Phẩm
Phân Biệt Trí
Phẩm Hiền Thánh đã nói rõ quả vị
vô lậu, giác ngộ. Còn nhân duyên vô lậu dẫn đến kết quả đó chính là trí
tuệ và thiền định. Trí tuệ là thân nhân, thiền định là sơ duyên, nên trí
tuệ được phân biệt giảng giải trước trong phẩm Trí này. Ðặc sắc của trí
là tính quyết định đối với sự lý các pháp, đặc sắc của tuệ là tính phân
biệt rõ ràng sự lý các pháp. Tuy nhiên trí và tuệ cũng cùng một thể,
nên có khi nói trí, có khi nói tuệ mà nghĩa cũng như nhau. Vì vậy trong
bản dịch cũ để là phẩm Phân biệt Tuệ. Chẳng những thế, trí hoặc tụê còn
được gọi bằng nhiều tên tùy theo tác dụng đặc thù của nó như quán, nhẫn,
kiến, quang, minh, giác, phương tiện v.v... cho đến chánh kiến, chánh
tư duy, trạch pháp v.v... trong 37 đạo phẩm. Tu hành cố nhiên cần có trí
tuệ mới khỏi bị lạc đường mà giác ngộ cũng cần có trí tuệ mới rốt ráo
viên mãn. Kinh A-hàm nói: "Minh (trí) vi nhất thiết thiện pháp chi căn
bản". Do đó, kế tiếp phẩm Hiền Thánh tất phải là phẩm Trí Tuệ. Phẩm Trí
này gồm 61 bài tụng, chia ra hai đọan lớn: I. Nói về các trí sai biệt
gồm 33 bài tụng. II. Nói về công đức do Trí thành đạt được gồm hai mươi
tám bài tụng.
Khoa mục phẩm Trí |
Các trí sai biệt |
-
Nhẫn, Trí, Kiến
-10 Trí
- Hành
tướng 10 Trí
- các
mặt của Trí |
Công
đức do Trí thành đạt |
-Công
đức không chung
- Công
đức chung |
Ðoạn I. CÁC TRÍ SAI BIỆT: (gồm
bốn tiết)
* TIẾT I: NHẪN, TRÍ, KIẾN SAI
BIỆT
Chữ nhẫn của phẩm này là trí tuệ. Muốn rõ trí tuệ trước tiên
hãy biện biệt nhẫn, trí, kiến. Vì ba thứ này đều lấy tuệ tâm sở làm thể,
như xưa nay từng nói: "Thể đ?ng mà dụng khác". Thể đồng là ba thứ đều
là tuệ tâm sở trong Ðại địa pháp, nhưng vì tác dụng bất đồng mà lập ra
nhẫn, trí, kiến. Khi tuệ tâm sở với công dụng suy đạt tầm cầu thì gọi là
kiến, với công dụng quyết đoán thì gọi là trí, với công dụng suy đạt
nhẫn khả (chấp nhận) thì gọi là nhẫn. Vì vậy cùng là tuệ mà có khi nhẫn
chứ không phải trí, có khi trí mà không phải kiến, có khi cả trí và kiến
mà không phải nhẫn. Trường hợp có nhẫn mà không có trí như trong phẩm
trước đây nói đến tám nhẫn đối với tám đế của cõi Dục và hai cõi trên,
như khổ pháp trí nhẫn, khổ loại trí nhẫn v.v... Vì sao? Vì trong khi
nhẫn khởi lên, những điều nghi hoặc chính nó phải đoạn trừ, thì chưa
đoạn trừ được, nghĩa là nó chưa đạt đến mức quyết đoán trước đối cảnh
vậy. Luận Tỳ-bà-sa 95 nói: Tại sao Vô lậu nhẫn (chỉ tám nhẫn thuộc Kiến
đạo vị, chứ không phải nhẫn vị trong Tứ gia hạnh, hay là nhẫn nhục, an
thọ khổ nhẫn) chỉ gọi là nhẫn mà không phải là trí?
Ðáp: Vì vô lậu nhẫn đối với đế lý sở quán tuy nhẫn
mà chưa quyết, quán mà chưa thẩm xét, tầm cầu mà chưa rốt ráo, tư sát mà
chưa biết rõ, hiện quán mà chưa thuần thục, chỉ có công dụng gia hạnh
không ngừng, nên chỉ gọi là nhẫn, không gọi là trí". Trái lại, tận trí,
vô sanh trí như sẽ nói dưới đây, là hai thứ trí được khởi lên ở vô học
vị, nó chỉ gọi là trí mà không gọi là kiến. Vì hai trí này có khả năng
quyết đoạn đối cảnh không còn phải suy đạt tìm cầu nữa. Ngoài ra, tất cả
vô lậu tuệ như tám trí của Hữu học vị (đó là khổ pháp trí, khổ loại trí
v.v...) và chánh kiến của Vô học vị, đều có cả tính chất trí và kiến mà
không phải là nhẫn. Vì các vô lậu tuệ này đã dứt hết nghi hoặc chính nó
phải dứt (trí), lại có tính suy đạt tìm cầu (kiến) và vì đã qua khỏi
giai đoạn ban đầu của sự thấy (sơ kiến) nên không gọi là nhẫn.
Trên đây là phân biệt về vô lậu tuệ, còn hữu lậu tuệ thế nào?
Tất cả hữu lậu tuệ đều nhiếp thuộc về trí, vì kẻ phàm phu từ vô thỉ có
tâm thường quan sát đối cảnh nên chính đó là trí, không thế gọi là nhẫn,
vì nhẫn có nghĩa là đối với lý Tứ đế từ trước chưa thấy nay mới bắt đầu
thấy (sáng kiến), trong khi đó, đối cảnh của kẻ phàm phu là cảnh thường
được thấy luôn, chứ không phải nay mới bắt đầu thấy, nên các hữu lậu
tuệ của phàm phu không thể gọi là nhẫn. Chỉ có trí vô lậu của Thánh ở
địa vị kiến đạo bắt đầu thấy lý Tứ đế mới gọi là nhẫn. Và trong các hữu
lậu tuệ gồm có cả sáu kiến là năm thứ kiến ô nhiễm như thân, biên, tà,
kiến, giới, cọng với một thứ chánh kiến hữu lậu, chúng đều có tính suy
đạt tìm cầu, nên chúng cũng thuộc về kiến. Luận Bà-sa 44 nói:" Hỏi: Các
vô lậu nhẫn (chỉ tám nhẫn) tại sao không phải trí? Ðáp: Ðối với
lý Tứ đế chưa từng thấy nay mới bắt đầu thấy, bắt đầu nhẫn (chấp nhận
chứ không chống đối hay thấy ngược lại) chứ chưa quán sát kỹ càng nhiều
lần. Cần phải cùng loại liên tục quán sát lý Tứ đế nhiều lần đơn thuần
thục, mới gọi là trí".
* TIẾT II: MƯỜI TRÍ SAI BIỆT
Trí tuệ gồm có hai loại: Trí hữu lậu và vô lậu. Trí hữu lậu
là trí còn mang tính chất phiền não hữu lậu xấu xa, không có khả năng
dứt các phiền não (hoặc) mê lý mà chỉ là thứ trí tuệ phổ thông biết đến
những cảnh vật thế tục như bình, áo, núi, sông và nó còn bị đối trị, nên
cũng gọi là trí thế tục. biết đến những cảnhvật thế tục như bình, áo,
núi, sông và nó còn bị đối trị, nên cũng gọi là trí thế tục. Trái lại
trí vô lậu là trí tuẹ thanh tịnh, không nhơ bẩn ngoài mọi thứ phiền não
xấu xa. Nó gồm hai thứ là pháp trí và loại trí. Pháp trí là trí biết rõ
trực tiếp chân lý của các pháp Tứ đế và có khả năng dứt sạch mọi phiền
não do mê lý Tứ đế ngay ở cõi Dục khởi lên.
Loại trí là trí cùng loại tương tợ với Pháp trí, có khả năng
biết lý Tứ đế của hai cõi trên ngang qua lý Tứ đế của cõi Dục, hoặc nói
cách khác là biết lý Tứ đế của hai cõi trên theo cách loại suy với trí
biết lý Tứ đế của cõi Dục, do đó có khả năng dứt mọi phiền não do mê lý
Tứ đế của hai cõi trên khởi lên. Từ Pháp trí và Loại trí lại cùng hai
trí trong hai cách quán lý Tứ đế, và quán mỗi đế thì thành mỗi trí nên
phát sinh ra 4 trí nữa là Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, và Ðạo trí chúng
có khả năng dứt sạch mọi phiền não do mê lý Tứ đế khởi lên. Từ sáu trí
là Pháp, Loại, Khổ, Tập, Diệt, Ðạo thuộc Hữu học vị trên đây tiến lên
tại Vô học vị phát khởi hai trí là Tận trí và Vô sanh trí. Bậc Thánh giả
vô học tự biết rằng: ta đã biết Khổ, ta đã dứt Tập, ta đã chứng Diệt,
ta đã tu Ðạo(ngã dĩ tri Khổ, ngã dĩ đoạn Tập, ngã dĩ chứng Diệt, ngã dĩ
tu Ðạo), đó gọi là Tận trí, tức là trí biết rõ hành tướng cùng tận về Tứ
đế. Nói cách khác, ngay trong khi dứt hết tư hoặc phẩm thứ chín của cõi
Hữu đảnh (chót cõi trời Vô sắc) thì tất cả mọi phiền não của ba cõi đều
tiêu sạch, bước lên địa vị Vô học, và phát khởi sáu trí Pháp, Loại,
Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, đấy gọi là Tận trí. Vô sanh trí là đối với tác dụng
biết, dứt, chứng, tu, thành được phi trạch diệt. Gọi là vô sanh. Trí
quán thấy được lý vô sanh đó, gọi là vô sanh trí. Nói cách khác, bậc
Thánh vô học sau khi đã biết: ta đã biết Khổ, dứt Tập, chứng Diệt, tu
Ðạo; bây giờ còn biết thêm: ta đã biết Khổ, không còn phải biết nữa; ta
đã dứt Tập, không còn phải dứt nữa; ta đã chứng Diệt, không còn phải
chứng nữa; ta đã tu Ðạo, không còn phải tu nữa. Cái trí tuệ có được nhờ
biết rõ hành tướng vô sanh (không còn biết, dứt, chứng, tu nữa) đó, gọi
là vô sanh trí. Tuy nhiên bậc Vô học A-la-hán có hạng độn căn, có hạng
lợi căn. Hạng độn căn còn bị thối thất, không thể phát khởi vô sinh trí,
hạng lợi căn bất động tính, không còn bị thối thất mới có thể phát khởi
vô sinh trí.
Ngoài chín trí (trí thế tục, pháp, loại, khổ, tập, diệt, đạo,
tận, vô sanh) nói trên, còn có tha tâm trí là trí biết tâm niệm kẻ
khác, được thành tựu do bốn trí: pháp trí, loại trí, đạo trí (vô lậu) và
thế tục trí (hữu lậu) nói trên. Tuy biết tâm niệm kẻ khác, nhưng tâm
niệm kẻ khác ở trong cấp bực đồng loại mà thôi.Vì vậy tha tâm trí ở bậc
dưới không thể biết tâm niệm kẻ ở bậc trên, tha tâm trí của kẻ độn căn
không thể biết tâm niệm của kẻ lợi căn, chỉ biết tâm niệm hiện tại chứ
không thể biêït tâm niệm quá khứ vị lai, và tha tâm trí thuộc pháp trí
không biết được loại trí, loại trí không biết pháp trí. Ví như hai người
ở cùng một chỗ, một người trông trời, một người ngó đất, hai người
hướng đến hai nẽo, không thể thấy mặt nhau.
Tóm lại, trừ hai trí hữu lậu và vô lậu mà tuần tự phải chia
nó ra mười trí: thế tục trí, pháp trí, loại trí, khổ trí, tập trí, diệt
trí, đạo trí, tha tâm trí, tận trí, vô sanh trí. Mười trí này bao gồm
tất cả trí.
Hỏi: Tại sao hữu lậu trí, vô lậu trí lại chia ra
mười trí?
Ðáp:" Do bảy duyên cớ, lập hai làm mười. Bảy duyên
cớ là:
1. Do tự tánh nên lập thế tục
trí. Vì thế tục trí là pháp hữu lậu thế tục không thể lấy trí thắng
nghĩa vô lậu làm tự tánh của nó.
2. Do đối trị mà lập ra pháp trí,
loại trí. Vì hai trí này có khả năng đối trị phiền não của cõi Dục và
hai cõi trên.
3. Do hành tướng khác biệt lập ra
khổ trí, tập trí. Vì cảnh sở duyên của hai trí này là tướng nhân quả
của thế gian tuy không khác biệt, nhưng hành tướng năng duyên của hai
trí lại không đồng nhau. Với trí duyên Khổ đế thì có bốn hành tướng phi
thường, khổ, không, phi ngã. Với trí duyên Tập đế thì có bốn hành tướng:
nhơn, tập, sinh, duyên; nên phải lập hai trí khác nhau.
4. Do hành tướng và cảnh lập ra
diệt trí, đạo trí. Vì về hành tướng năng duyên của hai trí này không
đồng nhau. Với trí duyên Diệt đế thì có bốn hành tướng: diệt, tịnh,
diệu, ly. Với trí duyên Ðạo đế thì có bốn hành tướng: đạo, như, hành,
xuất; nên lập ra hai trí riêng nhau.
5. Do gia hạnh mà lập ra tha tâm
trí. Vì tha tâm không phải chỉ biết tha tâm mà không biết tâm sở kẻ
khác, chẳng qua lúc tu gia hạnh mục đích chỉ muốn tha tâm, nhưng đến lúc
gia hạnh thành tựu cuũng biết luôn tâm sở người khác. Như vậy theo lẽ
trí này còn có thể gọi là trí tha tâm sở, nhưng đây chỉ căn cứ lúc tu
gia hạnh nên chỉ gọi là tha tâm trí.
6. Do việc đã thành biệt lập ra
tận trí, vì với bậc Thánh vô học còn được xưng là việc cần làm đã làm
xong (sở tác dĩ biện) tức là làm xong việc biết Khổ, dứt Tập, chứng
Diệt, tu Ðạo, và tất cả sự nghiệp cần làm để đưa đến giải thoát đạo. Trí
này là trí khởi lên đầu tiên của bậc vô học.
7. Do nhân viên mãn lập ra vô
sanh trí, vì vô sanh trí là tột đỉnh trong tất cả trí, nó cũng đồng loại
với tất cả Thánh đạo, gồm kiến đạo, tu đạo, vô học đạo, tận trí mà được
phát sinh. Tận trí phát sinh, tuy lấy Thánh đạo gồm kiến đạo, tu đạo
làm nhân, nhưng chưa lấy vô học làm nhân, nên với tận trí không gọi là
do nhân viên mãn. Vô sanh trí lấy cả vô học Thánh đạo làm nhân nên gọi
là do nhân viên mãn, tức do vô học Thánh đạo là cái nhân viên mãn cho vô
sanh trí được phát sinh.
* TIẾT III: HÀNH TƯỚNG CỦA MƯỜI
TRÍ
Trong mười trí, pháp trí duyên Tứ đế của cõi Dục hiện ra 16
hành tướng, loại trí duyên Tứ đế của hai cõi trên cũng hiện ra 16 hành
tướng. 16 hành tướng như đã nói ở trong phẩm Hiền Thánh. Trí thế tục
duyên khắp tất cả pháp môn nó vừa hiện ra 16 hành tướng lại vừa có cả
hành tướng, tự tướng, cộng tướng. Chẳng hạn như ở noãn, đỉnh, nhẫn vị,
đối với Tứ đế tu 16 hành tướng, lên đến thượng phẩm nhẫn và thế đệ nhất
vị thì chỉ tu quán một hành tướng khổ của Khổ đế. Ở vị ngũ đình tâm,
biệt tướng niệm trú, tổng tướng niệm trú thì quán cả tự tướng và cộng
tướng các pháp. Khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, thì chỉ quán bốn
hành tướng theo mỗi đế riêng của mình. Tha tâm trí, nếu thuộc vô lậu thì
nhiếp vào đạo đế duyên quán bốn hành tướng của Ðạo đế; nếu thuộc tính
hữu lậu thì chỉ duyên đến tự tướng riêng của tâm hoặc tâm sở mà thôi.
Còn tận trí và vô sinh trí thì trong 16 hành tướng, trừ hai hành tướng
không và vô ngã, còn lại 14 hành tướng (ảnh tượng năng duyên). Vì sao?
Vì sau khi khởi lên tận trí vô sanh trí quán lý Tứ đế, tức đã bước vào
hậu đắc trí với sự chứng ngộ theo hai hành tướng, vô thường, khổ của Khổ
đế mà nói như vậy: sự sinh tử của ta đã chấm dứt (ngã sinh dĩ tận);
duyên theo bốn hành tướng của Ðạo đế mà nói như vậy: phạm hạnh đã thành
lập vững chắc trọn vẹn (phạm hạnh dĩ lập); duyên theo bốn hành tướng của
Diệt đế mà nói như vầy: việc cần làm đã làm xong (sở tác dĩ biện);
duyên theo bốn hành tướng của Tập đế mà nói như vầy: không còn chịu thân
sau (bất thọ hậu hữu). Chữ Ta trong câu "sự sinh tử của ta đã chấm
dứt", nó thuộc về thế tục, trái hẳn với hành tướng không và vô ngã, nên ở
trong quán trí lúc bấy giờ không có hai hành tướng không và vô ngã, chỉ
khởi lên hai hành tướng vô thường và khổ.
Hỏi: Hành tướng vô ngã trái hẳn với ngã, nên không
khởi lúc đó, còn hành tướng "không" đâu có trái hẳn với ngã mà lúc đó
cũng không khởi lên?
Ðáp:Hành tướng" không" vốn để đối trị kiến chấp ngã
sở, hành tướng vô ngã vốn để đối trị kiến chấp ngã. Kiến chấp ngã và
kiến chấp ngã sở tuy khác nhau, nhưng đồng lấy ngã làm tự thể. Vì vậy
trong quán trí lậu tận trí vô sinh trí phát khởi, không có hai hành
tướng không và vô ngã.
Hỏi: Trí tuệ quán lý Tứ đế với 16 hành tướng, sao
gọi là hành tướng?
Tụng đáp:"Hành tướng hữu thập lục, thử thể duy thị
huệ’’. Nghĩa là hành tướng thật sự có mười sáu tự thể của nó chỉ là huệ.
Theo đây, huệ là tự thể của mười sáu hành tướng, nhân vì huệ trong khi
quán cảnh lý Tứ đế phát hiện ra các hành tướng đó. Và chỉ huệ có khả
năng giản trạch nên những ảnh tượng do khả năng giản trạch của huệ mà có
đó, được gọi là hành tướng. Còn sự hiểu biết của tâm tâm sở khác không
có khả năng giản trạch, không được gọi là hành tướng. Thành Duy Thức
Lược Sớ nói: "Hữu thật ngoại cảnh vi sở duyên cảnh, dĩ ảnh tượng vi hành
tướng, năng duyên tâm vi sự, tuy lập ảnh tượng thuộc chi năng duyên".
Nghĩa là thật có ngoại cảnh làm cảnh sở duyên, lấy ảnh tượng làm hành
tướng, tâm năng duyên làm sự thể (tự thể), tuy lập ra ảnh tượng nhưng nó
thuộc về năng duyên (chứ không thuộc cảnh sở duyên). Như vậy mười sáu
hành tướng của Tứ đế là 16 ảnh tượng do huệ quán sát, giản trạch mà phát
hiện, nên gọi là hành tướng năng duyên. Lại Câu-xá Tụng Ký nói:" Ngôn
sở hành cảnh tướng hữu biệt giả: Khổ Thánh đế hữu tứ hành tướng v.v..."
Vậy thì cảnh tướng sở hành tức là sở duyên cũng gọi là hành tướng. Tu
mười sáu hành tướng để đối trị mười sáu bịnh vọng chấp. Quán bốn hành
tướng vô thường, khổ, vô ngã của Khổ đế đối trị bốn vọng chấp là chấp
thường, chấp lạc, chấp ngã sở (các sở hữu của ta), chấp ngã. Quán bốn
hành tướng nhơn, tập, sinh, duyên của Tập đế để đối trị bốn vọng chấp
của ngoại đạo là vô nhân luận, nhất nhân luận, thường nhân luận, năng
sinh luận. Quán bốn hành tướng diệt, tịnh, diệu, ly của Diệt đế để đối
trị bốn vọng chấp sinh cõi trời Tự tại là Niết-bàn, tự thể sẳn giải
thoát, Niết-bàn là hoại diệt như bị bùa chú, giải thoát rồi vẫn sanh tử.
Quán bốn hành tướng đạo, như, hành, xuất của Ðạo đế để đối trị bốn vọng
chấp là không có đạo giải thoát, khổ hạnh là chánh đạo giải thoát,
không tu đạo mà vẫn thanh tịnh và chấp Thánh đạo không có khả năng giải
thoát.
* TIẾT IV: CÁC ÐỊA VỊ THÀNH TỰU
TRÍ TUỆ NHIỀU ÍT KHÁC NHAU
1) Từ phàm phu đến các hành giả Tam hiền (ngũ đình tâm, biệt
tướng niệm, tổng tướng niệm), Tứ thiện căn (nõan, đỉnh, nhẫn, thế đệ
nhất), và vị Thánh giả mới bắt đấu sinh khởi tâm khổ pháp trí nhẫn trong
15 tâm thuộc Kiến đạo vị, tất cả chỉ thành tưụ một trí là trí thế tục.
Vị Thánh ở Kiến đạo vị mới khởi sinh đầu tiên tâm khổ pháp trí nhẫn, tâm
này tuy là vô lậu song chỉ mới là nhẫn mà không phải trí. Nên trong
mười trí, vị Thánh này cũng chỉ mới thành tựu được trí thế tục.
2) Vị Thánh ở Kiến đạo vị, khi khởi sinh tâm thứ hai tức là
khổ pháp trí, thì thành tựu được ba trí, đó là thế tục trí, pháp trí,
khổ trí. Ở đây pháp trí, khổ trí cùng một thể, nhưng đối tượng khác nhau
nên chia làm hai.
3) Vị Thánh ở Kiến đạo vị khi sinh tâm thứ tư là khổ loại
trí, thời thành tựu được bốn trí, đó là tha tâm trí, pháp trí, khổ trí,
loại trí.
4) Vị Thánh ở Kiến đạo vị khi khởi sinh tâm thứ sáu là tập
pháp trí thời thành tựu được năm trí đó là thế tục trí, khổ trí, tập
trí, loại trí.
5) Vị Thánh ở Kiến đạo vị khi khởi sinh tâm thứ mười là diệt
pháp trí, thời thành tựu được sáu trí, đó là cộng thêm diệt trí vào năm
trí vừa nêu trên.
6) Vị Thánh ở Kiến đạo vị khi khởi sinh tâm thứ mười bốn là
đạo pháp trí, thời thành tựu được bảy trí, đó là cộng thêm đạo trí vào
sáu trí vừa nêu. Những địa vị Thánh nêu trên đều ở Kiến đạo.
7) Vị Thánh ở Tu đạo vị khi chưa hoàn thành dứt hết tu hoặc
cõi Dục cũng thành tựu được bảy trí, đó là thế tục trí, pháp trí, khổ
trí, loại trí, tập trí, diệt trí, đạo trí. Nếu ở địa vị phàm phu đoạn
trừ tu hoặc cõi Dục mà được vào Kiến đạo thì được thành tựu tha tâm trí.
8) Vị Thánh hoàn toàn dứt hết tư hoặc cõi Dục thời thành tựu
được tám trí, đó cọng thêm tha tâm trí vào bảy trí vừa nêu. Hai bậc
Thánh ở số 7, 8 thuộc tu đạo.
9) Vị Thánh độn căn thời giải thoát vô học đạo, thành tựu
được chín trí, đó là trong mười trí trừ vô sinh trí.
10) Vị Thánh lợi căn bất thời giải thoát ở vô học vị thành
tựu đủ cả mười trí. VÌ vô sinh trí là tột đỉnh trong mười trí. Bắt đầu
từ thế tục trí theo thiện pháp hữu lậu thế gian, lần lần tu tập phát
sinh vô lậu khổ pháp trí nhẫn cuối cùng mới phát sinh vô sinh trí. Cho
nên vô sinh trí ở học vị chỉ có bậc A-la-hán lợi căn bất thời giải thoát
mới thành đạt được.
Ðoạn II. CÔNG ÐỨC DO TRÍ THÀNH
ÐẠT
Gồm hai tiết:
* TIẾT I: CÔNG ÐỨC ÐẶC BIỆT (bất
cọng)
Tiết này nói đến công đức do trí thành được gồm có hai loại.
Công đức đặc biệt không chung
cùng.
Công đức phổ thông
chung cùng.
Công đức của Phật là đặc biệt, các vị thánh khác và phàm phu
không chung cùng có được, nên gọi là bất cọng. Công đức bất cọng có 18
thứ: 10 lực, 4 vô úy, 3 niệm trụ và Ðại bi tâm.
Mười lực: Lực nghĩa là trí thể chứng vững chắc không
còn bị lay chuyển.
1) Xứ phi xứ trí lực: Xứ có nghĩa
là hợp đạo lý, phi xứ có nghĩa là phi hợp đạo lý Trí tuệ Phật mà thật
thể là mười trí vừa nói trên biết rõ việc gì hợp lý, không hợp lý.
2) Nghiệp báo trí lực:Trí biết rõ
nghiệp nhơn như vậỵ sẽ cảm quả báo như vậy. Trí này lấy tám trí trong
mười trí trên làm thể (10 trí trừ diệt trí, đạo trí còn 8).
3) Tịnh lự giải thoát đẳng trí
lực: Trí biết đúng thật về các thiền định giải thoát, nó lấy chín trí
trong mười trí làm thể (10 trí trừ diệt trí còn 9).
4) Căn thượng hạ trí lực: Trí
biết rõ căn tánh cao thấp chúng sanh như ngũ căn, ngũ lực v.v... Trí này
lấy chín trí làm thể (10 trí trừ diệt trí còn 9).
5) Chủng chủng thắng giải trí
lực: Trí biết rõ tâm niệm vui, quyết đoán của chúng sanh. Nó lấy chín
trí làm thể (10 trí trừ diệt trí còn 9).
6) Chủng chủng giới trí lực: Trí
biết mọi tính loại sai khác của chúng sanh. Nó lấy chín trí làm thể (10
trí trừ diệt trí còn 9).
7) Biến thủ hành trí lực: Tất cả
các pháp hành đều đưa đến quả, chỉ Phật mới biết rõ. Trí này lấy chín
trí hoặc mười trí làm thể nếu là duyên theo cảnh đưa đến hoặc bị đưa
đến.
8) Túc trú tùy niệm trí lực: Trí
biết rõ những đời quá khứ của mình.
9) Túc trú sanh tử trí lực: Trí
biết rõ chúng sanh chết chổ này sanh chổ nọ, lấy túc trí làm thể.
10) Lậu tận trí lực: Trí chứng
nhập Niết-bàn trạch diệt. Nó lấy sáu trí làm thể (10 trí trừ 4 trí khổ,
tập, đạo, tha tâm) hoặc mười trí làm thể, nếu duyên cảnh lậu tận hoặc
thành đạt ngay trong thân lậu tận. Mười trí trên đều gọi là lực, vì đối
tất cả mọi điều Phật đều biết một cách rõ ràng, tự tại không bị ngăn
ngại. Vì Phật đã dứt sạch mọi tập khí phiền não nên đối với điều gì Phật
muốn biết là biết rõ. Do đó gọi là lực.
Bốn vô úy: Chánh đẳng giác vô úy (như lực đầu trong
mười lực), lậu tận vô úy (như lực 10), nói pháp chướng đạo vô úy (như
lực 7), nói pháp diệt tận khổ vô úy (như lực 7).
Khi Phật tuyên bố việc này, nếu ai vấn nạn, Phật dều giải
thích không chút sợ sệt, bởi Phật trọn đủ mười trí mà được.
Ba niệm trụ: Phật luôn an niệm chánh niệm chánh tri,
khi duyên cảnh thuận không sinh tâm hoan hỷ, khi duyên cảnh nghịch
không sinh tâm lo buồn, khi duyên cảnh không thuận không nghịch không
sanh tâm hoan hỷ và lo buồn. Ba niệm trụ này đều lấy niệm và huệ làm
thể. Nó thuộc xứ phi xứ trí lực.
Ðại bi: Trong đây Ðại bi khác với bi. Ðại bi lấy trí
thế tục làm thể, vì nó duyên đến chúng sanh đau khổ trong ba cõi khởi
lên. Ðủ năm nghĩa sau đây nên gọi là đại:
1) Tư lương đại: Nhờ đại phước
đức, đại trí tuệ làm tư lương mới thành được.
2) Hành tướng đại: Vì có năng lực
dứt ba khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ) cho chúng sanh.
3) Sở duyên đại: Duyên khắp tất
cả chúng sanh trong ba cõi.
4) Bình đẳng đại: Làm lợi ích tất
cả chúng sanh không phân biệt thân sơ.
5) Thượng phẩm đại: Ở phẩm bậc
cao nhất không còn tâm bi sánh bằng. Nên đem đại bi tâm này so sánh với
bi tâm khác có 8 sự bất đồng:
- Tự tánh bất đồng, đại bi lấy
không si, tức trí tuệ làm thể, còn bi lấy không sân làm thể.
- Hành tướng bất
đồng, đại bi dứt được ba khổ, còn bi chỉ dứt được khổ khổ.
- Sở duyên bất
đồng, đại bi duyên khắp ba cõi, còn bi chỉ riêng cõi Dục.
- Y tha bất đồng,
đại bi nương nơi đệ tứ thiền, còn bi nương nơi cả bốn thiền.
- Y thân bất đồng,
đại bi nương nơi Phật thân, còn bi nương nơi thân nhị thừa.
- Chứng đắc bất
đồng, đại bi do lìa khỏi lậu hoặc cõi Hữu đỉnh mà chứng đắc, còn bi do
lìa khỏi lậu hoặc ở cõi Dục mà chứng đắc.
- Cứu tế bất đồng,
đại bi thành tựu việc cứu tế thật sự, còn bi chỉ hy vọng làm việc cứu
tế.
- Ai mẫn bất đồng,
đại bi thương xót bình đẳng cùng khắp, còn bi chỉ cưú giúp được nổi khổ ở
cõi Dục.
Mười tám pháp trên chỉ Phật có được sau khi Ngài đạt được tận
trí thành đạo, chứ không ai có được, cho nên nói là bất cọng, không
chung.
* TIẾT II: CÔNG ÐỨC (Công đức
chung)
Trong công đức chung này có thứ chung với hàng Thánh, có thứ
chung với phàm phu. Nghĩa là Phật có công đức này thì hàng Thánh và phàm
phu cũng đều có được. Có ba thứ chung với hàng Thánh Thanh văn:
Hạnh vô tránh, lấy tục trí làm thể. Ðây là cái hạnh khiến kẻ
khác không vì duyên với thân mình mà sinh lòng tham giận v.v...Hàng
Thánh vô học quán thấy chúng sanh bị khổ là do phiền não, rồi tự nhìn
lại thân ta đã ở hàng phước điền tối thắng, thế mà nếu có kẻ khác duyên
vào thân ta sanh phiền não tham, giận v.v... thì đó là điều thật đáng
đau xót. Nhờ suy nghĩ như vậy phát sinh trí tuệ duyên vô tránh. Khi trí
này phát sinh thì khiến cho kẻ khác không còn duyên nơi thân mình sinh
ra tham, giận nữa.
Nguyện trí: Trước có nguyện sau mới dẫn sanh ra diệu trí. Khi
vị Bất động A-la-hán muốn phát khởi nguyện trí này, thì trước phát lòng
thành khẩn mong muốn biết đến cảnh giới cần biết, rồi tiếp tục cố gắng
thuận nghịch ra vào bốn thiền, bốn Vô sắc định nhờ đó dẫn sanh thánh trí
đúng như sở nguyện, đối với cảnh giới cần biết, thì biết được rõ ràng,
đúng như thật.
Bốn vô ngại giải: Pháp vô ngại giải, hiểu một cách quyết
đoán, về ngôn giáo năng thuyên; nghĩa vô ngại giải, hiểu một cách quyết
đoán về nghĩa lý sở thuyên. Từ vô ngại giải, hiểu một cách quyết đoán về
các loại ngôn từ cú pháp; biện vô ngại giải, hiểu một cách quyết đoán
những ngôn thuyết phù hợp chánh lý định tuệ khởi lên ngôn thuyết đó. Bốn
vô ngại giải cũng lấy trí làm thể.
Ba công đức trên trong hàng Thanh văn cung có, nhưng không
rốt ráo thanh tịnh bằng Phật.
Những công đức mà hàng phàm phu cùng có được như Phật là sáu
thông, bốn tịnh lự, bốn vô sắc, tám đẳng chỉ, ba tam ma địa, bốn vô
lượng tâm, tám giải thoát, tám thắng xứ, mười biến xứ v.v...
Tóm lại, nguyên nhân của giác ngộ không ngoài những trí có
khả năng thành tựu và những công đức được thành tựu từ trí. Như vậy trí
tuệ đối với kết quả giác ngộ thật là chính yếu. Trí tuệ do từ sức gia
hạnh hữu lậu dần dần phát đạt cho đến tận trí vô sinh trí, bèn chứng
được các Thánh vị trong bốn hướng, bốn quả, cho nên nói trí tuệ là
nguyên nhân gần của Thánh vị giác ngộ.