sự tôn kính, lời ước nguyện, hy vọng và đợi chờ. Vấn
đề quan trọng nhất của tôn giáo nói chung là lo phần hồn cho tín đồ sau khi
chết bằng những tín điều, lời răn, và sự hứa hẹn. Với chuyện đời thường, tôn
giáo dường như ít quan tâm, nếu như không muốn nói là có rất ít liên hệ. Trong
một nghĩa nào đó, nhiều người theo đạo Phật có lẽ cũng suy nghĩ như thế, bởi lẽ
trong tâm của họ, hình bóng Đức Phật luôn ngự giữa hư không, ẩn hiện giữa các
tầng mây ngũ sắc và đang quan sát những việc làm của họ. Điều này khiến họ yên
tâm để hướng đến thế giới chân thiện mỹ bằng việc tu nhân tích đức, bố thí,
phóng sanh nhằm hưởng quả báo tốt trong đời sau. Cách tư duy này có vẻ thiếu
khôn ngoan và tích cực đối với tầng lớp trí thức. Tuy nhiên, nếu lúc nào đó mà
cuộc sống bạn bất an bởi thế thái nhân tình hay tâm chao đảo bởi ngọn gió danh
lợi vô thường, bạn hãy thử tắm mình trong thế giới tâm linh một lần, thử hướng
lòng mình vào cõi hư không để tìm kiếm sức gia hộ từ năng lực siêu nhiên. Với
không gian trầm lắng, với tấm lòng nhiệt thành, tôi nghĩ rằng bạn sẽ có được
những phút giây tỉnh táo và sáng suốt hơn, có thể lấy lại sự cân bằng để suy
nghiệm về cuộc sống. Thỉnh thoảng tôi cũng thường đối mặt với những khoảnh khắc
như thế và thật sự thanh thản, an bình sau vài phút lắng lòng để cảm nghiệm
tiếng vọng từ thinh không! Cảm giác của sự an lạc, trầm lắng khi hòa điệu với
thiên nhiên là một thứ gì khó diễn đạt. Chỉ tự thân cảm nghiệm mới nhận chân
được giá trị của hạnh phúc do nó mang lại.
Tất nhiên, Phật giáo
không phải là tôn giáo chỉ hàm chứa những giá trị như thế. Giáo chủ của đạo
Phật không chỉ ngự trên đài sen trong những ngôi chánh điện lộng lẫy, sơn son
thiếp vàng, đèn hoa tráng lệ, hay giữa hư không đầy màu sắc huyền bí giám sát
chúng sanh để phán xét, đợi chờ lời cầu nguyện để ban cho! Bởi vì qua đời sống
Đức Phật chúng ta thấy rằng Ngài không phải là một vị thánh siêu nhiên, bất khả
tiếp cận. Ngài không phải là một vị thần để thờ cúng lễ lạy. Ngài cũng không
phải đấng sáng thế có quyền thưởng phạt sinh linh. Ngài vốn là con người, nhưng
là con người đã giác ngộ, biết rõ từng nỗi đau của mọi con người: từ nghèo đến
giàu, từ sang đến hèn, từ giới trí thức đến người thất học, đàn ông, phụ nữ,
quý tộc, thấp hèn... Đức Phật hiện hữu khắp mọi nơi, trong từng ngõ ngách của
cuộc sống! Nơi nào cần Ngài, ở đấy có Phật; vì hạnh nguyện của Phật là ban vui
cứu khổ.
Một Tỳ-kheo trẻ xuất
gia vì lòng mến mộ đức tướng của Phật. Sau một thời gian dài dong ruổi theo
bước chân của Ngài, Tỳ-kheo ấy lâm trọng bệnh nên không thể diện kiến dung sắc
của Ngài. Để thỏa ước nguyện trước giờ phút lâm chung của người học trò tội
nghiệp, bậc đạo sư đã đến thăm Vekkhali, tên vị Tỳ-kheo, đang trú ngụ trong một
căn chòi bé nhỏ lợp bằng tranh chỉ kê được một chiếc gường và để vừa một cái
ghế. Sự xuất hiện của bậc Đạo Sư trong thời khắc ấy đã mang đến cho vị Tỳ-kheo
niềm hỷ lạc vô biên, xua tan mọi nỗi đau, phiền muộn. Lời khuyến tấn “Ai thấy
Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Phật” đã khai mở tâm trí cho
Vekkhali về những gì mà một người đệ tử Phật đáng trân trọng và tìm kiếm trong
cuộc đời. Với sự tỏ ngộ này, chắc chắn Vekkhali đã cảm nhận được hạnh phúc của
“khoảnh khắc là thiên thu” trong kiếp sống đầy vô thường huyễn hóa này.
Khi được biết Tôn giả
Đại Ca-diếp (Maha Kassapa), đại đệ tử của mình, bị bệnh nặng kịch liệt và đang
trú tại hang động Pipphali, Thế Tôn đích thân đến thăm, thuyết bài pháp “Bảy
yếu tố giác ngộ”(Thất giác chi) giúp Tôn giả vượt qua được cơn bệnh. Sau đó,
Đức Phật mời tôn giả về ở chung, san sẻ y áo, thuốc men và thức ăn với người
học trò gương mẫu và đức hạnh của mình.
Với nhãn quan thế
gian, những việc làm trên là thường tình, chuyện nhỏ, chỉ là cuộc viếng thăm
người bệnh. Tuy nhiên, trong lãnh vực tâm linh, hành động ấy lại vô cùng ý
nghĩa vì nó được Đức Phật, bậc Giác ngộ thực hiện. Thật không dễ gì để tìm thấy
cách hành xử đầy lòng nhân ái và đậm tính nhân văn như thế trong cuộc đời của
giáo chủ các tôn giáo! Bởi lẽ, đối với cảnh giới thần linh, cách hành xử như
vậy chỉ xảy ra trong thế giới trần tục, những người còn nặng nợ ân tình với
nhau, còn thế giới thần thánh chỉ liên quan đến đời sau, đến việc phán xét và
thưởng phạt. Nếu vị giáo chủ của một tôn giáo thời danh đã giận dữ với cây sung
tội nghiệp, buông lời nguyền rủa nặng nề và khai tử nó vì nó không thể đơm hoa
kết trái khi chưa đúng thời vụ để thỏa mãn cơn đói khát của vị ấy, Đức Phật lại
dạy hàng đệ tử của mình hãy bình tĩnh và sáng suốt trong việc hành xử với những
gì trái ý của mình. Cùng song hành với Đức Phật trên đường, một thanh niên
Bà-la-môn dùng vô số ngôn từ tốt đẹp để ca ngợi Ngài. Trong khi ấy, vị Bà-la-môn
già, thầy của thanh niên kia, lại dùng tất cả những ngôn từ xấu xa để chê bai,
phỉ báng Thế Tôn. Sau sự kiện đó, Đức Phật dạy rằng khi được người ta khen
ngợi, đừng vì lời khen mà vui mừng. Thay vào đó, các đệ tử của Ngài hãy xem xét
những lời khen đó có hiện hữu trong mình hay không! Nếu có thì ghi nhận là có
và tiếp tục tu tập để làm lớn thiện nghiệp ấy; nếu không thì hãy nói rằng trong
tôi không có những phẩm chất tốt đẹp ấy. Ngược lại, nếu bị người khác chỉ
trích, phê bình, chống đối, đệ tử Phật hãy bình tâm quán chiếu, xem thử sự phê
phán ấy có trong ta hay không, nếu có thì ghi nhận và sửa chữa. Nếu không có
thì nói rằng những bất thiện pháp ấy không hiện diện trong cuộc sống của tôi.
Khó lòng tìm thấy
được một người thầy tâm linh vĩ đại như Đức Phật, người tuyên bố đã giải thoát
hoàn toàn mọi sự trói buộc của thế gian, lại quan tâm và thương mến con người
đến như thế. Trước khi thị tịch, Đức Phật thọ nhận buổi cơm cuối cùng do người
thợ rèn Cunda (Thuần Đà) cúng dường. Thức ăn mà Cunda chuẩn bị riêng cho Đức
Phật là món đặc biệt có tên gọi Sukaramaddava (nấm rừng). Ăn xong Thế Tôn bị
kiết lỵ nặng. Ngài phải dùng định lực để nhiếp phục cơn đau. Những biểu hiện từ
ái, bao dung trong chút sức tàn còn lại của một người thầy trước giờ mãi mãi ra
đi ắt sẽ khiến cho mọi người không thể cầm được nước mắt mỗi lúc hồi tưởng lại
sự quan tâm lo lắng của Ngài: “Này Ananda, có thể có người trách Cunda về bữa
ăn cuối cùng dành cho Ta, vì sau bữa ăn đó Ta sẽ nhập diệt, và Cunda có thể ăn
năn hối hận. Này Ananda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ rèn Cunda
bằng cách tuyên bố sự thật rằng có hai bữa ăn cúng dường cho Như Lai đem lại
công đức lớn cho người cúng dường. Đó là bữa ăn trước giờ Như Lai thành đạo và
bữa ăn cúng dường Như Lai trước giờ Như Lai nhập Niết bàn… Này Anada, hãy nói
như vậy để loại bỏ mọi nỗi ân hận của Cunda, nếu có”. Cách hành xử đầy lòng
nhân ái và trí tuệ trên có thể đã chuyên chở đầy đủ ý nghĩa của lời dạy sau
đây: “Thật sự này Simha, ta lên án những hành động, những cử chỉ đưa đến tội lỗi
bằng lời nói, bằng tư tưởng hoặc bằng việc làm. Thật sự rằng, này Simha, Ta
giảng dạy sự dập tắt, nhưng chỉ dập tắt lòng kiêu hãnh, tham lam, những tư
tưởng tội lỗi và vô minh, mà không phải là sự dập tắt tính khoan dung, độ
lượng, lòng yêu thương, nhân từ và chân lý”. Với những gì được chính Đức Phật
thể hiện bằng cách sống, lối hành xử như trên chắc người ta sẽ không thể ngộ
nhận thêm rằng đạo Phật là tôn giáo hủy diệt sự sống hay chỉ lo chuyện kiếp
sau.
Cuộc đời đang tràn
ngập khổ đau: nỗi đau do bệnh tật, do thiếu ăn, thiếu mặc, chiến tranh, hận
thù, thiên tai, bão lụt; nỗi đau do mất mát người thân, sinh ly tử biệt, thế
thái nhân tình, vô thường biến hoại…. Cuộc đời đang chờ những nhân cách đầy
lòng từ bi, tâm trí tuệ che chở. Khó có ai sống trong thế giới này mà không cần
đến sự chia sẻ, lòng yêu thương, đức nhân từ, khoan dung, độ lượng. Vì thế,
hình ảnh của người thầy tâm linh như Đức Phật thật sự cần thiết cho cuộc đời
này. Sự quan tâm, chia sẻ và lo lắng của Đức Phật trong chính cuộc sống đời thường
là những liều thuốc kỳ diệu nhất có thể làm dịu mọi cơn đau cho nhân thế. Hãy
đem Đức Phật vào trong thế giới này bằng cách áp dụng lời dạy của Ngài vào
trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta để làm lắng dịu bớt nỗi đau của kiếp
người. Khi đức hạnh và trí tuệ của Phật được hiện thực hóa bằng hành động của
con người, cuộc đời sẽ trở nên an bình và hạnh phúc. Từ đây, người ta có lý do
để tin vào một tương lai tốt đẹp trong một thế giới đầy tính nhân đạo nhân văn
qua một nghệ thuật sống mà suốt 26 thế kỷ qua đã được nhân loại thẩm định giá
trị.
Hãy săn sóc chủng tử Phật
trong tâm của chúng ta! Hãy để cho hạt giống này đơm hoa kết trái trong mỗi
hành vi, cử chỉ của mọi người! Hoa nở là mùa xuân về. Thế giới này luôn mãi là
mùa xuân khi tâm từ bi được nuôi dưỡng, khi trí tuệ kết hoa. Ở đâu có từ bi trí
tuệ, ở đó có hình bóng của Đức Phật, bởi lẽ “Phật ở đâu xa, Phật ở quanh ta,
Phật ở đâu xa, Phật ở trong ta”.