“Thơm bàn tay nhỏ”…


Đỗ Hồng Ngọc
04/01/2012 09:24 (GMT+7)
Số lượt xem: 61211
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



Không biết sao mỗi lần ra Hà Nội tôi đều muốn đi lang thang ngoài đường phố quanh Hồ Gươm và thực sự mừng rỡ khi nhìn thấy một gánh hàng rong có món cốm vòng xanh thơm ủ kín trên cánh lá sen với mấy quả chuối tiêu vàng rượm…

 Tất cả như gắn với một dĩ vãng mơ hồ nào đó trong ký ức của một người chỉ biết Hà Nội qua những trang sách cũ. Cái mùi hồ gươm, mùi trời thu, mùi cốm vòng… như quyện lấy nhau khiến cho người xa lạ là tôi bỗng quen thân đến sửng sờ.

Hình như cốm vòng chỉ thực sự là vòng khi nó nằm nhẹ tênh trên chiếc mẹt, trên quang gánh. Nó không còn là cốm vòng nữa khi nó được đóng gói, bao bì công nghiệp, ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng đâu đó đàng hoàng… Chấm miếng chuối tiêu lên nắm cốm vòng có mùi sen tỏa nhẹ, rụng rơi lả tả những hạt ngọc xanh thơm cho bầy chím ríu rít… giữa Hồ Gươm chẳng khoái lắm ru?

Ăn hàng rong, thực ra, không phải ăn hàng mà là ăn rong. Cho nên tôi nghĩ dẫu thế nào đi nữa thì hàng rong vẫn sẽ cứ còn mãi, vẫn “cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua…” (TCS)!
Ở Saigon phồn hoa đô hội này cũng vậy. Sáng sáng, cứ đến một góc đường, mua một gói xôi đậu phọng, đậu xanh núp quen thuộc. Khi kêu không lấy dừa nạo, không lấy đường cát thì bà bán xôi lập tức xúc thêm một muỗng xôi đầy để bù ngay cho, với một nụ cười cảm thông… cùng người kiêng đường kiêng béo! Bà đã nuôi hai đứa con vào đại học chỉ nhờ cái thúng xôi núp bên hè phố đó hàng chục năm qua rồi!
Chắc không ai đếm xuể Saigon HàNội và các thành phố lớn nhỏ trong cả nước có bao nhiêu gánh hàng rong, bao nhiêu người sống nhờ hàng rong… Gần đây người nhập cư ngày càng đông, hàng rong không chỉ là thức ăn mà cả cây cảnh, hoa trái các loại… trở nên nhộn nhịp nhếch nhác hơn bao giờ hết, kém hẳn vẻ mỹ quan đô thị!
Tuy vậy, hàng rong vẫn tồn tại vì bao giờ cũng… rẻ, cũng ngon, giá nào cũng có, hợp với túi tiền của mọi người. Nó lại sà đến bên mình, lại đon đả mời mọc, cung cấp một dịch vụ thân thiện, gần gũi, giá rẻ, chiều khách hết lòng… Sợ rằng các nhà kinh doanh tầm cỡ khó mà nghĩ ra cách nào tiếp cận hay hơn! Với hàng rong, người ta được mời chào, được chọn lựa, được thương thảo… thỏa thích, luôn có sự tương tác người bán người mua. Khác xa với cảnh lạnh lùng đăm chiêu láo liêng cảnh giác lúc đẩy xe giữa các hành lang hun hút của siêu thị, để rồi khi sắp hàng trả tiền thì đối diện với vẻ lạnh nhạt, mệt mỏi, cau có của nhân viên đồng phục… không kể ánh mắt lườm lườm ngờ vực của những tay bảo vệ đằng đằng và những camera đặt khắp nơi quan sát từng cử chỉ…
Ngày xưa khi Saigon còn vắng, trưa nào cũng nghe tiếng rao lãnh lót ai bột khoai nước dừa bún tàu đường cát … hôn? Phải nói nghe riết thành ghiền. Trưa nào không nghe cũng cảm thấy bứt rứt không biết hôm nay chị bán chè tàu thưng đó có đau ốm gì chăng? Cũng có người nhờ nghe tiếng rao đó mà đi học kịp lúc! Bây giờ ít còn nghe tiếng rao nào như vậy mà thay vào đó là tiếng rè rè hết pin bánh mì saigon đặc biệt thơm ngon một ngàn một ổ hoặc keo dính chuột… Tiếng rao cũng đã công nghiệp hóa mất rồi!
Người ta đã bàn nhiều cách để dẹp hàng rong. Dẹp không được. Người ta đã bàn nhiều cách để gom hàng rong. Gom không được. Chẳng lẽ ở Bàn Cờ cần mua cục xôi mà phải chạy lên tận Văn Thánh? Cũng đã có người có sáng kiến hay, gom một số hàng rong vào trong một cái quán, bày biện trang hoàng bắt mắt, nhưng giá đắt, chờ lâu và lại xuất hiện cửa quyền… Hàng rong ở đó cũng chỉ là hàng mà hết rong!
Mục đích của việc muốn “quản lý” hàng rong là vấn đề mỹ quan đô thị và an toàn vệ sinh thực phẩm. Quả thật hàng rong ngày càng nhếch nhác trong một đô thị ngày càng chật chội. Hàng rong la liệt trước cổng trường, cơ quan, xí nghiệp… thường không đảm bảo vệ sinh. Làm cách nào đây? Cũng đã thử mở vài lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chẳng mấy người học. Cho kiểm tra tận nhà? Người đâu cho xuể? Kêu gọi tự giác? Còn lâu!
Vậy làm sao? Chỉ còn có cách chính người mua chủ động “đòi hỏi” ở người bán, buộc họ phải “thay đổi hành vi”. Khách hàng là “Thượng đế” mà! Một khi thượng đế đòi người bán phải mang găng tay, phải che khẩu trang, phải vệ sinh các vật dụng mới chịu mua thì… người bán đành chiều, nếu không muốn bị ế! Phụ huynh chỉ mua cho con em mình những món ăn hợp vệ sinh, người bán biết giữ vệ sinh. Chỉ cần “Ăn chín uống sôi” là đủ để phòng ngừa nhiều dịch bệnh, kể cả dịch tả. Dần dần các hàng rong nào không quan tâm “an toàn vệ sinh thực phẩm” sẽ bị ế dài dài và buộc phải thay đổi để tồn tại. Chỗ nào ngon, rẻ, tử tế và vệ sinh sẽ tự nhiên đông khách.
Ý thức an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay có vẻ đã dần khá lên. Bắt đầu thấy người bán hàng rong có đậy đệm, có mang găng, có muỗng vá múc riêng… khác với ngày xưa vừa bốc thức ăn vừa quẹt quẹt vào áo vừa thối tiền…
Lại nhớ “Mùa cốm xanh về/ thơm bàn tay nhỏ/ cốm sữa vỉa hè/ thơm bước chân qua…”.

http://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/%E2%80%9Cth%C6%A1m-ban-tay-nh%E1%BB%8F%E2%80%A6%E2%80%9D/#more-5371

Âm lịch

Ảnh đẹp