Chúng ta tin Phật thì chưa thể thành Phật, bởi vì chúng ta muốn
cầu vật chất mà không tự mình lao động thì không thể có được vật chất. Người
tin Phật cũng như thế, tin rằng mình có thể thành Phật nhưng không học, không
tu theo lời Phật dạy thì làm sao thành Phật được.
Niềm tin hay tín tâm ở trong Phật giáo không giống như niềm
tin ở những tôn giáo khác hoặc là niềm tin như chúng thường quan niệm, tin có
Phật, tin có ma, tin có hiển linh…, mà tin vào khả năng giải thoát của chính
mình, chứ không phải tin có cái này hoặc không có cái này.
Theo Đại Thừa Khởi Tín,
niềm tin có 5 phạm trù, đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và chỉ
quán. Để niềm tin thành tựu thì phải đầy đủ 5 phạm trù này, như vậy niềm tin
không phải là sản phẩm tâm lí, mà là sự kết hợp giữa việc hiểu đúng và hành
đúng, nên một hành giả muốn có một niềm tin đúng đắn thì phải trải qua 4 giai
đoạn tín, giải, hành và chứng. Đối với Phật giáo, một hành giả muốn thành tựu
niềm tin thì trước hết phải qua giai đoạn hiểu và thực hành thông qua phương tiện
chỉ quán, tức thực tập thiền định và tu huệ. Mà niềm tin đúng đắn còn phải nhờ
vào sự tinh tấn mới hiểu đúng và hành đúng, ngược lại nhờ vào hiểu đúng và thực
hành đúng mà hành giả mới có niềm tin vững chắc, từ đó mới có được tiến bộ, rồi
sau đó mới được lợi lạc chứng ngộ.
Do đó, chúng ta cần cải đổi cách nghĩ về niềm tin, không nên
coi Phật giáo như những tôn giáo khác, càng không nên mê tín và tin mù quáng.
Chẳng hạn như chúng ta muốn người khác tin tôn giáo của mình rồi khuyên họ trước
hết nên tin Phật, tin chúa, tin thần, tin thánh, tin vào sự cứu rỗi, đều là
không đúng với tinh thần của Phật giáo. Như vậy theo Phật giáo thì niềm tin là
do chúng ta trải qua kiểm chứng và tu hành mới thành tựu được.
Hành giả muốn thành tựu niềm tin thì phải tu hành 5 phạm trù,
tức là 6 ba-la-mật của Bồ-tát mới có thể gọi là tín tâm. Vì sao gọi 5 phạm trù
tức là 6 ba-la-mật? Bởi vì phạm trù thứ 5 là chỉ quán, tức thiền định và trí huệ,
nên thành 6 ba-ma-mật, mà chỉ có những vị Bồ-tát mới thực hành 6 ba-la-mật một
cách rốt ráo, nên mới có được niềm tin chân chánh, còn những quả vị thấp hơn
thì chỉ thành tựu được một phần nhỏ hay tương tợ mà thôi.
Trong Phật giáo, có mười cảnh giới, bao gồm Phật (Buddha), Bồ-tát (bodhi-sattva), Duyên Giác (pratyeka-buddha),
Thanh Văn (sravaka), Trời (deva), Người, A-tu-la (asura), địa ngục (naraka), ngạ quỷ (preta),
súc sanh (tiryagyoni). Mười cảnh giới
này không rời tâm, một tâm là đầy đủ mười cảnh giới.
Phật, Bồ-tát, duyên giác, thanh văn gọi là bốn cõi thánh, đã
ra khỏi tam giới; trong đó quả vị Phật là siêu việt cảnh giới, đạt đến cứu cánh
viên mãn, là đạo sư của tam giới, là từ phụ của lục đạo tứ sanh. Cõi trời, người,
a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh gọi là lục đạo; chúng sanh ở những cõi này
nghiệp trọng phước khinh, phiền não chưa đoạn nên luân hồi trong tam giới, sanh
rồi lại chết, chết rồi lại sanh, xoay chuyển như sóng trên mặt biển, nên gọi là
chúng sanh luân hồi chìm nổi trong lục đạo.
Địa vị của Phật và thần hay tiên hoàn toàn khác nhau, vì Phật
đã tu hành trải qua 3 a-tăng-kì kiếp nên nhân viên quả mãn, không còn trong
ràng buộc của sanh tử luân hồi, đầy đủ tam minh, lục thông, tứ vô úy, thập lực,
18 pháp bất cộng, đạt đến quả vị cứu cánh; còn thần tiên bất quá cũng chỉ là
chúng sanh ở cõi trời, nên vẫn còn luân chuyển trong tam giới, vẫn bị nghiệp lực
dẫn dắt mà thọ các quả báo thiện ác, chưa thể giải thoát sinh tử của lục đạo.
Trong kinh Lăng Nghiêm
có nói đến cõi tiên, chúng sanh ở cõi này cư trú ở eo núi Tu-di, biết tu hành
theo phép thuật, tư tưởng chỉ mong cầu luyện đơn luyện khí, tự nhiên vô vi,
không ăn đồ ăn của thế gian, kéo dài mạng sống, nhưng cũng không ra khỏi sinh tử,
vẫn còn pháp hữu vi sanh diệt của tam giới, nên cõi tiên cũng chỉ là một trong
cõi sinh tử luân hồi.
Cõi tiên thường sống dựa vào núi non hiểm trở, hấp thu tinh
khí của nhật nguyệt, cây cổ thụ, nên sống rất lâu. Vì tiên chưa đoạn được tam độc
(tham sân si), không thể minh tâm kiến tánh, vô minh phiền não vẫn chưa đoạn,
nên quả vị cũng chỉ quanh quẩn trong vòng sanh tử luân hồi. Thần tiên quỷ quái
cũng đồng một nghĩa, tuy phước báo khác nhau, nên cảnh giới khác biệt, nhưng đều
nằm trong tam giới, lưu chuyển sinh diệt, hư ngụy vô chủ. Tạo tác hành vi đều
do tâm biến hiện, tùy vào nghiệp lực dẫn dắt, mà chấp vào cảnh giới để tồn tại,
chịu sự chi phối của sinh diệt vô thường.
Thông thường, chúng ta làm một việc gì thì do ý nghĩ chi phối
hành vi, hay nói một cách khác, hành động của chúng ta đều do sự dẫn dắt của tư
duy, do tâm khởi niệm và tiếp theo đó là tạo tác; mà chỉ có tư duy mà không
hành động thì ngược lại cũng không có kết quả của hành động. Tóm lại tư duy thì
không bao hàm hành động mà hành động thì có mặt của tư duy. Do đó việc tin Phật
và học Phật cũng như vậy, tin Phật thì chưa thể gọi là đã học Phật, nhưng người
muốn tìm tòi học Phật tất nhiên đã tin Phật. Như thế, tin Phật là nền tảng cơ bản
cho việc học Phật và cũng nhờ học Phật mà niềm tin đó càng vững mạnh hơn. Nếu bạn
chỉ tin Phật thì chỉ mới dừng ở giai đoạn thứ nhất mà chưa thể bước tới giai đoạn
cao hơn. Chúng ta muốn tiến đến giai đoạn cao hơn thì lúc lên đến giai đoạn thứ
nhất, chúng ta phải nghĩ cách để bước lên giai đoạn cao hơn, và cứ thế dần dần
chúng ta sẽ tiến bộ, rồi cuối cùng bước lên địa vị của giải thoát và giác ngộ.
Chúng ta làm một Phật tử cũng vậy, chúng ta tin Phật có nghĩa là chúng ta đã bước
lên giai đoạn thứ nhất thì phải nghĩ đến cách để bước lên giai đoạn thứ hai là
học Phật và giai đoạn thứ ba là tu và làm theo lời đức Phật dạy, giai đoạn tiếp
theo là nhận thức được Phật tánh, và giai đoạn cuối cùng là thành Phật.
Tin Phật, học Phật, tu Phật và nhận thức được Phật tánh đó là
một tiến trình tu tập. Hiện nay có nhiều người bảo rằng chỉ cần tu tâm là đủ,
hay có niềm tin là đủ, thật ra chưa đủ. Nói tu là tu tâm, nên hằng ngày không
chịu tu học, giữ gìn giới pháp, thì làm sao trừ được ba độc tham sân si, làm
sao hết phiền não, dĩ nhiên sẽ rơi vào tà đạo. Nếu chỉ là niềm tin thì cũng vẫn
chưa đủ, tu thì phải có phương pháp, lấy văn tư tu để hành trì, kết hợp với niềm
tin thì việc học Phật mới có tiến bộ, mới mong nhập được Phật đạo, mới có thể
giác ngộ và thành tựu quả vị Phật. Nếu không như vậy niềm tin vẫn là niềm tin,
bạn không tiến bộ thêm gì cả!
Hiện nay có rất nhiều Phật tử không biết làm cách nào để học
Phật, tợ hồ như họ nghĩ rằng ăn chay, niệm Phật, trì một vài câu thần chú, tụng
một vài bộ kinh, thắp hương cúng Phật, đó là học Phật, thực tế như vậy thì chưa
đủ, mà đây chỉ là bước đầu gieo duyên với Phật pháp mà thôi. Học Phật cũng giống
như người học chữ, học xong lớp 12 mà quay lại học lớp 1 thì không phải là học
trò giỏi, mà phải học thêm kinh nghiệm và những lớp cao hơn thì mới gọi là người
cầu tiến. Người học Phật thì mục đích là cầu làm Phật, chứ không thể dừng ở chỗ
thắp hương, lạy Phật, tụng kinh mà gọi là đủ.
Đối với người mới học Phật thì việc thắp hương, lạy Phật, tụng
kinh chỉ là bước đầu học Phật. Người mới bắt đầu học Phật, chắc chắn họ không
thể hiểu được giáo lí thâm áo của Phật pháp, chỉ tin rằng Phật và Bồ-tát có thể
cứu độ và bảo hộ cho mình, nên cứ cầu cái này cầu cái nọ, cầu an chưa đủ tiếp tục
xin cầu siêu. Việc thắp hương và lạy Phật là chúng ta tỏ lòng tôn kính chư Phật
và Bồ-tát, nhưng Phật và Bồ-tát thì không cần chúng ta thắp hương và quỳ lạy,
không phải vì hương của chúng ta thắp, cái quỳ lạy của chúng ta thì chư Phật và
Bồ-tát mới thành Phật và Bồ-tát, mà chư Phật và Bồ-tát đã đầy đủ viên mãn các đức
tính của Phật và Bồ-tát. Chúng ta thắp hương và quỳ lạy chư Phật và Bồ-tát là
vì chúng ta. Thắp hương là chúng ta thắp lên niềm tín tâm và thắp sáng trí huệ,
hay nói đúng hơn là thắp lên năm phần hương (giới hương, định hương, huệ hương,
giải thoát hương, và giải thoát tri kiến hương). Lạy Phật là chúng ta lạy đấng
giác ngộ đã chỉ cho chúng ta con đường giải thoát, con đường trí huệ. Chúng ta
lạy Phật là cầu mong thấy được Phật tánh đồng với chư Phật, có như vậy thì lúc
lâm chung có Phật và Bồ-tát hiện tiền, tiếp dẫn chúng ta đi, đi đâu? Đi với Phật
và Bồ-tát về thế giới tây phương cực lạc. Còn nếu như chúng ta cũng thắp hương,
cũng quỳ lạy thần linh quỷ quái, thì thần linh quỷ quái cũng dẫn chúng ta đi về
cõi của họ, làm dân ma cho họ. Thảo nào khi lâm chung thường thấy cảnh ma quỷ đến
tranh giành nhau. Như vậy, chúng ta lạy để cầu xin gì thì chúng ta tương ưng với
cái đó, lạy Phật thì tương ưng với Phật, lạy quỷ thần thì tương ưng với quỷ thần.
Người Phật tử đã quy y Tam Bảo thì không cần thiết lễ bái trời
thần quỷ quái nữa, chúng ta vẫn kính trọng họ, thậm chí cầu mong họ được giải
thoát, nhưng phải tránh xa. Người đời ngày nay còn thích lạy đông vái tây, bốn
phương tám hướng đều van vái, chúng ta đừng nghĩ đơn giản rằng có việc thì vái
bốn phương, bởi vì khi chúng ta lạy thần lạy quỷ thì chúng ta đã thừa nhận đem
thân mạng mình giao cho quỷ thần đó, thế thì họ tùy ý sai khiến, hoặc khi chết
thì quỷ thần đến lôi đi, rồi thành dân của ma quỷ. Chúng ta mời quỷ thần đến
thì dễ, nhưng để mời họ đi thì không dễ, vì mục đích của họ đến là nhận đồ cúng
tế và lễ lạy, được như vậy thì họ sinh lòng luyến tiếc mà không đi, họ cứ vướng
vào đó, quanh quẩn kiếm ăn, có thì vui vẻ, không có thì tìm cách phá, có bao
nhiêu cúng vái cũng không đủ, mà lại không dứt ra được. Hơn nữa, lễ lạy lâu
ngày bạn với quỷ thần thành thân quen, không chừng quỷ thần sẽ dựa dẫm vào, bạn
trở thành người không phải người, quỷ không phải quỷ. Hiện tượng này rất dễ thấy
ở trong thế giới chúng ta và cũng có nhiều người mắc phải. Tốt hơn hết, làm một
người Phật tử chúng ta nên cẩn thận, kính mà tránh xa.
Nếu bạn lạy thiện thần, tức là những vị thần đã phát tâm quy
y và hộ trì Tam Bảo thì không sao, nhưng nếu bạn lạy ác thần hay thần chưa quy
y và hộ trì Tam Bảo thì tâm chúng sanh ở nơi họ vẫn còn nhiều tham sân si, vậy
là bạn gặp tai nạn rồi đó, sống thì bị đeo đuổi, chết thì kéo về làm dân ma. Vì
vậy khi vái lạy cầu xin điều gì với quỷ thần, bạn phải nên thận trọng! Còn
chúng ta đã là một Phật tử, khởi niệm đầu tiên là cầu trí huệ giải thoát và cứu
độ muôn loài, đó là bao gồm cả ý nghĩa cầu an và cầu siêu rồi đó.
Thần linh quỷ quái dẫn dắt người chết về làm dân ma, thì thật
khó mà tháo gỡ, vì tâm của bạn khi sống đã tình nguyện hiến cho quỷ thần. Khi cầu
xin vái lạy quỷ thần, bạn thấy có kết quả liền, họ sẽ cho bạn một ít điều kì lạ
cảm ứng, cho bạn làm ăn ra, danh lợi chút ít, bạn nghĩ là linh, và dập đầu van
xin. Bạn thử nghĩ xem, có ai có mắc nợ bạn, mà họ cứ một lòng cầu xin khất nợ,
lúc đó bạn đã có chút quyền hạn rồi đó, bảo gì họ cũng làm, miễn là được bạn
cho khất. Quỷ thần cũng như vậy, bạn cầu xin thì cho chút ít danh lợi, nhưng cả
một cuộc đời của bạn trả không nổi chút ít mà quỷ thần đã cho, thậm chí họa đến
cả khi chết, chết rồi làm dân ma, ở đó mà trả nợ, bao nhiêu năm cũng không biết
nữa, vì ở đó bạn rất khó để làm được việc phước. Vì vậy, việc cúng bái quỷ thần
là một điều phải tránh, không những không có lợi cho kiếp này mà kiếp sau cũng
còn vướng nợ.
Cầu quỷ thần cho chút danh lợi có nghĩa là chúng ta đã mượn sức
mạnh của quỷ thần để kiếm lợi kiếm danh, nhưng thực tế thì đưa chúng ta đi vào
hố lửa. Nói đến sức mạnh siêu nhiên tức là chúng ta nghĩ đến thần thông. Thần
thông có hai loại, một là cảnh giới của quỷ thần thì có được chút thần thông,
thứ hai là do hành giả trong lúc tu thiền định mà có được, nhưng những hành giả
tu tập thiền định không chú trọng đến thần thông và cũng không dùng đến thần
thông, vì thần thông không phải là mục đích chính của người tu thiền định, mà mục
đích chính là ngộ đạo. Còn người thường phô diễn chút ít thần thông thì chẳng
phải là thần thông mà là “quỷ thông”,
do cầu lạy quỷ thần, quỷ thần dựa vào thân của người đó, nên gọi là quỷ thông.
Chính người đó cũng không nhận biết đó là quỷ thông, nên đi khắp nơi mà bày cuộc
mị người.
Là một người học Phật chân chính, chúng ta không cầu cạnh vào
những thần linh quỷ quái đó, mà chúng ta biết nương về đức Phật, không quy y trời
thần quỷ quái. Đã quy y Phật rồi, đã tin Phật rồi, chúng ta không cần phải tin
vào thần thánh thế gian và quỷ tà bất chánh. Đã biết học Phật rồi, hiểu đúng
chánh pháp rồi, thì chúng ta không cần cầu cạnh quỷ thông, thậm chí cả thần
thông, mà chỉ cầu đạo giác ngộ vô thượng.
Chúng ta tin Phật nghĩa là chúng ta nương tựa vào uy đức của
Phật, được Phật và Bồ tát gia trì, tiêu trì nghiệp chướng, khai mở trí huệ,
tăng trưởng phước điền, lâm chung được chư Phật và Bồ tát tiếp dẫn về cõi Phật.
Sau khi đã phát tâm quy y Phật, chúng ta có thể lễ lạy các vị thần hộ pháp, các
vị thiện thần, vì những vị này đã được chư Phật và Bồ-tát giáo hóa, họ đã phát tâm
quy y Tam Bảo, hộ trì Phật pháp, vì lợi lạc hữu tình mà không cần đòi hỏi. Đối
với việc thờ cúng tổ tiên ông bà là việc báo hiếu thờ phượng, vừa thể hiện lòng
kính trọng và biết ơn đối với tổ tiên ông bà vừa thể hiện nét đẹp văn hóa truyền
thống của dân tộc, chúng ta cũng phải duy trì.
Tin Phật và tin quỷ thần là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau,
quả vị Phật và phước báo của cõi quỷ thần lại hoàn toàn sai biệt. Quy y Phật là
nương tựa vào bậc giác ngộ viên mãn tự giác, giác tha và giác hạnh, tinh tấn tu
tập suốt ba a-tăng kì kiếp, chứng quả vô thượng bồ đề, đưa chúng ta từ vô minh
đến bờ giác; còn tin thờ quỷ thần thì họa chưa biết chừng, rơi vào cõi u u minh
minh không biết ngày nào ra. Cho nên quả vị của Phật và thần tiên quỷ quái thì
thánh phàm hiển rõ, giữa giải thoát và ràng buộc, giữa cứu cánh và mê hoặc, xuất
tam giới và hệ lụy tam giới, thật là phân minh. Làm một Phật tử, chúng ta càng
phải nhận chân rõ ý nghĩa việc quy y Tam Bảo và mục đích của việc học Phật, tu
Phật và thành Phật. Do đó, không thể vừa tin Phật và vừa tin thần linh quỷ
quái, vì vừa tin Phật mà vừa tin thần linh quỷ quái, thì qua đó chúng ta thấy
mình chưa tin Phật và càng không phải là một Phật tử chân chính.