Nghệ thuật thoát ra từ gian nan
Người dân nơi đây vẫn tự
hào rằng những viên đá ong của vùng luôn có một vẻ đẹp bí ẩn, vững chắc.
Sắc vàng của đá ong luôn tạo cho con người ta cảm giác ấm cúng, thân
quen mà không lạnh lẽo như các loại đá khác. Vì thế mà từ xa xưa, ông
cha đã chọn đá ong xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác.
Đang tìm hỏi về những người
thợ chuyên chế tác đá ong, chúng tôi bắt gặp ngay bên đường một người
đàn ông tay cầm thuổng đang hì hục giữa hai khối đá ong khổng lồ. Anh là
Trần Văn Nghiêm, người dân ở đây gọi anh là Chắt nghệ nhân. Cái nghề
thổ mộc này gắn bó với anh từ thời bé. Khi chúng tôi hỏi về những tác
phẩm với những con vật như hổ, báo, voi, sư tử..., với đường nét điêu
khắc như thổi hồn vào đá. Chắt nghệ nhân xua tay, cười khà khà nói: "Với
cái nghề đục đẽo các con vật này tôi làm được hơn 10 năm rồi. Họ đặt gì
thì tôi làm nấy, con nào cũng làm được, cứ lấy thuổng xẻ đá lớn ra theo
khổ rồi lấy dao đẽo; cứ thế mà đẽo chẳng cần phải vẽ hay gọi là thiết
kế thiết gì cả. Tay và dao là hai thứ làm nên những con vật ấy cả". Anh
kể: "Nghề này lắm công phu và bận túi bụi. Để tạo ra sản phẩm là các con
vật, chum, chậu cảnh bằng đá ong, mình phải trực tiếp làm. Kỉ niệm mà
tôi nhớ nhất: Có một khách hàng đặt mua một đàn voi với 2 con voi to, 3
con voi cỡ vừa và nhỏ với giá hàng trăm triệu đồng mà họ yêu cầu làm
trong vòng một tháng. Để giao hàng đợt đó, mình phải huy động thêm người
giúp việc và vận dụng hết khả năng tay nghề mới kịp hoàn thành đúng
tiến độ để giao hàng cho khách. Còn những khách hàng đặt mua các con vật
nằm trong bộ 12 con giáp thì nhiều lắm".
Đang kể, giọng Chắt nghệ
nhân bỗng hào hứng: "Kể cũng lạ, ngày xưa đá ong bán rẻ lắm, chỉ có nhà
nghèo mới xây nhà bằng đá loại này thì nay chỉ có những người giàu mới
dám mua sử dụng. Tại cơ sở sản xuất ngoài các con vật như hổ, voi, sư tử
có mức giá từ vài trăm nghìn đến cả trăm triệu mỗi con, tuỳ thuộc kích
thước, kiểu dáng. Khách hàng khắp trong Nam ngoài Bắc đặt mua những loại
chậu cảnh, chân hương để xuất khẩu cũng nhiều". Chắt nghệ nhân cũng cho
biết, mặc dù nguồn nguyên liệu đá có sẵn trên địa bàn nhưng không phải
lúc nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu của khách do không phải lúc nào
cũng có khổ đá lớn như vậy để làm.
Để lại dấu ấn cho con cháu
Người thứ hai chúng tôi tìm
gặp là anh Nguyễn Văn Mười, (trú tại thôn Yên Mỹ, xã Bình Yên, huyện
Thạch Thất, Hà Nội). Trái ngược với Chắt nghệ nhân, anh Mười chuyên nhận
làm các công trình xây tường cổng, giếng đá cho các làng cổ, chùa chiền
và các ngôi biệt thự trên toàn quốc. Anh Mười cho biết, hơn chục năm
làm nghề, anh đã từng đi khắp từ Bắc vào Nam, làm không biết bao nhiêu
công trình bằng đá ong phục vụ yêu cầu của khách và cũng từ đó người ta
gọi anh là nghệ nhân lúc nào mà anh chẳng hay. Thế nhưng, trong anh luôn
tâm niệm cần phải làm cái gì đó để lại dấu ấn cho quê hương, con cháu
mai này noi theo. Thế rồi cơ hội đó cũng đến, cách đây khoảng 2 tháng,
các cụ trong thôn Yên Mỹ có sang nhà và đặt vấn đề mời anh làm kiến trúc
sư xây dựng cổng chùa Đại Lợi của thôn bằng đá ong với kinh phí khoảng
150 triệu đồng (giá thị trường khoảng từ 200 đến 250 triệu đồng). Vừa
ngắm nhìn công trình, anh Mười vừa hướng dẫn chúng tôi, để làm được
chiếc cổng bằng đá này ngoài bộ óc tính toán về kĩ thuật kết cấu, cần
phải có hoa tay và trình độ. Bởi rất khó tạo ra các hoạ tiết, hình cong
từ đá. Tiếp đến phải tính toán sao cho các lớp đá chồng lên thẳng tắp
không cong, lệch so với các đường chỉ lúc đó mới tạo ra dáng vẻ cổ kính,
hoành tráng của công trình bằng đá ong được.
Cổng chùa được xây dựng bằng đá ong.
|
Tâm sự về nghề, anh Mười
bộc bạch: “Tất cả công trình làm từ trước đến giờ chỉ có mình tôi cặm
cụi làm cùng với mấy người giúp việc phụ đỡ. Mặc dù trong làng cũng có
mấy người làm nghề nhưng cũng chỉ dừng ở mức vọc vạch, đẽo đá bán làm
gạch xây nhà chứ để làm được đồ cao cấp, mang tính nghệ thuật cao rất
hiếm... Nghề làm đá rất lạ, vì không có trường lớp nào đào tạo, lại cũng
không phải là nghề gia truyền mà điều quan trọng nhất để làm được nghề
này thì ngoài đôi bàn tay vàng cần phải có bộ óc sáng tạo nên các hình
thù, kiểu dáng công trình, do vậy rất khó kiếm được người khác thay
thế”.
Đề cập tới nguồn nguyên
liệu tạo lên đá ong, anh Mười cho biết, không biết đá ong có từ bao giờ,
chỉ biết do thiên nhiên ban tặng và có sẵn trên địa bàn do các mảnh
sành, gạch vỡ tạo nên thành từng tầng từng lớp do vậy khi khai thác chỉ
cần tách vỉa chứ không phải tác động lớn. Để có đá, người khai thác phải
mua diện tích đất đồi của dân, sau đó thuê thợ khai thác đào sâu từ 80
phân đến 1mét sẽ đến đá. Bề dày của đá lấy được từ 1m - 1,5m là đá có
thể sử dụng được. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào những người có kinh nghiệm,
làm lâu trong nghề mới có thể biết được đâu là đá đạt chuẩn (đá phải đạt
độ dẻo, dai) để chế tác ra các sản phẩm mang chất lượng, có tính nghệ
thuật cao.
Anh Mười trầm ngâm: “Việc
khai thác đá ong mãi rồi cũng hết, cái còn lại là những di sản văn hoá
không bao giờ mất được, đó là những công trình, con vật bằng đá ong sẽ
mãi trường tồn cùng thời gian”.