Ngài sinh ngày
11-9-Giáp Tuất (1874) trong một gia đình họ Phạm tín kính Tam bảo ở thôn Trung
Kiên, tổng Bích La, huyện Đông Xương (nay là làng Trung Kiên, xã Triệu Thượng,
huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị, tỉnh kề cận với kinh đô. Thuở ấu thời, thế
danh của ngài Phạm Văn Phổ (Xuân Khiêm).
Chân dung Tổ sư cuối cùng của triều Nguyễn
Địa danh Trung Kiên ở Quảng Trị được biết đến là nơi có nhiều
người xuất gia và trở thành các bậc danh tăng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Có thể nêu
ở đây chư vị Tổ sư cao tăng như Thiền sư Đạo Minh Phổ Tịnh, Thiền sư Tánh Thiên
Nhất Định, Thiền sư Thanh Minh Tâm Tịnh… là những bậc tiền nhân của Quốc sư Tâm
Khoan. Sau ngài, còn có nhiều vị cao tăng thạc đức, đơn cử ở đây như cố Trưởng
lão Hòa thượng Thích Trí Thủ… nên hậu thế đã tôn xưng “Trung Kiên thế thế xuất
hùng Tăng” (làng Trung Kiên từ đời này sang đời khác là nơi xuất phát nhiều vị
hùng Tăng).
Quốc sư là bậc đồng niên xuất gia với bổn sư là Tổ Hải Thuận
(tự Lương Duyên, hiệu Diệu Giác) ở tổ đình Báo Quốc núi Hàm Long giữa kinh đô.
Ngài được bổn sư truyền pháp với pháp danh là Thanh Đức, tự Gia Khánh, hiệu Tâm
Khoan, thuộc dòng thiền Lâm Tế, pháp phái Liễu Quán, đời thứ 41.
Ở tuổi 23 (1897), ngài được thọ Đại giới tại Giới đàn Báo
Quốc mà bổn sư của ngài là Tổ sư Hải Thuận được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa
thượng. Ngài cũng đã được Tổ sư Hải Thuận truyền trao thâm ý hành đạo qua bài
kệ phú pháp:
“Thanh nhi hữu đức tấn tâm thiền
Gia Khánh hỷ nhiên đạo vĩnh truyền
Đắc pháp tu bằng vi diệu pháp
Hà lao biệt ngoại pháp tâm hiền”
(Tạm dịch:
Trong mà có đức phụng vâng thiền
Mừng chúc hòa vui đạo mãi truyền
Đắc pháp hãy nương vi diệu pháp
Cần chi các pháp nhọc cầu huyền)
Tổ đình Kim Tiên - Ảnh Trí Năng
Với công hạnh uy nghiêm, ngài đã được sơn môn suy cử trụ trì
tổ đình Báo Quốc ở tuổi tròn 37 (1911). Ngài cũng đã được hai triều vua Khải
Định và Bảo Đại cung thỉnh vào cung để truyền giới pháp cho nhà vua cùng hoàng
thân quốc thích, đại thần. Đệ tử xuất gia của ngài có đến 42 vị.
Ngài cũng đã được triều đình công cử làm Tăng cang Quốc tự
Diệu Đế, được các sơn môn cung thỉnh làm trụ trì tổ đình Thiền Tôn ở núi Thiên
Thai, tổ đình Kim Tiên ở núi Bình An và chùa Quang Bảo. Ngài là vị trụ trì đã
làm nên sinh khí thiền môn, trang nghiêm các ngôi phạm vũ trong thời gian tại
thế. Nổi bật phải kể đến công cuộc phục hưng địa giới, củng cố thanh quy thiền
môn ở chốn tổ Thiền Tôn núi Thiên Thai.
Quốc sư viên tịch ngày 25-4-Đinh Sửu (1937), Bảo Đại năm thứ
12. Tang lễ của ngài đã được sơn môn tổ chức vô cùng trang nghiêm theo nghi
thức thiền gia. Song song đó, triều đình cũng đã có nghi lễ tưởng niệm trọng
thể đối với một vị Quốc sư của hai triều. Tư liệu cũ ghi, trong khoảnh khắc thỉnh kim quan của ngài rời tổ
đình Báo Quốc đến nơi nhập tháp, từ Hoàng thành đã phát khởi 21 tiếng
thần công cung tiễn vị Thầy của vua.
Bảo tháp của ngài tôn trí trên vùng đất rộng 8 mẫu ta
(40.000m2) tại một nơi yên tĩnh cô tịch tại phường Ngũ Tây, phường
An Tây, cố đô Huế. Tịnh địa và bảo tháp đều do Đức Từ cung Đoan Huy hoàng thái
hậu, một trong đệ tử của ngài hỷ cúng nhằm báo đáp ân sư.
Chư tôn đức nơi tháp Đức Tổ Sư - Ảnh Trí Năng
Đáng tiếc là qua thời gian, hoàn cảnh chiến tranh và nhiều nhân duyên
khác, vùng đất xưa không còn nguyên vẹn, bị lấn chiếm, chỉ còn ngôi bảo tháp
vẫn an nhiên tự tại. Mỗi năm, các thế hệ hậu duệ của ngài theo nếp xưa truyền
từ đời này sang đời khác, thường vân tập tảo tháp, đảnh lễ và kính tưởng nhớ vị
Tổ sư.
Gần đây, ngôi bảo tháp và khuôn viên lân cận đã được tu sửa trang
nghiêm, bi ký tưởng niệm cũng đã được thất chúng đệ tử của ngài tôn tạo, nhắc
nhở người đời nay và đời sau về hành trạng của một vị cao tăng, vị Quốc sư cuối
cùng của triều Nguyễn.
(Căn cứ tài liệu chính: Văn bia tưởng niệm Đức Tổ sư do HT.Thích Giác Quang thay mặt môn đồ tứ chúng phụng soạn)