Mọi người ai cũng mong muốn được “khỏe mạnh” và “trường thọ”.
“Khỏe mạnh” là gì?
Phàm những gì hoàn thiện, chính
đáng, tinh khiết, hòa hợp đều là khỏe mạnh. Ví dụ, khỏe mạnh về thể chất, điều
này thì ai cũng có thể hiểu được. Ngoài ra còn có khỏe mạnh về tâm lý, tức có sự
phản tỉnh, chú ý và tự biết mình.
Ngoài khỏe mạnh về thể chất và
tâm lý, lại có khỏe mạnh về tình cảm, khỏe mạnh về sự nghiệp, khỏe mạnh về của
cải, khỏe mạnh về quan hệ giữa mình và mọi người, khỏe mạnh về tín ngưỡng, tôn
giáo. Người bình thường, cho dù đã có sự khỏe mạnh về tâm lý, nhưng nếu thiếu
đi một trong rất nhiều những sự khỏe mạnh vừa kể trên để vun đắp cho sự sinh tồn
của mình, thì như thế, cuộc đời vẫn là thiếu sót, cũng coi là chưa khỏe mạnh.
“Trường thọ” là gì?
Trường thọ, không có nghĩa là cơ
thể hoạt động đến 80 tuổi, 100 tuổi đã gọi là “trường thọ”. “Quy hạc diên
linh”(rùa và hạc) phải là những động vật “trường thọ”. Tùng bách nghìn năm
không tàn, cũng là thực vật “trường thọ”. Song, sau sự trường thọ của quy hạc,
tùng bách, thì cống hiến của chúng cho nhân gian suy cho cùng có được bao
nhiêu? Vì thế, ngoài sự lâu dài về tuổi thọ thể xác, chúng ta còn cần có sự trường
thọ của ngôn giáo, trường thọ của công việc, trường thọ của danh tiếng, đạo đức, trường thọ của trí tuệ và hòa hợp.
Trường thọ, nếu chỉ là sự kéo dài
về đời sống thể xác, mà thiếu đi những giá trị tinh thần được coi như nội hàm
cuộc sống như: ngôn giáo, công tác, danh tiếng, đạo đức, trí tuệ, hòa hợp; thực
ra, trường thọ cũng là một thứ chẳng có giá trị gì.
Một người khỏe mạnh bình thường,
bị người khác cho là “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”, theo bạn,
khỏe mạnh kiểu vậy thì có giá trị gì? Có thể thấy, cái gọi là “khỏe mạnh”, phải là sự
khỏe mạnh trên mọi phương diện: thể xác, tâm lý, tinh thần, sự nghiệp. Ví dụ,
tình cảm không lành mạnh, mặc dù là thân cường lực tráng, cũng không hạnh phúc;
tín ngưỡng không lành mạnh, tin điều phi pháp, thì cũng không như ý.
Nói đến trường thọ, phải kể đến
Bành Tổ sống đến 800 tuổi, nhưng trong lịch sử, ta có thấy ghi chép nào về những
cống hiến xã hội của ông đâu? Có thể thấy, lập công, lập đức, lập ngôn, mới là
trường thọ chân chính; như có từ, bi, hỉ, xả trong Phật
giáo mới là trường thọ chân chính.
Chúng ta cầu sức khỏe, chi bằng cầu
kiện toàn; chúng ta cầu trường thọ, chi bằng cầu vô lượng. Bởi vì, sức khỏe (kiện
khang) không hề có nghĩa kiện toàn! Kẻ lưu manh côn đồ, chuyên làm việc xấu,
theo bạn, hắn không khỏe mạnh ư? Những người già cả, may mắn sống trên trăm tuổi,
ăn không ngồi rồi, họ chẳng phải là rất trường thọ đó sao? Nhưng vấn đề là họ
có ích gì cho cuộc sống, cho xã hội?
Vì thế, bất kỳ ai muốn khỏe mạnh,
trường thọ, không thể không biết, không thể không chú ý đến đạo lý này!
Tác
Giả: Tinh Vân Đại Sư
Việt dịch : Thích Quảng Lâm