NGHĨ TỪ TRÁI TIM


Tác giả : Đỗ Hồng Ngọc
19/07/2011 04:47 (GMT+7)
Số lượt xem: 68779
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NGHĨ TỪ TRÁI TIM
BS. Đỗ Hồng Ngọc
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh

TẠM KẾT

Có lẽ “tự tại” là niềm mơ ước lớn nhất của kiếp người:  thoát khỏi mọi ràng buộc, khổ đau, dằn vặt, lo âu, sợ hãi ... Vì sao có ta? Vì sao không ta? Vì sao ta thương yêu, vì sao ta tuyệt vọng, vì sao ta mong cầu? Biết bao câu hỏi không lời đáp. Cho nên mơ ước, nghĩ tưởng (Quán) thoát được mọi “khổ đau ách nạn” (Tự Tại) là mơ ước của mỗi con người mà Tâm Kinh hy vọng giải đáp.

Avalokitésvara, Quán Tự tại Bồ tát , lúc thì được gọi là Quán Thế Âm, lúc thì được gọi là Quán Tự Tại. Có lẽ khi cần nói đến “Từ Bi” thì nói đến “Thế âm”, người nghe được tiếng kêu thống khổ của trần thế, người có thể rưới những giọt nước cam lồ để dập tắt những khổ đau ách nạn cho con người; còn khi cần nói đến sự vượt thoát khổ đau ách nạn của chính mình thì nói đến “Tự tại”, người có khả năng buông xả, viễn ly những “điên đảo mộng tưởng” để đến được bờ an vui, hạnh phúc! Người tự tại đôi khi chưa chắc đã thế âm và  thế âm đôi khi chưa chắc đã tự tại. Thế nhưng phải tự tại thì mới có thể thế âm và ngược lại! Trí tuệ phải đi với Từ bi. Một cái vì người, cho người, một cái vì mình, cho mình.  Vì thế mà Quán Thế Âm cũng chính là Quán Tự Tại đó vậy! Còn Bồ tát là kẻ đã giác ngộ rồi nhưng còn nấn ná ở lại “cõi người ta” để giúp đời, giúp người mà cũng chính là để giúp mình. Ở đâu và lúc nào ta cũng thấy các vị Bồ tát - hằng hà sa số chư vị Bồ tát - vì lời thệ nguyện, dấn thân vào đời. Nơi nào càng khốn đốn khó khăn càng dễ thấy Bồ Tát xuất hiện. Họ có thể là những người đã xuất gia nhưng cũng có thể là những kẻ trần tục, “cư trần lạc đạo”, sống trong đời sống bỉnh thường mà vui lẽ đạo, tích cực hoạt động cho sự tiến bộ của xã hội với cái tâm  vô ngại, không tính toan, cái tâm “vô tâm”, hồn nhiên, trong sáng. Trần Nhân Tông, vị vua anh hùng đời nhà Trần của nước ta, trên 700 năm trước, người hai lần đại phá quân Nguyên, đã từ bỏ ngai vàng khi hãy còn trẻ, về tu ở núi Yên Tử, trở thành Tổ của thiền phái Trúc Lâm, người đã dạy con rất nghiêm và khi cần vẫn xuống núi đánh nam dẹp bắc giữ yên bờ cõi, đã viết:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

(TNT)

(Sống trong đời sống mà vui lẽ đạo, cứ để tuỳ duyên; Đói thì ăn, mệt thì ngủ; Trong nhà có của báu rồi, thôi đừng tìm kiếm đâu nữa; Gặp cảnh mà giữ được vô tâm thì không cần phải hỏi chi đến Thiền!).

Tâm Kinh Bát Nhã không phải để học, để hiểu, mà là để hành, để giúp người ta có thể “cư trần” mà “lạc đạo”. Có nhiều thứ Bát Nhã: Bát Nhã văn tự dành cho nhà nghiên cứu, cho các học giả ; Bát Nhã thiền quán dành cho hành giả và cho người bình thường, biết cư trần lạc đạo trong đời sống xã hội thường ngày và Bát Nhã “thực tướng” là Bát Nhã thâm sâu, siêu việt, một lãnh vực không thể nghĩ bàn!

Thực hành Tâm Kinh không dễ, nhất là trong đời sống hiện đại của chúng ta. Chỉ cần bấm cái nút, rê con chuột, thì bao thứ thông tin tốt xấu đã tràn ngập. Các giác quan luôn bị khuấy động, luôn bị kích thích, với bao nhiêu là hình ảnh bát nháo, âm thanh ì xèo, xu hào rủng rỉnh, rồi nước tăng lực, rồi thuốc hỗ trợ ... làm cho cái sắc lồng lên, cái thọ cái tưởng bấn xúc xích, cái hành cái thức không lúc nào được yên! Con “trâu” bây giờ “chăn” thật không dễ!

Thế nhưng khi Tôn Hành Giả trở thành “Tôn Ngộ Không” rồi thì trợn con mắt chính giữa lên nhìn lập tức yêu quái hiện nguyên hình. Cái nhìn Bát Nhã. Cái nhìn bất nhị. Cái nhìn thấy được chân tướng bên trong. Vượt ra, vượt qua, vượt lên ...

Niết bàn hay địa ngục là do ta tự tạo ra cho mình, nó ở ngay trong ta thôi: Giận dữ, ngờ vực, sợ hãi, lo âu ... tiêu hao của ta rất nhiều năng lượng, đốt cháy ta từ tầng này đến lớp khác chẳng phải là hình ảnh của địa ngục ư? Còn niềm vui, an lạc, hạnh phúc, vô úy ... làm ta như chắp cánh bay lên, quên cả thời gian, không gian, chẳng phải là hình ảnh của thiên đàng, niết bàn  ư? Một câu linh chú “Gate, gate ... Qua rồi! Qua rồi ...” có thể nhắc nhở ta nhiều điều chăng?

Cái Không của ngũ uẩn, của 12 xứ, 18 giới có lẽ là dành cho kẻ “nhân gian” để vượt qua chấp ngã, còn cái Không của thập nhị nhân duyên, tứ đế, lục độ là dành cho kẻ đến bờ để vượt qua chấp pháp. Đâu thể tùy nghi! Người có bệnh thì cần thuốc; người không bệnh chẳng cần thuốc, thậm chí cũng chẳng cần đến bác sĩ. Phật là một y vương chỉ muốn chúng sanh không bệnh, không khổ, để không phải dùng đến thuốc. Mỗi người tự chịu trách nhiệm về mình, về sức khỏe cũng như về an vui, hạnh phúc của mình. Tâm Kinh Bát Nhã mà bị hiểu sai thì rất nguy hiểm, dễ đưa đến kiêu mạn, buông lung như dùng thuốc mà sai thì chữa không khỏi bệnh mà còn tạo ra những phản ứng phụ! Cho nên người bạn đồng nghiệp quy y từ thuở nhỏ của tôi không phải là không có lý khi khuyên phải đi từng bước, từ Giới, đến Định, đến Tuệ. Tuệ mà không Giới không Định thì như không có nền móng; Giới, Định, mà không có Tuệ cũng chẳng đến đâu.

Phật đã không nói Tâm Kinh với bất cứ ai mà chỉ nói với Sariputra bởi ông đã đến độ chín muồi cần thiết, không phải lơ lửng ở giữa dòng, không còn sợ ông bị đắm thuyền nữa!

Các nhà hiền triết Đông Tây đều nói đến cái tâm hồn nhiên trong sáng của trẻ thơ,  cái “xích tử chi tâm” của Lão Tử chẳng hạn không khác câu “Chỉ có trẻ con mới vào được nước thiên đàng” của Chúa; cái “vô ngã” của Phật dẫn đến “vô hữu khủng bố” cũng gần với “vô thân hữu hà hoạn?” của Lão tử. Tiếng than “Thiên hà ngôn tai!” của Khổng tử cũng gần như sự im lặng sấm sét hay “bất lập văn tự” của các vị thiền sư!

Phật gần gũi với chúng ta có lẽ ở chỗ ngài không phải là một triết gia mà là một “hành giả”, một nhà sư phạm lỗi lạc, có những cách giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng, sử dụng phương pháp giáo dục chủ động giúp người ta tự khám phá, tự phát hiện và thay đổi thái độ, điều chỉnh hành vi; đặc biệt ngài luôn khơi dậy ở con người lòng tự tin vào chính mình khi nói “mỗi người là một vị Phật sẽ thành” do nỗ lực tự thân. Không ai có thể giác ngộ giùm cho người khác được bởi chính ngài cũng là người tìm đường và tự thể nghiệm, tự thực chứng.

Cái thấy biết của Phật có vẻ cũng là cái thấy biết của chúng sanh, có điều ở Phật là sự “thấy biết” rốt ráo, thường trực, còn ta, chỉ thỉnh thoảng giật mình “giác ngộ” một chút, rồi quên. Để rồi kêu lên “Ta đã làm chi đời ta?” (VHC), hoặc ngậm ngùi “Nhìn lại mình đời đã xanh rêu...” (TCS). Ta chỉ thỉnh thoảng giật mình chút thôi. Bởi vì “Con tinh yêu  thương  vô  tình  chợt  gọi.  Lại  thấy  trong  ta  hiện  bóng  con người”(TCS)... Cái bóng con người đó làm nên cõi Ta bà. Mà thực ra Niết bàn cũng chỉ có ở cõi Ta bà  cũng như Bồ đề chỉ có thể phát sanh từ phiền não. Cho nên mới nói “Bất tận hữu vi, bất trụ vô vi” (Kinh DMC). Nếu không vậy, các vị Bồ tát đâu có còn được gọi là “Phật hữu tình”?

Sắc bất dị Không. Không bất dị sắc. Nhưng cái sắc sau đã khác cái sắc trước. Sắc trước mới chân không mà sắc sau đã là diệu hữu. Từ chân không đến diệu hữu là cả một quãng đường dài, đầy chông gai, dù thực ra chỉ là một. Chân không cũng chính là diệu hữu. Khi ngộ thì cái bờ bên kia cũng chính là bờ bên này đó vậy.

Tôi viết những cảm nghĩ trong khi nghiền ngẫm Tâm Kinh cũng là để làm một phương thuốc chữa trị bệnh cho chính mình và chia sẻ cùng một vài bạn bè thân hữu, những người bạn cùng lứa, “đồng bệnh tương lân”.

Trong khi hành nghề bác sĩ của mình, khi tham vấn sức khoẻ cho người bệnh và cả người không bệnh, tôi hiểu rằng những đức tính cần thiết của một tham vấn viên mà tâm lý học ngày nay nêu thành những nguyên tắc như tôn trọng, chân thành, thấu cảm và những kỹ năng cần thiết như biết lắng nghe, biết tương tác, biết đối thoại ... thì hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Phật đã hình tượng nên các vị Bồ tát Thường Bất Khinh, Quan Thế Âm, Diệu Âm, Dược Vương ... để  giúp con người giải thoát khổ đau, ách nạn. Khi nhìn vào bệnh tật, tôi “ngộ” rằng “Huyết áp bất dị Không. Không bất dị huyết áp ...”. Huyết áp không chỉ là một con số đo. Nó là kết quả của những tương tác như sức co bóp của tim, khối lượng và chất lượng của máu, tình trạng của mạch, các chất hoá học gây co hay giãn mạch, hoạt động của hệ bài tiết, của bộ máy hô hấp, của những chất dinh dưỡng trong thức ăn thức uống hằng ngày, của những cảm xúc tâm lý, lo âu, sợ hãi,  căng thẳng v.v...” Cho nên điều trị huyết áp không chỉ đơn giản dùng thuốc để hạ số đo mà phải chữa một cách toàn diện. Bệnh tâm thần cũng vậy, ngày càng nhiều do nếp sống căng thẳng, dồn nén, ẩn ức ... mà phân tâm học ngày nay hình như mới chỉ giúp quậy bùn trong ao lên hơn là để lắng đọng, chuyển hoá, để mọc thành những cánh sen ...

Cái tôi hiểu về Tâm Kinh hôm nay có thể rất khác với ngày mai, ngày kia, cũng khác với Tâm Kinh người khác hiểu. Tâm Kinh có lẽ như một tấm gương để ta tự soi rọi lấy mình, nhìn vào bên trong mình, tự nhắc nhở mình mà “viễn ly” những “điên đảo mộng tưởng” để từ đó mà được “độ nhất thiết khổ ách!” chăng?

Nhưng không dừng ở đó, Tâm Kinh Bát Nhã còn mở ra vời vợi những khoảng Không bất khả tư nghì ./.

Đỗ Hồng Ngọc

(5/2003


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp