09/03/2012 15:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 50104
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong lịch sử Phật giáo, Ngộ Không có thật, là con người bằng xương bằng thịt chứ không phải một chú khỉ như trong kiệt tác “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân.

Sách “Tống cao tăng truyện” chép rõ, Ngộ Không là người Vân Dương Kinh Triệu, tên Phụng Triều, thuộc dòng dõi hoàng tộc Thác Bạt nhà Bắc Ngụy. Từ nhỏ, Ngộ Không đã có tư chất thông minh, một lòng hiếu thuận phụ mẫu. Trước khi xuất gia, ông phụng mệnh đi sứ Tây Vực (nay là khu vực Kashmir của Ấn Độ), nhưng lâm bệnh nặng tại đây vào năm Thiên Bảo thứ 12 (753) và quyết định xuất gia tu hành, lấy hiệu là Dharmadhâtu (tiếng Hán là tăng Pháp Giới).

Tới năm 29 tuổi, ông ngao du khắp các đền từ. Khi Ngộ Không tới Cốt Đột quốc, bỗng nhiên đất rung núi chuyển, mưa gió bão bùng. Ông liền tìm tới một gốc cây trú tạm. Lúc này cũng có nhiều thương nhân đang tránh mưa tại đây. Mọi người bèn xôn xao bàn tán, cho rằng cảnh tượng kỳ lạ này là do có người mang theo xá lợi Phật, khiến Long thần nổi giận. Biết chuyện, Ngộ Không bèn cầu xin Long Thần cho mưa lặng gió hòa, quả nhiên, trời đang tối đen mù mịt bỗng tạnh ráo sáng bừng.

Sau khi tới Liên Hoa tự tại Kuchya (tiếng Hán là Quy Tư), ông miệt mài dịch cuốn Kinh “Phạm bổn thập địa hồi hướng luân thập lực tam kinh” sang Hán văn. Tới năm Trinh Nguyên thứ 5 (789), sau gần 40 năm ở lại Tây Vực, Ngộ Không đem kinh về Trường An. Ông chính thức tu hành tại Chương Kính tự, lúc đó mới lấy hiệu là Ngộ Không. Khi ấy, ông đã hơn 60 tuổi.

Tạo hình Tôn Ngộ Không trong "Tây Du Ký".

Trong khi đó, các nhà khảo cổ Trung Quốc lại phát hiện ra một nguồn gốc khác của Tôn Ngộ Không từ những bức bích họa có niên đại hơn 1.000 năm. Những bức vẽ này được tìm thấy trong Động Thiên Phật, cách huyện Tây An, tỉnh Cam Túc khoảng 90 km. Các bức hình có cảnh một vị hòa thượng và “Hầu hình nhân” (khỉ hình người) đang trang nghiêm chắp tay hành lễ, hướng mặt về phía Phật Bà Quan Âm trên đài Kim Cương bảo thạch. Bốn bức hình khác khắc họa chi tiết thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, tương tự như câu chuyện trong “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân sau này.

Những bằng chứng sinh động của lịch sử đã góp phần quan trọng giúp nhóm nghiên cứu tìm ra hình mẫu thực của Tôn Ngộ Không trong cuộc sống đời thường. Theo giáo sư Hà Văn Kiệt, trưởng nhóm nghiên cứu, Tôn Ngộ Không thực chất là một người đàn ông có tên Thạch Bàn Đà, quê tại thành Tiên Dương, người dân tộc Hồ. Ông có ngoại hình xấu xí, thô kệch, kỳ quái, nên có biệt danh là “Hầu hình nhân”. Tuy nhiên, người dân trong vùng ai ai cũng yêu quý Thạch Bàn Đà, bởi ông tính tình thực thà, thông minh nhanh nhẹn, võ nghệ cao cường, thường hay cứu mạng dân lành, diệt trừ thú dữ.

Vào năm 629, khi Đường Tăng dừng chân tại vùng Tiên Dương đã có cuộc hội nghộ kỳ diệu với “Hầu hình nhân”. Biết tin Huyền Trang đang giảng kinh, người đàn ông xấu xí này liền tìm tới nghe, rồi bị cảm hóa, thấm dần tư tưởng nhà Phật. Ông một người một ngựa, tự nguyện tháp tùng Đường Tăng tới Tây Thiên, cùng sư phụ vượt mọi gian nan, hiểm trở trên đường lấy kinh.
Theo: baodatviet.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp