Về Thăng Long và lên Yên Tử


Nguyên Ngọc Thời báo Kinh tế Sài Gòn số Xuân Tân Mão 2011
21/02/2011 07:14 (GMT+7)
Số lượt xem: 3014
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cuốn sách nổi tiếng của tác giả Mỹ Eric J. Hobsbawm, được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới, ngoài tên chính Thời của các cực đoan (Age of Extremes) còn có một phụ đề lạ, rất gây chú ý: “Thế kỷ 20 ngắn” (The Short Twentieth Century) (1) .

Theo Hobsbawm thế kỷ 20 tự nhiên kéo dài từ năm 1901-2000, nhưng thế kỷ 20 thực thì ngắn hơn nhiều, nó chỉ bắt đầu năm 1917 và kết thúc năm 1991. Có hai đoạn dư thừa ở hai đầu, trước 1917 còn thuộc về thế kỷ 19, sau 1991 thì đã sang hẳn một thế kỷ khác, mà nay chúng ta đang sống, sống khác với trong cái “thế kỷ 20 ngắn” kia. Có và cần những lo toan, những suy nghiệm, và nói to tát một chút, những minh triết khác.

Lịch sử của xã hội và con người không phải bao giờ cũng trùng khớp với lịch sử tự nhiên. Các đoạn khúc của nó thường ngắn hơn hoặc dài hơn.

Lịch sử nước ta cũng vậy. Viết lịch sử Việt Nam hiện đại, chắc phải có một dấu chấm xuống dòng, thậm chí một chấm đậm chuyển đoạn ở 1975. Cũng thế, viết sử xưa của nước Việt, hẳn không thể để cho thiên niên kỷ I chấm dứt ở năm 1000, mà đúng ra phải là 1009.

Sang 1010 thì rất khác rồi: Lý Công Uẩn đã quyết rời vùng rừng núi chật hẹp lẩn trốn và chống đỡ Ninh Bình, ra đứng giữa thanh thiên bạch nhật trung tâm châu thổ sông Hồng, tuyên bố dõng dạc sẵn sàng đối diện với một thế giới mới, tạo một con đường phát triển mới, thế mới và số phận mới cho đất nước. Một khúc đoạn lớn khác của đời sống dân tộc lâu dài.

Có điều gì đó rất tương tự giữa hai cái chấm xuống dòng này, 1010 và 1975. Tương tự quan trọng, mà thật tiếc trong kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vừa rồi ta đã lễ lạt quá nhiều mà suy ngẫm như rất đáng để suy ngẫm thì ít quá.

Tương tự lớn: chấm dứt kiếp sống nô lệ một ngàn năm; và chấm dứt cuộc đấu tranh để dứt khoát đi ra khỏi đêm đen nô lệ gần ba trăm năm. Trong hai cuộc sang trang này, một thiên niên kỷ trước cha ông ta đã nghĩ gì và làm gì? Còn chúng ta hôm nay?

Rất trọng đại là kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nên cần, dịp này, hiểu cho ra ý tưởng lớn của tiền nhân từng khiến ngày ấy những người đứng đầu và chịu trách nhiệm về vận mệnh dân tộc đã có những hành xử không hề theo nếp nghĩ thông thường. Ít nhất thể hiện trong hai việc:

Một, dời đô về chính Thăng Long, chứ không ở đâu khác.

Và hai: các vua Lý, rồi Trần đều nhường ngôi rất sớm, khi đã chín từng trải lại còn rất sung mãn, sung mãn nhất cả lực và tuệ, để đều lên Yên Tử.

Vì sao?

Ảnh: Uyên Viễn

Thử xin bắt đầu trước bằng điều thứ hai (2) . Ngô Thời Nhậm từng bảo các vua lên Yên Tử là muốn đứng trên đỉnh cao lợi hại thường xuyên ghé một con mắt cảnh giác về biên thùy phương Bắc hiểm yếu. Thế nước ta thời nào cũng vậy, dự đoán của nhà chiến lược họ Ngô chắc có điểm không sai.

Ta cũng lại biết những bi kịch cá nhân từng dày vò các vị vua rất vua và rất người ấy, khiến họ phải tìm đến cửa Thiền...

Song, chắc chắn không chỉ có thế, và thực tế lịch sử đã minh chứng: các vua lên Yên Tử là để làm triết học. Tác phẩm triết học quan trọng nhất của lịch sử tư tưởng Việt Nam, Khóa hư lục, đã ra đời trên chính đỉnh núi đó. Và quả thật Lý Trần là thời hiếm hoi đến gần như duy nhất người Việt có sự tập trung làm triết học.

Triết học gì? Có thể nói một cách thật vắn tắt và giản lược: vừa học lấy mô hình tổ chức nhà nước trung ương tập quyền mạnh theo học thuyết Nho giáo của chính kẻ xâm lược vừa bị đuổi đi, để đủ sức đứng vững trong cuộc Bắc cự lâu dài; vừa xây dựng cho dân tộc một nền tảng tư tưởng độc lập vững chãi, thâm hậu, lâu bền trên cơ sở triết học Phật giáo mà người Việt đã tiếp nhận rất sớm, có mặt sớm hơn cả Trung Hoa (ở Luy Lâu, quê Lý Công Uẩn), Việt hóa nó mạnh mẽ và sâu sắc bằng kết hợp nhuần nhuyễn với văn hóa cổ truyền bản địa.

Chính vì thế mà (1) lại có việc nhất thiết về Thăng Long, chứ không đâu khác. Thăng Long: hội tụ của nguồn cội văn hóa Việt tinh túy và lâu đời nhất.

Cho nên cuộc dời đô của Lý Thái Tổ, đương nhiên mang đầy ý nghĩa chính trị, kinh tế, quân sự... nhưng trước hết là một hành động văn hóa. Bởi vị vua vĩ đại đó của lịch sử Việt Nam đã quyết bắt đầu một sự nghiệp nghiêm trang, trọng đại: Phục hưng dân tộc.

Chống cự dai dẳng một ngàn năm để không bị “nấu chín” (2) bởi văn hóa phương Bắc là chiến công kỳ diệu. Đuổi hết xâm lược ngàn năm trên đất đai tổ quốc là tuyệt đỉnh anh hùng. Nhưng đối với dân tộc, với con người Việt, đến lúc này mới là khởi đầu, chứ không là kết thúc.

Giang sơn đã được dọn hết trở ngại bên ngoài để mà làm lại. Làm lại giang sơn, làm lại dân tộc, làm lại con người. Mà cuộc làm lại như vậy, ai cũng biết, bao giờ cũng phải là làm lại bên trong, trong gan ruột nội tạng của mình, lúc này mới bắt đầu, mới có thể bắt đầu. Và chỉ có thể làm bằng văn hóa. Đánh giặc là thuốc chữa bệnh ngoài da; văn hóa mới là thuốc cho nội tạng. Dời đô, rồi lên Yên Tử, các vua Lý Trần minh triết và uyên thâm biết chừng nào!

Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là để nghiệm kỹ về ý tưởng và hành xử lớn ấy của người xưa.

Cho hôm nay.

Những tư tưởng lớn gặp nhau, dẫu qua hằng thiên niên kỷ.

Ở Nga có một tác phẩm của Maxime Gorki tên là Những ý tưởng không hợp thời, viết năm 1918 nhưng mãi gần đây mới được biết tới rộng rãi.

“Không hợp thời”, Gorki đã tự gọi những ý tưởng của mình như vậy, bởi trong những ngày sôi nổi và hứng khởi nhất của Cách mạng tháng Mười Nga, là nhà văn hóa lớn, yêu thống thiết nhân dân Nga và đất nước Nga mà ông vốn từng sống ở tận “dưới đáy” (3) , với tinh thần trách nhiệm và sự bình tĩnh, sáng suốt của một nhà văn hóa lớn, với lòng dũng cảm phi thường, không hề sợ đi ngược chiều gió cả giữa bão táp, ông cảnh báo: “Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng... Không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần”.

Chúng ta hiểu ý tưởng sâu sắc của Gorki: Cách mạng đã gạt bỏ cản trở bên ngoài, trên bề mặt (“ngoài da”) để cho phép tiến hành chữa trị những căn bệnh chí tử của thực tế Nga, nhưng công cuộc chữa trị chỉ được bắt đầu sau cách mạng chứ không phải trong cách mạng, bằng cách mạng. Cách mạng đã thành công, nhưng những căn bệnh trầm kha thì vẫn còn nguyên đấy, thậm chí nếu trước kia nó ở trên bề mặt thì bây giờ cách mạng đưa nó lặn vào trong nội tạng chứ không hề trừ tiệt được nó. Và như vậy thì lại còn nguy hiểm hơn, nếu coi mọi sự đã xong và dừng lại. Hoặc cứ tiếp tục theo một cách ấy.

Rất triệt để, ông còn viết tiếp: “(Trong cách mạng) chúng ta sống giữa một cơn bão của các xúc cảm chính trị, trong sự hỗn độn của một cuộc chiến đấu giành quyền lực; cuộc chiến đấu này đánh thức bên cạnh các tình cảm tốt đẹp còn cả những bản năng đen tối. Điều đó là tự nhiên, nhưng lại đe dọa bẻ cong đi tính cách của chúng ta, và làm cho nó phát triển một cách giả tạo theo một hướng nhất định. Chính trị là miếng đất trên đó các loại cây gai của sự thù địch độc hại, các nghi kỵ xấu xa, các sự lừa dối trơ trẽn, vu khống, các thói háo danh bệnh hoạn và sự khinh thường nhân cách phát triển nhanh chóng và um tùm. Nếu đếm hết những cái xấu chứa trong con người - thì tất cả những thứ đó đều phát triển đặc biệt rất nhanh trên miếng đất của cuộc đấu tranh chính trị...”.

Còn có một nhà cách mạng lớn và là một bậc hiền triết hiện đại cũng từng suy nghiệm không hề kém sâu sắc: Nelson Mandela. Sau khi đã cống hiến cả cuộc đời để lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi lật đổ chế độ Apartheid, bình tĩnh và hiền minh đến kinh ngạc, ông nói với nhân dân của mình và tự nói với chính mình: “Chúng ta chưa tự do, chúng ta mới chinh phục được quyền tự do để trở nên tự do”. Cuộc đấu tranh để xây dựng con người tự do chỉ có thể bắt đầu sau cuộc chinh phục đó, chứ không phải trong và bằng cuộc ấy. Hơn thế nữa, vì thắng lợi của cuộc chinh phục, tất cả các phương tiện đều nhất thiết phải được huy động bằng bất cứ giá nào, nên chất độc của những phương tiện bắt buộc phải sử dụng ắt không thể không nhiễm độc xã hội và con người.

Thế kỷ mới của chúng ta, nói theo cách của Hobsbawm, không phải chỉ đến năm 2000 mới có mà đã bắt đầu từ năm 1975. Đã chuyển xuống dòng lớn từ đó, mà có lẽ chúng ta đã chưa đủ tỉnh táo và minh triết để nhận ra như người xưa. Cũng chưa đủ minh triết và tỉnh táo để biết rằng cách mạng và chiến tranh cách mạng là rất vĩ đại nhưng chỉ mới là dọn sạch giang sơn trên bề mặt, mặt khác công cuộc vĩ đại đó đã nâng cao dân tộc và con người Việt Nam lên nhưng những phương tiện chúng ta đã nhất thiết buộc phải dùng để giành thắng lợi sống còn lại cũng đã tiết chất độc không thể không có của chúng vào xã hội và con người.

Nếu không phải vậy thì làm sao giải thích được sự xuống cấp văn hóa (chứ không phải chỉ xuống cấp về văn hóa) nghĩa là sự suy đồi xã hội, bất ngờ, nghiêm trọng đến thế hiện nay, ngay sau chiến công lừng lẫy kia? Chúng ta đã không đủ tỉnh táo để nghiêm khắc tự nhìn vào nội tạng và dũng cảm suy tính một cuộc làm lại căn bản. Nói những lời rất to tát nhưng chúng ta đã không làm văn hóa như phải làm, như Lý Trần xưa đã làm, như Maxime Gorki và Nelson Mandela đã cảnh báo. Trong tất cả những công việc mà chúng ta đã nỗ lực rất lớn suốt 35 năm nay, không có nhận thức tỉnh táo và nghiêm khắc đó làm cốt lõi và nền tảng. Không “về Thăng Long và lên Yên Tử”.

Có phải tất cả vấn đề hôm nay là ở đấy? Nếu không thì dù ồn ào đến mấy, như trong kỷ niệm vừa rồi, vẫn là lận đận trong thế kỷ cũ, vẫn là chưa sang được thế kỷ mới. Chưa xuống dòng, chưa sang trang.

Để nói một ví dụ, chẳng hạn thử nghĩ tại sao nền giáo dục của chúng ta cứ như “bỗng dưng” lại ngổn ngang đến thế? Chỉ vì nó mãi loay hoay chưa xác định được nhiệm vụ bồi đắp nhận thức và tinh thần của một nền giáo dục cho sự phục hưng dân tộc. Và hơn thế nữa, chưa có nhận thức và tinh thần “về Thăng Long và lên Yên Tử”. Nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Chung nhất cũng là vậy.

Mùa xuân này, hãy cùng nghiệm lại xem.

_____________________________________________

(1) Nhà xuất bản Tri thức sắp cho ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm này. Trong bản dịch tiếng Pháp (Édition complexe - Paris, 1994), phụ đề nói trên được ghi là “Lịch sử thế kỷ 20 ngắn”.

(2) Trung Hoa gọi các dân tộc đã bị đồng hóa bởi xâm lược văn hóa Hán là các dân tộc đã được “nấu chín” (“chử lý”); những dân tộc chưa bị đồng hóa như vậy là những dân tộc “còn sống [sít]” (“sanh lý”).

(3) “Dưới đáy”, tên một tác phẩm nổi tiếng của M. Gorki.

Nguồn:  Thời báo Kinh tế Sài Gòn số Xuân Tân Mão 2011

http://chungta.com


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp