22/03/2011 06:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 1708
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

SGTT.VN - Bởi những “đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà”, giải thưởng Phan Chu Trinh năm nay tôn vinh một tên tuổi đã đi vào lịch sử toán học thế giới với biệt danh “cha đẻ của lý thuyết tối ưu toàn cục”

… Ông cũng là người đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này ngay từ cuộc cải cách giáo dục đầu tiên của nền giáo dục cách mạng. Đó là GS Hoàng Tuỵ – người tự thấy mình “nhiều duyên nợ với giáo dục”.

Giáo sư rất vui khi biết sẽ được trao giải thưởng Phan Chu Trinh?

Tôi thấy thật là vinh dự khi mình là một nhà khoa học bình thường đã được nhận giải thưởng Phan Chu Trinh cao quý. Vinh dự lớn còn bởi đây không phải giải thưởng hay huân chương trong hệ thống hành chính nhà nước mà là giải được trao từ một tổ chức xã hội công dân, với ý nghĩa cao quý thúc đẩy sự nghiệp văn hoá giáo dục của nước nhà theo tinh thần khai sáng của nhà ái quốc vĩ đại. Vì cao quý nên giải thưởng đó không cần phải ồn ào.

Sáu anh em ông đều là giáo sư nổi tiếng: cùng với ông là GS Hoàng Hỷ, Hoàng Phê, Hoàng Quý, Hoàng Kiệt, Hoàng Chúng. Nếp nhà đó đã được xây cất bởi những “viên gạch” nào, thưa ông?

Cố nội tôi chỉ là thường dân, nhà rất nghèo, nhưng cả năm người con của ông đều học giỏi và đỗ đạt. Ông nội tôi đỗ cử nhân, từng giữ chức án sát, sau đó cáo quan về nuôi mẹ để giữ chữ hiếu. Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu là anh ruột ông nội tôi, đỗ phó bảng. Khi ông Diệu tuẫn tiết, vợ ông ở quê đang làm đồng đã ngất xỉu ngay trên cánh đồng. Thời Pháp thuộc, các thế hệ trong gia đình tôi vẫn duy trì nho học, học theo kiểu cựu học, rồi ra làm quan, như bố tôi, ông là một tri huyện trước khi về hưu.

Có thể nói, nếp nhà chúng tôi, chuộng chữ nghĩa và ưa sống thanh bạch. Được tiếng là liêm khiết. Làm quan thì được cấp lương và đất, đời sống có dễ dàng hơn thứ dân. Nhưng không nghe nói chuyện hối lộ, nhũng nhiễu gì.

Trừ anh cả tôi được đi học khi bố còn làm quan và tiền có được chỉ đủ nuôi anh, còn lại mấy anh em tôi đều học hành trong điều kiện khó khăn hơn. Thường thì cha mẹ nuôi anh cả học hành, anh cả sau đó có nhiệm vụ nuôi các em ăn học tiếp. Nhưng rồi khi anh cả tôi ra trường đi làm, do tham gia các phong trào yêu nước của ông Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, đã bị Pháp đuổi ra khỏi ngành, phải vào Sài Gòn rồi Huế dạy tư. Vào lúc anh tôi mất việc, cũng là khi bố tôi bệnh nặng và ra đi. Thuốc thang, nợ nần nhiều. Có anh trên tôi phải bỏ học đi làm thêm. Em út Hoàng Chúng còn trong bụng mẹ. Tôi mới bốn tuổi, ốm đau liên miên. Mẹ tôi cứ tưởng không nuôi nổi tôi. Khi tôi lên sáu, theo anh trai Hoàng Hỷ vào Nha Trang, anh là hiệu trưởng một trường tiểu học, nhưng chỉ nuôi tôi được sáu – bảy tháng thì anh cạn tiền, mẹ tôi lại đưa tôi và anh Hoàng Quý vào Sài Gòn ở với anh cả. Mấy năm sau chúng tôi lại trở về quê với mẹ.

Cũng như nhiều người đàn bà khác trong họ, chồng làm quan nhưng vợ vẫn giữ nghề tằm tang, mẹ tôi sau đó may mắn làm ăn phát đạt được với nghề này để nuôi chúng tôi ăn học dễ dàng hơn.

Tôi luôn dạy các con cháu noi gương truyền thống gia đình thông qua sáu chữ: trung thực, nhân ái và lao động. Thực hiện được sáu chữ ấy không dễ và không phải ai cũng có thể làm được hết. Nhưng dẫu thế thì vẫn phải cố gắng thôi.

Và tiếp đến là giai đoạn vươn lên không ngừng trong sự học của cậu bé nghèo mồ côi cha?

Khi tôi học đến đệ nhị cao đẳng tiểu học (tương đương cấp 2 bây giờ), thì bị ốm nặng tưởng không cứu được. Một chân và một tay liệt hẳn. May nhờ một ông lang châm cứu mà khỏi bệnh. Bây giờ nghiệm lại, chính cái năm bị bệnh nằm nhà đó lại là năm có ý nghĩa nhất. Vì trong nhà có các anh đi học và đi dạy, sách vở nhiều nên tôi thoải mái đọc. Khả năng tự học được xuất phát và rèn luyện từ đó. Tôi tự học toán, rồi tự học chữ nho.

Tôi có một người cháu nhiều hơn tôi một tuổi, con bà chị cả, người được biết nhiều với cái tên Bùi Giáng thi sĩ, tư cách cũng rất độc đáo. Năm đó, nghỉ hè thì Giáng về. Chúng tôi cùng đọc truyện và trao đổi. Việc đó giúp ích tôi rất nhiều… Năm sau, khi trở lại trường học, tôi học đạt loại xuất sắc luôn, và giành được học bổng toàn phần.

20 tuổi làm thầy, 26 tuổi tham gia cuộc cải cách giáo dục đầu tiên của nền giáo dục cách mạng non trẻ với tư cách chủ biên. Từ bấy đến giờ, đã 60 năm trôi qua, hầu như chưa lúc nào ông xa rời nghề dạy học – vốn là một trong hai nghề truyền thống của gia đình...

Khi Nhật đảo chính, tôi về quê, tham gia cách mạng Tháng tám và hoạt động ở địa phương một thời gian. Sau nghe tin trường Quốc học mở lại lớp tú tài năm ba, tôi lại ra Huế tự ôn thi, như một thí sinh tự do, và đỗ đầu khi thi vào. Rồi tôi ra Hà Nội học, dạy tư kiếm tiền. Được một tháng, chiến tranh xảy ra, tôi quay về khu Năm, đi kháng chiến, dạy học ở trường trung học Lê Khiết. Đây là ngôi trường sản sinh ra rất nhiều nhà văn, nhạc sĩ, giáo sư, nhà hoạt động chính trị… Đang dạy, hay tin GS Lê Văn Thiêm về nước, mở trường đại học ở Việt Bắc, tôi đã khăn gói đi bộ ba tháng trời từ Quảng Ngãi ra Việt Bắc tìm thầy, rồi sang Nam Ninh (Trung Quốc) dạy trung cấp vì ông Thiêm đã sang bên đó… Ông Thiêm là thần tượng của tôi.

Sau hiệp định Geneve, bộ Giáo dục gọi tôi về chuẩn bị làm cải cách giáo dục ở Việt Bắc, thống nhất chương trình đào tạo phổ thông mười năm. Bấy giờ ở vùng tự do chỉ dạy hệ chín năm còn ở vùng giải phóng dạy hệ 12 năm. Tuy giữ cương vị chủ biên, nhưng tôi mới 26 tuổi. Chính sách cán bộ hồi đó, không ngại giao việc trọng cho người trẻ. Trong nhóm tôi, toàn các “cây đa cây đề”: cụ Lê Thước, cụ Hoàng Ngọc Phách, GS Trương Chính, GS Huỳnh Lý, GS Lê Trí Viễn, anh trai tôi là Hoàng Hỷ…

Về sau, ngành giáo dục tiếp tục thực thi nhiều cuộc cải cách song dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Có lúc nào giáo sư nghĩ đến việc “bỏ cuộc” trong hành trình phản biện kiên trì, không mệt mỏi của ông đối với những vấn đề cải cách giáo dục mà ông cho là không hiệu quả?

Từ “phản biện” mà bây giờ chúng ta hay nói, tôi đã dùng rất sớm tại khoa toán của trường ĐH Tổng hợp, khi bắt đầu hình thành các hình thức đào tạo đổi mới như tổ chức seminar, tổ chức các hội đồng bảo vệ luận án… Về những đóng góp ý kiến cho giáo dục, tôi thường nhấn mạnh: trung thực, sáng tạo. Phải có tự do tư tưởng, cởi mở với cái mới, độc lập trong suy nghĩ và có tư duy phê phán; tư duy mà theo đường ray sẵn có thì không bao giờ có được sự sáng tạo. Lúc này lối ra duy nhất cho giáo dục là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. Chỉ có như vậy mới mong cứu giáo dục thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên. Cải cách giáo dục cần phải gắn liền với thay đổi tư duy – đây là vấn đề mà tôi không bỏ cuộc và vẫn kiên trì cho đến lúc này. Tôi nhận thấy mọi sai lầm, bê bối trong giáo dục, đều do không tôn trọng vấn đề đó.

Không chỉ đắm đuối với chuyên môn, giáo sư từ rất sớm đã chú ý và dành nhiều tâm huyết cho công tác đào tạo…

Nhà văn Nguyên Ngọc

GS Hoàng Tuỵ là người đã làm cho nền toán học Việt Nam có tên trên bản đồ toán học toàn cầu. Ông còn là nhà giáo dục lớn. Với một quan điểm giáo dục luôn hiện đại, một tinh thần trách nhiệm rất cao, một sự thẳng thắn, một lòng dũng cảm và kiên định mẫu mực, trong nhiều chục năm qua, ông đã tiến hành và tập họp, đứng đầu, dắt dẫn cả một trào lưu đấu tranh cho một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, chống lại sự xuống cấp nặng nề, nguy hiểm về giáo dục đang diễn ra. Đóng góp của GS Hoàng Tuỵ về giáo dục là rất to lớn, không hề kém những đóng góp về toán học của ông.

Nhà thơ Việt Phương

Trong hoạt động giáo dục, GS Hoàng Tuỵ xứng đáng được coi là mẫu mực về ba phẩm chất cốt lõi của con người mà giáo sư đề ra: trung thực, sáng tạo và tự do. Nhất quán với mọi người, trong mọi việc, vì trước hết giáo sư có được sự nhất quán với bản thân. Tôi muốn nói thêm một chút nữa: tuy rất tự tin, song GS Hoàng Tuỵ không cố chấp, không luôn luôn tự cho mình là đúng, mà biết sẵn sàng tiếp thu những lẽ phải, những điều hay từ người khác, để bổ sung và khi cần thì điều chỉnh nhận thức của mình… Suốt gần 65 năm từ khi rời ghế nhà trường ở tuổi hai mươi để bước lên bục giảng, ngày lại ngày, bền bỉ và mê say, GS Hoàng Tuỵ vẫn là một người học trò, tự học và học ở bạn bè gần xa, ở mọi người mà giáo sư có dịp gặp gỡ, qua sách vở, trên mạng internet và rất quan trọng là trong từng chặng đường của cuộc sống đầy biến động và giàu bài học của nước ta và của thế giới.

Khi giữ chức chủ nhiệm khoa toán từ năm 1959 đến năm 1968, tôi có đề xuất áp dụng vận trù học, hàng nghìn người tham gia. Giữa thời điểm chiến tranh mà ta có được những thành tựu đáng tự hào về vận trù học, ở Mỹ vận trù học mới ra đời hai năm mà ở ta đã áp dụng, có phóng viên nước ngoài phải kính phục và đưa chuyện đó lên báo Pháp.

Về toán học, thời điểm ấy ta đạt tới trình độ mà một nhà toán học đỉnh cao của thế kỷ 20 đã rất ngạc nhiên. Có được những kết quả đó, là vì anh em làm khoa học chúng tôi đã phải làm việc trong một điều kiện khó khăn ít ai biết được. Đơn giản là lúc đó chúng tôi đã có chủ trương: nghiêm túc trong giảng dạy và học tập; gửi người đủ trình độ đi nước ngoài đào tạo; giao việc trong khoa phải khách quan; chú trọng tài năng của mỗi người; không khắt khe vấn đề lý lịch… Rồi sau vài năm được cho mở lớp toán đặc biệt, học bổng 20 đồng/tháng cấp cho học sinh, lại bị cho là không chú trọng công nông… Đây là một thời kỳ đầy cay đắng trong cuộc đời làm khoa học của tôi.

Giáo sư nghĩ gì về vai trò của giáo dục trong bối cảnh nước nhà đang phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, xã hội như hiện nay?

Tôi thường suy ngẫm về nghề nghiệp của mình – đó là những suy ngẫm từ vị trí công dân một nước nghèo, lạc hậu, khát khao mau chóng đuổi kịp nhân loại. Tôi được học, được làm việc và đi nhiều, từ đó được mở rộng tầm mắt và có cách nhìn hệ thống đối với các vấn đề của đất nước, không riêng giáo dục mà cả kinh tế, văn hoá, xã hội. Những tư tưởng, quan điểm của tôi về các vấn đề đó ngay từ đầu đã ít nhiều có tính hệ thống và nhất quán, mà không tuỳ hứng, tuỳ tiện, tuỳ thời.

Hiện nay, dù kinh tế có khó khăn bức bách bao nhiêu, cũng không cho phép chúng ta một phút được lơ là với các vấn đề của giáo dục. Chừng nào giáo dục còn yếu kém tụt hậu như hiện nay thì dẫu cho tăng trưởng kinh tế giữ được tốc độ 7 – 8%, thậm chí 10% chăng nữa, đất nước vẫn mãi mãi lẹt đẹt sau thiên hạ. Tôi muốn nhắc lại điều mà tôi đã từng nói nhiều lần: chỗ nghẽn lớn nhất trong phát triển hiện nay của xã hội ta là giáo dục!

Đối xử với người tài cũng là một vấn đề yếu kém của Việt Nam. Yếu kém đó bộc lộ rõ nhất trong vài ba chục năm nay, vào đúng thời kỳ kinh tế tri thức – kinh tế tài năng. Không phải cứ đất nước nào đông dân, giàu tài nguyên, sẽ sớm giàu mạnh mà giàu mạnh chỉ thuộc về đất nước nào biết coi trọng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng. Một dân tộc, lớp trẻ kém hơn cha ông, đó là bi kịch. Tôi lo rằng giáo dục yếu kém không đủ hấp dẫn đã và sẽ tiếp tục làm gia tăng hiện tượng “chạy trốn giáo dục trong nước” bằng du học nước ngoài hoặc du học tại chỗ…

Trung thực trong giáo dục những năm qua được đề cập đến một cách khá ráo riết, quyết liệt bằng rất nhiều tuyên bố với từ “không”, nhưng dường như vẫn chưa đủ…

Chúng ta không thể sa lầy mãi với “hai không”, “ba không” hay “năm không”; khẩu hiệu chống tiêu cực trong thi cử được đề ra mấy năm trước là rất mâu thuẫn vì thực tế quá nhiều tiêu cực: thi cử thì đầy phao, quay cóp, rồi bệnh thành tích…; xã hội thì tham nhũng tràn lan và các gia đình ít nhiều đều dính dáng, thế nên cả phụ huynh lẫn học sinh đã dần dà thấy chuyện đó cũng bình thường, không còn là chuyện đạo đức nghiêm trọng… Nên thấy rõ là tiêu cực nhất trong thi cử không chỉ là quay cóp. Đó chỉ là bề mặt!

Cả đời dạy học, giáo sư nghĩ như thế nào về chữ “nghèo” ?

Người ta không chỉ nghèo hay giàu bởi đồng tiền!

Thưa giáo sư, còn chữ “danh”?

Tôi thấy có một nghịch lý ở đời: người nào háo danh, ắt danh sẽ không tới. Chúng ta có khá nhiều viện sĩ này, viện sĩ nọ… nhưng theo tôi biết, đó chỉ là danh dỏm, là hình thức. GS Lê Văn Thiêm – thần tượng của tôi – có là nhà giáo ưu tú hay nhà giáo nhân dân gì đâu!

Cảm ơn và chúc mừng giáo sư!

thực hiện: Kim Hoa
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường

Nguon: http://sgtt.vn/Loi-song/141950/Trung-thuc-sang-tao-va-tu-do.html


Âm lịch

Ảnh đẹp