"Ta sẽ chẳng quay lại cõi này
nữa", thiền sư Y Sơn vừa dứt lời cây hoa trước sân bỗng rụng hết bông, chim chóc
kêu thương bi thảm suốt mấy tuần...
Nhắc đến cái chết ai nấy không ưa,
nhưng với thiền sư Giới Không có khác, trước khi mất, ngài gọi đệ tử đến
dạy hai lẽ "sống" và "chết" không khác nhau nên đừng có sợ hãi: "Nếu
cho sanh và tử khác đường thì lừa cả Thích Ca, Di Lặc", nói xong cười to một tiếng vang động thiền đường, rồi chắp tay qua
đời...
Chết à? Vô sự! Vô sự!
Nghe thiền sư thị tịch theo cách đó, vua
Lý Thần Tông
(ở ngôi 1128 - 1138) và triều thần đều kinh ngạc. Sinh thời sư dùng
nước chú rảy lên người bệnh để chữa trị trong nạn dịch lớn năm Đại Thuận
thứ 8, mỗi ngày cả ngàn người được chữa lành, nên triều đình kính phục,
dân chúng nhớ ơn, môn nhân cùng châu mục Lê Kiếm và phòng sát sứ Hán
Đinh làm lễ hỏa táng thâu xá lợi và sai đắp tượng sư để thờ.
Thiền sư
Trì Bát cũng vậy, gọi người trong chùa đến đọc kệ: "Có chết tất có
sống. Có sống tất có chết (...) sống chết chẳng bận lòng", xong ngồi
thẳng bình thản thị tịch (1117). Các thiền sư có cách chết tự tại như
thế rất nhiều, có thể kể: Ngộ Ấn (1088), Thuần Chân (1101), Đạo Huệ
(1172), Bảo Giám (1173), Bổn Tịnh (1176) , Đại Xả (1180), Tín Học
(1190)... Có vị không nói kệ mà gọi đồ chúng đến nói vỏn vẹn bốn chữ:
"Vô sự! Vô sự!" rồi tịch như ngài Bổn Tịch (1140). Ngài Huệ Sinh tắm gội
thắp hương, nửa đêm lặng lẽ ra đi (1063). Ni sư Diệu Nhân cạo tóc, nấu
nước tắm sạch sẽ, ngồi yên thị tịch (1113). Thiền sư Y Sơn trước lúc mất
bảo môn đồ: "Ta sẽ chẳng quay lại cõi này nữa", vừa dứt lời cây hoa
trước sân bỗng dưng rụng hết bông, chim chóc kêu thương bi thảm suốt mấy
tuần chưa dứt (1213).
|
Chùa Keo (Thần Quang) nơi thờ thiền sư Không Lộ - viên tịch năm 1119
để lại bài kệ Ngôn Hoài nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam với câu cuối,
tạm dịch: "Có lúc thẳng lên đầu núi thẳm - cất tiếng cười vang lạnh đất trời". |
Thiền sư Pháp Loa (Đồng Kiên Cương) nối pháp
Phật Hoàng
làm nhị tổ của phái Trúc Lâm nằm im không thấy nói gì, đệ tử của ngài
đến thưa thỉnh, hỏi ngài: "Các thầy trước khi mất đều có bài kệ dạy đệ
tử mà sao ngài không có?". Ngài quở trách họ quá "chấp", ngồi dậy bảo họ
đem bút giấy lại cho mình để tự tay viết một bài kệ bốn câu, tạm dịch
"Vạn duyên đều cắt, thân nhàn vậy/Hơn bốn mươi năm giấc mộng dài/Nhắn
bảo người đời đừng hỏi nữa/Bên trời lồng lộng gió trăng đây!". Viết
xong, ném bút xuống đất, an nhiên thị tịch như chẳng có chuyện gì xảy
ra!
Thiền sư Đức Minh xác còn tươi sau 100 ngày
Thiền sư Đức Minh, người làng Bối Khê,
huyện Thanh Oai, người đời gọi là Thánh Bối, đi vân du từ năm 15 tuổi,
sau về chùa Tiên Lữ suốt 10 năm (tức chùa Trăm Gian lập từ đời Lý Cao
Tông 1185 trên ngọn đồi 50m). Sư đắc đạo và nắm nhiều quyền năng siêu
nhiên, rất giỏi phép thần thông,
vua Trần nghe danh mời về chùa Trường An.
Những hành trạng ích nước lợi dân của sư ghi qua hai câu đối: "Bắc quốc
chí kim kinh nộ vũ/Nam phương tự cổ vọng tường vân" (nghĩa là: Bắc quốc
đến nay còn sợ trận mưa giận dữ/Phương Nam từ xưa vẫn ngóng đám mây
lành) xuất phát từ câu chuyện lưu truyền và ghi lại qua tài liệu
Những ngôi chùa nổi tiếng
của GS Nguyễn Quảng Tuân: "Khi quân Minh xâm lược nước ta vào thế kỷ
XV, có một toán giặc kéo tới phá tháp đốt chùa. Trước việc làm tàn ngược
ấy, Đức Thánh Bối mới nổi giận hóa phép làm ra một trận mưa dài suốt ba
ngày đêm, nước đỏ như máu, dâng cao tới ba thước dìm chết hết lũ giặc.
Sau đó một đám mây năm sắc (tường vân) hiện trên nền trời, xóm làng lại
khô ráo, mùa màng cây cỏ lại tốt tươi như cũ".
|
Tượng thiền sư Pháp Loa, người được cho rằng viết kệ xong ném bút rồi
an nhiên thị tịch. |
Lúc đã hơn 90 tuổi, sư trở về chùa núi Tiên Lữ cho xây mới chùa ấy. Cuốn Thiền sư Việt Nam của
Hòa thượng Thích Thanh Từ kể: "Lúc chùa đang xây dựng, sư đi guốc gỗ
qua lại trên cây kèo xem thợ làm, đi lại bình thường như đi trên đất.
Thợ thầy trông thấy đều bái phục thần thông của sư. Sư tuổi đã 95, một
hôm vào ngồi trong am gỗ, gọi chư tăng đến bảo: "Nay ta đã hết trần
duyên sẽ tịch. Các con đóng cửa am lại, sau ba tháng mở ra, nếu thấy mùi
thơm thì để thờ, nếu thấy hôi thối thì đem táng ở ngoài đập". Nói xong,
sư liền ngồi yên thị tịch. Sau 100 ngày, chư tăng mở cửa am, nghe mùi
hương thơm phức, mọi người liền làm lễ phụng thờ". Dân chúng xã Bối Khê
và quanh vùng lập đền thờ sư, hằng năm cứ ngày 12 tháng Giêng mở hội tế
lễ linh đình trang trọng...
Giao Hưởng
http://kienthuc.net.vn/tham-cung/201303/Cai-chet-sieu-pham-cua-cac-thien-su-Viet-898355/