06/04/2011 20:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 1514
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hôm nay trò chuyện với quý vị, tôi xin được nhắc nhở những người xuất gia trẻ bốn điều: một là tích phước, hai là tập lao, ba là trì giới, bốn là tự tôn.

1. Tích phước

Tích là tích góp, giữ gìn, mến tiếc. Phước là phước đức. Chúng ta phải biết phước báo từ đâu mà có, để giữ gìn và bồi đắp, đừng tiêu sài lãng phí. Các bạn trẻ nên biết rằng, vào thời mạt pháp, phước báo của con người rất là mỏng, nếu không biết giữ gìn, phước mỏng đã hưởng hết rồi, thì tương lai chắc chắn không tránh khỏi bệnh khổ. Người xưa có nói, “niềm vui mà đến tột cùng thì nỗi buồn xuất hiện” (lạc cực sanh bi), điều này cũng có nghĩa phước hết thì họa đến! Tôi nhớ, hồi còn nhỏ, phụ thân tôi nhờ người viết một đôi câu đối lớn, đó là câu đối của Lưu Văn Định, thời nhà Thanh, treo trên cao giữa đại sảnh, phần đầu câu đối là “Tích thực, tích y, phi vi tích tài duyên tích phước”, nghĩa là cất giữ lương thực, y áo, chẳng bằng cất giữ tài đức, phước thiện. Anh tôi thường dạy tôi học câu đối này. Tôi học thuộc rồi, từ đó về sau, mỗi lần mặc áo hoặc ăn cơm, tôi đều thận trọng, một hạt cơm cũng không dám tùy ý vứt bỏ. Hơn nữa, mẫu thân tôi cũng thường hay dạy, quần áo mặc trên người phải giữ gìn cẩn thận, chớ làm rách hoặc để bẩn. Bởi vì mẹ và anh sợ tôi không biết thương tiếc hạt cơm, manh áo sẽ tổn phước, đoản mạng mà chết sớm, cho nên thường xuyên giáo dục tôi như vậy.


Quý vị biết không, lúc tôi mới năm tuổi, thì phụ thân tôi đã qua đời! Bảy tuổi tôi mới học viết chữ, hễ cầm giấy là viết một cách cẩu thả, không một chút tiết kiệm. Mẹ tôi trông thấy, nghiêm nghị nói: “Này con! Con phải biết rằng, lúc ba con còn sống thường dạy, không được làm hỏng một tờ giấy, mà dù một mảnh giấy cũng không được tùy tiện vứt bỏ”. Mẹ tôi nói như vậy cũng là cách tích phước!

Tôi nhờ được giáo dục trong một gia đình như vậy, cho nên những bài học đó thấm sâu vào trong não từ thời tuổi thơ; sau này khi đã lớn tuổi, không lúc nào tôi quên trân quý hạt cơm, manh áo. Rồi tôi xuất gia, cho mãi đến bây giờ, cũng vẫn còn giữ cái thói quen này. Quý vị hãy xem đôi giày mà tôi đang mang, nó có từ thời dân quốc thứ chín, mua ở Hàng Châu, do một vị xuất gia trong khóa tu Phật thất tặng cho tôi. Nếu quý vị có thời gian, có thể đến phòng tôi thăm chơi. Cái chăn bông tôi đang sử dụng, cũng là của người xuất gia trước đã dùng. Còn cây Dương cầm thì được mua từ năm Dân quốc đầu tiên. Những đồ dùng này nếu bị rách nát hoặc hư hao, thì nhờ người khâu vá lại, vì cũ và mới cũng như nhau mà thôi. Rõ ràng là còn dùng được nên tôi mới dùng! Nhưng những vật dụng khác, như áo quần, giày cỏ, áo la hán, thì dùng năm sáu năm một bộ. Ngoài những thứ này ra, tất cả y áo và đồ vật khác, là tôi đã dùng từ hồi còn tại gia hoặc là từ hồi mới xuất gia đến bây giờ.

Trước nay thường có người tặng cho tôi áo quần mới, hoặc một vài đồ dùng quý giá, nhưng tôi đem cho người khác hết. Bởi vì tôi biết phước mình mỏng, nên không dám dùng đồ tốt. Ăn uống cũng vậy, chỉ khi nào bệnh hoạn mới bồi bổ chút ít, còn những lúc bình thường thì ăn gì cũng được, không dám ăn uống tùy tiện hoang phí.

Chủ trương tích phước không phải chỉ một mình tôi, mà đại lão Hòa thượng Ấn Quang, bậc đại đức của tông Tịnh độ, cũng chủ trương như vậy. Có người cúng dường cho Ngài những thực phẩm bổ dưỡng như Bạch mộc nhĩ, ngài không dùng mà đem cúng dường lại cho pháp sư Đế Nhàn ở chùa Quán Tông. Người ta hỏi ngài: “Vì sao thầy không dùng”? Ngài trả lời: “Phước báo của tôi không có bao nhiêu, nên chẳng dám tiêu thụ”.

Đại lão Hòa thượng Ấn Quang tính tình cương trực, bình thường đối với người, chỉ hỏi những điều đáng hỏi, không vị nể tình cảm và thể diện. Cách đây mấy năm, có một vị đệ tử năm giới, là một cư sĩ có tiếng ở đảo Cổ Lãng, đến thăm ngài và cùng ngài dùng cơm. Vị cư sĩ này dùng cơm xong trước, lão Hòa thượng trông thấy trong bát anh ta còn xót lại một vài hạt cơm, thế là, không khách khí, Hòa thượng lớn tiếng bảo: “Anh có phước thật nhiều, cho nên mới tùy tiện hoang phí những hạt cơm như vậy. Hãy đem đến đây cho tôi dùng”!

Quý vị! Những điều tôi nói trên đây cần phải nên ghi nhớ! Phải biết rằng: chúng ta có mười phần phước báo thì chỉ nên sử dụng hai ba phần, phần còn lại để sau này mà dùng; nếu như quý vị có thể phát tâm bồ đề, nguyện đem phước báo của mình bố thí cho tất cả chúng sanh, tất cả đều cùng hưởng thụ, thì là tốt nhất.

2. Tập lao

Tập tức là luyện tập, lao tức là lao động. Quý vị hãy nhìn thân thể của tôi, trên có hai tay, dưới có hai chân, quý vị có biết vì sao không? Là vì nó sanh ra để cho con người lao động, làm việc. Nếu không đem nó vận dụng vào công việc, thì không những bỏ phế chân tay, mà đối với thân thể cũng có hại, vô ích. Nói một cách khác, nếu thường xuyên luyện tập, lao động thì thân thể được khỏe mạnh. Ngoài ra, chúng ta nên biết, lao động vốn là bổn phận hàng đầu của loài người, chứ không phải chỉ những người xuất gia tầm thường như chúng ta mới lao động. Ngay cả đức Phật cũng lao động, làm việc. Tôi sẽ kể cho quý vị nghe những công việc mà đức Phật đã làm.

Đức Phật ở đây là Phật Thích Ca Mâu Ni. Người ta thường nghĩ rằng, đức Phật lúc còn tại thế, chắc cũng giống như Hòa thượng phương trượng, có thầy mang y bát, có thầy thị giả, thường xuyên túc trực hầu hạ, và bản thân đức Phật thì không cần phải làm gì hết. Nhưng không phải như vậy! Có một hôm, đức Phật thấy một khoảng sân không được sạch sẽ, Ngài liền tự tay cầm chỗi quét dọn. Rất nhiều vị đệ tử lớn của Ngài trông thấy, bèn vội vàng đến cùng Ngài quét dọn. Chỉ trong nháy mắt, khoảng sân trở nên sạch đẹp, đức Phật nhìn rất hoan hỷ. Liền sau đó đức Phật đi đến giảng đường thuyết pháp, Ngài dạy rằng: “Những người quét dọn đất già lam, được năm thứ công đức…”

Một lần khác, đức Phật cùng Ngài A Nan trên đường du hành, gặp một người uống rượu say túy lúy, nằm bất tỉnh nhân sự giữa đường; đức Phật bảo Ngài A nan khiêng hai chân, còn Ngài khiêng phần đầu, khiêng vị ấy đến bên cái giếng gần đó, lấy nước cho uống, và bảo A Nan tắm rửa cho y sạch sẽ.

Có lần đức Phật trông thấy cánh cửa gỗ bị hư, Ngài tự tay tháo xuống đem tu bổ lại.

Lần khác, có một đệ tử bị bệnh mà không ai chăm sóc, đức Phật hỏi: “Thầy mang bệnh thế này sao không có ai chăm sóc”? Vị đệ tử trả lời: “Trước nay trong chúng cũng có người bệnh, nhưng con chưa từng phát tâm chăm sóc ai; vì vậy nay con bị bệnh, cũng không có ai chăm sóc cho con”. Đức Phật nghe vậy liền nói: “Không có ai chăm sóc cho thầy, thì Như Lai sẽ chăm sóc cho thầy”. Nói rồi, Ngài đem y áo của bệnh nhân bị vướng bẩn rất ô uế ra giếng giặt giũ sạch sẽ; Ngài còn chùi rửa giường chõng cho sạch, rồi làm vệ sinh cho người bệnh, xong Ngài đặt vị ấy lên lại trên giường.

Qua đó có thể thấy, đức Phật của chúng ta cũng lao động, làm việc. Đức Phật đích thực của chúng ta chắc chắn không phải là tượng Phật ngồi trên bàn, mà mọi người nghĩ rằng Ngài ngồi đó hưởng phước, bao nhiêu việc khác đều đã có người khác phục vụ. Đây là sự thật, có ghi lại trong kinh luật, chứ chẳng phải chuyện do tôi nghĩ ra để kể cho quý vị nghe chơi.

Bây giờ tôi xin kể cho quý vị nghe thêm hai mẫu chuyện nữa. Trong kinh Di Đà có nhắc đến tên một vị đại đệ tử là A Nậu Lâu Đà. Ngài này hai mắt bị mù lòa, không thể tự lo cho mình được. Đức Phật đích thân giúp A Nậu Lâu Đà may vá y phục, và gọi một đệ tử khác chăm sóc cho Ngài.

Một lần khác, đức Phật trông thấy một vị Tỳ kheo lớn tuổi, mắt đã kém tỏ, đang xâu chỉ vào kim để vá y, nhưng mắt quá kém, xâu hoài không được, bèn cất tiếng nhờ: “Có ai giúp tôi xâu chỉ không”! Đức Phật nghe thấy liền đáp: “Tôi giúp thầy”!

Trên đây tôi đã kể những câu chuyện có thật, để chứng minh rằng, đức Phật cũng thường xuyên lao động, làm việc. Tôi hy vọng qúy vị cũng nên noi gương đức Phật, phàm những việc gì mà mình làm được thì hãy sắn tay lên mà làm, đừng ỷ lại vào người khác.

3. Trì giới

Ý nghĩa của hai chữ trì giới, tôi nghĩ rằng tất cả quý vị đều đã hiểu rõ! Chúng ta khoan nói tu hành để thành Phật, thành Bồ tát, chỉ mong muốn kiếp sau được làm người, thì ở mức giới hạn tối thiểu đó, cũng đã phải giữ gìn năm giới cho trọn vẹn. Đáng tiếc là, ngày nay người thọ giới tuy nhiều, nhưng mà chỉ thọ giới trên danh nghĩa thôi, thực chất thì chẳng có mấy ai giữ giới. Nên biết, sau khi thọ giới, nếu không giữ giới, thì những tội phạm phải, so với người không thọ giới, càng nặng tội hơn. Cho nên tôi thường khuyên mọi người không nên tùy tiện thọ giới. Cho đến, thành phần hội đồng truyền giới ngày nay, ngó thấy mà đau lòng, tôi thật sự không thể nói nên lời! Tôi nghĩ rằng, tốt hơn hết là tùy khả năng của mình mà thọ giới, muôn vạn lần không nên phô trương hình thức bên ngoài, chỉ tự chuốc lấy khổ não mà thôi.

Trong những giới trọng, ngoài sát, đạo, dâm, vọng, còn có giới không được uống rượu, ăn thịt… vì dễ làm cho người khác chán ghét. Cho đến hút thuốc lá, mặc dù trong giới kinh không có nói, nhưng tập quán của người dân Trung Quốc, họ cũng ưa phê phán người xuất gia hút thuốc, nên chúng ta không nên hút thuốc.

4. Tự tôn

Tôn là tôn trọng, tự tôn là tự tôn trọng bản thân mình. Ai cũng muốn người ta tôn trọng mình, thấy người ta tôn trọng mình thì mình vui mừng, nhưng tại sao mình chẳng biết tự tôn trọng bản thân mình? Không biết rằng muốn người ta tôn trọng mình, thì trước hết mình phải biết tự trọng? Thế nào là tôn trọng bản thân mình? Đó là lúc nào bản thân mình cũng phải có ước muốn, có lý tưởng: ta phải làm một người vĩ đại, một người giỏi. Tỷ dụ như chúng ta muốn làm một vị cao tăng thanh tịnh, hướng dẫn những người khác tu học tiếp nối ngọn đèn chánh pháp, giống như những bậc cao tăng đến truyền giáo ở nước ta, chúng ta quan sát những hành vi của họ, để mình cũng bắt chước học theo. Đây chính là điều mà chư tổ nói “bỉ ký trượng phu ngã diệc dĩ”. Lại phải có ước muốn hơn nữa, như tương lai mình sẽ làm một vị Bồ tát, rồi thì xem trong kinh, quán sát những hành động của chư vị Bồ tát, rồi tùy theo sức lực của mình mà thực hành theo. Đó là tự tôn. Nhưng cũng phải biết phân biệt giữa tự tôn với cống cao ngã mạn, vốn không giống nhau. Cống cao là tự đề cao mình, coi trời bằng vung, hành vi hồ đồ; tự tôn là tự mình nỗ lực tinh tấn, vun bồi đạo đức bản thân mình, trong đó không có một ý nghĩ, một hành vi nhỏ nhặt nào tỏ vẻ khinh chê người khác.

Các bạn trẻ, muôn vạn lần đừng bao giờ tự cho mình là một đứa trẻ, một chú tiểu, cũng đừng bao giờ cho rằng mình chỉ là một người xuất gia bình thường, nào dám có ý nghĩ làm cao tăng, đại đức, nói gì làm Bồ tát. Đừng bao giờ có ý nghĩ như vậy! Phàm việc gì cũng bắt đầu nơi chính bản thân mình, đặc biệt là bắt nguồn từ nơi con người có ý chí và nghị lực cao thượng, thì không việc gì là làm không được.

Các bạn trẻ nếu suy nghĩ rằng ta không dám hy vọng làm cao tăng, làm Bồ tát, thì cuộc sống sẽ tùy tiện, thậm chí sẽ tự ruồng bỏ mình, dễ dàng đi đến chỗ sa ngã, đọa lạc, như vậy không phải là rất nguy hiểm hay sao? Các bạn phải biết rằng, tuổi tuy còn ít, nhưng ý chí và nghị lực thì bất phàm!

Tôi vẫn thường hay nói một câu với quý vị rằng, chúng ta theo Phật xuất gia tu học, cái vị trí mà chúng ta đang đứng vô cùng tôn quý. Nếu chỉ nói về hình thức thôi, thì việc cao tóc, đắp áo cà sa thôi, cũng đã làm thầy của trời người rồi. Quốc vương, chư thiên, và loài người đều đến lễ bái, chúng ta đâu thể ngồi yên mà thọ nhận được. Các bạn có biết được đạo lý này không? Từ nay trở về sau, các bạn phải biết tự tôn trọng bản thân mình, muôn vạn lần không nên phóng ý, buông lung tùy tiện.

Trên đây là bốn điều căn bản, mà tất cả những người xuất gia, nhất là những người xuất gia trẻ, phải đặc biệt chú ý. Ngoài ra, tôi không còn biết nói gì nhiều. Không bao lâu nữa tôi phải nhập thất bế quan, không có thời gian và cơ hội để cùng đàm đạo với quý vị, thật là không phải! Tuy nhiên, trong thời gian nhập thất, mỗi tháng bốn ngày, tôi vẫn duy trì thời khóa giảng luật, vậy nếu có thời gian, quý vị có thể đến tham dự! Hôm nay được trò chuyện với quý vị, tôi vô cùng hạnh phúc. Tôi hy vọng rằng, quý vị sẽ ghi nhớ bốn điều tôi vừa nói vào trong tâm khảm, để luôn luôn tự nhắc nhở mình, tinh tấn hành đạo. Thời gian nói chuyện cũng đã nhiều, khiến quý vị mệt mỏi tinh thần, thật là không phải, xin quý vị thứ lỗi cho! Nam Mô A Di Đà Phật.

Hoằng Nhất đại sư - Thích Nguyên Hùng dịch - Chùa Vạn Hạnh

http://thienviendaidang.net

Âm lịch

Ảnh đẹp