Trong cuốn Bát-nhã tâm kinh khu tán, quyển
thượng, ngài Khuy Cơ giải thích: Quán có nghĩa là chiếu, tức là trí tuệ thấy
suốt lẽ có không; tự tại có nghĩa là tự do, tức là chỉ cho cái quả giải thoát
đã đạt được. Xưa hành Lục độ, nay được quả viên mãn, mà sự viên mãn đó là nhờ
vào trí tuệ quán chiếu, thành tựu được mười thứ tự tại. Mười tự tại đó là:
1. Thọ tự tại: Có thể kéo dài tuổi thọ tùy ý.
2. Tâm tự tại: Không nhiễm sanh tử.
3. Tài tự tại: Tài của dư dật, muốn là liền được,
điều này do tu hạnh bố thí mà được.
4. Nghiệp tự tại: Chỉ làm việc thiện và khuyến
khích người khác cùng làm.
5. Sanh tự tại: Tùy theo chỗ mong muốn mà thọ sanh,
điều này do giữ giới mà được.
6. Giải thoát tự tại: Có thể tùy ý muốn mà biến
hóa, do nhẫn mà được.
7. Nguyện tự tại: Muốn gì được nấy, do tinh tiến mà
được.
8. Thần lực tự tại: Thần thông tối thắng, do định
mà được.
9. Trí tự tại: Biết tất cả các ngôn ngữ, lời nói.
10. Pháp tự tại: Luôn khế kinh, khế lý, khế cơ, do
tuệ mà được.
Ngài Khuy Cơ còn nói thêm rằng, Quán Thế Âm là một
vị Bồ-tát bổ xứ, là Đẳng giác Bồ-tát, không một nơi u tối, khổ đau nào mà ánh
sáng từ bi của Ngài không soi thấu, mà nói đầy đủ là Ngài có mười thứ tự tại,
cho nên gọi Ngài là Bồ-tát Quán Tự Tại.
Quán nhật kinh sớ, quyển 5 cũng nói, lúc Như Lai hành đạo Bồ-tát,
nhờ quán sát đến chỗ cứu cánh mười thứ tự tại trên mà được con mắt liên hoa soi
thấu khắp nơi.
Chú Duy-ma-cật kinh, quyển 1, dẫn lời của Cưu Ma La Thập giải thích
rằng: “Ở đời có nguy nan gì thì xưng danh quy y, Bồ-tát quán sát nghe được âm
thanh ấy liền tức thì đến cứu độ cho được giải thoát. Vì lý do đó cho nên tên
gọi của Bồ-tát là Quán Thế Niệm, Quán Tự Tại”. (Đại chính 38, tr.331a).
Căn cứ vào giải thích này thì biết chính Cưu Ma La
Thập cũng xác nhận từ Avalokiteśvara có nghĩa là Quán Tự Tại hoặc Quán Thế Tự
Tại.
Trong cuốn Pháp hoa nghĩa ký, quyển 8, Pháp Vân
cho rằng, ngoài danh hiệu Quán Thế Âm, Bồ-tát còn có ba danh hiệu khác, là Quán
Thế Gian Âm Thanh, Quán Chúng Sanh Thân Nghiệp, Quán Chúng Sanh Ý Nghiệp, tên
gọi tổng quát là Quán Thế Nghiệp. Trong đó, sở dĩ gọi tên Quán Thế Âm là bởi vì
ở thế giới Ta-bà này lấy âm thanh để làm Phật sự.
Các kinh sớ như Pháp hoa kinh văn cú, quyển
10, Pháp hoa nghĩa sớ, quyển 12 (do các Cát Tạng biên soạn), Hoa
Nghiêm kinh tham huyền ký, quyển 19, Pháp hoa kinh huyền tán, quyển
10… đều giải thích ý nghĩa của từ Avalokiteśvara theo ngài La Thập.
Các kinh Thành cụ quang minh định ý, Duy Ma
Cật, Phóng quang bát-nhã, Quang tán bát-nhã, Đại bảo tích… là những kinh
đầu tiên đề cập đến danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, nhưng những kinh này chưa nói
đến bản duyên và sự tích của Bồ-tát. Mãi đến khi Pháp hoa ra đời thì mới
có một phẩm trình bày rõ ràng về hạnh nguyện lợi sanh của Bồ-tát ở thế giới
Ta-bà này.
Hạnh nguyện
Căn cứ kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Quán
Thế Âm Phổ Môn tường thuật, thì người nào niệm danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế
Âm, người ấy lửa lớn không đốt được, nước lớn không cuốn trôi được, dạ-xoa,
la-sát không hại được; những ai sợ hãi thì Bồ-tát ban tặng cho sự không sợ
hãi ; những ai bị trói buộc bởi tham, sân, si thì Bồ-tát làm cho hết tham,
sân, si; những ai muốn có con trai hay con gái thì Bồ-tát cho họ được như
nguyện.
Bồ-tát Quán Thế Âm dùng vô số phương tiện để nhiếp
hóa chúng sanh, tùy nghi mà thị hiện, hoặc hiện bằng thân Phật, thân Phật
Bích-chi, thân Thanh văn, thân Phạm Thiên… cho đến thân khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà,
thần Chấp kim cang… hễ với thân hình nào mà độ được chúng sanh thì Ngài đều
biến hiện ra thân đó để mà hóa độ.
Bi hoa kinh, quyển 3, tường thuật sự kiện Bồ-tát Quán Thế Âm tự phát nguyện với Đức
Phật. Kinh ghi: “Nguyện khi con hành Bồ-tát đạo, nếu có chúng sanh nào bị các
khổ não, sợ hãi… có nguy cơ thối thất Chánh pháp, đọa vào đường dữ, ưu sầu, một
mình côi cút, không người cứu hộ, không áo, không nhà, bần cùng cơ cực… nếu
chúng sanh ấy có thể nhớ nghĩ đến con, niệm danh hiệu của con, vì chúng sanh ấy
biết thiên nhĩ của con có thể nghe thấy, thiên nhãn của con có thể nhìn thấy,
thì nếu chúng sanh ấy không thoát khỏi những khổ đau, ách nạn, con thề trọn
không thành tựu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”. (Đại chính 3, tr.185c).
Bi hoa kinh còn cho biết, Quán Thế Âm là vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ, Pháp thân Đại sĩ,
đồng thời là vị Bồ-tát kế thừa vị trí của Phật A Di Đà. Công hạnh của Ngài cơ
hồ đã viên mãn. Đã thành tựu công đức của mười phương chư Phật. Trong kinh có
chỗ nói rằng, Quán Thế Âm vốn là Đức Chính Pháp Minh Như Lai ở đời quá khứ. Như
vậy, Ngài là Phật mà hiện thân Bồ-tát. Ngài hiện thân trong vô lượng thế giới,
dùng thân Bồ-tát để cứu chúng sanh gặp phải khổ nạn, thể hiện bi nguyện vô cùng
rộng lớn của Ngài.
Bồ-tát Quán Thế Âm và Phật A Di Đà có một mối quan
hệ vô cùng đặc biệt. Ngài không những là một trong ba vị Thánh ở phương Tây
(Tây phương Tam thánh), mà có thuyết còn nói, chính Ngài là hóa thân của Phật A
Di Đà.
Có người hỏi rằng, Bồ-tát Quán Thế Âm là người xứ
nào? Đạo tràng của Ngài ở đâu? Kỳ thật, Quán Thế Âm là Đức Phật quá khứ hiện
sinh trở lại thế giới này, cho nên không thể nói Ngài có đạo tràng cố định ở
đâu, bởi vì không có chỗ nào mà Ngài không hiện thân (vô sát bất hiện thân).
Ngài phụ giúp Phật A Di Đà tiếp độ chúng sanh về Tịnh độ. Cho nên, nếu có thể
nói, thì đạo tràng của Ngài chính là thế giới Cực lạc. Tuy nhiên, theo kinh
Hoa nghiêm và một số kinh khác thì đều cho rằng, đạo tràng của Ngài nằm ở
núi Phổ-đà-lạc-dà, trên biển phía Nam Ấn Độ, đó chính là đạo tràng năm xưa của
Bồ-tát Quán Thế Âm nơi thế giới Ta-bà này.
Hình tượng
Hoa nghiêm kinh, quyển 68, cho biết vị Bồ-tát này ở tại Nam hải Phổ Đà sơn, là nơi có vô
lượng chư Bồ-tát vây quanh. Chỗ đó thuộc thế giới Ta-bà này. Nhưng Đại A Di Đà kinh, quyển thượng, Vô lượng
thọ kinh, quyển hạ, thì cho rằng, Bồ-tát Quán Thế Âm là thị giả của Đức
Phật A Di Đà và hiện ở bên thế giới Tây
phương Cực lạc, tùy duyên giáo hóa chúng sanh bên đó. Quán vô lượng thọ kinh
còn nói rằng Bồ-tát Quán Thế Âm ở bên Tây phương Cực lạc sắc thân rất trang
nghiêm.
Mật giáo cũng nói
Bồ-tát Quán Thế Âm là thị giả của Đức Phật A Di Đà. Nhưng thật ra Ngài là Vô Lượng Thọ Phật, do bổn nguyện mà thị hiện thân
Bồ-tát đại từ bi. Mật giáo còn đem vị Bồ-tát này đặt vào trong thế giới thai
tạng mạn-đà-la, ở giữa đài có tám viện, gồm Quán Âm viện, Biến Tri viện, Thích
Ca viện, Văn Thù viện, Hư Không Tạng viện, Tô-tất-địa viện.
Tuy nhiên, cũng có
không ít thuyết lại cho rằng Quán Âm là thị giả của Đức Phật Thích Ca. Như Thanh
Tịnh Quán Thế Âm Phổ Hiền Đà-la-ni kinh cho rằng, Phổ Hiền và Quán Âm là
thị giả của Phật Thích Ca. Kinh ghi: "Bên phải họa tượng Bồ-tát Quán Thế
Âm, ngự trên tòa sen, đắp y màu trắng, quỳ gối chắp tay, mặt hướng nhìn Phật,
nghe Phật thuyết pháp. Bên trái có ba cánh tay, một tay cầm hoa, một tay cầm
tịnh bình, một tay cầm cuốn kinh. Bên phải có ba cánh tay, một tay bắt ấn vô úy
thí, một tay cầm dây tơ, một tay cầm quả châu. Trên đảnh đầu có tượng Đức
Phật". (Đại chính 20, p.22c).
Ngoài ra, trong kinh
tạng Mật giáo, có rất nhiều kinh tường thuật hình tượng của vị Bồ-tát này. Như Đà-la-ni
tập kinh, quyển 5, Bất ngôn quyến tác thần biến chơn ngôn kinh, quyển
2 và 9, nói tượng vị Bồ-tát này có 2 tay; Nhất thiết Phật nhiếp tương ưng
đại giáo vương kinh thánh Quán Tự Tại Bồ-tát niệm tụng nghi quỹ nói Bồ-tát
có tám tay, mười tay, thậm chí có 40 tay, 108 tay, cho đến ngàn tay… Do đó cho
thấy vị Bồ-tát này thần biến vô cùng, cho nên hình tượng của Ngài cũng có rất
nhiều.
Tựu trung, hình tượng vị Bồ-tát Quán Thế Âm vốn chỉ
có hai tay, tất cả những hình tượng còn lại đều là lực dụng thị hiện sự thần
biến tự tại của Ngài mà thôi. Các hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm gồm có: Thiên
thủ thiên nhãn Quán Âm, Thập nhất diện Quán Âm, Chuẩn Đề Quán Âm, Như ý luân
Quán Âm, Bất không quyến tác Quán Âm, Thanh cảnh Quán Âm, Hương vương Quán Âm…
Ngoài ra, Bất không quyến tác thần biến chơn
ngôn kinh, quyển 3, 4, 19 và 25, còn kể tên Tứ diện đại bi Quán Âm, Trừ bát
nạn tiên Quán Âm, Đại phạm thân tướng Quán Âm, Căn bản liên hoa đảnh Quán Âm,
Quảng đại minh vương ương-cu-xá Quán Âm…
Kim cương khủng bố tập hội phương quảng quỹ nghi
Quán Tự Tại Bồ-tát tam thế tối thắng tâm minh vương kinh cũng xưng danh hiệu Quán Tự Tại, Nguyệt thân Quán
Tự Tại, Dũng kiện Quán Tự Tại…
Ma-ha chỉ quán, quyển 2, cũng nêu danh Đại bi Quán Thế Âm, Đại từ Quán Thế Âm, Hương
vương Quán Âm,… tất cả 15 danh hiệu Quán Âm.
Thiên quan nhãn Quán Tự Tại Bồ-tát bí mật pháp kinh nêu 25 danh hiệu Quán Âm, trong đó có Cứu Thế Quán
Âm, Cứu Khổ Quán Âm, Cửu Diện Quán Âm, Bách Tế Quán Âm, Mộng Vi Quán Âm, Thuyền
Trung Dũng Hiện Quán Âm… trong các hình tượng Quán Âm này, có không ít những
hình tượng do tín ngưỡng dân gian của nhân dân Trung Hoa và Nhật Bản đời sau
thêm vào, cho nên có những danh xưng và hình tượng mà không biết xuất xứ từ đâu
và y cứ vào kinh nào để tạo nên.
Tín ngưỡng
Trong truyền thống Phật giáo Đại thừa, các vị
Bồ-tát như Đại Từ Bi Quán Thế Âm, Đại Trí Tuệ Văn Thù, Đại Hạnh Nguyện Phổ
Hiền, đều là những vị Bồ-tát được quần chúng Phật tử tín ngưỡng. Trong đó,
Bồ-tát Quán Thế Âm được tín ngưỡng nhiều hơn hết. Vị Bồ-tát này có nguồn gốc
tín ngưỡng từ Ấn Độ, truyền qua Tây Tạng, đến Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Hải,
Việt Nam…
Truyện Cao tăng Pháp Hiển, trong Đại
Đường Tây Vực ký… có ghi chép sự tích những địa phương sùng bái Bồ-tát Quán
Thế Âm ở Ấn Độ và các nước thuộc Tây Vực, trong đó, Đại Đường Tây Vực ký, quyển
10, ghi rằng, tại miền Nam Ấn Độ, có quốc gia tên là Mạt-la-củ-trá (Malakūta), gần ngọn núi Bố-đát-lạc-ca, có linh tích của
Bồ-tát Quán Thế Âm.
Thời cận đại lại phát hiện ở Ellora, Kenheri, và
Lộc Dã Uyển (Mrgadāva) có rất nhiều Thánh tượng Quán Âm. Trong đó, tại chùa
Kenheri còn có rất nhiều bức tranh thể hiện sự cứu khổ cứu nạn của Bồ-tát, và
cả tượng Bồ-tát Thập Nhất Diện nữa. Tất cả những hiện vật khai quật được đều
chứng minh tín ngưỡng Quán Âm rất thạnh hành.
Tín ngưỡng Quán Thế Âm ở Tây Tạng cũng rất thạnh
hành. Hiện nay, các Đạt-lai Lạt-ma (Dalai lama) đều được xem là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế
Âm.
Tại Trung Hoa, từ khi Trúc Phật Hộ
đời Tây Tấn dịch Chính Pháp hoa kinh trở về sau mới bắt đầu hưng khởi
tín ngưỡng Quán Thế Âm, như trong Pháp uyển Châu Lâm quyển 23 có thuật
lại chuyện Trúc Trưởng Thư, trong khoảng niên hiệu Nguyên Khương (291-299), đời
Tây Tấn, nhờ tụng kinh Quán Thế Âm mà thoát được nạn cháy. Ngoài ra, các
sách như Tỳ-kheo-ni truyện, quyển 1, Danh Tăng truyện sao, Tục Cao
Tăng truyện, quyển 25… đều có thuật chuyện của các vị Tông Ni,
Trương Sùng, Từ Nghĩa, Khai Đạt, Pháp Trí, Trúc Pháp Thuần… nhờ xưng niệm danh
hiệu của Bồ-tát Quán Âm mà được thoát khỏi các tai nạn nguy kịch.
Đến đời Dao Tần, ngài Cưu Ma La Thập
(Kumārajīva) dịch kinh Diệu pháp liên hoa, thì tín ngưỡng Quán Âm lại
càng thạnh hành hơn nữa. Các sách Danh Tăng Truyện Sao, Tục Cao Tăng truyện,
Xuất tam tạng ký tập, Thái Bình ngự lãm, Kim thạch tục thiên… ghi chép không
ít sự tích, lịch sử về tín ngưỡng Quán Thế Âm.
Nghệ thuật
tạo hình và nguồn gốc thờ Bồ-tát lộ thiên
Tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, Bãi Bụt, Đà Nẵng
Nhân tín ngưỡng Quán Âm thạnh hành
nên phong trào tạo hình tượng của ngài cũng vô cùng phát triển. Từ thời Bắc
Ngụy trở về sau, phong trào tạo tượng nổi tiếng nhất mà tác phẩm còn sót lại
cho đến ngày nay phải kể là các vùng Đại Đồng, Long Môn, Đà Sơn. Thời Tùy,
Đường, Mật giáo Tây Tạng truyền sang, bấy giờ mới tạo tượng Bồ-tát với các hóa
thân Thập Nhất Diện, Thiên Thủ, Như Ý Luân.
Lại do có người vì dốc lòng tin nơi
Bồ-tát mà có cảm ứng, từ những cảm ứng đó mà lưu hành các hình tượng của Bồ-tát
gắn liền với những vật linh mà Ngài ngự tọa, như Cáp Lị, Mã Lang Phụ, Thủy
Nguyệt, Ngư Lam…
Ngoài ra, vào thời Nguyên Ngụy còn
xuất hiện những bản kinh không rõ nguồn gốc hoặc ngụy tạo liên quan đến Bồ-tát
Quán Âm, như cuốn Cao vương Quán Âm kinh. Điều này cho thấy tín ngưỡng
Quán Âm phổ cập và biến hóa trong mọi giai tầng xã hội dân gian.
Vào đời nhà Lương, khoảng giữa niên hiệu Trinh
Minh, Thiền sư Huệ Ngạc, người Nhật Bản đến Trung Hoa học đạo đã thỉnh một tôn
tượng Quán Thế Âm để đưa về Nhật Bản phụng thờ. Nhưng không ai ngờ rằng, khi
ông đi đến quần đảo Chu Sơn (thuộc huyện Định Hải, Chiết Giang) thì gặp phải
cuồng phong, sóng dữ, nên phải dừng lại hành trình về cố hương. Bấy giờ, Huệ
Ngạc bèn thỉnh tôn tượng Quán Thế Âm lên trên một hải đảo nhỏ, dựng lều tranh,
thiết trí tôn thờ. Dường như Bồ-tát Quán Thế Âm có nhân duyên với hòn đảo này,
nên càng lâu ngày thì dân chúng đến chiêm bái, kính ngưỡng Thánh tượng càng
đông; và rồi từ đó, hòn đảo này đã được đổi tên thành "Phổ Đà sơn",
và trở thành đạo tràng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Tín ngưỡng tôn thờ Quán Thế Âm
lộ thiên cũng bắt nguồn từ đây.
Tuy nhiên, có thể nói rằng, đạo tràng của Bồ-tát
Quán Thế Âm không có một nơi nào nhất định, mà ở đâu có tín ngưỡng vững chắc, ở
đâu có tinh thần đại bi cứu thế của Bồ-tát Quán Thế Âm, thì ở đó chính là Phổ
Đà, ở đó đích thực có Quán Âm.
Đại sư Thái Hư nói rằng: "Tâm thanh tịnh thì ở
đâu cũng Phổ Đà, và lòng từ bi cứu độ chúng sanh chính là Quán Âm".
Tùy cơ ứng hóa là hạnh nguyện đặc sắc của Bồ-tát
Quán Âm. Đại bi thần chú cho chúng ta biết Bồ-tát Quán Thế Âm có nghìn tay
nghìn mắt. Nghìn tay biểu thị năng lực vĩ đại cứu giúp chúng sanh; nghìn mắt
biểu thị trí tuệ sáng soi không nơi nào là không chiếu đến. Đây là hình ảnh
biểu trưng cho trí tuệ và lòng từ bi của Bồ-tát, làm phương tiện tiếp dẫn chúng
sanh quay về con đường Chánh giác. Có thể nói rằng, phương tiện giáo hóa của
Bồ-tát Quán Thế Âm vô cùng rộng lớn, không một nơi hẻo lánh, xa xôi, bé nhỏ nào
mà Ngài không đến. Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn, tường thuật rất
chi tiết về phương tiện giáo hóa của Bồ-tát Quán Thế Âm. Chẳng hạn, nếu có
những chúng sanh cần đến thân Phật thì mới độ được thì Bồ-tát Quán Thế Âm liền
hiện thân Phật để thuyết pháp cho chúng sanh ấy; cho đến, nếu có những chúng
sanh cần đến thân dạ-xoa, a-tu-la, nhân, phi nhân… mới độ được họ, thì Ngài
liền hiện ra thân loài đó để mà thuyết pháp; những chúng sanh hiện thật trong
thế gian, như cư sĩ, nông phu, công thương, quân chính… cũng được Bồ-tát thị
hiện ra những thân phận ấy để mà thuyết pháp độ cho họ. Phương tiện tùy loại
ứng hóa là hạnh đồng sự nhiếp của chư Bồ-tát, không phải riêng Bồ-tát Quán Thế
Âm.
Ngoài hình tượng nghìn tay, nghìn mắt, còn có
hình tượng Quán Âm 18 tay, Quán Âm 4 tay. Nhưng có lẽ thực tế nhất và cũng là
đẹp nhất chính là khi Ngài hiện thân con người với đầy đủ đức tướng trang
nghiêm, mà tùy theo niềm tin và sự cảm ứng, mọi người thường thấy Ngài hiện
thân như một người mẹ hiền!