Đức Phật thành đạo theo giáo lý Tây Tạng


Craig Hamilton - Parker - Trần Khiết Bách dịch
28/12/2011 13:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 202506
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật không phải là một vị thần, một nhà tiên tri hay một thiên sứ. Ngài chỉ là một con người bình thường nhưng đã nhờ vào những cố gắng tự thân, mở toang mọi tiềm năng của chính mình và trực tiếp nhận thức được bản chất thật của thực tại.


Trích1

Hơn năm trăm năm trước Tây lịch vào đêm trăng tròn đầu tiên của tháng Vesakha theo lịch Ấn Độ, Ngài Siddhartha Gautama ngồi xếp bằng theo thế kiết già dưới gốc một cây Bồ-đề bên bờ sông Niranjana ở Ấn Độ, tại một nơi sau này nổi tiếng với cái tên Bodhgaya. Thề không đứng dậy cho đến khi thấy được con đường mà Ngài vẫn khát khao tìm kiếm, Siddhartha vào sâu trong trạng thái thiền định. Khi đêm đã tàn, Ngài càng lúc càng tiến sâu hơn vào bản chất của thực tại cho đến tận lúc cuối cùng, Ngài đã thành tựu đầy đủ sự nhận thức toàn triệt và trực tiếp về chân lý. Khi ngôi sao mai vừa mọc ở phía Đông, sự giác ngộ của Ngài đã hoàn toàn viên mãn và không gì lay chuyển được. Siddhartha đã trở thành Phật, từ Sanskrit là Buddha, có nghĩa là một người hoàn toàn giác ngộ. Chúng ta cũng nên biết rằng người Tây Tạng gọi Ngài là Shakyamuni, cái tên có nghĩa là ‘bậc thánh của dòng Shakya’.

Phật không phải là một vị thần, một nhà tiên tri hay một thiên sứ. Ngài chỉ là một con người bình thường nhưng đã nhờ vào những cố gắng tự thân, mở toang mọi tiềm năng của chính mình và trực tiếp nhận thức được bản chất thật của thực tại.

Toàn thể truyền thống Phật giáo hiện hữu là để chứng nghiệm và chia sẻ cái nhận thức sâu xa đó với mọi người.

Mặc dù sự thành đạo của Đức Phật chỉ diễn ra trong khoảng thời gian của một đêm, cuộc chiến đấu về tâm linh nhằm đạt tới mục đích đó đã trải qua nhiều năm cố gắng vất vả không ngừng nghỉ. Phật tử tin rằng không chỉ trong kiếp sống hiện tại lúc bấy giờ, mà còn ở vô số kiếp sống trước đó nữa, Đức Phật đã chuẩn bị nền tảng cho cái nhìn thấu suốt của Ngài về thực tại. Truyền thống Tây Tạng kể rằng trong vô số kiếp về trước, một tiền thân của Đức Phật đã sinh ra trong một thân bò ở địa ngục và được thắng đôi để kéo một chiếc xe. Ngài cảm thấy thương hại cho con bò yếu ớt được thắng đôi với mình nên đã nói với thằng Alan cai quản cõi Dama rằng Ngài sẵn lòng kéo cỗ xe một mình. Thằng Alan nổi giận giết Ngài bằng một chiếc đinh ba; ngay lúc ấy, thần thức của Ngài được thúc đẩy bởi lòng từ đã tái sanh vào cõi trời Tam thập tam. Tại đó, Ngài lại tiếp tục tích tụ công đức trải qua vô số kiếp.

Sách đã giải thích Ngài Siddhartha rời bỏ ngôi vị thái tử và sống cuộc đời khổ hạnh như thế nào. Tuy nhiên, Ngài đã thấy khổ hạnh không phải là con đường thích hợp để rồi tự đảm nhận cuộc truy cầu chân lý của chính mình.

 

Trích 2:

Mặc dù việc từ bỏ con đường khổ hạnh có vẻ như là một thất bại, thật ra đó là một chiến thắng vĩ đại của Siddhartha. Ngài đã vượt qua được cái khuynh hướng rất con người là luôn luôn tìm cách phủ nhận rằng mình đã nhằm lẫn. Siddhartha đã buông bỏ tất cả những gì đã đạt được trong quá trình tu khổ hạnh, trừ ra việc Ngài đã chuẩn bị để vạch ra con đường của riêng mình trong khao khát truy cầu chân lý. Ngài không kể gì đến việc bị mất tất cả đệ tử, Ngài cũng chẳng ngại phải bắt đầu lại từ ban đầu, thay vào đó, Ngài thú nhận mình đã nhầm lẫn, và tiếp tục cuộc truy vấn của chính mình.

Cuối cùng, sau năm giấc mơ có tính cách điềm báo và ngay trong đêm đã nhận thực phẩm, Siddhartha ngồi dưới một gốc cây tại Bodhgaya và trải qua một đêm trong thiền định. Ngài phát nguyện thực hiện một cố gắng cuối cùng và thề sẽ không rời khỏi chỗ cho đến khi thành tựu sự truy cầu của mình về giác ngộ. Nghệ thuật Tây Tạng mô tả khoảnh khắc ấy với hình ảnh bậc Đại sĩ sắp thành Phật ngồi trên một đống cỏ busa ngay bên dưới những cành tỏa rộng của một cây sung cổ thụ thiêng liêng mà về sau này gọi là cây Bồ-đề hay cây giác ngộ. Chung quanh Ngài ở khắp cả các phương hướng là hàng ngàn quỷ dữ thở ra những ngọn lửa đầy đe dọa cùng những hình hài kỳ dị. Có những tướng quỷ bắn cung, cầm tên, hay đập vỡ cả những quả núi. Huyền thoại kể rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã phải đối đầu với Ma vương ( một thuật ngữ Phật giáo nhằm nhân cách hóa sự vô thường và cái chết, thường được gọi là quỷ) cùng với những đạo quân của kẻ này. Ma vương khuyến dụ Đức Phật với hy vọng Ngài sẽ từ bỏ sự truy cầu của mình.

Đó là một biểu tượng về những khó khăn mà mọi cá nhân đều sẽ gặp phải trên con đường đi đến sự giác ngộ. Những sự cám dỗ ấy biểu tượng cho sự sợ hãi, sự nghi ngờ, và lòng khát khao trở lại với những lạc thú và mục đích trần tục. Nhưng Đức Phật đã chẳng hề chú ý tới cuộc trình diễn của chúng ma; và, coi mọi sự chỉ là những ảo tưởng của ma thuật, Ngài chẳng hề tỏ ra sợ hãi đạo quân ma. Bậc Đại sĩ sắp thành Phật ấy đã tích tụ đủ công đức và uy lực để chiến thắng mọi cám dỗ. Khi những mũi tên, và cả những mũi tên lửa nữa, chạm phải hào quang của Ngài, chúng lập tức biến thành hoa và rơi lả tả xuống mặt đất. Đức Phật vẫn tiếp tục thiền định niêm mật. Bấy giờ Ma vương đổi chiến thuật và cố gắng mơn trớn Đức Phật. Ma vương triệu tập một bầy ma nữ ra lệnh cho họ múa những điệu múa hết sức khêu gợi. Nhưng Đức Phật vẫn tiếp tục thiền định: không một điều gì có thể thuyết phục Ngài rời bỏ con đường đã chọn. Cuối cùng, Ma vương đành chấp nhận Phật một mình dưới gốc cây Bồ-đề.

 Những cám dỗ đối với Đức Phật

Nhiều kinh văn thuật lại chi tiết câu chuyện này; kể lại việc Ma vương cố gắng dụ dỗ Đức Phật tiếp nhận nhiệm vụ thái tử của mình như thế nào, việc Đức Phật đánh tan các đạo quân ma rồi làm chúng sợ hãi bằng lưỡi gươm rực lửa như thế nào; chúng ta được đọc những truyền thuyết về việc Ngài đặt tay xuống đất gọi thần đất Prithivi lên để làm chứng cho Ngài như thế nào. Truyền thống Yamantaka của Tây Tạng cho rằng Ngài đã chiến thắng ma quân bằng cách xuất hiện trong những thân Yamantaka nửa đen nửa đỏ; cũng có những kinh văn Tây Tạng khác kể lại câu chuyện rằng Đức Phật bỏ lại nhục thân bên bờ sông Niranjana rồi hiện Pháp thân vào cõi trời Akanisha, ở đó Ngài nhập Đại thủ ấn của cõi Kim cương. Hiển nhiên, những câu chuyện đó chỉ là những cách thần bí nhằm thể hiện điều đã xảy ra. Sự thật là Đức Phật ngồi một mình dưới cây Bồ-đề và chẳng hề có ai chứng kiến điều gì đã thật sự diễn ra. Những câu chuyện ấy, cũng như chuyện Chúa Jesus bị cám dỗ trên đỉnh núi, chỉ là những biểu tượng thể hiện các tầng bậc của sự giác ngộ và những trở ngại mà bất kỳ ai cũng sẽ có ngày phải tự mình vượt qua.

 Siddhartha đạt tới sự giác ngộ

Sau bốn mươi chín ngày thiền định niêm mật, Siddhartha đã đạt tới sự giác ngộ cuối cùng như là kết quả của việc vị thái tử đi tu khổ hạnh đã trở thành Đức Phật – Thế Tôn. Sự nhận thức của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về chân lý tối hậu của thực tại tuyệt đối đã khai mở theo những tầng bậc giống như một đóa sen nở dần từng lớp lớp tràng hoa. Bậc đầu tiên là một loại suy tưởng an tịnh và buông bỏ, ở đó hành giả thấy vui và an bình nhưng mới chỉ là sự từ bỏ ý thức thường ngày (Ly sanh hỷ lạc). Ở bậc kế tiếp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trở nên không còn vướng mắc với những dao động của tâm thức và tư tưởng được chuyển hóa để tiến vào một trạng thái an lạc và vui sướng sâu sắc hơn (Định sanh hỷ lạc). Ở bậc thứ ba, Ngài đạt tới một niềm vui sướng trong trẻo hơn nữa (Ly hỷ diệu lạc) cho đến khi Ngài tiến vào bậc thứ tư và là bậc cuối của tầng ý thức, tại đó, niềm  vui cũng nhạt dần, chỉ để lại một dòng tâm thức hết sức an lạc và trong trẻo đến mức có thể trực tiếp cảm nhận được thực tại (Xả niệm thanh tịnh).

Bốn tầng khai mở của ý thức này đã chuẩn bị để Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhận thức được những tầng vô thức. Bậc đầu của sự nhận thức đó xảy ra vào canh một (từ 6 giờ đến 10 giờ tối) khi Ngài tự nhiên nhớ lại được tất cả những kiếp quá khứ, điều mà các Phật tử gọi là Túc mạng minh. Ngài nhớ lại hàng chục ngàn những kiếp quá khứ như thể đã sống lại toàn thể những kiếp sống ấy đến từng chi tiết. Mọi người đều có những ký ức chi tiết ấy nhưng chúng bị tắt nghẽn ở đâu đó trong tâm thức mình. Chúng ta có thể chứng kiến những người khi bị thôi miên thuật lại chi tiết cuộc đời của ho. Đôi khi họ nêu ra những sự kiện mà chúng ta có thể kiểm chứng qua những ghi nhận của công chúng. Lại nữa, một lần khi tôi quỳ dưới chân vị thầy của mình, ngài Sai Baba, ở Ấn Độ, tôi đã thấy cuộc đời quá khứ của tôi lướt qua trước mặt mình như một cuộn phim quay nhanh. Sự thật là mọi người đều có thể đạt tới những trạng thái xuất thần mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng như những vị trước Ngài và sau Ngài đã tiết lộ cho chúng ta. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ là một con người. Một số Phật tử cho biết một vài kiếp trước của Ngài được kể lại trong tập truyện Jataka thuộc hệ kinh điển Pali. Thích Ca Mâu Ni là Đức Phật của thời đại này, thời Kali Yuga (thời đại suy đồi theo kinh điển Bà-la-môn); trước Ngài đã có Đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara Buddha); và bậc Đại giác ngộ của thời đại tiếp theo là Đức Phật Di Lặc (Maitreya Buddha). Có những vị khi đạt tới sự giác ngộ thì dời khỏi dòng sinh tử và không cần phải tái sinh. Tuy nhiên, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã quyết định trở lại trong dòng sống để dạy loài người về chân lý giải thoát, như Phật Nhiên Đăng đã từng quyết định như vậy; cũng như Đức Phật Di Lặc sẽ quyết định như vậy trong những thế kỷ sắp tới.

 Lòng từ của Đức Phật

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tràn đầy từ tâm khi Ngài chứng kiến chúng sinh vị trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi không bao giờ dừng nghỉ. Khi trời đêm tiến vào canh hai (từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng hôm sau), Ngài đã đạt tới một nhận thức thấu suốt khác, được người Phật tử gọi là Thiên nhãn minh. Năng lực về sự cảm nhận và sự thấy biết siêu việt của Ngài mở rộng đến mức Ngài thấy biết trực tiếp về mọi kích thước và cõi giới đang tồn tại. Ngài thấy không những thế giới của loài người với những chúng sanh luân chuyển trong nhân giới, thiên giới và địa ngục mà Ngài còn thấy được tất cả những cõi giới của A-tu-la, ngạ quỷ, súc sanh. Trong tất cả những cõi giới ấy, Ngài thấy tất cả chúng sanh tự gây nên những đau khổ cho chính mình bởi những hành vi của chính mình. Người Thiên Chúa giáo cũng nhận thức được những điều tương tụ trong lời dạy của Jesus, “Người gieo gì thì người gặt nấy”.

Trong Phật giáo, định luật nhân quả này được gọi là nghiệp. Luật cân bằng nghiệp cũng được giải thích trong những kinh văn của Ấn Độ giáo. Trong sự vận hành của luật tắc tự nhiên, bởi tư tưởng và hành động, mỗi chúng sinh đều là kẻ đúc khuôn cho phần số của chính mình. Bất kỳ hành động nào mà con người đưa vào chuyển động cũng đều đáp trả lại cho kẻ đó như điểm khởi đầu của hành động ấy giống như một chu kỳ của các sự kiện. Đó chính là công lý tối hậu và nghiệp của một người đi theo người đó từ kiếp này sang kiếp khác cho đến khi đã trả đủ hoặc đã được chuyển hóa về mặt tâm thức. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thấy rõ những luật vĩnh cửu ấy phơi bày ra và cảm thấy thương hại cho tất cả chúng sanh phải trôi nổi mãi mãi trong cái tiến trình lòng vòng ấy mà không biết tại sao cũng như chẳng biết thế nào để thoát ra.

Vào canh ba (từ 2 giờ đến 6 giờ sáng), Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đạt tới nhận thức tuyệt đối và sự giác ngộ tuyệt đối. Đối với Ngài, nghiệp đã mất đối tượng của nó, vì nó cũng giống như Pháp, là luật Tuyệt đối. Sự giác ngộ mà Ngài đã chứng đắc không thể nói đươc bằng ngôn ngữ vì điều đó vượt ngoài ngôn ngữ, hình thể, hoặc ngay cả tư tưởng nữa. Pháp có thể biết được, nhưng không bao giờ được bày tỏ một cách trọn vẹn, ngay cả bỏi chính Đức Phật. Sự giác ngộ bao gồm một sự an lạc toàn hảo, sự vui sướng trong trẻo và một sự hiểu biết không thể bị lay chuyển khi bạn có được trải nghiệm về chân lý tuyệt đối. Đó là niềm vui vô hạn, niềm an lạc vô hạn và lòng từ vô hạn.

Thời điểm chọc thủng hoàn toàn màn vô minh trùng hợp với thời khắc mặt trời mọc vào lúc 6 giờ sáng. Siddhartha đã đánh tan mọi lưc lượng của Ma vương, đã thấy được xuyên qua cái ngã đầy ảo tưởng và đã diệt sạch mọi cấu uế trong tâm thức. Cuộc chiến đấu đã hoàn toàn kết thúc; Ngài đã nhận biết được sự an lạc tối thượng, mãi mãi; giống như mặt trời Ngài vừa thấy đang mọc lên ở chân trời buổi sáng, Ngài đã hoàn toàn tỉnh thức từ đêm tối của tâm hồn. Không chỉ nhìn thoáng qua Chân lý, Ngài đã thực sự trở thành một với Chân lý. Bây giờ Ngài thực sự là một vị Phật.

 Giác ngộ là gì?

Sự giác ngộ được mô tả một cách rõ rệt nhất như là một trạng thái hiện hữu hơn là một sự nhận thức thấu suốt vào bản thể. Từ quan điểm của sự minh triết, đó là sự nhận biết thấu suốt trực tiếp về bản chất của thực tại và về Chân lý. Đó không phải là một sự hiểu biết có tính cách trí thức mà là một sự hòa nhập làm một với chân lý. Với sự giác ngộ, đã diễn ra sự giải phóng khỏi vô minh, lo âu, buồn phiền, và mọi bất hạnh. Và, có thể được coi như một phần thưởng, chúng ta trải nghiệm một trạng thái xuất thần của sự hiện hữu thuần khiết. Trạng thái này là một khả năng thực tế đối với bất kỳ ai đã được sinhra trong thân người. Được biết đến như sự “giải thoát tâm hồn”, Phật tử thuộc mọi hệ phái đều truy cầu cùng một mục đích này. Phật giáo gọi cái trạng thái không thể mô tả đó, vượt ngoài hiện hữu và không hiện hữu, nơi mà mọi tham ái, vô minh, đau khổ đều bị tận diệt, là Niết-bàn. Trạng thái này có thể đạt được cả trong cuộc sống này lẫn sau khi chết.

Từ Niết-bàn có nghĩa đen là tắt ngấm, tượng trưng cho ngọn lửa tham, sân, và si đã bị dập tắt. Trước hết, Niết-bàn là sự chấm dứt, là sự kết thúc của chu kỳ luân hồi và là sự giải thoát tối hậu của mọi đau khổ. Khái niệm này thật khó để người phương Tây nắm bắt, vì thoạt nghe, nó có vẻ giống như việc tiêu diệt tất cả những gì chúng ta coi là quý giá. Điều đó có vẻ như nói rằng chúng ta tự tiêu diệt để chúng ta thoát khỏi đau khổ; kẻ cam tâm tự tử trong hành động gần với sự ích kỷ nhất.

Những điều mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mô tả cũng giống như kinh nghiệm huyền bí mà loài người đã từng mô tả ở mọi thời đại và ở mọi nền văn hóa. Chẳng hạn, triết gia Hy Lạp thuộc trường phái tân Plato lâ Plotinus đã trải nghiệm một sự hợp nhất của linh hồn mình với Thượng đế. Ông ta giảng rằng mọi sự là toàn thể mà mọi sự cũng là một. Nhiều triết gia phương Tây khác lập luận rằng điều mà chúng ta gọi là “tôi” không phải là cái “tôi” chân thật, và ở những thời điểm nào đó, chúng ta có thể có được một cái nhìn thoáng qua về một cái “tôi” vĩ đại hơn. Một số nhà huyền học gọi cái Vô hạn, Bản thể, hay Vũ trụ là Thượng đế hay Linh hồn Vũ trụ. Nhưng ý tưởng tương tự như quan điểm của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể được thấy trong các triết thuyết của Descartes, Spinoza, Locke, Berkeley, Kant, và Kierkegaard. Đặc biệt, sự thành tựu vĩ đại của Schopenhauer (1788 – 1860) nằm trong sự nhận thức của ông về phẩm giá nội tại của lương tâm nhân loại mà ông cho là đứng trên mọi thần linh, và là nguồn gốc của mọi sự, một chân lý được Schopenhauer phát hiện độc lập. Cũng vậy, nhà huyền học Thiên Chúa giáo Angelus Silesius (1624 – 1677) đã so sánh sự hợp nhất với cái vô tận như là một giọt nước trở thành một với đại dương, “Mỗi giọt nước trở thành biển cả khi nó chảy ra biển, hệt như cuối cùng các linh hồn thăng hoa và trở thành Thượng đế”.

 Sự mô tả bằng thi ca về sự thành đạo của Đức Phật

Tập sử thi Ánh sáng Á châu của Edwin Arnold nhắm tới việc trình bày cuộc đời của Đức Phật như được hiểu bởi một người Phật tử phương Nam, cũng mô tả sự thành đạo theo cùng một cách tương tự:

Vào Niết-bàn, Ngài là một Đời Sống.

Nhưng cùng lúc Ngài không sống.

Mà lạ thay, Ngài đang ngừng hiện hữu.

Om, mani padme hum!

Giọt sương mai trượt vào biển quang minh!

 

Tương tự, tập thánh thư của Ấn Độ giáo Upanishads mô tả Atma (Tiểu ngã), được coi là thực tại thiêng liêng của một con người, hiện hữu bên trên và bên ngoài cả thân, tâm, và trí. Thành phần tinh túy đó có thể hòa nhập với Brahman (Đại ngã, hay Linh hồn Vũ trụ tối thượng), là kết quả của sự tự nhận thức hoặc tương đương với sự giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị thánh Ấn Độ giáo hiện tại, ngài Sai Baba, nói, “Người mà lúc nào cũng khuất phục được tính vị kỷ, chiến thắng lòng ham muốn và lợi ích của riêng mình, tiêu diệt được mọi tinh khí và những xung động dã man cũng như từ bỏ được cái thiên hướng tự nhiên coi thân xác là tự ngã, người ấy rõ ràng đang đi trên con đường của giáo pháp. Người ấy biết rằng mục tiêu của giáo pháp là sự hòa nhập của sóng vào biển cả, sự hòa nhập của tự ngã vào siêu ngã” (Trích Dharma Vahini, trang 4) và, “Chúng ta chỉ là cái bóng của Ý thức Tối thượng, và về cơ bản, chúng ta không là một cá nhân, mà chính là Ý thức Tối thượng ấy”.

Những ý tưởng như vậy luôn luôn nằm ở trung tâm của nền huyền học phương Đông, và Phật giáo có thể rất khó để người phương Tây nắm bắt. Trong Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, và Hồi giáo, nhà huyền học nhấn mạnh rằng sự hòa nhập của ông ta là sự hòa nhập với một Thượng đế mang tính cách con người. Mặc dù Thượng đế hiện diện trong thiên giới và trong linh hồn con người, Ngài cũng siêu vượt thế giới ấy. Tuy nhiên trong các tôn giáo phương Đông, có sự nhấn mạnh rằng kinh nghiệm huyền bí là một sự hợp nhất toàn thể với Thượng đế. Đạo Phật không tin vào một vị Thượng đế sáng tạo độc lập, nhưng như chúng ta có thể thấy, Chân lý mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hé lộ cho chúng ta, về bản chất, cũng giống với những gì là cốt lõi của hầu hết những tôn giáo và triết lý khác.

Trích từ The Timeless Wisdom of the Tibetans (Trí tuệ vượt thời gian của người Tây Tạng) của Craig Hamilton-Parker.

Nguồn: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 130


Âm lịch

Ảnh đẹp