KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG


Thích Nhất Hạnh Việt dịch
28/09/2011 21:02 (GMT+7)
Số lượt xem: 108615
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh Việt dịch

Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại
Dịch từ Phẩm Nê Hoàn thứ 36 trong Kinh Pháp Cú Hán tạng

Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại là một phẩm của Kinh Pháp Cú Hán tạng có tên là Nê Hoàn Phẩm. Nê Hoàn là Niết Bàn (Nirvana, Nibbana). Trong bản dịch, có chữ trời phương ngoại. Trời phương ngoại là cái không gian vượt ra ngoài không gian, chữ Hán gọi là thiên ngoại thiên hay phương ngoại phương.  Phương là không gian, phương ngoại là ngoài không gian, nghĩa là không gian nằm ngoài không gian. Rong chơi trời phương ngoại là đi chơi trong thế giới không gian ngoài không gian.  Trong không gian này không có sinh, không có diệt, khống có tới, không có đi, không có còn, không có mất, không có ta, không có người, không có sự phân biệt kỳ thị.  Không gian đó bao la vô cùng, gọi là Niết Bàn.

1.
Nhẫn là biện pháp hay nhất để tự bảo hộ
Niết bàn là cái mà Bụt khen ngợi là cao đẹp nhất.
Buông bỏ nếp sống trần tục, sống đời phạm hạnh, không phạm giới,
Làm lắng dịu được tâm ý, thì không có gì có thể xâm phạm được đến mình.

2.
Không bệnh là cái lợi tức lớn nhất
Tri túc là cái giàu có to nhất
Trung thực là người bạn tốt nhất
Niết bàn là cái hạnh phúc cao nhất.

3.
Đói là cái bệnh khó chịu đựng nhất
Tâm hành là cái gây khổ đau nhiều nhất
Cứ nhìn vào sự thực mà tìm hiểu
Thì Niết bàn là cái lạc thú lớn nhất.

4.
Ở đời, ít người được đi trên nẻo thiện,
Trong khi ấy, kẻ đi trên đường ác thì nhiều.
Cứ nhìn vào sự thực mà tìm hiểu
Thì Niết bàn là nơi an toàn nhất.

5.
Các cõi trời do tạo tác nhân lành mà mình được sinh lên,
Các ác đạo cũng do ác nhân mà mình bị đọa xuống
Niết bàn cũng như thế
Do nhân duyên tu tập mà có Niết bàn.

6.
Hươu nai nương đồng quê
Chim chóc nương trời mây
Sự vật nương phân biệt mà biểu hiện
Các bậc chân nhân nương vào Niết bàn để sống thảnh thơi.

7.
Thấy được cái không trước, không sau
Không là, không không là
Cái đó là vô đắc
Cũng là cái không thể tư duy được.

8.
Tâm khó thấy, nhưng thói quen có thể nhận ra,
Kẻ nhận diện được dục ý thấy được đầy đủ rằng
Không tìm thú vui trong dục lạc thì tránh được mọi thứ khổ
Và ái dục luôn luôn làm tăng trưởng niềm đau.

9.
Sáng suốt, không để cho tâm ý bị nhiễm ô
Một khi đã được thanh tịnh hóa thì chế ngự được mọi dục ý.
Lúc ấy không còn phải tiếp cận với thế giới đau khổ nữa
Tuy rằng thấy thì vẫn thấy, nghe thì vẫn nghe,
Nhớ thì vẫn nhớ, và biết thì vẫn biết.

10.
Đạt được cái vô trước và vô phân biệt,
Một khi buông bỏ được mọi ý niệm rồi thì sẽ vào được cõi ấy
Vượt thắng được ý niệm về ngã,
Điều phục được các tâm hành có tác dụng gây đau nhức
Và dứt bỏ được hoàn toàn cái tập khí nhận thức phân biệt kỳ thị, thì khổ đau  không còn.

11.
Ở trong hoàn cảnh động mà giữ được tâm thanh hư thì vẫn là tĩnh
Trong cái động, không tiếp cận được Niết bàn, cũng không có an lạc.
Ý niệm về cái vui và cái khổ đã vượt qua rồi thì mới thực sự có cái tịch tĩnh
Vượt qua được cái ý niệm tịch tĩnh thì sẽ không còn cái qua lại nữa.

12.
Cái qua lại đã hết, thì cái sinh tử cũng hết
Sinh tử hết thì làm gì còn phân biệt cái này cái kia ?
Cái này và cái kia, cả hai ý niệm đều chấm dứt
Cái tịch diệt tuyệt đối là cái vắng mặt của cảnh giới đau khổ.

13.
Vị tỳ khưu vì có ý niệm về hữu nên thấy có thời gian và không gian
Vì cái hữu ấy cho nên mới có hành động tạo tác
Cái ý niệm hữu vô sinh ra cái hữu vô
Nếu không có cái tác thì làm gì có cái sở tác ?

14.
Chỉ khi đạt được vô niệm
Mới có thể tới được Niết bàn
Nếu đã là vô sinh thì không còn hữu nữa
Lúc ấy không còn tác, cũng không còn hành.

15.
Thấy có sinh, có hữu, có tác, có hành
Là chưa đạt tới chỗ thiết yếu
Nếu hiểu được thế nào là bất sinh
Thì không thấy còn hữu cũng không còn nhu yếu tác và hành.

16.
Vì hữu nên mới phải có sinh
Và vì sinh cho nên hữu lại tiếp tục
Có tác, có hành, thì tử rồi lại sinh
Đó là cánh cửa sinh tử mở ra, để đưa đến sự phát khởi của các pháp.

17.
Cái gì cũng do thức ăn mà tồn tại
Ngay cả cái buồn, cái vui cũng phải cần thức ăn mới có
Nếu cái chất liệu thiết yếu ấy không còn
Thì không còn dấu vết nào của hành mà mình có thể nhận diện.

18.
Nếu khổ đau đã hết và các hành đã diệt
Thì hạnh phúc sẽ có mặt một cách lặng lẽ, và sẽ có bình an
Vì tỳ kheo đã tự biết mình là ai
Thì không còn phải tìm đi vào một cõi nào nữa.

19.  Không đi vào cái hư không
Không có cái nơi đi vào để đi vào
Không đi vào tưởng hay vô tưởng
Không đi vào đời này hay đời sau.

20.
Cũng không có tri giác ý niệm về mặt trời và mặt trăng đang có mặt
Không đi cũng không ở lại
Không có một cái ngã để đi và để về
Thì không có cái đi và cái về.

21.
Nơi không có cái mất đi cũng không có cái còn sinh ra
Nơi ấy là Niết bàn.
Như thế thì có đối tượng tri giác hay không có đối tượng tri giác
Bản chất của cái khổ và cái vui, mình đã hiểu thấu.

22.
Cái mình thấy mình không còn sợ hãi nữa
Không còn nghi ngờ gì nữa về ngôn từ hay không ngôn từ
Mũi tên bắn rơi được cái hữu rồi
Thì khi gặp kẻ ngu muội không cần diễn bày gì nữa cả.

23.
Đó là cái lạc thú đệ nhất
Con đường tịch diệt này không có gì cao hơn
Lúc bấy giờ mình có khả năng nhẫn chịu được, tâm mình cũng như đất
Và cái hành nhẫn cũng như một thành quách.

24.
Thanh tịnh như nước trong không còn chút cấu uế
Hết chất liệu luân hồi (sở sinh) thì không tiếp nhận cái kia nữa
Cái thắng và cái lợi không còn làm tiêu chuẩn để đi theo
Bởi vì dù có thắng có lợi nhưng cái khổ vẫn còn đó.

25.
Chỉ nên tự cầu cái thắng lợi về Pháp
Đã có pháp thắng thì không còn sở sinh
Hết sở sinh rồi thì không tạo tác thêm nữa
Muốn không còn luân hồi thì đừng nên có những hành động phóng đãng.

26.
Hạt giống một khi bị đốt cháy rồi thì không sinh lại
Tâm ý đã dừng lại rồi thì cũng như lửa đã tắt
Chốn dâm căn là một biển ô uế
Tại sao lại đi tìm lạc thú ở nơi ấy?

27.
Tuy phía trên kia có những cõi trời
Nhưng cũng không đâu bằng Niết bàn
Đã có nhất thiết trí thì cắt bỏ được tất cả
Ta không còn vướng mắc nữa vào thế gian.

28.
Buông bỏ hết, đã qua bờ diệt độ
Trong các con đường, đây là con đường đẹp nhất
Bụt đã diễn bày pháp chân đế
Kẻ có trí và có dũng có thể làm theo.

29.
Sống phạm hạnh, không một vết nhơ
Tự biết mình, vượt thời gian, đạt an ổn
Trong nếp sống tu tập, trước hết là xa lánh ái dục
Phải tự trang bị mình bằng giới luật của Bụt ngay tự bây giờ.

30.
Diệt phiền não, thoát ra khỏi thế giới hệ lụy
Dễ như con chim cất cánh bay lên không trung
Nếu hiểu được pháp cú này
Thì hãy đem hết lòng mà đi tới trên con đường đạo.

31.
Đó là con đường vượt qua bờ sinh tử
Đưa tới chỗ chấm dứt khổ đau hoạn nạn
Trong đạo pháp, không còn sự phân biệt thân sơ
Không còn hỏi ai có thế lực nhiều, ai không có thế lực.

32.
Quan trọng nhất là đừng bám vào tri giác
Khi cả hai cái cột và mở đều đã thanh tịnh
Thì bậc thượng trí không còn bị kẹt vào cái hình hài dễ tan vỡ này
Và thấy nó là một cái gì không chắc thật.

33.
Hình hài này đem lại khổ lụy nhiều mà an vui ít
Trong chín kẻ hở, không một kẻ hở nào thanh khiết
Người có trí tuệ biết bỏ nguy, giữ an
Chấm dứt ba hoa, trút được mọi khổ nạn.

34.
Thân này một khi đã hủy hoại sẽ trở thành tro bụi
Kẻ có tuệ biết buông bỏ không bám víu
Quán chiếu thấy được thân này là một công cụ mang theo nhiều hệ lụy
Thì sinh lão bệnh tử sẽ không còn là chuyện đau buồn.

35.
Buông bỏ được cấu uế, đi trên đường thanh tịnh
Thì có thể đạt tới cái an tĩnh lớn
Nương tuệ giác, bỏ tà kiến
Không tiếp nhận gì nữa thì đạt được tới lậu tận.

36.
Sống thanh tịnh, vượt thoát được thời gian,
Thì cả hai giới thiên nhân đều nghiêng mình kính nể.


(Tạng chữ Hán: kinh Pháp Cú – ĐCTT: 210 - phẩm 36: Nê hoàn - Thầy Làng Mai dịch từ Hán tạng sang quốc ngữ)

___________________________________

泥洹品  法句經   第三十六三十有六章
Nê hoàn phẩm, Pháp Cú Kinh, đệ tam thập lục tam thập hữu lục chương
泥洹品者。    敘道大歸。  恬惔寂滅。  度生死畏。
nê hoàn phẩm giả。tự đạo Đại quy。điềm 惔 tịch diệt。độ sanh tử úy。


01
忍 為 最 自 守
泥 洹 佛 稱 上
捨 家 不 犯 戒        
息 心無 所 害
nhẫn vi tối tự thủ   
nê hoàn Phật xưng thượng       
xả gia bất phạm giới         
tức tâm vô sở hại

02
無 病 最 利   
知 足 最 富  
厚 為 最 友      
泥 洹 最 快
vô bệnh tối lợi       
tri túc tối phú        
hậu vi tối hữu         
nê hoàn tối khoái

03
飢 為 大 病  
行 為 最 苦     
已 諦 知 此       
泥 洹 最 樂
cơ vi đại bệnh         
hạnh vi tối khổ   
dĩ đế tri thử            
nê hoàn tối lạc

04
少 往 善 道            
趣 惡 道 多  
如 諦 知 此 
泥 洹 最 安
thiểu vãng thiện đạo       
thú ác đạo đa     
như đế tri thử   
nê hoàn tối an

05
從因生善       
從 因 墮 惡   
由因泥洹     
所 緣 亦 然
tùng nhân sanh thiện     
tùng nhân đọa ác   
do nhân nê hoàn    
sở duyên diệc nhiên

06
麋鹿依野  
鳥依虛空      
法 歸 其 報   
真 人 歸 滅
mi lộc y dã       
điểu y hư không       
Pháp quy kỳ báo    
chân nhân quy diệt

07
始無如不     
始不如無    
是為無得  
亦無有思
thủy vô như bất     
thủy bất như vô        
thị vi vô đắc        
diệc vô hữu tư

08
心難見習可覩    
覺欲者乃具見       
無所樂為苦際  
在愛欲為增痛
tâm nan kiến tập khả đổ    
giác dục giả nãi cụ kiến       
vô sở lạc vi khổ tế     
tại ái dục vi tăng thống

09
明不清淨能御    
無所近為苦際    
見有見聞有聞  
念有念識有識
minh bất thanh tịnh năng ngự      
vô sở cận vi khổ tế       
kiến hữu kiến văn hữu văn    
niệm hữu niệm thức hữu thức

10
覩無著亦無識  
一切捨為得際     
身 想 滅 痛 行        
識已盡為苦竟
đổ Vô Trước diệc vô thức  
nhất thiết xả vi đắc tế   
trừ thân tưởng diệt thống hành   
thức dĩ tận vi khổ cánh

11
猗則動虛則淨  
動非近非有樂      
樂無近為得寂  
寂已寂已往來
y tức động hư tức tịnh   
động phi cận phi hữu lạc      
lạc vô cận vi đắc tịch    
tịch dĩ tịch dĩ vãng lai

12
來往絕無生死  
生死斷無此彼     
此彼斷為兩滅    
滅無餘為苦除
lai vãng tuyệt vô sanh tử     
sanh tử đoạn vô thử bỉ      
thử bỉ đoạn vi lưỡng diệt   
diệt vô dư vi khổ trừ

13
比丘有世生   
有有有作行            
有無生無有      
無 作 無 所 行
Tỳ-kheo hữu thế sanh      
hữu hữu hữu tác hạnh         
hữu vô sanh vô hữu            
vô tác vô sở hành


14
夫唯無念者   
為能得自致        
無生無復有   
無作無行處
phu duy vô niệm giả   
vi năng đắc tự trí           
vô sanh vô phục hữu   
vô tác vô hành xử

15
生有作行者    
是為不得要       
若已解不生   
不 有 不 作 行
sanh hữu tác hành giả   
thị vi bất đắc yếu        
nhược dĩ giải bất sanh      
bất hữu bất tác hành

16
則生有得要     
從生有已起           
作 行 致 死 生  
為開為法果
tức sanh hữu đắc yếu   
tùng sanh hữu dĩ khởi          
tác hành trí tử sanh      
vi khai vi pháp quả

17
從食因緣有    
從食致憂樂      
而此要滅者    
無復念行迹
tùng thực nhân duyên hữu  
tùng thực trí ưu lạc    
nhi thử yếu diệt giả      
vô phục niệm hành tích

18
諸苦法已盡  
行滅湛然安            
比丘吾已知  
無復諸入地
chư khổ Pháp dĩ tận  
hành diệt trạm nhiên an   
Tỳ-kheo ngô dĩ tri     
vô phục chư nhập địa

19
無有虛空入    
無 諸 入 用 入     
無 想 不 想 入    
無今世後世
vô hữu hư không nhập      
vô chư nhập dụng nhập     
vô tưởng bất tưởng nhập   
vô kim thế hậu thế

20
亦無日月想          
無往無所懸       
我已無往反  
不去而不來
diệc vô nhật nguyệt tưởng   
vô vãng vô sở huyền   
ngã dĩ vô vãng phản  
bất khứ nhi bất-lai

21
不 沒 不 復 生   
是 際 為 泥 洹      
如 是 像 無 像    
苦 樂 為 以 解
bất một bất phục sanh     
thị tế vi nê hoàn       
như thị tượng vô tượng     
khổ lạc vi dĩ giải

22
所 見 不 復 恐     
無 言 言 無 疑        
斷有之 射 箭   
遘 愚 無 所 猗
sở kiến bất phục khủng   
vô ngôn ngôn vô nghi    
đoạn hữu chi xạ tiến   
cấu ngu vô sở y


23
是 為 第 一 快  
此 道 寂 無 上        
受 辱 心 如 地   
行 忍 如 門 閾
thị vi đệ nhất khoái  
thử đạo tịch vô thượng  
thọ nhục tâm như địa    
hạnh nhẫn như môn quắc

24
淨 如 水 無 垢  
生 盡 無 彼 受     
利 勝 不 足 恃  
雖 勝 猶 復 苦
tịnh như thủy vô cấu   
sanh tận vô bỉ thọ   
lợi thắng bất túc thị   
tuy thắng do phục khổ

25
當 自 求 去 勝      
已 勝 無 所 生       
畢 故 不 造 新   
厭 胎 無 婬 行
đương tự cầu khứ thắng  
dĩ thắng vô sở sanh   
tất cố bất tạo tân     
yếm thai vô dâm hành

26.
種 燋 不 復 生         
意 盡 如 火 滅      
胞 胎 為 穢 海     
何 為 樂 婬 行
chủng tiêu bất phục sanh    
ý tận như hỏa diệt  
bào thai vi uế hải   
hà vi lạc dâm hành

27
雖 上 有 善 處         
皆 莫 如 泥 洹         
悉 知 一 切 斷  
不 復 著 世 間
tuy thượng hữu thiện xứ   
giai mạc như nê hoàn  
tất tri nhất thiết đoạn  
bất phục trước thế gian

28
都 棄 如 滅 度  
眾 道 中 斯 勝            
佛 以 現 諦 法  
智 勇 能 奉 持
đô khí như diệt độ   
chúng đạo trung tư thắng    
Phật dĩ hiện đế Pháp  
trí dũng năng phụng trì

29
行 淨 無 瑕 穢  
自 知 度 世 安        
道 務 先 遠 欲     
早 服 佛 教 戒
hạnh tịnh vô hà uế   
tự tri độ thế an       
đạo vụ tiên viễn dục   
tảo phục Phật giáo giới

30
滅 惡 極 惡 際  
易 如 鳥 逝 空         
若 已 解 法 句  
至 心 體 道 行
diệt ác cực ác tế   
dịch như điểu thệ không      
nhược dĩ giải Pháp cú   
chí tâm thể đạo hành

31
是度生死岸  
苦盡而無患         
道法無親疎  
正 不 問 羸 強
thị độ sanh tử ngạn  
khổ tận nhi vô hoạn     
đạo pháp vô thân sơ  
chánh bất vấn luy cường

32
要 在 無 識 想  
結 解 為 清 淨        
上 智 饜 腐 身     
危 脆 非 實 真
yếu tại vô thức tưởng  
kết giải vi thanh tịnh  
thượng trí yếm hủ thân  
nguy thúy phi thật chân

33
苦 多 而 樂 少    
九 孔 無 一 淨          
慧 以 危 貿 安    
棄 猗 脫 眾 難
khổ đa nhi lạc thiểu   
cửu khổng vô nhất tịnh    
tuệ dĩ nguy mậu an   
khí y thoát chúng nạn

34
形腐銷為沫   
慧見捨不貪        
觀身為苦器   
生 老 病 無 痛
hình hủ tiêu vi mạt   
tuệ kiến xả bất tham  
quán thân vi khổ khí   
sanh lão bệnh vô thống

35
棄 垢 行 清 淨  
可 以 獲 大 安        
依 慧 以 却 邪  
不 受 漏 得 盡
khí cấu hành thanh tịnh      
khả dĩ hoạch Đại An   
y tuệ dĩ khước tà     
bất thọ lậu đắc tận

36
行 淨 致 度 世     
天 人 莫 不 禮
hạnh tịnh trí độ thế         
Thiên Nhân mạc bất lễ.

Âm lịch

Ảnh đẹp