PHẬT GIÁO
TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
Hoang Phong biên soạn và chuyển ngữ
Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2012
(ấn bản thứ hai)
PHẬT GIÁO VÀ VẤN ĐỀ TÍNH DỤC
Philippe Cornu
Hoang Phong chuyển ngữ
Lời giới thiệu của người
dịch
Tạp chí Le Point của Pháp vừa phát hành một số đặc biệt tháng 11 và 12,
năm 2010, đưa ra chủ đề TÍNH DỤC VÀ CÁC TÔN GIÁO, quy tụ một số học giả lỗi lạc
của Pháp trình bày quan điểm của các tôn giáo lớn như Thiên chúa giáo, Do thái
giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo... về vấn đề này. Phần
trình bày về quan điểm của Phật giáo do một học giả Phật giáo lỗi lạc là
Philippe Cornu đảm trách, ông là Giảng sư và đương kim Viện trưởng Viện Đại học
Phật giáo Âu châu. Có tất cả bốn bài viết của ông : bài thứ nhất trình bày quan
điểm chung của Phật giáo và 3 bài trình bày quan điểm của ba thừa Phật giáo là Nguyên
thủy, Đại thừa và Tan-tra thừa. Ngoài ra một số đoản văn tiêu biểu trích từ
kinh sách cũng được trình bày thêm giúp người đọc tìm hiểu chi tiết hơn những
gì được nêu lên trong các bài viết. Người dịch cũng mạn phép đưa ra một vài lời
góp ý thay cho phần kết luận.
Sự sa ngã của người đàn ông và cảnh bị trục xuất ra khỏi thiên đường
Tranh của Michael Angelo, toà thánh Vatican, La-mã
Phật giáo nhìn tính dục dưới
khía cạnh của sự thèm khát và đau đớn : đó là một mối hiểm nguy xô đẩy con người
vào cảnh đọa đày của dục vọng và khổ đau.
1
Phía sau thân xác và giới tính
là sự thèm khát...
Phippe Cornu
Hoang Phong chuyển ngữ
Phật giáo không áp đặt một quy
luật nào cho xã hội con người, không hề làm luật cũng không thiết đặt một nền
luân lý mang tính cách tập thể nào cả. Phật giáo hướng vào cá nhân con người, khuyên
con người nên chọn cho mình cách sống như thế nào và cách tu tập ra sao để diệt
trừ khổ đau và tự giải thoát khỏi những trói buộc của sự hiện hữu. Vì thế những
lời giáo huấn của Đức Phật (thế kỷ thứ V trước Giê-su) có nói đến tính dục, đấy
là những lời khuyên bảo mang tính cách cá nhân, tuyệt nhiên không phải những phán
lệnh áp đặt cho toàn thể xã hội con người.
Theo giáo lý của Phật
giáo cổ truyền (nguyên thủy), tính dục cũng như tất cả những gì liên hệ đến thân
xác và lạc thú phát sinh từ giác cảm đều được nhìn dưới khía cạnh của sự thèm
khát và bám víu phát sinh từ sự ham muốn, khổ đau sẽ phát sinh từ những thứ xúc
cảm ấy không tránh khỏi được. Tính dục thường được nêu lên như là một mối nguy
hiểm hoặc như mặt đất trơn trợt xô con người rơi vào sự đày đọa của dục vọng và
khổ đau.
Quy
luật vô thường
Đức Phật nêu lên khái niệm về Bốn Sự thật Cao quý (Tứ Diệu
Đế) làm nền tảng cho giáo lý của Ngài, giáo lý đó nhấn mạnh trước hết đến bản chất
của khổ đau bàng bạc khắp nơi và không thể nào tránh khỏi (sự thật thứ nhất).
Sau đó Ngài giải thích nguồn gốc làm phát sinh ra khổ đau (sự thật thứ hai), đấy
là sự thèm khát, trong đó có sự ham muốn quá độ các lạc thú tính dục, mong muốn
tìm được mãi những lạc thú ấy, kể cả sự ham muốn tìm thấy sự hủy-diệt và sự
phi-hiện-hữu [tức mong muốn loại bỏ những gì mình
không thích và những gì tệ hại có thể xảy ra]. Tại sao Phật giáo lại kết
án sự thèm khát ? Vì Phật giáo xem đó là sản phẩm của vô minh - có nghĩa là
không hiểu mình và bản chất của sự hiện hữu của chính mình là gì. Tác động của
vô minh mang lại một thứ cảm tính về một "cái ngã" tự tại, cảm tính
đó được củng cố vững chắc thêm dựa vào các kỷ niệm, thói quen, những thứ tình cảm
quen thuộc thường xảy ra trong tâm thức và nhất là sự bám víu vào thân xác của
mình. Thế nhưng tất cả những thứ ấy thật phù du, vì thế để cưỡng lại sự phù du ấy
ta càng tìm cách củng cố thêm cảm tính về "cái tôi" trường tồn bằng cách
gia tăng thêm các cảm nhận lạc thú và luôn phóng nhìn vào tương lai. Tiếc thay cách
kéo dài và bảo vệ "cái tôi" ấy chỉ hoài công, bởi vì không thể nào
tránh né được quy luật của vô thường. Già nua, bệnh tật và cái chết cho thấy vô
thường lúc nào cũng hiển nhiên ra đó.
Tính dục liên hệ trực tiếp đến sự cảm nhận của thân xác.
Thế nhưng thân xác lại là sản phẩm phát sinh từ nghiệp trong quá khứ, tức
là hậu quả phát sinh từ các hành động của mình từ trước. Thân xác thường được ví
như một cỗ xe quý giá, một phương tiện đưa đến giác ngộ, thế nhưng thân xác cũng
được mô tả như một gánh nặng hay nguyên nhân làm phát sinh dâm dục và mọi thứ lo
lắng khác, cản trở đời sống tâm linh của chính mình. Vậy hai cách hình dung ấy có
mâu thuẫn với nhau hay không ? Hoàn toàn không ! Bởi vì mọi khó khăn đều phát sinh
từ sự bám víu do chính mình tạo ra cho thân xác nhưng tuyệt nhiên không phải
thân xác tự tạo ra những khó khăn ấy cho nó. Thân xác nhờ có ngũ giác nhận biết
được sự tiếp xúc phát sinh từ sự cảm nhận, dù đấy là sự cảm nhận thích thú, khó
chịu hay trung hòa, vì thế tự nó thân xác chỉ đơn giản là một cửa ngõ tiếp nhận
các thứ giác cảm. Trong số đó giác cảm tính dục là một trong những thứ giác cảm
thích thú nhất mà thân xác có thể mang lại cho ta. Sự kiện cảm nhận thích thú
không có gì tệ hại cả..., nếu như sự cảm nhận ấy không gây ra bám víu và thèm
khát quá đáng : tức muốn được thích thú nhiều hơn nữa. Vì thế mọi thứ khó khăn
xảy ra là do phản ứng của ta đối với
sự thích thú, nhưng tuyệt nhiên không phải do chính sự thích thú, tóm lại sự thèm khát thích thú và muốn tiếp tục được cảm nhận sự thích thú
mới chính là nguyên nhân của khổ đau. Sự thèm khát và ham muốn đó làm phát sinh
một loạt đủ mọi thứ dục vọng - chiếm giữ, ghen tuông , tức giận, oán hờn -
chúng thay nhau hành hạ ta và khiến ta bị mù quáng. Đấy là các thứ dục vọng gây
ra tội lỗi. Thế nhưng tội lỗi phát sinh từ đâu ? Từ trong tâm thức của chính mình.
Điểm then chốt trong giáo lý Phật giáo là thân xác gánh chịu
sự kiểm soát của tâm thức. Thân xác và lạc thú tính dục không giữ một vai trò
chủ động nào cả. Chính sự bám víu của tâm thức là nguyên nhân làm bùng lên đủ mọi
thứ dục vọng, và dục vọng là nguyên nhân của khổ đau. Sự thèm khát là động cơ
chủ yếu tạo ra các phản ứng trong tâm thức. Dù cho chữ "ham muốn" (thèm khát, khát vọng, ước
mong : désir - desire) trong ngôn ngữ Tây phương phản ảnh khá trung thực ý
nghĩa của chữ Phạn "râga", thế
nhưng cũng cần phải hiểu đối với Phật giáo chữ "râga" (ham muốn, thèm khát) không hề mang sắc thái tích cực như
trường hợp của chữ "ham muốn" (désir - desire ) trong ngôn ngữ Tây
phương. Kinh sách định nghĩa chữ "râga"
như sau : " Đấy là sự ham-muốn-bám-víu,
có nghĩa vừa là sự bám-víu cực mạnh vào
sự hiện hữu và các vật thể chiếm hữu khác vừa là sự thèm-muốn do tất cả các thứ ấy tạo ra. Tác động của nó làm phát
sinh mọi thứ khổ đau". Cách định nghĩa trên đây cho thấy tính cách cảnh
giác khía cạnh tiêu cực trong ý nghĩa của chữ ham-muốn. Thế nhưng trong tư tưởng
Tây phương, ham-muốn (désir - desire) được hiểu như một trạng thái căng thẳng
thúc đẩy con người hành động, trạng thái ấy trên một khía cạnh nào đó có thể
mang lại sự sáng tạo và những phẩm tính thượng thặng, chẳng hạn như sự "mong-muốn của Trời" hay của người nghệ
sĩ khi sáng tạo, nhưng đồng thời ham-muốn
(désir - desire) cũng có nghĩa là một động lực xô ta vào khổ đau của dục vọng.
Vì thế ý nghĩa của chữ ham-muốn trong
ngôn ngữ Tây phương không được minh bạch, thí dụ như "ham muốn tình yêu" có thể hiểu như một sự khích lệ, dù rằng hậu
quả do sự ham-muốn đó mang lại lắm
khi chỉ là sự tàn phá. Giáo lý Phật giáo luôn chú trọng đến phương pháp phân tích
và cho rằng ham-muốn-bám-víu chỉ là một
thứ nọc độc của tâm thức, tuy nhiên Phật giáo rất cẩn thận và cũng nghĩ đến một
trường hợp khác là ham-muốn-khát-vọng
tức là một yếu tố tâm thần tương tợ với ý nghĩa ham-muốn-thúc-đẩy của người Tây phương.
Tính dục tự nó không có gì để chê trách, chính tâm thức mới
là những gì phải lên án khi nó bị lạc thú làm mù quáng và biến nó thành một mảnh
đất thuận lợi giúp các thứ nọc độc tâm thần phát sinh. Tính dục là một thể dạng
trao đổi giữa hai con người mang lại cơ hội thuận lợi giúp cho họ đón nhận nhau,
chỉ khi nào có sự chiếm hữu, thèm khát quá đáng và ham muốn thỏa mãn xen vào thì
khi đó tính dục mới trở thành ích kỷ và làm phát sinh ra khổ đau. Đấy là thông điệp
chính yếu của Phật giáo. Phật giáo không quan tâm đến việc nối dõi tông đường hay
hôn phối vì đấy chỉ là các thể dạng trói buộc trong cuộc sống, các mối tương giao
giữa con người và sự khống chế của sinh lý.
Dưới nhãn quan Phật giáo, hôn nhân không mang tính cách
thiêng liêng, không cần đến các lễ nghi ban phép lành. Giáo lý nhà Phật chỉ đòi
hỏi phải có sự tương kính, hy sinh cho nhau và tránh mọi hung bạo. Phật giáo không
hề xem thân xác và thế giới này là những gì xấu xa, Đức Phật chủ trương con đường
trung đạo bác bỏ mọi hình thức khổ hạnh và hành xác có nghĩa là giữ đúng vị thế
giữa hai thái cực, một bên là đời sống thế tục một bên là sự khắc nghiệt của khổ
hạnh, sự khắc nghiệt ấy chỉ đày đọa thêm cho thân xác nhưng không mang lại một sự
giải thoát nào. Ý thức được bổn phận của mình tức là cách giữ gìn đạo đức tính
dục, hôn nhân không phải là một sự chiếm đoạt. Đối với những người chưa thấu
triệt đạo lý, đời sống tính dục sẽ biến thành động cơ chính yếu thúc đẩy sự vận
hành của khổ đau trong chu kỳ hiện hữu (thế giới ta-bà), đấy là điều mà Phật giáo
chủ trương phải ra thoát. Dựa trên quan điểm đó người Phật giáo tại gia phải biết
kính trọng mình và người khác và người tu hành khi đã xa lánh cuộc sống thế tục
phải tuyệt đối tránh các hành vi tính dục. Thế nhưng Phật giáo Đại thừa có vẻ cởi
mở hơn so với sự khắt khe của Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông). Trong học phái
Tan-tra thừa tính dục được chuyển thành một hình thức tập luyện Du-già và được xem
như một phương pháp mang lại Giác ngộ. Nói chung Phật giáo giữ một thái độ rất
phóng khoáng đối với vấn đề tính dục.
2
Con đường xa lìa thế tục
Philippe Cornu
Hoang Phong chuyển ngữ
Vai trò của Phật giáo đối với vấn
đề tính dục tùy thuộc bối cảnh và trình độ hiểu biết Đạo Pháp của người Phật tử.
Kỷ cương giới luật ghi chép trong kinh sách được xem như trực tiếp xuất phát từ
những lời giáo huấn của Đức Phật, do đó thường được áp dụng chung cho tất cả các
tông phái trừ một vài ngoại lệ đối với Phật giáo Nhật bản. Tại quốc gia này sự
giữ gìn giới luật quy định cho người xuất gia không mấy khi được tôn trọng và ngày
nay một số nhà sư có gia đình, họ vừa là người xuất gia vừa là học giả. Trong Luật Tạng (Vinaya) có một phân đoạn mang tên là Pratimoksha (Lời nguyện giải
thoát mang tính cách cá nhân) trình bày chi tiết các giới luật quy định chung
cho cư sĩ , cho các sa-di, các tỳ-kheo, cả nam lẫn nữ. Phật tử tại gia có thể nguyện
giữ năm giới luật, trong số này có ba giới luật liên quan đến thân xác : không
tước đoạt sự sống, không tự ý chiếm giữ những gì không phải của mình, không thực
thi những hành động tính dục thiếu hạnh kiểm, nguyên văn giới luật thứ ba như
sau : "tôi nguyện giữ giới không thực
thi hành vi sai lầm về lạc thú tính dục"
Kính trọng mình và người
khác
Bất cứ ai trong xã hội cũng không bị bắt buộc phải tuân
thủ giới luật trên đây, thế nhưng khi đã nguyện giữ giới thì phải giữ một cách
nghiêm chỉnh : hành động giữ giới mang tính cách cá nhân, một sự tự nguyện. Phật
giáo không nêu lên một tác phong tính dục chính xác nào để cấm đoán, nếu có thì
đấy là những hành vi sai trái mang lại khổ đau cho người khác. Tại Á châu, giới
luật liên quan đến tính dục được mô tả rõ ràng hơn các nơi khác, chẳng hạn như sự
răn cấm ngoại tình, dầu sao đấy cũng chỉ là cách giới hạn bớt tính cách quá rộng
rãi của giới luật về tính dục vì giới luật này chỉ răn dạy sự kính trọng chính
mình và người khác. Giới luật đó không hề ám chỉ sự đồng tính luyến ái, thật vậy
đồng tính luyến ái được chấp nhận khá dễ dàng tại các quốc gia Đông nam Á.
Thế nhưng các hành động tính dục bị cấm đoán triệt để nơi
chùa chiền, sự cấm đoán đó được quy định tùy thuộc vào hai giai đoạn tu tập : giai
đoạn sa-di và giai đoạn tỳ-kheo đã thụ phong. Người sa-di cả nam lẫn nữ phải tuân
thủ mười giới luật, trong số này có giới luật bắt buộc phải giữ gìn sự trong trắng ("đoạn dục" - tức
không được thực thi các hành động dâm dục, tính dục hay dâm ô). Người xuất gia
sau khi được thụ phong sẽ chính thức được xem như người đã "từ bỏ đời sống
gia đình", người ta còn gọi họ là những người tỳ-kheo (bhikkhu) hay tỳ-kheo-ni (bhikkhuni) tức là các nam hay nữ tu sĩ,
họ phải chọn một lối sống đơn giản và đạm bạc. Đó là con đường quyết tâm xa lìa
thế tục, trên con đường đó người tu hành phải loại bỏ mọi hành vi tiêu cực và chọn
cho mình một thể dạng tâm thức đạo hạnh, tập trung nghị lực vào việc tu học và
thực thi Đạo Pháp (Dharma - còn gọi là
Con Đường). Sự đoạn dục hoàn toàn là
một trong bốn giới luật căn bản mà họ phải tuân thủ, nếu vi phạm vào đấy sẽ bị
khai trừ tức khắc và vĩnh viễn khỏi tập thể tăng đoàn. Tuy nhiên cũng có những giới
luật kém triệt để hơn, chẳng hạn trong số này có mười ba giới cấm nghiêm trọng,
nếu phạm vào đấy sẽ bị khai trừ khỏi tăng đoàn nhưng chỉ tạm thời. Trong số mười
ba giới cấm ấy có sự thủ dâm, cố ý phóng uế tinh dịch, đụng chạm thân xác hay sờ
mó phụ nữ, nói những lời lẳng lơ hoặc hàm ý dâm dục, xúi dục người phụ nữ bán dâm
hay đứng ra làm mối lái. Tuy nhiên, sự ô nhiễm ban đêm xảy ra lúc đang ngủ không
phải là một hành động lỗi lầm.
Một người tu hành nếu có những ý tưởng thèm muốn phụ nữ
phải tức khắc thiền định về sự kinh tởm của thân xác (xem thêm các đoản văn trích
dẫn trong phần đọc thêm). Nếu không kiềm chế được sự ham muốn phải xin hoãn lại
các lời nguyện và hoàn tục trước khi xảy ra tình trạng không hàn gắn được [tức là bị khai trừ vĩnh viễn], xử sự như thế sẽ không
có ai chê trách. Ngược lại, [trong chốn chùa chiền]
nếu người tu hành không khắc phục được sự cám dỗ sẽ bị khai trừ ngay khỏi tăng đoàn
đúng theo sự quy định của giới luật. Đối với người nữ tu giới luật cũng tương tợ
như thế không có nhiều khác biệt, tuy nhiên trong trường hợp một người nữ tu bị
hãm hiếp tức ngoài sự ưng thuận của mình và không hề phát lộ sự thích thú, thì
đấy không phải là một sự vi phạm quan trọng và có thể tha thứ.
Mặc dù Phật giáo Nguyên thủy chủ trương sự cấm đoán khắt
khe về tính dục, thế nhưng đời sống xã hội trong các quốc gia Đông nam Á theo
Phật giáo Theravada (Nguyên thủy) lại không quá khắc nghiệt nếu các tác phong tính
dục không mang tính cách hung bạo và ngoại tình gây ra khổ đau cho người khác,
( Philippe Cornu).
Các đoản văn đọc thêm
Sự xa lánh thế tục của vị Bồ-tát
trước khi thành Phật
Trong khi nghe các nhạc công đàn hát để giải khuây, người
Bồ-tát [tức là Đức Phật tương lai] ngủ thiếp đi.
Cả đoàn hát cũng mệt lả và lăn ra ngủ. Bỗng nhiên người Bồ-tát giật mình thức
giấc nhìn thấy các nữ nhạc công vẫn còn đấy, họ tựa người vào nhau, quần áo xô
lệch để lộ những thân hình tương tợ như những bức tượng gỗ, nước mũi thò lò,
hai mắt sưng lên như đang khóc, nước dãi lòng thòng chảy ra từ miệng, đàn và sáo
vung vãi trên mặt đất. Người Bồ-tát bàng hoàng nhìn thấy toàn thể cung điện chẳng
khác gì một nấm mồ và thốt lên ba lần : "Bất hạnh thay ! Bất hạnh thay! Ta
phải rời bỏ chốn này ! Trước đây ta vẫn quyến luyến với cung điện nơi vua cha của
ta đang trú ngụ, thế nhưng hôm nay nó lại hiện ra với ta như thế này đây!".
Người Bồ-tát cảm thấy kinh tởm và thốt lên : "Bất hạnh thay !", và từ
đáy sâu thẳm của lòng người Bồ-tát hiển hiện lên niềm khát vọng được từ bỏ tất
cả.
Trích
trong Luật Tạng của học phái Mahisasaka (một học phái Phật giáo xưa, thành lập vào thế kỷ thứ II trước
Tây lịch) do André BAREAU
trích dẫn trong quyển En Suivant Bouddha
(Theo vết chân Phật), NXB Philippe Le Beau, 2000.
Suy tư về tính cách ghê tởm của
thân xác
Thây ma thật ghê tởm : thân xác của người sống cũng chẳng
hơn gì ! Người du-già nên xem thân xác là những gì kinh khiếp và phải luôn nhớ
đến điều ấy. Có ba mươi hai thứ ghê tởm thuộc màu sắc, hình tướng, mùi hôi, vị
trí và sự phân bố [các đối tượng nhận biết của giác cảm].
Vật chất đào thải từ thân xác thật ghê tởm và nhơ nhớp. Các thành phần chống đỡ
thân xác cũng thế. Giống như một con giòi sinh ra từ một đống uế tạp, thân xác
được hình thành từ sự dơ bẩn. Bên trong thân xác chất chứa những thứ ô uế tương
tợ như một hố phân. Chất ô uế thấm ra ngoài giống như dầu thấm qua một cái bình
bằng đất. Thân xác là một ổ sâu bọ, không khác gì một đống rác. Thân xác giống
như một mụt nhọt, một căn bệnh hay một vết lở loét không chữa lành được, ghê tởm
và bạc nhược chẳng khác gì một xác chết.
ASUBHANUPASSANA
[phép Quán bất tịnh : một phép tu tập của Phật giáo cổ
truyền (nguyên thủy) hướng vào sự suy tư về 32 thành phần ô tạp của thân xác]
do Philippe Cornu trích dẫn và dịch từ bản gốc.
Một vài giới luật về tính dục
dành cho người xuất gia
Parajika thứ nhất [kinh sách
tiếng Hán dịch chữ Parajika là Đại giới có nghĩa là các giới cấm quan trọng nhất]
: Không được giao hợp tính dục.
Nếu một tỳ-kheo đưa cơ quan sinh dục của mình vào một cơ
quan sinh dục, vào hậu môn hay vào miệng của một người khác dù là đàn ông hay đàn
bà, hoặc đưa cơ quan sinh dục [của người khác]
vào miệng mình hay hậu môn của mình, [hoặc đưa cơ quan
sinh dục của mình vào cơ quan sinh dục, hậu môn hay miệng] của một con thú
hay một thây ma, dù chỉ sâu bằng chiều dài của một hạt mè, người tỳ-kheo ấy sẽ
mất hết cương vị của người tu hành.
Dù cho người tỳ-kheo quấn cơ quan sinh dục của mình bằng
băng vải, trong một cái bao, ăn mặc theo người thế tục, hoặc trần truồng, dù không
cảm nhận một sự thích thú nào, cũng đều mất hết cương vị của người tu hành.
Mười trường hợp sau đây không phạm tội trọng đại : khi
người tỳ-kheo đang ngủ và hoàn toàn không ý thức là mình đang giao hợp khi chuyện
đó xảy ra ; khi mình không đồng lõa ; khi mình bị bất tỉnh hay điên rồ ; trong
trường hợp bị ma quỷ ám ảnh và không chủ động được mình [...] ; hoặc trước khi
thệ nguyện giữ giới có phạm vào các hành động ấy.
Sanghadisesa thứ nhất [Sanghadisesa
là các lỗi lầm phải đưa ra trước hội đồng tăng đoàn để xét xử và bị tạm thời
khai trừ] : Không được cố tình phóng thải tinh dịch.
Nếu người tỳ-kheo thủ dâm hay nhờ người khác thủ dâm để
phóng thải tinh dịch, phải đưa ra hội đồng tăng đoàn. Người tỳ kheo không được cố
tình trân quý cơ quan sinh dục của mình, không được sử dụng nó như một công cụ,
hoặc để lòng thòng. Nếu phóng thải tinh dịch dù thật vô nghĩa chỉ đủ cho con ruồi
uống một ngụm [...] cũng phạm vào lỗi lầm sanghadisesa.
Thế nhưng, xuất tinh khi đang ngủ và đang nằm mơ, không có
lỗi lầm gì. Nếu trong khi đại tiện tinh dịch són ra ngoài ý muốn của mình, không
có lỗi lầm gì. Khi giữ vệ sinh cơ quan sinh dục hoặc khi bôi thuốc, một chút
tinh dịch nhỉ ra và mình không cảm nhận sự thích thú, không có lỗi lầm gì.
Sanghadisesa thứ tư : Không được đề nghị làm tình với một
người phụ nữ.
Nếu người tu hành nghĩ đến dâm dục và đề nghị với một người
đàn bà một cách sỗ sàng hành động giao cấu - với mình hay với một người khác - sẽ
bị đưa ra hội đồng tăng đoàn. Nếu người tu hành nói với một phụ nữ là các cô gái
nào muốn tái sinh trong các điều kiện thuận lợi phải hiến thân cho mình sẽ phạm
vào lỗi lầm sanghadisesa thứ tư.
THE MANUAL OF THE BHIKKHU
(TẬP SÁCH
GIÁO KHOA CỦA NGƯỜI TỲ-KHEO), Ven. DHAMMA SAMI, 2002,
Philippe Cornu dịch từ
bản gốc tiếng Anh.
3
Vị thế của Đại thừa
giữa sự khắt khe và các hành vi phạm giới
Philippe Cornu
Hoang Phong chuyển ngữ
Các giới luật nêu lên trong Phật
giáo Nguyên thủy vẫn tiếp tục được các tông phái Đại thừa tôn trọng. Người xuất
gia phải tuân thủ giới luật ghi chép trong Luật
tạng (Vinaya) và người Phật tử thế
tục phải noi theo năm giới luật. Thế nhưng đối với người bồ-tát (boddhisattva)
tức là một "sinh linh
Giác ngộ" hành động trong tinh thần từ bi vì lợi ích của người khác
[người bồ-tát là một khái niệm đặc thù của Phật giáo Đại thừa],
nền đạo đức dành cho họ vượt lên trên khuôn khổ quy định cho người xuất
gia nơi
chùa chiền [tức là các giới luật quy định bởi Phật giáo
Nguyên thủy], và nền đạo đức đó cũng được áp dụng cho người Phật tử tại
gia. Kỷ cương đạo đức đó liên hệ mật thiết đến động cơ thúc đẩy từ bên
trong
hành động hơn là được áp đặt từ bên ngoài, vì thế nó mang tính cách
phóng
khoáng hơn tuy rằng vẫn được quy định bởi một số quy tắc rõ rệt nào đó.
Tính cách
phóng khoáng của giới luật trong một số trường hợp có thể giúp người
bồ-tát hành
động hữu hiệu hơn vì lợi ích của chúng sinh. Vì thế các quy tắc của Luật Tạng (Vinaya) cũng trở nên rộng rãi hơn đối với họ.
Tánh không của tính dục
Nói chung thì các điều khoản liên quan đến tính dục quy định
cho người xuất gia được trước tác và ghi chép trong kinh sách Đại thừa đều nhất
thiết dựa vào Luật Tạng [của Phật giáo Nguyên thủy] tiếp tục tôn trọng lý tưởng
cao đẹp của lối sống xa rời thế tục. Thánh thiên (Shantideva) trong tập Nhập bồ đề hành luận (Bodhicaryavatara) bài bác quyết liệt thể
dạng quyến rũ trên thân xác người phụ nữ, ông so sánh thân xác người phụ nữ với
một cái bọc chất chứa những thứ nhơ nhớp và uế tạp (đối với một nữ tu sĩ thì thân
xác của một người đàn ông cũng thế).
Đạo đức dành riêng
cho người bồ-tát mang tính cách phóng khoáng và tự do tuy vẫn quy định bởi một
số quy tắc rõ rệt, sự tự do đó đôi khi cần đến trong một số trường hợp nào đó
để mang lại lợi ích cho chúng sinh.
|
Tại Trung quốc, trong tập kinh Lưới Trời Bhrama [tức là kinh Bhramajalasutra - Kinh Phạm võng]
có ghi chép giới luật bắt buộc người bồ-tát phải đoạn dục, thế nhưng nếu vi phạm
sẽ không bị khai trừ khỏi tăng đoàn mà chỉ cần thú nhận và hối cải thành thực. Kinh về sự Tự do Siêu việt [tức kinh Vimalakirtidesasutra
- Duy-ma-cật sở thuyết kinh] của
Duy-ma-cật kể chuyện một vị bồ-tát thế tục [không phải
là người xuất gia] nêu lên hai tác phong khác nhau đối với thân xác : tránh
không bám víu vào thân xác ảo giác nhưng cũng có thể sử dụng nó như một phương
tiện giúp người khác nhìn thấy con đường Đạo Pháp, nếu cần có thể lợi dụng cả tính
dục trong mục đích đó. Một phân đoạn khác thuật lại một câu chuyện khá lý thú về
một vị nữ thần thuyết giảng cho một vị đệ tử của Đức Phật là Xá-lợi-Phất
(Shariputra) thế nào là Tánh không của giới tính (xem phần trích dẫn các đoản văn
đọc thêm). Tánh không toàn diện giúp người bồ-tát vượt lên trên khuôn khổ giới
tính của thân xác, với điều kiện người bồ-tát phải thực hiện được các kết quả tâm
linh đích thực, không phải chỉ là những khái niệm đơn thuần, và nhất là người bồ-tát
phải loại bỏ được mọi bám víu vào ảo giác của hiện thực.
Truyền thuyết thuật
lại nhiều giai thoại về các nhà sư "điên rồ" vượt qua ranh giới của
các giới luật quy định cho họ
|
Phật giáo truyền sang Trung quốc vào thế kỷ thứ I thoáng cho
thấy một khúc quanh mới, nhất là trong Thiền học (Chan). Thiền nhắm vào việc tu
tập thực hiện bản chất không thực của dục vọng thay vì chỉ biết dựa vào các giới
luật cứng nhắc. Tuy nhiên đấy không có nghĩa là gạt bỏ Luật Tạng (Vinaya) mà chỉ
muốn nêu lên sự vận hành của tâm thức quan trọng hơn sự gò bó của chữ nghĩa. Truyền
thuyết kể lại nhiều giai thoại về các nhà sư "điên rồ" vuợt qua ranh
giới của các giới luật quy định cho họ. Xin kể ra trường hợp của nhà sư Jigong
(khoảng 1127-1209), tên ông có nghĩa là "con người đích thực" (zhenren), người đương thời xem ông là một
nhà sư thích say sưa và dâm đãng. Một nhà sư khác người Triều tiên là Whonhyo
(617-686) là một học giả uyên thâm, trước tác rất nhiều tập luận và bình giải
kinh điển su-tra, thế nhưng ông không giữ được giới luật và lui tới các khu
"ăn chơi", về sau ông hoàn tục cưới một công chúa và sinh được một đứa
con trai. Cuối đời ông lang thang rày đây mai đó và truyền bá Phật giáo Tịnh độ
của Đức Phật A-Di-Đà. Tại Nhật bản, các điều khoản trong Luật Tạng (Vinaya) quy định
cho người xuất gia không mấy khi được hoàn toàn tôn trọng. Vào thế kỷ thứ IX đại
sư Tối Trừng (Saichô, 767-822) người sáng lập ra tông phái Thiên Thai (Tendai)
thay thế các điều khoản trong Luật Tạng
quy định cho người xuất gia bằng các lời nguyện của người bồ-tát. Và từ đó các
nhà sư trong tông phái này không còn tôn trọng chặt chẽ các giới luật trong Luật Tạng nữa. Trong Thiền học Zen, một hình thức của Thiền học Chan Trung hoa, Đạo Nguyên (Dogen, thế kỷ
XIII) khuyên nên đơn giản hóa mười giới luật quy định cho người xuất gia nhưng tuyệt
đối phải giữ giới luật đoạn dục như một kỷ cương nơi chùa chiền. Thế nhưng điều
khoản ấy không cấm được nhà sư Nhất Hưu (Ikkyu, 1394-1481) hoàn tục, ông là một
vị thiền sư rất phóng khoáng, trước tác nhiều bài thơ hài hước mang tính cách
dâm đãng đả kích sự kiện đồng tính luyến ái trong các tu viện [dù chỉ là một chi tiết và cũng chẳng làm thay đổi gì nhiều thế
nhưng cũng xin nói rõ thêm là Nhất Hưu thuộc học phái Lâm Tế, không thuộc học
phái Tào Động của Đạo Nguyên - ghi chú thêm của người dịch]. Trong tông
phái Tịnh độ, Pháp Nhiên (Honen, 1133-1212) là một nhà sư chân chính nhưng đệ tử
của ông là Thân Loan (Shinran, 173-1263) lại là người có gia đình và lập ra một
học phái mới là Tịnh độ chân tông (Jodoshin) và các nhà sư trong học phái này đều
có gia đình, [có thể xem đấy là các cư sĩ có gia đình
đúng hơn là các nhà sư lập gia đình, ghi chú thêm của người dịch]. Sau cùng
dưới triều đại Meiji (1868-1912), các nhà sư bắt buộc phải chọn cuộc sống cố định,
do đó họ phải lập gia đình để có người nối dõi gìn giữ chùa chiền do dòng họ xây
dựng, (Philippe Cornu).
Các
đoản văn đọc thêm
"Người bồ-tát câu bằng miếng mồi
của sự thèm khát"
Khổ đau của dâm ô
Bạn tìm kiếm lạc thú dâm dục và thụ hưởng như một thứ hạnh
phúc, bệnh dâm ô theo đó sẽ trở nên trầm trọng hơn. Bạn tìm kiếm những gì bên
ngoài [có nghĩa là thân xác] của
người đàn bà,
thế nhưng càng tìm kiếm khổ đau càng trở nên nặng nề hơn cho bạn. Tương
tợ như một
người bị bệnh ghẻ ngứa : người này hơ tay gần ngọn lửa, hay gãi cho đỡ
ngứa [thế nhưng] đấy chỉ là cách làm cho tay thêm nóng bỏng.
Trong lúc đó [lúc gãi hay đưa tay gần lửa] có
thể tìm thấy một chút thích thú [nhẹ nhõm, đỡ ngứa],
thế nhưng về lâu dài, cái đau ăn sâu thêm [vào da].
Lạc thú nhỏ nhoi ấy [của sự dâm dục] cũng thế,
cũng chỉ là nguyên nhân của một thứ bệnh [ghẻ ngứa ăn
sâu thêm vào da] : đấy không phải là hạnh phúc thật sự cũng không phải là
cách xóa bỏ bệnh tật. Bất cứ ai trông thấy một người bị bệnh ghẻ ngứa chữa chạy
theo phương cách đó đều thương xót họ. Một người biết từ bỏ lạc thú cũng sẽ phản
ứng như thế đối với sự dâm ô : khi người này trông thấy một tên điên rồ đang bị
sự thèm khát nung nấu sẽ thương hại hắn, vì càng chạy theo lạc thú hắn càng khổ
đau nhiều hơn. Căn cứ vào những lý do vừa nêu lên, phải hiểu rằng thân xác mang
bản chất của khổ đau và cũng là nguồn gốc của khổ đau.
Long
Thụ (Nagarjuna), trích trong TẬP LUẬN ĐẠI
PHẨM HẠNH CỦA TRÍ TUỆ,
quyển III, dịch giả Étienne LAMOTTE, Institut
Orientaliste [Viện Đông phương học Louvin - nước Bỉ],
1970.
Tâm thức không có giới tính
Xá-lợi-phất hỏi vị nữ thần như sau :
- Này nữ Thần tại sao không đổi giới tính đi, [vì] bà chỉ là một người nữ ?
- Từ mười hai năm nay ta ra sức tìm kiếm các thuộc tính của
một người đàn bà thế nhưng ta chưa nhìn thấy chúng một cách minh bạch. Vậy thì
ta phải thay đổi cái gì đây ? Thí dụ như một ảo thuật gia tạo ra một người đàn
bà ảo giác và hỏi người đàn bà này sao không thay đổi giới tính, thế thì sự đòi
hỏi ấy đúng hay sai ?
Xá-lợi-phất đáp lại :
- Quả là sai. Một sáng tạo ảo thuật không mang những thuộc
tính được xác định rõ rệt giúp nó có thể biến đổi thật sự.
Vị nữ thần liền cất lời như sau :
- Chính như thế, tất cả mọi hiện tượng đều không có thuộc
tính xác định rõ rệt. Vậy tại sao ngươi lại hỏi ta sao không thay đổi thân xác
?
Tức khắc vị nữ thần sử dụng uy lực của mình chuyển đổi hình
tướng của mình sang cho Xá-lợi-phất và đồng thời biến mình thành hình tướng của
Xá-lợi-phất, sau đó cất lời hỏi Xá-lợi-phất đang mang hình tướng của mình như
sau :
- Này sao không thay đổi giới tính đi ?
Xá-lợi-phất nhìn thấy hình dáng lố lăng của mình liền thét
lên :
- Không biết sự thay đổi có thật sự xảy ra hay không, thế
nhưng trước mắt ta đang hóa thành một người đàn bà đây này !
Vị nữ thần đáp lại :
- Này Xá-lợi-phất, nếu ngươi có khả năng thay đổi được giới
tính, thì tất cả đàn bà cũng làm được việc ấy. Này Xá-lợi-phất nếu ngươi không
phải là đàn bà nhưng chỉ mang hình tướng bên ngoài của người đàn bà, thì tất cả
đàn bà cũng thế thôi [chỉ mang hình tướng bên ngoài của
người đàn ông]. Vì thế mà Đức Phật bảo rằng tất cả mọi hiện tượng đều không
mang giới tính đực hay cái.
Sau đó vị nữ thần lại dùng uy lực của mình trả lại hình tướng
cho Xá-lợi-phất và cất lời hỏi :
- Thế vẻ duyên dáng của người phụ nữ của ngươi đâu rồi ?
- Nào tôi có cái vẻ duyên dáng phụ nữ nào đâu, nó cũng chẳng
có ở bất cứ nơi nào khác ?
- Đối với tất cả mọi hiện tượng cũng tương tợ như thế : chúng
chẳng có ở bất cứ nơi nào và cũng chẳng nơi nào có chúng. Đấy là những gì Đức
Phật giảng dạy.
KINH VỀ SỰ TỰ DO SIÊU VIỆT
[tức là kinh Vimalakirtidesasutra - Duy-ma-cật Sở thuyết Kinh] theo bản
dịch tiếng Pháp của Patrick CARRÉ, Fayard, 2000.
Người Bồ-tát
Người bồ-tát rất nhạy cảm trước các đối tượng của giác quan.
Thế nhưng người bồ-tát cũng vô cùng thành thạo trong nghệ thuật tập trung tâm thức :
Nhờ thế mà người bồ-tát làm cho bọn Ma vương (Mara) phải lúng túng,
Ngăn chận không cho chúng tác oai tác quái.
Thật tuyệt vời khi
Làm cho hoa sen mọc lên trong lửa đỏ.
Thế nhưng lại còn tuyệt vời hơn nữa
Khi tập trung được tâm thức trước sự bủa vây của thèm khát.
Đối với một số người, vị bồ-tát hiển hiện như một cô gái điếm,
Chỉ vì vị ấy muốn quyến rũ những ai bị thu hút bởi dâm dục.
Người bồ-tát lôi cuốn những người ấy bằng miếng mồi của sự thèm khát,
Trước khi đưa họ trở về với trí tuệ của chư Phật.
Trích
dẫn như trên đây, id.
4
Tan-tra thừa và tính dục
Philippe Cornu
Hoang phong chuyển ngữ
Từ lâu nay đã có không biết
bao nhiêu sự hiểu lầm và thành kiến đối với Tan-tra thừa. Trước hết là người Tây
phương quá hấp tấp khi xem Tan-tra thừa đơn thuần như là một thứ kỹ thuật áp dụng
trên đường tu tập. Thật ra thì Tan-tra thừa Phật giáo còn gọi là Kim cương thừa
xuất phát trực tiếp từ Đại thừa, là một con đường toàn vẹn mang lại thể dạng của
Phật. Tan-tra thừa hoàn toàn không đơn giản như một thứ kỹ thuật giúp giải thoát
khỏi tính dục. Biểu tượng của tính dục nêu lên trong Tan-tra thừa mang mục đích
trình bày sự kết hợp bất khả phân giữa các cực
đối nghịch (polarités - polarities)
trong tâm thức, trong vũ trụ và trong thực tế. Do đó các thần linh nam tính trong
Tan-tra thừa tượng trưng cho các phương tiện thiện xảo (upaya) trên đường tu tập và các thần linh nữ tính mang tính cách đối nghịch tượng trưng
cho trí tuệ (prajna) hay là sự hiểu
biết Tánh không, giữ vai trò chứng nhận kết quả do phương pháp (upaya) mang lại. Trong lãnh vực tâm linh
tính chất phân cực tính dục cho thấy phương pháp (nam tính) nếu không hướng vào
một sự mở rộng (nữ tính) sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm. Cũng tương tự như thế, các
hiện tượng trong vũ trụ (phân cực nam tính) chỉ có thể triển khai được trong môi
trường không gian mở rộng (phân cực nữ tính) làm nền tảng (matrice - matrix) tiếp
nhận hiện tượng.
Cakrasamvara (Hộ thần Hung tợn) và Vajravarahi (Nữ thần tượng
trưng cho trí tuệ)tranh Tây tạng (chi tiết) thế kỷ XVI
Tinh khiết hóa các hậu quả
Tâm thức mang bản chất giác ngộ tức là không gian mở rộng
(thể dạng nữ tính) đón nhận và phối hợp với sự sáng tỏ (thể dạng nam tính). Các
biểu tượng chủ yếu của Kim cương thừa gồm có vajra một cây gậy kim cương
[kim cương chùy] tượng trưng cho nam tính và ghanta một cái chuông nhỏ tượng trưng
cho nữ tính hay phân cực vũ trụ. Các biểu tượng của chư Phật được trình bày bằng
sự kết hợp nam và nữ tính không hề hàm chứa tính cách truy hoan dù cho cố tình gán
thêm cho chúng tính cách thiêng liêng !
Vậy đối với vấn đề tính dục xác thịt thì sao ? Tại Nhật
bản,
các học phái Chân ngôn tông (Shingon) và Thiên thai tông (Tendai) chính
thống [Chân ngôn tông và Thiên thai tông là các tông phái xuất phát
từ Tan-tra thừa] hoàn toàn loại bỏ các kinh sách tan-tra mang các biểu
tượng có tính cách diễn đạt cụ thể. Trong các tông Chân ngôn và Thiên
thai các
biểu tượng tính dục được trình bày thật kín đáo, thần linh thuộc hai
phái tính
được xếp bên cạnh nhau và các biểu tượng đó được sử dụng như một kỹ
thuật tinh khiết
hóa các tác động của hậu quả và các cảm nhận ô nhiễm về hiện thực. Thế
nhưng vào
thế kỷ XII cũng có một chi phái Chân ngôn tông mang tính cách lệch lạc
gọi là
Tachikawa-ryu. Chi phái này chủ trương sử dụng thể dạng phúc hạnh của sự
phối hợp
tính dục trong mục đích mang lại sự giác ngộ. Thật ra Lão giáo chịu ảnh
hưởng nặng
nề hơn hết trước các dị giáo diễn đạt lệch lạc về Tan-tra thừa. Nhờ vào
các ảnh
hưởng lệch lạc đó Lão giáo thu hút được nhiều tín đồ và phát triển rất
mạnh. Các
nhà sư Phật giáo thuộc nhiều tông phái khác nhau phản đối tính cách "dị
giáo"
đó trong Lão giáo khiến Lão giáo bị cấm đoán ở Nhật vào thế kỷ XIV và
các kinh
sách Lão giáo bị đốt sạch.
Tại Ấn độ và Tây tạng kỹ thuật tu tập Tan-tra mang tính cách
hoàn toàn nội tâm, do đó các biểu tượng tính dục thường được trình bày lộ liễu
hơn. Tuy nhiên sự kết hợp với người phối ngẫu (mudra) chỉ có thể được xem là một phép tu tập giác ngộ khi nào người
du-già đã đạt được một cấp bậc thật cao, phải có căn bản vững chắc về sự hiểu
biết Tánh không, phát huy được lòng từ bi, chủ động được sự quán tưởng và các
phép tụng niệm man-tra, cũng như các phương pháp luyện tập du-già về khí lực. Nếu
xem cách sử dụng tính dục là một kỹ thuật loại bỏ sự bám víu vào thế tục thì hoàn
toàn không hiểu gì cả về sự tu tập Tan-tra. Do đó cũng không nên ngạc nhiên khi
thấy tính dục được sử dụng như một phương tiện biến cải : Tan-tra thừa là con
đường chủ trương cách tu tập dựa trên sự biến cải giúp người tu tập biến đổi các
thứ nọc độc tâm thần thành trí tuệ nhờ vào các phương pháp cực mạnh của du-già.
Trong khi tính dục tầm thường của thế tục biểu hiện sự thèm-khát-bám-víu và lạc
thú, thì Tan-tra biến thể dạng ấy trở thành thiêng liêng và xem đó là cơ hội giúp
cảm nhận thể dạng phúc hạnh, xóa bỏ hoàn toàn thể dạng tâm thức thô thiển để thay
vào đó bằng thể dạng tâm thức tinh khiết của ánh sáng trong suốt. Thông thường ánh
sáng trong suốt chỉ thể hiện khi chết, thế nhưng khi chủ động được sự phối hợp
tính dục sẽ tạo ra một thể dạng tương tợ như thể dạng tâm thức khi rời bỏ thân
xác. Nhờ vào du-già "cái chết ngắn ngủi" và "u tối" của khoái
lạc sẽ nhường chỗ cho các tia sáng rạng đông của ánh sáng trong suốt, khi thực
hiện được thể dạng đó người du-già và người phối ngẫu đạt được sự tỉnh thức phát
sinh trong lúc chết. Đây là một trong nhiều thí dụ nêu lên xung năng dục tính
(eros) đi đôi với xung năng của cái chết (thanatos)..., (Philippe Cornu).
Vài lời góp ý của người dịch
Phật giáo sử dụng phương pháp phân giải để tiếp cận với
hiện thực. Sự phân giải đó hướng vào hai chiều khác nhau, một chiều sử dụng sự
phân cắt các hiện tượng đến cùng cực, đến chỗ không còn lại gì cả tức là tánh
không của chúng. Chiều thứ hai hướng vào cách nhìn thật rộng lớn bao gồm tất cả
mọi hiện tượng giúp quán thấy bản chất và các quy luật toàn cầu chi phối sự vận
hành của chúng, chẳng hạn như nguyên lý tương liên giữa các hiện tượng (lý duyên
khởi), nguyên lý vô thường, quy luật nguyên nhân hậu quả... Các bài viết trên đây
đưa ra một số kết quả rút tỉa từ các phương pháp phân giải và cho thấy Phật giáo
không tìm cách trực tiếp "xử lý" những tác động tai hại của tính dục,
cũng không quy lỗi cho thân xác như là cơ sở làm phát sinh ra dâm dục. Trái lại
Phật giáo phân tích xa hơn để chứng minh cho thấy mọi thứ khổ đau và thác loạn là
hậu quả phát sinh từ sự bám víu trong tâm thức.
Phật giáo Nguyên thủy tìm cách ngăn chận các tác động tai
hại của tính dục bằng các giới luật khắt khe và các liều thuốc hóa giải. Phật
giáo Đại thừa cũng sử dụng giới luật để hạn chế tác động của tính dục nhưng đồng
thời cũng tìm cách vượt lên trên tính dục để mang lại một chút phóng khoáng trong
kỷ cương đạo đức của người bồ-tát xuất gia hay tại gia giúp họ hành động hữu hiệu
hơn. Phật giáo Tan-tra dựa vào một cách tiếp cận khác hẳn, đó là cách trực tiếp
lợi dụng xung năng của tính dục hướng thẳng vào sự giác ngộ.
Ngày nay nhờ vào
khoa học, triết học, xã hội học...chúng ta được thừa hưởng một sự hiểu biết
phong phú hơn, vậy những hiểu biết đó có góp phần gì thêm cho Phật giáo trong mục
đích hướng dẫn chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn về tính dục và những tác động của nó
hầu giới hạn những hậu quả tai hại và thác loạn do nó gây ra trong xã hội và
cho mỗi con người chúng ta hay không ? Để trả lời cho câu hỏi trên chúng ta thử
phân tích nguyên nhân của xung động tính dục dưới một khía cạnh khác, xa hơn cấp
bậc thân xác và tâm thức bằng cách dựa vào khái niệm về bản năng xem sao.
Thật vậy chúng ta thường xuyên bị thúc đẩy bởi bản năng đủ
loại. Trong số đó có ba thứ bản năng gây ra tác động mạnh nhất đó là muốn ăn, muốn dâm và sợ chết. Muốn ăn là
biểu hiện của bản năng sinh tồn làm
phát sinh ra sự bảo vệ miếng ăn, ngân hàng, tiền bạc, của cải, tranh dành, biển
lận, tham lam, keo kiệt, súng đạn, chiến tranh, cướp giật, giàu sang, nghèo đói,
dư thừa... Muốn dâm là bản năng dục tính
hay truyền giống, đó là bản năng làm
phát sinh sự ghen tuông, si mê, thất tình, "hạnh phúc", buồn khổ, mặc
cảm, đâm chém, tự tử, tù tội..., bản năng đó biểu hiện dưới muôn ngàn thể dạng như
phấn son, quần áo, nước hoa, thi phú ướt át, nhạc trữ tình, phim ảnh dâm ô, tiểu
thuyết tình cảm... Sợ chết là bản năng tự
vệ hay bảo tồn sự sống của chính
mình, làm phát sinh ra triết học, tôn giáo đủ loại, y khoa, thuốc men, phù phép,
luyện đan bất tử, sáng chế ra mọi cảnh giới cực lạc... với mục đích được sống mãi
dưới bất cứ hình thức nào.
Tóm lại thế giới của hiện tượng vô cùng phức tạp, thế nhưng
nếu suy ngược về nguyên nhân làm phát sinh ra các hiện tượng thì cõi ta-bà đầy
biến động này cũng không phải là phức tạp lắm. Bản năng muốn ăn, muốn dâm và sợ chết tác động, khống chế và điều khiển
tất cả mọi sinh vật từ con người, muôn thú cho đến côn trùng và các sinh vật nhỏ
bé, một cách vắn tắt là tất cả chúng sinh. Tác động của bản năng tạo ra sự bám
víu và trói buộc mang lại khổ đau. Bản năng đó do đâu mà ra ? Do vô minh căn bản còn gọi là vô minh nguyên thủy buộc chặt chúng sinh
vào chu kỳ hiện hữu. Sinh ra làm người, chúng ta mang bản năng của con người,
sinh ra dưới thể dạng một con thú, chúng ta mang bản năng của một con thú. Nghiệp
cá nhân tác động thêm vào đó tạo ra sự đa dạng của tất cả chúng sinh.
Khi ý thức được bản năng đang điều khiển và khống chế chúng
ta, đương nhiên chúng ta phải tìm cách giới hạn tác động của chúng để tìm lấy tự
do và giải thoát cho mình. Một cách đơn giản, nếu đủ ăn thì không cần phải tham
lam, cướp giật, gây ra chiến tranh để bảo vệ của cải hay làm giàu thêm, nếu muốn
truyền giống thì hãy nhìn vào gần bảy tỉ người đang đau khổ trên hành tinh này,
nếu sợ chết thì thật là hoài công vì không thể tránh khỏi.
Riêng đối với bản năng tính dục thì giáo lý Phật giáo đã
dự trù trước các giới luật ngăn chận và các phương thuốc hóa giải. Giới luật
trong Phật giáo Nguyên thủy nêu lên trường hợp cố ý hay vô tình phóng thải tinh
dịch chẳng hạn, đấy chỉ là tình trạng lạc vào chi tiết hay ít ra cũng chỉ là một
hình thức câu nệ và bám víu. Phật giáo Đại thừa tỏ ra phóng khoáng hơn đối với
người bồ-tát, thế nhưng muốn được hưởng tính cách phóng khoáng trong giới luật
thì phải là một người bồ-tát trước đã. Sự bành trướng của tông phái Tan-tra thật
giới hạn so với các tông phái khác, số người tu tập cao thâm có thể lợi dụng được
sức mạnh của tính dục trên đường giác ngộ quả thật vô cùng hiếm hoi. Người tu tập
có thể nhìn vào tấm gương của Đức Đạt-lai Lạt-ma, Ngài là một người tu tập theo
Phật giáo Tan-tra thế nhưng Ngài là một nhà sư hoàn toàn đoạn dục.
Bures-Sur-Yvette, 02.12.10
Hoang Phong chuyểoang
Phong chuyn ngữ