30/01/2011 06:31 (GMT+7)
Số lượt xem: 3364
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sen- trong các loài hoa, hội tụ đủ đức tin, phẩm cách và bản lĩnh một dân tộc Việt đầy trải nghiệm trong quá khứ khổ đau, dấn thân trong thời hội nhập, để vươn lên ngẩng đầu giữa thế gian đầy biến động và bất ổn những thách thức.

Sen đã chọn nước Việt để sinh ra, và nước Việt chọn Sen để nhập thế.

Thế là cuối cùng, sau những thăm dò, trao đổi ý kiến dư luận xã hội trong hội thảo, trên mạng Internet, biểu tượng Quốc hoa Việt Nam đã có chủ: Hoa Sen.

Không biết hoa từ đâu đến, nhưng xưa nay nói đến hoa, là nói đến vẻ đẹp. Vẻ đẹp của những loài thực vật, được nảy nở từ đất đen, thậm chí đá sỏi cằn cỗi, nhưng lại dâng hiến cho đời cái kiều diễm của hình hài- nụ hoa, bông hoa, cái ngất ngây của thân thể- hương hoa.

Những phẩm chất diệu kỳ và bí ẩn mà tạo hóa ban thưởng cho những loài hoa, tự lúc nào đã bước vào đời sống con người, mang sắc thái khí chất, diện mạo- "mặt hoa, da phấn". Cao hơn nữa, sắc thái đó được nhân cách hóa như một sắc đẹp: "Hoa khôi", hay "hoa hậu". Hoa hậu một quốc gia chưa đủ, còn có hoa hậu thế giới, hoa hậu hoàn vũ...

Ảnh: vnthuquan.net

Nhưng một khi hoa được ví, được chọn lựa trở thành biểu tượng một đất nước, thì loài hoa ấy đã mang vẻ đẹp tinh thần, cốt cách, khí phách và triết lý nhân sinh một quốc gia.

Sen, cuối cùng đã là Chúa của các loài hoa nước Việt.

Luôn chậm chân và thiếu chuyên nghiệp

Không phải bây giờ, chúng ta mới nghĩ tới việc chọn lựa và tôn vinh Quốc hoa. 20 năm trước đây, vào thời khắc đất nước tìm đường Đổi mới, Sen đã được nhà văn Bắc Sơn, tác giả của những cuốn tiểu thuyết hiện đại được bạn đọc trân trọng đón nhận, lên tiếng đề nghị chọn làm Quốc hoa. Ý tưởng đó, tiếc thay đã rơi vào quên lãng...

Quên lãng như dân tộc ta, dám tử sinh và luôn tạo "dấu ấn" sâu sắc với kẻ thù trong các cuộc trường chinh cứu nước, giành độc lập tự do dân tộc, nhưng bản sắc văn hóa, tiếc thay lại có phần ít quan tâm nên khá nhạt nhòa. Một ngày nào đó, ta giật mình và nhận ra, đến biểu tượng loài hoa nước Việt, cũng chưa bao giờ chính thức được tôn vinh. Dường như, chúng ta luôn chậm chân đi sau thiên hạ.

Trong khi các quốc gia châu Á: Ấn Độ, Srilanca lại nhanh chân đi trước chuyện này. Vì thế, việc lựa chọn Sen gây không ít tranh cãi. Văn hóa Việt vốn đa dạng, nên sự tranh luận cũng đa chiều...

Bởi không chỉ do hoa nước Việt luôn gắn với đặc điểm vùng miền, khí hậu, vì thế tính phổ quát của bất cứ loài hoa nào cũng khó thuyết phục. Mà ngay cả cái cách trưng cầu dân ý về Quốc hoa, cũng như các sự kiện văn hóa lâu nay, thường bộc lộ điểm yếu nhất: Thiếu chuyên nghiệp.

Có rất nhiều người dân không biết đến chủ trương này. Và có cả những quan chức ngành văn hóa nhầm lẫn hoa súng (biểu tượng hoa của Srilanca) thành hoa sen, nhầm lẫn màu sắc sen... khiến dư luận nghi ngờ mắc bệnh "mù màu", nên không tâm phục, khẩu phục.

Theo Bộ VH-TT-DL, tại một cuộc khảo sát tổ chức hồi tháng 5.2009 ở 1.895 người, có đến 78% ý kiến khẳng định nên có quốc hoa, chỉ 10% nói không cần thiết và 12% không trả lời.

Con số gần 2000 người/ hơn 80 triệu dân được hỏi ý kiến, quả là một con số không đáng kể. Vì thế, độ tin cậy ở tỷ lệ 78% có ý nghĩa gì không, về một cơ sở khoa học và thực tiễn của chủ trương?

Cũng theo Bộ VH-TT-DL, kết quả một cuộc thăm dò trên internet tổ chức năm 2006 (không thấy công bố số liệu người tham gia, mà đây lại là dữ liệu cực kỳ cần thiết) cho thấy có rất nhiều loại hoa được đề xuất là Quốc hoa. Trong đó hoa sen chiếm 40,3%, hoa mai 33,6%, hoa đào 8,2%, tiếp theo là tre, hoa cau, hoa ban...

Kết quả đó khá hạn hẹp, nhưng trong mối tương quan tương đối cho thấy: Sen cũng là lựa chọn của nhiều người Việt được thăm dò. 20 năm đã qua, Sen vẫn là niềm yêu thích, ngưỡng mộ của người Việt, cho dù thời cuộc đã có nhiều đổi thay giá trị. Người và Sen "dẫu lìa ngó ý vẫn vương tơ lòng".

Và tối qua, 29-1, Đêm hội tôn vinh Hoa Sen Việt Nam, không còn là sự thăm dò nữa, mà đã là một sự khẳng định của ngành văn hóa. Từ phông màn sân khấu, y phục của MC Mỹ Vân, vật phẩm trên bàn quan khách, cho đến các tiết mục ca vũ...đều mô tả hình tượng Sen, mầu sắc của Sen hồng

Sen chọn nước Việt và nước Việt chọn Sen

Có tên khoa học là Nelumbonaceae, thuộc loài túc thảo, Sen có mặt trên đời khoảng gần 100 triệu năm về trước. Sen nảy nở ở nhiều quốc gia, phổ biến là châu Úc, châu Á, trong đó có Việt Nam.

Có lẽ vì vậy, Sen như đã duyên nợ đặc biệt với dải đất này. Nảy mầm từ tăm tối, một ngày nào đó, Sen vươn lên khỏi mặt nước, và nở rạng ngời, ngát hương dưới ánh ngày.

Thân phận từ trong bùn đen của Sen, hành trình của kiếp Sen, và sự thăng hoa của Sen, có gì đó rất gần gũi với triết lý đời sống người Việt. Phải chăng điều đó đã ám ảnh tâm thức và tâm hồn Việt. Dù số phận khổ đau, và thăng trầm vì những biến thiên lịch sử, người Việt thời nào cũng biết gìn giữ những phẩm hạnh tốt đẹp.

Để rồi, Sen bước vào ca dao, vào thơ phú Việt tự nhiên nhi nhiên.

Sen đẹp giữa đầm nước, hài hòa không loài hoa nào có thể sánh: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng, bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Vẻ đẹp của Sen được con người ca ngợi hay chính con người tự răn mình trong kiếp nhân sinh?

Sen gần gũi với con người, là chứng nhân của tình trai gái, cái tình người tuyệt diệu nhất mà từ đó, sự sinh tồn của gia đình, của dòng họ, của một dân tộc bắt đầu: "Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà?"

Và Sen còn đẹp giữa đời. Vẻ đẹp của Sen hệt người thiếu nữ lạ bất chợt gặp, gợi thi hứng cho thi nhân: "Trong đầm gì lại đẹp bằng sen/ Một đoá hoa kia nở trước tiên/ Mặt nước chân trời thân gái lạ/ Đài xanh cánh trắng nhị vàng chen/ Xôn xao bay rồi đàn con bướm/ Đủng đỉnh bơi xa một chiếc thuyền... " (Tản Đà- thi sĩ kiêm dịch giả, nhà báo nổi tiếng đầu thế kỷ XX- bài "Hoa sen nở trước nhất đầm").

Nhưng Sen còn được tôn vinh đến độ so sánh với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh: "Tháp Mười đẹp nhất bông Sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ"

Rất Đời, nhưng Sen cũng rất Đạo.

Ở bất cứ chùa chiền nào của nước Việt cũng có thể bắt gặp sự thanh khiết cao sang của đóa sen, đài sen, tòa sen... mang giá trị của tinh thần Phật giáo. Đó là tính vô nhiễm, tính thanh lọc, tính thùy mị, tính thuần khiết và tính kiên nhẫn. Dường như trong suốt hành trình từ bùn lầy nước đọng, vươn lên trong làn nước, thành búp giữa thanh thiên bạch nhật, tụ hương rồi tỏa hương, Sen đã "đạt ngộ", mọi tham sân si được giải thoát... Tinh thần Sen được ngưỡng vọng đến mức, tổ tiên chúng ta kết thành hình tượng một ngôi chùa nổi tiếng của quốc gia- Chùa Một Cột.

Nhưng Đạo chỉ ý nghĩa khi Đạo giúp Đời.

Đó là khi Sen từ trong ca dao, thơ phú, trong sự thanh tịnh của giới Phật bước ra giữa nhân gian. Không chỉ mang những giá trị "người", phẩm chất Sen, cốt cách Sen dần được người Việt cảm nhận, định vị như hiện thân của phẩm chất, cốt cách dân tộc Việt. Cả hành trình Sen là sự vươn lên khỏi kiếp tối tăm dưới bùn đen nô lệ, khẳng định sự hiện hữu một dân tộc với khát vọng tự do- nơi những giá trị tinh thần Việt thanh sạch, trường tồn bất biến.

Và đầy yêu thương, Sen gắn bó với người ở sự hữu ích. Tâm Sen là vị thuốc quý, gạo Sen dùng để ướp chè; hạt Sen- món ăn dung dưỡng tinh thần, ngó Sen- món ăn mát lành và lá Sen dùng để đùm bọc những hạt cốm, những hạt mồ hôi lao động của người Việt. Còn tình Sen ư, "dẫu lìa ngó ý...". Có loài hoa nào vừa đẹp, vừa biết yêu một cách rất Đạo, lại vừa có ích một cách rất Đời, như Sen?

Sen- trong các loài hoa, hội tụ đủ đức tin, phẩm cách và bản lĩnh một dân tộc Việt đầy trải nghiệm trong quá khứ khổ đau, dấn thân trong thời hội nhập, để vươn lên ngẩng đầu giữa thế gian đầy biến động và bất ổn những thách thức.

Sen đã chọn nước Việt để sinh ra, và nước Việt đã chọn Sen để nhập thế.

Tác giả: Kỳ Duyên
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp