29/03/2011 10:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 2188
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong giấc mơ, Quốc sư Khuông Việt đã được vị thần Tì-sa-môn Thiên vương báo mộng đến nước Việt giữ cương giới để cho Phật pháp được thịnh hành... và cũng chính nhờ sức mạnh của vị thần này đã góp phần đem lại chiến thắng cho người Việt trong cuộc chiến chống Tống năm 981.

Trong thân thế và sự nghiệp của sư Khuông Việt, vị Tăng Thống đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, có một tình tiết lạ lùng được truyền tụng. Đó là một giấc mơ mang nhiều sắc bí ấn của nhà sư. Trong giấc mơ, một vị thần từ xưng Tì-sa-môn Thiên vương đã báo mộng cho sư Khuông Việt về . Khi tỉnh dậy ông đã cho tạc tượng thần theo đúng như đã thấy trong mộng để thờ. Sau này, khi quân Tống xâm lược đất nước, sư Khuông Việt đã xin sự trợ giúp của Tì-sa-môn để đẩy lùi quân địch.

Giấc mơ của sư Khuông Việt đã gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu ở Việt Nam. Tại Hội thảo Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo VN đầu kỷ nguyên độc lập được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam mới đây, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, ĐH Sư phạm Hà Nội, đã diễn giải khá chi tiết về giấc mơ này.

Cầu xin sức mạnh thần linh để đánh giặc

Quốc sư Khuông Việt (933 -1011) tên tục là Ngô Chân Lưu, vốn dòng dõi Ngô Quyền, thuở nhỏ theo học Nho, lớn lên theo đạo Phật. Ông thuộc thế hệ thứ tư của Thiền phái Vô Ngôn Thông.

Năm 971, ông được vua Đinh Tiên Hoàng ban hiệu là Khuông Việt đại sư; năm 973 được phong chức Tăng Thống (đứng đầu Phật giáo cả nước).

Ông là vị Tăng thống đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là nhà văn hóa, chính trị, ngoại giao lớn dưới hai triều Đinh, Lê.
Theo Tiến sĩ Thanh Tùng, giấc mơ Khuông Việt được ghi lại khá chi tiết trong tác phẩm

Thiền Uyển Tập Anh, một cuốn sách cổ của Phật giáo Việt Nam ghi lại các tông phái Thiền học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến đầu triều Trần.

Theo đó, dưới triều vua Lê Đại Hành, sư Khuông Việt đặc biệt được kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình nào sư cũng đều được tham dự. Sư thường đi chơi ở núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ. Thích cảnh trí đẹp đẽ, thanh u ở nơi đây nên dựng am để ở.

Tại đây, một đêm sư nằm mộng thấy một vị thần mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ ngọn bảo tháp, theo sau là hơn chục quân hầu tướng mạo hung dữ. Vị thần đến trước mặt sư và nói: “Ta là Tì-sa-môn Thiên vương, những người theo ta là Dạ xoa. Thiên đế có sắc chỉ sai ta đến nước này giữ cương giới để cho Phật pháp được thịnh hành. Ta có duyên với ngươi nên đến đây để báo cho ngươi biết”.

Sư kinh hãi thức dậy, nghe trong núi có tiếng gào thét, lòng rất lấy làm lạ. Đến sáng, sư vào núi thấy một cây cổ thụ cao chừng mười trượng, cành lá xúm xuê, phía trên có đám mây lành bao phủ. Sư nhân đó thuê thợ đốn cây ấy, lấy gỗ tạc tượng thần theo đúng như đã thấy trong mộng, để thờ.

Năm Thiên Phúc thứ nhất (981), quân Tống sang xâm lược nước ta. Vua biết chuyện này, liền sai sư đến đền cầu đảo (cầu xin sức mạnh thần linh) để thần phù hộ cho cuộc chiến. Quân giặc kinh hãi trước khí thế của người Việt, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, sợ hãi tan chạy...

Giấc mơ của sư Khuông Việt đã gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu. Các công trình bài viết, lý giải nguồn gốc, ý nghĩa giấc mơ này chủ yếu xoay quanh hình tượng Tì-sa-môn thiên vương. Những thắc mắc được đặt ra như Tì-sa-môn Thiên vương là ai? Tại sao Khuông Việt lại nằm mơ thấy vị thần này?...


Hình tượng Tì-sa-môn thiên vương trong Phật giáo.

Quay ngược lại lịch sử, Tì-sa-môn Thiên vương (Vaisravana) là một vị thần có nguồn gốc xa xưa từ Ấn giáo, sau này du nhập cả vào Phật giáo, giữ vai trò của một vị thần bảo hộ và thần tài. Bên cạnh đó, vị thần này cũng cai quản loài Dạ xoa (một loài ma quỷ dữ tợn theo quan niệm Phật giáo) nên được gán cho những đức tính “vũ dũng”, “thiện chiến” và được coi như một Chiến thần (thần phù hộ chiến tranh).

Trong quá trình truyền bá văn hóa, tục thờ Tì-sa-môn đã được đưa vào Trung Quốc. Tục này đã rất phổ biến từ thời Đường (618-907), mở rộng sang thời Ngũ Đại Thập Quốc (907-969) và đến cuối thời tống (960-1279) thì đạt đến sự toàn thịnh. Thậm chí, vào thời Tống, gần như mỗi chi đội doanh trại của quân đội đều có dựng “Thiên vương đường” để cầu đảo.

Thời Khuông Việt sống là giai đoạn chuyển giao các triều đại Đương - Ngũ Đại Thập Quốc - Tống. Hơn nữa, lúc đó nước Việt mới tách ra khỏi phương Bắc sau ngàn năm lệ thuộc chưa lâu, ảnh hưởng văn hóa Đường Tống còn khá trực tiếp. Bởi vậy, có thể nói tín ngưỡng Tì-sa-môn thiên vương được đưa xuống từ phương Bắc.

Khi du nhập vào Việt Nam, Tì-sa-môn trở thành thần bảo vệ Phật pháp và quốc gia Việt Nam, thể hiện ở việc vị thần này đáp lại lời cầu đảo của Khuông Việt giúp Lê Đại Hành đánh tan quan Tống.

Mặt khác, bên cạnh sự ảnh hưởng văn hóa phương Bắc, với động thái “nhờ cậy” Tì-sa-môn thiên vương, rất có thể sư Khuông Việt đã dùng sách lược gậy ông đập lưng ông, dùng chính tín ngưỡng được quân nhà Tống ưa chuộng để để khích lệ quân đội Việt chiến thắng quân giặc.

Thành Bình Lỗ và kịch bản bảo vệ tổ quốc

Một câu hỏi khác được đặt ra từ giấc mơ Khuông Việt, đó là vì sao sư Khuông Việt lại mơ thấy Tì-sa-môn thiên vương ở núi Vệ Linh, và đặc biệt là quận Bình Lỗ chứ không phải nơi nào khác? Và quận Bình Lỗ là địa danh nào trong lịch sử?

Lật lại sử sách, trong nhiều bộ chính sử, địa danh thành Bình Lỗ đã xuất hiện từ thời Đinh, thời Lê Đại Hành. Các nhà sử học ngày nay đã chứng minh, sự hiện diện của thành Bình Lỗ trong chiến dịch chống Tống của Lê Hoàn và thực sự đã có một trận Bình Lỗ đóng vai trò then chốt trong thắng lợi chung của công cuộc chống Tống năm 981.

Từ bối cảnh lịch sử này, có thể đặt ra giả thiết: Phải chăng trong giai đoạn giao thoa giữa nhà Đinh và Tiền Lê, trước sự lăm le xâm lược của nhà Tống, rất có thể Lê hoàn đã mật sai Khuông Việt đến khảo sát để xây dựng thành Bình Lỗ chống giặc. Và đương nhiên, khi xây thành người ta cần đến một vị thần bảo hộ thành trì.

Có lẽ từ nhu cầu đó, Tì-sa-môn thiên vương đã được Khuông Việt lựa chọn. Và để hợp lý hóa sự lựa chọn đó, một giấc mơ đã được dựng lên.

Núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ lại nằm ở phương Bắc so với kinh đô Hoa Lư lúc bấy giờ. Áp dụng vũ trụ quan Phật giáo, có thể suy luận, ở đây Khuông Việt đã ngầm so sánh, đề cao vua Đinh, Lê như là Đế Thích (Thiên đế) ở trong Phật giáo, có Tì-sa-môn thiên vương hộ vệ ở phía Bắc để giữ gìn biên cương đồng thời cũng nhằm mở rộng ảnh hưởng của Phật pháp.

Vì sao sư Khuông Việt lại được chọn cho công việc này, Đương nhiên vì ông là Tăng thống, chức sắc tôn giáo cao nhất của đất nước thời bấy giờ.

Có thể nói, việc sư Khuông Việt qua giấc mơ huyền thoại  đưa Tì-sa-môn thiên vương hiện diện trong lịch sử - văn hóa nước Việt  là một trong những đóng góp của ông trong việc xây dựng, củng cố vương quyền và bảo vệ đất nước.

Mặt khác, giấc mơ Khuông Việt cũng cho thấy sự giao lưu văn hóa sôi động, cũng như sự gạn lọc tinh tế của văn hóa Việt trước trước những nền văn hóa ngoại lai cho phù hợp trình độ nhận thức của quốc gia, dân tộc của quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Theo: baodatviet.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp