Di sản gửi tới 1000 năm sau


Tác giả: Nguyễn Quang Thiều
04/11/2010 11:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 3892
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thiên tai hay chiến tranh có thể làm biến mất một số di sản văn hóa nhưng không thể làm biến mất chính nền văn hóa ấy. Chỉ có sự tự hủy hoại đời sống tinh thần (đời sống văn hóa) trong mỗi con người mới làm văn hóa biến mất vĩnh viễn.


Người ta đã từng có một ý tưởng làm một số vật thể gì đó nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long và gửi lại cho các dậu huệ của chúng ta ở 1000 năm sau. Tôi nghĩ đó là một ý tưởng thành tâm. Nhưng suy ngẫm thêm một chút, chúng ta sẽ nhận thấy rằng chúng ta không làm được điều đó và không nên làm điều đó.

Trước hết, chúng ta thực sự lúng túng khi chọn lựa những vật thể này. Sau đó là chúng ta sẽ thật khó có cách nào bảo đảm sự nguyên vẹn của các vật thể trong suốt một thời gian 10 thế kỷ.

Tháng 12 năm nay, tôi sẽ tham dự một Hội thảo của các nhà thơ châu Á. Nội dung tham luận mà Ban tổ chức đề nghị các nhà thơ tham dự sẽ trình bày là việc trả lời câu hỏi: Ta là ai? Ta sẽ đi về đâu? Khi nhận được lời đề nghị của Ban tổ chức Hội thảo, tôi nhận ra câu hỏi của một Hội thảo thơ ca quốc tế có cùng nội dung với suy nghĩ của tôi về ý nghĩa của Đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Đại lễ 1000 năm Thăng Long chính là thời điểm để chúng ta nhìn lại và xác lập một lần nữa: chúng ta, những con người Việt Nam đã và đang sống trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này là ai và chúng ta sẽ tiếp tục sống như thế nào trong tương lai của chúng ta.

Phố Hà Nội vào thu trong những ngày Đại lễ. Ảnh: Hoàng Hà

Chúng ta đã liên tục đặt câu hỏi về việc bảo vệ các di sản văn hóa mà các thế hệ người Thăng Long đã sáng tạo nên trong suốt chiều dài lịch sử 1000 năm của mình đang bị xâm lấn và phá hoại. Nhưng thực thế cho thấy, chúng ta đã và đang xao nhãng với câu hỏi lớn nhất về một di sản quan trọng nhất: Di sản Người.

Ai làm ra Hoàng Thành, ai làm ra Văn Miếu, ai làm ra Thành Cổ Loa, ai làm ra Chùa Một Cột, ai làm ra tất cả những gì đã làm ra một văn hóa Thăng Long như chúng ta đang được chiêm ngưỡng và hưởng thụ ngày nay? Đó chính là CON NGƯỜI.

Thực tế, thiên tai hay chiến tranh có thể làm biến mất một số di sản văn hóa nhưng không thể làm biến mất chính nền văn hóa ấy. Chỉ có sự tự hủy hoại đời sống tinh thần (đời sống văn hóa) trong mỗi con người mới làm văn hóa biến mất vĩnh viễn.

Quả thực, lâu nay, chúng ta chưa thực sự đặt câu hỏi này như sự sống còn của một nền văn hóa. Chúng ta đang tin một cách sai lầm rằng: càng ngày chúng ta càng làm ra nhiều của cải vật chất hơn, chúng ta sống một đời sống hiện đại hơn với nhiều điều kiện vật chất hơn. Nhưng những điều kiện đó chỉ đảm bảo cho sự tồn tại của thân xác chứ không bảo đảm sự tồn tại và lan tỏa một cách bền vững của văn hóa.

Thời khắc Thăng Long tròn 1000 năm tuổi. Ảnh: Hoàng Hà

Cách đây bảy năm, tôi có dịch và xuất bản một tuyển thơ hiện đại Hàn Quốc. Một nhà thơ Hàn Quốc, xứ sở của những văn minh và một đời sống giàu có về vật chất, đã viết: Ngày ngày chúng ta từ công sở trở về/ Giống loài bò sát trở về đầm lầy của chúng. Đây chính là con đường đen tối nhất dẫn chúng ta đến cái chết của đời sống tinh thần. Đó là cái chết của một nền văn hóa. Và một nền văn hóa có sức sống bất diệt và có ý nghĩa nhất là một nền văn hóa luôn luôn tạo ra những sự kiện của nó trong từng ngày của đời sống đương đại.

Văn hóa không phải là một món đồ trang sức cho dù nó đắt đến nhường nào mà nó là hơi thở của đời sống chúng ta. Nó làm cho con người được sống có ý nghĩa nhất.

Đời sống của con người sẽ trở nên vô nghĩa khi họ không mang trong người một tinh thần sống, cho dù vẫn sống bên cạnh hàng ngàn các di tích văn hóa. Một con vật cho dù sống trong một ngôi đền hay sống giữa những di sản văn hóa thì vẫn là một con vật bởi trong thân xác nó không hề chứa đựng tinh thần sống của văn hóa.

Bởi thế, vật thể hay nói đúng hơn là di sản có ý nghĩa duy nhất mà chúng sẽ gửi tới tương lai trên mảnh đất Thăng Long này là Di sản Người. Sẽ chẳng còn một di sản nào có ý nghĩa khi mỗi thế hệ tiếp theo của chúng ta đáng mất đi một phần nào đó của tinh thần văn hóa mà các thế hệ trước đã làm ra và gửi lại. Và đến 1000 năm sau, nếu may mắn thì những di sản văn hóa mà chúng ta đang có vẫn còn tồn tại mà không bị thời gian hay chiến tranh phá hủy nhưng cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Bởi hậu duệ của chúng ta lúc đó (hay nói cách khác là chính chúng ta được chuyển tiếp bởi sự sinh sản) chỉ còn là một sản phẩm tồi tệ vì đã đánh mất toàn bộ tinh thần văn hóa trong con người họ. Lúc đó, một hình ảnh mà tôi tưởng tượng dựa trên những phân tích logíc hiện ra: đó là con người tương lai của chúng ta sống giữa những di sản văn hóa giống những con dê núi sống bên cạnh những tảng đá.


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp