Cho nên thấu cảm không dễ chút nào! Thấu cảm đòi hỏi phải có khả
năng đặt mình vào vị trí người khác để hiểu rõ nguồn cơn, ngọn ngành. Từ
cái hiểu sâu sắc đó mới có cách ứng xử đúng đắn, phù hợp. Đối với người
thầy thuốc thì thấu cảm là đặt mình vào vị trí của người bệnh để hiểu
được đằng sau nỗi đau kia còn có nỗi khổ nào, đằng sau cái bệnh kia còn có cái hoạn nào.
Nhờ vậy mà mối tương giao thầy thuốc – bệnh nhân trở nên “đằm thắm”
hơn, truyền thông sẽ hiệu quả hơn, có sự hợp tác tốt hơn giữa thầy thuốc
và bệnh nhân.
Trong buổi thảo luận “Bàn tròn” sinh viên y khoa năm thứ hai vừa qua
nhằm chuẩn bị thái độ và kỹ năng cho các em đi lâm sàng đạt hiệu quả
tốt, một sinh viên nói em cầm kim chích thuốc cho bệnh nhân mà run rẩy,
chỉ sợ bệnh nhân đau. Vậy là tốt. Biết sợ bệnh nhân đau là tốt. Chỉ lo
lâu ngày chày tháng biến thành vô cảm. Người ta vẫn thường trách người
thầy thuốc hôm nay, chỉ biết máy móc xét nghiệm mà không thấy có bệnh
nhân, chẳng cần hỏi han, chẳng cần “nhìn sờ gõ nghe” gì đến bệnh nhân
cả. Một em lớp lớn khuyên do quá đông sinh viên nên phải chia từng nhóm
để “thao tác’ trên bệnh nhân rồi chia sẻ thông tin với nhau. Một vị thầy
nhắc, đối với người bệnh, không nên dùng từ “thao tác”. Thao tác là
dùng cho máy móc kia. Em hãy tưởng tượng mình chính là người bệnh đang
có nhiều biến chứng trầm trọng đó được nhiều sinh viên tới ‘thao tác”
thì sẽ cảm thấy thế nào? Phải luôn biết ơn người bệnh vì nhờ họ mà em
được học hỏi để trở nên người thầy thuốc giỏi. Một vị thầy khác nói
thêm: với cái TV cũ, hư hỏng nặng, người thợ có thể khuyên: sửa không
được đâu, vô ích thôi, mua cái khác cho rồi! Còn với một bệnh nhân không
thể nói vợ ông già quá rồi, chữa không được đâu, vô ích thôi, lấy vợ
khác cho rồi được!
Khoa học y học ngày càng tiến bộ, nhiều kỹ thuật mới ra đời, thâm chí
có khả năng thay thế bác sĩ, chẩn đoán bệnh tật, cho y lệnh chính xác.
Người thầy thuốc được dạy để biết sử dụng các máy móc tân kỳ, thay đổi
mẫu mã xoành xoạch đó, dần dần có khuynh hướng chạy theo kỹ thuật, lệ
thụôc máy móc và qua đó cũng lạnh lùng, máy móc, “khoa học”, xa cách dần
với…con người. Nó làm cho người thầy thuốc trở nên bí hiểm… chẳng khác
gì các phù thủy của những bộ lạc ngày xưa! Thế nhưng con người từ xưa
đến nay vẫn không thay đổi: cũng những âu lo, phiền muộn, sợ hãi, cũng
những ganh tị, ghen ghét, mừng vui, cũng những già nua, tuổi tác, ốm
đau, bệnh hoạn …
Mấy năm trước, trường Y khoa của Đại học California ở Los Angeles, đã
làm một cuộc “thì nghiệm” lý thú nhằm huấn luyện các bác sĩ tương lai
để có khả năng “thấu cảm” tốt hơn. Họ chọn một số sinh viên y khoa tình
nguyện giả bệnh nhân để nhập viện điều trị. Hoàn toàn bí mật. Chỉ có
giám đốc bệnh viện và điều dưỡng trưởng tham gia trong nhóm nghiên cứu
mới được biết trước, còn toàn bộ nhân viên đều không được biết.
Một “ca” giả tình huống té thang lầu, có giai đọan ngất thóang qua;
một ca giả đau bụng, oí mửa, mất nước, kiệt sức (cho uống Ipeca), và ca
thứ ba giả bị tai nạn xe máy, đau thắt lưng, một chân bị yếu. Các sinh
viên được “tập huấn” kỹ, khai bệnh trơn tru, qua mắt bác sĩ nhận bệnh.
Chọn buổi chiều thứ bảy, cuối tuần, là lúc mọi người dễ lơ đễnh nhất để
vào bệnh viện. Các “bệnh nhân” được thử máu, truyền dịch, chụp CT, MRI
các thứ …
Sau đây là kết quả: Một sinh viên nói “Lúc đó cảm thấy bất lực, hoàn
toàn mất tự chủ. Không kiểm soát được. Chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Chẳng ai giải thích phải làm xét nghiệm gì, lúc nào, tại sao… cũng
đành“nhắm mắt đưa chân”! Người thứ hai là cô sinh viên y khoa năm thứ
ba, Lisa Shapiro, nói cô hoàn toàn kinh ngạc thấy bác sĩ rất kiệm lời,
lạnh lùng, luôn có vẻ mệt mỏi, như chỉ làm cho xong bổn phận, còn điều
dưỡng thì khá hơn, tử tế hơn một chút. Cô cảm thấy rất hoang mang, sợ
hãi, cô đơn cùng cực. Tất cả đều nói bệnh giả mà thành bệnh thiệt! Lisa
Shapiro nói thêm “ Có cảm giác như mình bị sụp bẫy! Tim đập lọan xạ,
huyết áp tăng vọt và có vẻ sốt cao thật sự!”. Người nằm giường kế bên cô
là một bà già bệnh nặng, kêu bác sĩ suốt đêm, đèn cứ tắt rồi sáng liên
tục làm cô không sao nhắm mắt nổi. Căng thẳng. Bơ phờ. Mệt mỏi!
Được hỏi qua trải nghiệm này, liệu khi ra trường trở thành bác sĩ, cô
có quên sạch không? Cô khẳng định không thể nào quên! Cô chỉ nằm viện
có 19 giờ đồng hồ mà thấy thời gian dài đăng đẵng. Khi bác sĩ đến thăm
bệnh nói cô khá nhiều rồi, cho xuất viện, cô mừng đến phát khóc!
(Đỗ Hồng Ngọc)
http://www.viet-studies.com/DoHongNgoc_ThauCam.html