08/02/2011 17:28 (GMT+7)
Số lượt xem: 2974
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

SGTT.VN - Anh Huy, bạn tôi, một người làm gốm ở làng Bát Tràng nhắn mời sang uống trà. Nghĩ bụng, chạy ba quãng đồng để uống chén trà, chắc hẳn phải là trà gì đặc biệt đây.

Mùa đông mưa phùn gió bấc, nể bạn, lặn lội sang. Trà ngon đã đành nhưng đường sá xa xôi bỗng hoá gần là vì một lẽ khác. Anh mới ra lò, một bộ ấm chén mới, còn nóng, pha ấm trà đầu, đãi khách.

Anh Huy, sinh ra ở Bát Tràng, lớn lên đi học trường Bách khoa, ngành silicat rồi về làm ở xí nghiệp gốm Bát Tràng một mạch mấy chục năm cho đến khi nghỉ hưu. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là đi làm, làm gốm, làm việc, việc chung thôi. Lúc về hưu, lúc nghỉ mới là được làm, làm cho mình. Người yêu gốm, yêu đất, yêu lửa, yêu nước như anh Huy thì khi được trở về với mình tức là trở về với đất, với lửa, với nước. Mấy cụ già mê đọc Trang Tử thường kể câu chuyện quả bầu khô dùng đựng rượu, giữa cái vỏ và phần khoảng không bên trong chẳng biết phần nào quan trọng hơn, phần nào để nói về cái sự “tề vật luận”. Anh Huy là người thủ cựu nhưng nhược điểm này lại là ưu điểm, nó cũng hay như tính thích cải cách của người khác.

Chuyện là thế này, độ mười năm gần đây, cả làng Bát Tràng có phong trào, phá lò hộp, đốt bằng than để thay thế bằng lò gas. Rẻ thì chưa chắc nhưng rõ là nhanh, tiện, sạch sẽ, lửa ổn định, chất lượng sản phẩm đồng đều. Ấy thế nhưng anh Huy không những không lắp lò gas theo phong trào mà cũng không xây lò hộp, anh “giật lùi” hẳn hai bước, âm thầm làm một cái lò bầu, đốt củi. Đây chính là loại lò, là phương pháp nung gốm cổ truyền của gốm Việt Nam nói chung và gốm Bát Tràng nói riêng. Những kiệt tác trong di sản gốm Việt từ men ngọc đời Lý, gốm hoa nâu đời Trần, gốm vẽ men lam, xanh chàm của Lê, Mạc rồi đồ gốm đắp nổi, men rạn đều nung bằng lò bầu, đốt củi.

Nhân đây cũng muốn nói thêm, sau mười năm Bát Tràng chuyển sang dùng lò gas, gốm Bát Tràng vẫn chưa có sản phẩm nào đủ đẹp có thể nối tiếp được truyền thống, ngoài việc tận dụng ưu thế kỹ thuật ổn định của nhiệt, chủ động được nhiệt để làm ra những sản phẩm to cao, to nhưng xấu, hình như càng xấu càng phải to để bù đắp. Nào là lọ, chum, choé, vại, vò,… nhà nào cũng thi nhau làm to, giá bán cao không phải vì đẹp mà vì sản phẩm to. Tất nhiên mốt thích to không chỉ có ở gốm, ở Bát Tràng và qua đây cũng thấy cái lỗi hám to cũng không chỉ do người làm ra sản phẩm mà do cả ở những người tiêu dùng hôm nay.

Trở lại chuyện anh Huy, anh không phải là người cố tình bảo thủ, cố tình đi ngược xu thế chung, anh cũng không ý thức về việc “hand made”. Anh tâm sự: cách tân không chỉ là bỏ cũ sang cái mới mà là làm mới truyền thống, trước tiên là khôi phục lại kỹ thuật truyền thống, từ đất, men, lửa (lửa của lò bầu đốt bằng củi). Ví dụ muốn phục chế men ngọc thì bắt buộc phải nung bằng lò bầu, chất kiềm (kalihydroxit – KOH và natrihydoxit – NAOH) tự nhiên trong củi sẽ làm cho màu xanh ngọc trong và sâu, lò gas không làm được. Những tác phẩm men ngọc của gốm Lý có nhiều cung bậc, ngọc nước dưa, ngọc màu nước rau muống luộc, ngọc màu quả bí, tất cả đều gần gũi và duyên. Rồi lại nghĩ đến gốm Bát Tràng hôm nay. Thèm được nhẩm một câu trong bài hát nào đó của Trịnh Công Sơn, “lòng chợt bình yên mà sao buồn thế”. Anh Huy kể, làm một cái lò bầu, nhỏ thôi nhưng chẳng dễ gì, tất cả đều chỉ có một mình, không hỏi ai được, những người già đều đã “ra đi” hết cùng với kinh nghiệm của họ, những người trẻ quen với tư duy nhanh nhiều tốt rẻ của lò gas, với họ truyền thống là phụ, đẹp là phụ. Nếu như không muốn nói, họ đã hoàn toàn đứt đoạn với truyền thống. Phần lớn những nghệ nhân hôm nay, dù có sắc phong chính thức nhưng bản chất là danh hão và phẩm chất chính là phá hoại tinh tuý của gốm Bát Tràng.

Anh Huy không nản lòng vì trước tiên và trên hết anh làm vì sự thôi thúc cá nhân, làm cho mình thôi. Những mẻ lò đầu tiên hoàn toàn thất bại. Tình yêu gốm trong máu thịt mách bảo anh rằng, thất bại đấy nhưng nó sẽ qua và đây là con đường đúng đắn. Linh cảm là điều khó lý giải, anh Huy kiên nhẫn đi tiếp. Để tìm được sự hài hoà giữa đất, lửa, nước đâu dễ. Tự làm lò, tự chế đất (không mua sẵn), tự mua củi, tự chẻ, tự đi mua rơm về đốt làm men tro, tự nặn, tự vuốt từng sản phẩm một. Làm tay từ đầu đến cuối, hoàn toàn nguyên liệu tự nhiên củi lửa, men thuốc. Hình như cái sự một mình, sự cô độc cũng là sức mạnh.

Lửa của lò gas rất đều, sạch không bụi bặm. Sản phẩm đều tăm tắp, rất tốt cho làm hàng loạt, nó là hàng hoá, là mỹ nghệ, trau chuốt, nuột nà, giống nhau như đúc. Ưu điểm là ở đó và nhược điểm cũng là ở đó.

Đồ gốm của anh Huy nặn tay từng chiếc, không dùng khuôn, men tự nhiên, không dùng hoá chất công nghiệp, nhiệt độ đốt bằng củi lò bầu nhiều may rủi, chỗ táp lửa, chỗ ám khói, chỗ hoàn nguyên, chỗ chín già, chỗ non, men chỗ dày chỗ mỏng do dấn bằng tay, không phun bằng máy… nên nhiều tình cờ, gốm của anh Huy đẹp là do ngẫu nhiên, không lặp lại, đó là vẻ đẹp của đơn bản.

Ngồi uống chén trà pha bằng bộ ấm mới ra lò. Anh Huy nhẩn nha nói với tôi nhiều chuyện, chuyện người, chuyện nghề, chuyện về làng gốm Bát Tràng đã nghìn năm tuổi. Băn khoăn nhất vẫn là chuyện kỹ thuật, tay nghề, chất liệu, nay đã tốt hơn nhưng gốm Bát Tràng không đẹp hơn.

Một chút mưa, một chút lạnh, một chút bâng khuâng, tiếc nuối của những ngày cuối năm, một chút lửa, một chút hơi ấm của lò bầu đốt bằng củi. Không hiểu sao những một chút đó khiến tôi miên man nghĩ sang chuyện khác, chuyện bảo tồn, chuyện di sản. Ai là người sẽ lưu giữ ký ức của những làng nghề? Đâu chỉ Bát Tràng, nào là giấy dó ở Dương Ổ, Hà Bắc, đúc đồng Đại Bái, sơn quang dầu ở Cát Đằng, nghề bạc ở Đồng Sâm, Thái Bình… chả nhẽ cái mới đến sẽ làm mất dần những cái cũ, chả nhẽ suốt 1.000 năm còn giữ được thế mà chỉ có mấy chục năm gần đây mọi thứ lại mất nhiều và nhanh như vậy.

Trước khi chia tay, anh Huy bảo, sở dĩ màu men tro của Bát Tràng đẹp thế, riêng thế là bởi vì, trước khi ra lò vài tiếng, tôi cho vào lò mấy đoạn nứa. Trong quá trình cháy, chất muối natriclorua (NaCl) tự nhiên trong ruột cây nứa tiết ra, cho dù chỉ là vi lượng sẽ thấm vào lớp men áo sắp chín làm ra màu men đặc thù của gốm Bát Tràng. Nếu như không có những người như anh Phạm Ngọc Huy, say men gốm, say gốm để phục chế và lưu giữ lại những ký ức này, những tinh hoa này thì… làng Bát Tràng vẫn còn, vì những mất mát li ti như vậy ít ai thấy, không dễ thấy nhưng nó lại là hồn cốt của cả một nghề, một làng nghề.

Lê Thiết cương

Nguon: http://sgtt.vn/Kinh-te/136124/Men-gom-men-nguoi.html


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp