Nhưng qua những mẫu chuyện đạo trên bước đường
hành hóa của Ngài mà các kinh sách ghi chép rải rác đó đây, thì hình
ảnh Ngài hiêïn ra rất "người" với đầy đủ tách chất đẹp đẽ nhất của chữ
đó.
Cái
hình ảnh vừa gần vừa xa ấy lắm lúc chỉ thoáng qua rồi chợt biến, lắm
lúc lại cơ hồ như rất gần mình. Những việc Ngài làm, những lời Ngài nói,
những ý Ngài nghĩ, sao quen thuộc sống động lạ thường! Quen thuộc và
sống động đến độ hình như mới xảy ra hôm qua ở đây, chứ không phải trên
lưu vực sông Hằng cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ!
Trong
lịch sử nhân loại, chưa có một siêu nhân nào có một đời sống thánh
thiện tròn đầy và dài lâu như Đức Phật. Ngài là một người bằng da bằng
thịt, xuất hiện giữa thế kỷ loài người, chứ đâu phải nhân vật thần thoại
của trí tưởng tượng! Những chứng tích lịch sử xác thực mới khai quật
được trong những năm cuối cùng của thế kỷ trước, càng ngày càng được
minh xác thêm bởi các chứng tích mới khai quật trong thế kỷ này.
Tất
cả những chứng tích kia, phối hợp với những gì còn ghi chép trong bìa
son quyển vàng từ nhiều thế kỷ truyền lại, minh xác hùng hồn rằng hình
ảnh diệu vợi như gần như xa của Đức Phật trong lòng tín đồ 25 thế kỷ
sau, không phải là một ảo giác, nhưng đó là một hình ảnh thực tại cao
siêu.
Tất
cả những chứng tích kia, lại còn nói lên cho nhân loại hay rằng con
người nếu biết khai thác đúng mức và đúng hướng mọi khả năng của mình
thì có thể tự thánh hóa đến cùng cực, để cuối cùng trở thành đấng Giác
ngộ đồng nhất bất nhị với vạn pháp, với muôn loài. Thánh hóa không có
nghĩa là từ bỏ tánh chất người. Càng thánh hóa, tánh chất người lại càng
lưu lộ ra rõ rệt hơn. Lìa người ra, không thể có thánh.
Trong
khi tôi đang mơ ước có một thiên lịch sử Phật mang đủ ý nghĩa nói trên,
không quá thừa chất thánh mà thiếu chất người, hay quá thừa chất người
mà thiếu chất thánh như nhiều thiên Phật sử mà tôi đã đọc, thì tình cờ
tôi bắt gặp tập bài "Đức Phật và Thánh chúng" quay Ronéo của đạo hữu CAO
HỮU ĐÍNH, nguyên giáo sư Đại học Vạn Hạnh, soạn dạy cho học tăng tại
Phật Học Viện Nha Trang. Đọc xong tập bài, tôi thấy có phần nào thỏa
mãn, vội vàng biên thư khuyến khích đạo hữu nhuận sắc lại để cho xuất
bản. Đó là duyên khởi khiến có quyển sách này ra đời.
Khi
đề ra ý kiến này với đạo hữu cũng như với nhà xuất bản Phật Học Viện
Nha Trang, thiển ý tôi nghĩ rằng dù tập sách đầu tay này chưa lột hết
đầy đủ tánh chất "vừa rất người, vừa rất thánh" của Đức Thích Tôn, ít ra
trong hiện tại nó cũng giúp được kẻ hậu học tại các Phật Học Viện trên
toàn quốc hiểu khái quát - nhưng rất rõ - về đấng Bổn Sư của mình. Hơn
nữa, tôi hy vọng tập sách nhỏ này sẽ là chất men khích lệ các học giả
Phật giáo khác trong nước tiếp tục khai thác cuộc đời sống động của Đức
Phật, dưới nhiều khía cạnh tân kỳ và linh hoạt mới khác.
Nếu
đạt được các ước vọng khiêm tốn trên đây, thiết tưởng quyển "Đức Phật
và Thánh chúng" này cũng đã sáng giá và đáng được Phật tử trong nuớc tán
thán lắm rồi.
- Từ Đàm, Xuân Kỷ Dậu (1969)
- Giáo Thọ
- Phật Học Viện Trung Phần
******
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Từ
ngày thành lập Phật Học Viện Nha Trang cách đây trên mười hai năm, song
song với việc dạy nội điển cho chư tăng tại Viện, chúng tôi có lập Nhà
Xuất Bản của Viện để phổ biến giáo lý ngoài đại chúng.
Vì
thế, ngoài số kinh sách dịch ra quốc ngữ ấn hành hàng năm, năm nào
chúng tôi cũng cố gắng cho xuất bản thêm một số trước tác mới, hoặc do
Hội Đồng Viện hợp soạn, hoặc do giáo sư của Viện biên khảo riêng.
Năm
nay, tập sách trước tác được in là quyển "Đức Phật và Thánh chúng" này.
Ước mong chư Phật tử đón nhận nó với tất cả nhiệt tâm, như đã từng đón
nhận các ấn phẩm khác về trước của Viện.
- Giám Viện
- Phật Học Viện Nha Trang
- HT. THÍCH TRÍ THỦ
Nguồn :Đạo Phật Ngày Nay