07/06/2011 10:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 1092
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phản ứng tâm lý thông thường của chúng ta khi được khen thì khoái chí, vui vẻ, sung sướng, khi bị chê thì bực bội, tức tối, đau khổ. Ðó là hai thái cực của một tâm thức, mà theo đức Phật đều có hại, đều là phản ứng bất toàn. Bởi vì, từ đó sự hiểu lầm, tranh chấp, phiền não và thiếu hiểu biết sẽ khởi ra.


Một hôm, đức Phật và chúng Tỳ kheo đi trên con đường giữa Ratãgahã và Nalandã. Ði sau là tu sĩ ngoại đạo Suppiyo và một đệ tử là Brahmadatta. Suppiyo dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng. Trái lại, thanh niên Brahmadatta dùng vô số phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng.

Khi đêm vừa tàn, chúng Tỳ kheo đem sự việc trên bàn luận với nhau. Ðức Phật đi đến, sau khi biết tự sự Ngài dạy rằng:

"Này các Tỳ kheo, nếu có người hủy báng ta, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, các ngươi chớ vì vậy sanh lòng căm phẫn, tức tối, tâm sinh phiền muộn..."

"Này các Tỳ kheo, nếu có người tán thán ta, tán thán Pháp, tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, khoái trá, tâm không nên thích thú..."

Sỡ dĩ đức Phật dạy như thế, vì Ngài cho rằng khi bị chê trách thì tức tối, khi được khen ngợi thì khoái trá đều có hại, và không biết chính xác được lời nói của những kẻ ấy đúng hay sai sự thật.

Ðối với chúng ta khi bị hủy báng, nhục mạ thì vội vàng chống trả một cách quyết liệt, coi kẻ chê trách như một địch thủ, không đội trời chung. Cách đối phó như thế thường được nhiều người tán đồng và cho là khôn ngoan nữa. Trái lại, nếu ta làm thinh nhẫn nhục chỉ xét nét lại mình, thì bị chê là kẻ ngu khờ.


Thế tại sao đức Phật khuyên chúng ta không nên công phẫn, tức tối? Bởi lẽ khi tức tối phiền muộn nổi lên thì cái hại đến với chúng ta tức khắc, là mất sự an lành điềm đạm của nội tâm, kế đến sự cãi vã, tranh luận xô xát diễn ra và cuối cùng cả hai bên đều không thấy được chân lý. Trong kinh Tứ thập Nhị Chương, Ðức Phật dạy rằng:

"Khi bị kẻ xấu quấy phá, nhục mạ hãy cố nín lặng, như người đem lễ vật biếu người khác, họ không nhận, thì lễ vật ấy được trả lại. Cũng như người ngửa mặt nhổ bọt lên trời, bọt chẳng tới trời, trái lại rơi vào mặt mình..."

Như thế khi bị hủy báng, không nên vội vàng phản đối, mà phải xem xét điểm nào đúng với sự thật, điểm nào không đúng sự thật, điều nào mình có, điều nào mình không có, với một thái độ điềm tĩnh, thành thật, khách quan. Xử sự như thế, thì lời hủy báng ấy được trả lại cho người, còn mình vẫn an ổn, tự tại.

Ða số chúng ta khi được khen ngợi, tâng bốc thì sung sướng mặt tươi như hoa buổi sớm, thích gần gũi những người tán thán mình. Cách ứng xử như thế được người đời cho là hợp lý, thích nghi. Thế tại sao Ðức Phật bảo là có hại và khuyên chúng ta không nên phản ứng non kém, dễ bị người lợi dụng, lường gạt, cho đi máy bay bằng giấy? Qua lời đường mật của họ, chúng ta dễ biểu đồng tình và chấp nhận những yêu cầu thiếu sáng suốt, cuối cùng chúng ta không thấy được sự thật một cách chắc chắn. Hơn nữa, một Tỳ kheo mà bộc lộ sự hoan hỷ, khoái chí một cách nồng nhiệt qua lời khen ngợi biểu thị sự thiếu tế hạnh và mong cầu danh vị, dễ bị sa vào chén mật của kẻ tà tâm. Dù được tán thán một cách chân thành, chúng ta cũng phải xem xét điều nào đúng với sự thật, điều nào không đúng với sự thật, điểm nào mình có, điểm nào mình không có, để tránh trường hợp bị mù hoặc sa vào nẻo hư danh.

Khen và chê là hai tác động tương phản, luôn luôn làm chao động nội tâm chúng ta, kích thích sự hưng phấn hay ức chế, đem lại sự an lạc hay phiền não, có lợi hay bất lợi, là tùy thuộc cả hai đối tượng: trao và nhận.

Trong lãnh vực giáo dục, khen thưởng và chê trách đều là hai lợi khí được sử dụng song song. Trước đây nền giáo dục Ðông Phương đặt nặng vấn đề trừng phạt chỉ trích, trong khi nền giáo dục Tây Phương chú trọng sự tưởng thưởng khen ngợi. Cách vận dụng ấy là thuộc vào nền văn hoá, phong tục của mỗi địa phương, vì vậy hậu quả cũng có phần sai biệt.

Thiết nghĩ người khen ngợi hay chỉ trích, chỉ mang lại kết quả tốt đẹp, khi nào họ biết sử dụng hai lực tương phản này đúng lúc, áp dụng đúng tâm lý từng đối tượng, phải thành thật trong tinh thần thiết tha xây dựng cầu tiến. Ngược lại một người khen, chê thiếu trách nhiệm, thiếu khách quan và có dụng tâm không tốt, chính bản thân người ấy hoàn toàn chịu trách nhiệm về hậu quả chẳng lành.

Người được khen hay bị chê, dù ở trong trường hợp nào cũng phải dè dặt, xem xét và phán đoán một cách chính xác, không nên có những phản ứng bồng bột nông nổi, mới tránh được sự sai lầm, tai hại. Nói cách khác không quan trọng hóa khen hay chê, mà phải tìm hiểu sự thật, chân lý trong lời khen chê ấy.

Tóm lại, điềm tĩnh trước khen chê là thái độ của người hiền trí sáng suốt mà người con Phật cần nên tu tâm.

Thích Siêu Việt - Nguồn: buddhanet.net

Âm lịch

Ảnh đẹp