24/01/2012 11:22 (GMT+7)
Số lượt xem: 112920
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có rất nhiều nhân vật, những tên tuổi lớn trong lịch sử của Việt Nam đã được sinh ra và cũng mất đi trong năm Thìn. Tên tuổi của họ gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và tạo nên một văn hóa Việt giàu bản sắc.

Theo quan niệm của người Việt, người tuổi Thìn rất trung thực, năng nổ nhưng rất nóng tính và bướng bỉnh. Họ là biểu tượng của quyền lực, sự giàu có, thịnh vượng và của hoàng tộc. Dưới đây là những nhân vật lịch sử nước Việt đã sinh ra và mất đi trong năm con rồng.

Những danh nhân đất Việt tuổi con rồng

Còn nhiều tranh cãi về năm sinh nhưng nhiều ý kiến cho rằng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sinh năm Nhâm Thìn 1232 và mất năm 1300. Ông là danh tướng thời nhà Trần, anh hùng dân tộc, người có công rất lớn trong ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Đồng thời ông còn là một nhà nghiên cứu quân sự với các bộ binh pháp Binh thư yếu lượcVạn Kiếp bí truyền.

Trần Hưng Đạo được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh, nên còn được gọi là Đức thánh Trần. Ông nổi tiếng với thiên tài chỉ huy quân sự, tính cương quyết và sự khảng khái. Trong tác phẩm ‘Hịch tướng sĩ’, Trần Hưng Đạo đã đi vào lịch sử với những áng văn hùng hồn mà chứa chan lòng yêu nước “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.

Tượng đồng Trần Hưng Đạo tại Nam Định

Thầy giáo Chu Văn An tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần. Ông được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An.

Ông sinh năm Nhâm Thìn 1292 mất năm 1370. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Trì), nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Chu Văn An là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng và có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam.

Vua Trần Minh Tông từng vời ông ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông. Đến đời Trần Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông được lịch sử tôn xưng là ‘Vạn thế sư biểu’ (người thầy của muôn đời).

Tượng Chu Văn An

Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu. Ông sinh ngày 2/2/1916 (Bính Thìn) và mất ngày 18/12/1985), là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông nổi tiếng từ phong trào Thơ mới, được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình” và được Hoài Thanh và Hoài Chân đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam

Ông quê ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha là ông Ngô Xuân Thọ và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp.

Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh. Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào "Thơ Mới". Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945).

Trần Quang Diệu (1760[–1802), tuổi Canh Thìn là một trong Tây Sơn thất hổ. Ông cùng với vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã cố sức chiến đấu để bảo vệ vương triều này, nhưng không thành công, và cả hai đều bị vua Gia Long xử tội chết.

Ngoài ra, còn rất nhiều những danh nhân trong lịch sử sinh ra trong năm Thìn như: Không Lộ Thiền Sư (1016-1094), năm Bính Thìn, người được coi là ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Lộ (1400-1442), tuổi Canh Thìn, là vợ thứ của Nguyễn Trãi và là một nữ quan nổi tiếng nhà Hậu Lê, gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên. Nguyễn Như Đổ (1424-1526), tuổi Giáp Thìn, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà giáo dục thời Hậu Lê. Phan Thanh Giản (1796-1867), tuổi Bính Thìn, là một danh sĩ, một đại thần triều Nguyễn.

Thời chống Pháp, lịch sử Việt Nam cũng có hai lãnh tụ khởi nghĩa tuổi Thìn. Trương Định (1820-1864) hay Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, tuổi Canh Thìn, là võ quan nhà Nguyễn, và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859-1864. Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926), lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19, lãnh tụ này tuổi Giáp Thìn.

Những danh nhân đã mất trong năm Thìn

Trong lịch sử, đã có rất nhiều những nhân vật mất đi trong năm Thìn vì những lý do khác nhau. Đa số tên tuổi của họ đều đã được dân dân biết ơn ghi lại trong tên những con đường, trường học… trên cả nước.

Bà Triệu Thị Trinh là danh nhân nổi tiếng đã mất trong một năm Thìn. Bà Triệu còn được gọi là Triệu Ẩu sinh năm 225 và mất năm Mậu Thìn 248. Bà là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam với công lao đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.

Tranh Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc Ngô

Năm Thìn còn chứng kiến sự ra đi của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765–1820). Là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam, ông được người Việt kính trọng gọi ông là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, Nguyễn Du được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Cho đến ngày nay, tác phẩm Truyện Kiều (tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn trường tân thanh) của Nguyễn Du vẫn luôn tồn tại trong đời sống của dân tộc Việt. Đây là một trong số ít các tác phẩm lớn được nhiều người dân đủ mọi tầng lớp học thuộc lòng. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá của một số cộng đồng người Việt. Nguyễn Du mất năm 1820, năm Canh Thìn.

Đại thi hào Nguyễn Du

Nhà bác học Lê Quý Đôn tên thật Lê Danh Phương, là quan của nhà Hậu Lê đồng thời có thể coi là một nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực. Ông sinh năm Bính Ngọ 1726, tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình và mất năm Giáp Thìn 1784. Sinh thời Lê Quý Đôn nổi tiếng là người uyên bác, Với tài trí thông minh và kiến thức, Lê Quý Đôn đã để lại cho hậu thế khoảng 40 bộ sách, bao gồm hàng trăm quyển, có giá trị đủ các thể loại như lịch sử, địa lý, thơ, văn, chú giải kinh điển, triết học, lý số. Có thể kể ra như: Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ…

Lịch sử còn ghi lại sự ra đi của rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong năm Thìn như: Huyền Trân công chúa sinh năm 1287, mất năm Canh Thìn 1340, người đã được gả cho vua Chiêm Thành (Champa) là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị) , mở rộng thêm bờ cõi nước Việt ngày nay. Năm Canh Thìn 1340 còn chứng kiến sự ra đi của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, người đã góp công lớn trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược.

Năm Mậu Thìn 1448 cũng là năm mất của hai khai quốc công thần nhà Hậu Lê là Lê Văn Linh và Nguyễn Chích. 180 năm sau, cũng là năm Mậu Thìn 1628, Tể tướng Nguyễn Văn Giai công thần "khai quốc" thời Lê trung hưng, nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc, đồng thời cũng là một nhà thơ thời Lê - Trịnh cũnng qua đời.

Nguyễn Hữu Cảnh, mất vào năm Canh Thìn trong một cuộc nam chinh. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Thành, sinh năm 1650, là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó, miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ Đại Việt, tức Việt Nam ngày nay.

Giai thoại dân gian kể rằng: Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm từng có mối ân tình với nhau với câu đối “Da trắng vỗ bì bạch nổi tiếng”. Có một điều đặc biệt là hai nhân vật của lịch sử này đều mất vào năm Mậu Thìn 1748. Bà Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, hiệu là Hồng Hà Nữ Sĩ. Bà là tác giả tập truyện Truyền kỳ tân phả, và là dịch giả bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Còn Cống Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh, ông sinh năm 1677, nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ Trạng nguyên.

Còn rất nhiều nhân vật lịch sử khác mà tên tuổi của họ gắn liền với năm Thìn. Dù sinh ở thế hệ nào nhưng có một điều chắc chắn là những công lao của họ không có tuổi. Họ luôn sống mãi trong lịch sử, đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt.

Lăng Nhu

Theo Infonet

http://www.zing.vn/news/xa-hoi/nhung-danh-nhan-va-nam-thin-trong-lich-su-viet-nam/a231788.html


Âm lịch

Ảnh đẹp