Phật đã không hỏi “Như ông muốn thấy Phật thì quán Phật như thế nào?” mà hỏi “quán Như Lai như thế nào?”.
Bởi thấy Phật thì dễ quá! Phật đang đứng trước mặt đó thôi. Phật vẫn
đi đứng nằm ngồi, thuyết giảng cho các đệ tử hàng ngày đó thôi.
Cho nên Phật là Như Lai nhưng Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai!
Phật là Như Lai bởi vì Phật luôn sống trong Như Lai, sống với Như
Lai, nói khác đi, Phật luôn sống trong pháp thân mình, trong thật tướng
mình. Khi cần thì Phật mới hóa hiện, ứng hiện cho phù hợp với mỗi tình
huống. Vì thế, Phật và Như Lai tuy “không một’’ mà cũng “không khác” là
vậy.
Khi ‘’quán’’ thấy được cái pháp thân của Phật, cái thực tướng của
Phật thì ta thấy… Như Lai. Còn nếu chỉ nhìn vào 80 vẻ đẹp hay 32 tướng
tốt của Phật thì còn lâu mới thấy Như Lai. Hay dùng âm thanh chũm chọe,
ánh sáng chớp lòe… thì chẳng những còn lâu mới thấy được Như Lai mà còn
bị Phật chê là “hành tà đạo”. Như Lai không có cái gì để thấy cả!
Khi Phật “thấy biết” Như Lai rồi thì Phật chỉ cười tủm tỉm, thôi nhé,
đừng làm phiền ta nữa nhé. Và từ đó, với lòng từ bi, Phật “khai thị”
cho chúng sanh được “ngộ nhập” như Phật, bởi chúng sanh đều có Phật
tánh.
Phật có nhiều danh hiệu: Thế Tôn, Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri,
Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Điều ngự trượng phu, Vô thương
sĩ, Thiên nhân sư v.v… Đó là tại chúng sanh ‘’thương kính’’ Phật nên
xưng tụng vậy. Phật chỉ luôn tự xưng mình là Như Lai “vô sở tùng lai
diệc vô sở khứ’’ (chẳng đền từ đâu, chẳng đi về đâu): Như Lai nói thế
này, Như Lai dạy thế kia…
Phổ Hiền Bồ-tát bảo gặp Phật thì kính lễ (Lễ kính chư Phật), còn khi
gặp Như Lai thì chỉ còn có cách xưng tán (Xưng tán Như Lai!), tức khen
ngợi, trầm trồ, thán phục, gật gù, ú ớ, bởi vì ‘’nói không được’’! Kinh
Pháp Hoa bảo muốn làm Pháp sư chân chính thì phải “vào nhà Như Lai, mặc
áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai” chớ không nói vào nhà Phật, mặc áo Phật…
cũng như nói về Như Lai thọ lượng chớ không Phật thọ lượng… Kim Cang
cũng bảo muốn ‘’thấy Như Lai’’ thì phải nhìn xuyên qua bên kia cái
tướng’’ (kiến tướng phi tướng tức kiến Như Lai).
Duy-ma-cật giải thích thêm cách ‘’quán’’ Như Lai. Như Lai thì “ vô
danh, vô tướng; không sạch, không nhơ; không phải hữu vi cũng không
phải vô vi…; không định, không loạn; không trí cũng không ngu;
không thành thật cũng không lừa dối;
không đến không đi, không vào không ra; không xứng đáng cúng dường cũng không phải không xứng đáng cúng dường;
không vẩn đục, không phiền não, không tác, không khởi, không sanh, không diệt, không sợ, không lo, không mừng, không chán;
Như Lai thì “lìa mọi kết buộc, không thể định danh, không thể đo
lường, không phải lớn, không phải nhỏ; không phải cái được thấy, không
phải cái được nghe, không phải cái được tri giác, không phải cái
được nhận biết;đồng đẳng với trí, đồng với chúng sinh; không phân
biệt với các pháp;
Như Lai thì ”không thể lấy trí để biết; không thể lấy thức
để nhận thức; dứt tuyệt tất cả con đường ngôn thuyết ; không thể bằng
tất cả ngôn thuyết để hiển thị hay phân biệt.(*)
***
Thế Tôn hỏi Duy-ma-cật: “Như ông muốn thấy Như Lai thì quán Như Lai như thế nào?”
Duy-ma-cật thưa: “Như tự quán cái ‘thật tướng’ của thân, quán Phật cũng như vậy”(*)
***
Muốn thấy Như Lai thì phải quán, mà trước hết là quán cái thực tướng của chính thân mình và… ‘’quán Phật cũng như vậy’’.
Cho nên Phật day: “Hãy nương tựa chính mình!”.
Đỗ Hồng Ngọc
(9-2017)