14/11/2010 12:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 5164
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, kể từ thời nhà Lý (1010-1225), đàn Nam Giao đã được thiết lập ở Kinh đô Thăng Long để tế trời. Trong thời Hậu Lê (1427-1788),

quy cách kiến trúc đàn tế trời và nghi lễ cúng tế được chỉnh đốn đàng hoàng hơn.

Riêng ở Huế, xưa nay có 4 vị trí xây đàn Nam Giao khác nhau để các vua lên tế trời hàng năm, hoặc 3 năm một lần.

Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), đàn tế trời được thiết lập ở một khoảnh đất thuộc làng Kim Long, gần nơi chúa đóng thủ phủ.

Qua triều Tây Sơn (1788-1801), lễ tế trời diễn ra ở một ngọn đồi gần phía Tây núi Ngự Bình, gọi là Hòn Thiên hay núi Ba Tầng.

Đến thời các vua nhà Nguyễn, ngay sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long cho đắp đàn ở làng An Ninh vào năm 1803 để tế trời. Nhưng sau đó 3 năm, triều đình nhà Nguyễn lại bỏ vị trí ấy để cho xây cái đàn tế khác ở làng Dương Xuân như chúng ta đang thấy hiện nay. Đàn tế trời lộ thiên này được khởi công xây dựng vào ngày 25-3-1806, do Thống chế Phạm Văn Nhân đứng ra điều khiển. Nhân công làm việc tại đây đều là lính và thợ thuộc bộ Công và bộ Binh.Không thấy sử nói đàn làm bao lâu thì xong nhưng có lẽ hoàn tất vào cuối năm ấy, vì qua đầu năm sau, 1807, triều đình Gia Long đã cử hành lễ tế giao lần đầu tiên tại đây.

Khuôn viên đất đàn Nam Giao hình chữ nhật khá rộng rãi: bề dài 390m, chiều rộng 265m, giới hạn bởi một vòng tường thành xây bằng đá bọc xung quanh. Trong khuôn viên ấy, ngày xưa trồng rất nhiều thông, một loại cây tượng trưng cho người quân tử. Khi mới xây đàn xong, người ta trồng một cụm thông đứng biệt lập ở giữa phía nam đàn tế (trong khuôn viên) để tượng trưng cho vua Gia Long. Tại khuôn viên này, các hoàng thân và quan lớn trong triều mỗi người phải trồng một cây. Ở mỗi cây treo một tấm thẻ bài bằng đồng hay bằng đá khắc tên họ người trồng, ngày tháng năm trồng và thước tấc của mỗi cây khi mới trồng. Các quan có nhiệm vụ chăm sóc cây thông của mình, nếu thông chết, phải trồng cây thông khác thế vào. Năm 1834, trong một dịp lên tế giao, chính vua Minh Mạng cũng đã tự tay trồng 10 cây thông ở Trai Cung. Nhà vua cho treo biển đồng khắc bài bình do chính nhà vua soạn lên trên mỗi thân cây. Nhờ chính sách "trồng cây gây rừng" như thế cho nên ngày xưa ở đàn Nam Giao đã có được một rừng thông xanh rì bát ngát.

Đàn Nam Giao được thiết lập ở phía nam Kinh Thành Huế, Xây dựng đàn tế trời ở vị thế ấy là giữ đúng nguyên tắc kiến trúc từ ngàn xưa của Đông Phương.

Đàn Nam Giao triều Nguyễn là một đàn tế lộ thiên. Mô thức kiến trúc này mang ý nghĩa vừa tôn giáo vừa chính trị của nền quân chủ Đông Phương, trong đó vương quyền được kết hợp chặt chẽ với thần quyền. Đàn Nam Giao gắn liền với thuyết thiên mệnh của đạo Nho. Nó cũng diễn tả được một cách rõ ràng vũ trụ bị hạn chế của bao triều đại trước trời tròn đất vuông.

Bên trong khuôn viên hình chữ nhật (390m x 265m) có xây tường bằng đá để ngăn cách thế giới bên ngoài, đàn đế được xây dựng thành ba tầng, dưới lớn trên nhỏ chồng lên nhau, tượng trưng cho thuyết tam tài: Thiên, Địa, Nhân. Mỗi tầng mang một hình dạng và màu sắc riêng: trời tròn đất vuông, thiên thanh địa hoàng.

Tầng trên hết hình tròn, gọi là Viên Đàn (đường kính 40,5m x cao 2,80m), tượng trưng cho trời. Lan can chung quanh quét vôi màu xanh. Đến ngày tế giao, người ta dựng lên ở tầng này một cái nhà hình nón lợp vải màu xanh gọi là Thanh Ốc.

Tầng kế có hình vuông, gọi là Phương Đàn (mỗi cạnh 8,3m x cao 1m), tượng trưng cho đất. Lan can bốn phía quét vôi màu vàng (địa hoàng). Mỗi lần tế, người ta dựng lên ở đó một cái nhà vuông lợp vải vàng, nhỏ hơn nhà trên gọi là Hoàng Ốc.

Tầng dưới cùng cũng hình vuông, (mỗi cạnh 165m x cao 0,85m) lan can chung quanh quét vôi màu đỏ, tượng trưng cho người (xích tử: con đỏ). Tại đây, khi tế có 128 văn sinh và vũ sinh đứng múa.

Ba tầng cộng lại cao 4,65m.

Đàn Nam Giao quay mặt về hướng Nam. Vòng tường bằng đá chung quanh khuôn viên của đàn có trổ bốn cửa trông rất rộng nhắm theo bốn hướng đông tây nam bắc. Trước mỗi cửa đều xây một bức bình phong rất lớn (rộng 12,50m x cao 3,20m x dày 0,80m). Trong dịp tế, trước mỗi cửa cắm hai lá cờ đại với màu sắc khác nhau: cửa bắc màu đen, cửa nam màu đỏ, cửa đông màu xanh, cửa tây màu trắng.

Như vậy, hình thức, phương hướng và màu sắc kiến trúc đàn Nam Giao đều áp dụng nguyên tắc âm dương ngũ hành của Dịch Học.

Những đàn tế trời của các thời Lý, Lê, Trần, Tây Sơn đều không còn nữa. Đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế là di tích tế trời duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn tại Việt Nam.

* * *

Gần đây, công chúng và nhất là những người quan tâm đến các vấn đề văn hóa vui mừng nhận được tin Nhà nước cho phép phục hồi đàn Nam Giao - một di tích lịch sử đã xuất hiện gần 200 năm nay tại Huế. Đây là nơi từng chứng kiến một nghi thức truyền thống đã diễn ra trên đất nước ta từ lâu: lễ TẾ GIAO.

Trời và Đất là hai ý niệm quan trọng chi phối đời sống văn hóa và tư tưởng của người Phương Đông. Các vua chúa ngày xưa thường tự xưng là "con Trời" (Thiên tử), thay Trời để chăm lo đời sống nhân dân. Vì thế, vua chúa thường phải làm lễ tế cáo với Trời, Đất như một bổn phận của con cái đối với cha mẹ, đồng thời cũng để cầu xin sự an lành, hạnh phúc cho dân.

Lễ TẾ GIAO đã xuất hiện ở Trung Quốc từ thời Nghiêu, Thuấn, cách đây hơn 4000 năm. Theo quan niệm thời đó, Trời thì tròn, Đất thì vuông, cho nên trong năm, nhà vua làm chủ tế 2 lần khác nhau: một lần vào tiết Đông chí, tế trời ở nơi viên khâu (gò tròn), một lần vào tiết Hạ chí, tế đất ở Phương Khâu (gò vuông). Gò tròn nằm ở phía Nam Quốc đô nên gọi là Nam giao, gò vuông nằm ở phía Bắc Quốc đô nên gọi là Bắc giao. Về sau, 2 lễ tế Trời, Đất gom lại làm một và đàn tế gọi chung là đàn NAM GIAO.

Ở nước ta, tục Tế Giao bắt đầu vào thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Nhà vua cho lập đàn Viên Khâu ở thành Thăng Long, cứ ba năm một lễ lớn, hai năm một lễ trung, một năm một lễ nhỏ. Nhà Trần kế tục nhà Lý bỏ hẳn lệ Tế Giao trong gần 200 năm (1225-1400). Khi họ Hồ soán ngôi nhà Trần, Hồ Hán Thương lập đàn tế Trời ở núi Đốn Sơn (Thanh Hóa). Tương truyền, trong một buổi tế, Hán Thương run tay làm đổ chén rượu nên truyền bãi tế. Người đương thời cho đó là điềm gở của nhà Hồ. Năm 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, định lệ Tế Giao vào mùa Xuân, trong 3 ngày Xuân đán, chọn một ngày tốt để làm lễ. Đến thời Lê Trung Hưng, nhà vua chỉ ngồi làm vị cho chúa Trịnh giật dây: trong lễ Tế Giao, bên cạnh nhà vua làm chủ tế trên điện chiêu sư, còn có chúa Trịnh và quan tiết chế (thường là một thế tử con chúa Trịnh giữ chức này) làm bồi tế. Lễ Tế Trời thời đó rất giản lược, chỉ có lễ Thượng hương rồi đọc tờ tấu, trước sau chỉ lạy 8 lạy (theo Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ). Đến thời nhà Nguyễn, tháng 2-1806, vua Gia Long cho lập Giao đàn ở phía Nam thành Phú Xuân và đàn chính thức mang tên Nam Giao từ đó. Đàn chia làm 4 thành. Thành thứ nhất là Viên đàn (đàn tròn, tượng trưng cho Trời), thành thứ nhì là Phương đàn (đàn vuông, tượng trưng cho Đất) thấp hơn Viên đàn; thành thứ ba và thứ tư thấp hơn cả. Bên tả Giao đàn là Trai cung, nơi nhà vua ra đó trai giới một ngày trước buổi lễ. Xung quanh đàn trồng nhiều cây um tùm, rập rạp. Lúc bình thường, đàn chỉ là những ô trống với nền đắp cao, khi tế lễ mới căng vải dựng nhà, tế xong lại dỡ đi. Đời Gia Long đặt ra lệ "Bốc giao" - Khâm Thiên giám chọn ra 3 ngày lành trong tháng 2 tâu lên, nhà vua cho bói lại, lấy ngày tốt nhất làm ngày Tế Giao. Trước lễ tế 3 ngày, cấm tra khảo tù nhân, sát hại trâu bò. Đến đời Minh Mạng lại đặt lệ "Thệ giao" - 3 ngày trước lễ tế, nhà vua triệu tập đình thần ở điện Thái Hòa để tuyên thệ về sự Tế Giao. Cuối thế kỷ XIX, vua Thành Thái đặt ra lệ 3 năm Tế Giao một lần, không còn lệ 1 năm hay 2 năm một lần như trước nữa.

Một ngày trước lễ chính, nhà vua đi từ cung điện đến Trai cung để trai giới. Quang cảnh đường sá lúc đó đã vô cùng náo nhiệt. Các loại cờ xanh, cờ đỏ, cờ đuôi nheo, cờ ngũ hành cắm san sát hai bên đường. Các xã nằm quanh Kinh đô đều bày hương án nối tiếp nhau trên đường vua đi, cứ vài thước lại có một hương án.

Trong dịp lễ Tế Giao vào tháng 3-1918, vua Khải Định ngồi trong loan giá, mặc áo vàng, chít khăn vàng để đến Trai cung, các hoàng thân và đình thần mặc triều phục đi theo. Đám đông đi tiếp sau có cả ngàn người. Cuối đám rước có mang một hình nhân bằng đồng gọi là đồng nhân, hai tay cầm một tấm bảng khắc hai chữ "Trai giới". Loan giá nhà vua đi đến đâu, các bô lão chờ sẵn cạnh hương án ở đó đều sụp xuống lạy. Trước Trai cung, các quan đã chờ sẵn, quỳ đón nhà vua. Đợi khi nhà vua vào ở hẳn trong Trai cung, họ mới lục tục kéo về.

Chiều hôm đó, đình thần tổ chức buổi Diễn nghi, tức là tế thử. Mọi nghi thức của ngày lễ chính vào sáng hôm sau đều được diễn tập cả, nhằm mục đích giúp các quan chức hữu trách được thuần phục, không bỡ ngỡ, vấp váp khi đích tân nhà vua làm chủ tế. Một quan Khâm mạng sẽ thay nhà vua làm chủ tế trong buổi Diễn nghi này.

Đến đêm, đèn được thắp sáng rực cả Giao đàn. Bên ngoài, dân chúng đi lại như trẩy hội, nhưng bên trong thì lặng ngắt như tờ. Lính An Nam và lính Pháp canh gác chặt chẽ, mọi hình thức ra vào đều bị cấm chỉ. Đúng 0 giờ 40 phút sáng, vua Khải Định lên xe từ Trai cung qua đàn Nam Giao để hành lễ. Nhà vua đội mũ miện, mặc áo cổn, tay cầm ngọc trấn khuê (hốt bằng ngọc); một số quan lại cầm quạt lông, đèn lồng, đèn nến theo sau. Vua dừng lại ở nhà Đại thứ làm lễ rửa tay, sau đó quan lễ bộ rước lên nhà Hoàng ốc (nhà vuông căng vải vàng ở Phương đàn), đến trước ngoại hương án, hành lễ nghinh thần theo lời xướng của một viên quan Nội tán. Trong lúc đó, ngoài sân, phường hát gồm hơn một trăm người vừa múa vừa ca khúc An Thành. Trong ánh sáng lung linh giữa đêm trường, lời ca tiếng hát vang vang, thấm đẫm vào lòng những người dân đứng xem xa xa một cảm giác lâng lâng xúc động.

Bài hát vừa dứt, nhà vua được mời lên Viên đàn, nơi có một cái nhà tròn căng vải xanh, gọi là Thanh ốc, để làm lễ "Diện ngọc bạch" (dâng ngọc lụa). Phường hát tấu khúc Triệu thành. Tiếp theo là lễ "Tiến trở" (dâng mâm trâu thui), tấu khúc Tiễn thành; lễ Sơ hiến (dâng rượu lần thứ nhất), tấu khúc Mỹ thành.

Sau lễ Sơ hiến, nhà vua quỳ xuống cho quan tư chức đọc chúc văn. Tiếp đến là lễ Á hiến (dâng rượu lần thứ hai), phường hát tấu khúc Thụy thành; lễ Chung hiến (dâng rượu lần sau cùng), tấu khúc Vĩnh thành. Khi dàn nhạc cất tiếng, nhà vua làm lễ Ấm phúc và Thụ tô (uống chén rượu cuối cùng, nhận miếng thịt cuối cùng)

Trong lúc nhà vua hành lễ, chỉ có những thượng khách như Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Huế và một vài quan chức cao cấp Pháp là được đứng trên Viên đàn để chứng kiến. Các quan lại Việt Nam từ tam phẩm trở lên phải phủ phục ở thềm đàn thứ hai (Phương đàn), từ tứ phẩm trở xuống, phải phủ phục ở thềm đàn thứ ba.

Buổi lễ dứt, phường hát tấu khúc Nguyên thành. Nhà vua trở xuống Phương đàn lạy 4 lạy để tống thần. Tờ chúc văn và các đồ bạch soạn được đốt lúc đó. Xong, quan bộ Lễ rước vua xuống đàn, trở về Trai cung. Lúc đó, vào khoảng 4 giờ rưỡi sáng.

Nhà vua về Trai cung nghỉ ngơi rồi thay khăn vàng, áo vàng ngự lên ngai để các quan văn võ làm lễ Khánh thành trước sân Trai cung. Lễ xong, nhà vua lên loan giá trở về cung điện. Hai bên đường, các bô lão vẫn quỳ đón vua bên cạnh các bàn hương án. Cảnh tượng bớt phần trang nghiêm hơn hôm trước, nhưng sự vui vẻ trong công chúng có phần tăng lên.

Nghi lễ Tế Giao có một tầm quan trọng đặc biệt trong sinh hoạt văn hóa thời Nguyễn, nó thu hút sự quan tâm của ngay cả các viên chức Pháp lúc bấy giờ. Paul Domer, viên Toàn quyền Đông Dương nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX, đã dành một đoạn dài trong tác phẩm "L'Indochine francaise Souvenirs" (Đông Pháp - những kỷ niệm) xuất bản tại Paris năm 1905 để mô tả khá chi tiết buổi lễ Tế Giao năm 1987 do vua Thành Thái chủ tế. Còn học giả Phạm Quỳnh - chủ bút Nam Phong tạp chí - vào năm 1918 đã thực hiện một chuyến Nam du từ Hà Nội vào Huế, chủ yếu để tận mắt chứng kiến lễ Tế Giao của vua Khải Định (mà một số nét chính đã được kể ở trên).

Nhân dịp này, nhà học giả cũng được thưởng thức Hội Hoa Xuân.

"Nhân dịp Nam Giao, trong thành lại mở một hội đấu hoa nữa ở nơi vườn hoa mới lập sau điện Long An, trước cửa bộ Học. Quan dân nhà ai có chậu bông đẹp đều đem họp tại đấy. Chiều chiều, những bậc trai thanh, gái lịch ở chốn Trường An cũng đến họp mặt đông lắm, như muốn đua tài đua sắc với trăm hoa…"


Nguon: http://newvietart.com/index4.796.html


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp