11/11/2010 17:53 (GMT+7)
Số lượt xem: 4535
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tôi thử đặt mình như một du khách từ phương xa du lịch tới vùng đất Bình Định, và những ngọn tháp Chăm kỳ lạ ở đây đã mở ra trước tôi một không gian chiêm ngắm rộng.


Mùa hạ năm 1984, Văn Cao lần đầu tiên sau giải phóng vào thăm Bình Định. Ở Qui Nhơn, nhà thơ - nhạc sĩ thiên tài này đã viết được một "chùm ba thơ": Qui Nhơn 1, Qui Nhơn 2, Qui Nhơn 3. Và một cảm giác kinh ngạc đã đến với Văn Cao khi ông lần đầu

Nhung giot thap Cham Binh Dinh
Tháp Phú Lốc (ảnh: Đ.T.Lộc)

nhìn ngắm những tháp Chàm: "Từ trời xanh/Rơi/Vài giọt tháp Chàm/Quanh Qui Nhơn/Tôi/Như đứa trẻ yêu huyền thoại/". Tôi có thể nói, nếu trong lần đầu tiên ấy Văn Cao lại đến với những tháp Chàm ở Thánh địa Mỹ Sơn, ông sẽ không thể viết được câu thơ xuất thần: "Từ trời xanh/Rơi/Vài giọt tháp Chàm/", đơn giản vì quần thể tháp Chàm ở Mỹ Sơn là "một trận mưa rào" chứ không là những "giọt mưa" đơn lẻ. Chính cái "tính cách nhỏ giọt" của "bản đồ" tháp Chăm Bình Định đã cho Văn Cao những câu thơ tuyệt vời. Điều thứ 2 chính là vị trí tọa lạc của những ngọn tháp Chăm Bình Định: hầu hết những tháp Chăm Bình Định đều được xây trên đỉnh những ngọn đồi, ở những vị trí cao nhất của những vùng đất mà chúng ngự trị. Khác với những tháp Chăm ở Mỹ Sơn được xây xúm xít trong lòng một thung lũng như một lòng chảo parabole, cũng khác với nhiều ngọn tháp khác ở Quảng Nam được xây ở vùng đất bằng. Không có điều kiện để nhìn ngắm cả 7 cụm tháp với 13 ngọn tháp ở Bình Định, mà chỉ nhìn được một số ngọn tháp vươn cao trên đỉnh đồi. Là một nhạc sĩ, Văn Cao hình dung chúng vút lên như những nốt thăng; nhưng ông còn là một nhà thơ, ông lại cảm thấy chúng như những giọt mưa bất chợt, những giọt mưa tình cờ và bí ẩn rơi xuống vùng đất Bình Định. Hai cảm giác trái chiều ấy thực ra đã tồn tại song song khi chúng ta thưởng ngoạn ở một tầm nhìn tương đối rộng quần thể những cụm tháp Chăm ở xứ này. Vút lên là những lời nguyện cầu, và rơi xuống như những ân phước, những nghệ sĩ Chăm xưa khi xây nên những ngọn tháp (kalan) này còn vì một lẽ cao hơn những lễ nghi tôn giáo hay sự sùng bái những vương triều: họ tạo tác cái đẹp với niềm tin nó sẽ trường tồn cùng cuộc sống con người.

Những nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Chăm đánh giá những cụm tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, và đã dung hòa được những phong cách nghệ thuật Champa và Khmer khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng.

Tôi thử đặt mình như một du khách từ phương xa du lịch tới vùng đất Bình Định, và những ngọn tháp Chăm kỳ lạ ở đây đã mở ra trước tôi một không gian chiêm ngắm rộng. Tôi thấy gì từ cái không gian nghệ thuật mở ấy?

Nhung giot thap Cham Binh Dinh
Tháp Dương Long (ảnh: Đào Tiến Dật)

Một niềm tin sâu xa vào chất liệu đất. Nói đến tháp Chăm là nói đến sự độc đáo của chất liệu xây nên chúng: gạch Chăm. Gạch Chăm cũng làm từ đất sét như mọi loại gạch khác, nhưng nó bí ẩn đến mức chúng ta không biết người nghệ sĩ Chăm xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín? Vì những nhát khắc quá ngọt ngào trên chất liệu, vì cái cảm giác đất nung quá ấm áp và gần gũi mỗi khi ta chạm tay vào cơ-thể-gạch của ngọn tháp đã truyền cho ta cái niềm tin qua hàng nghìn năm về sự bền bỉ của một chất liệu không trường cửu là gạch nhưng vĩnh cửu là đất. Tôi nghĩ, nếu những ngọn tháp Chăm này được xây bằng đá, nó có thể khiến ta kính nể, khiến ta an tâm về độ bền vững, nhưng sẽ không làm ta cảm thấy chúng gần gũi thân thiết đến thế! Và không cho ta sự kinh ngạc đến thế, rằng vì sao trải qua hàng nghìn năm với bao biến thiên, bao tai họa mà những ngọn tháp - đất - nung này vẫn tồn tại? Lại thêm một lý do nữa để tôi yêu những ngọn tháp Chăm.

Sống chan hòa giữa đời sống. Khi đi thăm những ngọn tháp, luôn hiện ra trong tôi hình ảnh của một người bộ hành qua không gian và xuyên thời gian. Người-đi-bộ-vĩ-đại ấy luôn chọn điểm dừng - dù trên cao - giữa những xóm làng bình dị, nơi cuộc sống lặng lẽ hay trào cuộn trôi qua với những người nông dân mộc mạc. Sống chan hòa giữa đời sống là một đặc điểm nổi bật của những tháp Chăm Bình Định, nếu so chúng với những ngọn tháp ở Thánh Địa Mỹ Sơn chẳng hạn. Bớt chất đạo mà thêm chất đời, và cuối cùng chỉ hiện lên như cái đẹp thuần túy giữa đời thường, những ngọn tháp Chăm Bình Định là

Nhung giot thap Cham Binh Dinh
Tháp Cánh Tiên (ảnh: Đ.T.Lộc)

thế! Vì vậy, cách tốt nhất để bảo tồn những ngọn tháp này là để chúng tiếp tục sống không cách biệt với những xóm làng, những người dân, những sinh hoạt bình thường. Đó cũng là cách bảo tồn một không gian nghệ thuật sống mà những tháp Chăm là những điểm nhấn quần tụ và kết nối. Nếu hình dung cả 7 cụm tháp Chăm Bình Định rải ra trong không gian như một tác phẩm của nghệ thuật xếp đặt, ta sẽ thấy chùm "Đại hùng tinh" này rải ra trên địa giới của 3 huyện và 1 thành phố: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và Qui Nhơn. Đó đều là những vùng đất cổ, và đều là những điểm du lịch sáng giá trong tương lai gần. Chính không gian mở của "Thất hùng tinh tháp Chăm" này khiến cách thưởng ngoạn tháp Chăm Bình Định khác với cách thưởng ngoạn tháp Chăm ở những địa phương khác thuộc miền Trung.

Mãi mãi là bí mật. Với 13 ngọn tháp còn lại, Bình Định là địa phương thứ 2 sau Quảng Nam sở hữu được nhiều tháp Chăm nhất nước ta. Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nhưng quần thể tháp Chăm Bình Định không hề là "bản sao" của Mỹ Sơn. Nghệ thuật đích thực, ở những tác phẩm mang nhiều vẻ tương đồng nhất, vẫn là những cá thể dị biệt. Cũng giống như những nhà nghệ sĩ, dù ở bất cứ thời nào, không ai giống ai. Hệ thống tháp Chăm Bình Định là những tác phẩm kiến trúc - điêu khắc độc đáo và độc sáng. Nếu niên đại của chúng được xác định là từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 12, thì tuổi thọ của chúng đã ngót nghìn năm. Bây giờ, sau bao nhiêu tìm tòi, nghiên cứu, khảo tả của các nhà chuyên môn, nhưng nếu ta hỏi: bản chất của những tháp Chăm là gì? Thì câu trả lời sẽ là: bí ẩn. Bình dị như đất và bí ẩn như đất - đó chính là bản chất và sự cuốn hút kỳ lạ của "những giọt tháp Chăm" Bình Định.

T.T

Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp