PHẬT VÀ THÁNH CHÚNG


Cao Hữu Đính
14/07/2011 09:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 218636
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẬT VÀ THÁNH CHÚNG
Xuất bản: Phật Học Viện Nha Trang, Phật lịch 2513

THÁNH CHÚNG

            Trong suốt bốn mươi chín năm giáo hóa, từ thành đạo cho đến niết bàn, Phật quy tụ xung quanh hào quang của ngài một số đệ tử, cả xuất gia lẫn tại gia nhiều không kể xiết. Riêng chúng xuất gia cũng đã lên đến con số kinh khủng rồi. Trong số nầy, những bậc xuất sắc ưu tú, chứng được thánh quả A La Hán, gồm có 1255 vị mà kinh điển thường ghi con số tròn là 1250. Đặc biệt nhất có mười vị mệnh danh là Thập Đại đệ tử. Gọi là Đại vì những vị trong số mười người này đều có sở trường riêng, sở chứng riêng và đạo hạnh riêng. Mười vị đại đệ tử ấy gọi là Thánh chúng của Phật, mà giáo điển Đại thừa liệt kê như sau:

            1.- Xá Lợi Phất, Trí tuệ số 1.

            2.- Mục Kiền Liên, Thần thông số 1.

            3.- Phú Lâu Na, Thuyết pháp số 1.

            4.- Tu Bồ Đề, Giải không số 1.

            5.- Ca Chiên Diên, Luận nghị số 1.

            6.- Đại Ca Diếp, Đầu đà số 1.

            7.- A Na Luật, Thiên nhãn số 1.

            8.- Ưu Ba Ly, Trì giới số 1.

            9.- A Nan Đà, Đa văn số 1.

        10.- La Hầu La, Mật hạnh số 1.

 

1.- XÁ LỢI PHẤT (Sàriputra) Trí Tuệ số 1

            Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai đệ tử cao cấp nhất của Phật. Cả hai vốn là đôi bạn thâm giao từ ngày còn trẻ. Bấy giờ, hai người cùng ở trong môn phái San Xa Dạ Tỳ La Lê Tử, một trong sáu nhóm Lục sư ngoại đạo. Xá Lợi Phất từng nổi tiếng về biện tài vô ngại, còn Mục Kiền Liên nổi tiếng về năng lực thần thông. Mỗi ngài đều có dưới gối một trăm đồ chúng. Cả hai cùng ước hẹn với nhau rằng hể ai đắc đạo trước thì phải thông báo ngay cho người kia biết để cùng theo chung một đường.

            Một hôm Xá Lợi Phất gặp Mã Thắng, tức A Xả Bà Thệ, một trong năm Tỳ kheo đầu tiên, đang đi khất thực trong thành Vương Xá. Thấy phong độ uy nghiêm tự tại của Mã Thắng, Xá Lợi Phất lân la đến hỏi, được vị này cho biết ông đang theo Phật học đạo. Hỏi về giáo lý pháp Phật thì được giảng cho nghe về lý duyên sanh của các pháp, rằng các pháp do nhân duyên mà có sanh rồi cũng do nhân duyên mà có diệt, rằng tinh túy của giáo pháp này tóm gọn trong một bài kệ là:

Chư pháp tùng duyên sanh

Diệc phục tùng duyên diệt

Ngã Phật đại sa môn

Thường tác như thị thuyết.

(Các pháp do duyên sanh

Lại cũng do duyên diệt

Thầy tôi là đức Phật

Thường dạy tôi như thế)

            Nghe xong đạo lý duyên sanh, Xá Lợi Phất như bừng tỉnh, rồi xin đi theo Mã Thắng về yết kiến Phật. Được Phật khai thị rõ thêm về các đạo lý vô ngã, niết bàn v.v... Xá Lợi Phất ước hẹn với Phật xin trở về đưa Mục Kiền Liên đến, rồi cả hai cùng quy y Phật. Cùng theo về với hai người có thêm hai trăm đồ chúng. Sự trở về này đã tăng thêm uy thế lớn lao cho Phật, vì hai người nguyên là hai lãnh tụ tôn giáo vốn đã có nhiều uy tín trong giới đạo học thời bấy giờ.

            Riêng về Xá Lợi Phất, ngài là cháu gọi Câu Hy La  tức Trường trảo phạn chí bằng cậu ruột. Ông này cũng là một lãnh tụ ngoại đạo tên tuổi và có tài biện luận. Sau khi thấy cháu theo Phật, ông rất đổi ngạc nhiên, tìm đến hỏi lý do, được Xá Lợi Phất khai thị, rồi cũng xin theo luôn.

            Tương truyền mẹ ngài Xá Lợi Phất, bà Xá Lợi (Sàri), chị ruột Câu Hy La, cũng là một người đàn bà đặc biệt. Bà rất thông minh, biện tài còn giỏi hơn em và chỉ thua con mà thôi. Thân phụ ngài tên là Ưu Bà Đề Xá hay Ưu Ba Thất Sa (Upatisya). Tên ấy cũng được dùng để gọi ngài. Nhưng phong tục Ấn Dộ bấy giờ có thói quen gọi con bằng tên mẹ. Như Sàriputra, phiên âm Xá Lợi Phất Đa La, hay gọi tắt Xá Lợi Phật, có nghĩa là: con bà Xá Lợi (Sàri: bà Xá Lợi; putra: con). Vì vậy Xà Lợi Phất, Tàu còn gọi là Xá Lợi Tử.

            Sau khi theo gót Phật, suốt trên bốn mươi năm, Xá Lợi Phất mặc dù là bậc trí tuệ kỳ vỹ, nhưng đối với Phật vẫn luôn luôn bách y bách thuận. Ngài chưa bao giờ phạm một lỗi lầm nhỏ nào khiến Phật phiền lòng. Ngài thật xứng đáng là bậc trưởng lão đứng đầu hàng Thánh chúng. Trong thời kỳ kiến thiết tịnh xá Kỳ Viên, ngài được Phật ủy thác trông coi và lo liệu. Chính ngài là người đầu tiên đem chánh pháp gieo rắc tại Xá Vệ và đưa ngoại đạo về với Phật, trước khi Phật chưa quang lâm đến. Lại cũng chính ngài là người được Phật đăïc biệt ủy thác giáo hóa La Hầu La.

            Sự tích ghi chép rằng, một hôm La Hầu La đi khất thực về, gương mặt có vẻ không vui. Phật kêu lên gạn hỏi thì La Hầu La phàn nàn rằng trong đoàn khất  thực của mình chỉ có trưởng lão Xá Lợi Phất và các Tỳ kheo lớn tuổi mới được tín thí cúng dường vật thực béo bổ. Kỳ dư hạng sa môn như La Hầu La thì chỉ được tặng cho một tý xíu xác mè ép và rau đồng trộn với cơm; ăn uống như thế thì làm sao có đủ sức khỏe để tu hành. Phật rầy La Hầu La không nên có niệm đố kỵ, dạy La Hầu La lui, rồi cho mời Xá Lợi Phất đến bảo rằng:

            - Hôm nay ông ăn phải thức ăn bất tịnh, ông có biết không?

            Xá Lợi Phất giật mình, vì chính hôm ấy sau khi ăn xong thì đồ ăn ẩu ra hết. Ngài ngạc nhiên không hiểu vì sao Phật lại biết được việc ấy. Riêng ngài cũng tự xét chưa bao giờ làm trái hay thi hành lệch lạc luật khất thực của Phật.

            Nhân cơ hội này, Phật chế ra pháp Lục hòa kỉnh. Pháp này gồm có sáu điểm cơ bản quan trọng quy định nguyên tắc sanh hoạt trong nội bộ của chúng tăng:

            a.- Thân hòa đồng trú ( cùng ở chung với nhau một chỗ).

            b.- Khẩu hòa vô tránh (không tranh cãi nhau).

            c.- Ý hòa đồng duyệt (thông cảm cởi mở với nhau).

            d.- Lợi hòa đồng quân ( chia đều lợi lộc để chung hưởng)

            e.- Giới hòa đồng tu (cùng tu theo giới luật như nhau).

            f.- Kiến hòa đồng giải (san sẻ kiến giải với nhau).

            Sáu điểm cơ bản này quyết định sanh mạng của giáo đoàn. Vì vậy nghe xong, Xá Lợi Phất hoan hỷ tín thọ và áp dụng ngay.

            Một hôm, tại tịnh xá Kỳ Viên, sau ba tháng hạ an cư, Xá Lợi Phất từ giả Phật để lên đường đi bố giáo. Ngài vừa ra khỏi cổng thì một Tỳ kheo lên đầu cáo với Phật rằng Xá Lợi Phất vô cớ nhục mạ y rồi nhân cơn giận dữ, thác cớ bố giáo để bỏ đi, chớ không có ý đi bố giáo thật sự. Phật cho gọi Xá Lợi Phất lui. Sau khi được Phật cho biết lý do gọi về, Xá Lợi Phất trầm tỉnh bạch rằng:

            - Bạch Phật! Từ ngày theo gót Phật học đạo, đến nay tuổi đã gần tám mươi, để tử chưa hề sát hại sanh mạng, chưa hề nói dối, ngày ngày chỉ chăm lo sám hối tội cũ. Nhờ hồng ân Phật, suốt thời gian dài đăng đẳng trên bốn mươi năm, đệ tử rất sung sướng được thấy tâm mình trong lặng như nước biếc. Vì vậy, đệ tử chưa từng biết khinh thị ai, nói chi đến việc lăng nhục!

            Bạch Phật! Đất bùn là biểu trưng cho nhẫn nhục. Tất cả những gì bất tịnh nhất trên thế gian này như máu mủ, đờm giải, phẩn nước tiểu v.v... đất bùn đều lãnh thọ được hết. Đệ tử có thể xác quyết với Phật rằng đệ tử muốn làm đất bùn và nguyện không làm trái ý bất cứ một ai. Dòng nước không hề có niệm yêu ghét và trên thế gian này bất cứ một vật gì nhơ nhớp cũng nhờ nước mà tẩy sạch. Đệ tử nguyện làm dòng nước gội tẩy ô uế thế gian. Cái chổi không hề có niệm phân biệt, không chọn tốt xấu trước khi quét phủi. Đệ tử nguyện làm cái chổi quét sạch bụi trần cho chúng sanh. Từ khi lãnh thọ giáo pháp Phật, đệ tử luôn luôn an trú trong chánh niệm, chưa hề biết phân biệt là gì, khinh thị là gì. Nếu quả thật đệ tử có lỗi mà vị Tỳ kheo nào đó thấy được, xin vị ấy từ mẫn chỉ bảo, đệ tử xin hướng đến vị ấy thành khẩn sám hối.

            Phật cho gọi vị Tỳ kheo đầu cáo ra đối chứng. Vị này hổ thẹn vì đã nói dối, xin Phật và Xá Lợi Phất thứ dung. Đáp lại, Xá Lợi Phất không những không tỏ ý giận dỗi, mà còn từ ái an ủi khuyên răn.

            Một hôm khác, nhân Xá Lợi Phất đi bố giáo về tối , phòng ở của ngài bị nhóm Lục Quần Tỳ kheo chiếm ngủ. Xá Lợi Phất lẵng lặng ra ngoài trời, ngủ dưới gốc cây. Sáng ngày, Phật biết chuyện này cho triệu tập đại chúng lại rầy la. Lục Quần Tỳ kheo cãi bướng rằng Xá Lợi Phất không phải Bà la môn, cũng chẳng phải Sát đế lỵ thì không có quyền dành riêng chỗ ngủ. (Lục Quần Tỳ kheo gồm sáu người lếu láo nhất trong số đệ tử Phật, thường hay toa rập nhau quấy rối làm những điều ngỗ ngáo). Phật dạy rằng trong hàng đệ tử của ngài, sinh hoạt tuy bình đẳng, nhưng đối với những bậc niên xỉ và pháp lạp cao, hết thảy Tỳ kheo khác có bổn phận cung kính cúng dường, nhường nhịn nơi ăn chốn ở tốt nhất, nước uống thức ăn tốt nhất. Xá Lợi Phất rất cảm động về lòng ưu ái của Phật đối với mình.

            Lại một hôm, sau khi được hung tin người lão hữu Mục Kiền Liên bị bọn Lõa hình ngoại đạo ám hại trong khi đang đi bố giáo tại thành Thất La Phiệt (tức Xá Vệ). Bấy giờ, đa số tăng chúng đang trú đóng tại Tỳ Xá Ly. Chỉ có Phật, Xá Lợi Phất và một ít tỳ kheo hầu hạ Phật ở lại Vương Xá. Nghe tin chẳng lành, Xá Lợi Phất ngất đi một hồi lâu, ngài xót xa thương cảm bạn vô hạn, Phật phải dỗ dành an ủi mấy ngày liền. Sau đó, Phật triệu tập tăng chúng lại, báo cho tất cả biết hung tin và đồng thời cũng cho hay rằng trong ba tháng nữa, chính Phật cũng sẽ tấn nhập Niết bàn.

            Nhận tiếp hai tin chẳng lành, bạn chết và thầy sắp ra đi, Xá Lợi Phất cảm thấy cô đơn đau xót, ngài xin Phật cho phép về quê thăm mẹ già tuổi đã trên trăm, tại thôn Ca La Tý Noa Ca. Ngài dắt thêm một sa di tên Quân Đầu. Về tới nhà ngài cho triệu tập dân cư trong vùng lại, cùng họ hàn huyên ấm lạnh, rồi đem giáo pháp Phật giảng giải cho mọi người cùng nghe, khuyên bảo họ nên theo gương từ bi nhẫn nhục của Phật mà sanh hoạt. Sau khi vui vẻ từ giả mẹ già, bà con lối xóm, ngài nhập đại định và thị tịch luôn. Theo gương các cao đệ của Phật trong quá khứ, ngài không muốn chứng kiến cảnh Phật nhập niết bàn.

            Linh cốt của Xá Lợi Phất được Quân Đầu mang về trình Phật. Phập tập họp chúng Tỳ kheo lại, nhìn vào xá lợi của vị cao đệ trưởng lão mà bảo rằng:

            "Linh cốt này trước khi còn là Đại trí Xá Lợi Phất, đã từng vì chúng sanh thuyết pháp bố giáo khắp nơi. Trí tuệ của bậc đại trí này rộng lớn vô biên, ngoài Phật ra không ai sánh kịp. Nhờ trí huệ ấy, bậc đại trí này đã chứng ngộ pháp tánh, thiểu dục tri túc, dõng mãnh tinh thấn, thường tu thiền định, vì người giáo hóa, không có ngã chấp, biện tài vô ngại nhưng không ham tranh cãi, xá lánh người dữ, hàng phục ngoại đạo, tuyên dương chánh pháp, xa lìa đau khổ, chứng ngộ giải thoát.

            Đây là vị đệ tử số một của ta. Các người nên theo gương vị đại đệ tử ấy".

 

2.- MỤC KIỀN LIÊN (Maudgalyàyana) Thần thông số 1

            Là bạn tâm giao của Xá Lợi Phất từ ngày còn tu theo môn phái Sa Xa Dạ, Mục Kiền Liên là vị đại đệ tử số hai của Phật, sau Xá Lợi Phất.

            Thân phụ ngài tên là Câu Lỵ Ca (Kolita), thân mẫu ngài thuộc họ Mục Kiền Liên, nên trong kinh có chỗ gọi ngài là Câu Lỵ Ca hay Câu Luật Đà, nhưng danh xưng thông dụng nhất là Mục Kiền Liên (Maudgalyàyana hay Maudygapaputra).

            Sau khi về hầu Phật, ngài rất hăng say trong việc phổ biến Phật pháp. Không khó khăn nào mà ngài không quyết tâm khắc phục để thủ thắng cho kỳ được. Ngài không chấp nhận thỏa hiệp. Ỷ vào sức thần thông, trong khi đấu phép với ngoại đạo, ngài luôn luôn chiến thắng họ.

Đặc tánh của Xá Lợi Phất là mặc dù có biện tài vô ngại, đối với Phật thủy chung vẫn bách y bách thuận. Ngược lại, đặc tính của Mục Kiền Liên là ỷ vào thần thông, đối với ngoại đạo luôn luôn áp đảo bách chiến bách thắng.

            Phật thường quở ngài về tánh tự thị này, Phật bảo: "Thần thông tuy là một phép tu cao cường, nhưng không phải là pháp căn bản, vì thần thông không quan hệ đế sự nghiệp giải thoát sanh tử. Ngày thành Ca Tỳ La bị Tỳ Lưu Ly vây khổn, Mục Kiền Liên không nghe lời Phật, đã từng dụng thần thông đến cứu dòng họ Thích Ca, nhưng cuối cùng thần thông vẫn không thắng nổi nghiệp quả. Lúc ngài đi bố giáo trong thành Thất La Phiệt, bị ngoại đạo dùng gậy gộc vây đánh, thần thông cũng không cứu được ngài thoát chết, vì không thắng được nghiệp báo.

            Về giá trị thần thông, trong giáo điển Phật giáo còn ghi lại một mẫu chuyện khá lý thú: một hôm Phật gặp một đạo sĩ Bà la môn đang trổ tài thần thông cho dân chúng hiếu kỳ xem bên một bờ sông. Thấy Phật, ông dương dương tự đắc, Phật hỏi ông tu bao lâu và chứng được quả gì. Ông cho biết ông ra công luyện thần thông từ trên ba mươi năm và thành quả đạt được là tự cất mình bay qua một con sông rộng trăm thước. Phật cười đáp lại rằng nếu mất nữa đời người để chỉ làm một công việc mà bất cứ ai có một đồng xu trong tay cũng làm được, thì quả là đắt.

            Giá trị thần thông ở chỗ giúp kẻ chứng nó soi suốt lòng người, không quản xa gần, bất cứ ở đâu, không phân biệt trong tâm hay ngoài thân. Về công năng thấu suốt bén nhạy ấy, trong kinh sách Phật giáo lại có một câu chuyện như sau:

            Một hôm Mục Kiền Liên đi qua một viên lâm, tình cờ gặp một phụ nữ trung niên rất xinh đẹp tên là Liên Hoa Sắc đón đường gạ chuyện. Nhìn nàng, Mục Kiền Liên biết ngay là một cô gái điếm đến mê hoặc mình. Không những thế, ngài còn thấu suốt được những uẩn khúc của lòng nàng, những nỗi khổ nhục mà nàng trải qua khiến cho nàng vốn là người có bản chất tốt như hoa sen mà phải lăn lộn hụp lặn trong chốn bùn nhơ, Ngài nói với Liên Hoa Sắc:

            - Người cô hình dáng thật là mỹ miều xinh đẹp lại thêm trang sức lộng lẫy, bên ngoài coi bộ duyên dáng hấp dẫn, nhưng bên trong chứa đầy ô uế ngày đêm tiết rĩ không ngừng. Thân thể và tâm hồn cô hiện tại cực kỳ bất tịnh. Cô đang vùng vẫy trong bùn nhơ, nhưng càng vùng vẫy thì càng lún sâu thêm mãi.

            Liên Hoa Sắc kinh hãi, bất giác rơi lệ thưa rằng:

            - Tôi không còn cách nào hơn.

            Mục Kiền Liên an ủi:

            - Không nên tự khí, dù quá khứ như thế nào, người ta cũng có thể xây dựng lại được cuộc đời, miễn là chịu thành khẩn sám hối lỗi trước. Áo quần dơ, thân thể bẩn thì lấy nước giăït rửa. Tâm hồn bất tịnh thì dùng Phật pháp lau chùi. Nước trăm sông dù dơ, chỉ cần chảy vào biển cả, thảy đều lắng xuống gạn trong. Thầy ta là đức Phật dạy rằng, nếu chịu khó tẩy uế tâm hồn thì bất cứ ai cũng ngộ đạo và được giải cứu.

            - Nhưng tội lỗi quá khứ của tôi khủng khiếp lắm, nói ra e tôn giả phải bỏ chạy vì khiếp hãi.

            - Cứ nói đi.

            - Tôi tên là Liên Hoa Sắc, con của trưởng giả trú tại thành Đức Xoa Thi Ca. Lúc mười sáu tuổi lấy chồng. Sau đó không bao lâu, chẳng may cha chồng quá vãng, mẹ chồng góa bụa lại tư thông với chồng tôi. Bấy giờ tôi đã sanh được một gái. Chứng kiến cảnh loạn luân ngang trái ấy, tôi uất ức quá bỏ nhà ra đi. Bỏ luôn đứa con cho chồng. Lang thang phiêu bạc mấy năm, tôi tái giá với một người  chồng khác. Y là một thương gia hằng ngày ngược xuôi theo nghiệp buôn bán. Một hôm từ thành Đức Xoa Thi Ca về, nhân buôn bán phát tài, y mua về một nàng hầu đem dấu cất ở một nhà riêng. Nghe hàng xóm đâm tin, tôi nổi máu ghen lên, dùng trăm mưu nghìn kế dò cho ra sào huyệt của con dâm phụ để xé xác nó ra. Đến khi thấy mặt thì hởi ôi! đó chính là con gái tôi với người chồng trước. Tôi té xuống chết giấc. Không hiểu nghiệp báo gì của tôi kỳ dị đến thế. Trước kia bà già chồng tranh cướp chồng tôi, giờ dây con gái tôi lại cũng tranh cướp chồng tôi. Chung chồng với mẹ, rồi lại chung chồng với con, như thế làm sao tôi có thể sống nỗi? Chán ngán nhân tình thế thái, tôi mang thân ra làm gái điếm, mua vui bằng cách đùa cợt với mọi người, dùng tiếng hát để nhận chìm thế gian. Đối với tôi, đời sống còn có nghĩa gì đâu, ngoài tiền bạc của cải. Tiền bạc là vạn năng, người ta mua tiếng cười của tôi có khi đến hàng ngàn lượng bạc. Rồi với số tiền ấy, tôi vung tay cho sướng, khiến cho ai ai cũng phải thần phục dưới chân tôi. Ấy tội tôi như thế đấy, làm sao sám hối cho hết được?

            Mục Kiền Liên nghe qua, biết rằng Liên Hoa Sắc đau khổ lắm. Bề ngoài giọng nói và luận điệu tuy có vẻ khinh bạc, nhưng bên trong thiện tâm vẫn chưa khô cạn. Ngài đem giáo lý duyên sanh giảng giải cho nàng nghe và tìm đủ mọi phương tiện thiện xảo để an ủi nàng. Dần dần nàng tỉnh ngộ, cùng với Mục Kiền Liên, nàng đi đến yết kiến Phật.

            Về sau, Liên Hoa Sắc trở thành một vị Tỳ kheo ni gương mẫu, chứng thánh quả A La Hán và là vị thần thông số một về phái nữ, ngang hàng với Mục Kiền Liên là vị thần thông số một về phái nam.

            Cải quá tự tân là mục đích quan trọng của giáo pháp Phật. Bất cứ ai phạm bất cứ một tội lỗi nào dù là tội ngũ nghịch thập ác, hễ thành tâm sám hối, tinh tấn tu hành, thảy đều được cứu độ. Đó là diệu dụng của pháp môn Bất nhị. Theo pháp môn này, khổ vui vốn không hai, lìa khỏi khổ đau thì chính đó là an vui rồi. Ý nghĩa chứng quả của Liên Hoa Sắc là ở chổ đó.

            Trở về với ngài Mục Kiền Liên, ngài không những nổi tiếng là bậc thần thông số một trong hàng đệ tử Phật. Ngài còn nổi tiếng là bậc đại hiếu thờ mẹ hết lòng, xử dụng đủ mọi phương tiện thiện xảo để hướng dẫn mẹ về đường ngay nẻo chánh mà không làm phật lòng mẹ, mặc dù bà rất khó tánh . Tương truyền rằng ngài từng vì cứu mẹ mà đi xuống địa ngục, vì cứu mẹ mà làm công đức bố thí. Lễ Vu Lan Bồn mà Phật tử Bắc tông tổ chức hằng năm vào ngày trăng tròn tháng bảy sau mùa hạ an cư của chư Tăng là để kỷ niệm gương sáng chí hiếu ấy.

            Với Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên là một trong hai cánh tay đắc lực nhất của Phật trong công việc bố giáo. Hai ngài thường thay thế Phật trong nhiều trường hợp và dự phần quan trọng trong nền hưng thạnh của Phật giáo thời Phật còn tại thế. Nhưng Phật giáo càng hưng thạnh thì ngoại đạo càng căm tức ganh ghét. Đối với họ, Phật là cái đinh trước mắt cần phải nhổ đi. Nhưng vì không hại nổi Phật, họ lập tâm hại chúng đệ tử mà người sắc cạnh và hăng hái nhất chính là Mục Kiền Liên.

            Một hôm, Mục Kiền Liên đang đi khất thực trong thành Thất La Phiệt với hai đệ tử là Mã Túc và Mãn Túc thì bị bọn Lõa hình ngoại đạo mai phục sẵn xông ra đón đánh. Chỉ trang bị bằng gậy gộc mà thôi, nhưng vì chúng quá đông vây kín ngài lại, Mã Túc và Mãn Túc không chống trả nổi, nên ngài đã bị chúng đánh chết.

            Có sách nói bọn Lõa hình ngoại đạo này mai phục trên núi Y Tư Xa Lê, chờ ngài đi ngang qua, ném đá xuống như mưa khiến ngài tử thương. Ngài chết bằng cách nào, việc ấy chưa ai xác quyết rõ ràng (1), nhưng việc ngài bị Lõa hình ngoại đạo ám hại là một sự kiện lịch sử không choấi cải. Tin nầy khi đến tai vua A Xà Thế, khiến nhà vua rất phẫn nỗ. Ông hạ lệnh tróc nã hung thủ ngay. Đa số trong bọn chúng là đạo sĩ Lõa hình, thảy đều bị xử giảo bằng cách ném sống vào hầm lửa.

            Nhục thân ngài Mục Kiền Liên sau khi hỏa táng, xá lợi được Mã Túc và Mãn Túc rước về trao lại cho Phật, như trường hợp Xá Lợi Phất sau đó. Linh cốt hai ngài được tôn thờ và gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày Ấn độ bị đăït dưới quyền thống trị của ngưới Anh trong thế kỷ 18, được người Anh mang về trưng bày tại Bảo tàng viện Luân đôn và mới quy hoàn cho chánh phủ Nehru sau khi Ấn độ độc lập vào năm 1947.

            Khi tiếp nhận xá lợi của Mục Kiền Liên từ tay Mã Túc và Mãn Túc, Phật bảo các đệ tử:

            - Nhục thể là vô thường, nghiệp báo mới là quan trọng. Chỉ có Mục Kiền Liên khi xả bỏ xác thân mà tâm hồn vẫn không mê. Trước cứu cánh giác ngộ, việc sống chết không thành vấn đề. Có sanh tất có diệt. Không có gì phải hoang mang lo sợ. Điều cần yếu là khi chết, có cái gì nắm chắc trong tay. Cái đó Mục Kiền Liên đã có. Hơn nữa, Mục Kiền Liên vì tuyên dương giáo pháp Như lai mà hy sinh tuẩn nạn, đó là việc phước đức tốt lành nhất cho một tông đồ truyền giáo.

******

            (1) Lại có sách ghi: Một hôm, trên đường đi du hóa trở về, hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên bị đồ chúng của ông Bảo Lạc Noa, thuộc phái Ni Kiền Tử (Lõa hình), cầm gậy chận đường gây sự. Bọn này khi thấy Xá Lợi Phất đi tới, chận lại hỏi rằng: "Trong chúng chánh mạng (họ tự xưng như thế), có Sa môn không?" Xá Lợi Phất vốn là bậc Trí tuệ số một, đón biết ý chúng nên trả lời rằng: "Chúng chánh mạng sa môn không, chúng Thích Ca sa môn có, nếu A la hán còn tham ái là không có kẻ ngu si". Chúng không hiểu, tưởng ngài khen chúng nên để ngài đi. Đến lượt ngài Mục Kiền Liên đi tới, chúng lại hỏi câu ấy, ngài Mục Kiền Liên đáp: "Trong chúng các ngươi làm gì có quả sa môn!" Chúng cho là nhục mạ chúng, bèn vây đánh nhừ tử rồi bỏ đi. Ngài Xá Lợi Phất quay lại thấy bạn, mình mẫy bầm nát, thịt rơi từng mảnh, liền lấy áo cà sa bọc đem về tịnh xá. Được hỏi tại saongài là bậc thần thông nổi tiếng mà lại để bị như thế, ngài đáp: "Khi nghiệp lực đến, chỉ một chữø thần còn chưa nhớ được, huống nữa là phát thông!" Nói xong, ngài thị tịch.

******

3.- PHÚ LÂU NA (Pùrana) Thuyết pháp số 1

            Pùrana tức Phú Lâu Na, còn gọi là Pùra Maitràyani putra, Tàu dịch là Mãn Từ Tử (con bà Mãn Từ)

            Ngài là bậc có tín tâm thâm hậu, thái độ uy nghi, rất có tài hùng biện, xử dụng ngôn từ vô cùng xảo diệu, giúp Phật hết sức đắc lực trong công việc tuyên dương chánh pháp và được bất cứ loại thính chúng nào cũng đều nhiệt liệt hoan nghinh. Ngoài ba đức tánh cần có của một nhà đại hùng biện nói trên, ngài lại còn hơn tất cả các đại đệ tử ở một diểm vừa căn bản vừa đặc biệt khác nữa: ấy là tinh thần bố giáo cao độ của Ngài.

            Thông lệ của Phật là hàng năm sau ba tháng hạ an cư, Phật phân bổ chúng đệ tử thành nhiều đoàn phụ trách bố giáo tại từng địa phương. Trong số các giáo khu phân bổ, Phú Lâu Na chưa thấy tên nước Du Na (Suna), một vùng biên địa rất hiểm trở, giao thông khó khăn, dân tình quen thói man rợ bạo ngược. Đó là một xứ mà trước kia người ngoài chỉ nghe tên chứ ít ai dám bước chân đến, vì sợ mất mạng. Phú Lâu Na đề nghị với Phật xin cho mình đến đấy bố giáo một phen.

            Phật hỏi: "Ông không sợ nguy hiểm sao?"

            Phú Lâu Na mỉm cười bạch rằng : "Vì mục đích bình đẳng độ sanh, thì tất cả địa phương nào cũng đáng được lưu ý ngang nhau. Hơn nữa, dân tình chỗ nào càng man rợ bao nhiêu thì lại càng phải được thừa hưởng sự giáo hóa nhiều bấy nhiêu. Như vậy mới thật là bình đẳng. Đối với đệ tử, nguy hiểm hay không nguy hiểm không thành vấn đề. Vấn đề là làm sao trên báo đáp được hồng ân Phật, dưới hóa độ được chúng sanh. Vì sứ mạng thiêng liêng cao cả ấy, thân này dù có tan xương nát thịt, tưởng cũng chưa vừa".

            Phật hỏi: "Giả sử đến Du na mà bị người ta mắng nhiếc nhục mạ thì ông nghĩ sao và đối trị bằng cách nào?"

            - Đệ tử nghĩ rằng như thế họ còn quá tốt, chưa phải đã hoàn toàn dã man. Vì họ chửi rủa mà không dùng gậy gộc đánh đuổi.

            - Nếu họ dùng gậy gộc đánh đuổi hoặc dùng gạch ngói đá sõi ném vào người ông thì ông nghĩ sao?

            - Họ cũng còn là người tốt, vì không nhẫn tâm gây thương tích cho đệ tử.

            - Nếu họ gây thương tích?

            - Cũng vẫn còn là người có lương tri, vì họ không nỡ giết hại đệ tử một cách oan uổng.

            - Nếu họ giết ông?

            Cũng chưa phải là người xấu, vì nếu họ chấm dứt cái thân hư ảo này của đệ tử thì đó chính là họ ban trợ đệ tử mau nhập niết bàn, đem đến cho đệ tử một cơ hội hiếm có, được mang thân mạng này báo đáp hồng ân Phật. Việc ấy nếu xảy ra, đệ tử không ân hận mà còn hân hoan đón nhận. Có ân hận chăng là họ đã không được nghe chánh pháp mà thôi.

            Phật cảm động, ban khen rằng:

            - Này Phú Lâu Na! Ông quả không hổ danh là một đại đệ tử chân chánh của ta. Hạnh tu đạo, hạnh bố giáo, hạnh nhẫn nhục của ông thật là viên mãn.

            Quay lại chúng đệ tử, Phật bảo:

            - Này các Tỳ kheo, muốn theo đuổi sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, nên có tinh thần như Phú Lâu Na. Phàm làm giảng sư đi bố giáo, cần hội đủ mười đức tánh sau đây:

            (1) Thông hiểu giáo nghĩa.

            (2) Nói năng lưu loát.

            (3) Không e sợ trước đám đông.

            (4) Có biện tài vô ngại.

            (5) Vận dụng phương tiện khéo léo.

            (6) Biết tùy thuận hoàn cảnh và căn cơ chúng sanh.

            (7) Có đầy đủ oai nghi.

            (8) Tinh tấn dõng mãnh.

            (9) Có sức khỏe thể xác và tinh thần.

        (10) Hội đủ oai lực.

            Này các Tỳ kheo! Tất cả các đức tánh ấy Phú Lâu Na đều có đủ. Ông là người duy nhất trong tăng chúng hội đủ điều kiện cần thiết đến bố giáo tại Du Na. Ta không còn e ngại gì nữa.

            Quả như lời Phật dạy, Phú Lâu Na đã thành công rực rỡ tại Du Na. Ở nước này chưa đầy một năm, ngài đã thâu nhận vào tăng đoàn hơn măm trăm đệ tử và kiến lập khoảng năm mươi cảnh già lam.

            Từ đó, trong tăng chúng ai ai cũng công nhận ngài là bậc Thuyết pháp số một. Được như thế là nhờ ngài đã thành tựu được bốn pháp bồ tát:

            - Đối với bất cứ giáo pháp nào chưa từng nghe, thái độ ngài luôn luôn trầm tỉnh để tư lương nghĩa lý mà không vội phê phán.

            - Không cần đa văn, vì đa văn thì dâm dục đễ khởi; không cần nhàn hạ, vì nhàn hạ thì lạc tâm dễ sanh. Trái lại lo tu Từ quán để đoạn trứ sân nhuế, tu Bất tịnh quán để đoạn trừ tham dục, tu Nhân duyên quán để đoạn trừ ngu si.

            - Thấu rõ triệt để năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên để thành tựu trí vô sở đắc. Trí nầy có thành tựu mới không còn niệm phân biệt và nhờ đó mới đủ sức tuyên dương đại pháp.

            - Rộng thực hành bố thí, sâu nghiêm trì giới luật, thường dũng mãnh nhẫn nhục, tịnh tinh tấn bồ đề.

 

4.-TU BỒ ĐỀ (Subhùti) Giải Không số 1

            Các chi tiết về dấu tích của ngài Tu Bồ Đề không thấy ghi chép rõ như đối với các đại đệ tử khác. Tuy nhiên, căn cứ theo truyền thuyết của kinh sách Đại thừa thì sự tích ấy được tóm lược như sau:

            Lúc ngài mới sanh, trong gia đình hoàn toàn hiện ra những triệu chứng "không". Các đồ vật trong nhà từ kho lẫm, thùng hôïp, lu vại v.v... thảy đều tự nhiên trống không. Hỏi về ý nghĩa điềm lạ này thì được thầy tướng bảo rằng đó là điềm cực lành. Nhân vì điềm "không" ấy, cha nẹ ngài mới đăït tên cho ngài là Tu Bồ Đề nghĩa là Không sanh. Lại cũng có nghĩa là Thiện Cát (tốt lành) hay Thiện Hiện (hiện điềm tốt).

            Tương truyền một hôm Tu Bồ Đề đang ngồi vá áo trong động Kỳ Xà trên núi Linh Thứu thì bỗng nhiên ngài quán thấy Phật du hóa phương xa đang trên con đường trở về. Ngài định rời động xuống núi đón Phật, nhưng lại nghĩ rằng Phật dạy không có cái ta, cũng không có cái của ta. Đã không có cái ta và cái của ta thì tướng các pháp vốn không tịch vắng lặng. Phật đã chứng được thật tánh không tịch vắng lặng tuyệt đối ấy mà thực hiện tự ngã vô ngã siêu tuyệt không hai trong nhân loại, thì không có cái gì mà không phải là Phật, không ở đâu mà không có Phật. Vậy hà tất phải xuống núi mới gọi là đi đón Phật. Nghĩ như thế xong, ngài bình thản ngồi tiếp tục vá áo.

            Bấy giờ Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc nhờ đã chứng được thần thông như Mục Kiền Liên, biết được Phật sắp về, liền xuống núi nghênh đón. Bà lấy làm tự hào nghĩ rằng trong Thánh chúng chỉ có mình bà hay tin Phật về và đi đón Phật trước hơn ai hết. Phật nhìn Liên Hoa Sắc mỉm cười bảo rằng:

            - Trước nhà ngươi đã có Tu Bồ Đề đón ta rồi.

            Liên Hoa Sắc nghe nói giật mình, bàng hoàng không hiểu vì sao Phật dạy như thế. Khi lên tới động, Phật họp đại chúng lại, rồi bảo riêng Tu Bồ Đề:

            - Ông có biện tài, lại thấu rõ sâu xa đạo lý chân không. Vậy ông hãy nói cho đại chúng nghe về không lý để họ có dịp bổ túc thêm kiến thức.

            Đại chúng nghe Phật dạy đều nghĩ bụng rằng Tu Bồ Đề nói pháp này là phát xuất từ biện tài của riêng ông, hay ông thừa thọ oai lực của Phật mà nói?

            Tu Bồ Đề soi thấu tâm lý ấy của đại chúng, bèn đón trước mà nói rằng:

            - Phật đã truyền dạy, tôi đâu dám trái mạng! Chư huynh đệ nên ý thức rằng phàm làm sứ mạng thuyết giáo thì bất luận giáo thuyết ấy nông hay cạn, điều cốt yếu là phải khế cơ khế lý mới mong khuyên được người đời tu học. Mà đã khuyên được người đời tu học tức là thừa thọ uy lực của Phật rồi. Vì sao? Vì có thừa thọ uy lực của Phật mới thông cảm được chân ý của Phật, nhờ đó khiến chúng sanh chứng được bản tánh các pháp và tương ưng được với thật tướng các pháp để thực hiện vô ngã. Giờ đây, thừa sắc mạng của Phật để thuyết minh đạo lý chân không, tôi cũng chỉ nương vào uy lực của Phật mà thôi.

            Thưa chư huynh đệ, thuyết minh đạo lý chân không tức là đặt vấn đề tương ưng giữa pháp bồ tát và pháp không trí, nghĩa là giữa chủ thể và đối tượng. Muốn được như thế, trước hết cần quán sát để thấu rõ pháp gì gọi là pháp bồ tát và pháp gì gọi là pháp không trí? Quả tình tôi không thấy pháp nào gọi là bồ tát, cũng chẳng thấy pháp nào gọi là pháp không trí cả. Ngoài cái ngã của hai danh xưng ấy ra, thật không có gì sai khác để phân biệt giữa hai pháp ấy. Tánh của chúng là bất khả đắc. Chủ thể và đối tượng tuyệt đối im bặt, cho nên không tìm thấy đâu là chủ thể, đâu là khách thể. Chủ và khách đều vắng lặng trong không tánh. Pháp tương ưng giữa bồ tát và không trí là như thế.

            - Bạch Phật! như thế đã đủ để bổ túc sở học của chúng bồ tát chưa?

            Phật hoan hỷ bảo Tu Bồ Đề:

            - Hay thay! Tu Bồ Đề! Bồ tát chỉ có cái danh xưng suông là bồ tát. Không trí cũng chỉ có cái danh suông là không trí. Cũng như vậy, bồ tát quán không trí cũng chỉ là danh xưng suông mà thôi. Cái đó vốn không sanh diệt, chẳng qua là để tiện việc tuyên thuyết nên mới giả lập danh xưng. Cái giả danh ấy không ở trong, không ở ngoài, chẳng ở trung gian. Bản lai nó vốn là cái bất khả đắc. Cũng ví như nói ngã. Ngã chỉ là giả danh. Bản thể của ngã vốn bất sanh bất diệt. Để chứng cái bất sanh bất diệt ấy, cần phải tu học các giả pháp về bồ tát. Và thuyết minh giả danh và giả pháp không trí, tức như nương vào bóng trăng giả dưới nước để tìm bắt mặt trăng thật trên không. Trong việc nương giả để bắt thật, điều quan yếu là đừng chấp trước dính mắc vào đâu hết. Nếu có chấp trước dính mắc, thì không bao giờ đạt được giải thoát.

            Trong số đệ tử Phật, chỉ một mình Tu Bồ Đề là có nhận thức sâu sắc về không tánh của các pháp, vì ngài thật chứng không trí và hiểu rốt ráo không lý, cho nên được tôn xưng là bậc Giải Không số một.

            Không trí và không lý này, hơn sáu trăm năm về sau, được Bồ tát Long Thọ triển khai thành giáo nghĩa Bát Nhã với luận lý Bát Bất mà tái lập Trung đạo và xây dựng thế giới quan chơn không diệu hữu của Phật giáo Đại thừa.

 

5.- CA CHIÊN DIÊN (Kàtyàyana) Luận Nghị số 1

            Ngài Ca Chiên Diên có biệt tài dùng lời nói rất đơn giản khiến những ai vấn nạn ngài đều phải thần phục.

            Một hôm đang đi hành hóa, ngài gặp một Bà la môn chận lại cật vấn rằng:

            - Tôi có điều nghi hoặc này tự mình không giải đáp được, mong ngài giải trừ cho.

            - Thử xem.

            - Tôi thấy trên đời này, Sát đế lỵ tương tranh với Sát đế lỵ, Bà la môn tương tranh với Bà la môn. Như thế là vì nguyên nhân gì?

            - Vì tham dục mê hoặc.

            - Thế thì Sa môn với Sa môn tương tranh là vì nguyên nhân gì?

            - Vì bị ngã kiến chấp trước.

            - Thế thì trên thế gian này còn ai là người không bị tham dục mê hoặc và ngã kiến chấp trước để nương theo?

            - Phật.

            Lại một hôm, Ca Chiên Diên gặp một Bà la môn khác vặn hỏi:

            - Tôi nghe đồn ông vốn là Bà la môn xé rào qua theo Phật làm Sa môn, nhưng mỗi khi gặp lại những bậc trưởng lão Bà la môn cũ, ông không chịu đứng dậy nghinh tiếp, cũng không chịu ngồi chung chiếu với họ. Nếu đúng như lời đồn đãi, tôi tưởng rằng ông không thực hành đúng chánh pháp chăng?

            - Lời đồn quả tình đúng sự thật. Việc không chịu lễ bái một số trưởng lão Bà la môn lại cũng rất đúng chánh pháp. Tôi theo Phật và nhờ Phật, hiện tôi có chứng đắc một cái mà người ta gọi là thánh quả. Trên đường tu chứng đạo đức, ông không nên nói đến niên xĩ cao thấp. Bà la môn già tám chín chục tuổi, nếu còn đam mê ái dục, giam hãm mình trong tà kiến tham sân thì có ích gì cho ai. Đức hạnh không lấy tuổi đời mà đo, phải căn cứ vào tuổi đạo mà xét.

            Một hôm khác, trong khi đang du hóa tại nước A bàn đề, Ca Chiên Diên gặp một người đàn bà ôm một vò nước ngồi khóc nỉ non bên bờ sông. Thấy cảnh thương tâm, Ca Chiên Diên lại gần hỏi:

            - Vì sao khóc thảm não thế? Có thể cho biết lý do để thử xem có giúp ích được gì cho bà chăng?

            - Trên đời nầy thật là tối bất công! Bà già nói. Kẻ giàu thì giàu nức đố đổ vách, ngựa xe ngất ngưỡng; trái lại, người nghèo thì nghèo rớt mồng tơi, cất đầu không lên. Tôi là một kẻ cùng khổ, chẳng may sanh ra trong một gia đình nô lệ nghèo mạt rệp, từ khi sanh ra, liên miên chịu khổ nọ đến khổ kia, đến nay thì không còn sức để chịu đựng được nữa. Tôi muốn chết quá, nhưng nói với ông cũng vô ích. Ông là một Sa môn nghèo làm sao giúp được tôi?

            - Cần gì khóc lóc! Ca Chiên Diên đáp lại. Trên đời này thiếu gì người nghèo khổ, đâu phải riêng mình bà. Nghèo thì khổ đã đành, nhưng chắc gì giàu đã sướng. Thiếu gì người giàu còn khổ gấp mấy người nghèo, vì tham dục hành hạ. Hạnh phúc không phải tại chỗ giàu nghèo. Hạnh phúc chỉ ở chỗ biết tiết chế ham muốn và biết tự bằng lòng với những gì mình có.

            Người đàn bà khóc thét lên:

            - Ông nói như thế được, vì ông là Sa môn xuất gia. Sinh hoạt của chúng tôi ở thế gian này khác hẳn. Chỉ có người giàu sang mới muốn sao được vậy, còn bần cùng như hạng chúng tôi thì đâu có dễ dàng và giản dị như lời ông nói. Hiện tôi là một nô tỳ cho một đại phú ông, cùng năm mãn đời cơm không đủ no, áo không đủ ấm, thế mà vẫn phải phục dịch khổ sở từ sáng đến khuya, ngày nào cũng như ngày nấy cất mặt không nổi, lại còn bị chửi bới đánh đập không nương tay, cầu sống không xong, muốn chết chẳng được. Bao nhiêu thống khổ triền miên ấy, nguyên do chỉ vì bần cùng mà sanh ra. Hỏi làm sao không khóc nghèo được?

            - Đã như thế thì hãy bán nghèo đi!

            - Nghèo mà cũng bán được à? Ai điên gì đi mua cái của nợ đó.

            - Tôi mua cho, nhưng bà có bằng lòng bán không?

            - Thôi ông đừng đùa.

            - Tôi đâu có đùa. Trên đời này, nghèo có thể bán được. Nhưng chỉ vì không biết phuơng pháp bán, nên suốt đời người ta mới chịu khổ sở. Người ta bán nghèo bằng cách bố thí. Bà nên biết rằng trên thế gian này, mọi việc đều có nguyên nhân. Giàu nghèo cũng nằm trong qui luật đó. Sở dĩ kiếp này nghèo là vì kiếp xưa xan tham keo lẫn. Sở dĩ kiếp này giàu có là vì kiếp xưa từng tu phước đức bố thí. Vì vậy, bố thí và phước đức là phương pháp bán nghèo duy nhất.

            - Nhưng tôi có gì để bố thí cho ông đâu?

            - Hiện bà có vò nước. Bà hãy xuống sông múc một ít nước lên bố thí cho tôi, để tôi mua nghèo cho.

            Người đàn bà nghe xong, liền tỉnh ngộ. Từ đó, thường hành hạnh bố thí, biết thiểu dục tri túc, sống một cuộc đời vui vẻ hơn xưa.

            Trong suốt một đời hành hóa, ngài Ca Chiên Diên nhờ tài nghị luận xảo diệu, đã cảm hóa được rất nhiều người, khiến họ tỉnh ngộ trở về với Tam bảo, sống cuộc đời thanh thản an vui.

 

6.- MA HA CA DIẾP (Maha Kasyapa) Đầu Đà số 1

            Ma Ha Ca Diếp biết Phật nhân lúc phong trào dâng y rầm rộ do ngự y Kỳ Bà khởi xướng.

            Đệ tử Phật có nhiều vị cùng mang tên Ca Diếp, nên để phân biệt với các vị kia, kinh thường gọi vị đại đệ tử này là Ma Ha Ca Diếp hay Đại Ca Diếp (MaHa là lớn). Cũng nên biết thêm rằng theo Bắc tông thì sau khi Phật nhập diệt, Ma Ha Ca Diếp là sơ tổ, theo Nam tông thì chính Ưu Bà Ly mới là sơ tổ. Nêu hai sử liệu khác nhau trên đây là để người sau rộng đường tra cứu chính xác hơn.

            Như đã nói trong một đoạn trước, Ma Ha Ca Diếp là người thôn Sa La Đà, nước Ma Kiệt Đà, không xa thành Vương Xá. Trước khi chưa xuất gia, ngài là một vị đại phú hào giàu địch quốc, thuộc dòng họ Bà la môn, học rộng tài cao, thông minh quán chúng, từng nổi tiếng về hạnh thanh tịnh, tuy có vợ nhưng không ngủ chung giường. Kịp khi gặp Phật, ngài cho phân tán tài sản, thanh toán việc gia đình đâu vào đấy, rồi mang bình bát theo Phật học đạo. Sở nguyện của ngài là tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh). Hạnh này ngài khư khư giữ chặt cho đến hơi thở cuối cùng, ai lay cũng không chuyển.

            Nếu Phật là người bán sang mua hèn thì Ca Diếp là người bán giàu mua nghèo.

            Tu theo hạnh đầu đà, cần phải giữ đúng mười điều sau đây:

            (1) Chọn vùng hoang vắng để ở.

            (2) Sinh hoạt bằng phép trì bình.

            (3) Thường ở tại một nơi.

            (4) Ngày ăn một bửa.

            (5) Khất thực không phân biệt giàu nghèo.

            (6) Không có tài sản nào khác ngoài ba y, một bình bát và một ngọa cụ.

            (7) Tư duy dưới gốc cây.

            (8) Thường ngồi giữa đồng trống.

            (9) Mặc áo phấn tảo.

        (10) Sống tại các bãi tha ma.

            Sanh hoạt theo hạnh đầu đà là một lối sanh hoạt cực kỳ đơn giản nhằm mục đích tịnh hóa tâm hồn, rất thích hợp với những ai thích tu phạm hạnh như Ca Diếp.

            Sự tích ghi chép rằng: Một hôm Ca Diếp hành hóa trong thành Vương Xá, thấy một bà già ăn mày ốm yếu nằm rên rỉ bên vệ đuờng. Ngài đến gần hỏi rằng:

            - Này lão bà! Nhìn tình cảnh lão bà, tôi rất lấy làm đau xót. Theo tôi nghĩ, sở dĩ có tình cảnh như thế này là vì kiếp trước lão bà quá keo lẫn không chịu bỏ đồng xu nào bố thí cho ai. Tôi đây là đệ tử của Phật, là ruộng phước của nhân gian. Rất mong lão bà bố thí cho tôi chút đỉnh thức ăn, tôi xin nhường lại lão bà tất cả các món phước điền của tôi để kiếp sau lão bà thoát khỏi cảnh khốn cùng này.

            - Bạch tôn giả, bà già khóc đáp. Tôi rất cảm thông tấm lòng ưu ái của tôn giả vì muốn cứu tôi nên mới xin tôi thức ăn. Nhưng xin thú thật với tôn giả rằng từ ba hôm nay, tôi vẫn chưa hề có hột cơm nào trong bụng. Hiện tôi chỉ có chút ít nước mả đã nặng mùi của người ta đem đổ mà tôi dành lại được. Chả lẽ đem nước mả heo chê ấy cúng dường tôn giả?

            - Có quan hệ gì đâu! Ca Diếp đáp. Tôi đây chính là Đại Ca Diếp bán giàu mua nghèo này. Vì mục đích mua nghèo, tôi rất sung sướng được tiếp thọ sự cúng dường của lão bà.

            Bà già cảm động, hai tay run run dâng lên bình nước mả. Ca Diếp đón lấy và uống ngay trước mặt bà lão.

            Ca Diếp chuyên lo việc khuyến thiện và nhiếp phục người bằng những hành vi ưu ái thực tế. Không một hành vi nhỏ nhặt nào của ngài mà không thể hiện lòng từ bi rộng lớn và không nhằm xoa dịu đau khổ cho thế gian. Vì vậy ngài đến đâu là được quần chúng ở đấy kính mến tôn trọng. Xung quanh thân ngài như có hào quang rực chiếu, thu hút hết mọi ánh sáng khác, cho nên tên ngài còn được gọi là Ẩm Quang (uống ánh sáng).

            Quá chú trọng đến hoạt động cứu độ tích cực và thiết thực, ngài lại rất ít quan tâm đến việc hoằng pháp, ngược hẳn với hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Lúc hai ngài này chưa niết bàn, hai ngài thường khuyến khích Ca Diếp tham gia vào phong trào vận động văn hóa chung của Phật bằng hình thức thuyết pháp. Ca Diếp từ chối và kiên định lập trường của mình một cách dứt khoát:

            - Công việc hoằng pháp, xin nhường lại chư huynh đệ tài cao. Tôi chỉ chú trọng đến những vấn đề thực tế và chỉ trong mong làm sao cho thế gian trong hiện tại cũng như trong tương lai biết sống một đời thiểu dục tri túc là mãn nguyện lắm rồi.

            Vì lập hạnh như thế, nên quanh năm suốt tháng, đêm cũng như ngày, mưa cũng như nắng, Ca Diếp chỉ thích sống trong rừng sâu, ngồi tư duy dưới bóng cây, hoặc quan sát xương trắng ở các bãi tha ma, bất quản nắng lửa mưa dầu, chẳng ngại hùm beo rắn rết, coi thường gió giật sấm rền. Mặc ai khuyên can, ngài vẫn khư khư giữ chí không chuyển, lòng không sờn.

            Cho đến khi tuổi đã cao, sức đã mỏn mà ngài vẫn nhất mực giữ lối sinh hoạt ấy. Phật thấy không đành lòng, bèn dỗ dành ngài nên về trường trú tại tịnh xá Kỳ Viên, thì ngài bạch rằng:

            - Bạch Phật! Đệ tử rất cảm động được Phật từ mẫn ưu ái chăm sóc, nhưng đệ tử tự xét rằng từ mạng của Phật không thể không vâng, nhưng bản nguyện của đệ tử cũng không thể không theo. Nếu vâng theo từ mạng của Phật trở về trường trú tại đây thì không thể nào theo nếp sống của toàn thể. Mà nếu theo nếp sống chung thì hạnh đầu đà của đệ tử đành phải dứt ngang. Ở đây, cảnh trí hoàn toàn tươi vui, gió mát trăng trong, chim hót hoa cười, mỗi ngọ ăn xong là kinh hành, nghe pháp hoăïc nhập định tham thiền, mũi không được tiếp xúc với mùi xú uế của thây ma, mắt không được trông thấy một mảnh xương trắng nhỏ, thì e rằng khó tu các pháp quán vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Đệ tử chỉ thấy thân tâm hoàn toàn an lạc khi được ngồi ở giữa bãi tha ma, hoặc nơi đồng trống, hoặc dưới bóng cây. Mình mặc áo vá, miệng niệm kinh mà quán thây ma, bụng đói thì tùy ý khất thực, chân tự do ra vô cửa thành, không phiền lụy ai mà cũng chẳng ai phiền lụy mình. Mệt không đi được thì no lòng với củ cây trái rừng, không bận lòng vì cơm áo, không quan tâm đến đắc thất, đó là sở nguyện của đệ tử. Xin Phật từ bi doãn nạp cho.

            Bạch Phật! Đệ tử trộm nghĩ công việc độ sanh có nhiều phương diện, phải tùy tánh tình và khả năng riêng mà phân nhiệm để phụ trách. Quí hồ là ai trong nhiệm vụ nấy phải làm tròn. Công việc thay Phật phổ biến chánh pháp, đệ tử xin không dám nghĩ đến, vì đã có chư huynh Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên và nhiều huynh đệ tài hoa khác phụ trách. Đệ tử chỉ xin được trọn nguyện nghiêm túc sanh hoạt tăng đoàn, gây được tập quán cho các thế hệ về sau quen với nếp sống nhẫn nại, không ham tiếng khen, không cầu lợi dưỡng, nhất tâm nhất đức, sống vì chánh pháp, sống cho chúng sanh. Người ta có thể chê rằng sống như thế là sống cho riêng mình nhiều hơn. Nhưng nếu chính mình không giải thoát thì làm sao giải thoát được chúng sanh? Vì vậy, theo đệ tử nghĩ tu hạnh đầu đà là trực tiếp củng cố tăng đoàn và gián tiếp lợi lạc quần sanh. Thành khẩn yêu cầu Phật cho Ca Diếp này được giữ sự cố chấp ấy.

            Nghe xong, Phật cảm động hướng về đại chúng bảo rằng:

            - Các ông đã nghe rõ những lời thành khẩn của trưởng lão Ca Diếp chưa? Những lời ấy xuất phát tự đáy lòng của một đại đệ tử thật tâm lo âu cho tiền đồ chánh pháp. Trong tương lai, nếu chánh pháp bị hủy diệt, thì đó không phải do sự phá hoại của thiên ma ngoại đạo hay của thế lực cường quyền, mà chính là tại tăng đoàn hủ hóa băng hoại. Muốn chánh pháp trường tồn với thế gian, việc quan trọng bậc nhất là phải củng cố tăng đoàn. Muốn củng cố tăng đoàn, phải nghiêm túc sanh hoạt. Chánh pháp của ta nếu được hạng người như trưởng lão Ca Diếp thừa kế phụ trách thì mới chủ trì lâu dài được.

 

7.- A NA LUẬT (Anirudha) Thiên Nhãn số 1

            A Na Luật là em ruột của Ma Ha Nam, con thứ của Cam Lộ Phạn Vương, cùng xuất gia một lần trong nhóm bảy vương tử khi Phật về thăm quê lần đầu tiên.

            Trước khi chưa xuất gia, A Na Luật được nhiều thiếu nữ vương tộc yêu mến say mê vì vóc dáng anh dũng, diện mạo khôi ngô. Nhưng A Na Luật bản tánh vốn đoan chính nên chưa hề bị sắc đẹp làm giao động thân tâm.

            Sau khi xuất gia, một hôm đang du hóa đi lỡ độ đường, gặp lúc trời mưa đêm tối, mà trong vùng tuyệt nhiên không có cảnh già lam nào để tạm trú. A Na Luật đành đến gõ cửa một nhà thường dân xin ngủ nhờ một đêm. Thiếu nữ trong nhà ra mở cửa, thoạt nhìn thấy A Na Luật thì lòng vô cùng hoan hỷ, vội vàng tiếp đón vào. Trong nhà hiu quạnh vắng vẻ, ngoài thiếu nữ là chủ nhà, khôn còn ai khác. Gặp thế kẹt, A Na Luật bèn ngồi kiết già, nhất tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng đợi trời sáng.

            Nửa đêm thiếu nữ mò đến gạ chuyện, nói xa nói gần, buông lời cợt nhả. Thấy A Na Luật làm thinh, thiếu nữ bèn kể lể nỗi niềm tâm sự của mình, nào là có trưởng giả nọ cầu hôn, nào là có Bà la môn kia ngấp nghé, nhưng nàng đều cự tuyệt. Nay gặp được A Na Luật là người dung mạo tú lệ, xứng đôi vừa lứa, nàng muốn kết nghĩa trăm năm, và yêu cầu A Na Luật ở lại với nàng đừng đi đâu nữa. Nàng thì khẩn khoản van lơn, A Na Luật thì hai mắt nhắm riết, cố giữ nhất tâm bất động. Cuối cùng tưởng chừng cá đã ăn câu, nàng dở trò dâm loạn, đưa tay mân mê sờ mó, bị A Na Luật cự tuyệt dữ dội. Thấy nàng quá xấu hổ, A Na Luật bèn dịu giọng tìm lời khuyên bảo, đưa nàng về đường ngay nẻo thẳng. Sau đó vì cảm mến đức đoan chánh dịu dàng của A Na Luật, nàng xin quy y làm đệ tử.

            Trong tăng chúng cũng như ngoài nhân gian, A Na Luật nổi tiếng là bậc tu hành rất mực thanh tịnh, không bao giờ bị nữ sắc cám dỗ, vì vậy được mọi người kính ngưỡng. Duy có một tật nhỏ, A Na Luật dù đã cố gắng nhiều nhưng chưa hề thành công, đó là tật ưa ngủ gục mỗi khi ngồi nghe Phật thuyết pháp. Vì tật này, A Na Luật đã từng bị Phật quở trách đôi ba phen.

            Một hôm, Phật gọi A Na Luật đến bên mình, bảo rằng:

            - Này A Na Luật! Ông xuất gia học đạo là vì sợ phép nước hay sợ trộm cướp?

            - Thưa, không phải như vậy.

            - Thế lý do gì ông đi xuất gia?

            - Vì chán sanh tử và mong muốn giải thoát.

            - Muốn giải thoát mà ngủ gục trong khi nghe pháp thì biết đến bao giờ mới thành tựu?

            A Na Luật liền quỳ xuống, phát lời thề độc rằng:

            -Bạch Phật! Từ rày sắp sau, đệ tử sẳn sàng chịu mọi cực hình miễn sao diệt trừ được tật ngủ gục. Xin Phật từ bi lượng thứ cho lần cuối cùng này.

            Từ đó, A Na Luật lập hạnh "không ngủ", từ đầu hôm cho đến suốt sáng, từ tảng rạng đến chiều đêm, A Na Luật ngồi mở to đôi mắt, trân tráo nhìn vào khoảng không, không chớp mắt. Ngồi chong như thế hết ngày nọ sang ngày kia cho đến một hôm hai mắt sưng vù.

            Phật thấy thế lấy làm lo ngại, bèn dạy rằng:

            - Này A Na Luật! trong việc tu hành, bất cập cố nhiên không bao giờ đạt đạo, nhưng ngược lại, thái quá cũng chẳng đi đến đâu. Ông không nên tiếp tục cái hạnh quái gở ấy nữa.

            - Bạch Phật! đệ tử đã phát nguyện xin Phật cho đệ tử được giữ tròn.

            - Nhưng con mắt là cơ quan cần yếu, không nên hành hạ nó. Nó mà hỏng đi thì cả đại sự giải thoát cũng hỏng luôn. Phàm tất cả chúng sanh ai ai cũng cần ăn mới sống. Không ăn thì chết. Mà thức ăn của con mắt chính là giấc ngủ. Ông bỏ ngủ tức là ông không cho con mắt ăn. Nó chết đi, ông làm sao lần bước tiến tới Niết bàn được. Ông nên biết rằng niết bàn cũng cần thức ăn.

            - Niết bàn cũng cần thức ăn nữa à?

            - Vâng, thức ăn "Bất phóng dật" tức là không buông lung mới đến được niết bàn. Và trước khi đến đó, con mắt cần phải ăn, ức là cần phải ngủ.

            Mặc dù Phật từ mẫn khuyên bảo như thế, nhưng A Na Luật vẫn khăng khăng không chịu nghe, cứ tiếp tục hành hạ đôi mắt. Chẳng bao lâu hai mắt mù tịt. Chứng kiến cảnh mù lòa của A Na Luật, Phật thương xót lắm, tìm đủ cách chửa trị.

            Một hôm A Na Luật đang ngồi nghĩ cách may áo, nhưng chưa biết tìm ai giúp đỡ mình. Phật đoán biết ý nghĩ, bèn nói:

            - Để ta xâu chỉ giúp cho.

            A Na Luật giựt mình không biết vì sao Phật đọc được ý nghĩ thầm kín của mình. Phật lấy kim xâu chỉ xong, tự mình đem trao tận tay cho A Na Luật. A Na Luật đang loay quay chưa biết tính sao, Phật liền bảo:

            - Để ta giúp cho.

            Suốt một ngày Phật cầm tay A Na Luật chỉ cách đưa mũi kim lên xuống, và đến tối thì may xong ba áo. Trong khi cầm tay A Na Luật cùng may, Phật dạy A Na Luật phương pháp tu định để khiến mắt sáng ra. Vốn tin Phật một cách tuyệt đối và triệt để thực hành, không bao lâu A Na Luật sáng mắt trở lại và chứng được thiên nhãn thông. Bất luận xa gần trong ngoài, mắt A Na Luật đều thấy suốt. Trong hàng đệ tử Phật, ngài là bậc Thiên nhãn số một.

            Sau khi đạt được thiên nhãn, A Na Luật vô cùng cảm kích, bèn  đến trước mặt Phật bạch rằng:

            - Đệ tử thường nghĩ rằng với người tu đạo thiểu dục tri túc, dũng mãnh tinh tấn là những điều kiện ắt có; dẹp bỏ tiểu ngã để phục vụ nhân sanh là trách nhiệm thường hằng. Nhưng cuối cùng để đi đến niết bàn và hoàn thành giác ngộ thì phải làm những gì, xin Phật từ bi khai ngộ.

            - Hay thay! Hay thay! Phật đáp. Câu hỏi thật là đúng lúc. Vấn đề ông nêu ra quả là quan trọng mà bất cứ một đại nhân nào cũng cần phải biết. Vấn đề đó gồm trong chương trình tám điểm sau đây:

            (1) Nên biết rằng: thế gian vô thường, hoàn cảnh mong manh, bốn đại khổ không, năm ấm vô ngã; rằng hết thảy đều sanh diệt đổi dời, luống dối không thật; rằng tâm là nguồn gốc tội ác, thân là môi trường kích động. Quán sát như vậy thì dần dần lìa được sanh tử.

            (2) Nên biết rằng: đa dục là nguồn gốc của đau khổ, là đầu mối của sanh tử; rằng chỉ có thiểu dục vô vi mới khiến được thân tâm tự tại.

            (3) Nên biết rằng: lòng tham không đáy, càng thỏa mãn thì càng mong cầu và càng tăng trưởng tội ác; rằng bồ tát ngược lại thường nhớ điều tri túc, vui đạo quên nghèo, chăm lo xây dựng sự nghiệp trí huệ.

            (4) Nên biết rằng: lười nhác trụy lạc là điều đáng tủi hổ, vì vậy cần luôn luôn tinh tấn phá trừ phiền não, hàng phục bốn ma để mau ra khỏi tù ngục của ấm giới giam hãm.

            (5) Nên biết rằng: ngu si là đầu mối của sanh tử, vì vậy bồ tát chăm lo học rộng nghe nhiều, tăng trưởng trí huệ để sớm thành tựu biện tài mà tìm niềm vui trong việc giáo hóa chúng sanh.

            (6) Nên biết rằng: nghèo khổ hay sanh lòng oán hận gây thêm duyên dữ; rằng bồ tát thì không nhớ oán xưa, không ghét người ác, oan thân thảy đều bình đẳng.

            (7) Nên biết rằng: dục lạc là cội nguồn họa hoạn, vì vậy dù còn ở thế, nhưng tâm không nên say đắm dục tình, nên hướng tâm về chí nguyện xuất gia giữ đạo thanh bạch, cầu hạnh thanh tịnh, lấy từ bi nhuầm thấm tất cả mọi loài.

            (8) Nên biết rằng: lửa dữ sanh tử ngày đêm đốt thiêu, biển khổ không bờ, cần phát tâm độ khắp chúng sanh, thay thế tất cả chúng sanh chịu vô lượng đau khổ, khiến thảy đều được an vui.

            Này A Na Luật! Tám việc trên đây từng được chư Phật khai thị. Người tu học đạo giác ngộ cần vận dụng tâm từ bi rộng lớn làm căn bản cho việc tu phước và huệ, thành tựu cứu cánh niết bàn an lạc.

 

8.-ƯU BÀ LI (Upàli) Trì Giới số 1

            Ưu Bà Ly vốn thuộc giai cấp Thủ Đà La, xuất thân làm nghề thợ cạo tóc, hầu hạ trong vương cung, dưới trướng của vương tử Bạt Đề.

            Ngày Phật về thăm Ca Tỳ La lần đầu tiên và chấp nhận cho các vương tử xuất gia, Ưu Bà Ly tủi hổ cho thân phận mình sanh ra trong chốn hạ tiện, ở thế gian làm thân nô lệ đã đành, muốn lìa thế gian đi tu cũng không được phép. Hờn thân tủi phận, Ưu Bà Ly ngồi giọt dài giọt vắn, nước mắt trào tuôn. Chợt có Xá Lợi Phất đi ngang qua trông thấy, hỏi rõ nguyên nhân, bèn an ủi rằng:

            - Này Ưu Bà Ly! Ông đừng có ngại, giáo pháp Phật không phân biệt kẻ trí người ngu, kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, hoặc giai cấp trên dưới. Giáo pháp ấy mênh mông như biển cả, khoáng đạt như hư không. Biển cả bao dung hết thảy trăm sông, hư không trùm chứa tất cả vạn loại. Cũng vậy, từ bi của Phật dung chứa mọi loài hữu tình, bất luận quý tiện, miễn có lòng tin thuận quy ngưỡng. Nên biết từ bi là mạch sống của nhân sanh, là hơi thở của vạn hữu, là trái tim của đạo pháp. Không từ bi thì không có gì tồn tại được. Có từ bi thì trăm việc đều thành. Muốn trưởng dưỡng từ bi thì việc giữ giới là yếu tố then chốt. Tôi xin đưa ông đến yết kiến Phật và tin chắc rằng Phật sẽ hoan hỉ đón nhận ông. Ông khỏi lo!

            Quả nhiên như lời Xá Lợi Phất nói, khi Phật gặp Ưu Bà Ly, ngài vô cùng hoan hỷ, âu yếm nhìn Ưu Bà Ly bảo rằng:

            - Này Ưu Bà Ly! Thoạt thấy ông, ta biết căn khí ông không nhỏ. Trải qua nhiều kiếp, ông đã từng ra công tu luyện và từng giữ giới rất tinh nghiêm. Tương lai trong giáo đoàn ta, ông sẽ là bậc Trì Giới số một. Hay lắm! Hay lắm! Ta phải làm lễ thế phát cho ông ngay bây giờ. Lễ thế phát của các vương tử sẽ cử hành sau, để cho họ có ngày giờ lãng quên thân phận vương công của họ.

            Sử liệu cũng ghi rằng tuy Ưu Bà Ly và các vương tử xuất gia cùng ngày, nhưng lễ xuất gia của các vương tử chỉ được chính thức cử hành sau khi Phật đã thu nhận Ưu Bà Ly. Không những thế, trong ngày Bạt Đề chính thức gia nhập tăng đoàn, Phật bảo Bạt Đề phải đảnh lễ Ưu Bà Ly vì tuổi đời của Ưu Bà Ly lớn hơn. Dụng ý của Phật trong việc này cốt  thể hiện tinh thần bình đẳng của giáo pháp mình, nhằm xóa bỏ mọi giai cấp xã hội.

            Đây là người nô lệ Thủ đà la đầu tiên được Phật thâu nhận. Đây cũng là người nô lệ Thủ đà la đầu tiên tham dự vào hoạt động tôn giáo trong lịch sữ văn minh Ấn độ.

            Theo sử liêïu Bắc truyền, sau khi Phật diệt độ, trong cuộc kiết tập

kinh điển lần đầu tiên dưới quyền chủ tọa của Ma Ha Ca Diếp, chính Ưu Bà Ly là vị trưởng lão tụng đọc tám mươi lần các giới luật Phật chế cho đại chúng nghe, kết thành bộ Bát Thập Tụng Luật là quyển luật căn bản đầu tiên của Phật giáo.

            Theo sử liệu Nam truyền, không những Ưu Bà Ly kết tập Tạng Luật, ngài còn là vị sơ tổ kế tiếp Phật lãnh đạo tăng đoàn, chứ không phải Ca Diếp như truyền thống Bắc tông. Sự kiện này tưởng đáng cho ta suy xét, phải chăng vì Nam tông chú trọng hành trì giới luật nên tôn Ưu Bà Ly lên hàng đầu, còn Bắc tông chú trọng lý tưởng giác ngộ nên tôn Ca Diếp lên hàng đầu. Xét kỹ thì bên nào cũng có sở cứ vững vàng. Và chính đây là đầu mối phân rẽ giữa Nam và Bắc tông.

 

9.- A NAN ĐÀ (Ananda) Đa văn số 1

            A Nan Đà hay A Nan là con thứ của Bạch Phạn Vương, em ruột của Đề Bà Đạt Đa, tức em con chú của Phật.

            A Nan sanh trong đêm Phạt thành đạo, nên còn có tên là Khánh Hỷ, tuổi so với La Hầu La còn trẻ hơn nữa, nhưng tình nguyện theo chân Phật thuộc nhóm bảy vương tử trong ngày Phật về thăm quê lần đầu tiên. Trong tăng đoàn, ngài là người đẹp trai nhất và thông minh nhất. Ngược hẳn với Chu Lỵ Bàn Đà Già học một câu kệ ba tháng không thuộc, An Nan lại nghe một biết mười, nghe nhiều hơn bất cứ ai trong chúng, vì ngài là thị giả Phật, không một hội thuyết pháp nào mà không có ngài dự. Thế mà oái oăm thay, chính Chu Lỵ Bàn Đà Già lại chứng quả trước A Nan ngay khi Phật còn tại thế. Còn A Nan mãi đến khi Phật nhập diệt đã ba tháng mới chứng quả, tức là một hôm trước ngày đại hội kiết tập lần thứ nhất.

            Theo Phật cho đến khi chính thức thọ giới Tỳ kheo, A Nan được tăng chúng đề nghị cho làm thị giả hầu cận Phật. E ngại sự tỵ hiềm có thể xảy ra vì việc này, A Nan đề xướng năm khoản thỉnh nguyện, yêu cầu Mục Kiền Liên chuyển trình lên Phật trước khi đảm nhận trách nhiệm:

            (1) Nhất thiết không mặc áo Phật cho, dù mới hay cũ.

            (2) Không bao giờ đi trước mỗi khi có thí chủ thỉnh Phật về nhà riêng cúng dường.

            (3) Được ra ngoài hay đi chỗ khác trong khi Phật tiếp tín chúng đến hỏi đạo, nếu sự hiện diện của thị giả không cần thiết.

            (4) Không ăn đồ thừa của Phật.

            (5) Được tùy tiện sắp xếp hoặc cho hay không cho, mỗi khi có khách muốn đến yết kiến Phật.

            Năm khoản ấy sau khi trình lên Phật, được chấp nhận ngay, Phật biết ý A Nan muốn tránh tỵ hiềm trong tăng chúng và muốn tránh không nghe những mẫu giáo lý chưa hoàn bị mà vì cơ duyên, Phật cần nói riêng với một số tín chúng chưa thuần thục.

            Vì A Nan rất đẹp trai, tánh lại rất hoan hỷ đối với phụ nữ, nên được tất cả nữ giới kính mến ưa chuộng. Ngày Ma ha Ba Xà Ba Đề và năm trăm cung nữ đến xin Phật xuất gia, bà hết sức năn nỉ với chúng tăng nhờ trình lên với Phật, nhưng không một ai chịu chuyển trình. Riêng A Nan hoan hỷ nhận lời ngay. Lại một hôm, cùng đi du hóa trong đoàn của Ma Ha Ca Diếp, ngang qua một lan nhã của Tỳ kheo ni, nhóm này vừa trông thấy ùa ra đón rước. Mặc dù Ca Diếp là vị trưởng lão niên xĩ đạo cao lạp trưởng, thế mà họ chỉ vây quanh A Nan để hỏi đạo, rồi sau mới quay sang bái vấn Ca Diếp. Một hôm khác, nhân có việc đi một mình gặp một cô gái nô lệ tên Bát Cát Đế (Praksti hay Pakati) trong dòng họ Ma đăng già (Matànga). A Nan bị cô gái này yêu say mê mệt, quyết cướp cho được làm chồng, may nhờ Phật phương tiện tìm cách giải cứu mới thoát khỏi.

            Từ khi A Nan bị nạn Ma đăng già, Phật không cho ngài xuất ngoại một mình. Phật đi đâu luôn luôn có A Nan đi theo. Vì vậy trong các hội thuyết pháp luôn luôn có mặt A Nan. Pháp Phật như biển cả, nước biển ấy hoàn toàn chảy hết vào tâm A Nan, không sót một giọt.

            Một hôm trên đường du hóa, nhân trời nắng gắt, Phật ngồi nghỉ dưới bóng cây, bảo A Nan mang bình ra sông lấy nước về uống. A Nan mang bình không về, trình rằng nước sông quá đục không dùng được, vì trên mạn thượng lưu cách đó không xa, có nhiều ngựa voi lội qua, quậy nước đục ngầu. Phật truyền cứ múc nước lên uống, A Nan đành trở lui xuống sông thì ngạc nhiên biết bao, nước sông trở lại trong vắt như mắt mèo. A Nan hỏi duyên cớ, Phật mỉm cười không nói.

            Khi Phật về già, một hômA Nan nằm mộng thấy bảy việc kỳ quái, lòng rất hoang mang lo sợ, sáng dậy trình lại Phật biết để thỉnh ý kiến. Bảy sự việc ấy như sau:

            (1) Lửa dữ rực cháy, thiêu đốt khắp biển lớn nhỏ và sông hồ ngòi lạch.

            (2) Mặt trời rơi rụng, thế giới tối tăm, A Nan vươn lên đầu cao ngang núi Tu di.

            (3) Tỳ kheo bỏ giới luật, treo áo cà sa.

            (4) Tỳ kheo pháp y tơi tả, lận đận khốn cùng trong lao lý chông gai.

            (5) Heo rừng từng đoàn kéo đến bới gốc rễ cây chiên đàn to lớn xanh um.

            (6) Voi con không nghe lời voi mẹ, tung tăng rong chơi khắp xứ, lạc bước vào chốn đồng khô cỏ cháy, chết đói chết khát ngổn ngang.

            (7) Sư tử chết, các loài phi trùng, điểu thú không dám lại gần, dòi bọ từ trong ruột sư tử bò ra lô nhô lúc nhúc, rút rỉa thịt xương sư tử.

            Nghe A Nan kể lại bảy việc thấy trong giấc mộng. Phật rầu rầu nét măït, dạy rằng: "Này An Nan! Mộng tuy do tâm tạo, nhưng đó cũng chính là triệu chứng báo trước tương lai giáo pháp của ta đấy.

            - Này A Nan! Lửa dữ thiêu đốt sông biển, đó là điềm trong tương lai có hạng Tỳ kheo được tín chúng cúng dường đầy đủ, lại khởi xướng đấu tranh, vi phạm giáo pháp thanh tịnh của ta.

            - Này A Nan! Mặt trời rơi rụng, thế giới tối tăm, đầu ông cao ngang núi Tu di, đó là điềm sau khi ta niết bàn, đại chúng Tỳ kheo cùng chư thiên và quần chúng sẽ yêu cầu ông tuyên dương chánh pháp.

            - Này A Nan! Tỳ kheo bỏ giới treo áo cà sa, đó là điềm trong tương lai có hạng tỳ kheo chỉ chuyên nói lý thuyết suông mà không thực sự tu hành.

            - Này A Nan! Tỳ kheo lận đận khốn cùng, pháp y tơi tả, đó là điềm trong tương lai có hạng tỳ kheo vợ con đùm đề, bỏ giới không tu, xuôi theo thế tục hưởng lạc.

            - Này A Nan Heo rừng đào bới rễ chiên đàn, đó là điềm trong tương lai có hạng tỳ kheo buôn bán Như lai, xem chánh pháp như phương tiện trao đổi để cầu lợi dưỡng.

            - Này A Nan! Voi con không nghe lời voi mẹ đến đổi bị đói khát mà chết, đó là điềm trong tương lai có hạng tỳ kheo thiếu niên hậu học không nghe lời giáo huấn của trưởng lão, không tin tội phước quả báo, chết đọa vào địa ngục.

            - Này A Nan! Dòi bọ từ trong bụng sư tử chết bò ra, rút rỉa xương thịt sư tử chết mà ăn, đó là điềm trong tương lai chính đệ tử Phật trở lại phá hoại giáo pháp Phật, chứ không phải ngoại đạo đủ sức phá nổi".

            Một trong bảy mộng triệu trên đây đã được kiểm chứng đúng, ngay sau khi Phật nhập diệt ba tháng. Đó là việc A Nan được đại hội kiết tập kinh điển lần thứ nhất giao phó trách nhiệm đứng lên tụng lại các kinh điển của Phật cho đại chúng nghe. Tương truyền rằng trước khi khai hội, A Nan xin dự nhưng bị chủ tọa là Ma Ha Ca Diếp từ chối. Uất ức vì không được tham dự, A Nan tìm một chỗ vắng trong động để tham thiền tìm cho ra lẽ. Ngồi như thế một ngày một đêm mệt quá, vừa ngã lưng xuống định nghỉ xả hơi thì hoát nhiên đại ngộ. Sau đó, A Nan xin đến gặp Ca Diếp trở lại, được Ca Diếp hoan hỷ đón vào và giao cho trách nhiệm kết tập kinh điển.

 

10.- LA HẦU LA (Rahula) Mật Hạnh số 1

            La Hầu La là con ruột của Phật khi ngài còn là thái tử. Sau khi thái tử xuất gia, La Hầu La là một trong những người có thể thừa kế vương vị Ca Tỳ La. Nhưng điều mà Phật đã từ bỏ, ngài không muốn cho con ngài làm. Vì vậy khi về thăm quê lần đầu tiên, Ngài phương tiện tìm cách đưa La Hầu La đi xuất gia và giao cho Xá Lợi Phất dạy bảo.

            Với sự xuất gia của La Hầu La, chế độ Sa di bắt đầu khai xuất. Bấy giờ, La Hầu La khoảng 15,16 tuổi, chưa ý thức được tầm quan trọng của con đường mới và cũng chưa đủ sức lãnh nạp giáo pháp Phật.  Đối với sanh hoạt tăng đoàn, chẳng qua cha bảo sao con nghe vậy, không ưa thích cũng chẳng chống báng.

            Để tẩy trừ tập khí vương giả quen thói chỉ tay năm ngón, Phật bảo Xá Lợi Phất giao cho La Hầu La công việc quét dọn đình viện hàng ngày. Một hôm quét xong trở về phòng thì phòng đã bị một khách tăng chiếm ở và quăng y bát của La Hầu La ra ngoài. La Hầu La đành ôm y bát ra sân ngồi. Thình lình trời mưa, La Hầu La lại ôm y bát vào ngồi cầu xí. Việc này sau khi Phật biết, trở thành nguyên nhân khiến Phật lập quy chế mới, cho Sa di ở chung phòng với Tỳ kheo. Từ đó La Hầu La sát gót Xá Lợi Phất. Nhân một hôm cùng đi khất thực với bổn sư, tín chúng cúng dường không đồng đều, La Hầu La bất bình, nên từ đó Phật chế ra luật Lục hòa kỉnh.

            Một hôm cùng với Xá Lợi Phất vào thành Vương Xá khất thực, hai thầy trò gặp một gả mất dạy bỏ cát vào bình bát của Xá Lợi Phất rồi dùng gậy đánh lên đầu La Hầu La. Nhìn gương mặt phừng phừng tức giận của La Hầu La, Xá Lợi Phất ôn tồn khuyên bảo:

            - Nếu là đệ tử của Phật, nhà ngươi nên có tinh thần nhẫn nhục, không nên cưu hận và nên thường vận dụng tâm từ bi thương xót tất cả chúng sanh. Vinh nhục, khen chê không đáng cho ta lưu ý. Phật dạy trên thế gian này không có sức mạnh nào lớn đến đâu có thể thắng nổi sức mạnh của nhẫn nhục.

            Việc này sau khi Phật biết, lại được Phật dạy thêm:

            - Này La Hầu La, người không biết nhẫn nhục không thể nào thấy Phật, thuận Pháp, gần Tăng, thường bị đọa lạc vào đường dữ. Có nhẫn nhục mới có bình an, mới tiêu trừ được họa hoạn, phát triển trí tuệ. Trí tuệ tối cao là con đẻ của nhẫn nhục. Người có trí tuệ mới thấy rõ quả báo thâm viễn, khắc phục sân tâm, thường hành tinh tấn, thể hiện chân tinh thần và chân ý nghĩa của Phật pháp, hòa hợp với thế tục mà không ô nhiễm. Nhẫn nhục là tăng thượng duyên của đạo pháp, giúp hành giả sớm chứng giải thoát.

            Được Phật và Xá Lợi Phất kềm sát và từ mẫn giáo hóa, tập khí cương cường của dòng máu vương giả trong người La Hầu La mỗi ngày mỗi lạt phai và tánh tình lần lần trở nên ôn hòa nhu thuận. Duy chỉ có một tánh chưa bỏ được, đó là tánh ưa bông đùa dối gạt để mua vui. Nhằm sửa trị tánh này, một hôm Phật bảo La Hầu La bưng một chậu nước đến cho ngài rửa chân. Rửa xong, Phật hỏi La Hầu La:

            - Nước này có thể uống được không?

            - Thưa không.

            - Vì sao?

            - Vì đã ô uế.

            - Nước ô uế không dùng được, tâm ô uế cũng thế. Mang danh xuất gia mà không tịnh tâm tu học, không giữ gìn lời nói, lòng tràn đầy ba độc cấu uế thì khác gì mớ nước ô uế này. Đã không dùng được thì hãy đổ đi.

            Phật bảo La Hầu La đem chậu đi dổ rồi mang chậu không về. Hỏi:

            - Chậu này có dùng đựng cơm được không?

            - Thưa không.

            - Vì sao?

            - Vì mặt chậu bám đầy chất dơ.

            - Chậu dơ không dùng được, thân dơ cũng thế. Mang danh xuất gia mà không tu giới định huệ, không thanh tịnh thân khẩu ý, mình dính đầy ba độc cấu uế thì khác gì cái chậu dơ này. Đã không dùng được thì thà đập bể còn hơn.

            Phật đá nhẹ vào chậu khiến chậu vỡ đôi. Hỏi:

            - Nhà người có tiếc cái chậu không?

            - Thưa không, vì là chậu dơ.

            - Này La Hầu La! Nhà ngươi không tiếc chậu dơ như thế nào thì tăng đoàn không dung người dơ cũng như thế. Mang danh xuất gia mà không biết trọng uy nghi, hý ngôn lộng ngữ thì ai mà yêu mến nhà ngươi  đuợc?

            Từ đó, La Hầu La thề quyết tâm hoán cải, nghiêm trì giới luật, tinh tấn đạo tâm, suốt ngày kín tiếng lặng hơi, quyết luyện mật hạnh. Tu như vậy trong mấy năm liền, vẫn không thấy tiến bộ, nhưng một hôm nhân một câu nói của Phật mà hoát nhiên khai ngộ. Hôm ấy cùng Phật đi du hóa, Phật chỉ cảnh vật xung quanh bảo La Hầu La rằng:

            - Hãy nhìn vạn tượng sum la kia, rồi nhìn trở lui vào tâm niệm và thân thể của mình, để xem thử có gì đứng yên một chỗ không? Vô thường! Vô thường tất cả! Nên biết như thế và đừng để cho tâm chấp trước dính mắc vào đâu hết.

            Sau một thời gian chăm chú luyện mật hạnh, câu nói đơn giản trên đây của Phật như có mãnh lực của dông sấm đập

PHẬT VÀ THÁNH CHÚNG
Xuất bản: Phật Học Viện Nha Trang, Phật lịch 2513

THÁNH CHÚNG

            Trong suốt bốn mươi chín năm giáo hóa, từ thành đạo cho đến niết bàn, Phật quy tụ xung quanh hào quang của ngài một số đệ tử, cả xuất gia lẫn tại gia nhiều không kể xiết. Riêng chúng xuất gia cũng đã lên đến con số kinh khủng rồi. Trong số nầy, những bậc xuất sắc ưu tú, chứng được thánh quả A La Hán, gồm có 1255 vị mà kinh điển thường ghi con số tròn là 1250. Đặc biệt nhất có mười vị mệnh danh là Thập Đại đệ tử. Gọi là Đại vì những vị trong số mười người này đều có sở trường riêng, sở chứng riêng và đạo hạnh riêng. Mười vị đại đệ tử ấy gọi là Thánh chúng của Phật, mà giáo điển Đại thừa liệt kê như sau:

            1.- Xá Lợi Phất, Trí tuệ số 1.

            2.- Mục Kiền Liên, Thần thông số 1.

            3.- Phú Lâu Na, Thuyết pháp số 1.

            4.- Tu Bồ Đề, Giải không số 1.

            5.- Ca Chiên Diên, Luận nghị số 1.

            6.- Đại Ca Diếp, Đầu đà số 1.

            7.- A Na Luật, Thiên nhãn số 1.

            8.- Ưu Ba Ly, Trì giới số 1.

            9.- A Nan Đà, Đa văn số 1.

        10.- La Hầu La, Mật hạnh số 1.

 

1.- XÁ LỢI PHẤT (Sàriputra) Trí Tuệ số 1

            Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai đệ tử cao cấp nhất của Phật. Cả hai vốn là đôi bạn thâm giao từ ngày còn trẻ. Bấy giờ, hai người cùng ở trong môn phái San Xa Dạ Tỳ La Lê Tử, một trong sáu nhóm Lục sư ngoại đạo. Xá Lợi Phất từng nổi tiếng về biện tài vô ngại, còn Mục Kiền Liên nổi tiếng về năng lực thần thông. Mỗi ngài đều có dưới gối một trăm đồ chúng. Cả hai cùng ước hẹn với nhau rằng hể ai đắc đạo trước thì phải thông báo ngay cho người kia biết để cùng theo chung một đường.

            Một hôm Xá Lợi Phất gặp Mã Thắng, tức A Xả Bà Thệ, một trong năm Tỳ kheo đầu tiên, đang đi khất thực trong thành Vương Xá. Thấy phong độ uy nghiêm tự tại của Mã Thắng, Xá Lợi Phất lân la đến hỏi, được vị này cho biết ông đang theo Phật học đạo. Hỏi về giáo lý pháp Phật thì được giảng cho nghe về lý duyên sanh của các pháp, rằng các pháp do nhân duyên mà có sanh rồi cũng do nhân duyên mà có diệt, rằng tinh túy của giáo pháp này tóm gọn trong một bài kệ là:

Chư pháp tùng duyên sanh

Diệc phục tùng duyên diệt

Ngã Phật đại sa môn

Thường tác như thị thuyết.

(Các pháp do duyên sanh

Lại cũng do duyên diệt

Thầy tôi là đức Phật

Thường dạy tôi như thế)

            Nghe xong đạo lý duyên sanh, Xá Lợi Phất như bừng tỉnh, rồi xin đi theo Mã Thắng về yết kiến Phật. Được Phật khai thị rõ thêm về các đạo lý vô ngã, niết bàn v.v... Xá Lợi Phất ước hẹn với Phật xin trở về đưa Mục Kiền Liên đến, rồi cả hai cùng quy y Phật. Cùng theo về với hai người có thêm hai trăm đồ chúng. Sự trở về này đã tăng thêm uy thế lớn lao cho Phật, vì hai người nguyên là hai lãnh tụ tôn giáo vốn đã có nhiều uy tín trong giới đạo học thời bấy giờ.

            Riêng về Xá Lợi Phất, ngài là cháu gọi Câu Hy La  tức Trường trảo phạn chí bằng cậu ruột. Ông này cũng là một lãnh tụ ngoại đạo tên tuổi và có tài biện luận. Sau khi thấy cháu theo Phật, ông rất đổi ngạc nhiên, tìm đến hỏi lý do, được Xá Lợi Phất khai thị, rồi cũng xin theo luôn.

            Tương truyền mẹ ngài Xá Lợi Phất, bà Xá Lợi (Sàri), chị ruột Câu Hy La, cũng là một người đàn bà đặc biệt. Bà rất thông minh, biện tài còn giỏi hơn em và chỉ thua con mà thôi. Thân phụ ngài tên là Ưu Bà Đề Xá hay Ưu Ba Thất Sa (Upatisya). Tên ấy cũng được dùng để gọi ngài. Nhưng phong tục Ấn Dộ bấy giờ có thói quen gọi con bằng tên mẹ. Như Sàriputra, phiên âm Xá Lợi Phất Đa La, hay gọi tắt Xá Lợi Phật, có nghĩa là: con bà Xá Lợi (Sàri: bà Xá Lợi; putra: con). Vì vậy Xà Lợi Phất, Tàu còn gọi là Xá Lợi Tử.

            Sau khi theo gót Phật, suốt trên bốn mươi năm, Xá Lợi Phất mặc dù là bậc trí tuệ kỳ vỹ, nhưng đối với Phật vẫn luôn luôn bách y bách thuận. Ngài chưa bao giờ phạm một lỗi lầm nhỏ nào khiến Phật phiền lòng. Ngài thật xứng đáng là bậc trưởng lão đứng đầu hàng Thánh chúng. Trong thời kỳ kiến thiết tịnh xá Kỳ Viên, ngài được Phật ủy thác trông coi và lo liệu. Chính ngài là người đầu tiên đem chánh pháp gieo rắc tại Xá Vệ và đưa ngoại đạo về với Phật, trước khi Phật chưa quang lâm đến. Lại cũng chính ngài là người được Phật đăïc biệt ủy thác giáo hóa La Hầu La.

            Sự tích ghi chép rằng, một hôm La Hầu La đi khất thực về, gương mặt có vẻ không vui. Phật kêu lên gạn hỏi thì La Hầu La phàn nàn rằng trong đoàn khất  thực của mình chỉ có trưởng lão Xá Lợi Phất và các Tỳ kheo lớn tuổi mới được tín thí cúng dường vật thực béo bổ. Kỳ dư hạng sa môn như La Hầu La thì chỉ được tặng cho một tý xíu xác mè ép và rau đồng trộn với cơm; ăn uống như thế thì làm sao có đủ sức khỏe để tu hành. Phật rầy La Hầu La không nên có niệm đố kỵ, dạy La Hầu La lui, rồi cho mời Xá Lợi Phất đến bảo rằng:

            - Hôm nay ông ăn phải thức ăn bất tịnh, ông có biết không?

            Xá Lợi Phất giật mình, vì chính hôm ấy sau khi ăn xong thì đồ ăn ẩu ra hết. Ngài ngạc nhiên không hiểu vì sao Phật lại biết được việc ấy. Riêng ngài cũng tự xét chưa bao giờ làm trái hay thi hành lệch lạc luật khất thực của Phật.

            Nhân cơ hội này, Phật chế ra pháp Lục hòa kỉnh. Pháp này gồm có sáu điểm cơ bản quan trọng quy định nguyên tắc sanh hoạt trong nội bộ của chúng tăng:

            a.- Thân hòa đồng trú ( cùng ở chung với nhau một chỗ).

            b.- Khẩu hòa vô tránh (không tranh cãi nhau).

            c.- Ý hòa đồng duyệt (thông cảm cởi mở với nhau).

            d.- Lợi hòa đồng quân ( chia đều lợi lộc để chung hưởng)

            e.- Giới hòa đồng tu (cùng tu theo giới luật như nhau).

            f.- Kiến hòa đồng giải (san sẻ kiến giải với nhau).

            Sáu điểm cơ bản này quyết định sanh mạng của giáo đoàn. Vì vậy nghe xong, Xá Lợi Phất hoan hỷ tín thọ và áp dụng ngay.

            Một hôm, tại tịnh xá Kỳ Viên, sau ba tháng hạ an cư, Xá Lợi Phất từ giả Phật để lên đường đi bố giáo. Ngài vừa ra khỏi cổng thì một Tỳ kheo lên đầu cáo với Phật rằng Xá Lợi Phất vô cớ nhục mạ y rồi nhân cơn giận dữ, thác cớ bố giáo để bỏ đi, chớ không có ý đi bố giáo thật sự. Phật cho gọi Xá Lợi Phất lui. Sau khi được Phật cho biết lý do gọi về, Xá Lợi Phất trầm tỉnh bạch rằng:

            - Bạch Phật! Từ ngày theo gót Phật học đạo, đến nay tuổi đã gần tám mươi, để tử chưa hề sát hại sanh mạng, chưa hề nói dối, ngày ngày chỉ chăm lo sám hối tội cũ. Nhờ hồng ân Phật, suốt thời gian dài đăng đẳng trên bốn mươi năm, đệ tử rất sung sướng được thấy tâm mình trong lặng như nước biếc. Vì vậy, đệ tử chưa từng biết khinh thị ai, nói chi đến việc lăng nhục!

            Bạch Phật! Đất bùn là biểu trưng cho nhẫn nhục. Tất cả những gì bất tịnh nhất trên thế gian này như máu mủ, đờm giải, phẩn nước tiểu v.v... đất bùn đều lãnh thọ được hết. Đệ tử có thể xác quyết với Phật rằng đệ tử muốn làm đất bùn và nguyện không làm trái ý bất cứ một ai. Dòng nước không hề có niệm yêu ghét và trên thế gian này bất cứ một vật gì nhơ nhớp cũng nhờ nước mà tẩy sạch. Đệ tử nguyện làm dòng nước gội tẩy ô uế thế gian. Cái chổi không hề có niệm phân biệt, không chọn tốt xấu trước khi quét phủi. Đệ tử nguyện làm cái chổi quét sạch bụi trần cho chúng sanh. Từ khi lãnh thọ giáo pháp Phật, đệ tử luôn luôn an trú trong chánh niệm, chưa hề biết phân biệt là gì, khinh thị là gì. Nếu quả thật đệ tử có lỗi mà vị Tỳ kheo nào đó thấy được, xin vị ấy từ mẫn chỉ bảo, đệ tử xin hướng đến vị ấy thành khẩn sám hối.

            Phật cho gọi vị Tỳ kheo đầu cáo ra đối chứng. Vị này hổ thẹn vì đã nói dối, xin Phật và Xá Lợi Phất thứ dung. Đáp lại, Xá Lợi Phất không những không tỏ ý giận dỗi, mà còn từ ái an ủi khuyên răn.

            Một hôm khác, nhân Xá Lợi Phất đi bố giáo về tối , phòng ở của ngài bị nhóm Lục Quần Tỳ kheo chiếm ngủ. Xá Lợi Phất lẵng lặng ra ngoài trời, ngủ dưới gốc cây. Sáng ngày, Phật biết chuyện này cho triệu tập đại chúng lại rầy la. Lục Quần Tỳ kheo cãi bướng rằng Xá Lợi Phất không phải Bà la môn, cũng chẳng phải Sát đế lỵ thì không có quyền dành riêng chỗ ngủ. (Lục Quần Tỳ kheo gồm sáu người lếu láo nhất trong số đệ tử Phật, thường hay toa rập nhau quấy rối làm những điều ngỗ ngáo). Phật dạy rằng trong hàng đệ tử của ngài, sinh hoạt tuy bình đẳng, nhưng đối với những bậc niên xỉ và pháp lạp cao, hết thảy Tỳ kheo khác có bổn phận cung kính cúng dường, nhường nhịn nơi ăn chốn ở tốt nhất, nước uống thức ăn tốt nhất. Xá Lợi Phất rất cảm động về lòng ưu ái của Phật đối với mình.

            Lại một hôm, sau khi được hung tin người lão hữu Mục Kiền Liên bị bọn Lõa hình ngoại đạo ám hại trong khi đang đi bố giáo tại thành Thất La Phiệt (tức Xá Vệ). Bấy giờ, đa số tăng chúng đang trú đóng tại Tỳ Xá Ly. Chỉ có Phật, Xá Lợi Phất và một ít tỳ kheo hầu hạ Phật ở lại Vương Xá. Nghe tin chẳng lành, Xá Lợi Phất ngất đi một hồi lâu, ngài xót xa thương cảm bạn vô hạn, Phật phải dỗ dành an ủi mấy ngày liền. Sau đó, Phật triệu tập tăng chúng lại, báo cho tất cả biết hung tin và đồng thời cũng cho hay rằng trong ba tháng nữa, chính Phật cũng sẽ tấn nhập Niết bàn.

            Nhận tiếp hai tin chẳng lành, bạn chết và thầy sắp ra đi, Xá Lợi Phất cảm thấy cô đơn đau xót, ngài xin Phật cho phép về quê thăm mẹ già tuổi đã trên trăm, tại thôn Ca La Tý Noa Ca. Ngài dắt thêm một sa di tên Quân Đầu. Về tới nhà ngài cho triệu tập dân cư trong vùng lại, cùng họ hàn huyên ấm lạnh, rồi đem giáo pháp Phật giảng giải cho mọi người cùng nghe, khuyên bảo họ nên theo gương từ bi nhẫn nhục của Phật mà sanh hoạt. Sau khi vui vẻ từ giả mẹ già, bà con lối xóm, ngài nhập đại định và thị tịch luôn. Theo gương các cao đệ của Phật trong quá khứ, ngài không muốn chứng kiến cảnh Phật nhập niết bàn.

            Linh cốt của Xá Lợi Phất được Quân Đầu mang về trình Phật. Phập tập họp chúng Tỳ kheo lại, nhìn vào xá lợi của vị cao đệ trưởng lão mà bảo rằng:

            "Linh cốt này trước khi còn là Đại trí Xá Lợi Phất, đã từng vì chúng sanh thuyết pháp bố giáo khắp nơi. Trí tuệ của bậc đại trí này rộng lớn vô biên, ngoài Phật ra không ai sánh kịp. Nhờ trí huệ ấy, bậc đại trí này đã chứng ngộ pháp tánh, thiểu dục tri túc, dõng mãnh tinh thấn, thường tu thiền định, vì người giáo hóa, không có ngã chấp, biện tài vô ngại nhưng không ham tranh cãi, xá lánh người dữ, hàng phục ngoại đạo, tuyên dương chánh pháp, xa lìa đau khổ, chứng ngộ giải thoát.

            Đây là vị đệ tử số một của ta. Các người nên theo gương vị đại đệ tử ấy".

 

2.- MỤC KIỀN LIÊN (Maudgalyàyana) Thần thông số 1

            Là bạn tâm giao của Xá Lợi Phất từ ngày còn tu theo môn phái Sa Xa Dạ, Mục Kiền Liên là vị đại đệ tử số hai của Phật, sau Xá Lợi Phất.

            Thân phụ ngài tên là Câu Lỵ Ca (Kolita), thân mẫu ngài thuộc họ Mục Kiền Liên, nên trong kinh có chỗ gọi ngài là Câu Lỵ Ca hay Câu Luật Đà, nhưng danh xưng thông dụng nhất là Mục Kiền Liên (Maudgalyàyana hay Maudygapaputra).

            Sau khi về hầu Phật, ngài rất hăng say trong việc phổ biến Phật pháp. Không khó khăn nào mà ngài không quyết tâm khắc phục để thủ thắng cho kỳ được. Ngài không chấp nhận thỏa hiệp. Ỷ vào sức thần thông, trong khi đấu phép với ngoại đạo, ngài luôn luôn chiến thắng họ.

Đặc tánh của Xá Lợi Phất là mặc dù có biện tài vô ngại, đối với Phật thủy chung vẫn bách y bách thuận. Ngược lại, đặc tính của Mục Kiền Liên là ỷ vào thần thông, đối với ngoại đạo luôn luôn áp đảo bách chiến bách thắng.

            Phật thường quở ngài về tánh tự thị này, Phật bảo: "Thần thông tuy là một phép tu cao cường, nhưng không phải là pháp căn bản, vì thần thông không quan hệ đế sự nghiệp giải thoát sanh tử. Ngày thành Ca Tỳ La bị Tỳ Lưu Ly vây khổn, Mục Kiền Liên không nghe lời Phật, đã từng dụng thần thông đến cứu dòng họ Thích Ca, nhưng cuối cùng thần thông vẫn không thắng nổi nghiệp quả. Lúc ngài đi bố giáo trong thành Thất La Phiệt, bị ngoại đạo dùng gậy gộc vây đánh, thần thông cũng không cứu được ngài thoát chết, vì không thắng được nghiệp báo.

            Về giá trị thần thông, trong giáo điển Phật giáo còn ghi lại một mẫu chuyện khá lý thú: một hôm Phật gặp một đạo sĩ Bà la môn đang trổ tài thần thông cho dân chúng hiếu kỳ xem bên một bờ sông. Thấy Phật, ông dương dương tự đắc, Phật hỏi ông tu bao lâu và chứng được quả gì. Ông cho biết ông ra công luyện thần thông từ trên ba mươi năm và thành quả đạt được là tự cất mình bay qua một con sông rộng trăm thước. Phật cười đáp lại rằng nếu mất nữa đời người để chỉ làm một công việc mà bất cứ ai có một đồng xu trong tay cũng làm được, thì quả là đắt.

            Giá trị thần thông ở chỗ giúp kẻ chứng nó soi suốt lòng người, không quản xa gần, bất cứ ở đâu, không phân biệt trong tâm hay ngoài thân. Về công năng thấu suốt bén nhạy ấy, trong kinh sách Phật giáo lại có một câu chuyện như sau:

            Một hôm Mục Kiền Liên đi qua một viên lâm, tình cờ gặp một phụ nữ trung niên rất xinh đẹp tên là Liên Hoa Sắc đón đường gạ chuyện. Nhìn nàng, Mục Kiền Liên biết ngay là một cô gái điếm đến mê hoặc mình. Không những thế, ngài còn thấu suốt được những uẩn khúc của lòng nàng, những nỗi khổ nhục mà nàng trải qua khiến cho nàng vốn là người có bản chất tốt như hoa sen mà phải lăn lộn hụp lặn trong chốn bùn nhơ, Ngài nói với Liên Hoa Sắc:

            - Người cô hình dáng thật là mỹ miều xinh đẹp lại thêm trang sức lộng lẫy, bên ngoài coi bộ duyên dáng hấp dẫn, nhưng bên trong chứa đầy ô uế ngày đêm tiết rĩ không ngừng. Thân thể và tâm hồn cô hiện tại cực kỳ bất tịnh. Cô đang vùng vẫy trong bùn nhơ, nhưng càng vùng vẫy thì càng lún sâu thêm mãi.

            Liên Hoa Sắc kinh hãi, bất giác rơi lệ thưa rằng:

            - Tôi không còn cách nào hơn.

            Mục Kiền Liên an ủi:

            - Không nên tự khí, dù quá khứ như thế nào, người ta cũng có thể xây dựng lại được cuộc đời, miễn là chịu thành khẩn sám hối lỗi trước. Áo quần dơ, thân thể bẩn thì lấy nước giăït rửa. Tâm hồn bất tịnh thì dùng Phật pháp lau chùi. Nước trăm sông dù dơ, chỉ cần chảy vào biển cả, thảy đều lắng xuống gạn trong. Thầy ta là đức Phật dạy rằng, nếu chịu khó tẩy uế tâm hồn thì bất cứ ai cũng ngộ đạo và được giải cứu.

            - Nhưng tội lỗi quá khứ của tôi khủng khiếp lắm, nói ra e tôn giả phải bỏ chạy vì khiếp hãi.

            - Cứ nói đi.

            - Tôi tên là Liên Hoa Sắc, con của trưởng giả trú tại thành Đức Xoa Thi Ca. Lúc mười sáu tuổi lấy chồng. Sau đó không bao lâu, chẳng may cha chồng quá vãng, mẹ chồng góa bụa lại tư thông với chồng tôi. Bấy giờ tôi đã sanh được một gái. Chứng kiến cảnh loạn luân ngang trái ấy, tôi uất ức quá bỏ nhà ra đi. Bỏ luôn đứa con cho chồng. Lang thang phiêu bạc mấy năm, tôi tái giá với một người  chồng khác. Y là một thương gia hằng ngày ngược xuôi theo nghiệp buôn bán. Một hôm từ thành Đức Xoa Thi Ca về, nhân buôn bán phát tài, y mua về một nàng hầu đem dấu cất ở một nhà riêng. Nghe hàng xóm đâm tin, tôi nổi máu ghen lên, dùng trăm mưu nghìn kế dò cho ra sào huyệt của con dâm phụ để xé xác nó ra. Đến khi thấy mặt thì hởi ôi! đó chính là con gái tôi với người chồng trước. Tôi té xuống chết giấc. Không hiểu nghiệp báo gì của tôi kỳ dị đến thế. Trước kia bà già chồng tranh cướp chồng tôi, giờ dây con gái tôi lại cũng tranh cướp chồng tôi. Chung chồng với mẹ, rồi lại chung chồng với con, như thế làm sao tôi có thể sống nỗi? Chán ngán nhân tình thế thái, tôi mang thân ra làm gái điếm, mua vui bằng cách đùa cợt với mọi người, dùng tiếng hát để nhận chìm thế gian. Đối với tôi, đời sống còn có nghĩa gì đâu, ngoài tiền bạc của cải. Tiền bạc là vạn năng, người ta mua tiếng cười của tôi có khi đến hàng ngàn lượng bạc. Rồi với số tiền ấy, tôi vung tay cho sướng, khiến cho ai ai cũng phải thần phục dưới chân tôi. Ấy tội tôi như thế đấy, làm sao sám hối cho hết được?

            Mục Kiền Liên nghe qua, biết rằng Liên Hoa Sắc đau khổ lắm. Bề ngoài giọng nói và luận điệu tuy có vẻ khinh bạc, nhưng bên trong thiện tâm vẫn chưa khô cạn. Ngài đem giáo lý duyên sanh giảng giải cho nàng nghe và tìm đủ mọi phương tiện thiện xảo để an ủi nàng. Dần dần nàng tỉnh ngộ, cùng với Mục Kiền Liên, nàng đi đến yết kiến Phật.

            Về sau, Liên Hoa Sắc trở thành một vị Tỳ kheo ni gương mẫu, chứng thánh quả A La Hán và là vị thần thông số một về phái nữ, ngang hàng với Mục Kiền Liên là vị thần thông số một về phái nam.

            Cải quá tự tân là mục đích quan trọng của giáo pháp Phật. Bất cứ ai phạm bất cứ một tội lỗi nào dù là tội ngũ nghịch thập ác, hễ thành tâm sám hối, tinh tấn tu hành, thảy đều được cứu độ. Đó là diệu dụng của pháp môn Bất nhị. Theo pháp môn này, khổ vui vốn không hai, lìa khỏi khổ đau thì chính đó là an vui rồi. Ý nghĩa chứng quả của Liên Hoa Sắc là ở chổ đó.

            Trở về với ngài Mục Kiền Liên, ngài không những nổi tiếng là bậc thần thông số một trong hàng đệ tử Phật. Ngài còn nổi tiếng là bậc đại hiếu thờ mẹ hết lòng, xử dụng đủ mọi phương tiện thiện xảo để hướng dẫn mẹ về đường ngay nẻo chánh mà không làm phật lòng mẹ, mặc dù bà rất khó tánh . Tương truyền rằng ngài từng vì cứu mẹ mà đi xuống địa ngục, vì cứu mẹ mà làm công đức bố thí. Lễ Vu Lan Bồn mà Phật tử Bắc tông tổ chức hằng năm vào ngày trăng tròn tháng bảy sau mùa hạ an cư của chư Tăng là để kỷ niệm gương sáng chí hiếu ấy.

            Với Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên là một trong hai cánh tay đắc lực nhất của Phật trong công việc bố giáo. Hai ngài thường thay thế Phật trong nhiều trường hợp và dự phần quan trọng trong nền hưng thạnh của Phật giáo thời Phật còn tại thế. Nhưng Phật giáo càng hưng thạnh thì ngoại đạo càng căm tức ganh ghét. Đối với họ, Phật là cái đinh trước mắt cần phải nhổ đi. Nhưng vì không hại nổi Phật, họ lập tâm hại chúng đệ tử mà người sắc cạnh và hăng hái nhất chính là Mục Kiền Liên.

            Một hôm, Mục Kiền Liên đang đi khất thực trong thành Thất La Phiệt với hai đệ tử là Mã Túc và Mãn Túc thì bị bọn Lõa hình ngoại đạo mai phục sẵn xông ra đón đánh. Chỉ trang bị bằng gậy gộc mà thôi, nhưng vì chúng quá đông vây kín ngài lại, Mã Túc và Mãn Túc không chống trả nổi, nên ngài đã bị chúng đánh chết.

            Có sách nói bọn Lõa hình ngoại đạo này mai phục trên núi Y Tư Xa Lê, chờ ngài đi ngang qua, ném đá xuống như mưa khiến ngài tử thương. Ngài chết bằng cách nào, việc ấy chưa ai xác quyết rõ ràng (1), nhưng việc ngài bị Lõa hình ngoại đạo ám hại là một sự kiện lịch sử không choấi cải. Tin nầy khi đến tai vua A Xà Thế, khiến nhà vua rất phẫn nỗ. Ông hạ lệnh tróc nã hung thủ ngay. Đa số trong bọn chúng là đạo sĩ Lõa hình, thảy đều bị xử giảo bằng cách ném sống vào hầm lửa.

            Nhục thân ngài Mục Kiền Liên sau khi hỏa táng, xá lợi được Mã Túc và Mãn Túc rước về trao lại cho Phật, như trường hợp Xá Lợi Phất sau đó. Linh cốt hai ngài được tôn thờ và gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày Ấn độ bị đăït dưới quyền thống trị của ngưới Anh trong thế kỷ 18, được người Anh mang về trưng bày tại Bảo tàng viện Luân đôn và mới quy hoàn cho chánh phủ Nehru sau khi Ấn độ độc lập vào năm 1947.

            Khi tiếp nhận xá lợi của Mục Kiền Liên từ tay Mã Túc và Mãn Túc, Phật bảo các đệ tử:

            - Nhục thể là vô thường, nghiệp báo mới là quan trọng. Chỉ có Mục Kiền Liên khi xả bỏ xác thân mà tâm hồn vẫn không mê. Trước cứu cánh giác ngộ, việc sống chết không thành vấn đề. Có sanh tất có diệt. Không có gì phải hoang mang lo sợ. Điều cần yếu là khi chết, có cái gì nắm chắc trong tay. Cái đó Mục Kiền Liên đã có. Hơn nữa, Mục Kiền Liên vì tuyên dương giáo pháp Như lai mà hy sinh tuẩn nạn, đó là việc phước đức tốt lành nhất cho một tông đồ truyền giáo.

******

            (1) Lại có sách ghi: Một hôm, trên đường đi du hóa trở về, hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên bị đồ chúng của ông Bảo Lạc Noa, thuộc phái Ni Kiền Tử (Lõa hình), cầm gậy chận đường gây sự. Bọn này khi thấy Xá Lợi Phất đi tới, chận lại hỏi rằng: "Trong chúng chánh mạng (họ tự xưng như thế), có Sa môn không?" Xá Lợi Phất vốn là bậc Trí tuệ số một, đón biết ý chúng nên trả lời rằng: "Chúng chánh mạng sa môn không, chúng Thích Ca sa môn có, nếu A la hán còn tham ái là không có kẻ ngu si". Chúng không hiểu, tưởng ngài khen chúng nên để ngài đi. Đến lượt ngài Mục Kiền Liên đi tới, chúng lại hỏi câu ấy, ngài Mục Kiền Liên đáp: "Trong chúng các ngươi làm gì có quả sa môn!" Chúng cho là nhục mạ chúng, bèn vây đánh nhừ tử rồi bỏ đi. Ngài Xá Lợi Phất quay lại thấy bạn, mình mẫy bầm nát, thịt rơi từng mảnh, liền lấy áo cà sa bọc đem về tịnh xá. Được hỏi tại saongài là bậc thần thông nổi tiếng mà lại để bị như thế, ngài đáp: "Khi nghiệp lực đến, chỉ một chữø thần còn chưa nhớ được, huống nữa là phát thông!" Nói xong, ngài thị tịch.

******

3.- PHÚ LÂU NA (Pùrana) Thuyết pháp số 1

            Pùrana tức Phú Lâu Na, còn gọi là Pùra Maitràyani putra, Tàu dịch là Mãn Từ Tử (con bà Mãn Từ)

            Ngài là bậc có tín tâm thâm hậu, thái độ uy nghi, rất có tài hùng biện, xử dụng ngôn từ vô cùng xảo diệu, giúp Phật hết sức đắc lực trong công việc tuyên dương chánh pháp và được bất cứ loại thính chúng nào cũng đều nhiệt liệt hoan nghinh. Ngoài ba đức tánh cần có của một nhà đại hùng biện nói trên, ngài lại còn hơn tất cả các đại đệ tử ở một diểm vừa căn bản vừa đặc biệt khác nữa: ấy là tinh thần bố giáo cao độ của Ngài.

            Thông lệ của Phật là hàng năm sau ba tháng hạ an cư, Phật phân bổ chúng đệ tử thành nhiều đoàn phụ trách bố giáo tại từng địa phương. Trong số các giáo khu phân bổ, Phú Lâu Na chưa thấy tên nước Du Na (Suna), một vùng biên địa rất hiểm trở, giao thông khó khăn, dân tình quen thói man rợ bạo ngược. Đó là một xứ mà trước kia người ngoài chỉ nghe tên chứ ít ai dám bước chân đến, vì sợ mất mạng. Phú Lâu Na đề nghị với Phật xin cho mình đến đấy bố giáo một phen.

            Phật hỏi: "Ông không sợ nguy hiểm sao?"

            Phú Lâu Na mỉm cười bạch rằng : "Vì mục đích bình đẳng độ sanh, thì tất cả địa phương nào cũng đáng được lưu ý ngang nhau. Hơn nữa, dân tình chỗ nào càng man rợ bao nhiêu thì lại càng phải được thừa hưởng sự giáo hóa nhiều bấy nhiêu. Như vậy mới thật là bình đẳng. Đối với đệ tử, nguy hiểm hay không nguy hiểm không thành vấn đề. Vấn đề là làm sao trên báo đáp được hồng ân Phật, dưới hóa độ được chúng sanh. Vì sứ mạng thiêng liêng cao cả ấy, thân này dù có tan xương nát thịt, tưởng cũng chưa vừa".

            Phật hỏi: "Giả sử đến Du na mà bị người ta mắng nhiếc nhục mạ thì ông nghĩ sao và đối trị bằng cách nào?"

            - Đệ tử nghĩ rằng như thế họ còn quá tốt, chưa phải đã hoàn toàn dã man. Vì họ chửi rủa mà không dùng gậy gộc đánh đuổi.

            - Nếu họ dùng gậy gộc đánh đuổi hoặc dùng gạch ngói đá sõi ném vào người ông thì ông nghĩ sao?

            - Họ cũng còn là người tốt, vì không nhẫn tâm gây thương tích cho đệ tử.

            - Nếu họ gây thương tích?

            - Cũng vẫn còn là người có lương tri, vì họ không nỡ giết hại đệ tử một cách oan uổng.

            - Nếu họ giết ông?

            Cũng chưa phải là người xấu, vì nếu họ chấm dứt cái thân hư ảo này của đệ tử thì đó chính là họ ban trợ đệ tử mau nhập niết bàn, đem đến cho đệ tử một cơ hội hiếm có, được mang thân mạng này báo đáp hồng ân Phật. Việc ấy nếu xảy ra, đệ tử không ân hận mà còn hân hoan đón nhận. Có ân hận chăng là họ đã không được nghe chánh pháp mà thôi.

            Phật cảm động, ban khen rằng:

            - Này Phú Lâu Na! Ông quả không hổ danh là một đại đệ tử chân chánh của ta. Hạnh tu đạo, hạnh bố giáo, hạnh nhẫn nhục của ông thật là viên mãn.

            Quay lại chúng đệ tử, Phật bảo:

            - Này các Tỳ kheo, muốn theo đuổi sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, nên có tinh thần như Phú Lâu Na. Phàm làm giảng sư đi bố giáo, cần hội đủ mười đức tánh sau đây:

            (1) Thông hiểu giáo nghĩa.

            (2) Nói năng lưu loát.

            (3) Không e sợ trước đám đông.

            (4) Có biện tài vô ngại.

            (5) Vận dụng phương tiện khéo léo.

            (6) Biết tùy thuận hoàn cảnh và căn cơ chúng sanh.

            (7) Có đầy đủ oai nghi.

            (8) Tinh tấn dõng mãnh.

            (9) Có sức khỏe thể xác và tinh thần.

        (10) Hội đủ oai lực.

            Này các Tỳ kheo! Tất cả các đức tánh ấy Phú Lâu Na đều có đủ. Ông là người duy nhất trong tăng chúng hội đủ điều kiện cần thiết đến bố giáo tại Du Na. Ta không còn e ngại gì nữa.

            Quả như lời Phật dạy, Phú Lâu Na đã thành công rực rỡ tại Du Na. Ở nước này chưa đầy một năm, ngài đã thâu nhận vào tăng đoàn hơn măm trăm đệ tử và kiến lập khoảng năm mươi cảnh già lam.

            Từ đó, trong tăng chúng ai ai cũng công nhận ngài là bậc Thuyết pháp số một. Được như thế là nhờ ngài đã thành tựu được bốn pháp bồ tát:

            - Đối với bất cứ giáo pháp nào chưa từng nghe, thái độ ngài luôn luôn trầm tỉnh để tư lương nghĩa lý mà không vội phê phán.

            - Không cần đa văn, vì đa văn thì dâm dục đễ khởi; không cần nhàn hạ, vì nhàn hạ thì lạc tâm dễ sanh. Trái lại lo tu Từ quán để đoạn trứ sân nhuế, tu Bất tịnh quán để đoạn trừ tham dục, tu Nhân duyên quán để đoạn trừ ngu si.

            - Thấu rõ triệt để năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên để thành tựu trí vô sở đắc. Trí nầy có thành tựu mới không còn niệm phân biệt và nhờ đó mới đủ sức tuyên dương đại pháp.

            - Rộng thực hành bố thí, sâu nghiêm trì giới luật, thường dũng mãnh nhẫn nhục, tịnh tinh tấn bồ đề.

 

4.-TU BỒ ĐỀ (Subhùti) Giải Không số 1

            Các chi tiết về dấu tích của ngài Tu Bồ Đề không thấy ghi chép rõ như đối với các đại đệ tử khác. Tuy nhiên, căn cứ theo truyền thuyết của kinh sách Đại thừa thì sự tích ấy được tóm lược như sau:

            Lúc ngài mới sanh, trong gia đình hoàn toàn hiện ra những triệu chứng "không". Các đồ vật trong nhà từ kho lẫm, thùng hôïp, lu vại v.v... thảy đều tự nhiên trống không. Hỏi về ý nghĩa điềm lạ này thì được thầy tướng bảo rằng đó là điềm cực lành. Nhân vì điềm "không" ấy, cha nẹ ngài mới đăït tên cho ngài là Tu Bồ Đề nghĩa là Không sanh. Lại cũng có nghĩa là Thiện Cát (tốt lành) hay Thiện Hiện (hiện điềm tốt).

            Tương truyền một hôm Tu Bồ Đề đang ngồi vá áo trong động Kỳ Xà trên núi Linh Thứu thì bỗng nhiên ngài quán thấy Phật du hóa phương xa đang trên con đường trở về. Ngài định rời động xuống núi đón Phật, nhưng lại nghĩ rằng Phật dạy không có cái ta, cũng không có cái của ta. Đã không có cái ta và cái của ta thì tướng các pháp vốn không tịch vắng lặng. Phật đã chứng được thật tánh không tịch vắng lặng tuyệt đối ấy mà thực hiện tự ngã vô ngã siêu tuyệt không hai trong nhân loại, thì không có cái gì mà không phải là Phật, không ở đâu mà không có Phật. Vậy hà tất phải xuống núi mới gọi là đi đón Phật. Nghĩ như thế xong, ngài bình thản ngồi tiếp tục vá áo.

            Bấy giờ Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc nhờ đã chứng được thần thông như Mục Kiền Liên, biết được Phật sắp về, liền xuống núi nghênh đón. Bà lấy làm tự hào nghĩ rằng trong Thánh chúng chỉ có mình bà hay tin Phật về và đi đón Phật trước hơn ai hết. Phật nhìn Liên Hoa Sắc mỉm cười bảo rằng:

            - Trước nhà ngươi đã có Tu Bồ Đề đón ta rồi.

            Liên Hoa Sắc nghe nói giật mình, bàng hoàng không hiểu vì sao Phật dạy như thế. Khi lên tới động, Phật họp đại chúng lại, rồi bảo riêng Tu Bồ Đề:

            - Ông có biện tài, lại thấu rõ sâu xa đạo lý chân không. Vậy ông hãy nói cho đại chúng nghe về không lý để họ có dịp bổ túc thêm kiến thức.

            Đại chúng nghe Phật dạy đều nghĩ bụng rằng Tu Bồ Đề nói pháp này là phát xuất từ biện tài của riêng ông, hay ông thừa thọ oai lực của Phật mà nói?

            Tu Bồ Đề soi thấu tâm lý ấy của đại chúng, bèn đón trước mà nói rằng:

            - Phật đã truyền dạy, tôi đâu dám trái mạng! Chư huynh đệ nên ý thức rằng phàm làm sứ mạng thuyết giáo thì bất luận giáo thuyết ấy nông hay cạn, điều cốt yếu là phải khế cơ khế lý mới mong khuyên được người đời tu học. Mà đã khuyên được người đời tu học tức là thừa thọ uy lực của Phật rồi. Vì sao? Vì có thừa thọ uy lực của Phật mới thông cảm được chân ý của Phật, nhờ đó khiến chúng sanh chứng được bản tánh các pháp và tương ưng được với thật tướng các pháp để thực hiện vô ngã. Giờ đây, thừa sắc mạng của Phật để thuyết minh đạo lý chân không, tôi cũng chỉ nương vào uy lực của Phật mà thôi.

            Thưa chư huynh đệ, thuyết minh đạo lý chân không tức là đặt vấn đề tương ưng giữa pháp bồ tát và pháp không trí, nghĩa là giữa chủ thể và đối tượng. Muốn được như thế, trước hết cần quán sát để thấu rõ pháp gì gọi là pháp bồ tát và pháp gì gọi là pháp không trí? Quả tình tôi không thấy pháp nào gọi là bồ tát, cũng chẳng thấy pháp nào gọi là pháp không trí cả. Ngoài cái ngã của hai danh xưng ấy ra, thật không có gì sai khác để phân biệt giữa hai pháp ấy. Tánh của chúng là bất khả đắc. Chủ thể và đối tượng tuyệt đối im bặt, cho nên không tìm thấy đâu là chủ thể, đâu là khách thể. Chủ và khách đều vắng lặng trong không tánh. Pháp tương ưng giữa bồ tát và không trí là như thế.

            - Bạch Phật! như thế đã đủ để bổ túc sở học của chúng bồ tát chưa?

            Phật hoan hỷ bảo Tu Bồ Đề:

            - Hay thay! Tu Bồ Đề! Bồ tát chỉ có cái danh xưng suông là bồ tát. Không trí cũng chỉ có cái danh suông là không trí. Cũng như vậy, bồ tát quán không trí cũng chỉ là danh xưng suông mà thôi. Cái đó vốn không sanh diệt, chẳng qua là để tiện việc tuyên thuyết nên mới giả lập danh xưng. Cái giả danh ấy không ở trong, không ở ngoài, chẳng ở trung gian. Bản lai nó vốn là cái bất khả đắc. Cũng ví như nói ngã. Ngã chỉ là giả danh. Bản thể của ngã vốn bất sanh bất diệt. Để chứng cái bất sanh bất diệt ấy, cần phải tu học các giả pháp về bồ tát. Và thuyết minh giả danh và giả pháp không trí, tức như nương vào bóng trăng giả dưới nước để tìm bắt mặt trăng thật trên không. Trong việc nương giả để bắt thật, điều quan yếu là đừng chấp trước dính mắc vào đâu hết. Nếu có chấp trước dính mắc, thì không bao giờ đạt được giải thoát.

            Trong số đệ tử Phật, chỉ một mình Tu Bồ Đề là có nhận thức sâu sắc về không tánh của các pháp, vì ngài thật chứng không trí và hiểu rốt ráo không lý, cho nên được tôn xưng là bậc Giải Không số một.

            Không trí và không lý này, hơn sáu trăm năm về sau, được Bồ tát Long Thọ triển khai thành giáo nghĩa Bát Nhã với luận lý Bát Bất mà tái lập Trung đạo và xây dựng thế giới quan chơn không diệu hữu của Phật giáo Đại thừa.

 

5.- CA CHIÊN DIÊN (Kàtyàyana) Luận Nghị số 1

            Ngài Ca Chiên Diên có biệt tài dùng lời nói rất đơn giản khiến những ai vấn nạn ngài đều phải thần phục.

            Một hôm đang đi hành hóa, ngài gặp một Bà la môn chận lại cật vấn rằng:

            - Tôi có điều nghi hoặc này tự mình không giải đáp được, mong ngài giải trừ cho.

            - Thử xem.

            - Tôi thấy trên đời này, Sát đế lỵ tương tranh với Sát đế lỵ, Bà la môn tương tranh với Bà la môn. Như thế là vì nguyên nhân gì?

            - Vì tham dục mê hoặc.

            - Thế thì Sa môn với Sa môn tương tranh là vì nguyên nhân gì?

            - Vì bị ngã kiến chấp trước.

            - Thế thì trên thế gian này còn ai là người không bị tham dục mê hoặc và ngã kiến chấp trước để nương theo?

            - Phật.

            Lại một hôm, Ca Chiên Diên gặp một Bà la môn khác vặn hỏi:

            - Tôi nghe đồn ông vốn là Bà la môn xé rào qua theo Phật làm Sa môn, nhưng mỗi khi gặp lại những bậc trưởng lão Bà la môn cũ, ông không chịu đứng dậy nghinh tiếp, cũng không chịu ngồi chung chiếu với họ. Nếu đúng như lời đồn đãi, tôi tưởng rằng ông không thực hành đúng chánh pháp chăng?

            - Lời đồn quả tình đúng sự thật. Việc không chịu lễ bái một số trưởng lão Bà la môn lại cũng rất đúng chánh pháp. Tôi theo Phật và nhờ Phật, hiện tôi có chứng đắc một cái mà người ta gọi là thánh quả. Trên đường tu chứng đạo đức, ông không nên nói đến niên xĩ cao thấp. Bà la môn già tám chín chục tuổi, nếu còn đam mê ái dục, giam hãm mình trong tà kiến tham sân thì có ích gì cho ai. Đức hạnh không lấy tuổi đời mà đo, phải căn cứ vào tuổi đạo mà xét.

            Một hôm khác, trong khi đang du hóa tại nước A bàn đề, Ca Chiên Diên gặp một người đàn bà ôm một vò nước ngồi khóc nỉ non bên bờ sông. Thấy cảnh thương tâm, Ca Chiên Diên lại gần hỏi:

            - Vì sao khóc thảm não thế? Có thể cho biết lý do để thử xem có giúp ích được gì cho bà chăng?

            - Trên đời nầy thật là tối bất công! Bà già nói. Kẻ giàu thì giàu nức đố đổ vách, ngựa xe ngất ngưỡng; trái lại, người nghèo thì nghèo rớt mồng tơi, cất đầu không lên. Tôi là một kẻ cùng khổ, chẳng may sanh ra trong một gia đình nô lệ nghèo mạt rệp, từ khi sanh ra, liên miên chịu khổ nọ đến khổ kia, đến nay thì không còn sức để chịu đựng được nữa. Tôi muốn chết quá, nhưng nói với ông cũng vô ích. Ông là một Sa môn nghèo làm sao giúp được tôi?

            - Cần gì khóc lóc! Ca Chiên Diên đáp lại. Trên đời này thiếu gì người nghèo khổ, đâu phải riêng mình bà. Nghèo thì khổ đã đành, nhưng chắc gì giàu đã sướng. Thiếu gì người giàu còn khổ gấp mấy người nghèo, vì tham dục hành hạ. Hạnh phúc không phải tại chỗ giàu nghèo. Hạnh phúc chỉ ở chỗ biết tiết chế ham muốn và biết tự bằng lòng với những gì mình có.

            Người đàn bà khóc thét lên:

            - Ông nói như thế được, vì ông là Sa môn xuất gia. Sinh hoạt của chúng tôi ở thế gian này khác hẳn. Chỉ có người giàu sang mới muốn sao được vậy, còn bần cùng như hạng chúng tôi thì đâu có dễ dàng và giản dị như lời ông nói. Hiện tôi là một nô tỳ cho một đại phú ông, cùng năm mãn đời cơm không đủ no, áo không đủ ấm, thế mà vẫn phải phục dịch khổ sở từ sáng đến khuya, ngày nào cũng như ngày nấy cất mặt không nổi, lại còn bị chửi bới đánh đập không nương tay, cầu sống không xong, muốn chết chẳng được. Bao nhiêu thống khổ triền miên ấy, nguyên do chỉ vì bần cùng mà sanh ra. Hỏi làm sao không khóc nghèo được?

            - Đã như thế thì hãy bán nghèo đi!

            - Nghèo mà cũng bán được à? Ai điên gì đi mua cái của nợ đó.

            - Tôi mua cho, nhưng bà có bằng lòng bán không?

            - Thôi ông đừng đùa.

            - Tôi đâu có đùa. Trên đời này, nghèo có thể bán được. Nhưng chỉ vì không biết phuơng pháp bán, nên suốt đời người ta mới chịu khổ sở. Người ta bán nghèo bằng cách bố thí. Bà nên biết rằng trên thế gian này, mọi việc đều có nguyên nhân. Giàu nghèo cũng nằm trong qui luật đó. Sở dĩ kiếp này nghèo là vì kiếp xưa xan tham keo lẫn. Sở dĩ kiếp này giàu có là vì kiếp xưa từng tu phước đức bố thí. Vì vậy, bố thí và phước đức là phương pháp bán nghèo duy nhất.

            - Nhưng tôi có gì để bố thí cho ông đâu?

            - Hiện bà có vò nước. Bà hãy xuống sông múc một ít nước lên bố thí cho tôi, để tôi mua nghèo cho.

            Người đàn bà nghe xong, liền tỉnh ngộ. Từ đó, thường hành hạnh bố thí, biết thiểu dục tri túc, sống một cuộc đời vui vẻ hơn xưa.

            Trong suốt một đời hành hóa, ngài Ca Chiên Diên nhờ tài nghị luận xảo diệu, đã cảm hóa được rất nhiều người, khiến họ tỉnh ngộ trở về với Tam bảo, sống cuộc đời thanh thản an vui.

 

6.- MA HA CA DIẾP (Maha Kasyapa) Đầu Đà số 1

            Ma Ha Ca Diếp biết Phật nhân lúc phong trào dâng y rầm rộ do ngự y Kỳ Bà khởi xướng.

            Đệ tử Phật có nhiều vị cùng mang tên Ca Diếp, nên để phân biệt với các vị kia, kinh thường gọi vị đại đệ tử này là Ma Ha Ca Diếp hay Đại Ca Diếp (MaHa là lớn). Cũng nên biết thêm rằng theo Bắc tông thì sau khi Phật nhập diệt, Ma Ha Ca Diếp là sơ tổ, theo Nam tông thì chính Ưu Bà Ly mới là sơ tổ. Nêu hai sử liệu khác nhau trên đây là để người sau rộng đường tra cứu chính xác hơn.

            Như đã nói trong một đoạn trước, Ma Ha Ca Diếp là người thôn Sa La Đà, nước Ma Kiệt Đà, không xa thành Vương Xá. Trước khi chưa xuất gia, ngài là một vị đại phú hào giàu địch quốc, thuộc dòng họ Bà la môn, học rộng tài cao, thông minh quán chúng, từng nổi tiếng về hạnh thanh tịnh, tuy có vợ nhưng không ngủ chung giường. Kịp khi gặp Phật, ngài cho phân tán tài sản, thanh toán việc gia đình đâu vào đấy, rồi mang bình bát theo Phật học đạo. Sở nguyện của ngài là tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh). Hạnh này ngài khư khư giữ chặt cho đến hơi thở cuối cùng, ai lay cũng không chuyển.

            Nếu Phật là người bán sang mua hèn thì Ca Diếp là người bán giàu mua nghèo.

            Tu theo hạnh đầu đà, cần phải giữ đúng mười điều sau đây:

            (1) Chọn vùng hoang vắng để ở.

            (2) Sinh hoạt bằng phép trì bình.

            (3) Thường ở tại một nơi.

            (4) Ngày ăn một bửa.

            (5) Khất thực không phân biệt giàu nghèo.

            (6) Không có tài sản nào khác ngoài ba y, một bình bát và một ngọa cụ.

            (7) Tư duy dưới gốc cây.

            (8) Thường ngồi giữa đồng trống.

            (9) Mặc áo phấn tảo.

        (10) Sống tại các bãi tha ma.

            Sanh hoạt theo hạnh đầu đà là một lối sanh hoạt cực kỳ đơn giản nhằm mục đích tịnh hóa tâm hồn, rất thích hợp với những ai thích tu phạm hạnh như Ca Diếp.

            Sự tích ghi chép rằng: Một hôm Ca Diếp hành hóa trong thành Vương Xá, thấy một bà già ăn mày ốm yếu nằm rên rỉ bên vệ đuờng. Ngài đến gần hỏi rằng:

            - Này lão bà! Nhìn tình cảnh lão bà, tôi rất lấy làm đau xót. Theo tôi nghĩ, sở dĩ có tình cảnh như thế này là vì kiếp trước lão bà quá keo lẫn không chịu bỏ đồng xu nào bố thí cho ai. Tôi đây là đệ tử của Phật, là ruộng phước của nhân gian. Rất mong lão bà bố thí cho tôi chút đỉnh thức ăn, tôi xin nhường lại lão bà tất cả các món phước điền của tôi để kiếp sau lão bà thoát khỏi cảnh khốn cùng này.

            - Bạch tôn giả, bà già khóc đáp. Tôi rất cảm thông tấm lòng ưu ái của tôn giả vì muốn cứu tôi nên mới xin tôi thức ăn. Nhưng xin thú thật với tôn giả rằng từ ba hôm nay, tôi vẫn chưa hề có hột cơm nào trong bụng. Hiện tôi chỉ có chút ít nước mả đã nặng mùi của người ta đem đổ mà tôi dành lại được. Chả lẽ đem nước mả heo chê ấy cúng dường tôn giả?

            - Có quan hệ gì đâu! Ca Diếp đáp. Tôi đây chính là Đại Ca Diếp bán giàu mua nghèo này. Vì mục đích mua nghèo, tôi rất sung sướng được tiếp thọ sự cúng dường của lão bà.

            Bà già cảm động, hai tay run run dâng lên bình nước mả. Ca Diếp đón lấy và uống ngay trước mặt bà lão.

            Ca Diếp chuyên lo việc khuyến thiện và nhiếp phục người bằng những hành vi ưu ái thực tế. Không một hành vi nhỏ nhặt nào của ngài mà không thể hiện lòng từ bi rộng lớn và không nhằm xoa dịu đau khổ cho thế gian. Vì vậy ngài đến đâu là được quần chúng ở đấy kính mến tôn trọng. Xung quanh thân ngài như có hào quang rực chiếu, thu hút hết mọi ánh sáng khác, cho nên tên ngài còn được gọi là Ẩm Quang (uống ánh sáng).

            Quá chú trọng đến hoạt động cứu độ tích cực và thiết thực, ngài lại rất ít quan tâm đến việc hoằng pháp, ngược hẳn với hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Lúc hai ngài này chưa niết bàn, hai ngài thường khuyến khích Ca Diếp tham gia vào phong trào vận động văn hóa chung của Phật bằng hình thức thuyết pháp. Ca Diếp từ chối và kiên định lập trường của mình một cách dứt khoát:

            - Công việc hoằng pháp, xin nhường lại chư huynh đệ tài cao. Tôi chỉ chú trọng đến những vấn đề thực tế và chỉ trong mong làm sao cho thế gian trong hiện tại cũng như trong tương lai biết sống một đời thiểu dục tri túc là mãn nguyện lắm rồi.

            Vì lập hạnh như thế, nên quanh năm suốt tháng, đêm cũng như ngày, mưa cũng như nắng, Ca Diếp chỉ thích sống trong rừng sâu, ngồi tư duy dưới bóng cây, hoặc quan sát xương trắng ở các bãi tha ma, bất quản nắng lửa mưa dầu, chẳng ngại hùm beo rắn rết, coi thường gió giật sấm rền. Mặc ai khuyên can, ngài vẫn khư khư giữ chí không chuyển, lòng không sờn.

            Cho đến khi tuổi đã cao, sức đã mỏn mà ngài vẫn nhất mực giữ lối sinh hoạt ấy. Phật thấy không đành lòng, bèn dỗ dành ngài nên về trường trú tại tịnh xá Kỳ Viên, thì ngài bạch rằng:

            - Bạch Phật! Đệ tử rất cảm động được Phật từ mẫn ưu ái chăm sóc, nhưng đệ tử tự xét rằng từ mạng của Phật không thể không vâng, nhưng bản nguyện của đệ tử cũng không thể không theo. Nếu vâng theo từ mạng của Phật trở về trường trú tại đây thì không thể nào theo nếp sống của toàn thể. Mà nếu theo nếp sống chung thì hạnh đầu đà của đệ tử đành phải dứt ngang. Ở đây, cảnh trí hoàn toàn tươi vui, gió mát trăng trong, chim hót hoa cười, mỗi ngọ ăn xong là kinh hành, nghe pháp hoăïc nhập định tham thiền, mũi không được tiếp xúc với mùi xú uế của thây ma, mắt không được trông thấy một mảnh xương trắng nhỏ, thì e rằng khó tu các pháp quán vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Đệ tử chỉ thấy thân tâm hoàn toàn an lạc khi được ngồi ở giữa bãi tha ma, hoặc nơi đồng trống, hoặc dưới bóng cây. Mình mặc áo vá, miệng niệm kinh mà quán thây ma, bụng đói thì tùy ý khất thực, chân tự do ra vô cửa thành, không phiền lụy ai mà cũng chẳng ai phiền lụy mình. Mệt không đi được thì no lòng với củ cây trái rừng, không bận lòng vì cơm áo, không quan tâm đến đắc thất, đó là sở nguyện của đệ tử. Xin Phật từ bi doãn nạp cho.

            Bạch Phật! Đệ tử trộm nghĩ công việc độ sanh có nhiều phương diện, phải tùy tánh tình và khả năng riêng mà phân nhiệm để phụ trách. Quí hồ là ai trong nhiệm vụ nấy phải làm tròn. Công việc thay Phật phổ biến chánh pháp, đệ tử xin không dám nghĩ đến, vì đã có chư huynh Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên và nhiều huynh đệ tài hoa khác phụ trách. Đệ tử chỉ xin được trọn nguyện nghiêm túc sanh hoạt tăng đoàn, gây được tập quán cho các thế hệ về sau quen với nếp sống nhẫn nại, không ham tiếng khen, không cầu lợi dưỡng, nhất tâm nhất đức, sống vì chánh pháp, sống cho chúng sanh. Người ta có thể chê rằng sống như thế là sống cho riêng mình nhiều hơn. Nhưng nếu chính mình không giải thoát thì làm sao giải thoát được chúng sanh? Vì vậy, theo đệ tử nghĩ tu hạnh đầu đà là trực tiếp củng cố tăng đoàn và gián tiếp lợi lạc quần sanh. Thành khẩn yêu cầu Phật cho Ca Diếp này được giữ sự cố chấp ấy.

            Nghe xong, Phật cảm động hướng về đại chúng bảo rằng:

            - Các ông đã nghe rõ những lời thành khẩn của trưởng lão Ca Diếp chưa? Những lời ấy xuất phát tự đáy lòng của một đại đệ tử thật tâm lo âu cho tiền đồ chánh pháp. Trong tương lai, nếu chánh pháp bị hủy diệt, thì đó không phải do sự phá hoại của thiên ma ngoại đạo hay của thế lực cường quyền, mà chính là tại tăng đoàn hủ hóa băng hoại. Muốn chánh pháp trường tồn với thế gian, việc quan trọng bậc nhất là phải củng cố tăng đoàn. Muốn củng cố tăng đoàn, phải nghiêm túc sanh hoạt. Chánh pháp của ta nếu được hạng người như trưởng lão Ca Diếp thừa kế phụ trách thì mới chủ trì lâu dài được.

 

7.- A NA LUẬT (Anirudha) Thiên Nhãn số 1

            A Na Luật là em ruột của Ma Ha Nam, con thứ của Cam Lộ Phạn Vương, cùng xuất gia một lần trong nhóm bảy vương tử khi Phật về thăm quê lần đầu tiên.

            Trước khi chưa xuất gia, A Na Luật được nhiều thiếu nữ vương tộc yêu mến say mê vì vóc dáng anh dũng, diện mạo khôi ngô. Nhưng A Na Luật bản tánh vốn đoan chính nên chưa hề bị sắc đẹp làm giao động thân tâm.

            Sau khi xuất gia, một hôm đang du hóa đi lỡ độ đường, gặp lúc trời mưa đêm tối, mà trong vùng tuyệt nhiên không có cảnh già lam nào để tạm trú. A Na Luật đành đến gõ cửa một nhà thường dân xin ngủ nhờ một đêm. Thiếu nữ trong nhà ra mở cửa, thoạt nhìn thấy A Na Luật thì lòng vô cùng hoan hỷ, vội vàng tiếp đón vào. Trong nhà hiu quạnh vắng vẻ, ngoài thiếu nữ là chủ nhà, khôn còn ai khác. Gặp thế kẹt, A Na Luật bèn ngồi kiết già, nhất tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng đợi trời sáng.

            Nửa đêm thiếu nữ mò đến gạ chuyện, nói xa nói gần, buông lời cợt nhả. Thấy A Na Luật làm thinh, thiếu nữ bèn kể lể nỗi niềm tâm sự của mình, nào là có trưởng giả nọ cầu hôn, nào là có Bà la môn kia ngấp nghé, nhưng nàng đều cự tuyệt. Nay gặp được A Na Luật là người dung mạo tú lệ, xứng đôi vừa lứa, nàng muốn kết nghĩa trăm năm, và yêu cầu A Na Luật ở lại với nàng đừng đi đâu nữa. Nàng thì khẩn khoản van lơn, A Na Luật thì hai mắt nhắm riết, cố giữ nhất tâm bất động. Cuối cùng tưởng chừng cá đã ăn câu, nàng dở trò dâm loạn, đưa tay mân mê sờ mó, bị A Na Luật cự tuyệt dữ dội. Thấy nàng quá xấu hổ, A Na Luật bèn dịu giọng tìm lời khuyên bảo, đưa nàng về đường ngay nẻo thẳng. Sau đó vì cảm mến đức đoan chánh dịu dàng của A Na Luật, nàng xin quy y làm đệ tử.

            Trong tăng chúng cũng như ngoài nhân gian, A Na Luật nổi tiếng là bậc tu hành rất mực thanh tịnh, không bao giờ bị nữ sắc cám dỗ, vì vậy được mọi người kính ngưỡng. Duy có một tật nhỏ, A Na Luật dù đã cố gắng nhiều nhưng chưa hề thành công, đó là tật ưa ngủ gục mỗi khi ngồi nghe Phật thuyết pháp. Vì tật này, A Na Luật đã từng bị Phật quở trách đôi ba phen.

            Một hôm, Phật gọi A Na Luật đến bên mình, bảo rằng:

            - Này A Na Luật! Ông xuất gia học đạo là vì sợ phép nước hay sợ trộm cướp?

            - Thưa, không phải như vậy.

            - Thế lý do gì ông đi xuất gia?

            - Vì chán sanh tử và mong muốn giải thoát.

            - Muốn giải thoát mà ngủ gục trong khi nghe pháp thì biết đến bao giờ mới thành tựu?

            A Na Luật liền quỳ xuống, phát lời thề độc rằng:

            -Bạch Phật! Từ rày sắp sau, đệ tử sẳn sàng chịu mọi cực hình miễn sao diệt trừ được tật ngủ gục. Xin Phật từ bi lượng thứ cho lần cuối cùng này.

            Từ đó, A Na Luật lập hạnh "không ngủ", từ đầu hôm cho đến suốt sáng, từ tảng rạng đến chiều đêm, A Na Luật ngồi mở to đôi mắt, trân tráo nhìn vào khoảng không, không chớp mắt. Ngồi chong như thế hết ngày nọ sang ngày kia cho đến một hôm hai mắt sưng vù.

            Phật thấy thế lấy làm lo ngại, bèn dạy rằng:

            - Này A Na Luật! trong việc tu hành, bất cập cố nhiên không bao giờ đạt đạo, nhưng ngược lại, thái quá cũng chẳng đi đến đâu. Ông không nên tiếp tục cái hạnh quái gở ấy nữa.

            - Bạch Phật! đệ tử đã phát nguyện xin Phật cho đệ tử được giữ tròn.

            - Nhưng con mắt là cơ quan cần yếu, không nên hành hạ nó. Nó mà hỏng đi thì cả đại sự giải thoát cũng hỏng luôn. Phàm tất cả chúng sanh ai ai cũng cần ăn mới sống. Không ăn thì chết. Mà thức ăn của con mắt chính là giấc ngủ. Ông bỏ ngủ tức là ông không cho con mắt ăn. Nó chết đi, ông làm sao lần bước tiến tới Niết bàn được. Ông nên biết rằng niết bàn cũng cần thức ăn.

            - Niết bàn cũng cần thức ăn nữa à?

            - Vâng, thức ăn "Bất phóng dật" tức là không buông lung mới đến được niết bàn. Và trước khi đến đó, con mắt cần phải ăn, ức là cần phải ngủ.

            Mặc dù Phật từ mẫn khuyên bảo như thế, nhưng A Na Luật vẫn khăng khăng không chịu nghe, cứ tiếp tục hành hạ đôi mắt. Chẳng bao lâu hai mắt mù tịt. Chứng kiến cảnh mù lòa của A Na Luật, Phật thương xót lắm, tìm đủ cách chửa trị.

            Một hôm A Na Luật đang ngồi nghĩ cách may áo, nhưng chưa biết tìm ai giúp đỡ mình. Phật đoán biết ý nghĩ, bèn nói:

            - Để ta xâu chỉ giúp cho.

            A Na Luật giựt mình không biết vì sao Phật đọc được ý nghĩ thầm kín của mình. Phật lấy kim xâu chỉ xong, tự mình đem trao tận tay cho A Na Luật. A Na Luật đang loay quay chưa biết tính sao, Phật liền bảo:

            - Để ta giúp cho.

            Suốt một ngày Phật cầm tay A Na Luật chỉ cách đưa mũi kim lên xuống, và đến tối thì may xong ba áo. Trong khi cầm tay A Na Luật cùng may, Phật dạy A Na Luật phương pháp tu định để khiến mắt sáng ra. Vốn tin Phật một cách tuyệt đối và triệt để thực hành, không bao lâu A Na Luật sáng mắt trở lại và chứng được thiên nhãn thông. Bất luận xa gần trong ngoài, mắt A Na Luật đều thấy suốt. Trong hàng đệ tử Phật, ngài là bậc Thiên nhãn số một.

            Sau khi đạt được thiên nhãn, A Na Luật vô cùng cảm kích, bèn  đến trước mặt Phật bạch rằng:

            - Đệ tử thường nghĩ rằng với người tu đạo thiểu dục tri túc, dũng mãnh tinh tấn là những điều kiện ắt có; dẹp bỏ tiểu ngã để phục vụ nhân sanh là trách nhiệm thường hằng. Nhưng cuối cùng để đi đến niết bàn và hoàn thành giác ngộ thì phải làm những gì, xin Phật từ bi khai ngộ.

            - Hay thay! Hay thay! Phật đáp. Câu hỏi thật là đúng lúc. Vấn đề ông nêu ra quả là quan trọng mà bất cứ một đại nhân nào cũng cần phải biết. Vấn đề đó gồm trong chương trình tám điểm sau đây:

            (1) Nên biết rằng: thế gian vô thường, hoàn cảnh mong manh, bốn đại khổ không, năm ấm vô ngã; rằng hết thảy đều sanh diệt đổi dời, luống dối không thật; rằng tâm là nguồn gốc tội ác, thân là môi trường kích động. Quán sát như vậy thì dần dần lìa được sanh tử.

            (2) Nên biết rằng: đa dục là nguồn gốc của đau khổ, là đầu mối của sanh tử; rằng chỉ có thiểu dục vô vi mới khiến được thân tâm tự tại.

            (3) Nên biết rằng: lòng tham không đáy, càng thỏa mãn thì càng mong cầu và càng tăng trưởng tội ác; rằng bồ tát ngược lại thường nhớ điều tri túc, vui đạo quên nghèo, chăm lo xây dựng sự nghiệp trí huệ.

            (4) Nên biết rằng: lười nhác trụy lạc là điều đáng tủi hổ, vì vậy cần luôn luôn tinh tấn phá trừ phiền não, hàng phục bốn ma để mau ra khỏi tù ngục của ấm giới giam hãm.

            (5) Nên biết rằng: ngu si là đầu mối của sanh tử, vì vậy bồ tát chăm lo học rộng nghe nhiều, tăng trưởng trí huệ để sớm thành tựu biện tài mà tìm niềm vui trong việc giáo hóa chúng sanh.

            (6) Nên biết rằng: nghèo khổ hay sanh lòng oán hận gây thêm duyên dữ; rằng bồ tát thì không nhớ oán xưa, không ghét người ác, oan thân thảy đều bình đẳng.

            (7) Nên biết rằng: dục lạc là cội nguồn họa hoạn, vì vậy dù còn ở thế, nhưng tâm không nên say đắm dục tình, nên hướng tâm về chí nguyện xuất gia giữ đạo thanh bạch, cầu hạnh thanh tịnh, lấy từ bi nhuầm thấm tất cả mọi loài.

            (8) Nên biết rằng: lửa dữ sanh tử ngày đêm đốt thiêu, biển khổ không bờ, cần phát tâm độ khắp chúng sanh, thay thế tất cả chúng sanh chịu vô lượng đau khổ, khiến thảy đều được an vui.

            Này A Na Luật! Tám việc trên đây từng được chư Phật khai thị. Người tu học đạo giác ngộ cần vận dụng tâm từ bi rộng lớn làm căn bản cho việc tu phước và huệ, thành tựu cứu cánh niết bàn an lạc.

 

8.-ƯU BÀ LI (Upàli) Trì Giới số 1

            Ưu Bà Ly vốn thuộc giai cấp Thủ Đà La, xuất thân làm nghề thợ cạo tóc, hầu hạ trong vương cung, dưới trướng của vương tử Bạt Đề.

            Ngày Phật về thăm Ca Tỳ La lần đầu tiên và chấp nhận cho các vương tử xuất gia, Ưu Bà Ly tủi hổ cho thân phận mình sanh ra trong chốn hạ tiện, ở thế gian làm thân nô lệ đã đành, muốn lìa thế gian đi tu cũng không được phép. Hờn thân tủi phận, Ưu Bà Ly ngồi giọt dài giọt vắn, nước mắt trào tuôn. Chợt có Xá Lợi Phất đi ngang qua trông thấy, hỏi rõ nguyên nhân, bèn an ủi rằng:

            - Này Ưu Bà Ly! Ông đừng có ngại, giáo pháp Phật không phân biệt kẻ trí người ngu, kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, hoặc giai cấp trên dưới. Giáo pháp ấy mênh mông như biển cả, khoáng đạt như hư không. Biển cả bao dung hết thảy trăm sông, hư không trùm chứa tất cả vạn loại. Cũng vậy, từ bi của Phật dung chứa mọi loài hữu tình, bất luận quý tiện, miễn có lòng tin thuận quy ngưỡng. Nên biết từ bi là mạch sống của nhân sanh, là hơi thở của vạn hữu, là trái tim của đạo pháp. Không từ bi thì không có gì tồn tại được. Có từ bi thì trăm việc đều thành. Muốn trưởng dưỡng từ bi thì việc giữ giới là yếu tố then chốt. Tôi xin đưa ông đến yết kiến Phật và tin chắc rằng Phật sẽ hoan hỉ đón nhận ông. Ông khỏi lo!

            Quả nhiên như lời Xá Lợi Phất nói, khi Phật gặp Ưu Bà Ly, ngài vô cùng hoan hỷ, âu yếm nhìn Ưu Bà Ly bảo rằng:

            - Này Ưu Bà Ly! Thoạt thấy ông, ta biết căn khí ông không nhỏ. Trải qua nhiều kiếp, ông đã từng ra công tu luyện và từng giữ giới rất tinh nghiêm. Tương lai trong giáo đoàn ta, ông sẽ là bậc Trì Giới số một. Hay lắm! Hay lắm! Ta phải làm lễ thế phát cho ông ngay bây giờ. Lễ thế phát của các vương tử sẽ cử hành sau, để cho họ có ngày giờ lãng quên thân phận vương công của họ.

            Sử liệu cũng ghi rằng tuy Ưu Bà Ly và các vương tử xuất gia cùng ngày, nhưng lễ xuất gia của các vương tử chỉ được chính thức cử hành sau khi Phật đã thu nhận Ưu Bà Ly. Không những thế, trong ngày Bạt Đề chính thức gia nhập tăng đoàn, Phật bảo Bạt Đề phải đảnh lễ Ưu Bà Ly vì tuổi đời của Ưu Bà Ly lớn hơn. Dụng ý của Phật trong việc này cốt  thể hiện tinh thần bình đẳng của giáo pháp mình, nhằm xóa bỏ mọi giai cấp xã hội.

            Đây là người nô lệ Thủ đà la đầu tiên được Phật thâu nhận. Đây cũng là người nô lệ Thủ đà la đầu tiên tham dự vào hoạt động tôn giáo trong lịch sữ văn minh Ấn độ.

            Theo sử liêïu Bắc truyền, sau khi Phật diệt độ, trong cuộc kiết tập

kinh điển lần đầu tiên dưới quyền chủ tọa của Ma Ha Ca Diếp, chính Ưu Bà Ly là vị trưởng lão tụng đọc tám mươi lần các giới luật Phật chế cho đại chúng nghe, kết thành bộ Bát Thập Tụng Luật là quyển luật căn bản đầu tiên của Phật giáo.

            Theo sử liệu Nam truyền, không những Ưu Bà Ly kết tập Tạng Luật, ngài còn là vị sơ tổ kế tiếp Phật lãnh đạo tăng đoàn, chứ không phải Ca Diếp như truyền thống Bắc tông. Sự kiện này tưởng đáng cho ta suy xét, phải chăng vì Nam tông chú trọng hành trì giới luật nên tôn Ưu Bà Ly lên hàng đầu, còn Bắc tông chú trọng lý tưởng giác ngộ nên tôn Ca Diếp lên hàng đầu. Xét kỹ thì bên nào cũng có sở cứ vững vàng. Và chính đây là đầu mối phân rẽ giữa Nam và Bắc tông.

 

9.- A NAN ĐÀ (Ananda) Đa văn số 1

            A Nan Đà hay A Nan là con thứ của Bạch Phạn Vương, em ruột của Đề Bà Đạt Đa, tức em con chú của Phật.

            A Nan sanh trong đêm Phạt thành đạo, nên còn có tên là Khánh Hỷ, tuổi so với La Hầu La còn trẻ hơn nữa, nhưng tình nguyện theo chân Phật thuộc nhóm bảy vương tử trong ngày Phật về thăm quê lần đầu tiên. Trong tăng đoàn, ngài là người đẹp trai nhất và thông minh nhất. Ngược hẳn với Chu Lỵ Bàn Đà Già học một câu kệ ba tháng không thuộc, An Nan lại nghe một biết mười, nghe nhiều hơn bất cứ ai trong chúng, vì ngài là thị giả Phật, không một hội thuyết pháp nào mà không có ngài dự. Thế mà oái oăm thay, chính Chu Lỵ Bàn Đà Già lại chứng quả trước A Nan ngay khi Phật còn tại thế. Còn A Nan mãi đến khi Phật nhập diệt đã ba tháng mới chứng quả, tức là một hôm trước ngày đại hội kiết tập lần thứ nhất.

            Theo Phật cho đến khi chính thức thọ giới Tỳ kheo, A Nan được tăng chúng đề nghị cho làm thị giả hầu cận Phật. E ngại sự tỵ hiềm có thể xảy ra vì việc này, A Nan đề xướng năm khoản thỉnh nguyện, yêu cầu Mục Kiền Liên chuyển trình lên Phật trước khi đảm nhận trách nhiệm:

            (1) Nhất thiết không mặc áo Phật cho, dù mới hay cũ.

            (2) Không bao giờ đi trước mỗi khi có thí chủ thỉnh Phật về nhà riêng cúng dường.

            (3) Được ra ngoài hay đi chỗ khác trong khi Phật tiếp tín chúng đến hỏi đạo, nếu sự hiện diện của thị giả không cần thiết.

            (4) Không ăn đồ thừa của Phật.

            (5) Được tùy tiện sắp xếp hoặc cho hay không cho, mỗi khi có khách muốn đến yết kiến Phật.

            Năm khoản ấy sau khi trình lên Phật, được chấp nhận ngay, Phật biết ý A Nan muốn tránh tỵ hiềm trong tăng chúng và muốn tránh không nghe những mẫu giáo lý chưa hoàn bị mà vì cơ duyên, Phật cần nói riêng với một số tín chúng chưa thuần thục.

            Vì A Nan rất đẹp trai, tánh lại rất hoan hỷ đối với phụ nữ, nên được tất cả nữ giới kính mến ưa chuộng. Ngày Ma ha Ba Xà Ba Đề và năm trăm cung nữ đến xin Phật xuất gia, bà hết sức năn nỉ với chúng tăng nhờ trình lên với Phật, nhưng không một ai chịu chuyển trình. Riêng A Nan hoan hỷ nhận lời ngay. Lại một hôm, cùng đi du hóa trong đoàn của Ma Ha Ca Diếp, ngang qua một lan nhã của Tỳ kheo ni, nhóm này vừa trông thấy ùa ra đón rước. Mặc dù Ca Diếp là vị trưởng lão niên xĩ đạo cao lạp trưởng, thế mà họ chỉ vây quanh A Nan để hỏi đạo, rồi sau mới quay sang bái vấn Ca Diếp. Một hôm khác, nhân có việc đi một mình gặp một cô gái nô lệ tên Bát Cát Đế (Praksti hay Pakati) trong dòng họ Ma đăng già (Matànga). A Nan bị cô gái này yêu say mê mệt, quyết cướp cho được làm chồng, may nhờ Phật phương tiện tìm cách giải cứu mới thoát khỏi.

            Từ khi A Nan bị nạn Ma đăng già, Phật không cho ngài xuất ngoại một mình. Phật đi đâu luôn luôn có A Nan đi theo. Vì vậy trong các hội thuyết pháp luôn luôn có mặt A Nan. Pháp Phật như biển cả, nước biển ấy hoàn toàn chảy hết vào tâm A Nan, không sót một giọt.

            Một hôm trên đường du hóa, nhân trời nắng gắt, Phật ngồi nghỉ dưới bóng cây, bảo A Nan mang bình ra sông lấy nước về uống. A Nan mang bình không về, trình rằng nước sông quá đục không dùng được, vì trên mạn thượng lưu cách đó không xa, có nhiều ngựa voi lội qua, quậy nước đục ngầu. Phật truyền cứ múc nước lên uống, A Nan đành trở lui xuống sông thì ngạc nhiên biết bao, nước sông trở lại trong vắt như mắt mèo. A Nan hỏi duyên cớ, Phật mỉm cười không nói.

            Khi Phật về già, một hômA Nan nằm mộng thấy bảy việc kỳ quái, lòng rất hoang mang lo sợ, sáng dậy trình lại Phật biết để thỉnh ý kiến. Bảy sự việc ấy như sau:

            (1) Lửa dữ rực cháy, thiêu đốt khắp biển lớn nhỏ và sông hồ ngòi lạch.

            (2) Mặt trời rơi rụng, thế giới tối tăm, A Nan vươn lên đầu cao ngang núi Tu di.

            (3) Tỳ kheo bỏ giới luật, treo áo cà sa.

            (4) Tỳ kheo pháp y tơi tả, lận đận khốn cùng trong lao lý chông gai.

            (5) Heo rừng từng đoàn kéo đến bới gốc rễ cây chiên đàn to lớn xanh um.

            (6) Voi con không nghe lời voi mẹ, tung tăng rong chơi khắp xứ, lạc bước vào chốn đồng khô cỏ cháy, chết đói chết khát ngổn ngang.

            (7) Sư tử chết, các loài phi trùng, điểu thú không dám lại gần, dòi bọ từ trong ruột sư tử bò ra lô nhô lúc nhúc, rút rỉa thịt xương sư tử.

            Nghe A Nan kể lại bảy việc thấy trong giấc mộng. Phật rầu rầu nét măït, dạy rằng: "Này An Nan! Mộng tuy do tâm tạo, nhưng đó cũng chính là triệu chứng báo trước tương lai giáo pháp của ta đấy.

            - Này A Nan! Lửa dữ thiêu đốt sông biển, đó là điềm trong tương lai có hạng Tỳ kheo được tín chúng cúng dường đầy đủ, lại khởi xướng đấu tranh, vi phạm giáo pháp thanh tịnh của ta.

            - Này A Nan! Mặt trời rơi rụng, thế giới tối tăm, đầu ông cao ngang núi Tu di, đó là điềm sau khi ta niết bàn, đại chúng Tỳ kheo cùng chư thiên và quần chúng sẽ yêu cầu ông tuyên dương chánh pháp.

            - Này A Nan! Tỳ kheo bỏ giới treo áo cà sa, đó là điềm trong tương lai có hạng tỳ kheo chỉ chuyên nói lý thuyết suông mà không thực sự tu hành.

            - Này A Nan! Tỳ kheo lận đận khốn cùng, pháp y tơi tả, đó là điềm trong tương lai có hạng tỳ kheo vợ con đùm đề, bỏ giới không tu, xuôi theo thế tục hưởng lạc.

            - Này A Nan Heo rừng đào bới rễ chiên đàn, đó là điềm trong tương lai có hạng tỳ kheo buôn bán Như lai, xem chánh pháp như phương tiện trao đổi để cầu lợi dưỡng.

            - Này A Nan! Voi con không nghe lời voi mẹ đến đổi bị đói khát mà chết, đó là điềm trong tương lai có hạng tỳ kheo thiếu niên hậu học không nghe lời giáo huấn của trưởng lão, không tin tội phước quả báo, chết đọa vào địa ngục.

            - Này A Nan! Dòi bọ từ trong bụng sư tử chết bò ra, rút rỉa xương thịt sư tử chết mà ăn, đó là điềm trong tương lai chính đệ tử Phật trở lại phá hoại giáo pháp Phật, chứ không phải ngoại đạo đủ sức phá nổi".

            Một trong bảy mộng triệu trên đây đã được kiểm chứng đúng, ngay sau khi Phật nhập diệt ba tháng. Đó là việc A Nan được đại hội kiết tập kinh điển lần thứ nhất giao phó trách nhiệm đứng lên tụng lại các kinh điển của Phật cho đại chúng nghe. Tương truyền rằng trước khi khai hội, A Nan xin dự nhưng bị chủ tọa là Ma Ha Ca Diếp từ chối. Uất ức vì không được tham dự, A Nan tìm một chỗ vắng trong động để tham thiền tìm cho ra lẽ. Ngồi như thế một ngày một đêm mệt quá, vừa ngã lưng xuống định nghỉ xả hơi thì hoát nhiên đại ngộ. Sau đó, A Nan xin đến gặp Ca Diếp trở lại, được Ca Diếp hoan hỷ đón vào và giao cho trách nhiệm kết tập kinh điển.

 

10.- LA HẦU LA (Rahula) Mật Hạnh số 1

            La Hầu La là con ruột của Phật khi ngài còn là thái tử. Sau khi thái tử xuất gia, La Hầu La là một trong những người có thể thừa kế vương vị Ca Tỳ La. Nhưng điều mà Phật đã từ bỏ, ngài không muốn cho con ngài làm. Vì vậy khi về thăm quê lần đầu tiên, Ngài phương tiện tìm cách đưa La Hầu La đi xuất gia và giao cho Xá Lợi Phất dạy bảo.

            Với sự xuất gia của La Hầu La, chế độ Sa di bắt đầu khai xuất. Bấy giờ, La Hầu La khoảng 15,16 tuổi, chưa ý thức được tầm quan trọng của con đường mới và cũng chưa đủ sức lãnh nạp giáo pháp Phật.  Đối với sanh hoạt tăng đoàn, chẳng qua cha bảo sao con nghe vậy, không ưa thích cũng chẳng chống báng.

            Để tẩy trừ tập khí vương giả quen thói chỉ tay năm ngón, Phật bảo Xá Lợi Phất giao cho La Hầu La công việc quét dọn đình viện hàng ngày. Một hôm quét xong trở về phòng thì phòng đã bị một khách tăng chiếm ở và quăng y bát của La Hầu La ra ngoài. La Hầu La đành ôm y bát ra sân ngồi. Thình lình trời mưa, La Hầu La lại ôm y bát vào ngồi cầu xí. Việc này sau khi Phật biết, trở thành nguyên nhân khiến Phật lập quy chế mới, cho Sa di ở chung phòng với Tỳ kheo. Từ đó La Hầu La sát gót Xá Lợi Phất. Nhân một hôm cùng đi khất thực với bổn sư, tín chúng cúng dường không đồng đều, La Hầu La bất bình, nên từ đó Phật chế ra luật Lục hòa kỉnh.

            Một hôm cùng với Xá Lợi Phất vào thành Vương Xá khất thực, hai thầy trò gặp một gả mất dạy bỏ cát vào bình bát của Xá Lợi Phất rồi dùng gậy đánh lên đầu La Hầu La. Nhìn gương mặt phừng phừng tức giận của La Hầu La, Xá Lợi Phất ôn tồn khuyên bảo:

            - Nếu là đệ tử của Phật, nhà ngươi nên có tinh thần nhẫn nhục, không nên cưu hận và nên thường vận dụng tâm từ bi thương xót tất cả chúng sanh. Vinh nhục, khen chê không đáng cho ta lưu ý. Phật dạy trên thế gian này không có sức mạnh nào lớn đến đâu có thể thắng nổi sức mạnh của nhẫn nhục.

            Việc này sau khi Phật biết, lại được Phật dạy thêm:

            - Này La Hầu La, người không biết nhẫn nhục không thể nào thấy Phật, thuận Pháp, gần Tăng, thường bị đọa lạc vào đường dữ. Có nhẫn nhục mới có bình an, mới tiêu trừ được họa hoạn, phát triển trí tuệ. Trí tuệ tối cao là con đẻ của nhẫn nhục. Người có trí tuệ mới thấy rõ quả báo thâm viễn, khắc phục sân tâm, thường hành tinh tấn, thể hiện chân tinh thần và chân ý nghĩa của Phật pháp, hòa hợp với thế tục mà không ô nhiễm. Nhẫn nhục là tăng thượng duyên của đạo pháp, giúp hành giả sớm chứng giải thoát.

            Được Phật và Xá Lợi Phất kềm sát và từ mẫn giáo hóa, tập khí cương cường của dòng máu vương giả trong người La Hầu La mỗi ngày mỗi lạt phai và tánh tình lần lần trở nên ôn hòa nhu thuận. Duy chỉ có một tánh chưa bỏ được, đó là tánh ưa bông đùa dối gạt để mua vui. Nhằm sửa trị tánh này, một hôm Phật bảo La Hầu La bưng một chậu nước đến cho ngài rửa chân. Rửa xong, Phật hỏi La Hầu La:

            - Nước này có thể uống được không?

            - Thưa không.

            - Vì sao?

            - Vì đã ô uế.

            - Nước ô uế không dùng được, tâm ô uế cũng thế. Mang danh xuất gia mà không tịnh tâm tu học, không giữ gìn lời nói, lòng tràn đầy ba độc cấu uế thì khác gì mớ nước ô uế này. Đã không dùng được thì hãy đổ đi.

            Phật bảo La Hầu La đem chậu đi dổ rồi mang chậu không về. Hỏi:

            - Chậu này có dùng đựng cơm được không?

            - Thưa không.

            - Vì sao?

            - Vì mặt chậu bám đầy chất dơ.

            - Chậu dơ không dùng được, thân dơ cũng thế. Mang danh xuất gia mà không tu giới định huệ, không thanh tịnh thân khẩu ý, mình dính đầy ba độc cấu uế thì khác gì cái chậu dơ này. Đã không dùng được thì thà đập bể còn hơn.

            Phật đá nhẹ vào chậu khiến chậu vỡ đôi. Hỏi:

            - Nhà người có tiếc cái chậu không?

            - Thưa không, vì là chậu dơ.

            - Này La Hầu La! Nhà ngươi không tiếc chậu dơ như thế nào thì tăng đoàn không dung người dơ cũng như thế. Mang danh xuất gia mà không biết trọng uy nghi, hý ngôn lộng ngữ thì ai mà yêu mến nhà ngươi  đuợc?

            Từ đó, La Hầu La thề quyết tâm hoán cải, nghiêm trì giới luật, tinh tấn đạo tâm, suốt ngày kín tiếng lặng hơi, quyết luyện mật hạnh. Tu như vậy trong mấy năm liền, vẫn không thấy tiến bộ, nhưng một hôm nhân một câu nói của Phật mà hoát nhiên khai ngộ. Hôm ấy cùng Phật đi du hóa, Phật chỉ cảnh vật xung quanh bảo La Hầu La rằng:

            - Hãy nhìn vạn tượng sum la kia, rồi nhìn trở lui vào tâm niệm và thân thể của mình, để xem thử có gì đứng yên một chỗ không? Vô thường! Vô thường tất cả! Nên biết như thế và đừng để cho tâm chấp trước dính mắc vào đâu hết.

            Sau một thời gian chăm chú luyện mật hạnh, câu nói đơn giản trên đây của Phật như có mãnh lực của dông sấm đập vào màn nhĩ, khiến La Hầu La choáng váng bèn xin Phật trở lui về tịnh xá ngồi thiền.

            Phật du hóa về, cho gọi La Hầu La lên bảo:

            - Ông đã chứng được tận cùng của Mật hạnh rồi đấy. Giờ đây hãy vận dụng tâm từ bi đối xử với người và vật để mở rộng tâm lượng và dung nạp tất cả chúng sanh vào lòng. Dung nạp được tất cả chúng sanh thì tội ác dứt trừ. Bờ giải thoát đã gần kề.


vào màn nhĩ, khiến La Hầu La choáng váng bèn xin Phật trở lui về tịnh xá ngồi thiền.

            Phật du hóa về, cho gọi La Hầu La lên bảo:

            - Ông đã chứng được tận cùng của Mật hạnh rồi đấy. Giờ đây hãy vận dụng tâm từ bi đối xử với người và vật để mở rộng tâm lượng và dung nạp tất cả chúng sanh vào lòng. Dung nạp được tất cả chúng sanh thì tội ác dứt trừ. Bờ giải thoát đã gần kề.


Âm lịch

Ảnh đẹp