PHẬT VÀ THÁNH CHÚNG


Cao Hữu Đính
14/07/2011 09:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 215669
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
PHẬT VÀ THÁNH CHÚNG
Mục lục

PHẬT VÀ THÁNH CHÚNG
Xuất bản: Phật Học Viện Nha Trang, Phật lịch 2513

 

THÁNH CHÚNG NGOÀI THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ

            Như đã biết trong một đoạn trước, Thánh chúng đệ tử của Phật không chỉ giới hạn trong số mười vị đại đệ tử nói trên. Tổng số Thánh chúng chứng quả gồm tất cả là 1255 vị mà đoạn ở đầu các kinh thường chỉ nêu con số tròn là 1250. Trong số này, mười thánh giả đại đệ tử trên vì quá xuất sắc nên luôn luôn được nhắc nhở làm gương mẫu tiêu biểu. Mặt khác, nếu kể chung cả bốn chúng xuất gia lẫn tại gia, thì ngoài mười vị gương mẫu tiêu biểu, đệ tử Phật còn có một số khác nữa, cũng có những sở đắc đặc thù riêng, không kém quan trọng, liệt kê sau đây:

            A.- TRONG CHÚNG TỲ KHEO

                  1.- Pháp lạp số 1               : Kiều Trần Như.

 2.- Tánh quý số 1               : Ca Lỵ Hào Đà Tử Bạt Đề.

 3.- Mỹ ngôn số 1               : La Cưu Sát Ca Bạt Đề.

 4.- Sư tử hống số 1                      : Tân Đầu Lô.

 5.- Giải thoát số 1              : Chu Lỵ Bàn Đà Già.

 6.- Vô tưởng số 1              : Ma Ha Bàn Đề.

 7.- Thiền định số 1                         : Ly Bà Đa.

 8.- Tinh tấn số 1                 : Tô Na Khảo Lỵ Tỳ Sa.

 9.- Mỹ âm số 1                   : Văn Nhị Bách Ức.

 10.- Sở đắc số 1                  : Tư Ba Ly.

 11.- Tín tâm số 1                 : Bà Ca Lỵ.

 12.- Đắc giải số 1                : Câu Hy La.

 13.- Hạnh vận số 1              : Cưu Sất Đà Na.

14.- Thí tài số 1                    : Bà Kỳ Sa.

15.- Lãnh chúng số 1                      : Ưu Lâu Tần La Ca Diếp.

16.- Giáo tế số 1                   : Ca Lưu Đà Di.

17.- Vô bệnh số 1                 : Bạc Câu La.

18.- Ký ức số 1                                : Ưu Bà Ly.

 19.- Giáo hội Ni chúng số 1             : Nan Đà Ca.

20.- Giáo hội Tỳ kheo số 1             : Kiếp Tân Na.

            B.- TRONG CHÚNG TỲ KHEO NI

 1.- Pháp lạp số 1               : Ma Ha Ba Xà Ba Đề.

 2.- Trí tuệ số 1                   : Kế Ma.

 3.- Thần thông số 1                      : Liên Hoa Sắc.

 4.- Trì luật số 1                  : Ba Sất Già La.

 5.- Thuyết pháp số 1          : Pháp Dữ.

 6.- Thiền định số 1             : Nan Đà.

 7.- Tinh tấn số 1                 : Tô Na.

 8.- Thiên nhãn số 1                         : Cổ Câu La.

 9.- Tiệp tuệ số 1                : Bạt Đà Nhã Đà La.

 10.- Tín tâm số 1                 : Chỉ Già La Ma Đa.

            C.- TRONG CHÚNG ƯU BÀ TẮC

 1.- Bố thí số 1                                 : Tu Đạt.

 2.- Thuyết pháp số 1          : Chất Đa.

 3.- Cúng dường số 1          : Ức Ca.

 4.- Y hộ số 1                                  : Kỳ Bà.

 5.- Tín thật số 1                 : Na Cưu La.

 6.- Bất hoại tín tâm số 1      : Tu La Am Bà Đa.

            D.- TRONG CHÚNG ƯU BÀ DI

1.- Bố thí số 1                                 : Tỳ Xá Khư.

2.- Đa văn số 1                   : Uất Đa La.

3.- Khán bệnh số 1                         : Tu Bỉ Đa.

4.- Tín ngưỡng kiên cố số 1: Ca Đế Nhĩ.

5.- Truyền Tam bảo số 1             : Ca Ly.

            Sở dĩ Phật thuần lương hóa được xã hội thời bấy giờ và thành công rực rỡ trong công cuộc thánh hóa một số đệ tử đông trên ngàn người, là nhờ Phật hội đủ mọi nguyên nhân căn bản thiết yếu của một nền giáo dục. Phương pháp giáo hóa của Ngài có nhiều ưu điểm đặc biệt. Trước hết trên mặt nổi, phải kể đến giáo pháp Trung đạo thậm thâm vi diệu của ngài. Thứ đến dưới mặt chìm, phải kể đến tâm đức Từ Bi Hỷ Xả rộng lớn của Ngài. Thứ nữa ở tầng trung gian, phải kể đến cái biệt tài vô song của ngài khéo xử dụng nhiều phương tiện thiện xảo, thích nghi mọi căn cơ, mọi trình độ, mọi hoàn cảnh. Điển hình nhất là các trường hợp ngộ đạo sau đây:

I. CHU LỴ BÀN ĐÀ GIÀ (Suddhi Panthaka)

            Hai anh em ông Bàn Đà Già (còn gọi Bán Thác Ca) là hai anh em sanh đôi và cùng theo Phật một lần. Ông anh (Ma Ha) thông minh lanh lợi bao nhiêu thì trái lại, ông em (Chu Lỵ) u mê đần độn bấy nhiêu. Biết rõ năng khiếu chậm lụt của Chu Lỵ, nhưng Phật hết lòng mến yêu và đăïc biệt trọng nể hơn ông anh, vì Chu Lỵ là người tất mực chánh trực.             Một hôm Phật đi thuyết giáo về đến cổng tịnh xá Kỳ Viên thì thấy một đám quần chúng đang vây quanh một vị Sa môn             ở bên vệ đường mà chỉ chỏ chê cười, trong khi đó vị sa môn kia ngồi khóc lóc gào thét thê thảm. Đó chính là Chu Lỵ vừa bị anh đuổi đi, không cho ở chung với chúng tu học nữa. Phật dìu ông trở lại tịnh xá, hỏi:

            - Vì sao ông ngồi khóc ở đây?

            - Bạch Phật, đệ tử biết mình là kẻ ngu đần, nên tuy xuất gia một lần với thân huynh, được thân huynh tiếp sức dạy thêm cho, nhưng mãi đến nay một bài kệ ngắn cũng không sao thuộc nổi. Thân huynh bảo rằng đệ tử không còn hy vọng tu hành, hôm nay thừa lúc Phật đi vắng, đuổi đệ tử hoàn tục. Bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn, đệ tử không còn biện pháp nào hơn là ngồi khóc, chờ Phật về giải cứu.

            Phật từ ái an ủi Chu Lỵ rằng: "Ông không nên quan tâm điều đó. Ông từng theo ta trên con đưòng du hóa đó đây. Qua kinh nghiệm, ông cũng thấy hễ ai biết mình ngu thì đó mới là kẻ trí. Còn thường thường chỉ những kẻ thực sự ngu độn mới lầm tưởng rằng mình là bậc thông minh. Nay ông tự biết mình ngu thì đâu có phải người ngu hẳn mà thất vọng?"

            Sau khi vỗ về an ủi, Phật bèn ủy thác Chu Lỵ cho A Nan dạy bảo và đặc biệt căn dặn A Nan nên kiên nhẫn và khéo tìm những biện pháp thích nghi làm sao cho Chu Lỵ thuộc nổi một bài kệ là đủ. Ít lâu sau, A Nan ngao ngán, giao trả Chu Lỵ lại cho Phật, vì không có cách nào khiến ông thuộc nổi một câu, chứ chưa nói đến trọn bài.

            Từ đó, Phật đích thân đảm nhiệm lấy việc giáo hóa Chu Lỵ. Ngài dạy ông học câu kệ: "Phủi bụi trừ dơ" (Phất trần trừ cấu). Hết tháng nọ qua tháng kia, chỉ mỗi một câu bốn chữ ấy, ông đọc trước quên sau, học mãi không nhớ. Đại chúng đều cho rằng Phật phí công vô ích, Chu Lỵ không thể nào tu được. Riêng Phật không nản, cho gọi Chu Lỵ đến bảo riêng rằng: "Từ nay ta giao cho ông công việc quét sân, quét nhà, lau chùi mọi vật dụng trong tịnh xá đừng để bụi bám vào, hễ tay lau quét thì đồng thời miệng đọc tụng bài kệ".

            Thấy ông suốt ngày miệng đọc tay làm, ai cũng lấy làm kỳ, đổ xô đến vây quanh ông mà chọc ghẹo chế diễu. Phật quở trách đại chúng, cấm không ai được quấy rầy ông làm trở ngại phương pháp giáo hóa của Phật. Từ đó, hễ nghe ông đọc: "Phủi bụi trừ dơ" thì đại chúng hỗ trợ đọc theo. Trải một thời gian sáu năm, ông mới nhớ được trọn vẹn cả bốn câu mà không vấp váp. Tiếp tục như thế lâu ngày, ông nhập tâm, khi ăn lúc ngủ, luôn luôn bốn chữ ấy xuất hiện nơi đầu lưỡi. Rồi một hôm bỗng vỡ lẽ, ông hiểu được ý nghĩa câu kệ và ông nghĩ rằng:

            - Bụi bặm đâu chỉ có ở mặt ngoài, nó còn nằm bên trong nữa. Bụi bặm bên ngoài thấy rõ trên than, đất, đá, sỏi; đó là thứ bụi dễ thanh trừ. Bụi bặm trong nội tâm mới khó thấy và cũng nhiều hơn. Đó là các phiền não tham sân si. Loại bụi nguy hiểm này, phi người có đại trí, không ai thanh trừ nổi.

            Nghĩ như vậy xong, tâm ông dần dần trở nên trong lắng. Tuy chưa thanh tịnh hóa được nghiệp nhân quá khứ, nhưng nghiệp nhân hiện tại đều đã hiện ra bình đẳng trước mắt. Ông lại nghĩ lòng ái dục của con người, đích thực đó là bụi bặm mà kẻ trí nhất định phải tiêu trừ cho hết. Không tiêu diệt hết ái dục thì không thể vượt khỏi vòng sanh tử. Đó là điều đáng thẹn đối với kẻ mang danh xuất gia, vì ái dục là nguyên nhân xuất sanh các khổ não tai ương, trói buộc con người, khiến cuộc sống mất tự do hoàn toàn. Không còn ái dục nữa, lòng mới thanh tịnh, tự do, giải thoát và trí mới soi thấy được chân lý.

            Nhờ những tư tưởng riêng mình tự giác đắc, Chu Lỵ Bàn Đà Già dần dần tiêu trừ được ba độc tham sân si, tấn nhập cảnh giới bình đẳng, không khởi niệm yêu ghét, không móng ý khen chê, thoát hẳn ngoài võ vô minh tù hãm. Tâm ông liền hốt nhiên khai ngộ.

            Lòng nhẹ nhàng lâng lâng, ông bình thản đến trước Phật đảnh lễ bạch rằng:

            - Bạch Phật! Đệ tử đã "Quét bụi trừ dơ" xong rồi.

            Phật hoan hỷ ngợi khen Chu Lỵ rồi quay về đại chúng bảo rằng:

            - Này đại chúng! Tụng đọc hàng ngàn pho kinh mà không như thật hiểu thấu nghĩa kinh, không như thật hành trì đúng ý kinh, không bằng chỉ thọ trì một câu kệ ngắn, rồi y vào đó thực hành đến mức nhập diệu, thì quyết định phải đắc đạo. Gương Chu Lỵ Bàn Đà Già là một bằng chứng.

            Chu Lỵ sau khi chứng quả, là một trong số thánh chúng hữu danh của Phật, được toàn thể tăng chúng rất mực tôn kính. Tuy nhiên, sinh hoạt của ông vẫn không thay đổi. Hàng ngày, ông vẫn tiếp tục công phu sáng chiều quét sân, quét nhà và lau chùi vật dụng trong tịnh xá, trong khi đó miệng vẫn lâm râm trì tụng câu kệ "Phủi bụi trừ dơ".

II.- NGƯỜI GÁNH PHÂN NI ĐỀ  (Nidà)

            Một hôm, Phật và A Nan đang hành hóa ở ngoại ô thành Xá Vệ thì đột nhiên có một người gánh hai thùng phân đấy ấp, từ hướng ngược chiều đi lại. Xa trông thấy bóng Phật, anh ta hoảng sợ dừng bước định tìm một lối rẽ để tránh. Ý anh ta nghĩ rằng mình là giống người ty tiện Thủ đà la, lại thêm làm nghề ô uế, nếu lỡ gặp Phật, mùi ô uế xông lên thì mang tội lớn. Phật đã nghe nói nhiều về người gánh phân này, nên khi thoáng thấy, ngài dụng ý muốn độ, bèn bảo A Nan cứ lẵng lặng tiến bước, còn riêng mình thì rẽ sang lối quanh khác, rồi đột ngột xuất hiện trước mặt anh ta.

            Người gánh phân kinh hoàng, bỏ vội gánh phân xuống đất, cúi đầu quỳ mọp bên vệ đường, run sợ năn nỉ:

            - Lạy Phật.

            - Ni Đề! Hãy đứng dậy.

            Phật gọi đích danh, khiến người gánh phân - chính Ni Đề - ngạc nhiên, không hiểu vì sao Phật biết tên mình.

            - Ni Đề! Phật nói tiếp. Ông muốn theo ta xuất gia không?

            - Lạy Phật! Con quả thật tên là Ni Đề, nhưng làm sao Phật biết? Và làm sao có thể xuất gia được? Tăng đoàn của ngài gồm toàn là vương tử Sát đế lỵ và đạo sĩ Bà la môn, làm sao dung chứa được hạng người hạ tiện thuộc giòng Thủ đà la làm nghề ô uế như con?

            - Loài người sinh ra đều bình đẳng. Phật dạy. Không có giòng họ ty tiện. Cũng chẳng có nghề nghiệp ty tiện. Chỉ có người ty tiện vì tâm bị nhiễm độc tham sân si mà thôi!

            Nói xong, Phật tự thân dắt Ni Đề xuống sông Hằng tắm rửa sạch sẽ và đưa về tịnh xá Kỳ Viên cho xuất gia làm sa môn. Ni Đề sau khi xuất gia, một mực tinh tấn, cần khổ chuyên tu, trừ bỏ hết cái lốt người gánh phân, lòng trở nên tuyệt đối thanh tịnh, nên chưa đầy một tuần, chứng ngay được quả A la hán và hiện được thần thông.

            Quốc vương Ba Tư Nặc sau khi nghe tin một người gánh phân xuất gia làm đệ tử Phật, lấy làm kinh hoàng cho rằng như thế là làm ô nhục hàng sa môn và gây khó khăn cho sự kính lễ của hàng vua chúa. Nhà vua liền đến tịnh xá để phiền trách Phật. Đến nơi, ông thấy một vị tân sa môn, uy nghi đức hạnh, đang tọa thiền trên một phiến đá gần cửa ra vào và đang hiện thần thông kỳ diệu. Lễ Phật xong, nhà vua hướng về vị tân sa môn mới gặp mặt và hỏi thăn để biết danh tánh. Phật bảo:

            - Đó chính là Ni Đề gánh phân, nhờ công hạnh tinh tấn đã chứng quả A la hán và có nhiều thần thông.

            Thấy vua ngạc nhiên, Phật giảng dạy:

            - Chánh pháp như dòng nước trong, như ngọn lửa dữ, như lòng đại dương. Trên thế gian này, không vật gì ô uế mà dòng nước trong không tẩy gội sạch. Không vật gì xấu xa, dù lớn dù nhỏ, mà ngọn lửa dữ không thiêu hủy hết. Không có một thức gì, dù sạch hay dơ, dù tịnh hay uế, mà lòng đại dương không dung nạp và tịnh hoá được hoàn toàn. Với chánh pháp, cũng thảy đều được ly dục mà trở nên thanh tịnh. Với chánh pháp, không hề có vấn đề chủng tộc, giàu nghèo, sang hèn. Tất cả những cái đó đều là giả danh. Nhục thể chỉ là sắc thân do bốn đại, năm uẩn giả họp mà thành. Trong nhục thân chỉ có trí tuệ mới là điều quan trọng. Nếu biết khêu đèn trí tuệ thì ai cũng được cứu độ. Trí tuệ bừng sáng trong thân giả hợp ô uế, không khác gì hoa sen nở trong chốn bùn lầy. Bùn thối mặc bùn, sen nở không ngăn được sen thơm. Bệ hạ là người thông minh, có nên vì chê bùn dơ mà không chiêm ngưỡng màu sắc mát dịu và hương thơm ngạt ngào của sen không?

            Trước những lời giảng giải minh bạch của Phật và trước sự thật cụ thể là vị La hán Ni Đề đang uy nghi hiện thần thông, nhà vua thấy hết còn lý do để phiền trách Phật. Ngược lại, ông hân hoan đảnh lễ vị La hán mới chứng quả và phát nguyện thường xuyên cúng dường mọi thức cần thiết, không thiếu một thứ gì.

III.- VĂN NHỊ BÁCH ỨC

            Văn Nhị Bách Ức (Nghe hai trăm ức) hay Nhị Thập Ức Nhĩ (Hai mươi ức lỗ tai), trước khi chưa xuất gia, vốn là một nhạc sư nổi danh. Ông xuất thân con nhà phú hào, được cha mẹ nâng niu như châu báu. Từ lúc mới sanh, ông luôn luôn được bồng ẳm, không cho chân bén đất; dưới gan bàn chân ông mọc tua tủa những chòm lông đen, trông rất xấu xa ghê sợ.

            Một hôm, được nghe Phật thuyết pháp, lòng xúc động mạnh, ông bèn phát nguyện xuống tóc xuất gia. Thấy ông ngày chỉ ăn một bữa và tu hạnh đầu đà dưới gốc cây, cha mẹ ông xót xa không chịu nổi, tìm mọi cách ngăn trở phá đám, nhưng mọi cố gắng đều không lay chuyển được nhiệt tâm tu hành của ông.

            Sống đời sống khắc khổ như thế lâu ngày, thân thể ông dần dần suy nhược mà vẫn chưa đạt được một tiến bộ nhỏ nào, ông đâm ra nghi hoặc, nghĩ rằng có lẽ vì không có túc duyên, định hoàn tục theo nếp sống sanh hoạt tại gia, làm nhiều việc bố thí để gây nhân phước đức cho một kiếp sau.

            Phật quán biết tâm niệm của ông, tìm đến gốc cây ông ngồi, hỏi ông rằng:

            - Từ khi vào tu, ông nhiều phen dùng âm nhạc giúp ta tuyên hóa chánh pháp, trưởng dưỡng tín tâm của đại chúng cũng như của chính ông. Công đức ấy thật là quý hóa. Nhưng gần đây ông vì dõng mãnh tu hành nên ngoại trừ việc tọa thiền, ông nhứt quyết không còn lưu tâm đến bất cứ một công việc nào khác; như thế nghĩa là sao? Bây giờ ta đặït ông câu hỏi này: Ông vốn là nhạc sư, trong khi đàn nếu ông lên dây đàn quá căng thì hậu quả sẽ như thế nào?

            - Bạch Phật! Dây đàn sẽ đứt.

           - Còn nếu quá chùn?

            - Đàn sẽ không kêu.

            - Tu hành cũng vậy, Phật bảo. Không nên quá căng, cũng không nên quá chùn. Quá căng hay quá chùn đều dễ sanh những tật xấu. Lâu ngày những tật xấu này sẽ biến thành những thói quen khó chữa. Không riêng gì vấn đề tu hành, phàm ở đời bất cứ việc gì cũng đều phải giữ đúng mức trung đạo và luôn luôn giữ tâm hòa hoãn thư thái mới mong đạt được kết quả mong muốn.

            Văn Nhị Bách Ức tuân theo giáo thị của Phật, giữ đúng mức trung đạo, tâm dần dần an tịnh. Chẳng bao lâu, ông chứng được quả A La hán.

IV.- ĐIỀU MÃ SƯ

            Phương pháp giáo hóa của Phật không hề bị trói buộc vào một quy tắc cố định nào. Ngài luôn luôn linh động tùy cơ cảm của từng đệ tử mà giáo hóa, giống như lương y tùy căn bệnh mà quyết định phương thang. Cùng để đối trị một tật xấu, nhưng với hạng này Phật nói pháp môn này, sang hang người khác, Phật nói pháp môn khác. Phương pháp giáo hóa không bao giờ cố định, tùy thuộc vào hoàn cảnh và căn cơ. Giọng Phật giống như tiếng kêu của đại hồng chung, khi cần đánh mạnh thì tiếng kêu to, khi cần đánh nhẹ thì tiếng kêu nhỏ.

            Một hôm có Mã Điều Sư (Người luyện ngựa) thành khẩn đến xin Phật khai thị chỗ mê mờ của ông. Phật không trả lời thẳng mà lại hỏi ngược trở lại rằng:

            - Ông quen nghề luyện ngựa, hãy nói cho ta nghe về phương pháp luyện ngựa của ông như thế nào?

            - Có ba phương pháp: một là mềm dẽo, hai là cứng rắn, ba là vừa mềm dẽo vừa cứng rắn.

            - Giả sử gặp loại ngựa bất trị mà cả ba phương pháp ấy đều vô hiệu, ông còn có biện pháp nào nữa không?

            - Hết cách, chỉ có đem giết.

            Điều Mã Sư ngần ngừ một lát, rồi nói tiếp:

            - Nhưng phương pháp điều ngự chúng sanh của Ngài thì như thế nào?

            - Ta cũng chỉ có ba phương pháp ấy thôi. Một là mềm dẽo, hai là cứng rắn, ba là vừa mềm dẽo vừa cứng rắn.

            - Nhưng nếu cả ba phương pháp đều vô hiệu thì sao?

            - Cũng chẳng còn phương pháp nào hay hơn là đem giết đi.

            Điều Mã Sư kinh hãi, rụt rè hỏi:

            - Đệ tử được nghe trong giáo pháp của Phật, sát sanh là tội nặng nhất. Làm như thế không phải là phạm trọng giới chăng?

            - Ông nói có phần đúng. Trong giáo pháp ta, sát sanh là tội nặng nhất. Vì sát sanh là nguyên nhân tạo nghiệp cực bất tịnh, đưa đến quả báo cực ác trong luân hồi. Nhưng phần không đúng là điều mà ta gọi giết ở đây so với sự giết có vấy máu của ông, hai bên có khác nhau. Hạng chúng sanh không thể điều phục được là hạng chúng sanh cực ác, không ai thèm giao thiệp, chẳng ai thèm dạy bảo hỏi han. Hạng chúng sanh ấy tuy đang sống nhưng khác gì người đã chết. Chính những kẻ ấy đã tự giết đấy chứ.

            Điều Mã Sư bừng tỉnh xin quy y Phật, thọ trì năm giới. Và từ đó về sau, ông bỏ thói ngược đãi và chém giết.

V.- ƯƠNG KHUẤT MA LA

            Tại thôn Tát Na ở phía bắc thành Xá Vệ, có một vị Bà la môn tên là Ma Ni Bạt Đà La. Y có một đệ tử tên là Ương Khuất Ma La. Hai thầy trò rất tương đắc. Vì thế các đệ tử khác sanh lòng ganh ghét, phao truyền rằng giữa vợ của Ma Ni và Ương Khuất có tà ý dan díu nhau. Lời đồn đến tai Ma Ni, thảy đều bị ông gạt ra ngoài. Nhưng ác hại thay là nhân lời đồn láo khoét ấy, vợ của Ma Ni lại bắt đầu chú ý đến Ương Khuất. Thấy y đẹp trai, thông minh lanh lợi, bà ta không kềm chế được lòng dục, lân la chọc ghẹo y, rồi vì chọc ghẹo không được, dần dần trở nên say mê điên cuồng.

            Thừa lúc Ma Ni vắng nhà, bà dở trò ong bướm sổ sàng với Ương Khuất, bị Ương Khuất cự tuyệt một cách nhục nhã. Nhân đó bà ta xấu hổ cùng cực, quyết vu vạ để trả thù. Đợi khi chồng về, dâm phụ khóc thét lên đòi tự sát. Hỏi duyên cớ thì được cho biết là vì Ương Khuất vô lễ xâm phạm đến tiết hạnh của mình.

            Nghe vợ tỉ tê, Ma Ni phừng phừng tức giận tên đệ tử phản phúc, nhưng mặt ngoài vẫn tỉnh táo, dùng lời dịu ngọt an ủi và khuyên răn đệ tử, rồi cho thông qua như không có gì quan trọng xảy ra.

            Ít hôm sau, Ma Ni gọi Ương Khuất đến cạnh mình, ôn tồn bảo:

            - Ngươi theo ta học đạo đã lâu ngày, nhưng có một bí pháp ta chưa kịp truyền cho người. Nay ta tưởng đã đến lúc phải truyền bí pháp ấy. Nhưng muốn luyện bí pháp ấy, trước hết phải tẩy sạch tội lỗi. Muốn tẩy sạch tội lỗi, cần phải giết đủ trăm người, cắt lấy ngón tay và ngón chân xâu thành chuỗi đeo vào cổ.

            Ương Khuất nghe xong rùng mình kinh hãi. Nhưng Ma Ni lại cố cưỡng từ đoạt lý, ra công thuyết phục đệ tử đưa y vào đường tội lỗi mà rửa hận riêng. Cuối cùng vì không dám trái lời, Ương Khuất nhắm mắt làm theo. Sau khi hạ sát xong người đầu tiên, y trở nên điên cuồng vì quá sợ hãi. Để tránh phép nước trừng phạt, y trốn vào rừng, rình có ai qua lại là chụp giết. Rồi mỗi ngày tội ác một chồng chất, y trở nên như người mất trí, không còn biết gì nữa.

            Chúng đệ tử Phật nghe đầu đuôi câu chuyện, về mách lại Phật. Phật lấy làm thương xót, quyết ra tay tế độ, cứu vớt Ương Khuất. Phật tìm gặp y, đến khi đối mặt, ngài dùng uy lực riêng áp đảo, khiến y bủn rủn chân tay, con dao đang cầm rơi lúc nào không hay. Bất giác y sụp xuống lạy như cái máy. Phật từ mẫn hỏi:

            - Ông muốn theo ta làm đệ tử không?

            - Từ lâu rồi, ai thấy tôi cũng run sợ, quỳ lạy van xin tha mạng. Ngài có phép gì mà lại xoay ngược tình thế như vầy? Tôi giết người quá nhiều rồi, làm sao có thể theo ngài được?

            Phật ôn tồn dạy:

            - Giết người đành là một tội nặng. Nhưng nếu chân thành sám hối thì vẫn được cứu vớt. Sám hối có công năng tiêu trừ tội nghiệp quá khứ. Ví như ánh sáng mặt trời xuất hiện thì trong nháy mắt, tất cả bóng tối dù dày dặc đến đâu cũng bị phá tan. Ví như biển lớn khi thu nhận nước trăm sông, mọi bùn nhơ thảy đều lắng xuống trở thành trong xanh. Lại ví như lòng đất sau khi thâu nhận phẩn giải thảy đều lọc thành dòng nước trong lành. Ông khỏi lo ngại về tội lỗi đã qua, điều quan trọng là ông có thành tâm cải quá tự tân hay không mà thôi!

            Từ đó, Ương Khuất theo Phật về làm đệ tử, ngày đêm chuyên tu một pháp sám hối duy nhất. Chẳng bao lâu, ông chứng quả A la hán.

VI.- QUỶ TỬ MẪU

            Tại nước Đại Đâu có người đàn bà quái gở, chuyên bắt cóc trẻ nít để ăn thịt. Nhân đấy, dân trong nước gọi thị là Quỷ Tử Mẩu (Bà mẹ con của quỷ).

            Tuy thích ăn thịt con nít như thế, nhưng chính con mình thì thị lại thương yêu chiều chuộng đúng mức. Dân nước Đại Đâu nghe tin thị thảy đều thất đảm. Phương pháp đề phòng duy nhất là giữ chặt lấy con mình, không cho ra khỏi nhà.

            Một hôm Phật đến thuyết hóa tại Đại Đâu, được dân trong vùng cho biết câu chuện quái gở nầy. Để trừ tận gốc mối họa chung, Phật bèn bày cách cho một Tỳ kheo đến nhà Quỷ Tử Mẫu, lén bắt đứa con nhỏ nhứt của thị tên là Tân Già La đem về dấu tại tịnh xá.

            Quỷ Tử Mẫu mất con, phát điên lên, quên ăn bỏ ngủ, suốt ngày ngồi gào khóc thảm thiết.

            Mấy hôm sau, Phật tìm đến nhà hỏi:

            - Làm gì khóc lóc bi thương như vậy?

            - Người ta ăn cắp con tôi.

            - Sao không đi tìm mà ngồi khóc ích gì?

            Nghe nói, thị lại càng khóc rống to hơn.

            Phật ôn tồn tiếp tục hỏi:

            - Mụ thương yêu con mụ lắm phải không?

            - Cháu Tân Già La của tôi rất dễ thương. Tôi mất nó thì chỉ

 có chết mới khuây khỏa được.

            Thừa cơ hội, Phật nói tiếp:

            - Mụ thương con mụ, khác nào hàng xóm thương con người ta. Mụ mất con đau xót như thế nào thì kẻ khác mất con cũng đau xót như thế ấy. Lâu nay, mụ ăn thịt bao nhiêu là trẻ nít. Như vậy mụ đã khiến bao nhiêu bà mẹ gào khóc như mụ hôm nay. Bây giờ mụ có muốn tôi giúp mụ tìm lại con không?

            - Thưa nếu quả thật ngài giúp tôi tìm lại được con, thì ngài bảo gì tôi cũng làm theo.

            Phật trả lại Tân Già La cho Quỷ Tử Mẫu. Từ đó Quỷ Tử Mẩu không những theo sát Phật hầu hạ, mà còn phát nguyện bảo vệ tất cả trẻ nít khỏi bị nạn bắt cóc.

VII.- MA ĐĂNG GIÀ

            Trong số đệ tử Phật, người đẹp trai nhất mà cũng thông minh nhất, chính là A Nan. Ông nổi tiếng đa văn đệ nhất. Vì thiên trọng đa văn nhưng ít chú trọng giới hạnh, nên ngài mới bị Ma Đăng Già cám dỗ.

            Một hôm, A Nan mang bình bát đến khất thực tại một xóm dân cùng đinh. Trên đường về, gặp lúc trời nắng gắt, A Nan khát nước dừng lại bên mé giếng xin nước uống. Bấy giờ có một cô gái nô lệ tên là Bát Cát Đế (Prakrti hay Pakati) thuộc giòng họ Ma Đăng Già (Matànga) đang đứng múc nước. Cô nầy (thường gọi lầm là Ma Đăng Già) tuy là gái cùng đinh hạ tiện, nhưng nhan sắc lại rất mỹ lệ.

            Thoạt đầu, Bát Cát Đế từ chối, viêïn lẽ rằng mình là gái hạ tiện, không được phép đến gần hàng quý tộc. Phương chi A Nan không những là người quý tộc mà lại còn là đệ tử của Phật, thì nàng lại càng không dám lại gần. A Nan năn nỉ hồi lâu, Bát Cát Đế mới chịu đứng xa ra đổ nước xuống, A Nan tiến đến đưa hai tay bụm lại hứng uống từng hớp. Thấy A Nan quá dễ dãi, sau khi lời qua tiếng lại có vẽ ngọt ngào, Bát Cát Đế bèn đùa nghịch múc nước tạt vào chân A Nan, nói là để cho A Nan rửa chân.

            Từ cuộc gặp gỡ đó, Bát Cát Đế biếng ăn nhác ngủ, ngày đêm tơ tưởng vẫn vơ, dung nhan mỗi ngày một tiều tụy. Mẹ của Bát Cát Đế thấy thế lo ngại cật vấn đôi ba phen, sau mới rõ nguyên nhân. Bà kinh hãi khi nghe con ngỏ ý nhất quyết lấy A Nan làm chồng. Bà hết sức dỗ dành can ngăn:

            - A Nan là đệ tử Phật. Con nên biết hiện giờ toàn quốc Ấn độ, trên từ vua quan dưới đến thứ dân, ai ai cũng kính ngưỡng tôn sùng Phật. Ước mơ ngông cuồng của con không khéo làm cho cả nhà mang họa. Hơn nữa, tự thân A Nan là kẻ đoạn dục, làm sao con mong kết tình chồng vợ với ông ta được.

            - Thưa mẹ, con tin chắc rằng A Nan không phải là người đoạn dục. Tình ông đối với con không thua gì tình con đối với ông. Nếu không được cùng nhau kết tóc se tơ, chắc con chết quá!

            Giòng Ma Đăng Già có một loại ma chú gọi là Ta tỳ ca la tiên phạm thiên; chú ấy có tác dụng làm mê man thần trí, rối loạn tâm hồn. Vì không có cách nào để ngăn cản con, mẹ của Bát Cát Đế bèn quyết định xử dụng ma chú gia truyền để bắt cóc A Nan.

            Hôm sau, khi A Nan mang bình bát đến trước ngõ khất thục, từ trong nhà Ma Đăng Già có tiếng vọng ra mời mọc:

            - Này Tỳ kheo A Nan! Nhà đã quét dọn sạch sẽ, rải hoa đốt hương chực đón rước tôn nhan, vậy xin kính mời tôn nhan quang lâm. Chúng tôi cũng đã bày sẵn thức ăn, xin mời ngài thọ cúng.

            Trong khi thọ cúng, A Nan có cảm giác mình đang bị dụ hoặc, nhưng nội lực yếu không chống nổi. Đến khi ăn xong thì tâm thần đê mê, được Bát Cát Đế dìu vào phòng nghỉ. Lúc bừng tỉnh, A Nan hoảng hồn, tông cửa chạy một mạch về Kỳ Viên. Rồi từ đó, mỗi khi A Nan ra khỏi Kỳ Viên thì hình như có một luồng ma lực dìu kéo mình đến xóm cùng đinh. Và cứ mỗi lần như thế là Bát Cát Đế trang diện cực kỳ lộng lẫy, đi theo sát gót A Nan.

            Biết mình đang sa ngã và không còn cách nào tự đối phó, A Nan bèn đem tự sự thú thật với Phật, cầu Phật giải cứu:

            Phật cười:

            - Đó là hậu quả của việc không chú trọng giới hạnh mà chỉ chuộng đa văn.

            Phật bảo A Nan đi gọi Bát Cát Đế đến Kỳ Viên. Hỏi:

            - Cô yêu A Nan lắm phải không?

            - Thưa phải.

            - Cô yêu cái gì nơi A Nan? Cái mũi chăng? Đôi mắt chăng? Hãy cứ nói thật, ta có thể thỏa mãn được hết.

            Bát Cát Đế lúng túng không biết trả lời ra sao. Phật tiếp:

            - Vậy cô về mời cha mẹ cô đến đây. Cưới hỏi phải có sự bằng lòng của cha mẹ.

            Bà mẹ đến, Phật dạy:

            - Nếu bà muốn cho Bát Cát Đế có thể thành hôn với A Nan, thì bà phải bằng lòng cho Bát Cát Đế xuất gia một phen, ta mới có thể đứng ra hợp tác hai bên được. A Nan xuất gia, Bát Cát Đế tại gia, hai bên không đồng cảnh ngộ, làm sao cử hành hôn lễ.

            Bà mẹ bằng lòng, Bát Cát Đế cũng vô cùng hoan hỷ như đã cầm chắc thành công trong tay. Từ đó, Bát Cát Đế nhập chúng Tỳ kheo ni, dồn hết tâm trí lắng nghe lời Phật dạy, ngày đêm ra công luyện tập công phu, để làm vui lòng Phật mà sớm được Phật tác thành cho. Nhưng càng phấn chí tu hành, dần dần Bát Cát Đế tĩnh ngộ rằng những tư tưởng của mình trước kia là sai lầm xằng bậy.

            Về sau, Bát Cát Đế quyết chí thi đua học tập với A Nan, thử xem ai chứng quả trước. Tình đời đã chuyển hẳn sang duyên đạo. Cuối cùng Bát Cát Đế thắng cuộc, nàng chứng quả A la hán khi Phật còn tại thế, được Phật nhiệt liệt ngợi khen. A Nan mãi ba tháng sau khi Phật niết bàn, nhân bị Ca Diếp kích động mới chứng ngộ.

*

*     *

            Bát Cát Đế nhân một mối tình nồng thắm mà được chuyển họa thành phước là một gương sáng đầy ý nghĩa trong việc chuyển mê thành ngộ: Mê ngộ vốn không hai. Câu chuyện Bát Cát Đế - An Nan là cái gương sáng nói lên mối tương quan giữa tục đế và chân đế: Mê ngộ gắn liền nhau. Ngộ sẵn có trong mê, ngoài mê không có ngộ.

            Câu chuyện lịch sử không chối cãi được giữa A Nan và Bát Cát Đế, tự nó có đầy đủ ý nghĩa biểu trưng chân lý muôn đời ấy.

                                    Nha Trang, Đông Xuân.

                                    1968 -1969


Âm lịch

Ảnh đẹp