07/03/2011 11:34 (GMT+7)
Số lượt xem: 1702
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nghệ thuật sống hạnh phúc là nghệ thuật tạo dựng và duy trì hạnh phúc. Trong đời sống hàng ngày chúng ta có những cảm thọ, những cảm thọ dễ chịu hay những liên hệ trực tiếp với những cảm thọ dễ chịu ấy.

 Chúng ta có thể hình dung hạnh phúc là những bông hoa trong khu vường mà người làm vườn có thể chế tác được. Nếu người làm vườn có thể chế tác được những bông hoa thì người hành giả cũng có thể chế tác được hạnh phúc.

Trong một khu vườn, chúng ta thấy có hoa và có rác. Người làm vườn biết chế tác những bông hoa những cũng biết xử lý những cọng rác. Giữa hoa và rác có sự liên hệ. Trong khi chế tác bông hoa, người làm vườn có thể sử dụng rác để làm phân nuôi dưỡng hoa. Nghệ thuật xây dựng và duy trì hạnh phúc có liên hệ đến nghệ thuật xử lý khổ đau. Nếu không có khả năng xử lý khổi đau thì ta cũng không có khả năng tạo dựng hạnh phúc. Hai công việc đó có liên hệ với nhau. Chủ đề Nghệ thuật tạo dựng hạnh phúc có liên hệ mật thiết với chủ đề Nghệ thuật xử lý và chuyển hóa nỗi đau, chúng đan xen vào nhau. Khi biết tạo dựng hạnh phúc thì đồng thời ta biết xử lý và chuyển hóa khổ đau. Khi biết xử lý và chuyển hóa nỗi đau thì đồng thời ta cũng biết tạo dựng hạnh phúc. Tuy là hai công việc nhưng kỳ thực chỉ là một. Nghệ thuật xử lý khổ đau là nghệ thuật tạo dựng hạnh phúc là tại vì, hạnh phúc là sự vắng mặt của khổ đau và khổ đau là sự vắng mặt của hạnh phúc.

Người làm vườn biết xử lý hoa và rác thì người tu (hành giả) phải biết xử lý hạnh phúc và khổ đau. Anh chị phải có khả năng tạo dựng hạnh phúc và phải có khả năng chuyển hóa khổ đau. Chừng nào còn chưa được làm được việc đó thì anh chị chưa phải là người tu giỏi. Anh chị phải học và phải xử lý cho được. Xử lý, tiếng Pháp là gérance (gérer une soufrace, gérer un bonheur), tiếng Anh là handling (handling of happiness, handling of suffering). Là một hành giả, chúng ta phải biết làm chuyện đó. Khi có người hỏi: “Anh chị là người thực tập, anh chị có khả năng chế tác niềm vui, chế tác hạnh phúc không? Hãy làm cho tôi xem đi!”, thì chúng ta phải làm liền. Như khi có người hỏi: “Chị có biết làm đậu hủ (đậu phụ) không? Anh có biết nấu canh chua không?” thì chúng ta phải làm được liền, nấu được liền. Với hạnh phúc và khổ đau cũng vậy, chúng ta phải có khả năng tạo dựng được một phút giây hạnh phúc, chúng ta phải có khả năng xử lý được một nỗi khổ niềm đau. Nếu chưa biết thì ta phải học làm, làm cho mình trước rồi sau đó ta mới có khả năng giúp được người kia.

Chúng ta chỉ nói Nghệ thuật hạnh phúc (Art of happiness) mà không nói đến Nghệ thuật khổ đau (Art of suffering), nhưng thực ra hai cái đó là một. Art of happiness và Art of suffering là một tại vì hạnh phúc hạnh phúc và khổ đau tương tức. Người tu phải xử lý được thân của mình vì thân thể là nền tảng của nhiều khổ đau và của nhiều hạnh phúc. Thân làm phát sinh ra cảm thọ, vì vậy người tu hành phải quán thân, phải biết chăm sóc thân và phải biết xử lý thân của mình. Tu không phải chỉ tu tâm mà phải tu cả thân nữa.

Ở Làng Mai, chúng ta hay nói thân như một dòng sông, trong đó mỗi tế bào là một giọt nước. Dòng sông hình hài luôn luôn tuôn chảy và chuyển biến. Ta học nhìn hình hài của mình như một cái gì linh động, luôn luôn chuyển biến chứ không phải như là một thực tại cứng ngắc, bất động. Đó là dòng sông sắc thân.

Người hành giả phải thấy đi đôi với dòng sống sắc thân đó còn có dòng sông cảm thọ. Cảm thọ này nối tiếp cảm th ọ khác, có khi có hai hay ba cảm thọ cùng khởi lên một lúc. Ví dụ một người vừa nhận một khoản tiền bất chính, người ấy vừa mừng, vừa lo sợ, vừa ít nhiều mặc cảm. Dòng sông cảm thọ cũng là đối tượng chăm sóc của mình. Người tu phải biết quán chiếu và chăm sóc từng cảm thọ mỗi khi thấy nó phát khởi trong tâm. Nếu dòng sông sắc thân có hàng tỷ giọt nước gọi là tế bào thì dòng sông cảm thọ cũng có hàng tỷ giọt nước cảm thọ. Mỗi khi có một giọt nước cảm thọ phát hiện thì chúng ta phải nhận diện được nó, nhìn sâu vào để thấy được bản chất, thấy được gốc rễ của nó thì mới xử lý được.

Có một dòng sông khác gọi là dòng sông tâm hành. Chúng ta có cái buồn, cái lo, cái sợ, cái ghét, chúng ta có cái thương, cái tha thứ bao dung. Mỗi người có tất cả 51 tâm hành, có tâm hành tốt, tâm hành xấu và tâm hành trung tính (có thể trở thành tốt hoặc trở thành xấu). Giống như những cảm thọ, người tu phải có khả năng nhận diện và xử lý những tâm hành khi chúng phát hiện. Khi cái giận phát hiện thì chúng ta phải nhận diện, ta phải biết được gốc rễ của cơn giận. Nó phát xuất từ chỗ nào và tại sao nó phát xuất? Do sự nhận diện và sự hiểu biết đó ta có khả năng xử lý được cơn giận, xử lý được tâm hành của mình.

Cuối cùng hành giả phải nhìn vào dòng sông pháp tức dòng sông tri giác (tưởng). Pháp là đối tượng của tri giác (perception) tức nhận thức của ta về thân, về thọ, về tâm và những hiện tượng khác. Núi sống, cây cỏ, tinh tú, v.v… đều là những đối tượng của nhận thức. Đó là bốn lãnh vựa của sự quán chiếu: thân, thọ, tâm, pháp. Pháp là đối tượng của tri giác. Tri giác sai lầm đưa đến những giận hờn, sợ hãi, lo lắng và những giận hờn, sợ hãi, lo lắng đó tạo ra cảm thọ đau buồn. Thân của mình có thể chứa đựng sự căng thẳng, đau nhức, bệnh tật hay sự xung đột bên trong. Trong dòng sông thân có thể có sự xung đột giữa các yếu tố đất, nước, gió, lửa và sự căng thẳng trong thân đưa tới những cảm thọ đau nhức. Nếu không biết chăm sóc thân, tâm hành và tri giác thì có thể đưa đến sự phát sinh của những cảm thọ đau đớn. Người tu không phải chỉ biết chăm sóc cảm thọ mà còn phải biết chăm sóc thân, tâm hành và tri giác của mình.

Nếu có một cảm thọ đau nhức thì ta phải nhìn sâu vào cảm thọ đó. Ta có thể thấy được gốc rễ của nó, nó tới từ thân hay từ tri giác hay từ những tâm hành như lo lắng, sợ hãi, buồn khổ? Đây là toàn thể khu vườn của người làm vườn. Nếu giỏi thì người làm vườn biết xử lý những yếu tố về thân, về tâm và về pháp để đưa tới sự chế tác những bông hoa lạc thọ và đồng thời xử lý được những cọng rác khổ thọ.

Chúng ta quán thân, nhìn vào thân để nhận diện những mầu nhiệm cũng như những đau nhức, những xung đột trong thân để chuyển hóa những cảm thọ đau buồn đến từ thân. Chúng ta quán chiếu tri giác và tâm hành của mình để hiểu rõ gốc rễ của tâm hành đó. Như tâm hành giận dữ, sợ hãi và lo lắng đưa tới nỗi khổ niềm đau. Ta phải quán chiếu những tâm hành này để thấy được gốc rễ của nó từ nơi tri giác của mình. Chuyển hóa được tri giác sai lầm thì những sợ hãi, lo lắng không còn nữa và những nỗi khổ niềm đau trong phạm vi cảm thọ sẽ tan biến. Vấn đề ở đây là không phải chỉ xử lý những cảm thọ mà phải xử lý sắc thân, tâm hành và tri giác của mình. Học Duy Biểu chúng ta biết có 51 tâm hành và bản chất của các tâm hành như: cái giận, cái sợ, cái lo, cái tham đắm. Mỗi khi một tâm hành phát hiện thì ta phải nhận diện, ta phải gọi tên tâm hành đó cho được. Ta phải biết bản chất của nó và phải nhìn sâu để biết nó phát xuất từ chỗ nào? Tất cả những hiểu biết này rất cần thiết để giúp hành giả xử lý nỗi khổ niềm đau và đồng thời cũng chế tác được niềm vui hạnh phúc của mình.

Làng Mai hay nói đến tính tương tức giữa cái này và cái kia. Chúng ta hay đưa ra hình ảnh của sen và bùn. Nếu không có bùn thì sẽ không có sen. Nhìn vào sen ta thấy bùn và nhìn vào bùn ta thấy được khả năng làm ra sen. Khổ đau và hạnh phúc cũng vậy. Trong vị ngọt của hạnh phúc, nếu quán chiếu kỹ và tiếp xúc sâu thì mình có thể nhận diện được vị đắng của khổ đau. Nhưng đôi khi vị đắng của của khổ đau lại làm cho vị ngọt của hạnh phúc sâu đậm hơn. Như lúc nấu chè, thỉnh thoảng nếu bỏ thêm vào chút muối, vị mặn của muối sẽ làm cho vị ngọt của chè đậm đà hơn.

Nếu quán chiếu kỹ thì ta thấy, hạnh phúc tùy thuộc vào tâm của mình hơn là tùy thuộc vào hoàn cảnh. Những gì xảy cho mình tùy thuộc vào cách mình nhìn sự việc đó, tùy theo cách mình nhìn mà nó trở thành niềm vui hay nỗi khổ. Ví dụ buổi sáng thức dậy sớm để đi ngồi thiền đó là niềm vui hay nỗi khổ? Mình mở cửa, đi ra, bước từng bước chân tới thiên đường. Khi ấy mình có hạnh phúc hay không có hạnh phúc không phải tại vì có cái cửa, có thiền đường, có con đường từ cửa tới thiên đường, có hai chân và có giây phút đi ra thiền đường, mà nó tùy vào cách nhìn vào sự kiện đó. Nếu có chánh niệm, có ý thức thì mình có thể có hạnh phúc trong khi mở cửa, được tiếp xúc  với không khí trong lành mát lạnh của bên ngoài, đó là một niềm vui. Bước chân đi cũng có thể trở thành một niềm vui. Bằng không thì đang ngủ ngon mà phải thức dậy là đau khổ, bước ra ngoài tiếp xúc với cái lạnh là đau khổ, phải bước chân tới thiền đường cũng là đau khổ. Nhưng nếu nhớ lại hai tuần trước mình lên cơn sốt phải nằm trên giường không đi đâu được, môi khô miệng đắng, đầu đau như búa bổ, lúc ấy mình ao ước được đi ra ngoài. Bây giờ hãy đưa ký ức đó trở về, đem bối cảnh của quá khứ trở về với giây phút hiện tại  thì mình sẽ thấy được mở cửa bước ra ngoài là một niềm hạnh phúc. Do đó hạnh phúc hay khổ đau là do tâm chứ không phải là do cảnh.

Quý vị đã từng thấy một xác chết chưa? Một người thân chết nằm trên giường hay một con chim đã chết. Dù là một em bé năm, sáu tuổi cũng đã có cơ hội thấy một cái chết. Con chim chết nằm cứng đơ không bay được nữa, một người già hay một em bé chết cũng cứng đơ không cử động được. Dù có làm cách nào đi nữa thì con chim kia cũng không bay được, cái xác kia cũng không ngồi dậy, bước đi hay chạy nhảy được.

Trong thời gian Tăng thân ở San Diego, một số các thầy, các sư cô được xem một cuộc triển lãm gọi là Body World, trong đó người ta trưng bày toàn là xác chết, xác chết của người thật, đó là những người đang còn rất trẻ, còn khỏe mạnh nhưng bị bệnh gì đó mà chết. Có những thân hình rất đẹp của những người thanh niên vạm vỡ. Triển lãm trưng bày hàng trăm xác chết đứng trong những tư thế khác nhau. Có người đang đứng trong tư thế trượt tuyết, có người đang đứng trong tư thế chơi bóng rổ… Người ta dùng thủ thuật ướp xác để giữ cho xác chết được nguyên vẹn. CHúng ta có thể nhìn được những bắp thịt, thỉnh thoảng người ta xé một miếng trên thân thể xác chết để mình có thể thấy được phía trong. Thăm triển lãm này mình được tiếp xúc trực tiếp với những hình hài thật của con người. Có những người còn trẻ lắm nhưng đã chết. Đi xem cuộc triển lãm như thế trong vòng một hai giờ, cũng giống như ta được thiền quán về  cái chết suốt một hai giờ đồng hồ. Đến khi đi ra khỏi triển lãm thì những hình ảnh đó sẽ đi theo mình, mình biết thế nào mai một mình cũng sẽ chết, không chết vì bệnh thì cũng chết vì già. Tất cả mọi người dinh ra đều phải chết. Khi bước đi một bước mà mình nhớ lại hình ảnh của những xác chết kia thì mình thấy rất rõ là mình còn đang sống, đang cử động, đang bước được những bước chân thì đó là những gì rất mầu nhiệm. Tự nhiên mình trân quý những bước chân và mình thấy hạnh phúc.

Thở vào, mình để ý tới hơi thở vào, đem tâm trở về với thân, thật sự có mặt trong phút giây hiện tại, bước một bước, mình tiếp xúc được với sự thật là mình chưa chết, mình vẫn còn sống. Mình bước một bước và nói: “Tôi bước cho anh đây. Anh cứng đơ không bước được”. Bước được một bước tại vì mình còn là một cơ thể đang sống, mình thấy đây là một sự thật rất là mầu nhiệm.

Trong khóa tu tại Mỹ, lúc ấy tôi đang ở tu viện Bích Nham thì nghe tin Sư thúc nhập diệt. Tôi đã đi thiền hành cho Sư thúc. Sư thúc đã nhập tháp không còn đi được nữa và tôi đã đi cho Sư thúc, Sư thúc đã bước đi bằng đôi chân của tôi, những bước chân như vậy rất mầu nhiệm và tôi trân quý những bước chân mà mình đang bước. Bước một bước là thấy được tất cả sự mầu nhiệm của một cơ thể còn sống, đó là một niềm vui, một lạc thọ. Chính cái tháy về cái chết đã làm nổi bật lên cái thấy về cái sống. Nhìn kỹ một bông hoa sen mình tiếp xúc được với bùn. Trong lạc thọ mình đang có, có chất đắng của khổ thọ ở trong, nhờ vậy mà lạc thọ càng rõ ràng hơn.

Cả tháng nay mỗi khi thực tập mười động tác chánh niệm, tôi đều làm cho tất cả những xác chết trong phòng triển lãm ấy. Mỗi khi tôi đưa tay lên tôi quán tưởng tất cả những xác chết ấy cùng đưa tay lên một lượt với tôi. Tôi tiếp xúc với từng cảm thọ xảy ra trong từng bắp thịt. Quý vị thử đi! Thử đưa tay lên giùm họ đi, đưa tay dài thẳng lên, rồi từ từ buông xuống, hết sức là mầu nhiệm. Tôi đã quán chiếu như vậy suốt mười mấy phút tập thể dục của mình. Cũng như khi tôi đi thiền hành cho Sư thúc, trong vị ngọt của lạc thọ có chứa đựng vị đắng của khổ thọ, trong sen có bùn. Bây giờ hình hài của Sư thúc nằm trong tháp, Sư thúc không đi thiền hành với mình nữa thì mình đi cho Sư thúc. Tôi nhớ lúc Sư thúc qua Làng Mai lần đầu, tôi đã đưa Sư thúc đi thiền hành khắp nơi, xóm Hạ, xóm Mới, xóm Thượng, Sơn Hạ. Sư thúc nói: “Đất chùa bên này lớn hơn cả cái xã Thủy Xuân bên chùa Tổ”. Sư thúc đã nếm được pháp môn thiền hành, đã thấy được pháp lạc khi đi từng bước chân. Có hình chụp Sư thúc đang nắm tay tôi đi thiền hành, rất đẹp. Sư thúc còn có cơ hội qua làng lần thứ hai và cũng đi thiền hành trên những con đường đó, rất mầu nhiệm. Bây giờ mình đi cho Sư thúc. Đi cho Sư thúc thì bước chân thiền hành của mình có phẩm chất hơn. Mình đi cho bất kỳ ai cũng được.

Mình cũng có thể đi cho mình, tại vì một ngày nào đó nếu không vào tháp thì mình cũng vào một chỗ khác thôi. Trong giai đoạn này mình đi cho mình ở những giai đoạn kia. Quý vị làm được không? Tôi đã làm rồi, rất là hay! Mình đừng đợi người khác đi cho mình, bây giờ mình đi cho mình đi! Quý vị có hiểu tôi muốn nói gì không? Đừng đợi sau khi mất, nằm xuống đó rồi sẽ có người đi cho mình. Bây giờ mình phải tự đi cho mình. Như vậy mỗi bước chân sẽ đem lại an lạc và hạnh phúc, rất là mầu nhiệm. Qua đó chúng ta khám phá ra một điểu: trong vị ngọt của hạnh phúc luôn luôn có vị đắng của khổ đau.

Trong khi chơi đá bóng mà muốn có hạnh phúc thì mình phải nghĩ tới thời gian mình đau liệt giường liệt chiếu, không cựa quậy được. Mình nhảy lên, tung quả bóng lên rất hạnh phúc tại vì chính trên bối cảnh của khổ đau mà hạnh phúc được nhận diện rõ ràng.

Khi đã trải qua chiến tranh giặc giã rồi thì kinh nghiệm về chiến tranh là những hình ảnh của khổ đau. Được sống trong hoàn cảnh không có súng đạn, không có giết chóc mình đem cái hòa bình đó đặt trước bối cảnh của chiến tranh thì hòa bình hiện lên rõ ràng như một cái gì rất đáng quý. Nếu không thì chúng ta không biết trân quý hòa bình. Mình trân quý hòa bình từng giờ từng phút. Trong thời chiến tranh, lâu lâu người ta chấp nhận đình chiến trong vòng 24 giờ đồng hồ. Trong 24 tiếng đó nhiều người trong và ngoài nước thở được. Mình tưởng tượng cây cối cũng không có sợ hãi, dám vươn lên, mọc thêm, chứ đừng nói gì đến chim chóc và con người. 24 giờ hòa bình đó là rất nhiều, rất là hạnh phúc. Nếu ai đã đi ngang qua chiến tranh như chiến tranh Việt Nam ngày trước hay chiến tranh Iraq thì mình biết một ngày đình chiến vô cùng quý giá. Mình ước mong tại sao người ta không đình chiến thêm 24 giờ đồng hồ nữa?

Quý vị sinh ra vào thời bình, quý vị không thấy được sự quý giá của 24 giờ đình chiến. Tôi nhớ hồi đó, tôi bôn ba đi tranh đấu cho hòa bình, mỗi khi có 24 giờ đình chiến là tôi thấy khỏe nhẹ vô cùng. Tôi biết trong giờ phút đó đồng bào ở nhà không có ai chết, súng đạn im hơi được 24 giờ. Mình hỏi tại sao loài người lại dại dột như vậy? Tại sao không kéo dài đình chiến trong vài ngày nữa? Có những thanh niên chưa biết chiến tranh là gì, chưa biết khổ đau của chiến tranh là gì nên họ không có khả năng thưởng thức và thấy được giá trị của hòa bình.

Trong Kinh Niệm Xứ, phần quán niệm về tâm trong tâm, chúng ta đọc: “Mỗi khi có tâm hành giận phát hiện thì hành giả biết tâm hành giận đang hiện hữu. Mỗi khi có tâm hành tham dục phát hiện thì hành giả biết tâm hành tham dục đang có mặt”. Cố nhiên khi có tâm hành giận dữ hoặc đam mê phát hiện thì chúng ta phải nhận diện để ôm ấp và chuyển hóa chúng. Nhưng kinh cũng có nói: Mỗi khi không có tâm hành giận dữ thì mình phải ý thức rằng, không có tâm hành giận dữ trong mình. Mỗi khi không có tâm hành tham đắm thì hành giả nói, không có tâm hành tham đắm trong tôi. Nếu không đọc kinh với tính cách của một hành giả thì chúng ta hỏi, tại sao lại phải nói dư ra như vậy: Khi có tham đắm thì biết là có tham đắm, khi không có tham đắm thì biết là không có tham đắm. Khi có giận dữ thì biết là có giận dữ, khi không có giận dữ thì biết là không có giận dữ. Trong kinh cứ lặp đi lặp lại như vậy, mình có cảm tưởng viết như vậy là dư thừa, nhưng kỳ thực không dư thừa chút nào. Khi quý vị không có tâm hành giận dữ thì nghĩa là quý vị có hạnh phúc, nhưng quý vị không biết đó là hạnh phúc, đến khi có tâm hành giận dữ phát hiện rồi thì mình mới biết không có giận dữ là hạnh phúc. Trước đây mình tưởng không có giận dữ là bình thường, là không phải hạnh phúc. Hạnh phúc vốn là sự vắng mặt của khổ đau, cũng như hòa bình là sự vắng mặt của chiến tranh. Khi có đam mê thì mình khổ và khi không có đam mê là hạnh phúc nhưng mình không biết trân quý điều đó. Trong kinh nói: “Mỗi khi không có đam mê thì hành giả phải biết rằng, trong mình không có đam mê”. Mình phải nhớ, có đam mê thì khổ lắm. Câu “trong tôi không có đam mê” có nghĩa “có đam mê thì khổ lắm”.

Ở Làng Mai chúng ta hay nói tới chuyện đau răng. Nửa đêm lúc một, hai giờ khuya tự nhiên mình đau răng quá. Mình biết ông nha sĩ không mở cửa trước chín giờ sáng và mình phải chịu khổ từ bây giờ cho đến chín giờ sáng. Lúc đó mình giác ngộ ra sự thật: không đau răng là mầu nhiệm, không đau răng là hạnh phúc. Theo nguyên tắc của kinh thì chúng ta thực tập như thế này: Khi đau răng thì tôi biết là có đau răng, khi tôi không đau răng thì tôi phải biết là tôi không đau răng. Khi biết không đau răng thì tôi phải biết là tôi không đau răng. Khi biết không đau răng thì tự nhiên mình có hạnh phúc. Cái không đau răng chỉ được nhận diện trên bối cảnh của chiến tranh mà thôi. Khổ đau và hạnh phúc dính liền nhau rất mật thiết, không khổ đau thì không nhận diện được hạnh phúc. Vì thế có kinh nghiệm, có ký ức về khổ đau rất quan trọng. Nếu quý vị đã từng có khổ đau, đã từng đi qua khổ đau thì cái đó rất quý tại vì nhờ đó mà mình nhận diện được những giây phút hạnh phúc có thể có được. Vì vậy người hành giả phải có khả năng chế tác ra hạnh phúc, mình chỉ cần nhớ tới khổ đau của quá khứ là có thể tiếp xúc được với hạnh phúc trong hiện tại rồi. Mỗi giây phút của đời sống hàng ngày có thể là một giây phút hạnh phúc nếu mình đặt giây phút đó trên bối cảnh của khổ đau quá khứ và khổ đau mà mình biết cách xử lý và ôm ấp thì, tuy khổ đau còn đó nhưng mình đã hết khổ tại vì mình thấy rõ là mình có thể làm gì đó để xử lý khổ đau.

Có những người khổ đau mà cứ ngồi như vậy để chịu chết, để cho khổ đau tràn ngập, chế ngự, nghiến nát mình. Là hành giả, mình phải biết làm cái gì đó, mình có thể nói: Đây là bìn là cái mình rất cần để nhận diện và chế tác ra hoa sen. Chỉ cần thấy như vậy thì tình trạng thay đổi liền lập tức. Người hành giả phải có khả năng quản lý khổ đau của mình, nếu biết quản lý khổ đau thì sẽ có khả năng chế tác hạnh phúc. Khổ đau và hạnh phúc dính liền với nhau.


(Theo bản phiên tả pháp thoại ngày 26/11/2009 do Chân Giác Lưu thực hiện)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

Nguồn: Báo Giác Ngộ số 522-523

Âm lịch

Ảnh đẹp