Vấn đề chỉ còn là trị liệu cách nào? Con đường (Đạo) phải thấy
đúng (chánh kiến) trước rồi mới nghĩ đúng (chánh tư duy), nghĩ đúng rồi
mới làm đúng… Chỉ cần giới định tuệ đủ dứt bệnh tham sân si. Một thứ
điều trị đặc hiệu. Nhưng khi cần tới Bát Nhã thì có Bát Nhã. Nhân vô
ngã, Pháp vô ngã. Qua sông bỏ bè. Rồi cần tổng hợp, cần nâng cao đã có
Thường Lạc Ngã Tịnh. Cần cho thấy Như Lai thì trợn mắt chiếu hào quang,
giữa chặng lông mày… Khi nói chuyện với đám
thanh niên thì có “thần tượng” Duy Ma Cật, đại gia, không cần xuống
tóc, xuất hiện… Ngũ uẩn cũng là một phương tiện. Thị hiện vậy thôi.
Tùng địa dũng xuất
Từ
đất vọt ra. Đất nào? Cái gì vọt ra? Đất tâm. Tâm địa. Vọt ra cái sự gọi
là “phát tâm” muốn làm Phật, muốn thành Phật, “vô thượng chánh đẳng
chánh giác” chứ không bằng lòng với A- la – hán, Bích chi, Duyên giác,
Bồ – tát… Có phát tâm thì mới bố thí, trì giới, mới nhẫn nhục, tinh tấn,
thiền định, trí tuệ… ba – la – mật và dĩ nhiên mới có “tri kiến” Phật
sau khi đã được “khai thị” mà “ngộ nhập”! Nhưng hình như không chỉ vậy.
Nhìn kỹ lại mới thấy thân xác con người cũng “tùng địa dũng xuất” (từ
đất vọt ra) đó thôi. Ít nhất cái thân tứ đại đất nước gió lửa (C, H, O,
N) cũng từ đất, tạng đất. Bởi trong cơ thể con người đã có 60 – 70% thể
trọng là nước, có 60 nguyên tố, khoáng chất đều từ đất mà ra như đồng,
chì, sắt, kẽm, mangan…, các loại muối K, Na… Một người nặng 70kg đã có
10kg là Calci (vôi), 7 kg Phospho, 1kg muối (Natri)… Không “tùng địa
cũng xuất” ư?
Chúng sanh
“Chúng sanh tức phi chúng
sanh thị danh chúng sanh”. Chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh nên mới
gọi là…chúng sanh. “Tức phi/ thị danh” thật tuyệt vời! Để thấy cái không
phải, thấy cái giả danh, tạm gọi. Một thứ ngôn ngữ giúp ly niệm, bỏ
khái niệm để đến cái không phân biệt, ly tướng. Và từ đó thấy thực tướng
vô tướng. Cho nên nói chúng sanh là… chúng sanh thì sai. Nói chúng sanh
không phải là chúng sanh cũng sai. Hiểu chúng sanh là con người, là mọi
sinh vật – đúng và sai. Vì có rất nhiều loại chúng sanh. “Vô số vô
lượng vô biên” chúng sanh kia mà! Để ý hai chữ “vô biên” mà coi. Nó lạ
chứ. Bởi không chỉ là số và lượng để có thể cân đong đo đếm, dù không
thể cân đong đo đếm xuể!
Cho nên “tùy chúng duyên nhi sanh” thì
nghe được.Tùy “chúng” duyên với nhau mà “sanh” ra nên gọi là “chúng
sanh” thế thôi. Nếu không duyên, hết duyên, thì hết “chúng sanh” tức
khắc. “Diệt độ” vô số vô lượng vô biên chúng sanh mà chẳng có chúng sanh
nào được diệt độ cả là vậy. Không sanh lấy gì diệt? Nhưng, cách nào?
Phải sống trong Vô ngã, Vô tướng. Khi không còn ngã tướng, ngã kiến:
ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả… gì nữa! Ở một nơi không có ta, không có
người, chúng sanh, thọ giả… thì không còn một chúng sanh nào “sinh sự”
được nữa.
Ở đâu, nơi đó? Thiền. Định (samatha) và Quán (vipassana).
“Thức tự tâm Chúng sanh - Kiến tự tâm Phật tánh”.
Chúng
sanh không có ở ngoài. Nó ở trong. Trong tự tâm. Nó bày ra, dựng lên,
vẽ vời trong tự tâm ta mà ta chẳng ngờ! Thức là cái biết do biện biệt,
phân tách, đối chiếu, so sánh. Thức tràn ngập, hỗn mang. Thế giới phẳng,
toàn cầu hóa, thức càng điên đảo. Thức nhiều khi từ tưởng mà ra, nhưng
cần. Chẳng hạn cần thức để thấy chúng sanh ngọ ngoạy tràn ngập trong tự
tâm ra sao. Nó ngọ ngoạy vì nó muốn quậy phá, muốn luôn hồi, muốn bay
nhảy từ tầng này sang tầng khác, sáu nẻo thênh thang, chút vầy chút
khác… “Thức” nó, nghĩa là thấy rõ, hiểu rõ về nó, phân tách nó ra một
cách thấu đáo, hóa ra nó do ta tự tạo ra, không ai khác, là một thứ
puzzle, lắp ghép, tương tác, tùy duyên. Từ tâm ta mà chúng sanh ra. Khi
rõ vậy rồi thì thôi. Dẹp đi. Khi dẹp nó đi thì không còn cần “thức” nữa.
Mây tan rồi thì trời trong trăng sáng. Và lúc đó là “Kiến”. Thấy. Thấy
rõ. Chiếu Kiến. Và Kiến gì? Kiến “Phật tánh”. Phật tánh cũng lại ở ngay
trong tự tâm ta. Không ở ngoài đến. Ai cũng sẵn có. Cho nên ai cũng sẽ
là Phật, một khi “Thức tự tâm chúng sanh thì sẽ kiến tự tâm Phật tánh”.
Vậy thôi.
Trí và thức
Thức để dẫn đến tranh chấp, được
thua, hơn kém, thị phi. Thức từ lục căn với lục trần mà sinh sự. “Nhãn
nhỉ tỷ thiệt thân ý” ve vãn với “Sắc thanh hương vị xúc pháp” mà sinh đủ
thứ thức. Nhãn thức đã đủ mệt. Mỗi người một nhãn thức khác nhau, nên
mới sinh sự, đấu đá. Còn Ý thức thì vô tận và mới thật ghê gớm vì ý dẫn
các pháp. Cho nên nếu không có cách kềm chế, chúng tung hoàng gieo
rắc…đủ thứ điên đảo! Một khi lục căn mà thanh tịnh, thức sẽ trở thành
Diệu quan sát trí. Diệu quan sát trí cung cấp những chất liệu chọn lọc
an hòa cho Bình đẵng tánh trí (Mạt – na – thức đã được chuyển hóa) và
cuối cùng là Đại viên cảnh trí hay Nhất thiết chủng trí, từ A – lại – da
thức chuyển sang. Con đường khó, những được, nếu rèn luyện.
Nhẫn nhục
Nhục
mà cũng nhẫn được thì khó, khó quá. Khó quá làm được thì các nhẫn khác
cũng sẽ được. Trong lục độ thì bốn thứ Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh
tấn thuộc Giới. Hai thứ còn lại là Định và Tuệ. Vì thế, Giới quan trọng
biết bao. Nhưng giới định tuệ là một tam giác cân, hai chiều, tác động
qua lại. Định dẫn đến Tuệ, rồi Tuệ lại dẫn đến Định, Giới. Lòng tham mới
là gốc. Tham dẫn đến sân, si. Tham dẫn đến chấp, thủ. Tham tạo ra ngạ
quỷ, địa ngục… Nhẫn nhục là một đức, một hạnh, cớ sao cho vào lục độ,
ngang với thiền định, trí tuệ? Bởi vì không có nhẫn nhục thì các thứ
khác khó mà hình thành. Người ta không thể tu hành gì nếu thiếu nhẫn
nhục vậy.
Phật
Có vô số Phật. Hằng hà sa số chư Phật.
Không nơi nào không có Phật. Không thời nào không có Phật. Chỉ cần “ly
nhất thiết tướng tức danh chư Phật”. Phật là người giác ngộ. Chúng sanh
là Phật “chưa giác ngộ”. Nhưng không giác rồi cũng phải giác. Sẽ phải
giác. Cũng phải ngộ, sẽ phải ngộ. Vì Phật và chúng sanh đồng nhất thể.
Sớm hay muộn mà thôi. Cùng một hạt giống cả! Nhưng Đức Phật (Thích Ca)
giác ngộ sớm nên giải thoát sớm, tìm ra đường đi (Đạo) để giúp người với
lòng từ bi vô lượng.
Giác ngộ thành Phật chỉ cần “ly tướng”
thôi ư? Phải. Ly tất cả (nhất thiết) các tướng. Bởi muốn thấy biết (tri
kiến) được Tánh, Chân như, Bản lai diện mục, Thực tướng vô tướng… gì gì
đó thì phải ly tướng. Bởi “tướng” chỉ là cái “trình hiện” bên ngoài, cái
“thị hiện”, cái giả danh…chơi vậy thôi. Cái “thật” nằm ở đằng sau, bên
kia cái tướng, bên ngoài cái tướng. Thự ra, vẫn có tướng đó, nhưng mà là
cái tướng Không. Duyên sinh. Chân không mà diệu hữu vậy thôi. Ly tướng
không phải trốn chạy mà là thấy tướng không phải tướng, “kiến tướng phi
tướng”. Nói khác đi, lúc đó sẽ thấy biết Như Lai. Tướng và tánh quấn
quýt nhau. Tướng đó thì tánh đó, tánh đó thì tướng đó. Ly tướng mà vẫn ở
trong tướng. Ở trong tướng mà vẫn ly tướng. Sống Như Lai, ăn Như Lai,
ngủ Như Lai, ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai… Cho nên Phật cười. Cười tủm
tỉm. Nụ cười vui mà từ bi, mà an lạc.
Như Lai
Phật là
Như Lai nhưng Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai. Không từ đâu
đến, chẳng đi về đâu. “Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ”. Có khi Phật và
Như Lai nhập làm một, có khi tách làm hai, ngồi vào hai ghế chơi. Nhưng,
hai mà một, một mà hai. Tùy lúc. Đừng mong dùng âm thanh ánh sáng…mà
thấy Như Lai. Như Lai thấy qua cách khác. Thấy bằng tướng thì không sao
tìm được Như Lai vậy. Phải “kiến tướng phi tướng” mới được (kiến tướng
phi tướng tức kiến Như Lai). Nên không thể dùng tri thức mà thấy. Phải ở
trong định, trong vô ngã. Có một thứ định, đi đứng nằm ngồi đều cùng
Như Lai, với Như Lai. Phật hằng hà sa số trong khi Như Lai chỉ có một.
Có một mà muôn vàn. Thị hiện vô vàn trong sắc, dìu dặt trong tiếng, ngan
ngát trong hương… Khi chàng thi sĩ hỏi người đẹp xưa của tôi đâu rồi,
chỉ còn cánh hoa đào năm ngoái đây thôi thì gió đông đã cười vào mũi
chàng: Hoa đào năm ngoái ư? Hoa đào năm ngoái nào? Chỉ có hoa đào đời
đời kiếp kiếp đó thôi! Người đẹp cũng vậy. Vẫn người đẹp đời đời kiếp
kiếp đó thôi. (Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông
phong. Thôi Hộ). Phải ra khỏi cái ngã rồi mới thấy. Thấy cái “Như Lai
thọ lượng” vậy.
Prajna và Prana
Prajna và Prana là
một. Như E = mc. Là một. Prajna là Trí tuệ Bát nhã, còn Prana là Nguồn
sống. Có Prana mới có Prajna và có Prajna thì có Prana. Pra là trước,
Ana là hơi thở vào, là thở. Trước cái thở là cái gì? Là cái chưa cần…
thở! Là cái bào thai. Cái “Như lai tạng”.
Prana là nguồn sống,
từ cõi lặng, quãng lặng, trước hơi thở vào. Và nếu nối liền quãng lặng
đó với nhau, liên tục, miên mật, ta có quãng dừng. Ở đó, cái gọi là
chết. Hóa ra Chết là Nguồn sống, cái gốc của sự sống ư? Và chỉ khi ta
hiểu rõ Prana, vui đùa tung hứng với Prana, ta có Prajna, Bát nhã. Bát
nhã là phiên âm của Prajna từ Phạn ngữ. Một thứ trí tuệ đặc biệt. Đặc
biệt vì nó chẳng phải là trí tuệ. Nó tự có, không qua tìm kiếm, biện
biệt, so sánh, tính toán, học hỏi. Nó là cái biết của trẻ thơ, hồn
nhiên, trong sáng và từ đó, thanh tịnh. Pra là trước, Jna là sự hiểu
biết. Trước cả sự hiểu biết. Ấy là tuệ giác. Trực nhận. Hiện tiền: cái
hiện ra trước sự biết. Ấy là Trí, là Tuệ, là Bát nhã. Prana dẫn tới
Prajna. Khi Prajnã mà Paramita thì gặp Prana.
Paramita
Nói
vật chất là năng lượng và năng lượng là vật chất chưa đủ, cũng như nói
“E = m” thì còn thiếu ‘c’. Phải qua bờ bên kia (Paramita) thì vật chất
mới thành năng lượng và ngược lại. Cũng là một thôi. Là một nhưng trong
điều kiện này thì là năng lượng, điều kiện kia thì là vật chất. Duyên
sinh cả thôi. Thực tướng vô tướng ở đó. Vô lượng nghĩa ở đó. Và “như như
bất động” ở đó. Paramita, cái cầu để qua bờ bên kia. Có khi ở hẳn, có
khi lại về. Cho nên Gate, Gate, Yết để yết đế… mới là câu thần chú, minh
chú: Qua đi, qua đi… cũng là Về đi, về đi… đó vậy!
Sắc thọ tưởng hành thức
Sắc
trong ngũ uẩn là sắc của tâm. Sắc có trước. Không sắc chẳng tâm. Không
tâm chẳng sắc. Sắc dẫn tới thọ. Thọ dẫn tới tưởng, rồi hành, rồi thức…
Vô minh, hành, thức… Cứ thế chằng chịt. Cứ thế quấn quýt. Sắc là vô
minh. Thọ là vô minh. Tưởng là vô minh. Thọ tưởng mới sinh sự. Ái, Thủ,
Hữu… này khác. Sinh sự thì sự sinh. “Diệt thọ tưởng định” là một kỹ
thuật. Thọ không khởi, Tưởng sẽ không khởi. “Sắc thọ tưởng hành thức”
được xếp theo một quy trình, một tiến trình. Tứ đại mới là Sắc – thân,
còn Ngũ uẩn chính là Sắc – tâm. Nói khác đi, ngũ uẩn là tâm. Cho nên
“ngũ uẩn giai không” là tâm Không. Còn Tứ đại kệ nó. Cứ cho nó lắc lư
bay nhảy theo kiểu chơi của nó, sanh bệnh lão tử của nó. Tha hồ.
Thường Lạc Ngã Tịnh
Từ
Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh … lăn lóc, lang thang, trôi nổi – luân
hồi – bỗng gặp Thường, Lạc, Ngã, Tịnh! Vô thường trở thành Thường, Khổ
trở thành Lạc, Vô ngã trở thành Ngã và Bất tịnh trở thành Tịnh. Không
khó. Nó chỉ là mặt bên kia, bờ kia, phía kia. Lý thú: nó bất nhị bởi nó
vô tướng, vô ngã! Hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết, sanh bệnh lão
tử. Vô thường quá đi chứ, nhưng cứ đời đời kiếp kiếp đều đặn, lặp đi lặp
lại như vậy hoài chẳng hóa ra là thường ư? Lạc làm sao có nếu không
thấy biết khổ chính là “nguồn lực”? Cho nên luân hồi sinh tử chíng là
Niết -bàn đó vậy. Sóng ngàn đời về đâu? Nước ngàn đời về đâu? Thân tứ
đại ngũ uẩn tưởng là bất tịnh mà tịnh quá đi chứ, đàng sau kia là bao
nhiêu nguyên tố chẳng đổi dời? Khi Phật không cần “phương tiện” nữa –
thì nói trắng ra “Thường, lạc, ngã, tịnh “đó thôi. Đều “Như Lai tạng” cả
mà!.
Bs Đỗ Hồng Ngọc – theo VHPG Blog