại càng không thể cầu may
mà được.
Giống như "nói về
chuyện ăn cơm hay đếm tiền giùm kẻ khác." Có kẻ thường hay đề cập đến
những thứ dinh dưỡng thế này thế nọ, nhưng tự họ chẳng hề ăn, thì đồ ăn dù
có bổ dưỡng cách mấy đi nữa họ cũng không thể tận hưởng được. Cho nên nói:
Chung nhật sổ tha
bảo, tự vô bán tiền phần.
Y pháp bất tu hành,
kỳ quá diệc như thị.
Nghĩa là:
Suốt ngày đếm
tiền người, tự mình không một xu.
Học pháp không tu
hành, lỗi lầm cũng như vậy.
Mình niệm Phật cũng
thế. Không phải hiểu biết hay bàn luận về công đức niệm Bồ-tát là đủ; phải
thật sự niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn; thậm chí đến độ nước chảy, gió
thổi mà tai mình cũng chỉ nghe tiếng danh hiệu Bồ-tát mà thôi. Cho nên
nói:
Hữu tình, vô tình,
Ðồng diễn Ma-ha diệu
pháp.
Nghĩa là:
Loài hữu tình hay
vô tình,
Ðều nói diệu pháp
đại thừa.
Nếu mình không thể
niệm tới chỗ nhất tâm bất loạn thì gió có thổi vi-vu, nước có chảy
róc-rách, mình cũng chẳng tài nào cảm nhận được sự kỳ diệu của nó. Cho nên
mình phải thành tâm niệm và đừng để vọng tưởng lôi kéo thì mới gặt được
lợi ích của Pháp.
Khi đả thất, quý-vị
phải tôn trọng qui củ của thất. Bởi vì "Vô qui củ bất năng thành
phương viên." Tức là không có qui củ thì không thành phương viên. Qui
củ của Tây Lạc Viên là không nói năng ồn ào để tránh làm chướng ngại kẻ
khác tu hành.
Trong thời gian bảy
ngày này, chúng ta còn niệm thêm Chú Ðại-bi. Công đức của Chú Ðại-bi rất
khó nghĩ bàn. Nếu người không có thiện căn, thì họ khó nghe đặng ba chữ
"Chú Ðại-bi." Bây gìờ đại chúng không những đã được nghe mà lại còn thọ
trì đọc tụng, đủ biết quý-vị có đầy đủ thiện căn rồi. Nếu đã có thiện căn,
quý-vị không nên coi thường và đừng để kiếp sống này trôi qua một cách
lãng phí.
Tôi còn nhớ khi Chùa
Tây Lạc Viên đả thất lần đầu tiên, trong mười vị cư sĩ thì tám, chín vị
chẳng thể niệm được Chú Ðại-bi. Nhưng nay, mười người thì có đến tám người
có thể niệm được. Ðây chứng tỏ rằng sự tiến bộ của các vị cư sĩ. Tôi kể
cho quý-vị nghe một câu chuyện để chứng minh về công đức của Chú Ðại-bi.
Ở Mãn-châu có một vị
tài chủ, tậu rất nhiều điền sản. Vào một mùa thu, vị tài chủ này tự mình
đi theo bốn, năm xe hàng chở đầy cao lương xuống phố để bán. Bởi vì từ
nông thôn đến thành thị cách hơn 150 dặm, nên một giờ sáng y đã khởi hành.
Chẳng may đi được nửa đường thì gặp cướp. Thấy thế y lập tức niệm Chú
Ðại-bi. Lạ thay! Bọn thổ phỉ bổng như đui mù không nhìn thấy xe của y, nên
y an toàn qua khỏi nguy hiểm. Ðó là một trong những sự linh cảm của Chú
Ðại-bi mà chính tôi chứng kiến.
Kinh Ðại Bi Tâm
Ðà-la-ni dạy rằng: "Kẻ tụng trì chú Ðại-bi có thể tiêu trừ tai nạn:
Lửa không thiêu được, nước chẳng dìm đặng." Bởi thế, tôi khuyên các
vị mỗi ngày trì tụng tối thiểu ba lần. Nếu vị nào chưa biết niệm thì mau
mà học. Công đức trì tụng Chú Ðại-bi không những có thể đẩy lui trộm cướp,
mà còn tiêu trừ trăm bịnh, thoát khỏi sự quấy rối của chư ma. Cho nên các
vị nên thành tâm tụng trì.
Hôm nay là ngày bắt
đầu đả thất, bầu không khí của pháp hội rất phấn khởi và nghiêm trang. Tôi
hy vọng các vị nổ lực, ra công tinh tấn.
Giảng trưa ngày
13 tháng 6 năm 1958 tại Tây Lạc Viên, Hồng Kông
Cực Lạc Thế Giới Ở Ngay Trước
Mắt
Chỉ
cần nỗ lực tinh tấn,
thì
mình có thể "Trở Về."
Quy khứ lai hề.
Ðiền viên tương vu
hồ bất quy.
Ký tự dĩ tâm vi hình
dịch.
Hề trù trướng nhi
độc bi.
Ngộ dĩ vãng chi bất
gián.
Tri lai giả chi khả
truy.
Thật mê đồ kỳ vị
viễn.
Giác kim thị nhi tạc
phi.
Nghĩa là:
Về đi chứ!
Ruộng vườn hoang
phế, sao chẳng về!
Tâm bị hình đọa,
tỏ đã lâu.
Sao còn sầu muộn,
than với lòng?
Lỗi xưa chưa sửa,
nay đã thấu.
Mới biết tương
lai còn đuổi kịp.
Ấy thật đường mê,
chửa dấn sâu.
Rõ rằng: Nay
đúng, xưa sai xấu.
Bài thơ trên do ông
Ngũ Liễu (Ðào Uyên Minh) sáng tác. Nhưng chẳng biết nhà thơ có thật sự
liễu ngộ được ý nghĩa thâm sâu của lời thơ chăng? Bởi lẽ nếu lấy Phật-pháp
mà soi xét thì bài thơ trên vô cùng khế lý.
Sao gọi là "Quy
khứ lai hề?" Chúng ta đã biết tự-tánh Pháp-thân là chốn thường tịch
quang của mười phương chư Phật. Kinh viết: "Tất cả chúng sinh đều có
Phật tánh." Bổn tánh của ta và của Phật vốn không có gì khác biệt.
Nếu không như vậy, sao nói là "đều có Phật tánh." Nay chúng ta
không ngộ được Phật tánh bởi do trần lao ngũ dục của thế giới Ta-ba nầy
làm ta ô nhiễm. Bởi bội giác hợp trần, nên ta chẳng hiểu ngộ tự tâm, chẳng
thấy suốt được bổn tánh.
Tuy nhiên, ta không
thể điên đảo trầm luân mãi được. Ta phải phản bổn hoàn nguyên, bội trần
hợp giác. Ðó chính là "Quy khứ." Nghĩa là mình phải khôi phục lại
bổn lai diện mục vậy. Khi nương tựa vào nguyện lực của Phật Bồ-tát, nhờ
công đức tụng niệm hồng danh của Ngài mà ta sinh Tịnh-độ. Ðó cũng gọi là
"Quy khứ."
Khi đã ngộ tự tâm,
sinh Tịnh-độ rồi, ta cần phát đại nguyện: "Ðảo giá từ hàng,"
nghĩa là lái chiếc thuyền từ bi trở lại độ chúng sinh tới bờ an lạc. Ðó
gọi là "lai," tức là Trở Về.
Thế nào là "Ðiền
viên tương vũ hồ bất quy?" Ðiền tức là ruộng, là ruộng tâm. Khi ta
chẳng tu tâm, để mặc cho tạp niệm phát sanh thì cũng giống như ruộng vườn
đầy cỏ dại vậy. Ruộng tâm trở thành hoang dã. "Mao tắc bất khai,"
cỏ dại dẫy đầy, không nhổ sạch được, thì ta không cách gì phản bổn hoàn
nguyên, minh tâm kiến tánh được.
"Hồ bất quy"
là lời của chư Phật mười phương và các vị Thánh-nhân. Các Ngài ân cần dạy
dỗ chúng ta rằng: "Chúng sinh ngu độn đáng thương thay! Các con vì sao
không mau quay đầu trở về bến?"
"Tâm vi hình
dịch" nghĩa là tâm bị thân thể điều khiển và ý nói rằng chúng sinh vì
chấp trước lục trần nên chẳng ngộ được tự tâm, luôn luôn bị cảnh trần chi
phối nên vì cuộc sống mà lăng xăng, vì danh lợi bất kể sinh mạng, lưu
chuyển trong biển khổ sinh tử, thọ vô số khổ đau. Thật là ngàn thu bi
thương, khổ không thể nói hết. Ðó chính là ý nghĩa của câu "Trù trướng
như độc bi."
Thế thì, phải chăng
chúng sinh mình không có thuốc cứu? Phải chăng vĩnh viễn đọa nơi hố thẳm
lục đạo luân hồi? Tuyệt đối không phải. Tuy trước kia mình phạm lầm lỗi,
song nhìn về tương lai vẫn còn hy vọng. Nên biết "Tri lai giả chi khả
truy," biết tương lai còn đuổi kịp, còn cứu vãn được.
Trong tương lai,
chúng ta càng không nên giống như dĩ vãng, bỏ giác ngộ, theo bụi trần, tâm
làm nô lệ cho thân. Xưa kia mình không tin nhân quả, không siêng tu hành,
tạo nghiệp, sát sinh v.v... đều là những việc sai lầm. Như hôm nay đả thất
niệm Phật là việc đúng. Nên chúng ta "Giác kim thị nhi tạc phi,"
nghĩa là "Hiểu được hôm nay đúng, hôm qua sai." Ðối với việc tốt thì phải
duy trì, đối với việc xấu thì phải lập tức hết lòng hối cải. Cổ nhân nói:
"Nhất thốn quang âm nhất thốn kim." Tức là một tấc thời gian là
một tấc vàng. Thực sự đối với người tu hành, một đoạn thời gian là một
đoạn của mạng sống. Một đoạn thời gian trôi qua tức là mạng mình ngắn đi
một chút vậy.
Ngày hôm nay qua
đi, mạng cũng tùy giảm;
Ðại chúng! Phải
siêng năng, tinh tấn như cứu đầu mình.
Phải mau mau sửa
điều xấu ác, làm điều tốt lành. Vì mình "Thật mê đồ kỳ vị viễn,"
tức là chưa đi sâu vào con đường u mê lắm. Thế giới Cực-lạc ở trước mắt,
chỉ cần nổ lực tinh tấn, thì mình có thể "Quy khứ."
Giảng ngày 14
tháng 6, năm 1958
Sám Hối tức là Cải Quá Tự Tân
Nếu
mình chân chính có tâm sám hối,
thì sợ
gì không có hy vọng.
Pháp lực của Phật
rất là vĩ đại, song nghiệp lực của chúng sinh cũng rất lớn, nên có câu
rằng: "Người phàm thì nghiệp nặng tình mê, Phật thì nghiệp tận tình
không." Do đó, thánh và phàm khác nhau ở chỗ là "nghiệp" đã dứt chưa, và
còn có "tình" hay không.
Giác giả, Phật dã,
Mê giả, chúng sanh.
Nghĩa là:
Khi giác ngộ là
Phật,
khi mê là chúng
sinh.
Chúng sinh thì bội
giác hợp trần (quay lưng rời bỏ sự giác ngộ sáng suốt để hòa mình trộn lẫn
với bụi bặm vô minh), luôn bị trần lao ngũ dục (tham tài, tham sắc, tham
danh, tham ăn, tham ngủ) làm cho xoay chuyển, khiến nghiệp chướng càng
ngày càng tăng thêm. Phật thì siêu thoát mọi ngũ dục trần lao, không còn
tạo nghiệp nữa. Chúng sinh do nghiệp nặng nên muốn liễu Ðạo thành Phật,
trước tiên cần phải sám hối những tội nghiệp đã làm. Nếu như không có tâm
sám hối mà muốn thành Phật thì cũng như nấu cát mà mong thành cơm vậy. Tuy
rằng cát nấu hằng hà sa số kiếp nhưng cuối cùng cũng không thể nào thành
cơm đặng. "Sám" nghĩa là sám trừ lỗi lầm xưa, hổ thẹn với những lỗi lầm đã
phạm. "Hối" là hối cải, sửa đổi; nhất định quyết tâm sửa đổi con người
mình, vĩnh viễn không còn tái phạm nữa. Như ông Viên Liễu Phàm đã nói:
Dĩ tiền chủng chủng,
ví như tạc nhật tử.
Dĩ hậu chủng chủng,
ví như kim nhật sinh.
Nghĩa là:
Những điều xấu
mình làm từ trước,
hôm qua kể như là
ngày cuối cùng.
Những điều mình
làm về sau,
hôm nay là bắt
đầu một cuộc đời mới.
Nếu như mình không
siêng năng sám hối thì tội nghiệp mình tạo ra sẽ khiến mình mãi đọa lạc.
Chắc quý-vị còn nhớ khi quy y, trước tiên quý-vị xưng tên mình rồi sau đó
sám hối như sau:
Tùng ư vô thủy, dĩ
chí kim sinh,
Hủy báng Tam-bảo,
tác nhất xiển đề,
Báng Ðại-thừa Kinh,
đoạn học Bát-nhã,
Thí hại phụ mẫu,
xuất Phật thân huyết,
Ô tăng già lam, phá
tha phạm hạnh,
Phần hủy tháp tự,
đạo dụng Tăng vật,
Khởi chư tà kiến,
bác vô nhân quả,
Hiệp cận ác hữu, vĩ
bối lương sư...
Nghĩa là:
Con từ vô thỉ,
cho tới ngày nay,
Nguyền rủa
Tam-bảo, làm Nhất-xiển-đề,
Chưởi Kinh
Ðại-thừa, dứt học Bát-nhã,
Giết hại mẹ cha,
làm Phật đổ máu,
Bẩn chốn chùa
chiền, phá phạm hạnh người
Ðốt hủy chùa
tháp, ăn cắp đồ Tăng,
Dấy đủ ý sai, nói
không nhân quả
Gần bạn bè xấu,
nghịch lại thầy lành...
Bây giờ, tôi sẽ
giảng lại đại ý của đoạn văn sám hối trên.
Chúng ta từ vô thủy
đến nay đã tạo ra không biết là bao nhiêu tội nghiệp, không kể xiết. Thứ
nhất là mình hủy báng Tam-bảo: Phật, Pháp, Tăng. Trong các tội, hủy báng
"Tăng-bảo" là tội lớn nhất, nặng nhất, bởi vì chư Tăng đại biểu cho Phật
để tuyên dương Phật-pháp. Bởi vậy hủy báng Tăng tức tội không thể sám hối
được. Thế nào gọi là "Xiển đề"? "Xiển đề" tiếng Phạn dịch nghĩa là "tín
bất cụ," không đủ lòng tin, hoặc là "vô thiện căn," không có căn cơ lành.
Thí dụ như khi quý-vị thuyết Pháp cho người đó, không những họ không thích
nghe mà thậm chí còn nói ngược lại rằng: "Tôi không tin đâu!" Ðây không
phải là tự đem thiện căn của mình mà đoạn tuyệt đi sao?
"Báng Ðại-thừa Kinh"
tức là phỉ báng kinh điển Ðại-thừa. Như có người nói đạo lý trong kinh là
giả hoặc nói rằng kinh điển Ðại-thừa là do ma vương nói ra, v.v... Ðây
cũng là phạm tội không thể sám hối được. "Bát-nhã" là tiếng Phạn, nghĩa là
trí huệ. Bát-nhã có ba loại: Thật-tướng Bát-nhã, Quán-chiếu Bát-nhã và
Văn-tự Bát nhã. Nếu như "đoạn học" (không chịu học) bất cứ loại Bát-nhã
nào, thì mình sẽ trở nên ngu si. Quả báo của ngu si là sẽ đọa làm thú vật.
"Thí hại phụ mẫu"
nghĩa rằng giết hại cha mẹ của mình. Câu nầy bao hàm luôn việc sát hại các
vị A-la-hát và thánh nhân. Thí dụ như Ðề-Ba-Ðạt-Ða giết một vị đắc Tứ-quả
A-la-hán.
Kế đến là "Xuất Phật
thân huyết" nghĩa là dấy máu Phật. Ðây cũng là một tội không thể sám hối
sạch được. Nhiều người hiểu lầm cho rằng tội nầy chỉ áp dụng khi đức Phật
còn tại thế. Khi dùng dao cắt chém thân thể Phật thì mới mang tội nầy.
Song thật sự sau khi Phật diệt độ rồi, hễ ta hủy hoại tượng Phật, hình ảnh
Phật, tất cả đều phạm tội nầy. Phá lớp vàng trên tượng Phật hoặc đập bể
tượng Phật, tuy rằng không làm tổn hại đến xác thịt của Phật nhưng cũng là
cắt chém thân Phật vậy.
"Ô tăng già lam"
nghĩa là làm ô uế chốn thanh tịnh của chùa chiền. Giống như một số cư sĩ
có gia đình trú ngụ trong chùa, song lại làm những việc không chính đáng
như ăn thịt, sát sinh, v.v... "Phá tha phạm hạnh" nghĩa là phá hạnh thanh
tịnh của kẻ khác. Thí dụ như người xuất gia xưa nay vốn thanh tịnh không
bị nhiễm ô, nhưng có người lại phá quấy họ, khiến họ phạm giới luật, đó
cũng là tội không thể sám hối được.
"Phần hủy tháp tự"
nghĩa là đốt hoặc thiêu hủy, phá hoại tháp đền và chùa chiền. Thí dụ như
trong lịch sử có Phùng Ngọc Tường hỏa thiêu Chùa Bạch Mã và Chùa Thiếu
Lâm. "Ðạo dụng Tăng vật" là ăn cắp vật dụng của chư tăng. Ðây là nói đến
những kẻ dùng thủ đoạn không chính đáng để đoạt của thường trụ lấy làm của
riêng họ. Những hạng người như vậy đều có tà tri, tà kiến, ý tưởng sai
lầm, luôn cho mình là đúng. Họ thường cho rằng không có nhân quả và luôn
luôn làm những điều nghịch lại với đạo lý. Không có chuyện ác, chuyện xấu
nào mà họ không dám làm. Hạng người như vậy thì làm sao mà không đọa địa
ngục được?
Cuối cùng là "Hiệp
cận ác hữu, vĩ bối lương sư" nghĩa là thân cận với những kẻ ác, bạn xấu và
đối nghịch lại với những vị thầy tốt. Bạn xấu là những người mà các nhà
nho gọi là "tổn hữu" (hại bạn). Những thứ cướp giựt, những bọn bất lương
sống ngoài vòng pháp luật là thứ mình không nên kết bạn. Kết giao với họ
chỉ làm tổn hại cho mình, từ từ làm cho mình đi vào con đường sai lầm,
không còn nghe theo lời khuyên bảo của cha mẹ, thầy tốt; lấy điều sai lầm
cho là đúng và không còn phân biệt được chuyện phải trái trắng đen gì cả,
cứ làm việc ngược ngạo, thật đáng thương xót thay!
Những tội lỗi kể
trên là những điều mà mình không nên phạm, tuy rất dễ bị phạm. Nếu chẳng
may mình đã phạm những lỗi đó thì phải làm sao? Quý-vị đừng lo sợ. Có câu
rằng: "Di thiên đại tội, nhất sám tiện tiêu." Nghĩa là tội phạm tầy trời,
sám hối sạch tiêu. Tội vốn không hình tướng. Nếu mình chân chính có tâm
sám hối thì sợ gì không có hy vọng. Quý-vị đừng nên coi thường mình, đừng
cam tâm để bị đọa lạc.
Giảng ngày 14
tháng 6, năm 1958
Xúi Người Khác Làm
Ác, Tội Mình Tăng Gấp Ba
Bất
luận trước mặt người nào cầu xin sám hối, chúng ta đều phải bày tỏ lỗi lầm
cho rõ ràng, không được nói lời có ý mơ hồ, bóng gió.
Hôm qua tôi giảng
một cách đơn sơ cho quý-vị nghe về ý nghĩa của sự sám hối, chỉ giảng tới
đoạn "Thân cận ác hữu, hủy bối lương sư." Bây giờ tôi sẽ giảng tiếp đoạn
sau:
"Tự tác giáo tha"
nghĩa là tự mình làm, xúi người khác làm hoặc thấy hay nghe người khác
làm, mà thuận lòng theo. Chúng ta phải biết rằng sát sanh, ăn cắp, tà dâm,
nói dối hay rượu chè đều là những hành vi không chính đáng, đó là những
thứ tạo tội nghiệp. Những tội nầy được phân làm bốn loại: Nhân, duyên,
pháp, nghiệp (nguyên nhân, điều kiện tiếp trợ, phương thức và việc làm).
Sự sát sinh gồm có sát nhân, sát duyên, sát pháp, sát nghiệp; bất luận
giới nào trong đó cũng có "tự tác" hay "giáo tha tác," nghĩa là tự mình
làm hoặc xúi kẻ khác làm.
"Tự mình làm" nghĩa
là không dùng tay kẻ khác, mà chính mình đi làm chuyện bất chính. "Xúi kẻ
khác làm" tức là cổ vỏ hoặc bảo người đó làm chuyện không đúng. Ðó là phạm
tội một cách gián tiếp. So sánh với tội trực tiếp thì tội gián tiếp nầy
nặng hơn một phần, bởi vì tự mình đã có tội rồi mà mình còn mang thêm tội
nữa là xảo trá. Cho nên tự làm đương nhiên có tội rồi, mà xúi kẻ khác làm
thì tội càng nặng hơn.
Thế nào là "kiến văn
tùy hỷ"? (thấy, nghe rồi tùy hỷ), nghĩa là mình biết kẻ khác phạm tội mà
còn giúp kẻ đó nữa, cũng giống như người xưa nói: "Trợ trụ vi xuyết" nghĩa
là giúp vua Trụ làm việc bạo ngược. Hãy thử nhắm mắt lại tưởng tượng rằng
từ vô thỉ đến nay, mình đã phạm lỗi lầm nầy bao nhiêu lần rồi? Cũng không
cần hồi tưởng lâu xa như vậy. Chỉ xét trong cuộc đời ngắn ngủi này, tội
mình phạm đã không thể kể xiết rồi.
Cho nên trong bài
Sám-hối tiếp theo là câu: "Như thị đẳng tội, vô lượng vô biên." Nghĩa là
những tội như vậy không bờ bến, không hạn lượng được. Không những tội mình
không thể kể hết được mà nó còn nhiều không biên tế. Nếu như đã biết tội
sâu dầy như vậy thì mình phải làm sao bây giờ? Không nói cũng biết rằng
mình cần đối trước Phật mà khẩn thiết sám hối.
Do vậy cho nên bài
Sám-hối lại tiếp: "Cố ư kim nhật, sinh đại tàm quý. Khắc thành bì lộ, cầu
ai sám hối." "Khắc thành" hai chữ này có nghĩa là thành tâm. Khi sám hối
điều cần nhất là phải thành tâm. Có những người tuy sám hối với sư phụ
nhưng họ hết sức dối trá. Nhưng thường thì giấu đầu lòi đuôi. Ðem tội lỗi
của họ mà ngụy trang che giấu đi. Ðó cũng là biểu thị họ không có thành ý
sám hối tội lỗi của mình. Với cách sám hối lếu láo như vậy thì dù họ có
trải qua trăm ngàn vạn ức, hằng hà sa số kiếp cũng không thể nào làm cho
tội nghiệp họ tiêu trừ tường tận được.
Cho nên nói "Trực
tâm là đạo tràng" tức là tâm ngay thẳng là đạo tràng. Khi sám hối với ai,
mình phải bày tỏ lỗi lầm cho rõ ràng, không được nói lời có ý mơ hồ, nghĩa
hai đằng. Ví dụ như khi hỏi rằng có phạm tội chi không? Thì trả lời rằng
"tôi không nhớ" hoặc là "có lẽ có" v.v... Sám hối không triệt để như vậy
không những không tiêu trừ được tội nghiệp mà còn trồng thêm nhân xấu nữa.
Trong Phật-pháp, dù cho việc nhỏ như sợi tóc cũng không được lếu láo, coi
thường. Nhưng có người lại nói lên ví dụ như sau: "Có ông nọ luôn luôn tạo
ra những tội nghiệp, toàn làm những chuyện ác nhưng không hiểu sao hiện
giờ ông nầy vẫn làm ăn giàu có, như vậy là không có nhân quả, không có
công lý phải không?" Có một bài kệ như sau:
Túng sử bách thiên
kiếp, sở tác nghiệp bất vong;
Nhân duyên hội ngộ
thời, quả báo hoàn tự thọ.
Nghĩa là:
Trải qua trăm
ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu;
Nhân duyên đầy đủ
thời, quả báo mình lại thọ.
Bởi thế cho nên phải
biết nghiệp mình tạo ra thì thế nào cũng có báo ứng; chỉ là vấn đề thời
gian, mau hay chậm, nhân duyên đã hội hợp đầy đủ chưa mà thôi.
Lại có người nói nếu
như "Trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu, vậy mình không có
cách gì để làm tiêu trừ được tội chướng của mình sao?" Cũng không phải là
không có biện pháp. Biện pháp để trừ tội nghiệp là "Duy nguyện Tam-bảo, từ
bi nhiếp thọ, phóng tịnh quang minh, chiếu xúc ngã thân." Nghĩa là nguyện
xin Tam-bảo, từ bi dẫn dắt, phóng ánh sáng lành, chiếu rọi thân con. Hy
vọng Phật, Pháp, Tăng, Tam-bảo có thể theo chí nguyện từ bi của các Ngài
mà dùng ánh quang minh thanh tịnh vô ngại chiếu sáng nơi thân của mình.
Khi ánh quang minh chiếu đến thân mình, tam chướng (phiền não chướng, báo
chướng, và nghiệp chướng) được tiêu trừ, giống như mây trôi trăng hiện,
bản lai thanh tịnh của tâm mình lại bừng hiện vậy. Cho nên nói "Chư ác
tiêu diệt, tam chướng nguyện trừ. Phục bổn tâm nguyên, cứu cánh thanh
tịnh." Nghĩa là chư ác tiêu diệt rồi thì tam chướng đều quét sách. Khôi
phục lại nguồn tâm cứu cánh luôn thanh tịnh.
Sau khi giảng xong
bài văn Sám-hối nầy, tôi hy vọng rằng quý-vị hiểu sự tai hại của chuyện
không sám hối và lợi ích của việc sám hối. Ngoài ra còn có một bài sám hối
như sau:
Vãng tích sở tạo chư
ác nghiệp,
Giai do vô thủy tham
sân si,
Tùng thân ngữ ý chi
sở sinh,
Nhất thiết ngã kim
giai sám hối.
Dịch là:
Mọi thứ ác nghiệp
tạo từ xưa,
Ðều do vô thỉ
tham, sân, si,
Ở nơi thân,
miệng, ý mà sinh,
Con nay sám hối
hết tất thảy.
Bài sám hối nầy
không những có thể làm mình sám hối được tội chướng mà còn chỉ cho thấy
nguyên nhân của việc tạo tội. Do đó tôi hy vọng rằng quý-vị mỗi ngày ở
trước bàn Phật niệm bài văn nầy tối thiểu ba lần. Bây giờ tôi sẽ giải
thích sơ qua ý nghĩa của bài này cho quý-vị nghe.
"Vãng tích" nghĩa là
hồi xưa; gần là nói trong đời nầy mà xa nữa là nói vô lượng kiếp về trước.
Trong thời gian đó, chẳng những là có lúc mình vào bụng trâu hay ra thai
ngựa, cũng có khi sinh vào nhà họ Trương, lại có lần làm con họ Lý. Luân
chuyển trong lục đạo, và trong giai đoạn nầy, không biết mình đã tạo ra
bao nhiêu là tội nghiệp nữa.
Vì sao mà mình tạo
tội nghiệp? Bài sám hối giải thích rất rõ ràng, "Tất cả đều do vô thỉ
tham, sân, si" nghĩa rằng do tam độc tham, sân, si làm phát sinh vô số tội
nghiệp. Cũng lại vì ba thứ độc nầy làm chủ nên thân thể mình mới phạm vào
những tội như sát sinh, trộm cắp, và dâm dục. Miệng thì phát sinh ra những
tội vọng ngữ, nói thêu dệt, nói lời ác ôn, nói lưỡi hai đằng. Cho nên
trong bài văn có nói "Tùng thân ngữ ý chi sở sanh" nghĩa là do nơi thân,
ngữ, ý mà phát sinh ra.
Bất luận là tội do
thân tạo ra như là sát sinh, trộm cắp, dâm dục hoặc là nơi miệng tạo ra
như là nói láo, nói lời ác ôn, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai đằng hoặc là
tội phát sinh nơi ý niệm như tham, sân, si, mình đều phải khẩn thiết sám
hối. Nếu không thì mình giống như người rớt vào bùn lầy, càng lúc càng lún
sâu. Khi tội nghiệp càng lúc càng thâm trọng thì chính mình cũng không còn
chỗ nào ngoi lên được, không còn cách gì mà cứu vớt được nữa.
Tôi hy vọng rằng
quý-vị hiện ngồi đây đều có đầy đủ thiện căn, không quên chuyện sám hối,
nhất định quý-vị có thể phát nguyện sám hối nghiệp chướng và tiêu trừ tất
cả tội lỗi.
Giảng ngày 15
tháng 6 năm 1958
Tu Hành Có Bốn Giai Ðoạn
Hãy coi ngày
quy y là ngày sinh nhật.
Cuộc đời tu
hành tính từ đó.
Một năm có bốn mùa:
Xuân, hạ, thu, đông. Ðó là chuyện hiển nhiên, ai cũng biết. Nhưng quý-vị
có biết chăng là đời người cũng phân thành bốn giai đoạn: Sanh, lão, bệnh,
tử. Làm người, ai ai cũng chết, nên mình phải tính chuyện về sau mà lo tu
Ðạo. Tu hành cũng có bốn giai đoạn, tức là: học, hành, thành, và liễu.
Con người từ lúc mới
ra đời đến lúc hai mươi tuổi là khoảng thời gian học Ðạo. Trong thời kỳ
này mình phải học hỏi, học Phật-pháp cho giỏi. Cũng giống như là trong
sách Ðại-học có nói: "Tại minh minh đức." Nghĩa là làm chói ngời cái đức
sáng suốt. Ðó là lúc mình huấn luyện đức tánh của mình ngày càng thêm
trong sáng. Từ hai mươi mốt tuổi cho đến lúc bốn mươi là khoảng thời gian
hành Ðạo. Ðây là lúc mình áp dụng cái sở học; đem chỗ học hỏi và sự hiểu
biết khi trước của mình ra phổ độ chúng sinh, khuông phò thế tục. Như
trong sách Ðại-học có viết: "Tại thân dân" nghĩa là làm đổi mới đời dân.
Từ tuổi bốn mươi mốt cho đến tuổi sáu mươi gọi là thời gian thành Ðạo.
Trong sách Ðại-học có ghi rằng: "Chỉ ư chí thiện" nghĩa là ngừng lại ở nơi
tốt đẹp nhất. Khổng-tử giảng về "chí thiện" nhưng không được triệt để lắm,
bởi vì chưa đạt tới cảnh giới Chân-không Niết-bàn, nên chưa phải là cứu
cánh. Vì vậy ở giai đoạn chót, chúng ta cần phải "liễu Ðạo." Sau khi thành
Ðạo rồi, mình trở về cảnh giới Niết-bàn. Nếu so sánh với ba cương lĩnh của
Nho-giáo: "Minh-đức, thân-dân, chỉ ư chí-thiện" thì Phật lý tu hành viên
dung hơn nhiều nữa.
Có người nói: "Từ
lúc nhỏ tới lúc hai mươi tuổi tôi chưa tin Phật. Bây giờ, nói là học Ðạo
thì thời gian đó đã qua rồi. Làm sao tôi còn học hỏi được? Phải chăng tôi
không cần học?" Quý-vị phải hiểu, khi tôi nói tới bốn giai đoạn, đó chỉ là
điều lý tưởng mà thôi, không phải là cố định, bất di bất dịch. Bởi thế
mình có thể coi ngày quy y như là ngày sinh nhật vậy, rồi từ ngày đó tính
đi mới kể là thời gian bắt đầu tu hành.
Lại có người nói:
"Tôi đã quy y được bốn năm rồi mà sao chưa học được một chút Phật-pháp gì
cả?" Kỳ thật quý-vị tuy đã quy y được bốn, năm năm, nhưng đối với
Phật-giáo, chẳng qua quý-vị chỉ là một đứa trẻ bốn, năm tuổi mà thôi. Bởi
thế quý-vị đừng lo sầu rằng mình không làm nên việc gì cả. Phật-pháp rất
là thâm áo. Chỉ cần sau khi mình quy y, hai mươi năm nổ lực học Ðạo, hai
mươi năm nổ lực hành Ðạo, thì chẳng lẽ mình không có ngày thành tựu sao?
Lại có một ông lão
cảm khái thở dài mà than rằng: "Hiện nay tôi đã tám mươi tuổi rồi, e rằng
không còn cơ hội để có được hai mươi năm rồi thêm hai mươi năm nữa để mà
hạ thủ công phu." Ðúng vậy. "Thời gian giảm khứ mệnh quang vi," tức là
ngày tháng trôi đi, mạng giảm dần. Ngày tháng thì không còn nhiều đâu,
thật đó! Nếu mình đem thời gian làm rút lại mà tính, cứ hai tháng tu Ðạo,
hai tháng hành Ðạo như vậy mà suy rộng thì chỉ cần mình chân tâm với quyết
chí thì dù già cũng như kẻ thanh niên, tinh tấn dũng mãnh, từng bước, từng
bước mà tu tập thì lo gì không có ngày thành đạt. Hãy nổ lực!
Giảng ngày 15
tháng 6 năm 1958
Thức Khuya Dậy Sớm, Vì Ai
Mà Bận Rộn?
Mình
phải thức khuya dậy sớm lễ Phật, niệm Phật, cầu tiêu tan tội chướng.
Nên vì
Pháp mà bận rộn.
Túc hưng dạ mỵ vi
thùy mang.
Chúng sinh nan độ
phả kham thương.
Mê chư trần lao tánh
điên đảo.
Nhĩ đề diện mệnh háo
vô phương.
Nghĩa là:
Thức khuya, dậy
sớm vì ai rộn?
Chúng sinh khó độ
thật đáng thương.
Mê mờ đời bụi
lòng đảo lộn.
Nhéo tai trỏ mặt,
dạy chẳng xong.
"Túc hưng" nghĩa là
dậy sớm, "Dạ mỵ" nghĩa là ngủ ban đêm. Có những người luôn làm nô lệ cho
bản thân mình. Thức khuya dậy sớm tại vì sao? Cứu cánh vì ai mà bận rộn
lăng xăng như vậy? Vì người khác? Vấn đề này tôi tin chắc rằng có nhiều
người không giải đáp được, thậm chí có người còn nói: "Tôi không bận rộn
chuyện gì cả, không lăng xăng gì hết!"
Như vậy thật cũng
lạ. Có những người làm việc mà cũng chẳng rõ công việc của mình là gì.
Giống như con buôn, những kẻ ngày đêm lăng xăng bận rộn lo cho chuyện buôn
bán của mình đến nỗi đêm ngủ không yên giấc. Ðó gọi là thức khuya dậy sớm
lăng xăng vì đồng tiền. Cho đến những kẻ sĩ, nông, công, thương, bởi vì
muốn thành công nên không còn tự chủ, phải thức khuya dậy sớm. Trong
Thi-kinh có một đoạn như sau:
Kê ký minh dĩ hỷ,
triều ký doanh hỷ.
Phi kê tắc minh,
thương giăng chi thanh.
Nghĩa là:
Gà gáy sáng ư?
Trời hừng tỏ ư?
Chẳng phải gà
gáy! Ấy! Tiếng ruồi bay!
Nghĩa là gà đã gáy
sáng rồi, bây giờ mình phải dậy. Phải chăng là ban ngày rồi? Ồ! Nào phải
là tiếng gà gáy, đó chỉ là tiếng con ruồi xanh mà thôi. Ðoạn văn nầy trong
Thi-kinh diễn tả các vị hiền minh quân chủ thời xưa. Các vị thấy đó, tuy
thân làm hoàng đế mà đêm ngủ cũng không ngon giấc, vì mãi lo trời chóng
sáng phải lâm triều xử lý công việc đến nỗi nghe tiếng ruồi bay mà tưởng
lầm là tiếng gà gáy. Như vậy thì thức khuya dậy sớm vì dân mà bận rộn. Nên
nói rằng: "Nhất nhân hữu khánh triệu dân lại chi." Nghĩa rằng một người có
phước thì triệu dân được nhờ. Cũng như nếu một nước có một vị minh quân,
vị vua hiền, nhân nghĩa trị vì thì trăm dân sẽ được hưởng ấm no hạnh phúc.
Nên một vị quân vương sao lại không thể thức khuya dậy sớm để lo lắng hạnh
phúc cho dân chứ?
Là người tu Ðạo,
chúng ta cần phải thức khuya dậy sớm, không vì lợi mà bận rộn cũng chẳng
vì danh mà lăng xăng. Mình phải vì Pháp mà bận rộn. Mình phải "Túc dạ phỉ
giải, dĩ sự chư Phật" nghĩa là ngày đêm không mệt mỏi phụng sự chư Phật.
Mình phải dậy sớm thức khuya ngày ngày lễ Phật, tụng kinh để biểu thị tâm
trung thực, lòng chân thành của người con Phật. Ðây không phải là lòng
nghĩ một đằng mà miệng nói một nẻo, hoặc nói mà không làm.
Khi lạy Phật phải
chuyên tâm thành ý, vì lạy Phật có thể tiêu trừ tội chướng. "Phật tiền
đảnh lễ tội diệt hà sa," nghĩa là đảnh lễ trước mặt Phật tiêu tội nghiệp
nhiều như cát sông Hằng. May rằng tội không có hình tướng, nếu như có thì
sẽ nhiều như cát trên sông Hằng vậy. Do đó mình phải thức khuya dậy sớm lễ
Phật, niệm Phật, cầu cho tội chướng của mình tiêu trừ; mình nên vì Pháp mà
bận rộn.
Thật khó mà đo lường
bản tính của chúng sanh. Ví như những kẻ thích ăn ngọt mà cho họ đồ chua
thì họ không thích, không vui. Kẻ thích đồ chua mà cho đồ ngọt thì y lại
chẳng vui mừng. Ðối với hạng người như vậy, nếu không biết phẩm tánh của
họ thì khó có thể độ họ được. Bởi vì Phật có trí huệ, Ngài biết được căn
tánh của chúng sinh, nên tùy nghi ứng hóa, bôn ba không ngại lao khổ để độ
chúng sinh. Song le, chúng sinh không những chẳng sinh lòng cảm động, lại
còn chẳng chịu tiếp thọ sự dạy bảo của Phật Bồ-tát. Cho nên nói rằng:
"Chúng sinh nan độ phả kham thương." Nghĩa rằng chúng sinh khó độ chẳng
đáng thương sao? Chữ "thương" ở đây có nghĩa là bi thương. Vì chúng sinh
ngu muội, điên đảo nên chư Phật Bồ-tát mới sinh lòng xót thương vậy.
Tại sao chúng sinh
lại khó độ như vậy? Ðó là bởi "mê chư trần lao tánh điên đảo." Nghĩa là bị
trần lao làm cho mê hoặc, điên đảo. Ðó là lời giải đáp. Bởi vì chúng sinh,
trong vô lượng kiếp đã bị lục trần làm cho nhiễm ô sâu đậm. Lặn hụp trong
biển khổ, triển chuyển trầm luân, điên đảo, ngược ngạo, lấy sự khổ làm
niềm vui, lấy điều sai cho là đúng. Ví như ngày nay con người ưa thích ăn
mặc theo thời trang, chẳng những không có chút trang nghiêm nào mà còn
sinh ra nhiều hậu quả không tốt về sau. Người đời ai ai cũng biết nhưng
đều phạm vào cái lỗi đó. Ai ai cũng tranh giành, ganh đua, không biết rằng
biển khổ thì vô biên, nhưng quay đầu thì sẽ tới bến. Cũng giống như những
võ khí chiến tranh bây giờ, loài người chẳng những không hủy bỏ chúng đi
mà còn mỗi ngày tìm cách làm cho chúng thêm tinh xảo, nổ lực phát minh ra
những thứ giết người cho thật tối tân, thật tinh vi. Quý-vị xem, đây không
phải là chuyện điên đảo thì là gì?
Bởi vì sự điên đảo
của chúng sinh cho nên tất cả các vị thánh nhân, thiện-tri-thức đều hết
lòng khuyên dạy chúng sinh; giống như người lớn dạy đứa trẻ con, kéo tai
mà huấn dụ. Dù vậy, chúng sinh cũng chẳng chịu nghe theo; thậm chí còn tìm
trăm phương nghìn cách để che dấu tội lỗi của mình, không cho kẻ trên
biết. Ðây thật chính là "Nhĩ đề diện mệnh hóa vô phương." Nghĩa là kéo
tai, chỉ vào mặt để dạy nhưng cũng không sao dạy được.
Ôi! Bản lĩnh phạm
tội của chúng sinh thật vô song; ngay đến Phật Bồ-tát còn cảm thấy khó độ
chúng sinh. Quý-vị thấy có thật đáng bi thương chăng?
Giảng ngày 16
tháng 6, năm 1958
Niệm Phật Giống Như Gọi Ðiện
Thoại
Nếu
mình không gọi điện thoại,
đâu ai
trả lời.
Niệm niệm chân thành
niệm niệm thông,
Mặc mặc cảm ứng, mặc
mặc trung.
Trực chỉ sơn cùng
thủy tận xứ,
Tiêu dao Pháp-giới
nhậm Tây Ðông.
Nghĩa là:
Niệm niệm chân
thành, niệm thấu suốt,
Lặng lặng cảm
ứng, lặng trung dung.
Ðến khi núi mòn
sông cạn hết,
Tiêu diêu
Pháp-giới khắp Ðông Tây.
Không biết quý-vị có
liễu ngộ được chân nghĩa của bài kệ vừa rồi hay chăng?
"Niệm niệm chân
thành, niệm thấu suốt," chữ niệm đầu tiên nói lên ý niệm do tâm phát ra.
Chữ niệm thứ hai là chỉ ý niệm do miệng thốt ra. Nếu chỉ có ý niệm thứ
nhì, tức là ý "niệm" phát ra từ nơi miệng thì không còn là ý niệm chân
thành. Cho nên tâm khẩu cần phải chân thành khi niệm danh hiệu Phật
Bồ-tát. Chúng ta cần niệm đến chỗ tâm và miệng hợp nhất, một mà không hai.
Chúng ta không thể tùy tiện mà niệm, cũng không thể niệm một cách tán
loạn, và càng không nên niệm một cách tạp nhạp với nhiều vọng tưởng của
mình. Nếu mình làm được như vậy thì mới gọi là chân thành được.
Có được ý niệm chân
thành thì nhất định sẽ được cảm ứng. Cảm ứng đó là gì? Là sự tương thông
giữa tâm phàm phu của mình với tâm sáng lạng của chư Phật Bồ-tát. Ðó gọi
là:
Quang quang tương
chiếu;
Khổng khổng tương
thông.
Nghĩa là:
Ánh sáng này
chiếu ánh sáng kia;
Lỗ lông này thông
lỗ lông kia.
Tại sao có được cảm
ứng như vậy? Giống như khi gọi điện thoại, bên này có quay số, bên kia mới
trả lời. Niệm danh hiệu Bồ-tát cũng vậy, sẽ có lúc Bồ-tát hỏi mình rằng:
"Thiện nam tử, thiện nữ nhân, các vị cần điều chi?" Lúc đó mình cầu gì sẽ
được nấy. Nếu thiếu thành tâm thì cũng như điện thoại có năm số, mà mình
chỉ quay có ba số rồi ngừng tay, làm sao đường dây có thể thông được. Niệm
danh hiệu Bồ-tát cũng vậy, nếu mình niệm một chốc rồi ngừng lại, đó là
thiếu thành tâm. Nhất định không có chuyện cảm thông được.
Chỉ ai có cảm ứng
mới nhận biết sự "quang quang tương chiếu" này. Cũng như khi gọi điện
thoại, phải nhấc ống nghe lên mới nghe rõ người bên kia đầu dây. Vì phàm
phu không sao thấy được luồng sóng qua lại của điện thoại nên bài kệ nói
rằng: "Im lặng cảm ứng, im lặng trung dung."
Còn nói đến: "Núi
mòn, sông cạn hết" là chỗ mà "Bách xích can đầu trùng tiến bộ. Tán thủ
thiên không biệt hữu thiên." Nghĩa là: Ðầu sào trăm trượng cứ bước tiếp.
Duỗi tay trời sập: một trời mới. ý nói rằng: ở nơi đầu sào trăm trượng,
mình buông tay thì ngoài trời kia còn có bầu trời khác. Khi mình niệm đến
chỗ sơn cùng thủy tận, thì lúc đó mình niệm mà không niệm bởi vì niệm và
mình đã thành một khối. Ðó là lúc mình có thể "Tiêu dao Pháp-giới, nhậm
Tây Ðông." Thí dụ khi mình muốn vãng sinh Cực-lạc thế giới thì tức khắc
được như ý. Nếu muốn "đảo giá từ hàng," trở lại độ chúng sinh thì mình
cũng có thể ứng nghiệm; từ thế giới Cực-lạc mà trở lại thế giới Ta-bà,
hoặc đến tất cả Pháp-giới khác. Không chỗ nào mình muốn tới mà chẳng đặng,
nên nói rằng "nhậm Ðông Tây" chính là:
Nhất như ý, nhất
thiết như ý.
Nhất tự tại, nhất
thiết tự tại.
Nghĩa là:
Một việc như ý,
muôn việc như ý,
Một việc tự tại,
muôn việc tự tại.
Cho nên người học
Phật lúc nào cũng phải chân thành. Nếu mình không như vậy tức là hư ngụy,
là thứ: "Khai không hoa, bất kết quả" tức là nụ hoa giả có nở ra cũng
không sao kết trái được. Học Phật cần nhất là đừng tự dối mình.
Thêm vào đó, cổ nhân
lại có câu: "Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân." Nghĩa rằng người
quân tử thì tìm đáp án nơi chính mình, dựa vào năng lực của mình, còn kẻ
tiểu nhân thì nương tựa, cầu cạnh kẻ khác. Chúng ta không thể có tâm ỷ
lại, phải biết rằng sự cảm ứng là tự mình chiêu cảm lấy, không do nơi
khác. Có người nói: "Niệm Phật để được sinh Tịnh-độ; như vậy nhờ Phật mới
được tiếp dẫn." Câu nầy có thể đúng nhưng cũng có thể không đúng. Tại sao
vậy? Bởi vì thuyết tiếp dẫn do đối căn cơ mà lập. Ðối với chúng sinh còn
đầy lòng tham, luôn hy vọng chỉ dùng ít sức mà hoạch kết quả lớn; hay
thích cho vay ít lấy lãi nhiều, thánh nhân do đó phải tùy cơ ứng biến, nói
rằng Phật lực tiếp dẫn với mục đích là muốn chúng sinh nổ lực niệm Phật.
Kỳ thật kẻ niệm danh hiệu Phật Bồ-tát mà được vãng sinh Tịnh-độ đều hoàn
toàn do dựa vào sức lực của chính họ.
Niệm Phật nào phải
do Phật niệm giúp mình đâu! Khi muốn niệm danh hiệu Bồ-tát, có phải là ý
niệm đó xuất phát từ Bồ-tát không? Nếu không thì làm sao gọi là nhờ vào
tha lực được? Ðây giống như là Phật và Bồ-tát phóng quang gia bị cho mình.
Ðó cũng là sự cảm ứng do công đức mình niệm Phật Bồ-tát. Ðem chuyện gọi
điện thoại ra ví dụ thêm lần nữa, nếu mình không nhấc điện thoại quay số
thì đâu ai có thể tiếp chuyện cùng mình? Niệm Phật cũng đồng đạo lý như
vậy.
Kỳ thật, tâm niệm hy
vọng Phật tiếp dẫn mình vãng sinh Tịnh-Ðộ thực ra là tâm tham, tâm ỷ lại,
là cái tâm mình không muốn có. Khi tu hành, phải tự dựa vào năng lực của
mình, phấn chấn tinh thần, dũng mãnh tinh tấn; phải biết quả báo không
phải là kẻ khác mang đến mình. Cho nên niệm Phật không thể nói rằng nhờ
Phật lực tiếp dẫn được.
Cổ nhân có câu:
"Tướng tướng bổn vô chủng, nam nhi đương tự cường." Nghĩa rằng các vị
tướng không phải sinh ra đã thành, kẻ nam nhi phải tự lực tự cường. Chúng
ta học Phật cũng phải có tâm khí như vậy:
Phật-đà bổn vô
chủng,
Chúng sinh đương tự
cường.
Nghĩa là:
Ðức Phật không do
chủng tộc nào thành,
Chúng sinh phải
tự lực tự cường.
Nếu không như vậy
suốt ngày cứ ỷ lại vào uy lực của Phật thì cũng như là những người con của
tỷ phú, ỷ lại nơi di sản của ông cha mình, rồi rốt cuộc tự mình sẽ hại
mình mà thôi. Cho nên quý-vị mau mau tỉnh ngộ.
Giảng ngày 16
tháng 6 năm 1985
Ðừng Chờ Ðến Lúc Khát Mới
Ðào Giếng
Ai bảo mình
lúc chưa bịnh,
toàn làm
việc hồ đồ,
không biết
lo gìn giữ thân.
Bịnh hậu thủy tri
thân thị khổ,
Tử hậu phương tri
thác dụng tâm.
Nghĩa là:
Bịnh rồi mới biết
thân nầy khổ,
Chết xong mới rõ
lầm dụng tâm.
Ðây là bịnh thông
thường của chúng sinh: Khi chưa bịnh thì thế gian nầy thật hết sức sung
sướng và đầy đủ. Ðến khi bịnh, không động đậy được, không ăn uống được,
mất hết tự do, chịu đủ thứ thống khổ khó nhẫn, lúc đó mới biết rằng nguyên
nhân cái khổ là do thân nầy mà ra. Nhưng lúc biết vậy thì đã quá trễ. Nên
nói:
Lâm nhai lạc mã thu
cương vãng.
Thuyền đáo giang tâm
bổ lậu trì!
Nghĩa là:
Ngựa đến vực
thẳm, thâu cương thì quá trể.
Thuyền tới giữa
dòng, vá lỗ chậm lắm thay!
Ai bảo lúc chưa
bịnh, cứ làm việc hồ đồ, không biết lo giữ gìn thân mình. Bịnh khổ như
vậy, hà huống chuyện lớn sinh tử.
"Tử hậu phương tri
thác dụng tâm," chết rồi mới biết mình dùng tâm sai lầm. Bình thường mình
không chịu kiểm điểm, đến khi xuống tới Diêm-vương mới biết rằng, lúc sinh
tiền mình làm những chuyện không chính đáng, những chuyện sai lầm. Lúc
sống thấy người niệm Phật, thì mình phỉ báng, nói rằng họ mê tín; cười cho
là họ ngu si. Bây giờ có hối hận thì đã muộn rồi! Sự đau khổ trong núi
kiếm và vạc dầu như thế nào, tự mình chiêu cảm lấy. Cho nên "Ngựa khi đã
tới bờ vực thẳm mới gò cương thì quá trể. Thuyền đến giữa dòng rồi mới vá
chỗ thủng thì quá chậm." Cho nên ai kêu mình không chịu chuẩn bị tương
lai.
Vì thế Chu Tử nói
rất hay: "Nghi vị vũ nhi trù mâu, vật lâm khát nhi quật tĩnh." Nghĩa là
khi trời chưa mưa thì mình phải lo sắp đặt trước; thí dụ như sửa mái nhà.
Khi chưa mưa xuống mình phải mau mau chuẩn bị đối phó những chuyện sẽ xảy
ra lúc trời mưa. Như ở miền bắc Trung Hoa vì những cửa sổ làm bằng giấy,
nên trước khi mưa, cửa sổ cần dán kín. Nếu cửa không dán kỹ trời mưa sẽ
ướt đồ vật bên trong. Ðợi mưa mới đi dán cửa sổ thì đã quá muộn rồi. Ðừng
chờ tới lúc khát rồi mới đào giếng. Như những người ở nơi xa xăm không có
ống nước dẫn nước lại, họ phải nghĩ cách để giải quyết vấn đề cung cấp
nước. Không phải chờ đến lúc khát rồi mới đi đào giếng; như vậy thì quá
trể.
Mình học Phật cũng
vậy, phải hiểu rằng mọi sự vô thường, không ai thoát được cái chết. Tại
sao mình không lo chuyện hạ thủ công phu để giải quyết cái chết? Cho nên:
Nhược yếu nhân bất
tử,
Tiên hạ tử công phu.
Nghĩa là:
Mình nếu muốn
không chết,
Thì phải tu hết
mình.
"Tử công phu" (tu
hết mình), có nghĩa là giống như ngày hôm nay mình đả thất, niệm danh hiệu
Bồ-tát. Ðả thất, thứ nhất là cầu thế giới hòa bình; thứ hai là vì chuyện
về sau của chính bản thân mình. Thế cũng giống như chưa mưa mà mình đã
chuẩn bị trước. Mình đả thất thì năm nào cũng phải tham gia, không thể
gián đoạn, như vậy mới có thể kết được đại nhân duyên với A Di Ðà Phật và
Quán Thế Âm Bồ-tát. Mình cần phải niệm Ðức A Di Ðà Phật tới độ là coi Ngài
như sư phụ của mình, xem Ngài Quán Thế Âm Bồ-tát như là người bạn của
mình. Nếu như được làm đệ tử của Phật, làm bạn của Bồ-tát, trải qua nhiều
năm tháng, tự nhiên mình cũng sẽ trở thành bạn thân của các vị đó. Như vậy
thì chư Phật Bồ-tát sẽ tiếp dẫn mình về thế giới Cực-lạc vào phút cuối
cùng. Quý-vị đừng nên hồ nghi, bởi vì:
Tu Ðạo chi nhân tâm
mạc nghi,
Nghi tâm nhất khởi
tiền đồ mê.
Nghĩa là:
Lòng người tu Ðạo
chớ ngờ nghi,
Nghi ngờ nổi dậy
liền mờ mê.
Nghĩa là người tu
Ðạo chớ có tâm nghi ngờ, khi lòng nghi nổi dậy thì đi vào sự mê mờ. Chúng
ta nên nghe lời của thiện-tri-thức, không nên có lòng nghi ngờ. Thí dụ như
thiện-tri-thức nói tu hành cần phải có khổ công, thì mình phải tin như
vậy. Nếu mình có lòng tin một cách triệt để nhất định sẽ được minh tâm
kiến tánh, phản bổn hoàn nguyên. Do đó mình phải thường nghe lời chỉ dạy
của bậc thiện-tri-thức. Nếu vị đó dạy mình "niệm Phật" thì mình nhất định
phải theo lời mà niệm Phật; nếu vị ấy dạy mình "đừng buông lung" thì mình
không được buông lung, đó là yếu quyết của việc tu Ðạo vậy.
Như đã nói trên:
"Bịnh rồi mới biết thân này khổ." Bởi vì con người mà không trải qua một
cơn bịnh khổ thì không chịu phát tâm tu hành đâu. Do vậy, kẻ chưa bịnh thì
không hiểu sự thống khổ.
Lại có câu rằng:
"Phú quý tu đạo nan." Nghĩa rằng người giàu tu đạo rất khó, bởi vì việc gì
cũng như ý cả thì làm sao họ nghĩ đến chuyện tu. Do đó nghèo với bịnh là
thứ trợ duyên cho việc tu Ðạo. Bịnh đến thì mình đừng âu lo, nghèo khốn
cũng chớ ưu sầu. Có bài kệ như sau:
Ngã kiến tha nhân
tử,
Tử tâm nhiệt như
hỏa,
Bất thị nhiệt tha
nhân,
Tiệm tiệm luân đáo
ngã.
Nghĩa là:
Ta thấy người ấy
chết,
Lòng ta nóng như
lửa,
Chẳng phải nóng
cho người,
Mà từ từ lửa tới
ta.
Nghèo khốn hay bịnh
hoạn hẳn nhiên giúp mình trưởng dưỡng tâm tu Ðạo. Cũng như khi thấy người
khác nghèo khốn, bịnh khổ, già chết, mình cũng phải phát tâm như thế. Ðời
người giống như: "Trường giang, hậu lãng thôi tiền lãng." Nghĩa là "Sông
Trường giang, sóng sau đẩy sóng trước." Nếu mình kịp thời phát nguyện vãng
sinh, lúc gần chết, mình sẽ có sự chuẩn bị. Không vậy, lúc ấy mình hoảng
sợ không biết cách đối phó. Giống như đất nước nếu không trải qua một cơn
biến loạn thì nhân dân chỉ thích sống trong cảnh sung sướng an lạc, không
màng đến chuyện bảo vệ đất nước. Hiện tại Phật-giáo cũng như vậy, người ta
không nghĩ cách để phục hưng Phật-giáo, nên Phật-giáo đi vào tình trạng ủy
mị.
Vì vậy mình phải đề
xướng Phật-giáo; trách nhiệm không phải chỉ ở các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni,
mà ở tại mỗi tín đồ Phật-giáo. Nếu như mỗi người chúng ta đều tự nhận
trách nhiệm, thì lo gì Phật-giáo không phát triển! Hiện tại có những tín
đồ Phật-giáo cho rằng đạo Phật không bằng những ngoại đạo thời nay, chẳng
những họ không dám nhận mình là Phật-giáo đồ, thậm chí còn a dua với kẻ
khác chê bai Phật-giáo là mê tín. Quý-vị thấy như vậy có phải là đáng
thương lắm không? Giống như ở Cửu Long (Kowloon) nơi Ðạo Phong Sơn có một
đoàn thể ngoại đạo chuyên thu nạp những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trong
Phật-giáo, tới đó để trải qua một phiên cải tạo làm cho họ mất đi gốc gác
rồi trở ra phỉ báng Phật-giáo.
Do đó chân chính tin
Phật thì dù chết cũng không thay đổi, luôn luôn đề cao chí khí của mình,
không vì kẻ khác chê cười, không vì lợi ích mà thay đổi chí của mình. Nếu
như mọi người không quên mình là tín đồ Phật-giáo thì Phật-giáo chắc chắn
sẽ phục hưng.
Tuy những thứ ngoại
đạo hiện đang hưng thịnh, nhưng chỉ nhất thời mà thôi. Bởi vì thiên đạo
thì tuần hoàn: Vật tới cùng cực thì sẽ quay ngược lại. Quý-vị đừng để cái
vẻ bên ngoài của chúng làm dao động tâm trí mình. Chân lý thì bất diệt, sự
phục hưng của Phật-giáo thì hoàn toàn dựa vào nỗ lực của đại chúng.
Giảng ngày 17
tháng 6 năm 1958
Niệm Danh Hiệu
Bồ-Tát có thể Minh Tâm Kiến Tánh
Tâm
tánh của chúng sinh, luôn luôn quang minh lỗi lạc.
Chẳng qua là
vì bị vô số tội chướng, vọng niệm, làm cho lu mờ đi thôi.
Bản tính của chúng
sinh thì thích sướng, ghét khổ. Do vô minh che đậy nên chúng sinh không
biết cách để đạt tới sự an lạc sung sướng, thoát ra khỏi sự thống khổ. Do
đó, tuy rằng miệng luôn nói là truy cầu sự an lạc nhưng, bất hạnh thay, hễ
càng tìm kiếm thì càng thêm thống khổ.
Bồ-tát là người có
lòng từ bi quảng đại, đã giác ngộ, biết được làm thế nào để ly khổ, đắc
lạc. Vì vậy đối với chúng sinh đau khổ, đáng thương xót, Ngài phát tâm
nguyện đại bi rộng lớn, tầm thanh cứu khổ. Nên chúng sinh mình không phải
là hoàn toàn tuyệt vọng. Chỉ cần mình có lòng thành khẩn, niệm tụng "Nam
Mô Quán Thế Âm Bồ-tát," thì Ngài sẽ dùng pháp lực vô biên để độ thoát,
giúp mình ly khổ, đắc lạc. Sự an lạc này là sự an lạc cứu cánh, là sự an
lạc ở Tây-phương Cực-lạc. Do vậy, nói rằng niệm danh hiệu Bồ-tát không
những được thoát ly khỏi sự thống khổ của thế giới nầy, mà mình còn được
vãng sinh về thế giới Cực-lạc, khi hoa khai kiến Phật, tới được chỗ an lạc
thanh tịnh cứu cánh nhất.
Niệm Bồ-tát có thể
ly khổ, có thể làm cho mình liễu ngộ tâm tánh. Phải chăng có một việc quá
dễ dàng như vậy? Nhiều chúng sinh còn ngu tối, đặt ra câu hỏi nầy. Bồ-tát
quả phát tâm muốn làm chuyện tiện nghi cho chúng sinh, nên Ngài mới nói ra
pháp môn phương tiện như vậy. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chúng sinh, dầu với
sự dễ dàng tuyệt đỉnh kia cũng không nhận thức được. Thật đáng tiếc thay!
Có người lại nói
rằng: "Niệm danh hiệu Bồ-tát thì có thể tiêu trừ được tội khổ, đó là điều
tôi tin tưởng. Nhưng làm sao niệm Bồ-tát lại có thể làm cho tôi minh tâm,
kiến tánh được?" Vài ngày trước, tôi có nói ví dụ về chuyện đánh điện
thoại. Bây giờ, lại kể cho quý-vị nghe một ví dụ khác còn đơn giản hơn.
Ví như có một người
bị bịt mắt, chỉ thấy bốn bể tối đen. Người đó đi tới đâu, nếu không đụng
phải vào tường thì cũng va vô vách, làm cho sứt đầu bể trán, khổ không thể
nói được. Nhưng, tự y lại không biết thế nào để tháo tấm khăn bịt mặt kia
ra. May thay, y gặp được một người có lòng từ bi, trông thấy y tội nghiệp
như vậy, liền giúp y mở khăn bịt mắt ra. Nhờ đó, từ chỗ không thấy đường,
nay hắn ta có thể thấy mọi sự, không còn khổ sở, cũng không phải đi đụng
vào tường, vào vách như xưa.
Ðạo lý niệm Bồ-tát
để được minh tâm kiến tánh cũng tương tự như vậy. Chúng sinh, y hệt như
người bị bịt mắt kia, xưa nay mắt đâu bị mù, chẳng qua chỉ bị che kín mà
thôi. Tâm tánh của chúng sinh cũng như vậy, xưa nay vẫn không mất mát,
luôn luôn quang minh lỗi lạc. Chẳng qua là vì bị vô số tội chướng, vọng
niệm, làm cho lu mờ đi thôi. Bồ-tát cũng giống như người có lòng từ bi
kia. Ngài giúp mình giải trừ nghiệp chướng đã che đậy bản tánh quang minh
trong tâm mình; để mình có thể phản bổn, hoàn nguyên; khôi phục lại bản
lai diện mục.
Cho nên, mình không
thể không niệm danh hiệu Bồ-tát được. Bởi vì, giống như người bị bịt mắt
kia, nếu không cầu kẻ khác, không chịu tiếp nhận sự giúp đỡ của kẻ khác,
thì đừng nói là vẫn cứ phải đi đụng vào tường, mà còn có khi đi lạc lối,
rơi xuống hố thẳm, nguy hại đến tánh mạng nữa.
Ở đời nầy, số người
có tội ác thì nhiều vô kể. Nếu như không cẩn thận, lỡ một mai lạc bước,
rơi xuống vực sâu tội lỗi, mất đi thân người, thì muôn vạn kiếp khó mà tìm
lại được, mang hận ngàn đời. Các vị cư sĩ! Hãy mau mau tiếp thọ sự khuyên
dụ của đức Bồ-tát mà thường xuyên niệm tụng danh hiệu Ngài để được cứu độ
ra khỏi chốn biển khổ sanh tử này.
Giảng ngày 17 tháng
6 năm 1958