30/05/2017 15:02 (GMT+7)
Số lượt xem: 2078
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

“Kinh điển của Ta nói nhiều vô lượng nghìn muôn ức, đã nói, hiện nói, sẽ nói… mà ở trong đó Pháp Hoa rất là khó tin, khó hiểu. 


Xa kín nhiệm sâu. Mở môn phương tiện bày tướng chơn thiệt. Kinh này là tạng bí yếu của các Đức Phật, giữ gìn từ xưa đến nay chưa từng bày nói…Kinh này Như Lai đang hiện tại còn nhiều kẻ oán ghét, huống hồ sau lúc Phật diệt độ…”

Phật nêu một “nhu cầu” khẩn thiết, đó là cần có những pháp sư chân chính, có thể trở thành “sứ giả của Như Lai”, đưa Pháp Hoa vào đời, sau khi Phật diệt độ vì Pháp Hoa là kinh khó tin khó hiểu, xa kín nhiệm sâu, là kho tàng bí yếu của chư Phật bấy lâu còn giấu nhẹm…

“Ném núi Diệu Cao từ nơi này sang nơi khác: không khó. Dùng ngón chân làm động nước Đại thiên, dời qua chỗ khác: không khó…; dùng tay nắm hư không đi dạo khắp nơi, không khó; đem cả cõi đất để trên móng chân bay đến Phạm thiên: không khó. Gánh cỏ khô vào lửa không bị cháy: không khó; trì các tạng pháp, đủ mười hai bộ kinh, diễn nói giúp người đạt sáu thần thông không khó… Sau khi ta diệt độ, ai có thể hộ trì, đọc nói kinh pháp này… thì cái đó mới thật là khó!” 

Phật biết cõi Ta-bà, thời mạt pháp,  “chúng sanh căn lành thì ít, tăng thượng mạn tham lợi dưỡng thì nhiều, xa lìa đạo giải thoát…” sẽ không dễ dàng cho kẻ làm “pháp sư” ở cõi Ta-bà. Cho nên năm trăm vị A-la-hán vừa được thọ ký, tám nghìn bậc học và vô học, cùng các vị Tỳ kheo ni cũng đều xin… qua xứ khác làm Pháp sư chớ chẳng dám làm Pháp sư ở cõi Ta-bà đầy ác trược này!

“Thế Tôn! Chúng con thệ nguyện ở nơi cõi khác rộng nói kinh này”.

Thấy mọi người tìm cách thoái thác, Phật yên lặng, chờ đợi, chẳng nói chẳng rằng. Trong tình thế có vẻ khá “căng thẳng” như vậy, bỗng có hai vị đại Bồ-tát quỳ xuống thưa:

Cúi xin đức Thế Tôn chớ lo, sau khi Phật diệt độ chúng con sẽ phụng trì đọc tụng, nói kinh điển này”!

Thì ra Dược Vương và Đại Nhạo Thuyết.

Làm một pháp sư chân chính để ‘’thọ trì đọc tụng biên chép giảng nói”  Pháp hoa không dễ chút nào! Nào xa kín nhiệm sâu. Nào tạng bí yếu giấu nhẹm…khó tin khó hiểu, được truyền đạt bằng những ẩn dụ, ẩn nghĩa, nên pháp sư cần phải biết giải mã, “phiên dịch” , may ra mới giúp người ta “khai thị” mà “ ngộ nhập”…. Eugène Burnouf dịch Pháp Hoa sang tiếng Pháp từ năm 1925 đã dịch “Pháp sư” là “interptrète” (interpreter) , người phiên dịch là vì vậy!

Hai vị đại Bồ-tát thưa Phật cứ an tâm, để chúng con lo cho chính là Dược Vương và Đại Nhạo thuyết. Dược Vương, ông « Vua thuốc » không phải ai xa lạ. Đó là vị Bồ-tát dám « không tiếc thân mạng », dám « bố thí thân mạng », tự đốt cháy mình lên, đốt toàn thân rồi đốt cả hai tay âm ỉ hàng chục ngàn năm để sau cùng trở thành vị Bồ tát ai thấy cũng vui (nhất thiết chúng sanh hỷ kiến), có khả năng biến mình thành bất cứ một đối tượng nào cần tiếp cận (hiện nhất thiết chúng sanh) và nhất là có khả năng thấu hiểu bất cứ ngôn ngữ nào… (giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn)… Đây chính là kết quả của sự tu tập thiền định một cách tinh tấn và nhẫn nhục, sanh lòng từ bi rộng lớn, sống cùng Như Lai, sống trong Như lai, vui cùng Như Lai Đa Bảo của mình nên đã có niềm tin vững chắc.

Còn Đại Nhạo Thuyết  là người vốn ưa thích (nhạo) việc giảng nói (thuyết), có kỹ năng sử dụng truyền thông « đa phương tiện », biết thuyết phục, biết giáo dục chủ động dựa trên đối tượng đích, tạo tham gia… khiến người nghe không chỉ có kiến thức mà còn thay đổi hành vi, lối sống: Cư trần lạc đạo.

Hai vị Đại Bồ-tát phải phối hợp với nhau. Một người đầy nội lực thâm hậu bên trong, một người đầy chiêu thức biến hóa bên ngoài phối hợp lại thì lo gì không giúp được mọi người « đúng như pháp mà tu hành ».

Điều kiện để có thể làm Pháp sư chân chính thì phải “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai”.. Vào nhà Như Lai là có lòng từ bi rộng lớn, thấy chúng sanh đều như cùng dưới một mái nhà, chung một mái nhà; mặc áo Như Lai là có đức nhu hòa nhẫn nhục, biết tôn trọng, chân thành và thấu cảm; và quan trọng nhất là thấu triệt tánh Không, duyên sinh, vô ngã, thực tướng vô tướng…

Để ý ở đây không nói vào nhà Phật, mặc áo Phật, ngồi tòa Phật… Bởi vì, Phật là Như Lai, nhưng Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai. Cũng vậy, Như Lai thần lực, Như Lai thọ lượng… chớ không nói Phật thọ lượng, thần lực của Phật…

Tâm thông thì thuyết mới thông. Nhưng phải cần cả nội lực thâm hậu và kỹ năng thiện xảo để có thể làm một người “phiên dịch” chân chính đó vậy.

(ĐHN)


http://www.dohongngoc.com/web/

Âm lịch

Ảnh đẹp