Tuy nhiên người ta không hề thấy có sự trả
thù của Phật giáo trong vụ này. Phải
chăng giáo lý đạo Phật có một tình thương chân thật, giúp cho tín đồ của họ
sống hòa bình dễ dàng hơn với các tôn giáo khác?
So với các tôn giáo khác đạo
Phật, với tinh thần “giác ngộ” các sự thật, là tôn giáo gần gủi nhất với khoa
học. Nhất là khi cả 2 bên đều đặt nền
tảng trên LUẬT NHÂN QUẢ. Nếu trong các
ngành khoa học, các tôn giáo có thể ngồi lại với nhau, bằng tinh thần sự thật,
thì họ cũng có thể làm được như vậy đối với đạo Phật? Vì những sự thật mà đạo Phật tuyên bố, không
đòi hỏi phải có đức tin mới có thể chấp nhận được, mà chỉ cần có Trí tuệ thì
đều có thể thấy được như nhau. Mỗi khi
Hòa bình được đặt nền tảng trên sự thật thì hòa bình sẽ có nhiều đồng thuận và
sẽ được bền bĩ nhất.
Đạo Phật cho rằng, thế gian này khổ vì ba thứ Tham, Sân,
và Si, trong đó Si mê (thiếu trí tuệ) là gốc cội của tất cả. Chính vì thiếu trí tuệ (vô minh) để thấy rõ
những sự thật mà con người có những suy nghĩ và hành động lầm lẫn do Tham lam
hoặc Thù hận thúc đẩy để gây ra đau khổ cho mình, cho người. Thế giới không sống được trong hòa bình cũng
do ba thứ Tham, Sân, Si gây ra chiến tranh.
Do đó những sự thật mà con người cần chứng ngộ để chấm dứt Tham, Sân,
Si, gây đau khổ cho mình, cho người, thì các nhà lãnh tụ trên thế giới cũng có
thể áp dụng để chấm dứt Tham, Sân, Si gây ra chiến tranh cho nhân loại, để nhân
loại luôn luôn được sống trong hòa bình.
1. Sự
thật đầu tiên, mà mọi người con Phật đều phải chứng ngộ là LUẬT NHÂN QUẢ,
nói rộng ra là LÝ DUYÊN KHỞI.
Đó là sự thật được dùng làm nền tảng để suy diễn ra các sự thật kế
tiếp. Luật Nhân quả là một sự thật về
mọi biến đổi ở trong vũ trụ. Mọi sự hình
thành của vạn vật ở trong vũ trụ, vật chất cũng như tinh thần, được Đức Phật
xác định qua Định đề sau đây và định đề này luôn luôn được nghiệm đúng trong
mọi trường hợp:
Các Pháp do duyên sinh
Duyên diệt các Pháp diệt.
Luật nhân quả là một sự thật
mà không một quyền năng thần thánh nào có thể vượt qua được. Cũng vì luật nhân quả này mà khi ta bị bệnh,
ta phải đi bác sĩ hay nhà thương để họ tìm nguyên nhân chửa trị, chứ không thể
ngồi cầu nguyện ai mà khỏi bệnh. (nếu có được chăng thì cũng không phải là một
giải pháp có thể chấp nhận được vì kết quả chưa chắc đến 1%). Cũng vì luật nhân quả mà con người đã thiết
lập nên những hệ thống công lý cho xã hội, chứ không thể căn cứ trên đức tin
tôn giáo mà xét tội.
Luật nhân quả
khẳng định rằng chính tư tưởng và hành
động của mình định liệu hạnh phúc hay đau khổ cho mình, chứ không phải do sự
ban ơn giáng hoạ của một đấng thần linh nào cả. Nếu ta làm sai thì ta phải chịu hậu quả
sai. Nếu ta làm đúng thì ta được phần
thưởng đúng. Nhờ hiểu được những điều
căn bản này nên người Phật tử không bao giờ dám nhân danh Phật hay một đấng
thần linh nào để gây khổ đau cho kẻ khác.
Người Phật tử
còn được giáo dục kỷ lưỡng hơn về luật nhân quả của Tình thương. Trong những trường hợp giản dị, nếu ta tạo
được hạnh phúc cho người thì người cũng sẽ tạo lại hạnh phúc cho ta. Nếu ta gây đau khổ cho người thì người cũng
sẽ gây lại đau khổ cho ta. Trong
tương quan này Đức Phật còn dạy thêm:
“Lấy oán báo oán, oán oán chồng chất
Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu diệt.”
“Ân” có khả
năng dập tắt “Oán” cũng như “nước” có khả năng dập tắt “lửa”, đó cũng là một
luật nhân quả. Nhờ thấu hiểu những lời
dạy này mà người Phật tử chân chính không nghĩ đến chuyện trả thù, vì nó chỉ
gây thêm đau khổ triền miên, không phải là hành động của một người trí tuệ.
Giáo lý Đạo
Phật còn đưa ra vô số gương hy sinh chịu đựng của các vị Bồ tát để nhắc nhở cho
các Phật tử về sự quí giá của tình thương.
Vì tình thương có khả năng tạo hạnh phúc, cho ta cho người, trong mọi
hoàn cảnh, hơn bất cứ một thứ châu báu nào trên thế gian, cho nên các vị Bồ
tát (những chúng sanh có trí tuệ, những người sẽ thành Phật trong tương
lai) luôn luôn gìn giữ tâm từ của mình
không khác gì người giàu bảo vệ tài sản của họ.
Dầu trong
những trường hợp bị cắt da xẻ thịt, họ vẫn có thể cầu nguyện sự an vui cho kẻ
thù, không để lòng thù hận dấy lên làm sứt mẻ tình thương của mình. Phát triển tình thương đến độ như thế thì
không còn ai có thể gây đau khổ cho ta, và sẽ an vui trong mọi hoàn cảnh. Cho nên một vị lãnh đạo có trí tuệ phải hiểu
rằng, thương yêu kẻ thù không những có thể cải đổi được kẻ thù mà còn tạo hạnh
phúc tức khắc cho chính mình.
2. Cuộc sống bấp bênh, thế gian VÔ THƯỜNG. Đó là sự thật thứ hai mà đa số người Phật tử
thấu hiểu. Nhờ ý thức sự vô thường là
không thể tránh, nên người Phật tử dễ dàng chấp nhận những đổi thay, ít đau khổ
và ít tức giận mỗi khi bị mất mát. Cũng
chính vì sự thật vô thường này nên Đức Phật dạy không nên quá ràng buộc vào bất
cứ thứ gì, kể cả những lời dạy gọi là “chân lý” của ngài: “giáo lý ta chỉ như thuyền qua sông, đến bờ rồi phải bỏ”.
Giáo lý của
Phật là giáo lý để “giải thoát” chứ không phải là giáo điều để cột buộc tín
đồ. Phật chưa bao giờ tuyên bố “các
ngươi phải theo ta hay tôn thờ ta”. Trái
lại, ngài khuyên nhủ: “Các con tự thắp
đuốc lên mà đi, với chánh pháp”. Đó là lý do người Phật tử ít có sự cố
chấp, ràng buộc; coi mọi giá trị, đúng, sai, tốt, xấu, chỉ có tính cách tương
đối, tuỳ duyên, và tạm thời. Do đó người
Phật tử dễ dàng thông cảm và “tuỳ thuận chúng sanh”. Dễ dàng sống hoà bình với các tư tưởng khác.
Chiến tranh
và độc tài thường xảy ra do con người lạm dụng sức mạnh để bắt người khác phải
theo những ham muốn của mình. Nếu sự ham
muốn bị cản trở, người ta rất dễ tức giận và có khi trở thành độc ác, không
ngần ngại trừ diệt kẻ yếu thế. Người Phật tử thấu triệt luật vô thường, biết
không có một sức mạnh nào có thể tồn tại maĩ mãi, lạm dụng sức mạnh để
gây khổ đau cho kẻ khác cũng chính là tự sửa soạn cho mình một tương lai đau
khổ. Đó không phải là hành động của kẻ có trí tuệ.
Khi một nhà
lãnh tụ thấu triệt được sự thật VÔ THƯỜNG, thì ông ta cũng sẽ bớt lạm dụng
quyền lực để đạt tham vọng của mình.
Nhất là khi ông ta đã biết trước rằng dầu tham vọng có đạt được đi nữa
thì rồi một ngày kia ông ta cũng sẽ mất hết tất cả, rồi cũng chỉ còn lại thương
tiếc và khổ đau. Do đó nếu thấy điều
mình ham muốn sẽ gây chiến tranh khổ đau cho người khác thì ông ta cũng sẽ dễ
dàng từ bỏ.
Điều khôn
ngoan hơn là: khi ta đang có khả năng hay quyền lực, thì hãy dùng khả năng và
quyền lực đó để giúp đỡ kẻ khác. Đó là sửa soạn cho mình một hạnh phúc lâu dài
hơn, bảo vệ sức mạnh của mình lâu dài hơn, vì đã không gieo ra những “nhân” thù
hận muốn phá hoại sức mạnh của mình . Đây cũng là lý do tại sao các tôn giáo
(đặt nặng về tình thương) đã tồn tại lâu hơn bất cứ một “đế quốc” nào từ xưa
tới nay.
3. KHỔ là một sự thật của cuộc đời. Đó là sự thật thứ ba mà đạo Phật luôn luôn
khẳng định. Tuy nhiên đạo Phật không lìa
bỏ sự khổ của thế gian để đi tìm thiên đàng ở một thế giới khác. Trái lại đạo Phật nhìn nhận “đời là khổ” để
tìm “nguyên nhân của sự khổ” để tận diệt những nguyên nhân đó, để đạt được Niết
bàn ngay trên thế gian khổ đau này. Đó
là điểm rất tích cực của đạo Phật đối với sự khổ.
Cho nên đạo
Phật không phải là đạo bi quan tiêu cực như nhiều kẻ “yêu đời” kết án. Sự khẳng định sự thật khổ của cuộc đời làm
cho Đạo Phật càng thêm yêu đời chứ không phải để chán đời. Sự chán đời chỉ để dành cho những kẻ “yêu
đời” bị thất vọng khi họ phải đối diện với sự thật khổ mà họ đã không tin từ
trước. Chứ mỗi khi đã chấp nhận “đời là
khổ” thì sẽ bớt đòi hỏi cuộc đời và sẽ yêu thương và lo lắng cho cuộc đời nhiều
hơn. Đó cũng như những người biết quê
hương mình nghèo khổ nên biết lo lắng và yêu thương quê hương mình hơn.
Khi công nhận
“đời là khổ” chắc chắn người Phật tử có khả năng chịu đựng sự khổ hơn bất cứ
ai. Đó cũng như một bác nông phu có khả
năng chịu đựng khổ đau hơn bất cứ nhà triết lý hay các nhà tôn giáo nào. Tuy nhiên đạo Phật không phải là một bác nông
phu hay một người dân quê nghèo nàn ít kiến thức, mà là một đạo có trí tuệ,
hiểu biết LUẬT NHÂN QUẢ, biết rằng mọi vấn đề đều phải có nguyên nhân của nó và
phải có cách để cắt đứt những nguyên nhân để không cho xảy ra sự kiện.
Do đó đạo
Phật là tôn giáo độc nhất trên thế gian này có 4 CHÂN LÝ VI DIỆU (4 Noble
Truths) phân tích rõ ràng về sự Khổ, phân tích rõ ràng về Nguyên
nhân của Khổ, phân tích rõ ràng về Niết bàn, lúc khổ được
tận diệt, và phân tích rõ ràng về Con đường đi đến Niết bàn. Cho nên sự cứu khổ thế gian của đạo Phật
giống như sự chửa bênh của một ông bác sĩ thông thái, hiểu rõ về bệnh, hiểu rõ
nguyên nhân của bệnh, hiểu rõ sự lành bệnh, và hiểu rõ về cách chửa bệnh. Chứ không phải như những ông lang băm, chửa
bệnh mà không biết nguyên nhân của bệnh. Một nhà lãnh tụ nếu có sự hiểu biết về
4 CHÂN LÝ VI DIỆU chắc chắn sẽ không là một kẻ gây ra đau khổ cho thế gian.
4. Sự thật thứ tư là sự thật VÔ NGÃ. Đây là sự thật rốt ráo nhất mà người Phật tử
cần giác ngộ để chấm dứt hoàn toàn khổ đau.
Nếu các lãnh tụ trên thế giới cũng giác ngộ được sự thật này thì có lẻ
chiến tranh sẽ không còn tồn tại trên quả đất này. Vì không còn sự xung đột giữa các phe nhóm
quốc gia, hay tôn giáo.
Sự thật VÔ NGÃ nói rằng cái gọi là “TA” chỉ là một ảo
tưởng (illusion) không thực có. Đây là
một sự thật rất khó tin, khó lãnh hội, vì nó trái ngược lại với những hiện
tượng “Ngã” mà ai cũng thấy hằng ngày.
Sự thật VÔ NGÃ càng khó tin hơn chuyện ngày xưa khi ông Galileo tuyên bố
với đức Giáo Hoàng về sự thật “quả đất đi quanh mặt trời” chứ không phải “mặt
trời đi quanh quả đất”.
Tuy nhiên,
một người trí tuệ có thể giác ngộ sự thật vô ngã qua sự khảo sát chính mình từ
ngoài vào trong, bằng tinh thần khách
quan của một nhà khoa học. Phương cách
khảo sát này đạo Phật gọi là TỨ NIỆM XỨ. Khi thực hành TỨ NIỆM XỨ trước hết ta sẽ
khám phá ra rằng “Ta” hoàn toàn được tạo thành bởi những thứ “không ta”. Những thứ “không ta” tạo nên ta và tạo nên sự
sống của ta. Ví dụ NƯỚC, ví dụ MẶT
TRỜI. Không thực sự có một biên giới
giữa “ta” và “không ta”.
Ta thật sự
không là chủ nhân của bất cứ thứ gì, ngay cả cái thân xác của mình. Bởi thế dầu ta không muốn bị già thân vẫn cứ
già, dầu ta không muốn bị bệnh thân vẫn bệnh, dầu ta không muốn chết, thân vẫn
cứ chết. Tất cả những gì gọi là của ta
đều là của bên ngoài và luôn luôn biến đổi theo nhân duyên với những thứ bên
ngoài khác. Cho nên khi khảo sát cho
thật kỷ những gì gọi là của ta thì sẽ giác ngộ ra rằng “Ta không có gì cả”,
“Ta không là bất cứ thứ gì cả”.
Mà khi ta không là gì cả thì không còn ai chịu sinh, lão, bệnh, khổ.
Trong trí tuệ
vô ngã, ta có thể chứng nghiệm “Ta ở ngoài tất cả”. Đó gọi là giải thoát tuyệt đối. Vì ở ngoài tất cả cho nên ta có
khả năng thấy được tất cả. Như vậy chính
xác thì phải nói rằng “Ta thấy mọi cảm thọ, chứ không phải ta cảm thọ”. Điều đó có nghĩa là “ta thấy sự khổ đau” chứ
không phải “ta khổ đau”. Đó là lý do
Niết bàn (chấm dứt sự khổ) của đạo Phật có thể hiện diện ngay trong sự Khổ.
Trên quan
điểm hòa bình cho thế giới thì một nhà lãnh tụ ít lắm cũng cảm nhận được sự
thật VÔ NGÃ qua sự thật: Quả đất chưa hề có lằn ranh ngăn cách giữa các quốc gia. Như vậy thì tại
sao loài người lại tự ngăn cách nhau để rồi trở thành ích kỷ và tranh giành, để
sinh ra chiến tranh?
Đúng ra, mọi
con người đều phải là “công dân chung của cả thế giới” (world citizen). Tất cả quả đất đều phải là quê hương rộng lớn
của ta. Nếu ta không phải là kẻ tội
phạm, ta phải có quyền đi lại bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu thân yêu
này. “Quyền công dân thế giới”
phải được công nhận ít lắm là cho các nhà khoa học, các thương gia, các kỷ nghệ
gia, các nhà lãnh tụ, không có tinh thần kỳ thị chủng tộc, vì họ đã làm lợi ích
cho toàn thể nhân loại.
Nếu lãnh tụ
các quốc gia có trí tuệ “Vô Ngã” thì tinh thần ích kỷ quốc gia sẽ giảm bớt, sẽ
không lạm dụng sức mạnh của mình để lấn áp các quốc gia khác. Với tinh thần Vô Ngã họ sẽ thương yêu và xây
đắp hoà bình, an vui, phồn thịnh, cho các dân tộc láng giềng như cho chính dân
tộc của mình. Họ có thể dễ dàng đồng
thuận với Liên Hiệp Quốc thành lập một chính phủ chung cho toàn thể nhân loại.
Khi cả thế
giới đều đã sống chung trong một đại gia đình để không còn biên giới giữa các quốc
gia, thì thế giới sẽ hết cảnh các nước lớn tham lam ăn nuốt các nước nhỏ. Các nước nhỏ do đó cũng sẽ hết sân hận thù
hằn các nước lớn. Những phí tổn lớn lao
cho chiến tranh, cho quân đội, sẽ đem dùng cho các mục tiêu Hòa bình. Toàn nhân loại sẽ cùng cọng tác Trí tuệ tài
lực để chấm dứt sự đói nghèo và bệnh hoạn ở trên quả đất này.
Quả đất do đó
sẽ thành chốn “địa đàng” cho tất cả mọi dân tộc. Đó là nguồn hạnh phúc lâu bền
mà các vị lãnh đạo có thể tạo dựng cho các con cháu sau này. Đó là một nguồn hạnh phúc lớn lao và có ý
nghĩa hơn bất cứ một “đế quốc” nào có thể ban cho. Đó là nguồn hạnh phúc thuần khiết không gây
ra đau thương và hận thù với các quốc
gia khác.
USA, Ngày Phật đản 2011.
GS001