22/04/2011 07:03 (GMT+7)
Số lượt xem: 13898
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

QUẢ BÁO TRÊN ĐẤT PHẬT

 

Trong số những nhân vật đến Việt nam Phật Quốc Tự rồi đi, tôi vẫn còn giữ kỷ niệm thật vui về ông Bảy, người đã trải qua hơn ba tháng gắn bó với Việt Nam Phật Quốc Tự trong thời kỳ chùa đang xây dựng.

Vào năm 1996, tôi sang bang California của nước Mỹ tham dự một hội nghị về trao đổi văn hoá. Nhân dịp đó các Phật tử có mời tôi nói chuyện một buổi về Việt Nam Phật Quốc Tự tại Cali. Sau khi kết thúc, mọi người ùa đến vây quanh tôi xin chụp hình lưu niệm. Bỗng nhiên có một cụ già người Việt dáng vẻ quắc thước đến nhét một miếng giấy vào tay tôi và nói một cách thành khẩn: “Thưa Thầy, xin Thầy đọc giùm con ngay”. Tôi lấy làm lạ nên khi mọi người mời vào bên trong ngồi uống nước tôi bèn mở tờ giấy ra xem. Trong thư chỉ ghi một hàng chữ nguệch ngoạc: “Xin Thầy vui lòng cho con gặp mặt để thưa một việc cần kíp, nếu không con chết”. Tôi kinh ngạc không hiểu nguyên do gì mà một người hoàn toàn xa lạ lại viết thư cho tôi với lời lẽ căng thẳng như vậy. Nhìn thấy ông đang đứng gần đó với vẻ mặt băn khoăn chờ đợi, tôi vẫy ông đến gần và xin số điện thoại, hẹn sẽ gọi điện trao đổi sau.

Vừa về đến khách sạn tôi gọi điện thoại cho ông ngay. Ông kể rằng ngay từ nhỏ đã ao ước đi tu nhưng chưa có duyên lành. Nay được nghe tôi kể chuyện xây dựng ngôi chùa trên đất Phật ông rất cảm xúc và tha thiết xin theo về chùa để tu. Tôi khuyên ông nếu muốn vậy thì phải bàn bạc với gia đình và thu xếp mọi việc thật yên ổn rồi mới ra đi chứ không nên nôn nóng vội vàng như thế. Ông bèn mời tôi tuần sau đến nhà chơi.

Thế là chỉ trong vòng một tuần lễ ông quy tụ đầy đủ con cháu dâu rể ở rải rác khắp các tiểu bang trên đất Mỹ tập hợp tại nhà ông. Khi tôi đến nơi được cả nhà đón tiếp một cách trịnh trọng, mời ngồi trên một cái ghế cao còn mấy chục thành viên trong gia đình xúm xít chung quanh. Mọi người coi tôi như thượng khách và tỏ ra cung kính khiến tôi khá ngỡ ngàng. Ông bà có vẻ là người chân chất, ít chữ nghĩa, tuy nhiên họ dạy dỗ con cái rất tốt. Tuy tất cả đều đã trưởng thành, dâu rể có cả người nước ngoài nhưng đều tỏ ra rất hiếu đạo và tôn kính cha mẹ.

Sau khi trao đổi mấy câu chuyện xã giao, ông Bảy nghiêm trang đứng lên nói về ước nguyện muốn được đi tu. Tôi góp ý:

- Nếu ông Bảy muốn đi tu thì phải có sự đồng ý của bà Bảy và các con cháu trong gia đình.

Và tôi quay sang hỏi bà vợ:

- Ông Bảy muốn theo tôi sang đất Phật để tu hành, vậy bà có đồng ý hay không?

Bà nhỏ nhẹ trả lời:

- Thưa Thầy con không phản đối nhưng xin được đi theo để lo cho ông.

Ông Bảy liền trợn mắt và lớn tiếng:

- Không được, bà cứ để tôi đi một mình, chừng nào đắc đạo tôi trở về độ cho bà.

Bà Bảy thở dài và lặng lẽ lấy khăn lau nước mắt chứ không dám nói gì thêm. Khi ông quay sang hỏi ý kiến các con thì người nào cũng rụt rè tán đồng chứ không dám nói trái ý cha. Thấy vợ có vẻ buồn, ông quay sang cự nự:

- Tôi đã hy sinh suốt mấy chục năm nay lo cho gia đình, bây giờ bà phải trả tự do cho tôi muốn làm gì thì làm chứ.

Bà vợ rầu rĩ cúi mặt và lấy khăn chùi nước mắt khiến tôi rất xúc động nên quay sang nói với ông Bảy:

- Thôi, ông cũng nên thong thả, để tôi có thời gian sắp xếp mọi việc sẵn sàng rồi mời ông sang. Nếu quả ông có phước duyên thì thế nào cũng sẽ được toại nguyện. Dục tốc bất đạt.

Tôi đứng dậy từ giã cả gia đình, trước khi ra về tôi đến an ủi bà Bảy:

- Bà cứ yên tâm, nếu không được phép của bà tôi sẽ không dẫn ông đi đâu.

Sau khi hội nghị kết thúc tôi trở về Ấn Độ. Không bao lâu sau tôi liên tục nhận được điện tín và cả điện thoại của các con ông Bảy yêu cầu tôi trở qua Mỹ gấp để cứu cha họ. Tuy không hiểu ất giáp gì nhưng nghe nói có chuyện cần kíp liên quan đến tính mạng con người nên tôi vội vã thu xếp công việc bay sang Mỹ. Qua đến nơi tôi mới rõ sự tình. Thì ra sau khi tôi về lại Ấn Độ, ông Bảy hết sức thất vọng và một mực dọa rằng nếu không được đi tu ông sẽ tự vận. Thế là từ đó hễ ông đi đâu làm gì cũng đều có người thân đi theo, kể cả khi ông vào nhà vệ sinh. Tình trạng căng thẳng kéo dài nên cả gia đình họp nhau lại bàn bạc và đành chấp thuận để ông sang Ấn Độ vì sợ ông tự vận chết bất tử. Sau đó họ mới đánh điện và gửi vé máy bay mời tôi sang Mỹ để đón ông.

Công việc xây dựng chùa đang rối rắm trăm bề mà bỗng nhiên giờ đây tôi lại phải mang thêm một gánh nặng, còn về phần ông Bảy thì việc quá nôn nóng muốn đi tu cũng không phải là tốt. Thế nhưng tôi cũng không thể từ chối trước mong ước quá thiết tha của ông.

Khi biết ý nguyện của mình sắp được thực hiện, ông Bảy vui vẻ sung sướng như trẻ con được quà. Nhìn thấy tôi mặc chiếc áo kiểu Ấn Độ ông bèn hỏi mượn để làm mẫu vì ông vốn là thợ may. Tôi cứ tưởng có lẽ ông muốn may tặng tôi vài bộ đồ để coi như ra mắt sư phụ, ai ngờ ông may đo cho chính ông, làm tôi mừng hụt. Rồi ông sục sạo tìm mua cả trăm cuốn sách kinh đóng thùng mang sang đất Phật. Ông yêu cầu các con phải mua vé máy bay hạng nhất cho cả hai thầy trò vì theo ông một lần đi tu là một lần khó! Thế nhưng tôi không đồng ý. Tôi luôn luôn đi vé máy bay loại thường cho đỡ tốn kém, chỉ khi nào các trường đại học mời hay những hội nghị quan trọng mà tiêu chuẩn dành cho đại biểu là vé máy bay hạng nhất thì tôi mới miễn cưỡng chấp nhận. Cuối cùng ông phải chiều theo ý tôi đi loại vé thường.

Trước ngày lên đường, các con của ông đến gặp riêng tôi dặn dò đủ thứ chẳng khác nào tôi là... con rể của ông. Thậm chí có người còn nhét vào túi xách tôi vài chai dầu gió và căn dặn:

- Con có đưa dầu cho ba con rồi nhưng thầy cũng giữ thêm vài chai, khi nào ba con xài hết thì đưa cho ông.

Người lại ân cần nhờ vả:

- Ba con thích ăn ngon, con xin gửi thầy ít tiền để khi nào ba con thèm món gì nhờ thầy mua giúp.

Tôi thật sự ngao ngán trước viễn cảnh phải lo phục vụ thêm một ông cụ trong khi bản thân mình công việc đang ngập đầu ngập cổ, nhưng mặt khác cũng rất cảm kích trước lòng hiếu đạo của những người con. Tôi nghĩ thầm chắc kiếp trước mình còn mắc nợ ông nên giờ đây phải trả! Ngày lên đường, khi đã yên vị trên máy bay ông Bảy tỏ ra vô cùng sung sướng và bắt đầu mở máy nói oang oang. Tôi nhắc nhở ông:

- Ông bình tĩnh lại, máy bay vẫn còn đang bay trên nước Mỹ chứ chưa đến đất Phật đâu.

Suốt mấy tiếng đồng hồ trên đường từ Mỹ sang Luân Đôn, ông nói chuyện không ngừng khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Máy bay vừa đáp xuống phi trường Luân Đôn ông hứng khởi thốt lên:

- Mô Phật! Mô Phật! Thưa thầy thế là con đã đến được đất Phật.

Tôi bật cười:

- Chưa đâu, chúng ta chỉ mới tới Ăng lê thôi.

Máy bay dừng tại Luân Đôn để tiếp nhiên liệu rồi lại tiếp tục bay sang Ấn Độ. Ông Bảy khấp khởi vui mừng tưởng rằng chỉ một hai giờ đồng hồ nữa sẽ qua tới đất Phật, nhưng khi biết rằng phải mất đến hơn tám tiếng thì ông tỏ ra hết sức nôn nóng. Khi máy bay đáp xuống thủ đô New Delhi, ông Bảy mừng rỡ quay sang tôi:

- Mô Phật! Thưa thầy con sung sướng quá, bây giờ con đã được tới đất Phật, được theo gót ngài Huyền Trang, được theo thầy rồi!

Ngay khi vừa đặt chân xuống phi trường ông vội quỳ xuống thành kính hôn lên mặt đất làm mấy ông tây bà đầm lấy máy hình ra chụp ảnh lia lịa. Ra đến chỗ nhận hành lý, thấy ông già cả nên tôi định xách va li giúp nhưng ông nhất định không chịu:

- Thầy để con xách. Thầy mà xách thì con mang tội chết.

Lúc ấy thời tiết bắt đầu vào hè nên ông bảo tôi:

- Thưa thầy trời nóng quá, con đề nghị thầy trò mình vào ở trong khách sạn 5 sao.

- Không, không nên. Ở đó rất mắc hơn cả trăm đô la một ngày.

- Mấy trăm cũng được, không sao đâu thầy.

Nhưng tôi nhất định không chịu nên cuối cùng ông phải chiều ý tôi về ở tạm tại một ngôi chùa. Biết ông đã quen với tiện nghi nên tôi mua vé xe lửa toa có máy lạnh để đi từ New Delhi đến Bồ Đề Đạo Tràng, chứ còn thông thường tôi luôn luôn đi vé ngồi cho đỡ tốn kém. Suốt chặng đường ông lại tiếp tục thuyết pháp. Lúc đến Việt Nam Phật Quốc Tự, thấy cảnh vườn cây xanh ông tỏ ra mừng rỡ vô cùng khiến tôi cũng vui lây:

- Thưa thầy, con từ Bắc vào Nam, từ Việt Nam sang Mỹ rồi đi khắp các nước mà chưa bao giờ thấy nơi nào đẹp và thơ mộng như cảnh chùa mình.

Bắt đầu từ đó ông giành làm hết mọi việc, đến nỗi khi tôi tụng kinh ông cũng bảo để ông tụng thay. Mỗi bữa ăn ông nấu cơm rồi dọn cho tôi giống y như trong nhà hàng, bày đầy đủ bát dĩa và cả khăn ăn rất trịnh trọng. Đặc biệt không bao giờ ông chịu ngồi ăn chung với tôi.

Thông thường mỗi sáng tôi cúng Phật bằng nước lạnh, từ khi có ông thì hàng ngày ông pha trà để cúng Phật, chư Bồ Tát ở chánh điện và bàn thờ chư Tổ, chư liệt vị anh hùng ở phía sau chánh điện. Thái độ thành tâm của ông khiến tôi rất vui. Tôi lại nghĩ sau bao nhiêu năm cô độc, vất vả, có lẽ nay chư Phật chư Bồ Tát thương tình ban cho người đệ tử già bầu bạn để đỡ hiu quạnh.

Suốt hơn một tháng đầu ông phấn khởi làm mọi việc một cách đầy nhiệt tình và rất đúng giờ. Hàng ngày trước khi cúng Phật ông pha cho tôi một bình trà, vậy là tôi vừa ngồi nhâm nhi ly trà vừa nghe ông tụng kinh mà lòng cảm thấy rất êm ả thanh thoát vô cùng nơi đất Phật.

Nhưng sau đó bỗng nhiên ông bắt đầu tụng kinh trễ nải dần rồi từ từ bỏ luôn. Một buổi sáng không thấy ông pha trà tụng kinh như thường lệ nên tôi vào phòng hỏi thăm:

- Sao hôm nay ông Bảy không tụng kinh?

- Thưa thầy mình mẩy con đau nhức quá.

- Chắc là ông bị bệnh rồi. Ông có cần bác sĩ không để tôi đi kêu?

Ông có vẻ không tin tưởng bác sĩ Ấn Độ nên lắc đầu. Tôi trở ra tự pha trà rồi đi tụng kinh. Tụng xong vẫn không thấy bóng dáng ông đâu tôi bèn xuống bếp nấu ăn. Cơm nước xong xuôi tôi gọi ông ra ăn thì ông nhất định không chịu ăn như mọi khi. Sau khi tôi ăn xong ông vẫn tiếp tục nằm yên trong mùng khiến tôi rất lo lắng vì nếu lỡ ông lâm bệnh nặng thì thật phiền toái, mà nếu có mệnh hệ nào lại càng nguy hơn, nhất là trong lúc việc xây chùa còn đang ngổn ngang. Vậy là tôi phải dọn cơm vào mâm rồi bưng đến tận giường cho ông. Ông nói rằng sợ tội nên không dám ăn, tôi phải dỗ dành:

- Thôi ông ráng ăn đi, ông không chịu ăn tội còn nặng hơn.

Đồng thời tôi nghĩ bụng đúng là quả báo nhãn tiền, lúc trước để ông pha trà cho mình thì nay mình phải nấu cơm bưng đến tận giường hầu ông và hơn thế nữa lúc ông nằm một chỗ tôi phải giặt giũ áo quần cho ông. Quả thật, đây là quả báo nhãn tiền của tôi.

Sau đó tôi bắt đầu trở lại nếp sống cũ, hàng ngày dậy sớm pha trà tụng kinh, tiếp theo chuẩn bị bữa cơm rồi bưng vào tận giường năn nỉ ông Bảy ăn.

Vào một buổi chiều mưa, sau thời tụng kinh chiều, tôi đang ngồi thanh thản ngắm nhìn cảnh vật mờ ảo bên ngoài, thỉnh thoảng những tia chớp lóe lên chiếu sáng những hạt mưa óng ánh rơi trên tàu lá chuối, lắng nghe tiếng ễnh ương ếch nhái hòa cùng với tiếng mưa rơi thánh thót trên lá cây trong vườn, làm thành một bản hòa tấu thật du dương. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng người khóc nên vội vàng đi xuống thì thấy ông Bảy đang ngồi trên bậc cầu thang khóc nức nở. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Có chuyện gì đó ông Bảy?

- Thưa thầy con buồn chịu không nổi, từ hồi cha sinh mẹ đẻ tới giờ chưa bao giờ buồn ghê gớm đến như vậy.

Lúc đó lòng tôi đang vui nên thoạt đầu không hiểu được điều ông nói:

- Tại sao ông lại buồn?

- Thưa thầy con nhớ nhà quá!

- Nhưng ông nhớ ai?

- Dạ con nhớ má thằng Út!

Hóa ra ông đang nhớ bà Bảy! Tôi bật cười:

- Tại sao ông không nhớ ai hết mà chỉ nhớ má thằng Út?

- Thưa thầy, con coi má thằng Út như mẹ ruột của con vậy.

- Ủa, sao kỳ vậy? Tại sao ông lại coi bà Bảy như mẹ mình?

- Thưa thầy con vốn mồ côi từ nhỏ nên rất thiếu tình thương. Đến khi gặp má thằng Út thì bà hết mực yêu thương chiều chuộng con. Hễ mỗi khi con bệnh là bà chăm sóc tận tình, nấu phở cho con ăn, kho thịt, nấu cháo…

Thế là ông bắt đầu một câu chuyện tràng giang đại hải về những điều mà bà vợ yêu quý thường làm cho ông. Hồi lâu ông vẫn không chịu ngưng khiến tôi phải cắt ngang:

- Thôi đủ rồi ông đừng kể nữa.

Lúc chuẩn bị đi Ấn Độ ông Bảy nằng nặc đòi chỉ mua vé một lượt vì nhất quyết ở lại luôn nơi đất Phật, tuy nhiên tôi không đồng ý mà cẩn thận yêu cầu các con ông mua vé khứ hồi để ông có thể trở về Mỹ bất cứ lúc nào. Quả nhiên điều tôi dự phòng đã xảy ra, mà lại sớm hơn là tôi nghĩ. Tính ra ông chỉ mới lưu lại chùa được hơn ba tháng. Tôi thở dài bảo ông:

- Thôi ông cứ thu xếp đồ đạc, tôi sẽ đưa ông về Mỹ.

Nghe tôi nói vậy ông mừng rỡ te te trở về phòng. Sáng hôm sau, vừa tụng kinh xong tôi đi xuống lầu thì thấy hai ba cái va li nằm ngổn ngang ở chân cầu thang. Tôi ngạc nhiên gọi:

- Ông Bảy, va li của ai để đầy cầu thang vậy?

- Bạch thầy, hôm qua thầy đã bằng lòng đưa con về Mỹ.

- Trời đất, làm sao tôi đưa ông đi ngay được, ít nhất phải chờ một hai tuần lễ để tôi chuẩn bị sắp xếp công chuyện chùa đâu vào đó rồi mới đưa ông đi được chứ.

Ông tiu nghỉu đem va li vào phòng. Sau khi thu xếp mọi việc xong tôi mua vé xe lửa đưa ông đến sân bay New Dehli. Suốt dọc đường ông xin lỗi rối rít:

- Con rất xấu hổ vì đã làm phiền thầy. Xin thầy tha lỗi cho con.

Tôi an ủi ông:

- Thôi không có gì phải áy náy, chẳng qua kiếp trước chắc là tôi còn thiếu nợ ông.

Ông hứa với tôi:

- Lần này con về thu xếp chuyện gia đình xong sẽ trở qua tu luôn với thầy.

Ông nói câu này một cách hết sức chân thành khiến tôi không nhịn được cười. Tôi đưa ông ra sân bay rồi đứng bên ngoài chờ ông làm thủ tục, đinh ninh khi làm xong thế nào ông cũng quay ra để thầy trò chào tạm biệt. Không ngờ ông quá vui mừng trước viễn cảnh được gặp lại vợ con nên đi thẳng lên phòng cách ly quên khuấy luôn việc quay lại chào từ giã tôi lần cuối. Một chuyện vui khác là sau khi về đến Mỹ, hàng ngày cứ mỗi bữa ăn ông đều xới một chén cơm và đĩa thức ăn rồi hướng về đất Phật lâm râm khấn vái tên tôi khiến cho mấy đứa con cứ tưởng rằng tôi đã chết!


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp