21/03/2011 21:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 2096
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi vua Trần Nhân Tông mất, sách "Đại Việt sử ký toàn thư" viết: "Ngày 3, Thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử"; và: "Mùa thu, tháng 9, ngày 16, rước linh cữu của Thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, Thái Bình ngày nay".

Đức vua Trần Nhân Tông (tên tục là Trần Khâm)- con trưởng của vua Trần Thánh Tông - sinh năm Giáp Ngọ, Nguyên Phong thứ 8, tháng 11, ngày 11 (1258). "Đại Việt sử ký toàn thư" viết: "Vua được tinh anh của Thánh nhân, đạo mạo thuần tuý, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là kim tiên đồng tử! ở hai bên tả hữu có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử, hoà nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng, làm vẻ vang đời trước, thực là vua hiền của nhà Trần".

Vua Trần Nhân Tông là vị vua văn võ song toàn, thông hiểu Phật pháp. Một ông vua đã hai lần đánh bại cuộc xâm lăng của giặc Nguyên Mông, đem lại hoà bình thịnh trị về cho nhân dân Đại Việt. Một vị vua như thế khi xuất gia chắc chắn đã gây tiếng vang lớn và khiến tất cả mọi người trong nước hướng nhìn về ngọn núi Yên Tử với lòng ngưỡng mộ thành kính nhất. (Đức vua Trần Nhân Tông được coi là người đứng đầu của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử).

Khi người mất, sách "Đại Việt sử ký toàn thư" viết: "Ngày 3, Thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử" (tr.570); và: "Mùa thu, tháng 9, ngày 16, rước linh cữu của Thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, Thái Bình ngày nay".

d
Các ngôi mộ của các vua Trần ở Thái Bình

 

Có đúng là phần mộ của vua Trần Nhân Tông (trong có đựng ngọc cốt hoặc xá lỵ) được an táng ở lăng Quy Đức (phủ Long Hưng)? Không ít người cho rằng nhà vua là người xuất gia, tu hành tại chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Đầu Đà (sau đổi thành Trúc Lâm Đầu Đà), được nhận là người truyền thừa chính thức của phái Yên Tử thế hệ thứ 6, tiếp nối vị tổ sư thứ 5 là Thiền sư Huệ Tuệ. Khi mất, thi thể của Người được đệ tử là Pháp Loa hoả táng, các viên xá lỵ (từ thân thể Người sau khi hoả táng) được để vào kim tháp ở chùa Vân Yên, núi Yên Tử. Nếu vậy thì việc rước linh cữu của người về táng ở đất Long Hưng có thực là thi thể (ngọc cốt) hoặc xá lỵ của người không?

 

Những trăn trở, thắc mắc nêu trên không phải là không có cơ sở. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" khi viết về việc này cũng không cho chúng ta biết rõ hơn ngoài những dòng sau: "Mùa thu, tháng 9, ngày 16, rước linh cữu của Thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng. Xá lỵ thì để ở bảo tháp am Ngọa Vân, miếu hiệu là Nhân tôn, thụy là "Pháp Thiên sùng đạo ứng thế hoá dân Long từ hiển huệ Thánh văn thần võ Nguyên minh tuệ hiếu Hoàng đế". Đem Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu hợp táng ở đấy".

 

Việc hoả thiêu và có xá lỵ của vua Trần Nhân Tông, "Đại Việt sử ký toàn thư" đã ghi rất rõ: "Pháp Loa đem xác của Thượng hoàng thiêu đi, nhặt được hơn ba nghìn viên xá lỵ mang về chùa Tư Phúc ở Kinh sư. Vua lấy làm ngờ, các quan nhiều người xin bắt tội Pháp Loa. Khi ấy Hoàng tử Mạnh (vua Trần Minh Tông sau này) mới lên 9 tuổi, đứng hầu bên cạnh, chợt thấy có mấy hạt xá lỵ ở trong bọc, đưa ra cho mọi người xem. Vua sai kiểm lại những hạt xá lỵ ở trong hộp, thì thấy thiếu số. Vua cảm động khóc lên, trong lòng mới khỏi ngờ".

 

Nếu chỉ đọc những đoạn văn trên thì việc nghi ngờ không có xương cốt hoặc xá lỵ của vua Trần Nhân Tông ở lăng Quy Đức (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình) là có cơ sở. Nhưng một số tài liệu của Phật giáo, trong đó có sách "Tam tổ thục lục" đã cho chúng ta biết rõ việc an táng xá lỵ của vua Trần Nhân Tông ở Long Hưng: "Ngày 1, tháng 11, đúng nửa đêm, sao sáng đầy trời, Điều Ngự (vua Trần Nhân Tông) hỏi: "Bây giờ là giờ gì?" Bảo Sát (đệ tử của đức vua Trần Nhân Tông) thưa: "Giờ tý". Điều Ngự đưa tay ra hiệu mở cửa sổ để nhìn ra ngoài, nói: "Đến giờ ta đi rồi". Bảo Sát hỏi: "Tôn Đức đi đâu bây giờ?" Điều Ngự nói:

 

"Mọi pháp đều không sinh,

 

Mọi pháp đều không diệt

 

Nếu hiểu được như thế

 

Chư Phật thường hiện tiền

 

Chẳng đi cũng chẳng lại".

 

Bảo Sát hỏi thêm: "Còn khi bất diệt thì sao?" Điều Ngự khua tay nói: "Thôi đừng nói mê nữa" rồi người ngồi thế sư tử toạ mà hoá.

 

Xá lợi của Điều Ngự phân làm hai phần, một phần để vào Bảo tháp nơi Đức Lăng (lăng Quy Đức), một phần để ở Kim Tháp, chùa Yên Vân, núi Yên Tử".

 

Sách "Tam tổ thục lục" trong các phần nói về Trúc Lâm (chỉ vua Trần Nhân Tông) và Pháp Loa đã có những đoạn nói tỉ mỉ về các sự kiện lịch sử có ghi ngày tháng và các chi tiết nhỏ như đoạn văn trên.

 

Những tài liệu này rất quý và đáng tin cậy hơn những tài liệu của một số bộ sử đang lưu hành. Bởi vì "Tam tổ thục lục" được bảo vệ trong các chùa chiền, trừ những sai lầm trong khi biên chép, ít ai dám sửa chữa dù chỉ là một chữ. Trái lại, các bộ sử thường được các sử quan biên tập theo các quan điểm của mình, đôi khi có thành kiến hoặc do ý thức hệ mà thêm bớt, khiến cho nhiều chi tiết mất độ chuẩn xác.

 

Sách "Tam tổ Trúc Lâm" có tham khảo các sách "Tam Tổ thục lục", "Tam tổ hành trạng" và tra cứu các sách "Thánh đăng lục", "Thiên Tông bản hạnh"... đã cho chúng ta thấy rõ hơn về việc hoả táng và chôn cất xá lỵ của vua Trần Nhân Tông: "Pháp Loa theo lời di chúc của Ngài làm lễ hoả táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình. Vua Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về tôn thờ ở Đức Lăng (lăng Quy Đức) và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, đề hiệu là "Huệ Quang Kim Tháp".

 

Như vậy, việc tổ chức tang lễ, chôn cất ngọc cốt của Điều Ngự Giác Hoàng (vua Trần Nhân Tông) ở lăng Quy Đức (Đức Lăng), Long Hưng là có thật. Hiện tại ở xã Tiến Đức (làng Tam Đường), Hưng Hà, Thái Bình vẫn còn phần mộ của Thái Tổ Trần Thừa, vua Trần Cảnh, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Sách "Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn chép: "Xã Thái Đường, huyện Ngự Thiên có bốn cái lăng: Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông, lại có lăng của bốn hoàng hậu".

 

Thật đáng tiếc, chiến tranh, thiên tai và nhiều nguyên nhân khác cùng với thời gian bảy, tám trăm năm trôi qua... hiện ở Thái Đường, Tiến Đức chỉ còn lại ba lăng mộ của các vua Trần, nhân dân vẫn quen gọi là mộ Phần Bụt, Phần Trung, Phần Đa. Còn ngôi mộ Phần Cựu đã được khai quật năm 1980, có quy mô to lớn như các ngôi mộ hiện còn ở Tam Đường. Theo ông Vũ Đức Thơm (Bảo tàng Thái Bình) thì qua khảo cứu của các nhà khảo cổ học Trung ương và địa phương, đã xác nhận đây là một ngôi mộ thời Trần và đặc biệt là ngôi mộ này lại nằm trong những "gò Mả Vua" như nhân dân địa phương vẫn truyền khẩu từ đời này sang đời khác.

 

Đáng chú ý là ngôi mộ vẫn được nhân dân truyền tụng gọi là mộ phần Bụt hay còn gọi là phần Sỏi. Phải chăng đây là ngôi mộ của vị vua đi tu Trần Nhân Tông? Bụt có thể hiểu là Phật. Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong tác phẩm "Theo gót chân Bụt" (Đường xưa mây trắng) thì lúc đầu, khi giác ngộ chân lý của đạo Phật, Đức Phật Tổ cho rằng đạo của người là đạo "Tỉnh thức". "Tỉnh thức" nói theo tiếng Magadhi là Budn (tức là Bụt). Như vậy, rất có thể ngôi mộ "Phần Bụt" được nhân dân truyền khẩu ở làng Tam Đường, Tiến Đức, Hưng Hà là mộ của đức vua Trần Nhân Tông (Điều Ngự Giác Hoàng). Ngôi mộ này trước đây cũng đã bị hư hại (hiện nay đã được sửa sang, đắp ấp lại).

 

Theo tư liệu của Bảo tàng Thái Bình thì dưới cùng của mộ là quách gỗ, trên quách gỗ là lớp đất sét, trên lớp đất sét là vách đá, xung quanh rải  hàng ngàn mét khối cát sỏi, trên lớp sỏi lại có một lớp đất sét được nện nén rất chặt. Phía trên của lớp đất sét và xung quanh mộ nhân dân địa phương đã tìm thấy nhiều viên gạch (loại gạch vẫn dùng để xây tháp thời nhà Trần). Điều đáng chú ý là những viên gạch này có hình dạng kích thước như được đúc ra cùng một khuôn với những viên gạch rìa các mái hiên tháp Phổ Minh (Nam Định). Rõ ràng, ở sát ngôi mộ Phần Bụt này đã từng tồn tại một cây bảo tháp. Có lẽ trải qua thời gian, các cuộc chiến tranh cùng thiên tai tàn phá nên cây tháp ấy đã bị hủy hoại, nay chỉ còn lại phế tích. Điều đó hoàn toàn phù hợp với những ghi chép trong sách "Tam tổ thục lục": "Xá Lợi của Điều Ngự phân làm hai phần, một phần để vào bảo tháp nơi Đức Lăng (lăng Quy Đức), một phần để ở Kim Tháp, chùa Vân Yên, núi Yên Tử".

 

Trong sách "Chùa tháp Phổ Minh", ông Nguyễn Xuân Năm, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Nam Định, viết: "Theo sách "Tam tổ Thục lục" thì "khi vua Trần Nhân Tông mất, thi hài được hoả táng, sau đó phần ngọc cốt được an táng vào Đức Lăng (lăng Quy Đức), một phần xá lỵ thì để ở tháp Huệ Quang, một phần xá lỵ để ở Bảo Tháp để trấn áp đất đai ở Đức Lăng".

 

Như vậy đã rõ tại Thái Đường, Tiến Đức, Hưng Hà hiện tại đã và đang lưu giữ (ngọc cốt) của Điều Ngự Giác Hoàng (vua Trần Nhân Tông). Con người mà tài năng đức độ đã được sử sách ca ngợi như một người anh hùng dân tộc và được muôn dân Đại Việt cùng với Phật giáo Việt Nam tôn xưng là ông Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Theo: Sách Long Hưng - đất phát nghiệp vương triều Trần

http://www.phattuvietnam.net


Âm lịch

Ảnh đẹp