05/05/2013 06:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 157786
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cố HT. Thích Tịnh Nhãn ,Trú trì chùa Giác Hoàng, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định (1948 - 2013)


I. THÂN THẾ:

Hòa thượng thế danh là Trương Minh Sơn, pháp danh Đồng Thanh, tự Tịnh Nhãn, hiệu Trí Đức, thuộc dòng phái Thiền Lâm Tế đời thứ 43.

Hòa thượng sinh ngày 05 tháng 12 năm 1948, trong gia đình thuần tín Tam Bảo tại thôn Nhơn Nghĩa Đông, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Trương Tri pháp danh Như Ngộ, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Nữ pháp danh Như Hiền, thọ Bồ tát giới pháp tự Diệu Tướng. ông bà là người phúc đức nhân hậu, tín ngưỡng Phật giáo. Gia đình Hòa thượng có ba anh em, Hòa thượng là con trai thứ 2.

II. XUẤT GIA HỌC ĐẠO:

Vốn có túc duyên với Phật pháp, nên năm lên 9 tuổi, Hòa thượng được phép song thân, xuất gia đầu sư với Hòa thượng Bửu Tịnh, Viện chủ chùa Giác Hoàng, Bình Định.

Với bẩm chất thông minh mẫn tuệ, được Hòa thượng Bổn sư thương mến cho theo học trường Trung học Bồ Đề Nguyên Thiều, Tuy Phước và sau đó theo học tại trường Trung học Bán công An Nhơn. Hòa thượng đã tốt nghiệp văn bằng Tú Tài I.

          Năm 1968, lúc tròn 20 tuổi, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho phép thọ Tam Đàn Cụ Túc tại Đại Giới Đàn do Ban Đại Diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thời bấy giờ tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, Tp.Quy Nhơn. Trưởng lão Hòa thượng Thích Phúc hộ làm đường đầu. Hòa thượng Tâm Tịnh – Huệ Chiếu trưởng môn phái Tổ đình Long Khánh làm hóa chủ, Ngài được Hòa thượng Bổn sư ban Pháp hiệu là Trí Đức.

Sau khi hoàn thành Bán Phần Tú Tài, Hòa thượng xin phép Bổn sư vào Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp tục hoàn tất học vị Tú Tài. Những năm kế tiếp sau đó, tại chùa Giác Hoàng, Tăng chúng cũng thưa thớt, không đủ người lo công việc của chùa, lại thêm Hòa thượng Bổn sư hay đau bệnh, nên Bổn sư đã gọi Ngài về để thay thế lo Phật sự tại Bổn tự.

III. HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH:

         Từ năm 1969 đến 1974, Hòa thượng đặt nặng vấn đề giáo dục, tham gia giảng dạy giáo lý Phật Đà và văn hóa tại trường Trung Tiểu Học Bồ Đề Nguyên Thiều, Diêu Trì, Tuy Phước. Đồng thời làm Tổng Giám thị tại bản trường.

         Ngày mồng 3 tháng Giêng nhăm Nhâm Tý (1972), Hòa thượng Bổn sư suy cử ngôi vị trú trì chùa Giác Hoàng, tiếp nối Tổ nghiệp từ Bổn sư truyền lại, chức vụ trú trì là một trọng trách to lớn, nhưng vâng lời Hòa thượng Bổn sư, Ngài đã tiếp nhận và cũng chu toàn các Phật sự tại Bổn tự mà Hòa thượng Bổn sư giao phó.

        Năm 1992, Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Bình Định, thành lập trường Cơ bản Phật học Bình Định (tiền thân trường Trung cấp Phật học Bình Định), Ngài được Giáo hội mời đảm trách Chánh Thư ký kiêm Chánh văn phòng, đồng thời là Giáo thọ sư của bản trường từ khóa I đến khóa VI.

          Nhiệm kỳ 1992 – 1997, Ngài được Đại hội Phật giáo tỉnh Bình Định suy cử chức vụ Trưởng Ban hướng dẫn Phật tử của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.

          Năm 1994, Ngài được cung thỉnh Đệ Tứ Tôn Chứng A Xà Lê Đại Giới Đàn Phước Huệ, do Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, Tp. Quy Nhơn.

          Nhiệm kỳ 1997 – 2002, Ngài được Đại Hội Đại Biểu Phật giáo toàn quốc tấn phong lên ngôi vị Thượng tọa. Đồng thời được Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định suy cử vào Ban Thường Trực BTS với chức vụ Trưởng Ban Hoằng Pháp.

          Năm 2000 và 2004, Ngài được thỉnh cử vào Ban Kiến Đàn tại Đại Giới Đàn Chánh Nhơn và Huệ Chiếu đều được tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, Tp. Quy nhơn.

          Nhiệm kỳ 2002 – 2007, Ngài được suy cử Chánh thư ký và Trưởng Ban Hoằng Pháp Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định và tiếp theo là Nhiệm kỳ 2007 – 2012, Ngài được Đại Hội Đại Biểu Phật giáo tỉnh Bình Định tín nhiệm giữ chức Trưởng Ban Hoằng Pháp của Ban Trị Sự tỉnh nhà. Trong trách nhiệm Trưởng Ban Hoằng Pháp, năm 2008, Ngài đã cùng Chư tôn Đức Tăng Ni của Ban Hoằng Pháp tiến hành mở các lớp giáo lý cơ bản cho Thiện tín Phật tử tỉnh nhà tại các địa điểm:

- Tổ đình Long Khánh , Tp.Quy Nhơn, số lượng gần cả ngàn người.

- Chùa Giác Hoàng, thị trấn Bình Định, số lượng hàng trăm người.

- Chùa Hoằng Hóa, thị trấn Tam Quan, số lượng hàng trăm người.

          Năm 2009, tại Đại Giới Đàn Giác Tánh do Ban Trị Sự tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, Tp.Quy Nhơn. Ban Kiến Đàn cung thỉnh Ngài làm Chánh chủ khảo của Giới Đàn nầy.

          Năm 2007 – 2010, Ngài được Ban Trị Sự tỉnh nhà cung thỉnh giữ chức vụ Hiệu trưởng trường TCPH Bình Định.

          Tại Đại Hội Đại Biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII Nhiệm kỳ 2012 – 2017, Ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng. Và tại Đại hội Phật giáo tỉnh Bình Định lần thứ V Nhiệm kỳ 2012 – 2017 Ngài được suy cử làm Trưởng Ban Giáo Dục Tăng Ni Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.

          Suốt thời gian dài, Ngài tham gia công tác Phật sự và cọng hành cùng Chư tôn Thiền đức trong Ban Trị Sự, Ngài luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm và vô úy, đồng thời luôn hoàn thành trách nhiệm mà Giáo hội tỉnh nhà giao phó, tuy trong quá trình thực hiện không tránh khỏi các chướng duyên, nghịch cảnh nhưng đều vượt qua tất cả trong ý niệm trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội, lợi lạc quần sanh.

IV. CÔNG CUỘC TRÙNG TU:

Đối với Ngôi Phạm vũ Giác Hoàng, từ khi Ngài nhận trách nhiệm trú trì, tiếp nối Tổ nghiệp, truyền trì mạng mạch Phật pháp, Ngài luôn canh cánh bên lòng, nuôi dưỡng hoài bão kiến thiết xây dựng các hạng mục của chùa Giác Hoàng. Hoài bão ấy Ngài đã thực hiện như:

- Năm 2005, xây dựng Tăng xá làm nơi cư trú cho Chư Tăng Bổn tự.

          - Năm 2008 – 2010, Ngài xây dựng mới toàn bộ Tổ đường khang trang,  làm nơi phụng thờ Lịch Đại Tổ Sư, và Chư hương Linh quá cố của Bổn tự. Xây dựng một Trai Đường rộng thoáng có nơi sử dụng cho Chư Tăng và Phật tử vào các ngày kỵ giỗ của chùa.

          - Năm 2011, xây dựng đông đường để có nơi mở khóa tu Bát Quan Trai và Chánh niệm cho Phật tử hàng tháng.

          - Từ năm 2012 - 2015, Ngài dự kiến hoàn thành các hạng mục còn dang dở: Nới rộng thêm Đông Đường, xây dựng nhà Trù, tháp Chuông. Đồng thời, dự kiến tương lai sẽ xây dựng một Đại Giảng Đường làm nơi tu tập và sinh hoạt cho Chư Tăng và Thiện tín Phật tử tại địa phương.

         - Năm 2015, ngôi chùa Giác Hoàng được tròn 100 năm tuổi, Ngài định tổ chức Lễ Kỷ Niệm Long trọng để ghi dấu vào trang lịch sử Phật giáo các tự viện tỉnh nhà.

         - Năm 2016, Ngài dự kiến Đại Trùng Tu công trình cuối cùng đó là ngôi Đại Hùng Bảo Điện cho thật nghiêm trang.

Sở dĩ, Ngài chưa vội trùng tu ngôi Đại Hùng Bảo Điện là để Kỷ niệm cho ngày Tưởng niệm trăm năm tuổi ngôi cổ Giác Hoàng.

V. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG:

Mặc dù công tác xây dựng các công trình của Bổn tự còn bề bộn, nhưng Ngài phát nguyện châu du thuyết pháp, đem giáo lý chứng ngộ của Đức Thế Tôn trao truyền cho mọi người được thấm nhuần nguồn tuệ giác thậm thâm ấy, mục đích làm cho tất cả mọi người hiểu và thực hành tu tập giáo lý vô thượng để chuyển hóa thân và tâm được an lạc, hạnh phúc. Ngài không những chỉ thuyết pháp cho Phật tử trong nước mà Ngài còn chia sẻ giáo lý cho các Phật tử tại các nước Mỹ, Đức, Úc châu…

Sáng ngày 29 tháng 4 năm 2013, Ngài và Chư tôn đức Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh nhà tham dự Lễ tưởng niệm và Cung tống Kim quan trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Thành viên Hội Đồng Chứng Minh, Phó chủ tịch Thường Trực Hội Đồng Trị Sự GHPGVN trà tỳ tại lò thiêu Bình Hưng Hòa. Chiều cùng ngày, Ngài và Chư tôn đức Phật giáo tỉnh nhà về lại Bình Định trên chuyến bay VietnamAirline, Ngài vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, cười nói vui vẻ, không có chút biểu hiện đau ốm. Than ôi! Vô thường sanh già bệnh chết không hẹn một ai cả, bóng quang âm thấp thoáng, thân ảo mộng sanh sanh diệt diệt, trải qua trên 60 năm sống giữa cuộc đời, hòa đồng nhân thế. Nhân duyên quả mãn, Hòa thượng đã an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 23h30 ngày 20 tháng 3 năm quý tỵ (ngày 29/4/2013) tại chùa Giác Hoàng, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, thọ thế 66 năm, Hạ Lạp 46 năm.

Cả cuộc đời của Hòa thượng thể hiện nếp sống tam thường bất túc, giản dị, khiêm tốn và nhã nhặn với tha nhân. Hòa thượng luôn thương yêu đồ chúng và hết lòng phụng sự Tam Bảo, báo Phật ân đức, tiếp dẫn hậu lai, không từ nan một Phật sự nào và luôn hoan hỷ trong mọi hoàn cảnh. Hòa thượng thường sách tấn đồ chúng tu tập, mang nặng ưu tư về tiền đồ của Phật pháp, cho nên Hòa thượng đã đem pháp âm nhiệm mầu truyền bá khắp nơi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ Cao nguyên đến Đồng bằng, không những trong nước mà ra tận nước ngoài. Hòa thượng luôn luôn khuyến hóa mọi người nên tinh tấn dõng mãnh trên con đường tu tập để thoát ly sanh tử luân hồi. Hòa thượng xứng đáng là bậc Cao Tăng xuất trần, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, Tòng Lâm mô phạm. cuộc đời của Ngài đã cống hiến cho đạo pháp, sơn môn đồ chúng, pháp hữu tình gần nưã thế kỷ”

“Đạo nghiệp Tôn sư in góc biển.

Bóng vang Hoàng hạc khuất chân mây”.

Đạo phong của Ngài, pháp âm của Ngài vẫn lưu mãi với thời gian. Sự ra đi của Ngài vào cõi Niết Bàn Vô Dư đã để lại bao nỗi niềm tiếc thương vô hạn đối với Tử đệ, Sơn môn Pháp phái, Chư tôn Đức Tăng Ni và Thiện tín Phật tử gần xa.

NAM MÔ LÂM TẾ CHÁNH TÔN TỨ THẬP TAM THẾ Giác Hoàng ĐƯỜNG THƯỢNG Húy Thượng ĐỒNG Hạ THANH, Tự TỊNH NHÃN, Hiệu TRÍ ĐỨC HÒA THƯỢNG GIÁC LINH TÂN VIÊN TỊCH thùy từ chứng giám.


Âm lịch

Ảnh đẹp