PHẬT GIÁO
TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
Hoang Phong biên soạn và chuyển ngữ
Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2012
(ấn bản thứ hai)
CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẴN TRONG CÂU HỎI
D.T. Suzuki (1870-1966)
(Hoang Phong chuyển ngữ)
Sau
khi D.T. Suzuki qua đời, hội Phật giáo Hoa kỳ góp nhặt các bài viết cuối cùng của
ông để in thành sách với tựa đề "Lãnh
vực của Thiền học Zen" (The
Field of Zen, 1969) và bốn mươi năm sau quyển sách này được dịch sang tiếng
Pháp với tựa đề "Những bài viết cuối
cùng bên bờ của cõi trống không" (Derniers
Écrits au bord du Vide, 2010). Dưới đây là một trong số các bài được tuyển
chọn trong quyển sách này.
D.T.
Suzuki là một trong những người đã có công mang Phật giáo nói chung và Thiền học
nói riêng đến với thế giới Tây phương. Thường thì người ta vẫn nghĩ rằng phương
Tây chịu ảnh hưởng nặng nề của một nền văn hóa duy lý và hệ thống lôgic của
Aristote và thế giới Đông phương thì lại thiên nhiều hơn vào trực giác và chiều
sâu của tư tưởng. Như vậy thì D.T. Suzuki đã "lý luận" như thế nào để
mang hai thế giới ấy đến gần nhau ? Mặt khác khi tìm hiểu và đi sâu vào Tịnh độ,
Phật giáo Tây tạng, Thiền học Zen... chẳng hạn, có thể chúng ta cũng có cảm
giác lạc vào những thế giới hoàn toàn khác biệt nhau vì tính cách đa dạng của
các học phái ấy. Vậy các học phái ấy có thể dung hòa với nhau hay không ? Bài
chuyển ngữ dưới đây cho thấy D.T. Suzuki đã "lý luận" như thế nào để
vượt lên trên sự "lý luận" hầu mang tất cả chúng ta trở về với hiện
thực, dù chúng ta đang ở phương đông hay phương tây, và dù đang bị chi phối bởi cách lý luận nào. (Hoang Phong)
Người ta thường nói có sự
khác biệt giữa hai cách suy nghĩ của phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên với cương
vị con người biết suy tư thì dù sinh ra ở phương đông hay phương tây, chúng ta
không thể nào tránh khỏi không lý luận. Chẳng hạn người ta nói như sau :
"May quá trời Luân Đôn hôm nay không mưa, nếu mưa thì mặt đất ướt át, mặt đất
ướt thì đôi giày cũng sẽ ngấm nước" (D.T. Suzuki thuyết giảng bài này tại thành phố Luân đôn).
Nếu như đôi giày ngấm nước thì ta tất sẽ bị lạnh hay bị xáo trộn cơ thể. Đấy là con đường của sự lý luận - mưa, ẩm ướt,
mưa vì mây kéo đến và chuyển thành mưa. Nơi nào cũng thế, dù là phương Đông hay
phương Tây, lý luận theo phương cách ấy đều có thể kiểm nghiệm được, và khi nào
mà sự lý luận được mang ra áp dụng thì giữa Đông phương và Tây phương không có
gì khác biệt nhau ; nhất là không thể nói người Tây phương có xu hướng lý luận và
trong lãnh vực này thì người Đông phương khác hơn, hoặc cũng không thể nói là mondo (vấn-đáp) trong thiền học zen sẽ dễ
hiểu hơn cho người phương Đông so với người phương Tây. Quả không đúng thế. Chính
người phương Đông cũng nhận thấy là mondo
zen (vấn đáp
trong thiền học zen) thật khó để thấu triệt.
Chẳng hạn như có một đệ tử hỏi thầy mình cốt tủy của thiền
học zen là gì thì người thầy trả lời như sau : "Ta sẽ giảng cho nghe nếu
như ngươi chỉ cần một ngụm là uống cạn con sông Thames này", (Thames là con sông
chảy ngang Luân Đôn). Điều đó trái ngược với cách suy nghĩ thông thường,
và nếu như chúng ta gọi đấy là một cách nói ẩn ngữ thì đối với người Đông phương
hay Tây phương cách nói ấy cũng ẩn ngữ khó hiểu như nhau. Vì thế thử hỏi là có
chính đáng hay không khi bảo rằng tâm tính người Tây phương thiên về lý luận còn
tâm tính người Á đông thì thiên về trực giác và sự hiểu biết mang tính cách tự
nhiên hơn về mọi sự vật. Thật vô cùng khó khăn để có thể khẳng định được điều đó.
Tuy nhiên và trước hết có lẽ tôi nên giải thích thế nào là
bản chất của trí năng (intellect). Trí năng cắt đứt hiện thực ra làm
hai : chủ thể và đối tượng ; đấy là cách vận hành căn bản của nó. Khi nào chúng
ta còn tự buộc chặt vào sự phân tách đó : tức chủ thể và đối tượng, thì luôn luôn
xảy ra một sự đối nghịch trong lãnh vực lôgic. Khi lớn lên và đến một lứa tuổi
nào đó thì ta thường tự hỏi từ đâu ta đến đây. Người theo Thiên chúa giáo bảo là
Trời sáng tạo ra chúng ta. Đấy là cách lý luận thường thấy, bởi vì đối với trí
năng chẳng có gì có thể tự nó mà có được ; vật này phải sinh ra từ vật khác, và
vật khác lại cũng phải phát sinh từ một vật khác nữa, và cứ thế, v.v... Lý luận
kéo nhau thành một chuỗi dài. Nếu như Trời sáng tạo ra chúng ta, thì ai sáng tạo
ra Trời ? Câu hỏi đó hết sức tự nhiên, để trả lời cho câu hỏi đó thông thường
chúng ta bảo rằng Trời tự sáng tạo ra Trời. Không có vị Sáng Tạo nào khác sáng
tạo ra Trời, chúng ta không thể nào đi ngược lên cao hơn là Trời. Vậy trong trường
hợp một chủng loại tại sao ta không thể dừng lại ở cái ngã hay một cá thể đâu cần
phải đi ngược lên đến Trời ? Tại sao phải đi ngược lên và dừng lại ở cấp bậc Trời
? Nếu Trời sáng tạo ra thế giới và nếu
Trời không do ai khác sáng tạo ra cả, Trời tự sáng tạo ra mình, Trời là vị Sáng
Tạo ra Trời ; thế thì Trời đã nghĩ gì trong tâm trí khi sáng tạo ra thế giới ? Mục đích của thế giới này là gì ?
Trong cuộc sống thường nhật, dù làm việc gì thì ta luôn nhận
thấy có sự hoàn tất của một cái gì đó, chẳng hạn như một vật thể ; do đó nhất định
hành động của ta là một hành động chủ đích (téléologique - teleologic) tức chủ tâm (cố ý - duy ý),
và như thế chúng ta bắt buộc phải đặt Trời vào sự hữu lý. Như vậy thì với mục
đích nào Trời đã sáng tạo ra thế giới ? Vì không phải là Trời nên chúng ta
không thể trả lời thỏa đáng cho câu hỏi ấy. Trời có một ý đồ (visée - aim)
riêng mà chúng ta không biết, tuy không biết thế nhưng thật hết sức lạ lùng mỗi
khi nghĩ đến Trời thì ta cũng suy nghĩ
thay cho Trời. Khi tôi nói Trời có một
mục đích riêng cần phải thực hiện, thế nhưng chúng ta lại chỉ là người nên
không thể biết được cái mục đích ấy là gì, chỉ cần nêu lên điều đó cũng đủ hiểu
rằng có một cái gì đấy trong dự án thiêng liêng của Trời. Nếu chúng ta hoàn toàn
không hiểu gì hết về chủ đề Trời, ý chí của Trời, sự sáng tạo của Trời, thì chúng
ta cũng không thể nói đến bất cứ gì về Trời, về tác phẩm của Trời, về mục đích
của Trời. Khi chúng ta nói đến Trời và công trình của Trời thì tất phải có một
cái gì đó bên trong ta khiến cho ta nghĩ đến Trời, nếu không thế thì phải dựa vào
một sự phỏng đoán thật táo bạo mới dám nói là Trời có hay không theo đuổi một mục
đích. Chuyện ấy vượt khỏi khả năng chúng ta, tuy thế chúng ta vẫn cứ nói đến nó
và xem thắc mắc là một thứ gì thật tự nhiên.
Đến đây nếu chúng ta đề cập đến mục đích của Trời khi sáng
tạo ra thế giới thì chúng ta cũng có thể cho rằng đấy là một cách : "thiết
lập cõi thiên đường trên địa cầu". Nếu đúng là Trời có ý định ấy khi sáng
tạo ra thế giới và nếu thực sự có cõi thiên đường trên địa cầu thì chúng ta đáng
lý phải hoàn thiện hơn thế này nhiều chứ ? Nếu mọi việc suông sẻ thì không có
chiến tranh, không có kinh hoàng, chúng ta đang sống trong thiên đường hạ giới.
Thế nhưng các bạn có tin rằng chúng ta đều được hạnh phúc hay không ? Hạnh phúc
đòi hỏi phải có một cái gì khác không nhất thiết đưa đến hạnh phúc, hoặc hạnh
phúc hiện đến nhưng còn kéo theo với nó cả khổ đau. Hạnh phúc thật tương đối. Ta
thèm khát hạnh phúc, nhưng mỗi khi đạt được nó ta lại không thỏa mãn, thứ hạnh
phúc ấy thật ra cũng không sung sướng gì cho lắm, và rồi ta lại nghĩ đến một
cái gì đó sung sướng hơn. Cứ như thế nó điều khiển ta triền miên. Vậy nếu như
thiên đường được thiết lập (trên địa cầu này) thì chúng ta cũng chẳng biết phải
làm gì. Khổ sở vì buồn chán, chúng ta chỉ muốn xuống địa ngục ! Địa ngục có vẻ
thú vị hơn, lúc nào ta cũng cảm thấy một sự kích thích nào đó, vì càng khổ đau ta
càng ước mơ được thoát ra. Nếu tất cả mọi sự xảy ra một cách suông sẻ thì sự sống
còn có thú vị gì nữa ? Sự sống là một sự kích thích ; khổ đau là một nhu cầu cần
thiết cho sự sống. Người ta thường nói đến hòa bình, sự tự do tuyệt đối, thế nhưng
nếu đạt được sự tuyệt đối của tự do thì chúng ta lại đòi hỏi nó phải được giới
hạn. Chúng ta không thể nào sống được dưới quy chế của sự tự do tuyệt đối. Khi
nào còn sống chúng ta còn phải gặp một thứ gì đó đối nghịch lại nguyên tắc của
sự sống - sự sống và sự hình thành là như thế, thế giới này là như thế.
Trí năng (intellect) bước theo con đường đó, và khi chúng
ta đã đi đến đoạn cuối cùng của con đường thì hình như trí năng không còn đủ sức
thỏa mãn chúng ta được nữa. Trời đứng vào vị trí khởi nguyên của thế giới nhưng
trí năng lại cứ muốn đi xa hơn cái vị trí đó. Chúng ta không thể nào dừng lại với
một sự khởi nguyên duy nhất, sự khởi nguyên đó đòi hỏi một sự khởi nguyên khác,
v.v. Chúng ta bắt buộc phải suy nghĩ với kích thước thời gian (sự suy nghĩ bao
giờ cũng vận hành trong ý niệm của thời gian - đây là lời giải thích của D.T. Suzuki trong
nguyên bản) và tư duy (pensée - thougth) là trí năng. Chúng ta không
bao giờ tìm thấy sự thỏa mãn theo con đường đó, có nghĩa là trí năng không bao
giờ mang lại một sự thỏa mãn tối hậu khi nào chúng ta vẫn còn phải sống với thời
gian, bởi vì thiếu thời gian chúng ta sẽ không sống được. Sống đòi hỏi phải có
thời gian.
Vậy thì không gian là gì ? Các nhà khoa học nói đến hàng
triệu và hàng triệu năm ánh sáng, điều đó vượt khỏi lý trí của chúng ta quá xa.
Chúng ta tự cho là hiểu được các con số thiên văn khổng lồ ấy, nhưng thật ra đấy
chỉ là những dấu hiệu mang tính cách quy ước. Trí năng không đủ sức nắm bắt được
chúng. Dù có nói đến hàng triệu năm ánh sáng thì chúng ta vẫn cho khoảng không
gian ấy còn bị giới hạn. Chúng ta vẫn nghĩ rằng không gian còn xa hơn như thế,
vẫn tiếp tục trải rộng phía sau cái khoảng không gian hạn hẹp đó. Trực cảm của
chúng ta về không gian không bao giờ bị giới hạn. Vậy có phải thời gian mang tính
chất phi-thời-gian (intemporel - timeless), và không gian không hàm
chứa bản chất của không-gian-tính (spacialité - spacial, spaciality).
Người ta thường nhắc đến một quy luật rất căn bản trong Phật
giáo là quy luật nguyên nhân hậu quả - tất cả mọi hiện tượng đều là nguyên nhân
và hậu quả. Nếu ta phải chịu khổ sở vì một thứ gì đó xảy ra từ một nguyên nhân từ
trước gọi là nghiệp, thì nguyên nhân trước ấy lại cũng có một nguyên nhân khác
trước đó đã chi phối nó, v.v... Tuy nhiên đối với trường hợp thời gian, nếu cứ truy
ngược lên ngày càng xa hơn ta sẽ không tìm thấy nguyên nhân đầu tiên nào cả. Nếu
chúng ta bảo rằng nguyên nhân không có nguyên nhân thì hệ thống lôgic của chúng
ta sẽ bị phá bỏ. Chúng ta thử chọn một nguyên nhân rồi truy ngược lên càng lúc
càng xa hơn, đến một lúc nào đó nguyên nhân ấy không còn nguyên nhân nào khác sinh
ra nó. Nếu nguyên nhân không còn nguyên nhân nữa, thì tại sao ta lại không thể
bảo là sự sống mà ta đang sống không có nguyên nhân ? Tại sao lại không thể dừng
lại ở đó, thế nhưng khái niệm về nguyên nhân lại cứ bắt chúng ta phải truy kích
nó cho đến vô tận.
Khái niệm của chúng ta về thời gian, không gian và quy luật
nguyên nhân hậu quả thuộc vào phạm trù của trí năng, và khi nào ta còn dùng đến
trí năng thì nó cũng sẽ không đủ sức để trả lời cho những câu hỏi mà chính nó
nêu lên. Trí năng buộc ta phải nêu lên đủ mọi thứ câu hỏi nhưng nó lại không trả
lời được các câu hỏi ấy, vậy chỉ còn cách là nó phải tự chôn mình ! Tuy nhiên chúng
ta sẽ không bao giờ thấy chuyện ấy xảy ra. Trí năng vẫn hữu ích trong một lãnh
vực giới hạn nào đó : khi trời mưa thì ta bị ướt - nguyên nhân và hậu quả. Khi phải
đi ngược lên mỗi lúc mỗi cao hoặc tụt xuống thật sâu đến tận đáy thì quy luật
nguyên nhân hậu quả không còn áp dụng được nữa. Đấy là tôi muốn nói đến trường
hợp khi ta cho rằng bất cứ gì cũng có một sự khởi đầu, thế nhưng trên thực tế thì
không có sự khởi đầu nào cả. Tương tự như vậy thế giới không có sự chấm dứt. Nó
không chấm dứt vì nó không khởi đầu và chúng ta sống trong thời gian không khởi
thủy cũng không chấm dứt. Khi nào ta còn duy trì trong tâm trí khái niệm về thời
gian, thì khi đó ta vẫn còn phải đối đầu với quy luật nhân quả, khi nào thời
gian mất hết ý nghĩa thì thời gian mang tính cách nhân quả cũng theo đó mà mất đi
ý nghĩa của nó. Trí năng vận hành bên trong một số giới hạn. Vượt ra ngoài các giới
hạn ấy, trí năng sẽ trở nên vô nghĩa. Nói đến thời gian và không gian là một thứ
gì hoàn toàn phi lý.
Tuy nhiên cách diễn đạt trên đây vẫn chưa làm cho chúng
ta hài lòng. Nếu nói thế giới không khởi thủy cũng không chấm dứt thì chúng ta
cũng chưa vừa ý và vẫn cứ muốn vượt xa hơn ranh giới đó. Chúng ta phải thường
xuyên đối đầu với những thứ mâu thuẫn như thế cho nên chúng ta chẳng bao giờ vừa
ý. Còn chạy theo trí năng chúng ta còn chui vào cái ngõ cụt ấy. Chúng ta không
thể đi xa hơn, cao hơn, thấp hơn, hay tránh sang một hướng khác. Quả thật hết sức lạ lùng, chúng ta phải dừng
lại nơi mà mình đang đứng.
Tại sao chúng ta lại cứ phải đặt ra những cây hỏi mà trí
năng không trả lời được ? Nếu tiếp tục nêu lên câu hỏi theo chiều hướng đó thì chúng
ta sẽ thấy trí năng thật phù phiếm. Nó chỉ hữu ích khi đem áp dụng vào điện khí,
vật chất, năng lượng, khối lượng, tốc độ, v.v... Nó giúp chúng ta xây dựng nhà
cửa. Luân Đôn cũng đã thành hình từ các khái niệm về thời gian, không gian,
nguyên nhân hậu quả, v.v... Nếu nghĩ rằng có thể sử dụng trí năng để ngự trị cả
địa cầu, vô số hành tinh và thái dương hệ thì thật là chuyện hão huyền. Nếu trí
năng tỏ ra kiêu căng thì phải loại bỏ nó ngay. Không bao giờ có thể đẩy lý luận
đi quá xa ; chúng ta có thói quen dừng lại, tự giam mình trong bốn bức tường và
không ngẩng đầu lên, chỉ lay hoay tìm cách đi xuyên ngang bức tường mà thôi. Thật
hết sức lạ lùng!
Vì thế nên nhiều người bảo rằng cần phải có đức tin (foi - faith) vì lý luận (raison - reason) không có một giá trị nào
cả. Tuy nhiên chúng ta lại đề cập đến đức tin một cách thật vô cùng phi lý... Nếu
đúng là đức tin phi lý và đi ngược với lý trí thì đức tin không thể nào tồn tại
được ; thế nhưng kinh nghiệm của người xưa lại cho thấy dù cho đức tin có phi lý
đến đâu thì nó vẫn cần thiết. Thế là chúng ta lại bị dồn vào chỗ phải nghĩ rằng
đức tin không phi lý. Một khi đạt đến giới hạn tột cùng của lý trí thì sẽ có đức
tin ; khi lý luận (raison - reason) đạt đến mức cuối cùng của nó, thì chính mức
cuối cùng ấy là đức tin. Chúng ta không thể đi xa hơn Trời, xa hơn Thần thánh,
khởi thủy không có điểm phát xuất, chấm dứt không hề có giai đoạn cuối cùng ;
khi đạt được chỗ tột cùng thì đấy là đức tin, người Phật giáo gọi đức tin ấy là
"trực giác" hay prajna (Bát-nhã).
Khi nào chúng ta còn lý luận, thì lúc đó lý trí vẫn còn bị
giới hạn. Vượt khỏi các giới hạn đó thì mới hết dậm chân tại chỗ ; thực hiện được
sự vượt thoát đó là nhờ vào trực giác, tức là prajna hay đức tin. Đức tin không phải là sự tin tưởng vào một số đối
tượng nào đó. Chúng ta thường có thói quen mỗi khi nói đến đức tin thì tìm cách
phóng hiện ra trước mặt một cái gì đó và tin vào đấy, rồi gọi đấy là đức tin,
tuy nhiên theo tôi đức tin thật sự phải là thứ đức tin không có đối tượng, có
nghĩa là tin vào một thứ gì đó không bị đối tượng hóa, vì nó đã vượt thoát khỏi
mọi giới hạn. Khi nào còn có đối tượng thì còn có giới hạn, khi vượt thoát giới
hạn thì đối tượng cũng không còn. Khi đã vượt thoát giới hạn mà vẫn còn hình
dung ra được một đối tượng nào đó thì có nghĩa là ta vẫn chưa hề đạt đến giới hạn.
Tiếp xúc với giới hạn có nghĩa là thực hiện được vô biên. Điều đó thật mâu thuẫn
đối với trí năng nhưng lại là một sự kiện hiển nhiên đối với trực giác và chính
đấy mới là những gì quan trọng hơn cả. Khi nào thực hiện được thể dạng đó thì nên
gạt bỏ hy vọng và trí năng, đấy là những gì chúng ta chất chứa từ một sự khởi
thủy quá lâu đời.
Một người đệ tử mang hai cành hoa dâng lên Đức Phật. Đức
Phật nói : "Hãy ném nó đi". Người đệ tử hiểu là phải ném bỏ hai cành
hoa, bèn vứt bỏ ngay. Đức Phật lại nói thêm : "Ném nó đi thật xa", người
đệ tử hoang mang không biết phải ném cái gì bây giờ. Đức Phật nói tiếp :"Hãy
ném cái tôi của con đi thật xa !" Làm thế nào người đệ tử có thể tự ném mình
đi nơi khác khi nghĩ mình vẫn còn sờ sờ ra đó ? Bởi vì nếu người đệ tử nghĩ rằng
mình không còn ở đó thì lấy bàn tay của ai để ném ? Khi người đệ tử nói đến "bàn
tay" thì tự nhiên ta nghĩ đến có một cái gì đó, vì nếu ta không thừa nhận bất
cứ thứ gì thì các cành hoa văng đi đâu và Đức Phật đi về đâu ? (một cách lý luận lẩn
quẩn do trí năng điều khiển). Tuy nhiên tất cả những thứ ấy đều do tác động
của trí năng thúc đẩy mà có. Dù cho chúng ta có thể tự hỏi không biết các dân tộc
Đông phương có chịu ảnh hưởng của lý trí và trí năng hay không nhưng khi đi đến
điểm dừng lại thì họ cũng sẽ không biết phải làm gì, và lúc không còn biết phải
làm gì thì chính lại là lúc đạt được sự hoàn thiện trọng đại nhất.
Tất cả các tôn giáo đều xuất phát từ điểm đó. Nói đến đức
tin là một cách tự đặt mình vào lãnh vực lạm dụng sự lý luận (ratiocination)
khiến chúng ta nghĩ ngay đến một đối tượng nào đó để đức tin bám vào. Nếu diễn đạt
trên phương diện siêu hình thì có thể bảo rằng toàn thể thế giới này chỉ là một
sự tạo dựng của trí năng. Khi nêu lên điều ấy thì chúng ta có thể nghĩ rằng đấy
là một thứ gì vô cùng tối nghĩa, nhưng thật ra thì không đúng thế. Một thiền sư
Zen có nói như sau : "Chúng ta không thực sự nhìn thấy một cành hoa, chúng
ta chỉ nhìn thấy cành hoa xuyên qua một giấc mơ. Chúng ta nhìn nhau, người này
nhìn người kia, tương tợ như nhìn thấy nhau trong một giấc mơ". Tốt nhất là
không nhìn thấy một cái gì hết. Khi nào không nhìn thấy bất cứ gì cá biệt thì đấy
là cách mà ta nhìn thấy tất cả.
Đến đây chúng ta sẽ đề cập đến một điểm khá khó. Trên đây
tôi có nói đến "sự tạo dựng của trí năng ". Khi Đức Phật đạt được
giác ngộ thì Ngài đứng trên cương vị của người nêu lên câu hỏi để cùng với câu
hỏi hòa nhập vào nhau. Trước khi thực hiện được việc đó, Đức Phật từng nêu lên
câu hỏi là phải làm thế nào để thoát ra khỏi chu kỳ sinh tử, câu hỏi vượt ra khỏi
Ngài. Ngài nắm lấy nó như là một thứ gì ở bên ngoài sẵn sàng tiếp nhận một giải
pháp do trí năng mang lại. Dù gắng sức bằng đủ mọi cách Ngài vẫn không đạt được
giác ngộ. Ngài tuyệt vọng đến cùng cực. Khi sự bất lực đạt đến tột đỉnh, không sao
tìm ra được giải pháp Đức Phật không tìm cách vượt ra ngoài tâm thức nữa : với cương
vị người đặt câu hỏi Ngài và câu hỏi đã
đồng nhất để trở thành "một". Vì thế không còn có câu hỏi nào vượt khỏi
Ngài để hiện ra như một thứ gì đó với mục đích đón chờ một giải pháp. Trước đây
Đức Phật đi sai đường khi đặt câu hỏi ra bên ngoài Ngài. Nếu câu hỏi ở bên
ngoài Ngài, thì giải pháp cũng phải đến từ bên ngoài, thế nhưng khi câu hỏi và người hỏi đã trở thành một
thì giải pháp lại hiện ra từ bên trong Ngài. Câu hỏi trước đây khiến Ngài phải
lo lắng, thế nhưng khi câu hỏi không còn làm cho Ngài ray rứt như một thứ gì đó
trước mặt, hiện ra một cách khách quan, và khi mà câu hỏi đến với tôi và tôi đến
với nó, đấy không phải là một sự chuyển động vật lý trong không gian mà chỉ là
một thể dạng siêu hình, và sự đồng nhất hóa sẽ xảy ra, đấy là thiền học Zen. Xuyên
qua trí năng chúng ta có thể thắc mắc : "Làm thế nào chuyện ấy lại có thể xảy
ra được ?" Thật là phi lý. Thế nhưng khi có nó là có nó, và sau đấy ta mới có thể lý luận được. Đấy
là con đường tiếp cận của một thiền sư. Khi một người đệ tử hỏi : "Tôi là
ai ? ", vị thiền sư chẳng những không giải thích một lời nào mà còn đánh
người đệ tử, bởi vì đối với sự giác ngộ đặt câu hỏi là một thứ gì ngu xuẫn nhất,
và tên ngu đần nào mà lại chẳng đáng đánh đòn.
Có một trường hợp khá lý thú về một phụ nữ người Mỹ tên là
Helen Keller, bà vừa mù, vừa điếc, lại vừa câm, thế nhưng người ta cứ cố gắng dạy
cho bà ta hiểu là bất cứ thứ gì cũng có một tên gọi (đối với một người mù, điếc và câm thì tên gọi
không mang một ý nghĩa gì cả). Khi con chó được một miếng thịt, nó
biết rằng đấy là thịt, nếu không còn miếng thịt nào thì nó cũng không thể nói đến
thịt, vì muốn chỉ định "thịt" bằng một tên gọi thì trước đó con chó phải
có sẵn một khái niệm, vậy bắt buộc nó phải là người (chỉ có con người mới biết tạo ra khái niệm).
Khi miếng thịt không còn, nó cũng không hề có một khái niệm nào về thịt ; chỉ định
một thứ gì bằng tên gọi là một chuyện đại sự. Khi chúng ta chỉ định thế giới bằng tên gọi thì thế giới sẽ trở thành hiện
hữu.
Khi ta tìm ra một từ nào đó, thì đấy là điểm khởi đầu của
tri thức. Tri thức chính là khả năng tự tách rời ra khỏi cái ngã. Đức Phật tự tách
rời với mình khi Ngài nêu lên câu hỏi, người hỏi và câu hỏi vượt ra khỏi Ngài.
Khi thực hiện được sự giác ngộ câu hỏi trở về với người hỏi. Thế nhưng nếu câu
hỏi không thoát ra từ người hỏi, thì làm thế nào nó có thể trở về với người hỏi.
Sự kiện quay trở về ấy thật cần thiết.
Đấy là cả một sự huyền bí : tại sao phải cần nêu lên câu
hỏi khi mà câu hỏi phải quay trở về để mang theo câu trả lời cho chính nó ? Nếu
như ta cho rằng không hề có chuyện hỏi hay trả lời nào cả thì đấy chỉ là phản ứng
của trí năng. Trên thực tế chúng ta hỏi, chúng ta nhận được câu trả lời và chúng
ta hài lòng. Vỏn vẹn có thế. Và mọi sự sẽ xuất phát từ đấy.
Vì thế khi tôi nói câu hỏi trở thành một với câu trả lời thì cũng tương tợ như nói Trời suy nghĩ thì thế
giới hiện ra. Thế giới là tư duy (pensée - thougth) của Trời, một vài nhà thần học
gọi đấy là "ý chí của Trời". Cái ý chí ấy phát động bên trong Ông ta và
ý chí ấy là sự sáng tạo thế giới. Ý chí của Trời là hoạt động sáng tạo và ý chí
tức là tư duy. Nêu lên câu hỏi tức là tự
tách rời khỏi chính mình. Sự kiện muốn
chỉ có thể xảy ra khi nào có một cái gì đó để muốn, vì thế Đức Phật phải tự phân tách mình để nêu lên câu hỏi.
Khi sự phân tách xảy ra thì có tư duy ; và cũng như thế, muốn
tức là suy tư, suy tư tức là muốn.
Chúng ta có thể nói rằng đối với Trời không có sự phân biệt
giữa muốn, suy tư và hành động. Chúng
chỉ là một. Cũng thế nếu ta là một với
Trời thì ta cũng là một với ta. Vì
thế tất cả chúng ta đều là Trời. Các người Thiên chúa giáo cho rằng đồng hóa thân
xác xương thịt này với Trời (nghĩ rằng ta là thân xác vật chất tức là tự giới hạn
mình trong lãnh vực trí năng - giải thích của D.T. Suzuki trong nguyên bản) là một
điều phạm thánh bởi vì chỉ có Chúa (Christ) mới có thể là Trời được mà thôi, thế nhưng
khi ta gán tính cách thiêng liêng cho Chúa và cho Trời thì phải có một cái gì đó
mang tính cách thánh thiện trong ta thì ta mới có thể phát biểu như thế. Nếu chẳng
có gì thánh thiện trong ta thì chẳng bao giờ ta có thể nói đến sự thánh thiện.
Đủ sức nêu lên một
câu hỏi tức có nghĩa là câu trả lời đã có sẵn trong ta, nếu không thì chẳng
có một câu hỏi nào có thể thốt lên được. Cũng thế, nói đến Trời có nghĩa là ta
có một chút gì đó của Trời trong ta. Khi nắm vững được điều ấy thì đấy là Shin shu
(tu Tâm) hay cõi Tịnh độ. A-di-đà không phải là
một người nào đó sống cách nay đã nhiều năm và sử dụng prajna (Bát-nhã) để cứu độ tất cả chúng sinh : chính ta là A-di-đà. Đạt
được điều đó là thực hiện được đức tin Shin
(Tâm).
Prajna (Bát nhã) phát sinh từ cái ngã của
chính mình. Khi nào vượt ra khỏi giới hạn trí năng của cái ngã hạn hẹp, trói buộc
trong điều kiện, thì cái vỏ ấy sẽ vỡ tung và ta sẽ tìm thấy thực thể của chính
mình và một cái gì đó vượt lên trên cái vỏ tự ngã ấy. Vào lúc đó và từ cái thực
thể ấy, từ cái thể dạng siêu nhiên ấy, từ sự xuyên thấu ấy, prajna dharma (đạo-pháp bát-nhã) vô tận sẽ phát hiện để cứu độ tất cả chúng
sinh. Chúng ta không bao giờ có thể tự cứu lấy mình được nếu chúng ta chưa cứu
được mình một cách toàn vẹn như là một nhất
thể, không phải một nhất thể mang tính cách cá nhân hạn hẹp mà tất cả các
nhất thể cá nhân kết hợp lại thành một tổng
thể ; để rồi từ đó lòng từ bi đích thực sẽ hiển lộ.