15/11/2010 16:35 (GMT+7)
Số lượt xem: 4771
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lê Anh Dũng
Nói đến Tam quan thì người ta liên tưởng đến những hàng dừa nối nhau, bạt ngàn không dứt! Nói đúng hơn là một rừng đặc biệt toàn dừa và dừa!

Ít khi có những giống cây khác chen vào... Làm cho tiếng rạt rào của sóng biển được đặc biệt quyện với những tiếng ngân nga từ những cành lá dừa vi vu độc quyền ngự trị! Có ai đó, nếu không phải là dân Tam quan, vào một ngày đẹp trời, được đứng bên dòng sông Cửu Lợi, ngắm làn nước trong veo và nghe tiếng thì thầm, quyện gió nồm mát lạnh thịt da... giữa tiếng lá dừa xào xạc vẫy chào! Lúc ấy mới thấy hết những tê mê, cảm giác lâng lâng như đang du ta vào cõi mộng!...

Vì Tam quan đẹp như thế, nên thơ như thế, cho nên mới nẩy sinh ra những thi sĩ và văn sĩ miệt vườn, chỉ mong có dịp là hạ bút ca tụng cái góc nhỏ quê hương thân yêu của mình, nơi có quốc lộ số một chạy ngang và nhánh Trường sơn nối dài ra biển, bãi cát trắng xóa không nơi nào sánh kịp...! Người ta thường bảo rằng dân Tam quan giàu có nhất vùng! Người ta cũng thường nói là gái Tam quan đẹp và có làn da trắng mịn, hấp dẫn, mát hơn nước dừa!... Ai bảo rằng dân Tam quan không biết nịnh đàn bà con gái! Cánh mày râu coi thế, cái gì cũng quê quê, nhưng nghề nịnh "bà" thì không chê được đâu nhé!

Nếu nói đến Tam Quan mà không đề cập đến một hệ thống sông ngòi ngoằn ngoèo, len lỏi khắp chốn thì thật là thiếu sót! Nhưng đã nói đến những dòng sông nhỏ nhắn, nước chảy trong veo vào mùa hè, đục ngầu đầy đất phù sa vào mùa mưa; mà không nói đến cái thú đi soi, đi bắt ếch, chụp cá đối, chận đăng... thì thật là phiến diện vô cùng!

Tất cả những dòng sông nhỏ của Tam quan đều nối với nhau và cùng đổ về biển. Cửa biển Tam quan không lớn lắm, nước chảy về, dựa vào sườn núi phía Bắc. Đó là nhánh của Trường Sơn chạy suốt từ phía Tây, cắt quốc lộ số 1, có tên là đèo Bình Đê và vươn dài ra đến biển như cánh tay thiên thần. Cánh tay thiên thần thò ra trùng dương xanh mát, chấm dứt bằng một chấm phá tuyệt vời. Người ta đặt cho nét chấm phá đó một cái tên rất trừu tượng: Gành Gà. Chẳng ai hiểu tại sao!

Vì thế cho nên nguồn nước của những con sông đổ về biển, mơn man tắm rửa một sườn núi xanh rì và nhả ra phía Nam một bãi cát trắng phau, chạy dài đến tận cửa An Giủ của dòng Lại Giang xa tít... Tất cả nước của những dòng sông, trước khi thoát ra biển đều dồn về vịnh nhỏ, phình ra như diều của một con chàng bè đang no cá! Cái vịnh nhỏ ấy chạy xà quần và để cho những cồn đất cắt xén thành những ốc đảo đẹp như những hòn ngọc vươn vãi dưới cánh tay thiên thần, soi bóng những hàng dừa nước mặn cong cong. Đó là các thôn Trường Xuân, Công Thạnh. Xa về phía Nam, dọc theo một nhánh sông khác là một thành phố nhỏ như trong bức tranh từ tiên giới. Thành phố được trang trí chấm phá từng bóng dừa xanh dọc theo một con lộ tráng nhựa.

Thời phồn thịnh, nó cũng là một thành phố có đầy đủ tiêu chuẩn của kết hợp chủng tộc. Nó cũng đầy tiếng Tàu, tiếng Việt trộn nhau như thang thuốc Bắc, nó cũng đầy khách thập phương đến mua bán đủ thứ trên đời và đem đi những đặc sản liên quan đến dừa và cá mắm... Một thành phố nhỏ pha trộn tạp-pí-lù, nào là chùa Tàu thờ Quan Công, nào là chùa Phật và nhà thờ của Tòa thánh Cao Đài... Từ thành phố ngược về Tây, chúng ta bị choáng ngợp bởi mấy nóc giáo đường cao vút, kiến trúc rập khuôn những nóc nhà thờ Pháp đầy huyền thoại, vượt hẳn lên trời thoát khỏi những đọt dừa cao của xóm đạo Gia Hựu... Xa về phía Nam là chằng chịt những ngọn dừa bao phủ lấy thôn Cửu Lợi, Đại Đồng, An Thái, Trung Trinh, Đại Hóa... Dừa chen với dừa và sông chen trong bóng dừa, cùng tắm mát và nuôi sống bao nhiêu lớp người Tam Quan!

Đó là hệ thống tự nhiên của dòng sông Tam quan. Dòng sông có một đặc tính vừa mặn vừa ngọt, vừa đục vừa trong. Nơi nào có chất phèn thì vừa chua vừa chát... Nó cũng giống như những con người sanh ra từ đó! Quanh năm uống nước gánh về từ xa. Giếng Truông nuôi sống cả một thành phố, những giếng đào từ bãi cát mới ngọt lòng người! Nước sông Tam Quan chỉ để làm muối... Mùa hè nước trong veo, lòng sông không có nơi nào sâu lắm và cũng chẳng có gì nguy hiểm để những ai mê tắm phải sợ hãi mà không ngụp lặn trong làn nước mặn từ biển hòa với cái ngọt từ nguồn...

Miền Bắc Bình Định, Quận Hoài Nhơn là lớn nhất. Vì địa thế và con người cũng như an ninh, nên sau nầy Hoài Nhơn tách ra làm hai quận - Hoài Nhơn và Tam Quan - Nhưng trước hết chúng ta thử đặt vấn đề tại sao trong huyện Hoài Nhơn có bao nhiêu xã đều đặt tên bằng chữ phía trước là Hoài mà chỉ có một mình Tam Quan và Bồng Sơn là cô độc một mình với cái tên kỳ cục thế? Trong huyện Hoài Nhơn, chúng ta có các xã: Hoài Ân, Hòai Xuân, Hoài Thanh, Hoài Tân, Hoài Hương, Hoài Mỹ... Những chữ "Hoài" nghe ra có vẻ nhớ thương, có vẻ chờ mong một cái gì đó trong tương lai... Nhưng Bồng Sơn hay Tam Quan thì không thế. "Bồng bế nhau lên nó ở non", thơ của Trần Tế Xương nghe ra không hợp với Bồng Sơn - Có lẽ bồng bế nhau Nam tiến theo tổ tiên để có ngày nay thì đúng hơn –

Còn Tam Quan thì sao? Xem ra từ đèo Bình Đê trở vào, một địa danh không có gì như tên gọi. Ba cánh của, cổng Tam quan, ba con đường... Đều chẳng có di tích nào trước và sau trong lịch sử để làm tiền đề cho cái tên gọi. Thế mà chúng ta vẫn có Tam Quan của rừng dừa, của nghề dầu dừa, của kỹ nghệ dây dừa và thủ công họ nhà dừa nổi tiếng cả nước!

Có một thời cả nước, Bắc Trung Nam đều dùng giây dừa Tam Quan. Từ sợi giây cột nhỏ nhất đến sợi neo to bằng cùm chân để neo tàu neo ghe. Dụng cụ thủ công từ tấm thảm chùi chân, gáo múc nước bằng sọ dừa, vỏ bình trà bằng vỏ dừa... Có một thời người ta còn khéo tay dùng sọ dừa làm ra muỗng ăn cơm, chén tô, bát... Thôi thì chúng ta sẽ tuần tự xem coi cái xứa Tam quan nổi tiếng như thế, có xứng đáng như thế nào hay không trong giòng văn hóa cả nước!


Con Người

Dĩ nhiên, tất cả những gì chúng ta vừa nói, nếu không có bàn tay và khối óc con người thì chắc chắn sẽ không có tất cả. Người Tam quan - như chúng ta đã nói trên - Đều là những kết hợp từ nhiều nguồn trong lòng dân tộc Việt Nam. Có lẽ Tam Quan được thành lập cùng lúc với Phủ Hoài nhơn trong cuộc Nam tiến. Nhưng khi đã định cư trong rừng dừa, uống nước địa phương lâu ngày, mọi người đều nói tiếng Tam Quan.

Thế nào là tiếng Tam Quan?

Đây là một giọng nói đặc biệt, cũng như người Bình Định nói chung, nhưng dĩ nhiên là cũng mang màu sắc hoàn toàn địa phương một chút. Tiếng "Nẫu" được nói trên đầu môi nhiều người chính gốc. chữ "Tr" trở thành "Ch". Ví dụ như chữ "Trảng" được gọi thành "chảng", chữ "đau" lại được nói là "đeo", đi "thăm" thì được gọi là đi "thêm"... Nhưng có một cái đặc biệt, người ta nói là... Bình Định "no hair", nhưng Tam Quan thì ngược lại đấy...!

Về con người tiêu biểu Tam Quan, thời xa xưa còn để lại dấu vết về Đào Duy Từ. Hiện nay ngôi mộ của Ông nằm tại Tam Quan, nhưng không ai chăm sóc. Cảnh điêu tàn giữa cây cối xen nhau mọc chằng chịt, những tảng đá ong bị năm tháng xói mòn hư hao không người bảo quản... Công đức của Đào Duy Từ thì có rất nhiều sách đã nói về ông. Vả lại ông là một công thần, một người trong lịch sử Việt một thời vang danh, Tam Quan chỉ là nơi cư trú ban đầu và cuối cùng của cuộc đời một Công Thần nhà Nguyễn gốc gác từ Đàng Ngoài...

Người dân Tam Quan có óc cầu tiến và hiếu khách. Chính vì thế mà văn minh tiến bộ bên ngoài mới được nhập vào Việt Nam là Tam Quan hầu như học hỏi được tức thời, áp dụng ngay. Bằng chứng là phong trào Hướng Đạo Việt Nam đã có ở Tam Quan sớm nhất. Bằng chứng là kỷ nghệ làm xà phòng bằng nước tro và sút được dân Tam Quan áp dụng một thời làm nền kinh tế địa phương phát triển. Đó là xà phòng nội hóa "có chất lượng" nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Một trong những người Tam Quan có công đưa Tam Quan lên hàng những địa danh nổi tiếng là một thanh niên trí thức từng du học tại Pháp. Ở đây, tôi xin giới thiệu một nhân vật rất Tam Quan, có công đem "văn minh" vào xứ dừa, có công tổ chức, hướng dẫn và lãnh đạo phong trào thanh niên Tam Quan theo kịp trào lưu văn minh thời 1930-1944. Đó là ông Huỳnh Văn Trân, người ta thường gọi tắc là Nghị Trân.

Ông học chữ Nho lúc nhỏ, lớn lên vào Sài Gòn học trường Tabert. Sau khi đậu Sơ Học- Primaire- về Huế học trung học tại trường Dòng Pellerin. Năm 1926 xuất dương du học tại Pháp bốn năm. Sau đó về nước làm nghề tự do, mở các pharmacie, làm thầu khoán... Tháp tùng Giám Mục Lê Hữu Từ tham dự Đại hội Thánh Thể Công Giáo XXXIII tại Phi Luật Tân năm 1936. Năm 1937, Đắc cử Dân Biểu Trung Kỳ, Đắc cử luôn Nghị Sĩ Đại Hội Đồng kinh tế Lý Tài Đông Dương (nên mới có tên là Nghị Trân).

Ông Huỳnh Văn Trân có công đem phong trào Hướng Đạo vào Tam Quan năm 1936. Phong trào Hướng Đạo do ông khởi xướng, đã làm cho giới thanh thiếu niên Tam Quan hăng hái tham gia. Sau 1954, Hướng Đạo Tam Quan vẫn tiếp tục vững mạnh. Ông còn có công đem làn gió thể thao về vùng xứ dừa bằng cách thành lập hội Tam Quan thể tháo ( Tam Quan sport), xin chính quyền địa phương lập sân vận động Tam Quan. Thành lập đội bóng đá, tập luyện và đi thi tài các nơi. Ngoài ra ông còn cổ xúy thành lập đoàn văn nghệ biểu diễn cho đồng bào địa phương và lưu diễn tại các nơi xa như Phù Mỹ, An Lương... Ông cũng là người cổ xúy lập hội Truyền Bá Quốc Ngữ, cổ động dân chúng Tam Quan thi đua học chữ quốc ngữ! Năm 1943, Tân Việt Hội ra đời, cổ động đổi mới xã hội, đổi mới con người để theo kịp đà văn minh của nhân loại... Hàng năm ông cũng giành nhiều phần thưởng có giá trị để khuyến khích con em học giỏi trong các trường tiểu học địa phương.

Tóm lại, Ông Nghị Trân- Huỳnh Văn Trân - là một người Tam Quan tiêu biểu, một nhân vật đáng được nhắc đến. Ông đã có công thổi làn gió văn minh vào xứ dừa, làm cho các thế hệ kế tiếp sau nầy vẫn luôn tự hào về một Tam Quan, tuy hẻo lánh, nhưng văn minh! Ông qua đời năm 1983 hưởng thọ 78 tuổi. (Dựa theo tài liệu từ chính con và rể của ông Huỳnh Văn Trân, được đăng trong ĐS Lại Giang năm 1999).


Tài nguyên

Bây giờ chúng ta hãy xem người ta làm gì với những cây dừa bạt ngàn, nguồn lợi chính của Tam Quan. ". Rừng dừa trải dài, ngút ngàn, san sát hầu như bất tận. Nói là nhiều thì cũng hơi quá đáng. Dừa TAM QUAN làm sao qua mặt được BẾN TRE, SÔNG CẦU... Nhưng tại sao lại có câu ca dao:

"Ai đâu công uổng công thừa,
Ai đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan"

Hai câu thơ trên chẳng còn nói lên được gì, chẳng có gì đặc biệt để người ta thấy cái đặc biệt của Tam Quan. Dừa Tam Quan tuy ít hơn các nơi khác, người Tam Quan tuy không sôi nổi... nhưng miền cát trắng hiền hòa ấy chứa đựng những đặc thù không nơi nào có được. Nếu không phải là người sinh ra tại Tam Quan, đặc biệt là thôn CỬU LỢI thì không thể nào biết được những gì xảy ra một cách âm thầm, đầy sức hấp dẫn và mãnh liệt dưới bóng mát của rừng dừa Tam Quan...

Tôi còn nhớ hồi ấy, khoảng năm 1958; tôi đang học lớp đệ lục tại trường TĂNG BẠT HỔ, Bồng Sơn. Tôi phải trọ học gần trường, chỉ cuối tuần mới về nhà bằng chiếc xe đạp cũ. Hè năm ấy, tôi rủ các bạn cùng lớp về quê tôi tắm biển và thưởng thức hương vị đặc biệt của vùng đất nổi tiếng sanh ra những người đẹp, có làn da trắng với mái tóc dài óng ả ngang vai... Nhà tôi ở ngay bờ sông đầu cầu Cộng Hòa, thuộc thôn Cửu Lợi. Sau khi đi tắm biển và đạp xe một vòng, chúng tôi về nhà thưởng thức món tôm nướng chính tay chúng tôi bắt dưới đìa và quạt lửa nướng ngoài trời. Lại có cả cây đàn guitar với ánh lửa bập bùng, bầu trời trong vắt, vầng trăng mùa hè đầy quyến rũ.

Khuya hôm ấy, ba đứa ngủ trên chiếc phản gõ nhà trên. Khoảng bốn giờ sáng, Nguyễn Đình Phước người Hoài Ân, đánh thức tôi dậy, hốt hoảng và thều thào bên tai tôi: "Dậy!.. dậy, có cướp..." Tôi hỏi "Cướp ở đâu? sao mày biết?" "Tao nghe tiếng mõ báo động cả xóm đó... mầy không nghe sao". Phạm Văn Dư người thôn Đại Đồng, nằm bên trái tôi, cằn nhằn: "Ồn quá! để người ta ngủ. Cướp với kiếc..." Tôi lắng nghe những âm thanh quen thuộc phát ra khắp xóm. Những âm thanh thân thương ấy thường phát ra rải rác rồi đồng bộ từ ba giờ sáng đến lúc mặt trời lên. Tôi hỏi Phước: "Mày giải thích cho tao nghe, cướp ở đâu, sao mày biết?"

Trong bóng đêm, tiếng Phước khẩn cấp: "Tiếng mõ đó, mày điếc hay sao không nghe!!!" À! thì ra những tiếng cốc cốc liên hồi và khắp nơi đã làm cho anh chàng nhà quê này sợ. Tôi giải thích: "Không phải mõ báo động cướp, đó là tiềng đập xơ của dân làm dây dừa ấy mà..." Phước càng không hiểu: "Là thế nào?" Tôi bảo hắn "Ngủ đi, ngày mai tao đưa mày đi xem và giải thích, bây giờ có nói mày cũng không hiểu được".

Sáng ra, trên đường chạy bộ ra biển, ba chúng tôi ghé vào các nhà bên cạnh đường đi, chào các bác, các cô đang làm việc và bắt đầu giải thích từ đầu cho anh chàng sợ cướp đêm qua...

Cái đặc biệt của Tam Quan là DỪA. Đúng rồi! Nhưng không phải trái dừa mà là vỏ trái dừa. Trái dừa thì người ta dùng vào nhiều chuyện, ở đâu cũng làm được. Ví dụ như làm dầu dừa, các phó sản của cơm dừa... Bến Tre đã có nhà máy làm dầu dừa theo dây chuyền kỹ nghệ trong lúc Tam Quan, còn lẹt đẹt theo lối cổ truyền. Nhưng riêng về việc tận dụng vỏ trái dừa bên ngoài thì không đâu sánh với CỬU LỢI, TAM QUAN.

Nếu có dịp, các bạn đến viếng Tam Quan vào ngày nắng đẹp. Dưới những tàn dừa rợp bóng là cả một sức sống mạnh liệt. Mỗi người Tam Quan đều có việc làm, từ người lớn đến trẻ em. Sự sinh hoạt nhộn nhịp đầy sức quyến rũ ấy, lại điểm thêm những nụ cười hiếu khách của các thiếu nữ có làn da trắng ngà, được mệnh danh là da tắm nước dừa...

Trái dừa lúc còn non được người ta dùng để làm nước giải khát. Có nhiều loại dừa: Dừa Xiêm, dừa bung, dừa lửa. Chỉ có loại dừa bung là được đặc biệt dùng để làm dầu, phần vỏ bên ngoài dùng làm giây dừa hoặc làm thảm chùi chân. Trái dừa phải để già mới hái. Có những người chuyên làm nghề hái dừa mướn, họ leo lên thân cây dừa rất thần tình. Họ leo rất nhanh, hái rất nhanh, làm cỏ cây dừa thật sạch. Trái vỏ dừa thật già và thật khô mới được dùng để làm giây dừa. Người ta mướn thợ lóc vỏ dừa. Vỏ phải được lóc cẩn thận, không được đứt, bể vụn. Dĩ nhiên là trái cơm dừa bên trong dùng để làm dầu dừa... Vỏ dừa khô được người ta lấy vồ (loại búa bằng gỗ) dần cho mềm, sau đó đem ngâm nước (ngâm nước mặn mới tốt). Sau một vài ngày vỏ dừa mềm ra, người ta mới đem kê trên phiến đá, dùng dùi cui bằng gỗ để đập cho mềm.

Trong lúc đập mềm miếng vỏ dừa người ta giũ cho sạch các cặn bã bám vào để chỉ còn những sợi cước đục mầu nâu trông đẹp mắt... Thường thường người ta làm việc này từ ba giờ sáng cho đến sáng để kịp đem phơi khô trong nắng mai. Việc làm này thường là những người có sức lực đảm trách. Các cô gái từ mười ba đến hai mươi hay các cụ già thường đảm trách chặng thứ hai. Đó là phần tiếp xơ. Chặng thứ hai này là công việc đầy kỹ thuật. Người ta se xơ dừa làm nhiều lọn nhỏ, lấy hai tay se và nối các lọn nhỏ ấy lại thành một sợi giây dài, sợi giây càng dài, người ta lại quấn thành trái to hơn hoặc bằng quả banh... Nhiều trái banh như thế, gánh đem ra chợ bán.

Bây giờ lại đến chặng quan trọng thứ ba. Muốn thực hiện phần này, phải có sức khỏe. Dụng cụ để làm cũng giống như khung cửi dệt vải, khác một điều là tất cả đều làm ngoài trời. Để các bạn dễ tưởng tượng, xin các bạn hãy lấy một sợi chỉ, se lại cho săn và sau đó cho chúng dính quyện vào nhau nhiều lần. Các bạn sẽ có một sợi rất chắc bền... Công việc làm giây dừa tương tự như vậy. Người ta đem những trái banh sợi giây nhỏ mua về từ ngoài chợ tùy theo dài ngắn theo đơn đặt hàng, người ta đóng cọc dọc theo đường lộ nhỏ trong xóm. Giăng những sợi giây con ấy lại thành từng chùm lớn nhỏ tùy theo ước tính cho sợi giây neo sau khi hoàn thành. Có rất nhiều loại giây. Giây dùng trong nhà hoặc gánh gồng thì nhỏ, những giây dùng để neo ghe tàu thì rất lớn. Có sợi lớn khoảng cổ tay người lớn, có khi lớn hơn theo đơn đặt hàng của các tỉnh miền Tây, vùng sông Cửu Long. Những chàng trai lực lưỡng được điều động để dùng sức hai cánh tay quay hàng loạt các "tay quay" bằng gỗ. Động tác này làm cho những lọn giây nhỏ quyện vào nhau, săn lại. Sau hết, người ta cho ba sợi lớn ấy vào một và kết thành sợi dây neo đúng theo nghĩa của nó bằng "trái khế". Việc còn lại là cuốn sợi neo thành kiện và chờ ngày đưa đi bán.

Việc đem sản phẩm đi bán rất là đa dạng và được chia ra nhiều thời kỳ.

Thời kỳ Pháp thuộc thì việc chuyên chở hoàn toàn bằng ghe bầu, dọc theo bờ biển từ Bắc xuống Nam. Từ Saigon, Nam Vang, Lục Tỉnh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng... không nơi nào là không có vết chân của ghe buôn dầu dừa, giây dừa, thảm sơ dừa Tam Quan. Sản phẩm độc đáo không nơi nào làm được.

Sau 1954, cuộc buôn bán lại có phần rộn rịp hơn nữa. Tam Quan trên bến dưới thuyền, nhà cửa mọc lên san sát. Cuộc sống trù phú nhờ những xe tải hạng nặng liên tục chở giây dừa, dầu dừa và các phó sản khác đi khắp các miền đất nước và đem lại cho TAM QUAN một bộ mặt trù phú nhộn nhịp đầy sức hấp dẫn...
 

Công kỹ nghệ

Dưới tàng những cánh lá, thơm nức mùi hoa dừa buổi sáng, người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên thấy quyện trong sương mai những làn khói tỏa từ những lò làm dầu dừa lẫn khuất trong xóm thôn sầm uất... Người ta cũng sẽ thích thú chứng kiến ngay bên vệ đường những cư dân lực lưỡng quay những sợi dây neo bằng xơ dừa, dệt những tấm chùi chân cũng bằng xơ dừa! Những chiếc võng bằng xơ dừa cũng được khéo léo kết từng lọn nhỏ bằng tay mà thành... Những tay uống trà rất ưa thích dùng vỏ trái dừa khô làm vỏ bình để giữ ấm nước trà nhiều giờ hơn bất cứ những loại tương tự làm bằng vải độn bông gòn!

Khắp nơi, thoáng bóng thiếu nữ tiếp xơ dừa thành sợi và giăng đầy lối đi. Họ đã giăng giây dừa như những con tằm giăng tơ, xe những đoạn ngắn thành dài như tằm xe kén... và làn da đặc biệt nước dừa xiêm ẩn hiện trong mái tóc dài óng ả bờ vai!

Nghề làm dầu dừa thủ công rất phát đạt ở Tam Quan. Người ta đã áp dụng nhiều kỹ thuật và sáng kiến để tận dụng hết chất dinh dưởng của cây dừa và quả dừa. Sau đây chúng ta hãy thưởng thức xem người Tam Quan sản xuất dầu dừa bằng cách nào. Chúng ta thử quan sát một vòng những gì làm cho chúng ta thích thú dưới cái bóng mát của rừng dừa! Không có máy móc và phương tiện, người dân Tam quan làm thế nào sản xuất được dầu dừa! Riêng cái khoản này người ta cũng đã thích thú về những bàn tay sáng tạo và nhẫn nại của cư dân Tam quan.

Dừa thì phải có cây cao cây thấp, cây cong và những cây uốn mình soi bóng khỏi bờ sông... Thế cho nên thu hoạch trái dừa hàng tháng cũng không phải là chuyện dễ dàng! Những người trai lực lưỡng đảm nhận việc leo trèo từng thân cây dừa, đốn từng buồng dừa đã già, chặt bỏ những tàu lá không cần thiết... là những chuyên viên đặc biệt.

Quanh năm suốt tháng họ được các chủ vườn dừa mướn và trả lương theo số lượng trái dừa họ hái được. Có thể không lúc nào thợ hái dừa rảnh rang, hết vườn cây nầy đến mẩu vườn khác, từ gần đến xa! Họ đã chọn nghề nầy để sống. Có lúc, có nơi cũng xảy ra tai nạn chết người hay gãy tay, gãy chân tùy theo họ bị rớt từ cây cao hay thấp! Sanh nghề tử nghiệp mà lị!

Dừa Tam quan có nhiều loại. Loại dành để làm dầu dừa là loại dừa bung to sọ, dày cơm. Những loại dừa xiêm, dừa dâu thường để làm nước giải khát và ít được ưa chuộng, ít được trồng! Nếu cả rừng dừa Tam quan chỉ dùng để giải khát thì sẽ chẳng thể nào và đưa đi đâu xử dụng cho hết trừ trường hợp xuất cảng! Người dân nơi đây từ già đến trẻ đều sống về những nghề liên quan đến dừa!

Riêng trái dừa bung già, thứ trái cây đặc biệt dùng sản xuất ra dầu dừa thì Tam quan trồng hàng hà sa số! Nếu muốn hái để làm dầu thì dừa phải thật già, sau khi hái về phải để một thời gian ít nhất là mười ngày cho trái dừa có đủ thời gian ổn định lượng dầu. Dừa già để lâu cỡ ba tháng trở lên, chúng sẽ mọc mộng, vỏ trái dừa chuyển thành màu sẫm.

Người ta có thể lựa từ những trái có mầm tốt để làm giống, trồng lên những vườn dừa con bên cạnh những thân cây già cỗi...! Những thân dừa già được đốn xuống, làm cột kèo nhà ở, lá dừa được dùng bện thành tranh lợp nhà, vỏ trái dừa lột ra để dệt thành giây dừa bán khắp các vùng trên toàn đất nước. Những thứ khác linh tinh dùng làm củi chụm bếp. Có một loại than bằng sọ dừa thật đượm và nóng, được ưa chuộng trên thị trường than củi...!




Người ta lóc vỏ trái dừa bằng một cái mác. Mác là tên một dụng cụ giống như con dao nhọn, nhưng rất dày, không bén, chỉ nhọn phía trên đầu mác, có cán dài. Trái dừa được cẩn thận lột từng miếng vỏ, cố giữ cho vỏ không hư để dùng làm dây dừa. Sọ dừa được đập ra thành hai phần và người ta cạy cơm dừa thành từng miếng đủ to để dễ cầm, mài trên một bàn mài! Những năm 1950 đến 1960, tất cả đều mài cơm dừa bằng tay. Sau này có máy xay nên khâu nầy được máy móc hóa! Chiếc bàn mài là một miếng đồng hay thau hình chữ nhật. Người ta dùng đục nhọn bằng thép, đục trên tấm vuông nầy những vết xướt vừa phải để cho cơm dừa cũng được mài ra nhỏ vừa phải. Hàng ngàn trái dừa được lóc một lúc, hàng tấn cơm dừa được mài ra... Và người ta cho xác cơm dừa mài xong vào một chiếc giỏ bằng tre đan rất dày. Một người có sức mạnh bước vào giỏ. Xác cơm dừa lún gần hết đôi chân anh. Người ta cho nước từng gàu vào giỏ trong lúc anh ta cố sức đạp mạnh và đi chung quanh trong giỏ để chất nước đục màu trắng theo nước chảy ra ngoài, giống như một người đang lội trong bùn ngập quá đầu gối. Họ làm như thế cho đến khi chất nước chảy ra không còn màu trắng đục mà thành nước trong mới ngưng. Xác cơm dừa còn lại trong giỏ dùng để nuôi heo. Chất nước đục màu trắng được cho vào các vại bằng sành.

Sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ, toàn thể chất dừa màu trắng nổi lên mặt nước bên trong vại một lớp dày. Người ta hớt chất bọt trắng ấy, cho vào những chảo gang to, đặt trên những lò lửa, đốt nóng bằng vật liệu của dừa... Chất bọt màu trắng nầy sôi lên biến thành mầu vàng. Dầu xuất hiện lẫn trong xác bọt màu thâm thẩm! Đây mới chỉ là giai đoạn sơ chế mà thôi. Sau khi để nguội, người ta vớt những thứ lềnh bềnh trong chảo, phía trên là dầu và xác bọt dầu, phía dưới là nước hơi đục. Nước phía dưới dùng cho heo uống!

Dầu mầu vàng lẫn với những tạp chất khác được vớt ra, tất cả cho vào một chảo đun nóng tối đa. Vừa đun vừa quậy bằng một cây dầm bằng gỗ tốt. Cứ thế cho đến khi không còn nước, nước bốc hơi và những tạp chất cô đọng lại mới thôi! Bấy giờ trong chảo toàn là dầu dừa màu vàng, sôi sùng sục lẫn với xác dầu. Thoạt trông giống như những vạc dầu dưới diêm vương đang chực chờ nuốt chửng những thân hình tử tội! Người ta gọi là dầu đã tới. Tất cả được cho vào một miếng vải dày. Sau đó người ta đem bọc vải ấy đặt vào nơi ép. Dụng cụ để ép dầu rất đặc biệt và cũng không dễ diễn tả cho mọi người hiểu và tưởng tượng thông suốt... Nó gồm hai trụ cây đục thông hai lỗ hình vuông sao cho một đòn dài bằng gỗ khác, chạy suốt qua! Hai trụ ấy cao khoảng ba mét, một mét chôn xuống đất, còn lại ngay mặt đất là một tấm gỗ lớn, dày có đục đường mương chạy vòng tròn. Mục đích đường mương nầy là để dẫn dầu trong lúc ép, chạy vào nơi nhất định! Người ta đem bọc vải dầu và tạp chất để trên miếng gỗ có đục mương dẫn dầu, bao bên ngoài vải nhiều lớp áo dừa để vải không bị rách trong quá trình ép! Áo dừa là một loại thu hoạch từ trên cây dừa, nó có hình dạng như những miếng vải thô dệt vội và cứng... Những miếng này bao thân dừa giữa những tàu lá và buồng trái ở phần ngọn dừa...

Làm xong công việc bao bọc vải bằng áo dừa, người ta đặt lên trên bao ấy một tấm gỗ khác hình tròn. Trên cùng là chiếc đòn gỗ dài thông suốt qua hai lỗ của hai trụ hai bên. Người ta đặt hai cái nêm gỗ vào hai lỗ bên trên cây đòn và dùng vồ lớn cũng bằng gỗ đập vào hai chiếc nêm! Hai người cầm vồ phải là hai người có sức khỏe. Hệ thống ép dầu được vận hành và chất dầu mầu vàng óng ả chạy tròn trong đường mương dẫn vào một chiếc lọ hứng phía dưới... Thường thì dầu dừa được đựng vào thùng và hàn nút rất kỹ để di chuyển xa! Những năm trước người ta dùng thùng dầu hôi con sò hay con gà làm tiêu chuẩn đựng và cân dầu. Khoảng một nghìn trái dừa, tinh chế được hai thùng! Sau khi ép lấy hết dầu, trong bọc vải còn lại một chất có hình tròn dày khoảng nửa tấc tây hay mỏng hơn. Người ta gọi đó là bánh dầu! Ăn vào vừa béo, vừa thơm, nếu cắn thêm một miếng đường thẻ, uống bát nước chè tươi nữa là đủ bộ tuyệt cú mèo! Người ta cũng dùng bánh dầu nuôi heo và làm phân bón rất tốt...

Xác cơm dừa và nước, sau khi được lấy hết tinh chất, người ta dùng làm thức ăn cho heo. Người dân Tam quan nuôi heo cũng không giống bất cứ một nơi nào! Heo mà họ nuôi là loại heo cỏ, heo mọi. Không ai thích ăn thịt heo có thân hình to và nặng cỡ một trăm ký lô trở lên. Chính vì thế, ít khi chúng ta thấy xuất hiện những chàng trư lấy giống từ ngoại quốc to dềnh dàng mà các nơi khác ưa nuôi và bán thịt!

Đó là những con heo mọi khôn ngoan không kém chó trong nhà. Chúng được thả rông ngoài vườn, tự do đi lại không hạn chế bất cứ đâu trong lãnh thổ mà chúng thích! Chuồng của chúng là nơi hằng đêm chúng về ăn uống và nghỉ ngơi. Sáng sớm, chúng kêu eng éc gọi chủ cho ăn và sau đó chun ra khỏi chuồng đi rong chơi khắp ngã! Chúng ăn những xác cơm dừa sau khi người ta lấy hết tinh chất! Chúng cũng được uống nước chua, loại nước sau khi người ta lấy hết chất dầu trong quá trình thủy phân...! Nhà nhà thả heo rong chơi khắp chốn, nhưng chưa nghe ai than phiền heo mình nuôi về lộn chuồng nhà người khác. Heo biết được ai là chủ của nó và đâu là chuồng mà nó cư trú trong đêm! Chúng sinh sản cũng theo thiên nhiên, nghĩa là lấy nhau ngoài đồng, có khi sanh sản trong chuồng hay ngay cả ở các bụi cây trong làng! Sanh xong, chúng nằm tại chỗ cho con bú. Chủ tìm gọi và chúng trả lời bằng những tiếng kêu ịt ịt! Sau một tuần lễ mẹ con mạnh khỏe, chúng dắt nhau về chuồng... Heo cũng là giống ăn tạp, nên trong lúc rong chơi đây đó, chúng tìm ăn bất cứ thứ gì chúng thích kể cả chất thải của người! Dân Tam quan nuôi heo dễ dàng như thế, chẳng có gì tốn kém và cũng không phải bận rộn... Có một nghề rất đặc biệt nẩy sinh ra từ những chú heo thả rong. Đó là nghề lượm phân heo! Người ta xách giỏ đi gắp những phân thải của các chú lợn, đem đến một nơi nghĩa địa nào đó phơi khô, vô bao bán cho nhà nông bón ruộng...

Nhưng kể từ "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi...!" thì dân Tam quan và rừng dừa Tam quan cũng trải qua một giai đoạn trăn trở biển dâu! Rừng dừa xưa không còn ngọn và những cánh rừng dừa con sau 1975 lại bắt đầu như những vòng định mệnh...! Con người Tam quan cũng lưu lạc khắp năm châu! Bàn tay và khối óc người Tam quan bây giờ chuyên chở nhiều ưu tư và làm những nghề khác nhau trên toàn thế giới! Nghề dầu dừa và dây dừa bằng thủ công không biết bây giờ có ai còn nối tiếp. Máy móc, kỹ thuật hóa đến đâu hay vẫn những bàn tay gầy lóc từng trái dừa, những thân hình thiếu ăn còng lưng mài xác cơm dừa... Heo có còn chạy rông tự tìm thức ăn, người vẫn chẳng cần đến nhà vệ sinh như những ngày xưa ấy!

Xà phòng nước tro

Tôi cũng giới thiệu sơ qua để các quí vị hình dung công nghệ làm xà phòng bằng dầu dừa nổi tiếng một thời. Khi "Cách Mạng mùa Thu" đổ ập về... Dân Tam Quan thiếu thốn đủ điều. Nhờ trái dừa nuôi sống, nhờ tất cả từ dừa mà vươn lên. Tam Quan được ông Huỳnh Văn Trân hường dẫn cách làm xà phòng bằng chính những tài nguyên của Tam Quan. Tro củi từ cây dừa, sọ dừa, vỏ dừa là nguồn chính. Người ta ngâm tro vào trong những chum vại có vòi phía dưới. Nước tro sẽ chảy ra từ từ trong veo màu vàng sậm như nước trà đậm. Sau đó người ta cho nước tro vào chảo lớn nấu cô đặc lại. Trong quá trình cô đặc, người ta dùng ống độ (loại ống độ với nước lã là 0 độ, hồi đó tự chế - tự chế ống độ dễ thôi!) để đo và cho dầu dừa vào với tỷ lệ được định sẵn. Người ta còn cho vào dung dịch nầy một tỉ lệ sút (chất base). Chất nầy được đặt mua bên "vùng bị chiếm" Người ta cứ chụm lửa riu riu đến khi dung dịch nầy "tới" thì đổ vào khuôn lớn. Sau đó người ta cắt ra thành bánh vuông, cho vào khuôn đóng thành cục xà phòng có hiệu, có tên nơi sản xuất và bao nhiêu phần trăm lượng dầu. Người ta đem xà phòng đi bán khắp vùng Bình Định Quãng Ngãi, Phú Yên... Ba má tôi cũng là một trong những "lò" sản xuất xà phòng hiệu "Con Bướm" nổi tiếng đến nổi có người thân quen, là bạn nối khố của Ba tôi mượn khuôn về làm giả mạo để rồi kiện tụng một thời gian dài... Nói tóm lại, Tam Quan là một địa danh nổi tiếng về nhiều vấn đề khiến cho những ai sanh ra và lớn lên tại Tam Quan đều rất lấy làm hãnh diện.

Thủy hải sản

Tam Quan có một bờ biển chạy dài từ cửa An Giũ đến Sa Huỳnh. Bãi cát trằng phau ít tạp chất. Bãi cát này có thể so sánh với bãi cát Cam Ranh dùng trong công nghệ thủy tinh. Nước biển Tam Quan trong ngần và không có bùn. Tôm cá biển Tam Quan vì thế mà không bị hôi bùn hôi rong như thủy sản của những vùng vịnh có bùn phù sa. Thủy sản Tam Quan cũng đủ loại như những vùng biển khác. Người dân chuyên nghề biển có ghe đi khơi, có ghe câu gần bờ. Nghề biển, sống theo con nước là nghề nhờ Hà Bá quanh năm vất vả. Tôm cá thâu hoạch được thường đem đi các chợ gần bán bằng cách gánh từng gánh do người trong gia đình. Khi xưa, chưa có nước đá nên người ta thường làm thế nào đem đến chợ bán gấp, chậm thì cá bị ươn thối. Sau này trên mỗi ghe thuyền đều có hầm chứa đá. Cho nên kỷ nghệ nghề biển cũng có phần hưng thịnh. Nghề làm nước mắm ở Tam Quan cũng rất phát đạt. Người ta thường lấy cá cơm làm mắm. Các loại cá khác cũng thịnh hành chủ yếu là để pha chế thành nước mắm bán cho dân chúng tiêu dùng...

Bây giờ chúng ta thử du ngoạn trên dòng sông Tam quan, thưởng thức những gì mà dân Tam Quan thường ca tụng như là thiên đường của tuổi hoa niên... Dừa chen với dừa và sông chen trong bóng dừa, cùng tắm mát và nuôi sống bao nhiêu lớp người Tam Quan!

Bây giờ ta thử quan sát hệ thống sông ngòi. Đó là hệ thống tự nhiên của dòng sông Tam quan. Dòng sông có một đặc tính vừa mặn vừa ngọt, vừa đục vừa trong. Nơi nào có chất phèn thì vừa chua vừa chát... Nó cũng giống như những con người sanh ra từ đó! Quanh năm uống nước gánh về từ xa. Giếng Truông nuôi sống cả một thành phố, những giếng đào từ bãi cát mới ngọt lòng người! Nước sông Tam Quan chỉ để làm muối... Mùa hè nước trong veo, lòng sông không có nơi nào sâu lắm và cũng chẳng có gì nguy hiểm để những ai mê tắm phải sợ hãi mà không ngụp lặn trong làn nước mặn từ biển hòa với cái ngọt từ nguồn...

Chỉ cần một ngọn đèn dầu nhỏ, được che gió bằng những nan tre đan kín, một chiếc nôm và cái đụt là bạn có thể lội xuống dòng sông bắt đầu một thú đam mê không sao cưỡng được: Soi cá! Ban đêm toàn bộ những loài thủy sản đều lờ đờ mê ngủ. Cá hay tôm đều chậm chạp và rất dễ bắt. Bạn chỉ cần soi ánh đèn dầu vào làn nước trong veo, sâu khoảng đến đầu gối, bạn sẽ thấy rất rõ những gì đang diễn ra từ mặt nước đến đáy nước. Bạn sẽ làm gì khi thấy một con cá bống lớn khoảng cùm tay bạn, đang nằm bất động trong tầm chiếc nôm bắt cá bạn đang cầm trên tay! Bạn sẽ hành động ra sao khi thấy trước mặt bạn một con tôm sú màu xanh đậm có quầng trắng, to bằng chiếc dùi cui cảnh sát, đang tự nhiên bò, không cần biết có bạn đang chong đèn bắt nó. Bạn làm thế nào để bắt một con cua to cỡ hai bàn tay bạn đang nằm im mời mọc... Và bạn phải làm gì khi thấy hàng đàn cá đối to có, nhỏ có thi nhau bơi qua và không hề sợ sệt quấn lấy chân bạn! Nước trong veo, trời xanh biếc đầy sao và ánh trăng... Có thể bạn đang đắm chìm trong mộng và trong một giấc mơ dài tuổi thơ từ đó...

Chỉ cần một cọng sống lá dừa, một khúc giây mi hay giây la đờn mandoline bị đứt. Bạn sẽ biến nó thành một dụng cụ bắt tôm thoải mái và thích thú vô cùng. Khi cái móc bằng giây đờn được móc vào mắt một con tôm, con tôm búng ra giãy dụa. Tay bạn quằn qua quằn lại theo con tôm, cuối cùng bạn xách nó lên khỏi mặt nước. Con tôm búng chành chạch trong giỏ đụt và bạn lại thấy một con khác đang đậu vào vách đá...

Có thể bạn sẽ là một ngư ông! Ngồi dưới chân một chiếc cầu trong đêm đầy trăng. Bạn móc một con gián đất vào lưỡi câu, thả nó lơ lửng vào lòng con nước đang lờ đờ chảy. Vừa nhấm nháp ly trà pha đậm, nghe tiếng gió thầm thì qua những hàng dừa đang e ấp dưới trăng... Trong chốc lát, con cá hanh khoảng bàn tay bạn đòi bạn phải cong tay và giãn hai chân để lôi nó lên bờ. Cái thích thú nhất là lúc cần câu động đậy cong vòng, tay bạn phải nhịp nhàng, khi giùn khi thẳng theo chiều đi của con mồi để khỏi phải đứt giây câu... Nếu không thế, có khi "...Đứt nhợ, vênh râu ngồi bờ..." thì cũng quê lắm phải không!

Nhưng nếu đến mùa mưa giông tháng ba mà không xách đèn đi soi ếch thì cũng là một điều thiếu sót. Tháng ba, ếch mập và hăng. Mỗi khi sau cơn mưa giông, trời tối om, các anh chị ếch nhái, ễnh ương, chàng hiu, chẫu chuột... đều ra khỏi hang tìm nhau để làm tình! Ngọn đèn của bạn soi qua, ánh sáng bất ngờ ấy không làm cho các cô cậu ếch bừng tỉnh cơn mê. Chúng ôm nhau cứng đến nỗi bạn bắt chúng và bỏ vào đụt, chúng cũng chưa tỉnh để thả nhau ra! Tình yêu lúc đó cao độ mà lị! Thế cho nên bạn cứ thoải mái lựa cặp nào to nhất để bắt. Bảo đảm với bạn là các cô chú ếch lúc mê ly, không cần biết điều gì đang xảy ra. Không biết con người, khi nổi cơn mê, có giống loài ếch không nhỉ!

Nếu bạn ngồi trên một con thuyền nhỏ tẻo teo như trong thơ Nguyễn Khuyến để thả rập cua thì thật là tuyệt cú mèo! Từ ngữ thả rập có nghĩa là đi bẫy cua. Nhưng thế nào là bẫy cua? Cái bẫy cua hay tiếng địa phương gọi là cái rập, gồm một miếng lưới nhỏ khoảng hai tấc vuông, căng bằng hai thanh tre chéo nhau. Bạn cột vào mấy cục đá cho nó có thể chìm xuống đáy sông. Chính giữa chéo của hai thanh tre, bạn cột một giây dừa dài, cuối cùng của sợi giây là một cái phao bằng vỏ dừa. Chính giữa cái bẫy, bạn cột một miếng mồi mà cua rất thích là bầy nhầy hay ruột của heo bò hơi có mùi thối. Trên con thuyền bé ấy, bạn có chừng khoảng hai hay ba chục cái rập như thế là có thể bắt đầu một cuộc ngao du trên dòng sông huyền thoại. Chèo thuyền ra giữa dòng và cứ một khoảng cách vừa phải, bạn thả xuống lòng sông một cái bẫy. Sau khi thả hết mấy mươi cái bẫy, bạn có thể đàng hoàng chèo thuyền chui vào một bóng cây nào đó bên bờ để làm thơ hay đọc sách... Chừng một giờ sau, bạn có thể chèo thuyền thơ đến bên những chiếc phao đang nổi trên mặt nước. Bạn từ từ thu ngắn giây và thế nào cũng thấy một chú cua ham mồi đang nằm gọn trong cái bẫy của bạn...

         

Sau những cơn mưa, nước sông nửa đục nửa trong, nửa mặn nửa ngọt. Cá đối là loại sống ở biển nhưng thích vào nơi nước xạ hai gần các cửa sông, đầm và vịnh... Nước xạ hai nửa trong nửa đục, nửa ngọt nửa mặn mang nhiều chất cho những loài cá ăn rong rêu. Cá đối là một trong những loại ăn rong, thích những nơi nào có đất lở hay nhiều bọt...

Lợi dụng những đặc tính ấy, người ta tìm cách bắt cá đối. Dụng cụ để bắt cá đối thật là giản dị. Người ta kiếm một miếng lưới cá phế thải nhỏ, mỗi bề độ một mét rưỡi, căng thật thẳng với hai thanh tre uốn cong chéo nhau. Tìm một khúc tre nhỏ, dài độ ba mét làm cáng. Miếng lưới căng thẳng có sức cản nước, nên mỗi khi được người ta đập mạnh xuống mặt nước là sùi bọt và phát ra tiếng kêu giống như đất lở...!

Sau cơn mưa, trời tối, bạn và một vài người nữa cùng đi bắt cá đối. Bạn khó mà đi một mình vì đêm tối trời bạn sẽ sợ ma. Vả lại bạn phải đi âm thầm không được để cho cá thấy được ánh sáng. Một người xách giỏ đựng cá, một người vác cái chụp - dụng cụ bắt cá đối tả ở trên - và một người nữa cầm đèn pin để lượm cá. Đèn pin không được tỏa ánh sáng ra ngoài... Len lỏi giữa những bụi cây bần, cây đước, nơi nào có một khoảng trống vừa một thước rưỡi vuông là bạn chụp đánh ào thật mạnh. Tấm lưới sẽ phát ra tiếng kêu giống như đất lở, đồng thời bọt bèo nổi lên. Những con cá đối từ chung quanh liền vuợt đến... Bạn đếm từ một đến mười là mạnh tay giật cái chụp lên thật lẹ. Cá có thể sẽ văng lên bờ hay còn trong lưới tùy theo sức mạnh của bạn. Việc lượm những con cá đang nhảy đành đạch trên bờ là việc của hai chàng hộ tống...

Người dân thôn Cửu Lợi có cách bắt cá đối, cá cồi, cá măng còn độc đáo hơn nữa. Có thể nói cách bắt cá theo kiểu nầy, chỉ có tại Tam Quan! Ngoài những đặc tính đã tả ở trên, cá đối còn có một đặc tính khác rất ngông cuồng. Trên đường đi của bầy cá, nếu có vật gì cản chúng, chúng liền nhảy qua để đi tiếp theo lộ trình đã hoạch định. Sông nước Tam quan là nơi những bầy cá đối hàng nghìn con tung hoành ngang dọc. Chúng rong chơi và làm tình dưới làn nước trong leo lẻo... Lợi dụng dòng sông lúc thủy triều xuống để bắt những bầy cá đối béo mập là việc làm của cả tập thể đồng bào trong các xóm ven bờ.

Khi thủy triều xuống, lòng sông nước cạn. Bạn có thể lội qua lội lại giữa những khúc sông mà không ướt quần cũng không cần cởi quần! Vì thế cho nên khi người ta đem những tấm nan tre đan vào nhau bằng dây dừa, chận ngang dòng sông. Xa khoảng một cây số là một đoạn khác cũng chặn ngang bằng những lưới tre như trên. Thế là đàn cá bị kẹt vào giữa. Lúc bấy giờ cả làng ra bắt cá bằng mọi phương tiện. Ai có nhá thì dùng nhá, ai có nom thì dùng nom...

Tất cả lội xuống khúc giữa, hai đầu là hai đoạn bị chận lại. Phía sau hàng rào bằng lưới tre là những con thuyền chờ sẵn để đón hàng ngàn chú cá đối nhảy lên hay những chiếc giàn cũng bằng tre đợi sẵn. Thích thú nhất là bạn ngồi xem cá đối nhảy lên thuyền hay lên giàn hứng. Bạn không thể nào tả được cái cảm giác khi chứng kiến một màu trắng phau toàn là cá tự nhảy lên thuyền để làm thức ăn cho người! Người ta quậy phá khúc sông đó đến chừng nào cảm thấy đã bắt hết các loài thủy tặc tại chỗ mới thôi.

Thời nào cũng thế, thời chín năm kháng chiến thì các khúc sông nầy được chính quyền xã thôn cho đấu thầu để kiếm tiền gây quỹ. Sau 1954 cũng theo qui củ đó mà làm. Việc phân dòng sông thành nhiều đoạn để đấu thầu kể cả đi soi cá hàng đêm tránh việc tranh chấp kiện tụng. Tuy thế cũng không tránh được việc xách đèn soi lộn khúc sông mình không đấu thầu hay vào các đìa cá người ta đang thả nuôi để mò trộm... Mỗi năm đều có lệ đấu thầu các lòng sông và buôn bán con cháu thủy tề ngay khi chưa bắt được!

Thuở thiếu thời, khi mùa hè hoa phượng đỏ sân trường, cũng là lúc chúng tôi háo hức về lại Tam Quan để thưởng thức món cá nướng hay tôm cua do chính tay mình bắt được. Cái thú cầm đèn soi cá hay đứng bên hàng đăng lưới tre cùng bà con bắt cá là một cái thú không bao giờ quên được... Mai nầy, nếu có còn sức khỏe, có thể ta sẽ phải có một lần chống gậy về quê hương cũ, ngồi trên bờ sông xưa để xem đàn con cháu làm ăn theo kiểu cũ bằng chân tay như ta thời mấy mươi năm trước; hay đã kịp thời máy móc hóa, áp dụng khoa học vào đời sống...

Ngày ấy có thể là ngày mà chẳng còn ai nhận ra ta là ai, bạn là ai... Quê hương đổi thay như lúc Lưu Nguyễn khi về lại trần gian... Nhưng có một điều chắc chắn là dòng sông vẫn mang nước vừa mặn vừa ngọt, vừa chua vừa chát, cá tôm vẫn giống cá tôm năm nào. Ngọn dừa vẫn sẽ vẫy tay chào ta như lúc ta còn là một chú nhỏ đen đúa, ngày đêm bận chiếc quần đùi rách, đi tìm những con cá nhỏ ven sông... Nhớ những năm dài chín năm kháng chiến. Nhớ những đêm không trăng sao, hai cha con cởi quần vắt vai bơi qua sông tìm bắt cá đối, nuôi sống bao nhiêu miệng ăn trong gia đình.

Bờ biển dài California và những dòng sông không có nước. Những thành phố vĩ đại bạn có thể đã lái xe qua... Bạn có bao giờ ngồi trên những chiếc cầu bắc dài ra biển để câu cá thì bạn sẽ thấy cái cảm giác mơn man trào dâng kỷ niệm từ một xó xóm nghèo thuở thiếu thời! Riêng tôi, tôi hứa sẽ có một ngày chống gậy về lại bên dòng sông xưa nghe thủy triều lên xuống và thưởng thức món cá đối nướng chấm với mắm nhĩ vừa nhỏ giọt từ vòi chum mắm cá cơm thơm phức mùi quê hương...

Đặc sản

Bây giờ thì tác giả xin phép được mời khách thưởng thức món ăn đặc biệt Tam Quan. Khách sẽ ra về với một kỷ niệm không quên về một địa danh trong đại gia đình Bình Định xa tít mãi tận phía Bắc của một tỉnh to lớn và đầy sinh lực.

Người dân đất Thần kinh là một trong những người yêu quê hương. Họ diễn tả đủ mọi thể loại và đủ mọi hướng để giới thiệu trọn vẹn cái đẹp, cái thơ, cái ngon, cái đặc biệt của xứ Huế. Từ con đò Vỹ Dạ, chén cơm hến, tô bún bò, đến hoàng thành... từ lăng tẩm uy nghi đến những đặc tính về trai gái của thủ đô một thời! Họ đã thành công hoàn toàn, có ai vì thế mà chê bai họ đâu.

Thế cho nên chúng ta viết về cái quê nghèo đầy kỷ niệm của chúng ta là một bổn phận! Nơi chốn nào, dù nghèo đến đâu, cũng mang nặng tình mẹ muôn đời đã ru ta từ những lời ru của mẹ, từ những thì thầm của lũy tre xanh, của ngọn dừa râm mát và những đợt sóng vỗ bờ thì thầm tình tự... Chẳng có nơi nào không có những đặc biệt cần giới thiệu với người thời sau. Nhất là ta được dịp nói lên cho mọi người cùng đọc những gì ta suy nghĩ từ lúc còn là một em bé quê mùa, chân đất...

Trở về lại với xó quê hiền hòa và rợp bóng dừa xanh của riêng tác giả. Hầu như chẳng bao giờ tôi có thể viết hết được những gì đọng lại trong tôi về nơi ấy. Tôi chỉ mở ra một cánh cửa hẹp giới thiệu đơn giản một vài lãnh vực mà riêng tôi cảm nhận được. Tam Quan không giản dị và thơ mộng đơn thuần như tôi thường kể. Các bạn cứ nhìn những người Tam Quan đang tha phương cầu thực trên khắp năm châu thì các bạn cũng thông cảm cho tôi rằng: Dân Tam Quan cũng chẳng vừa gì...!

Vợ chồng tôi mời các bạn cùng ăn cơm Tam Quan với mắm cá thu, quẹt rau, thịt heo mọi luộc và bánh tráng mì nước dừa nướng. Trước hết thì chúng ta quan sát bà xã trong bếp đang làm gì. Trên bàn chúng ta thấy gạo đã vo sẵn, trên bếp thì một soong nước gần sôi. Không phải nước thường đâu nhé mà là nước và cơm dừa nạo tươi vừa hái trên cây. Dừa được chặt ra lấy nước và cơm dừa non đóng trên thành. Tất cả cho vào nấu. Dừa nạo có nghĩa là trái dừa còn non, cơm dừa mới đóng bợn cơm trên thành sọ dừa... Nước dừa nạo sôi lên thì bà xã tôi đổ gạo vào sao cho đều và không bị sít cháy. Vừa cho gạo vào soong vừa lấy đũa bếp quậy đều để cơm dừa non quyện với gạo.

Sau khi đậy nắp, để cho sôi một dạo, xem thử nước có nhiều không. Nếu nhiều quá thì múc bớt đi sao cho khi cơm chín không nhão. Nhớ cho một tí muối hầm vào để trung hòa... Mới nghe đến đó, bạn thấy thế nào về nồi cơm Tam Quan bạn sắp thưởng thức?

Có người thắc mắc rằng sao không đổ gạo vào trái dừa nấu cho ngon! Xin thưa rằng đó cũng là một cách làm cầu kỳ lúc chúng ta có một đống lửa than lớn hay lửa trại. Vì sọ của trái dừa non rất mềm, không thể lóc ra làm nồi nấu. Còn nếu dùng luôn cả vỏ ngoài thì nấu cơm rất lâu mới chín. Vì thế cho nên muốn đãi khách cầu kỳ như thế phải có năng lượng cao... Thôi thì nếu muốn cũng được. Ta cứ nấu theo kiểu bà xã tôi đang nấu. Khi nấu xong ta cho vào trong những trái dừa đã nạo sẵn để mỗi người cầm mỗi trái cho vui...!

Món ăn tiếp theo mà chúng ta thấy đang để trên bàn ăn là mắm cá thu. Sẵn đây ta xem thử cái món độc đáo nầy đã chế biến như thế nào mà gọi là đặc sản của Tam Quan. Các bạn cứ tưởng tượng đang có một con cá thu mặn trước mặt. Cá thu nguyên con đem muối và sau một thời gian lấy nước mắm... Xác con cá thu còn nguyên, nhưng là cá mắm chứ không phải cá thu thường. Con cá mắm thu nầy được cắt ra từng khúc và lấy muỗng cào hết thịt cho vào một tô để sẵn. Thịt cá thu mắm bây giờ rất mặn.

Bên cạnh là một khúc thịt heo luộc, trọng lượng thịt tương đương với trọng lượng thịt cá thu mắm. Phía trên bàn chúng ta thấy một miếng mỡ to, trọng lượng cũng tương đương đã luộc có màu trắng hếu đang chào mời. Chưa hết! Ngoài sân đang phơi một mâm trái thơm chín xắt lát, phơi heo héo thôi. Củ tỏi cho nhiều vào và ớt trái màu đỏ nữa nhé!

Bây giờ là lúc các bạn quan sát cách chế biến mắm thu. Bạn có thấy một người lực lưỡng đang ngồi cầm chày bên cái cối đá to không! Đó chính là người thay máy móc điều chế món ăn ngon miệng cho ta. Trước hết, bạn cho món trái thơm phơi heo héo vào cối. Anh chàng trai bắt đầu giã nhỏ và nhuyễn. Sau khi lấy món trái thơm nhuyễn ra khỏi cối, bạn cho tỏi ớt vào, thịt heo luộc được xắt nhỏ cho vào giã cũng nhuyễn rồi lấy ra. Mỡ luộc cho vào cối quết, sau đó là thịt cá mắm thu... Nhớ chuẩn bị sẵn tiêu nữa cho thơm! Nếu có máy xay để thay cối giã thì tuyệt cú mèo!

Bây giờ các món đã được làm nhuyễn trên được chúng ta trộn lại cũng trong cái cối đá. Lấy chày đảo sao cho nó đều và dẻo nhẹo. Nước mỡ quyện với thịt heo và trái thơm cùng thịt cá thu mặn... Thành một món ăn quẹt đặc biệt của Tam Quan. Các bạn có thể cho vào thẩu lọ hay thố để dành ăn lần mà không bao giờ sợ hư vì trong đó có mỡ heo bảo quản! Các bạn thắc mắc là sao không cho thêm ít đường hay bột ngọt phải không. Đừng lo! Trái thơm ngọt ngào đã thay thế những gia vị ấy. Thơm không những làm cho mắm thu có vị đặc biệt mà còn làm bán mùi mắm cá trở thành thơm tho dễ hấp dẫn khách sành ăn... Trên thương trường, dân sản xuất bán mắm cá thu thường ham lời, cho thơm vào nhiều quá, hay bớt thịt và mỡ... Cho nên chất lượng và mùi vị không thể sánh với món mắm chính tay gia đình ta chế biến được...

Thế là trên bàn ăn, chúng ta có được hai món. Một là cơm nước dừa nạo, hai là mắm cá thu. Bây giờ là một món mà bất cứ người nào sanh ra và lớn lên ở Bình Định đều phải biết. Đó là bánh tráng. Nhưng tại sao gọi là đặc biệt? Bạn có thể đi đến bất cứ nhà nào trong vùng Bình Định, nếu bạn được mời ăn giỗ hay ăn tiệc, thậm chí ăn cơm thường...

Món đầu tiên để gọi là mời chào xã giao cho tự nhiên là: Mời ăn bánh tráng. Bánh tráng được nướng giòn và để nguyên cái úp lên món ăn thành đồ che chắn. Khi bắt đầu ăn, người chủ mời khách một cách thân mật bằng những tiếng bẻ giòn tan của bánh tráng nướng trên tay và trong môi, để sau đó nhờ thế mà câu chuyện thêm giòn...

Bánh tráng thường thì đâu cũng có, Bình Định nổi tiếng về bánh tráng mì. Đó là sản phẩm làm toàn bằng củ mì. Thế cho nên có người nói đến Bình Định đã cười pha trò rằng: Xứ củ mì! Thế nhưng bánh tráng mì Tam Quan thì không đơn thuần như thế. Nó được mang danh là bánh tráng mì nước dừa. Xứ dừa mà lị! Muốn làm bánh tráng mì nước dừa, người ta mài củ mì tươi và dùng luôn cả xác. Xác củ mì mài được dùng trộn với bột mì theo tỉ lệ ít nhiều tùy theo nhà sản xuất. Cơm của trái dừa già mài nhuyễn trộn với bột và xác khoai mì. Hành hương và muối được cho vào để bánh tráng thơm, vị vừa dễ ăn. Khác với bánh tráng củ mì thường, bánh tráng có nước dừa rất dày, phơi khô...

Muốn ăn bánh tráng loại nầy chúng ta cần có một lò lửa than cho thật tốt. Nướng bánh tráng mì nước dừa cũng là một nghệ thuật chứ không phải bình thường, vì bản chất nó dày và khó nướng. Nướng bánh phải nổi đều và vàng. Nếu bánh nướng không nổi mà bị chai, khi ăn không dòn mà chỉ dai nhách làm khách có cảm tưởng là ăn nhằm miếng da bò khô! Khi nướng bánh tráng mì nước dừa xong, trên bàn bạn có được ba đặc sản. Bạn cần một đĩa rau đủ loại phải không, bạn cần một đĩa thịt ba chỉ luộc nữa. Đừng lo! Dân Tam Quan ăn thịt heo mọi chứ ít khi chịu ăn thịt heo to con màu trắng thường được gọi là heo Tây! Thịt heo mọi nuôi trong nhà, thịt heo mọi mua ngoài chợ đều thơm ngon mùi Tam Quan...

Một hai ba! Mời bạn ngồi vào bàn ăn. Thay vì tôi và bà xã tôi mời bạn cầm đũa thì tôi mời bạn thưởng thức bánh tráng mì nước dừa nướng khai khẩu. Thay vì mời bạn uống bia hay rượu chát cho tình đồng hương thắm thiết, chúng tôi mời bạn cùng nâng ly nước dừa nạo tươi vừa hái ở góc vườn...

Ôi! Quê hương ta đó, hãy nhớ và hãy tin rằng có một ngày về lại để ôn những kỷ niệm còn giăng mắc trong ta. Món ăn riêng biệt của quê hương ta có thể nó không đúng khẩu vị với những khách mời khó tính nhưng đối với ta, nó là món ăn từ thuở thiếu thờiï, trong lòng chỉ muốn ôm trọn quê hương nghèo của mình, ở đó và chết cũng ở đó. Thế mà ước nguyện bé nhỏ ấy lại không thể nào thành sự thật... Hỡi những con dân Tam Quan đang rải khắp địa cầu! Hãy tự hào rằng mình đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất tuy hẻo lánh và nghèo... Nhưng tình yêu và tình dân dộc trong ta vẫn luôn hướng về!

 

Xuân năm 2006
lêanhdũng

 

Nguon: http://www.ninh-hoa.com/DuLich_LeAnhDung-TamQuan-2.htm


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp