Trong một lần gặp gỡ một nhóm sinh viên trẻ ở Hà Nội vài năm trước, tôi hỏi các em: Trong xã hội Việt Nam ngày nay, đặc biệt
là trong lãnh vực văn hoá, các em ngưỡng mộ ai nhất? Và tôi ngạc nhiên
khi chẳng em nào trả lời tôi được! Nhớ lại hồi còn trẻ, tôi có thể kể
năm bảy người mà tôi ngưỡng mộ, những Đào Duy Anh, những Nguyễn Mạnh
Tường, những Trần Đức Thảo, những Hoàng Xuân Hãn, những Nguyễn Hiến
Lê... Còn ngày nay? Có thể chăng chúng ta đang sống trong thời vắng
những nhà văn hoá lớn?
Tư tưởng nhà văn hóa "định nghĩa" tính thời đại
Thế
nào là một nhà văn hoá lớn? Tất nhiên, xã hội nào cũng có những trí
thức, những người tham gia (có thể rất tích cực) vào hoạt động văn hoá
trong lãnh vực này hoặc lãnh vực nọ... Song, những nhà văn hoá lớn có
một vai trò vượt trội những trí thức khác, và không phải bất cứ xã hội
nào, lúc nào cũng có những nhà văn hoá như thế.
Đó là những
người mà sự uyên thâm và nhất là tính kiên trì nghiên cứu (nhiều khi
lặng lẽ), năng suất làm việc phi thường (hàng mấy chục quyển sách, hàng
trăm bài báo, chằng hạn) hầu như là huyền thoại trong dân gian. Chính tư
tưởng của họ "định nghĩa" tính thời đại của một nền văn hoá. Nhà "văn
hoá lớn", nói cách khác, là người có những suy nghĩ vừa sâu vừa rộng,
đưa ra những khám phá, lập luận, có tính tổng hợp, liên ngành (ví dụ như
lịch sử và văn học, triết học và nhân chủng học), không bị giới hạn trong một ngành chuyên môn nào.
Nhà văn hoá lớn là người có những ý tưởng độc đáo,
hoặc có biệt tài tổng kết nhiều luồng tư tưởng khác nhau, từ nhiều lãnh
vực khác nhau. Người ấy luôn luôn bám chặt vào những tiêu chuẩn học
thuật cao nhất. Qua công việc nghiên cứu của họ, họ khơi dậy sự quan tâm, nâng cao trình độ thảo luận về những vấn đề lịch sử, xã hội, văn minh... nói chung là văn hoá.
Một
nhà văn hoá lớn còn phải là một nhà văn hoá dấn thân, nghĩa là, dù tư
tưởng của họ có trừu tượng đến mấy, sự chọn lựa chủ đề của họ, hoặc cách
tiếp cận chủ đề ấy, luôn luôn có một khía cạnh nhân bản, hoặc là xuất
phát từ những sự trăn trở đối với những vấn đề căn bản của xã hội, của
con người (đặc biệt là, nếu hoàn cảnh bắt buộc, những vấn đề liên hệ đến
tự do và nô lệ, đến chiến tranh và hoà bình).
Nếu đã được đào
luyện như là nhà khoa học, một nhà văn hoá lớn có trách nhiệm suy nghĩ
về tính nhân văn, tính xã hội của ngành khoa học ấy. Văn hoá, tự thân,
là một hiện tượng công cộng. Nhà văn hoá lớn có khả năng khuếch trương
tính công cộng của khoa học mà không hi sinh chuẩn mực học thuật. Một
nhà văn hoá lớn cống hiến cho xã hội một hệ tư tưởng, nhất là trong lãnh
vực xã hội và nhân văn, có khả năng khuấy động những trao đổi, đóng góp
của những người khác trong lãnh vực ấy, và qua đó, làm giàu cho sinh
hoạt tư tưởng của xã hội.
|
Một nhà văn hoá lớn còn phải là một nhà văn hoá dấn thân |
Nhà
văn hoá lớn ngày nay cần phải theo dõi khít khao các luồng tư tưởng về
văn hoá, chính trị, kinh tế... thế giới, bởi thế khả năng ngoại ngữ là
cần thiết. Tuy nhiên, một nhà văn hoá lớn Việt Nam phải là người
nhìn những luồng tư tưởng ấy qua lăng kính dân tộc và văn minh của người
Việt Nam. Nói khác đi, một nhà văn hoá lớn phải đặt vấn đề văn minh của
dân tộc (dù chỉ để phủ nhận nó, nếu muốn!) làm một trọng điểm của ý
thức.
Kiến thức là thiết yếu, nhưng một nhà văn hoá lớn phải đem
kiến thức ấy phục vụ mục đích nhân văn. Nhà văn hoá lớn ngày nay phải
thấm nhiễm tư duy "toàn cầu hoá" nhưng cũng phải có một thái độ rạch ròi
về hậu quả của hiện tượng này đến những vấn đề quốc gia và dân tộc.
Những
nhà văn hoá lớn là những ngôi sao đặc biệt sáng ngời trong bầu trời có
thể đã rất nhiều sao. Những nhà văn hoá lớn không nhất thiết là những
thiên tài bẩm sinh (thậm chí, họ càng đáng nễ phục, càng nhiều ảnh
hưởng, nếu công trình văn hoá của họ là do sự kiên trì nghiên cứu, tự
học...). Một nhà khoa học xuất chúng có thể đáng ngưỡng mộ nhưng chưa
chắc đã là một nhà văn hoá lớn theo nghĩa ở đây.
Tại sao chúng ta thiếu vắng những nhà văn hóa lớn?
Nếu
định nghĩa những nhà văn hoá lớn theo cách đó thì rõ ràng là chúng ta,
hiện nay, rất thiếu những nhà văn hoá lớn. Tại sao như thế?
Nhiều người sẽ đổ lỗi cho xã hội. Xã hội không bồi dưỡng những nhà văn hoá nói chung thì làm sao có những nhà văn hoá lớn?
Sự thiếu tôn vinh này quả là đáng tiếc nhưng chưa đủ để giải thích sự
thưa vắng những nhà văn hoá lớn, vì sự thực là, như lịch sử cho thấy,
đại đa số những ngưòi này không làm việc vì tiền, hay để được xã hội tôn
vinh, khen ngợi. Họ cật lực suy nghĩ, viết lách, giảng dạy... vì một sự
thôi thúc nội tâm, không phải vì những phần thưởng từ bên ngoài. Thậm
chí, nhiều người hãnh diện vì đời sống "khổ hạnh" của mình.
Giả
thuyết thứ hai, liên hệ đến giả thuyết thứ nhất, nhưng có vẻ thuyết phục
hơn. Dường như ngày càng nhiều phát giác những vụ đạo văn, những vụ lừa
bịp, nói chung là những hành động thiếu đạo đức của một số người đã có
thời được xem là những "đại thụ văn hoá". Có thể giải thích rằng những
hành động thiếu đạo đức ấy là sự sa ngã do cám dỗ của một xã hội quá
trọng vật chất. Những người đáng lẽ là "anh hùng" té ra lại có những cặp
chân bằng đất sét.
Đúng
là chúng ta cần phát triển kinh tế, cần cơm ăn áo mặc, cần một đời sống
văn hoá không đến nỗi nghèo nàn... Nhưng chúng ta cũng cần những tinh
hoa vượt trội. Dù bầu trời đã lấp lánh muôn sao, chúng ta vẫn cần những
ngôi sao thật sáng. Đó là những ngôi sao chỉ đường, bởi lẽ một xã hội
phải biết hướng tiến cho văn hoá của xã hội ấy. |
Bởi
vậy, sự thiếu vắng những nhà văn hoá lớn, tôi nghĩ, chỉ phần ít là lỗi
của xã hội, mà phần lớn là nhược điểm của chính cộng đồng trí thức (là
vườn ươm những nhà văn hoá lớn). Oái oăm là, như vẫn thường nói, "thời
thế tạo anh hùng", thì "thời thế" ngày nay không đến nỗi quá bức xúc để
anh hùng "đứng lên".
Cái "lỗi" của xã hội hiện tại không phải vì
nó tích cực trù dập những hạt giống văn hoá lớn, nhưng ở sự làng nhàng,
sự tầm thường tẻ nhạt cuả nó. Các vấn đề căn bản của xã hội, của con
người, đòi hỏi những công trình văn hoá dài hạn, song những "khích lệ"
cho các công trình văn hoá trong xã hội ngày nay, nếu có, lại có tính
ngắn hạn. Có một sự so le giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng
trưởng văn hoá.
Nhiều người sẽ cho rằng sự thiếu vắng những trí
thức lớn còn có một nguyên do khác, rằng một người trí thức "công cộng"
phải được phép tự do phát biểu. Một việc còn rất hạn chế trong hoàn
cảnh hiện nay. Nhưng theo tôi, yếu tố thật cần là những cuộc tranh luận,
nghĩa là cần những nhà văn hóa lớn khác, và những cuộc tranh luận đó
phải bình đẳng, tôn trọng những tiêu chuẩn học thuật phổ quát. Trong
tranh luận văn hoá, không ai được quyền dựa vào một thế lực nào ngoài
văn hoá.
Có thể rằng, là một nhà văn hoá lớn ngày nay cần có
những kiến thức, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ và kiến thức về sinh
hoạt văn hoá toàn cầu, hơn bao giờ hết. Nhưng không hẳn là như vậy: có
cả vạn người, hàng ngày luớt web khắp thế giới, nhưng chưa bao giờ thực
sự là nhà văn hoá.
Những thông tin họ biết là hời hợt, nông cạn.
Bởi vậy, cái nghịch lý của nhà văn hoá lớn ngày nay là phải vừa biết
nhiều, nhưng không cần biết hết, mà phải biết sâu. Phải biết tổng hợp
những điều mình nghe thấy với những suy nghĩ của riêng mình. Đây cũng có
thể là một lý do của sự thưa vắng những nhà văn hoá lớn, tuy số "trí
thức khoa bảng" thì ngày càng nhiều: Với sự chuyên biệt hóa ngành học,
ngày càng hiếm đi những người thông thạo nhiều ngành khác nhau, có đủ
sức tổng hợp thành một hệ thống tư tưởng độc sáng.
|
Tầm vóc của một nhà văn hoá không phải ngày một ngày hai mà có được |
Những ngôi sao chỉ đường cho văn hóa của xã hội
Xác
nhận sự thiếu vắng những nhà văn hoá lớn là một việc, kết luận rằng đó
là một sự kiện đáng quan ngại lại là một việc khác! Bởi, có người sẽ
hỏi: Tại sao chúng ta cần những nhà văn hoá lớn? Chúng ta có rất nhiều
nhà khoa học, giáo sư,
kỹ sư mọi ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước (và chúng ta
không bao giờ thiếu những nhà thơ, nhà văn!). Như vậy không đủ sao? Tôi
nghĩ là không đủ.
Đúng là chúng ta cần phát triển kinh tế, cần
cơm ăn áo mặc, cần một đời sống văn hoá không đến nỗi nghèo nàn... Nhưng
chúng ta cũng cần những tinh hoa vượt trội. Dù bầu trời đã lấp lánh
muôn sao, chúng ta vẫn cần những ngôi sao thật sáng. Đó là những ngôi
sao chỉ đường, bởi lẽ một xã hội phải biết hướng tiến cho văn hoá của xã
hội ấy.
Nhưng tầm vóc của một nhà văn hoá không phải ngày một
ngày hai mà có được. Hãy hi vọng rằng ngay giờ phút này đây đang có
những nhà văn hoá trẻ miệt mài xây dựng sự nghiệp văn hoá của mình. Cho
những ngưòi trẻ này, vào những ngày xuân hôm nay, chúng ta nâng ly chúc
mừng và chúc các bạn kiên trì, may mắn, cho bạn, mà cũng cho chúng ta.
Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn - Số Xuân Tân Mão 2011