19/02/2012 18:59 (GMT+7)
Số lượt xem: 201052
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(Nén tâm hương tưởng nìệm Cố Hòa Thượng Ân sư thượng HUỆ  hạ HƯNG Giác Linh)   Ngưỡng bạch Giác Linh Hòa Thượng Ân Sư,   Quạnh hiu trên bến sông buồn, Đồng Tháp nước chảy về nguồn nhớ thương, Bao nhiêu nước chảy bấy nhiêu buồn; Thầy ơi ! Trăng nước còn xót xa.


Mỗi độ Xuân về, trong ký ức chúng con lại gợi nhớ biết bao kỷ niệm tình nghĩa thiêng liêng với một vị ân sư lại hiện về. Chúng con có phúc duyên được học luật và hầu bên cạnh Hòa thượng Ân sư phút cuối đời.

 

 Hòa thượng Ân sư có hình dáng vừa tầm, hiện thân phạm hạnh để hoằng dương Luật tạng, hưng hiển Phật pháp. Đời sống giản dị thanh bần, luôn thể hiện “Thiểu dục tri túc” để nêu gương sáng cho hàng hậu học. Mặc dù giản dị nhưng lại chứa đựng bên trong một nguồn năng lực dồi dào, bất khả tư nghì.  Lúc sinh tiền có học tăng đến Hòa thượng thường dùng câu trong Khế kinh để khuyến hóa : "Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc, bất chi túc chi nhơn, tuy xứ thiên đường diệt bất xưng ý". Nghĩa là: Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc, trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý. 

 

Nhớ những năm sau khi thống nhất đất nước, đầu thập niên 80, Hòa thượng mở lớp dạy Luật, thời điểm ấy hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, cơm gạo áo tiền thật túng thiếu. Nhưng Hòa thượng Ân sư vẫn kiên nhẫn chịu đựng, chắc chiu dành dụm để hoàn thiện tâm nguyện làm sao để duy trì Luật tạng cho mai sau có người tiếp nối hoằng dương chuyên ngành Giới Luật học và dịch thuật Hán nôm. Đối với hàng hậu sinh chúng con mãi nhớ hình ảnh Hòa thượng chăm lo cho chúng con từng bữa ăn, buổi tối Hòa thượng đi từng giường để tấn mùng và nhè nhẹ kê gối, đắp chăn cho chúng con khi say mê trong giấc ngủ, vỗ về an ủi, động viên khi mắc phải sai lầm . . . Thật êm đểm dịu ngọt như mẹ hiền nâng niu từng đứa con một.

Bao nhiêu năm Hòa thượng ân sư đã sẳn sàng giúp cho Thiền sư Duy Lực tổ chức những tuần lễ Thiền thất tại Tu viện Huệ Quang. Tứ chúng Phật tử đến đây dự những buổi Thiền thất, trãi năm tháng trong ký ức vẫn không quên hình ảnh của một Luật sư mô phạm đã lo từng bữa ăn giấc ngủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng việc tu tập tham thiền tại Tu viện Huệ Quang.

Chúng con nhớ một lần Hòa thượng cùng Sư thúc Minh Cảnh đến Tổ đình Từ Ân Thiền Tự, Quận 11 để tiển Thiền sư Duy Lực sang Hoa Kỳ hoằng pháp, nơi đây con vô cùng phúc hạnh, được pha ấm trà để dâng lên các Ngài trong buổi chia tay, để rồi kẻ bên kia hơn nửa vòng trái đất, người ở quê nhà mà vẫn cùng nhịp tim cùng  hơi thở, quyết tâm cùng chí hướng.

Hai vị tiền bối cùng trao đổi với nhau về việc hoằng truyền Giới luật, dịch thuật kinh điển, hoằng dương Tổ Sư thiền và cùng nhau hợp tác trong tương lai khi Viện Chuyên Tu tại Đại Tòng Lâm hình thành.

Hình bóng và âm vang của nhị vị tiền bối mãi mãi trong tâm hồn chúng con để làm tư lương cho hành trình tu tập và chuyển hóa nội tâm cũng như tiếp nối các Ngài trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp. . .

Cuối đời ước nguyện lớn của Hòa Thượng Ân sư là làm sao để tiếp tục thực hiện những điều mà Hòa thượng Ân sư đã hứa với Đại lão Hòa thượng Phó Tăng Thống Thích Thiện Hòa trong việc gìn giữ và phát triển Tổ Đại Tòng Lâm cho xứng tầm với công cuộc hòa nhập cộng đồng, phát triển của Đạo pháp và Dân tộc. Thế nhưng lực bất tòng tâm bởi tuổi cao sức yếu.

 

Sau khi viên tịch, Hòa thượng Ân sư để lại di chúc với ba ước vọng lớn:

 

1. Thành lập một lớp hoằng giới

2. Thành lập tu viện chuyên tu

3. Mở lớp huấn luyện trụ trì

 

 Với uy đức, khả năng và lòng tận tuỵ với Phật Pháp như vậy, Hòa thượng Ân sư được chư Tăng quy kính và cung thỉnh vào cương vị một số chức vụ từng đảm nhiệm:

 

1. Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN

2. Trưởng ban Phật giáo chuyên môn Viện nghiên cứu Phật học VN

3. Hiệu phó trường Cao cấp Phật học VN

4. Phó ban trị sự Thành hội Phật giáo TP. HCM

5. Tổng lý Hội đồng quản trị tổ đình Ấn Quang.

6. Trụ trì chùa Kim Huê (Sa Đéc), tu viện Huệ Quang.

 

Mặc dù hết sức bận rộn với công việc của bổn tự, đạo tràng cũng như là công việc của Giáo Hội,  Hòa thượng Ân sư cũng tranh thủ từng chút thời gian để nghiên cứu, sáng tác và dịch thuật số lượng nhiều sách cho tư tưởng, văn hoá, giáo dục Phật Giáo. Cái đáng quý của đời người không phải tính đếm bằng năm  tháng ngày giờ đã sống mà là những gì Hòa thượng Ân sư đã làm được và để lại cho đời. Quả thật, Hòa thượng Ân sư tùy duyên hóa độ và tận tụy với Hoằng pháp lợi sanh, chẳng kể gian lao, không từ khó nhọc. Người xưa có nói “Bồ Tát dĩ lợi sanh vi bổn hoài”, thật khế hợp với Hòa thượng Ân sư biết bao. Những gì cần nói, Hòa thượng Ân sư đã nói, những nơi cần đến, Hòa thượng Ân sư đã đến, những gì cần làm, Hòa thượng Ân sư đã làm. . .

 

Nay nhân dịp lễ Tưởng niêm ngày Viên tịch lần thứ 22, chúng con cung kính ôn lại hành trạng của Ngài để nêu gương sáng cho hàng hậu học :

 

 

 

 

Tiểu sử

Hòa Thượng THÍCH HUỆ HƯNG

    ( 1917 - 1990 )

 

Phụng vì Việt Nam Phật Giáo, Giáo hội Tăng sự Ban Trưởng, tự Lâm Tế Chánh Tông,Tam thập cửu thế Thượng Huệ Hạ Hưng, húy Ngộ Trí Nguyễn Công Hòa Thượng giác linh.

 

Hỡi ơi!

Đàn truyền giới thiếu Thầy, Hòa Thượng

Chùa Huệ Quang vắng bóng Tôn Sư

Mây trắng phủ đầy trời Bát Nhã

Hoa Đàm rơi rụng cả lối về.

Hòa thượng Thích Huệ Hưng, húy Ngộ Trí thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 39, là đệ tử Sư tổ Vạn An (Sa Đéc ).

Ngài thế danh là Nguyễn Thanh Chẩm, sanh năm Đinh Tỵ (1917) Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 2, tại làng Mỹ Thọ, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ Nguyễn Minh Biện, pháp danh Minh Chiếu, thân mẫu là cụ Trần Thị Mậu pháp danh Diệu Thiệt. Năm 62 tuổi, cụ bà xuất gia thọ giới Sa Di Ni.

Là con trưởng trong gia đình gồm bảy anh em, Ngài dìu dắt các bào đệ bước vào lộ trình giải thoát như :

1/ Thượng tọa Thích Huệ Viên, trụ trì chùa Sơn Bửu,Vũng Tàu.
2/ Thượng tọa Thích Minh Cảnh, trụ trì tu viện Huệ Quang.
3/ Ni Sư Thích Nữ Như Trí (đã viên tịch năm 1978).
4/ Ni Sư Thích Nữ Như Diệu, trụ trì tu viện Diệu Đức, Quận Bình Thạnh.

Vốn sanh trong gia đình trung lưu phúc hậu, nhiều đời kính tín Tam Bảo, sâu trồng ruộng phước Tăng già, Ngài sớm nhận thức cảnh trần gian ảo mộng, cuộc đời giả huyễn vô thường. Ngài đến núi Sập để tìm nơi tu dưỡng, hằng ngày lo niệm Phật tụng kinh. Cơ duyên hội đủ, Ngài được Tổ Vạn An (Sa Đéc) cho thế phát năm Mậu Dần (1938), lúc ấy Ngài vừa tròn 21 tuổi.

Năm Nhâm Ngọ (1942) Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 27, Tổ Vạn An khai đàn trao giới, Ngài chính thức thọ Sa Di. Vốn thông minh sẵn có và lòng khát ngưỡng Đại Thừa, ngày đêm Ngài tinh tấn tu hành, lo phụng trì chánh giới.

Năm Quý Mùi (1943) Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 28, Tổ Vạn An biết Ngài là bậc pháp khí Đại Thừa, xứng đáng ngôi Long Tượng của Phật pháp bèn quyết định cho thọ Tỳ Kheo Bồ Tát Giới tại chùa Viên Giác ở Vĩnh Long. Sau đó ở lại chùa này học kinh luật trong mười tháng rồi qua chùa Phước Duyên ở Mỹ Tho tu học cho đến năm 1945, Ngài vào học tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên - Trà Vinh được 6 tháng. Vì tình hình chiến sự trong nước, Ngài phải trở về học với Hòa thượng Hành Trụ tại chùa Long An - Sa Đéc.

Cuối mùa đông Đinh Hợi (1947), Ngài cầu học với Hòa Thượng Thích Trí Tịnh tại Phật Học Đường Liên Hải - Sàigon.

Năm Tân Mão (1951), Ngài dưỡng bệnh tại chùa Giác Nguyên - Khánh Hội (Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh), đồng thời dạy kinh pháp cho Tăng chúng. Cũng tại chùa Giác Nguyên này, Ngài phiên dịch kinh Duy Ma Cật và Kim Cang Giảng Lục.

Năm Giáp Ngọ (1954), với hoài bão “ Hoằng pháp là nhà, lợi sanh là sự nghiệp”, Ngài đã phụ giúp Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, viện chủ chùa Ấn Quang giảng các bộ kinh Đại Thừa.

Năm Ất Mùi (1955), Ngài làm Phó Liên trưởng Hội Cực Lạc Liên Hữu do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chánh Liên trưởng.

Năm Bính Thân (1956), Ngài sang Nam Vang dạy khóa hạ tại chùa Chuẩn Đề, khi trở về Ngài được mời làm trụ trì chùa Kim Huê - Sa Đéc.

Năm Đinh Dậu (1957), Giáo Hội Tăng Già Nam Việt mở khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai Sứ Giả” tại chùa Pháp Hội do Hòa Thượng Thích Thiện Hòa làm Trưởng ban và mời Ngài đảm nhiệm Phó trưởng ban kiêm Thư ký.

Năm Mậu Tuất (1958), Ngài giảng dạy tại Phật Học Đường Phước Hòa -Trà Vinh.

Năm Canh Tý (1960), Ngài mời Thượng tọa Huệ Phát giữ chức vụ trụ trì chùa Kim Huê để Ngài yên tâm nhập thất thiền định.

Năm Tân Sửu (1961) Đại giới đàn tại Vạn Thọ tự, Phường Tân Định, Sài Gòn Ngài được cung thỉnh Giáo Thọ A Xà lê.

Năm Nhâm Dần (1962), Ngài xây dựng Thiền viện Tập Thành ở Bà Chiểu và làm Yết Ma A Xà lê truyền giới sư Đại giới đàn Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang.

Năm Giáp Thìn (1964), ngài được mời làm giới sư tại Đại giới đàn Việt Nam Quốc Tự.

Từ năm Bính Ngọ (1966) đến Kỷ Dậu (1969) Ngài làm Giới sư truyền giới và  giáo sư tại Phật Học Viện Cao Đẳng Huệ Nghiêm, và giảng kinh Viên Giác tại chùa Tuyền Lâm.

Năm Canh Tuất (1970), Ngài khai sơn Tu Viện Huệ Quang rồi thường trụ và hành đạo tại đây. Ngài được mời làm giới sư tại các giới đàn: Linh Sơn Cổ Tự, Phường Cầu Muối, Quận Nhất, Sài Gòn, Tu viện Quảng Đức, huyện Thủ Đức (năm Tân Hợi - 1971), Huệ Quang, Chùa Phật Ân  - Mỹ Tho (năm Nhâm Tý - 1972), Phước Huệ - Nha Trang (năm Quý Sửu - 1973), Phật Học Viện Hải Đức, Chùa Long Sơn – Nha Trang, Quảng Đức - Long Xuyên (năm Giáp Dần - 1974) Tổ đình Ấn Quang (Ất Mão – 1975) và được mời làm thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng được suy cử làm Tổng lý Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang.

Từ năm Bính Thìn (1976)  đến Canh Thân (1980), hai Đại giới đàn Quảng Đức và Thiện Hòa được mở ra tại chùa Ấn Quang, Ngài được cung thỉnh làm Yết Ma A Xà Lê.

Năm Mậu Ngọ (1978) Đại giới đàn tổ chức tại Chùa Giác Sanh, Quận 11, Tp. Hồ Chí Minh, ngài được cung thỉnh đương vi Yết Ma A Xà lê.

Năm Canh Thân (1980) Đại giới đàn tổ chức tại Tổ đình Ấn Quang, Ngài được cung thỉnh đương vi Yết Ma A Xà lê.

Năm Nhâm Tuất (1982), Thành Hội Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ I đề cử ngài giữ chức vụ Phó Ban Trị Sự Thành hội kiêm Ủy Viên Giáo Dục Tăng Ni.

Năm Giáp Tý (1984), Ngài là giới sư Đại giới đàn do Thành Hội Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại chùa Ấn Quang. Đồng thời Ngài được mời giảng dạy tại các trường hạ do Thành Hội tổ chức cùng giữ chức Hiệu Phó kiêm giảng viên trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam cơ sở 2.

Năm Đinh Mão (1987), Đại Hội Phật Giáo nhiệm kỳ II, Ngài được tái cử chức vụ Phó Ban Trị Sự Thành Hội. Mùa an cư năm này, Ngài làm Thiền chủ trường hạ do Thành Hội tổ chức tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Tháng 10/1987, Ngài đi dự Đại Hội Phật Giáo toàn quốc kỳ II tại Hà Nội. Ngài được tấn phong Hòa thượng và được đề cử làm Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Năm Mậu Thìn (1988), Ngài làm Yết Ma A Xà Lê tại Đại giới đàn do Thành Hội Phật Giáo tổ chức lần thứ II tại chùa Ấn Quang.

Năm Kỷ Tỵ (1989), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam được thành lập, Ngài được cử làm Trưởng ban Phật giáo chuyên môn.

Cuộc đời hành hóa của Ngài rất bình dị, chơn tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng con đường giáo dục. Ngài là một luật sư giáo thọ của Tăng Ni, Phật Tử trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Trong sự nghiệp tham thiền và giảng dạy, Hòa Thượng đã phiên dịch:

- Kinh Duy Ma Cật.
- Kim Cang Giảng Lục.
- Lược Sử Đức Lục Tổ.
- Pháp môn tu chứng Lăng Nghiêm Đại  Định.
 
Chưa xuất bản:

- Kinh Phật thuyết Đương Lai Biến.
- Kinh Phật thuyết diệt tận.
- Tập Tri Kiến Giải Thoát.

Đang soạn dịch:

- Kinh Phạm Võng Hiệp Chú.

Theo năm tháng trôi qua, bốn đại tùy duyên thuyên giảm, Ngài ngọa bịnh tại thiền sàng. Chẳng bao lâu Hòa thượng thu thần viên tịch vào ngày 28 tháng Giêng năm Canh Ngọ (23 –02 - 1990).

 

Ngài trụ thế được 74 Xuân, với 46 hạ lạp. Bảo tháp Ngài được xây dựng tại Đại Tòng Lâm - Bà Rịa để cùng đứng chung với các vị tiền bối đã kiến tạo nên cơ sở Tổ đình Ấn Quang.

 

Phụng vì Việt Nam Phật Giáo, Giáo hội Tăng sự Ban Trưởng,
tự Lâm Tế Chánh Tông, Tam thập cửu thế  Thượng Huệ Hạ Hưng,
húy Ngộ Trí Nguyễn Công Hòa Thượng giác linh.

 

(Biên tập Tiểu sử theo Danh Tăng VN & Kỷ yếu Tưởng Niệm Cố Hòa Thượng Thích Huệ Hưng

 - Tu Viện Huệ Quang)

 

Thích Vân Phong

 


Âm lịch

Ảnh đẹp