Về tư tưởng tôn giáo, triết học
cũng như về mặt chính trị, kinh tế và xã hội thật vô cùng phức tạp. Với
pháp điển Manoa hỗn hợp cả chính trị lẫn tôn giáo đã ấn định nhiều sinh
hoạt đầy bất công trong xã hội và góp phần đưa hai giai cấp thống trị
Bà-la-môn và Sát-đế-lợi lên ngồi vững chắc trên hai giai cấp thuộc hàng
tiện dân, bị xã hội khinh miệt, không được luật pháp bảo hộ, không được
dự chung phần tín ngưỡng và tán tụng kinh điển Vệ-đà, đó là giai cấp
Phệ-xá và tệ hơn nữa là Thủ-đà-la.
Trong bối cảnh rối ren về tư tưởng và xã
hội có thể chế đầy bất công, con người không còn biết tin tưởng, bám víu
vào đâu, đã xuất hiện một vị Thái tử thuộc vương tộc Thích Ca mà sau đó
trở thành Bậc Giác Ngộ (Phật), Người đã “mở cánh cửa vĩnh cửu cho tất
cả”. Kinh văn ghi về sự kiện trọng đại này rằng: “Một chúng sinh duy
nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này vì lợi ích
của số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì long bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì
lợi ích cho chư thiên và loài người” (Kinh Tăng Nhất A-hàm). Đạo Phật
hình thành từ đấy và sau đó nhanh chóng được truyền bá rộng rãi khắp thế
giới, là lẽ sống vĩnh hằng trong mọi nền văn hóa, cho những ai đi tìm
kiếm đời sống hạnh phúc an lạc chân thật. Là Bậc Giác Ngộ, một “Con
người lịch sử”, Đức Phật không hề tuyên bố rằng Ngài là hiện thân của
một lực lượng siêu nhiên nào, là người độc quyền nắm giữ chân lý, hay
đấng sáng tạo, mà là một người thể chứng sự thật, một bậc thầy chỉ
đường, con đường xuất phát từ thực tại và để mọi người đi đến giải
thoát, giác ngộ như Ngài. Do thế, đạo Phật đi đến đâu lập tức được tiếp
nhận mà không gặp sự chống đối từ các nền văn hóa và con người bản địa,
mà hòa đồng và cộng sinh, mang đến một sinh lực mới cho các nền văn hóa.
I. Khái quát lịch sử đức Phật.
Có rất nhiều sử liệu ghi lại khác nhau về
ngày, tháng, năm liên hệ đến các sự kiện lịch sử đức Phật. Nhưng ở đây,
dựa trên kinh tạng Nikàya, A-hàm, bia ký của vua A-dục, có thể nói đức
Phạt đản sanh vào ngày trăng tròn Vesakha của Ấn Độ, năm 624 trước Tây
lịch, dưới gốc cây Vô-ưu trong vườn Lâm-tỳ-ni. “Thái tử tên là
Tất-đạt-đa, thân phụ là vua Tịnh-phạn và thân mẫu là Hoàng hậu Ma-gia,
dòng dõi Thích Ca, giai cấp Sát-đế-lợi ở kinh đô Ca-tỳ-la-vệ thuộc xứ
Nepal Therai, Đông Bắc Ấn Độ” (Phật học khái luận, Thích Chơn Thiện,
tr.14).
Sống gian mình trong cung vàng điện ngọc
và bị ràng buộc bởi tình ái thê nhi, Thái tử Tất-đạt-đa không có được
chút thảnh thơi, an lạc. Cuộc sống luôn bị rình rập bởi sanh, già,
bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não..., chàng quyết định từ bỏ vinh hoa
phú quý, làm vị Sa-môn vô gia cư để tìm đường giải thoát, cứu mình và
nhân sinh.
Trải qua những năm tháng tu khổ hạnh với
các đạo sĩ danh tiếng nhưng vẫn không tìm thấy được quả vị tối thượng,
cuối cùng Ngài đã từ bỏ và “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Sau 49 ngày đêm tư duy thiền quán dưới
cội cây Assatha, vào một đêm, khi sao mai vừa ló dạng, tuệ giác siêu
việt bừng sáng nội tâm, Ngài đã chứng đắc Vô thượng Chánh Đẳng Chánh
Giác với danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni.
Đức Phật dưới cái nhìn của Nam tạng và
Bắc tạng hay Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ có nhiều sự khác biệt. Song,
điều đáng ghi nhận nhất là hầu hết các sử liệu, gồm bia ký của vua
A-dục, đều xác nhận đức Phật là một nhân vật lịch sử, chứ không phải là
một nhân vật thần thoại.
II. Đức Phật – Con người lịch sử.
Khác với giáo chủ các tôn giáo khác, đức
Phật chưa từng bao giờ xưng mình là Thần linh và đòi hỏi tín đồ phải
phục tùng mình như phục tùng thần linh. Đức Phật đến với loài người như
một con người, nhưng là một con người hoàn thiện và chỉ bày cho mọi
người con đường để trở thành hoàn thiện. Tính nhân bản của đạo Phật là ở
chổ đó.
Chúng ta hãy tìm hiểu đức Phật đã dạy cho nhân loại những gì khi Ngài đứng trên bình diện một nhà đại Giáo dục.
1. Đức Phật – Nhà đại giáo dục
Đạo Phật quan niệm “Duy tuệ thị nghiệp”,
nghĩa là chỉ có trí tuệ là sự nghiệp tu học và giáo dục của người tu học
Phật pháp. Đức Phật cũng đã giác ngộ thành Phật qua nhiều năm tham
thiền nhập định. Đây là điểm then chốt quan trọng của phương tiện trí
dục.
Kế đến là giáo dục đức dục. Đức Phật
chưa từng dạy con người ta lòng thương hại ban ơn mà phải lấy từ bi,
nhẫn nhục là sức mạnh vô song. Giáo dục Phật giáo là chuyển hóa không
tiêu diệt, hòa hợp không chinh phục. Ngay cả với phiền não cũng không
dùng tư tưởng chinh phạt hay chiến thắng, tiêu diệt. Bởi diệt nó còn
đất trời nào dung chứa cái xác của nó? Phiền não thành bồ đề. Phiền não –
bồ đề là hai mặt của một thể. Ngôi nhà một ngà năm tăm tối khi thắp
đèn lên bóng tối đi đâu? Ngọn lửa trí tuệ bừng lên thì vô minh phiền
não từ muôn kiếp cũng như thế đó.
Đức Thế Tôn đã làm cho trái tim con người
biết thương yêu thật sự, biết cái cúng tế cao hơn là sống bỏ ác làm
lành, đó là yếu tố của an lạc chân thật. Tham dục, si mê mà tôn kính
thần linh thì cang đau khổ, vô ích. Ngài không đe dọa ai, ru ngủ ai bằng
chủ thuyết thần quyền.
“Này Kalama, không nên đặt niềm tin vào
một giáo pháp nào là chân chính nhất, đưa đến sự giác ngộ trong vô số
các giáo pháp do các bậc đạo sư truyền dạy, không nên đặt niềm tin mù
quáng vào một điều gì chưa thực sự rõ biết, dù điều đó được rao giảng
bởi cha mẹ hoặc thầy mình, do sách vở truyền thông đem lại hoặc ngay cả
những điều đó Thế Tôn dạy. Tốt hơn hết hãy thực hành kỹ lưỡng, chiêm
nghiệm xem giáo pháp ấy có dẫn ta đến tham ái, sân hận, ngu si không.
Nếu đúng vậy thì ta từ bỏ giáo pháp ấy. Còn nếu giáo pháp nào đem đến
một tình thương rộng lớn, khoan dung, thông tuệ, cởi mở, không bị trói
buộc bởi chấp trước thì hãy đặt nềm tin và thực hành giáo pháp này”
(Kinh Kalama).
Như vậy, đức Phật không bắt buộc ai phải
tin theo một cách mù quáng, bởi vì một lòng tin mù quáng, theo Phật giáo
là một trở ngại cho sự tiến bộ trên đường đời và đạo Phật. Đức Phật đã
nói sự nguy hiểm ấy trong lời dạy sau của Ngài: “Này các Tỳ-kheo, giáo
lý của ta dạy cũng như chiếc bè đưa các người qua sông, chớ không phải
là một vật sở hữu để các người nắm giữ”.
Đứng trước vấn đề thiện ác, đức Phật
không xem là một vấn đề thuần luân lý mà phải là vấn đề hiểu biết, nhận
thức một vấn đề lý tính. Với sự giáo dục theo quan niệm đạo Phật chính
là một vấn đề trí thức, hay nói đúng hơn là một thái độ trí thức, không
chấp nhận có cái Ngã, cái Ta đến nỗi hoàn toàn bị nô lệ bởi cái Ngã, cái
Ta ấy. Giáo dục của đức Phật là sự hướng dẫn cá nhân tự mình có một
thái độ do tự mình suy tư kinh nghiệm và quyết định, hơn là nhắm mắt
theo lời Phật dạy.
Tất cả những nét chính yếu về hướng đi và
phương pháp giáo dục của đạo Phật không thể vài lời mà có thể đề cập
hết. Tựu trung, tất cả lời dạy của đức Phật đều nhằm một mục đích duy
nhất là làm phát triển khả năng tốt đẹp của con người. Giáo dục của đạo
Phật tôn trọng sự thật, chữa trị thân bệnh và tâm bệnh, chống đối mọi
hình thức nô lệ, phát huy thái độ trí thức với chủ đích nâng cao giá
trị của con người. Và thái độ nâng cao giá trị con người ấy được thể
hiện một cách hùng hồn nhất khi đức Phật dạy chỉ có con người mới giáo
dục cho chính mình, chỉ có con người mới giải thoát cho chính mình, đức
Phật chỉ đóng vai trò người dẫn đường. “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà
đi”, “Chiến thắng ba ngàn quân địch không bằng tự chiến thắng mình, tự
chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”, là những lời dạy nói lên
sự tin tưởng của đức Phật ở giá trị và khả năng của con người, và một
nền giáo dục chân chính phải là một nền giáo dục nhắm đến sự hướng
thượng của con người.
2. Đức Phật là một nhà cách mạng vĩ đại:
Một số tài liệu sách vỡ đã ca ngợi đức
Phật không chỉ là một nhà đại giáo dục mà còn là một nhà cải cách xã
hội chống lại hệ thống giai cấp cùng với các bất công của xã hội Ấn Độ
thời bấy giờ. Song cách diễn tả Ngài như vậy có được chứng minh không?
Vốn xuất thân trong một quốc gia sống
với chế độ giai cấp tồn tại bất di bất dịch mấy ngàn năm, lại chịu sự
đàn áp của hàng Bà-la-môn rất nặng nề, đức Thế Tôn đã bác bỏ chế độ
giai cấp ấy. Ngài cho rằng con người là bình đẳng, không có giai cấp
khi máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Vấn đề này được thể hiện qua việc
nhận bát sữa cừu do nàng Tu-xà-đa dâng cúng ki Ngài đang tu khổ hạnh,
hay cuộc đối thoại của Thế Tôn với chàng gánh phân Sunita: “Bạch Đại
đức! con không dám tới gần Ngài, con là người thuộc giai cấp hạ tiện,
con sợ làm ô uế Ngài và giáo đoàn của Ngài.
- Chúng tôi đã đi tu rồi, chúng tôi không
còn phân biệt giai cấp, bạn cũng là người như tất cả chúng tôi. Chúng
tôi không sợ bị ô uế đâu. Chỉ có tham dục, sân hận và si mê mới làm ô uế
được chúng ta, chứ một con người dễ thương như bạn thì chỉ cho chúng
tôi thêm niềm vui mà thôi” (Đường xưa mây trắng – Nhất Hạnh).
Giai cấp Bà-la-môn cho rằng họ được sinh
ra từ miệng của Phạm Thiên. Đức Phật không chấp nhận và Ngài đã nói:
“Một người sinh ra không phải thành một người Bà-la-môn hay một người
Chiên-đà-la, mà chính là sở hành của người ấy tạo thành một con người
Chiên-đà-la hay một người Bà-la-môn”.
Đức Phật phản bác không phải chính hệ
thống giai cấp trong bản chất của nó, mà là thái độ giả tạo trong tâm
con người trước những thành phần thuộc giai cấp khác. Ngài chống đối sự
kiêu mạn của các Bà-la-môn và quan niệm cho rằng sự tùy thuộc vào giai
cấp có liên hệ với giá trị nhân cách của mỗi người. Hàng chục làn Ngài
nhấn mạnh là sự phân biệt giữa mọi người trong xã hội không xuất phát từ
sự khác nhau nào trên căn bản nhân cách. Tất cả bốn giai cấp đều có khả
năng giải thoát khổ đau, cũng như từ bốn ngọn lửa có các loại nhiên
liệu củi gỗ khác nhau vẫn bùng lên ngọn lửa giống nhau. Bất kể ở giai
cấp nào, tất cả mọi người đều phải đọa địa ngục vì ác nghiệp của mình.
Cũng vậy, tất cả đều có khả năng phát triển phước nghiệp và từ tâm.
Đức Phật nhận vào giáo hội Tỳ-kheo của
Ngài những người của tất cả giai cấp và đủ mọi thứ tín ngưỡng. Những vị
nào chứng được quả A-la-hán đều được tôn trọng cung kính trong giáo hội
Tăng già.
Đức Phật cũng nâng cao địa vị của những
người phụ nữ bị chà đạp, không những khiến cho họ ý thức được vị trí
quan trọng của mình trong xã hội, mà còn thành lập Giáo hội Ni giới sống
độc thân đầu tiên cho phụ nữ với những kỷ luật và những giới điều.
Đức Phật không hạ thấp nữ giới, mà chỉ
xem họ như những người có bẩm tính yếu đuối hơn nam giới. Đức Phật thấy
rõ tính thiện bản nhiên của cả nam và nữ giới, và quy định cho họ địa vị
xứng đáng trong giáo phái của Ngài. Giới tính không làm chướng ngại cho
sự chứng đắc thánh quả.
Có thể nói, đức Thế Tôn là một nhà cách mạng tuyệt vời!
3. Đức Phật – nhà tâm lý trị liệu vĩ đại:
Với trí tuệ và lòng từ bi sâu rộng, đức
Thế Tôn đã tùy căn cơ của chúng sanh mà vận dụng phương tiện độ họ. Đức
Phật đã hóa độ vô số thành phần trong xã hội với vô số phương thức
khác nhau. Những phương thức này tùy vào bối cảnh, đối tượng mà Ngài tùy
cơ giáo hóa. Ngài không bao giờ đặt ra những bài học hay công thức cho
việc truyền pháp.
Đức Phật dạy, nước trong bốn biển tuy vô
lượng nhưng chỉ có một vị duy nhất là vị mặn. Cũng vậy, giáo lý của đức
Phật nhiều vô số, nhưng chỉ có mọt vị duy nhất – vị giải thoát. Bốn mươi
lăm năm truyền đạo của Ngài là 45 năm khai mở đạo mạch giải thoát để
tưới nhuần cho muôn loài, giải thoát khỏi tham, sân, si; giait thoát
khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. Dưới cặp mắt của bậc
Đại Giác, thế giới này là vô thường, cuộc sống này là vui ít khổ nhiều,
con người này là vô ngã. Những ai chấp nhận rằng thế giới này thường
còn, cuộc sống này là hạnh phúc và con người này là thật ngã thì không
bao giờ đạt đến bờ giải thoát. Cho nên, cho dù kinh điển có nhiều bao
nhiêu, pháp môn tu có nhiều bấy nhiêu đều cũng chỉ có một mục đích duy
nhất là đưa ta đến bờ giác ngộ. Đó là tính nhất quán của đạo Phật.
Thế Tôn, trong phương pháp giảng dạy của
Ngài, vừa ứng dụng nguyên tắc “khế lý”, “khế cơ”, “khế thời”, vừa
“khích lệ”... lại vừa vận dụng các thí dụ với các hình ảnh cụ thể, quen
thuộc với người nghe, để soi sáng cho người nghe dễ hiểu điều Ngài muốn
nói.
Hình ảnh ví dụ thời danh, hầu như quen
thuộc với những người học Phật, là hình ảnh Ngài ví dụ giáo lý Phật
giáo như chiếc bè để qua sông mà không phải để mang trên vai. Hay giáo
lý như ngón tay chỉ mặt trăng, như bản đồ chỉ đường.
Nói đến hương vị, sắc thái đặc biệt của nội dung giáo lý Phật giáo, Thế Tôn dạy chỉ có một vị giải thoát.
Thế Tôn đã sử dụng phương pháp giảng dạy
rất sống động, cụ thể, dễ hiểu, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người
khác và có tác dụng đánh mạnh vào tâm thức của người nghe. Kèm theo với
phương pháp này, Thế Tôn còn giảng những đề tài có duyên sự và bối cảnh
sống động của nó. Có khi hình ảnh ví dụ vừa cụ thể lại vừa thi vị, không
đơn điệu, không gây cảm giác chán nản ở người nghe.
Ai sống ở đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như nước rơi lá sen.
(PC-336)
Giữa khi các đệ tử bị ràng buộc bởi cái
“có” của mình vaaof cuộc đời thì lời dạy của Thế Tôn xuất hiện như một
tiếng sấm khiến tâm thức vùng dậy trong cơn bàng hoàng của chấp thủ.
“Này A-nan, tất cả các thế giới này trống không; sắc, thọ, tưởng, hành, thức là trống không (vì chúng vô ngã)”.
Phương pháp giảng dạy bằng nhiều ví dụ
(Tương Ưng IV) cụ thể của Thế Tôn là phương pháp rất khoa học và rất
tâm lý, khiến cho việc giảng dạy đem lại nhiều kết quả tốt, có thể là
phương pháp mẫu mực, chỉ đạo cho học đường mới.
Ngoài ra, trong kinh Phật dạy pháp của
Phật là phương thuốc trị tâm bệnh cho chúng sanh. Chúng sanh có tám
muôn bốn ngàn phiền não, thì Phật có tám muôn bốn ngàn pháp môn. Như
vậy, mỗi pháp của Phật trị mỗi bệnh của chúng sanh. Để trị tâm bệnh,
Phật dạy những pháp để tiêu trừ nguyên nhân sanh ra bệnh. Ai có bệnh chỉ
cần dùng thuốc đúng thì trị lành bệnh, trị lành bệnh là hết khổ, nên
nói đạo Phật là đạo cứu khổ chúng sanh. Phẩm Dược Thảo Dụ trong kinh
Pháp Hoa ví đức Thế Tôn nói pháp hhw cơn mưa, cây lớn thấm nước nhiều,
cây nhỏ hút nước ít, nhưng tất cả đều thấm nhuần nước.
Đặc biệt, với chế độ giai cấp nặng nề,
đức Phật đã quan tâm đến cuộc sống của những người cùng khổ, những người
làm công hèn. “Này gia chủ, có năm cách một vị Thánh chủ nhân đối với
hạng nô bộc như phương dưới: giao việc đúng cách theo sức của họ, lo cho
họ ăn uống và tiền lương, điều trị cho họ khi bệnh hoạn, chia các mỹ vị
đặc biệt cho họ, thỉnh thoảng cho họ nghĩ phép” (Trường Bộ Kinh tập II -
HT Minh Châu dịch).
Giới chủ nhân thời đó luôn coi khinh tầng
lớp làm công giúp việc, thế nên Đức Phật đã nêu lên năm trách nhiệm ấy
của một vị gia chủ, biết chia xẻ ngọt bùi cho nhau.
Giáo pháp của đức Thế Tôn cốt yếu giúp
cho chúng sanh giác ngộ trên mặt tư tưởng, đây là một thành công lớn
trong sự nghiệp hoằng hóa của đức Phật.
Kết Luận
Những vấn đề trên cho chúng ta thấy rằng,
đức Phật là một chứng tích lịch sử của con người đã đi, đã đến, thấy
biết đúng sự thật, sống đúng như thật và chỉ rõ cho con người có đủ
năng lực tiến lên thần thánh, giải thoát tâm thức mình ra khỏi bóng tối
khổ đau, không hề có thần linh siêu nhiên nào khác giúp con người bằng
chính hành động tự cứu của nó.
Đức Phật là một con người có đủ ngày
sinh, ngày mất, có đủ cha mẹ, xứ sở... như ở trụ đá do vua Asoka (A-dục)
chôn được nhà khảo cổ người Đức tên là A.Caisn Fuher tìm được vào năm
1895 đã xác nhận cho mọi người rằng Phật Thích Ca là con người có thật
giữa đời này.
Đức Phật, một con người hùng vĩ xuất hiện
trong thế giới thường nhân, với trí tuệ siêu xuất thể hiện qua ngôn
ngữ, văn tự thường tình đã gây âm vang chấn động trong lịch sử tôn giáo
và triết học. “Suốt 25 thế kỷ qua, đức Phật, người sáng lập ra đạo Phật,
luôn được coi là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nhân
loại” (Almanach – Những nền văn minh thế giới – NXB Thông Tin, 1996)
Chỉ với vài trang viết ngắn gọn không thể
nào diễn tả hết những gì mà đức Phật đã dạy; song với một vài vấn đề đã
đề cập trên đây cũng phần nào cho chúng ta thấy: đức Phật – là một con
người lịch sử!
T.P