|
Lê Quý Đôn là người có
hoài bão lớn, có tư tưởng canh tân đất nước, nhưng không được thỏa
chí. Bởi thế, đến cuối đời ông vẫn ôm một nỗi "bất đắc chí". |
Năm Cảnh Hưng 23 (1762) ông đi sứ bên Tàu về được sung chức Hàn lâm viện
thừa chỉ, lúc bấy giờ văn thư và sử sách của Triều đình bị thất lạc rất
nhiều, cho nên Triều đình lập ra "Bí thư các" để thu thập, tàng trữ.
Lê Quý Đôn được chọn làm Học sĩ của "Bí thư các" cùng với Lê Trạch hầu
Nguyễn Bá Lâm (đậu Tiến sĩ khoa Tân Hợi 1731), hai ông đã có công tàng
trữ sử sách cho đời sau.
Năm 1764, chưa đầy 40 tuổi nhưng Lê Quý Đôn đã nung nấu tư tưởng làm một
cuộc cải cách xã hội đang trên đà suy bại, thành một xã hội lành mạnh,
bình yên, thịnh trị, mà những điều ông đã nghiền ngẫm qua sách vở thành
hệ thống.
Trong tác phẩm Quần thư khảo biện, tư tưởng lấy dân làm gốc của ông chỉ
rõ "Gốc của nước vốn ở dân, sinh mệnh của Vua cũng ở dân. Cường thần,
nội biến, địch quốc, ngoại hoạn cũng chưa đủ lo âu, nhưng khi lòng dân
lung lay, tức là có mối lo ở đó".
Lê Quý Đôn dâng sớ bản thiết định pháp chế. Về phương diện chính trị ông
muốn tổng hoà cái thuyết đức trị, nhân trị của Nho gia và cái pháp trị
của Pháp gia (Tuân Tử).
Ông chủ trương dùng nguyên lý "Đạo chi dĩ Đức, Tề chi dĩ Lễ" (lấy Đức mà dẫn đường cho dân, lấy Lễ khiến cho dân nhất trí).
Càng dấn thân vào nghiệp chính trị, Lê Quý Đôn càng ý thức được rằng:
Phải có quyền lực thực sự đứng đầu Triều đình thì mới đủ điều kiện thực
thi cải cách...
Chúa Trịnh Sâm biết rõ năng lực và hoài bão của Lê Quý Đôn, một mặt rất
cần ông, nhưng mặt khác vẫn dè dặt khi cất nhắc. Không bao giờ họ Trịnh
lại trao cái quyền lớn nhất cho Lê Quý Đôn.
Ông cũng nhận ra điều ấy, với Lê Quý Đôn điều này càng nghiệt ngã bởi
cái chí của ông quá lớn đối với hoài bão thứ nhất này không được viên
mãn cho đến cuối đời vẫn ôm nỗi "bất đắc chí".
Trần Hồng Đức