15/02/2014 21:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 1035
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật ra đời là cứu khổ chúng sanh, trong tất cả nỗi khổ, không có khổ nào bằng cái khổ mê lầm. Thế nên trong kinh Phật có đoạn Phật dạy: Đoạ xuống địa ngục bị hành hình thiêu đốt chưa phải là khổ, làm ngạ quỷ đói khát lang thang chưa phải là khổ, làm thân trâu ngựa kéo xe kéo cày cực khổ cũng chưa phải là khổ; chỉ si mê không biết lối đi mới là khổ.



Như vậy Phật xác nhận si mê là khổ trên tất cả các thứ khổ. Từ si mê chúng ta phải trầm luân muôn kiếp, đoạ lạc không biết bao nhiêu lần, sinh đi, tử lại, khi làm người, khi làm vật, khi ở địa ngục, ngạ quỷ… mãi mãi không ra khỏi. Vì vậy chư Phật ra đời cứu khổ chúng sanh là chỉ cho mọi người con đường giác ngộ, có giác ngộ mới thoát ly sanh tử, được giải thoát. Cho nên chúng ta tu Phật, mục đích không gì hơn là từng bước, từng bước đi trên con đường giác ngộ.

Bây giờ có người khi cha mẹ mất, đến ngày làm tuần, liền dán cho cái nhà lầu, tôi tớ, đốt xuống dưới để ba má có chỗ ở, có người hầu hạ sung sướng hoặc sợ ba má nghèo thiếu, nên mua giấy tiền vàng bạc đốt cho thật nhiều, để cho ba má xài. Đó là việc làm của người mê lầm, vì làm một việc không có ý nghĩa gì hết. Nếu cha mẹ làm tội mới đoạ xuống địa ngục, khi đã có tội làm sao dùng nhà lầu xe hơi được. Như một ông lớn quyền thế trên thế gian, có con phạm tội nặng bị nhốt trong tù. Ông đem xe hơi vô cho con đi chơi được không ? Đem vô cũng đâu đi được vì bị nhốt. Cũng vậy, nếu cha mẹ xuống địa ngục là đã làm tội, vậy mà đem xe hơi nhà lầu xuống để dùng thì chuyện vô lý quá. Vô lý mà vẫn làm có phải là si mê không ? Rõ ràng đang si mê. Học đạo giác ngộ mà làm việc si mê, như vậy đúng là con Phật chưa ?

Phật dạy tu phải biết lý nhân quả. Chúng ta gieo nhân lành gặp quả lành, tạo nhân ác phải chịu quả ác. Nhân lành và quả lành theo nhau chớ không tách rời, nhân ác và quả ác cũng thế. Như hiện giờ Phật tử có những tai họa phải chịu khổ đau thì biết tại vì mình đã tạo nhân ác từ trước bây giờ quả ác đến, chúng ta khổ đau. Tự biết đó là nhân không tốt của mình đã tạo, thì bây giờ phải làm sao cho hết nhân ác ấy, phải tu thế nào để không còn tái phạm nhân đó nữa, như vậy mới hết khổ.

Phật tử bây giờ đi chùa, khi gặp hoạn nạn đến cúng một ít cho Tam bảo rồi xin Phật cho gia đình con được bình an hết hoạn nạn, cho con cái được thi đậu… Phật đâu có cho được, vì Ngài thường dạy “Ta không có quyền ban phước giáng họa cho ai hết”. Thế mà quý Phật tử đi chùa cứ xin Phật hoài. Như vậy là mê hay giác ? Xét bao nhiêu đó cũng đủ thấy Phật tử có xứng đáng là con Phật chưa ?

Chúng ta phần nhiều đi trong mê lầm, chớ không đi trên đường giác ngộ. Người Phật tử phải hiểu đúng lý nhân quả của Phật dạy, mình làm thì mình chịu chớ không bắt Phật chịu. Phật tử còn cầu xin Phật việc này việc nọ là chưa có can đảm, chưa thực hành theo lời Phật dạy. Muốn hết khổ phải làm điều lành, cứu giúp mọi người cho quả khổ giảm nhẹ, chớ còn xin Phật cho sao được. Nếu Phật cho được thì Ngài đã không nói nhân quả. Đã nói nhân quả thì biết Phật không cho được. Đây là một luật công bằng, không thể vì chúng ta là người thân của Phật rồi Ngài giảm cho nhẹ tội. Trong kinh, Phật nói rằng: Người không phải đạo Phật làm mười điều ác, chịu khổ đúng như nhân mình đã tạo; người theo đạo Phật làm mười điều ác, cũng chịu khổ đúng như người kia không khác. Luật nhân quả luôn luôn công bằng như vậy.

Nói thế Phật tử sẽ hoang mang, mình tu theo Phật mà Ngài không che chở gì hết ? Tôi kể lại một câu chuyện xưa thế này. Khi đức Phật còn tại thế, bà Tỳ-kheo Ni Liên Hoa Sắc tu chứng quả A-la-hán rồi. Trên đường đi, bà gặp mấy đứa trẻ mười tám, hai mươi tuổi bà rủ đi tu, thọ giới Tỳ-kheo Ni. Mấy cô thưa: “Chúng con còn ham ăn, ham ngủ quá, đi tu lỡ phạm giới đọa xuống địa ngục làm sao ?” Bà nói: “Không sao đâu, nếu lỡ phạm giới đọa địa ngục rồi trả hết tội, lên tu nữa”. Lời này có phải đùa không ? Đó là một sự thật. Bởi vì nếu người không tu, phạm tội đọa địa ngục dĩ nhiên phải xuống địa ngục. Bây giờ chúng ta có tu, có thọ giới, phạm tội đọa địa ngục, cũng xuống địa ngục nhưng khác hơn người. Kẻ kia xuống địa ngục, khi hết tội trở lên họ không biết đường tu, còn chúng ta khi hết tội, trở lên do còn chủng tử thọ giới tu tập lúc trước, nên bây giờ sớm thức tỉnh, hơn được hạt giống lành đó.

Như ở thế gian nhiều người sinh ra được giàu sang, quyền quý nhưng lại hung hăng ác độc, như vậy là sao ? Không có gì khó hết. Người có phước mới sanh ra trong nhà sang trọng quyền quý, bởi đời trước họ làm được điều lành, dù không theo tôn giáo nào nhưng thấy ai khổ họ cứu giúp. Do có tâm tốt ấy nên đời sau họ được hưởng giàu sang phú quý. Tuy nhiên chủng tử đạo đức không có, nên ai xúi giục điều xấu họ cũng có thể hưởng ứng theo. Nếu người vừa làm phước lại còn quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới thì đời sau sanh ra vừa giàu sang, sung sướng vừa có chủng tử lành, do giới đức đời trước còn, nên họ không rơi vào chỗ dữ ác, tánh tình hiền hòa nhu thuận. Tóm lại ở thế gian, có người sang quý mà rất hiền lành, có người sang quý nhưng lại hung dữ, đó là do chủng tử đời trước nên đời này hưởng tiếp tục. Người không gieo chủng tử sẵn, chỉ gặp duyên thì làm phước, thì ngày nay hưởng phước nhưng gặp duyên xấu xúi giục họ cũng làm xấu. Lý nhân quả rõ ràng như vậy.

Chúng ta là Phật tử biết tu theo đạo Phật, là người giác ngộ. Dù giác ngộ ít cũng là giác ngộ, những gì trái với giác ngộ chúng ta không nên làm. Thế mà hiện giờ Phật tử còn cúng sao, cúng hạn không ? Còn. Cúng sao cúng hạn là cúng cho ai, được cái gì, quý vị biết không ? Nếu không biết mà làm, đó là giác hay mê ? Mê. Sao hạn mình ở chỗ nào, quý vị chưa biết rõ nữa, mà cúng là cúng cái gì ? Thật ra sao hạn là theo sách Tàu. Ngày xưa mấy ông đồ nho giỏi đọc sách Tàu, họ bắt chước coi sao hạn theo người Trung Hoa. Từ khi nước mình bị Pháp thuộc về sau, không dạy chữ nho nữa nên các ông đồ lần lần mất hết. Bây giờ muốn coi sao hạn, chỉ còn nhờ quý thầy ở chùa biết kinh chữ Hán, thế là dân chúng đem những cuốn sách nho đến nhờ quý thầy coi giùm. Ban đầu quý thầy từ bi coi giùm. Về sau dân chúng thấy quý thầy coi giùm nhiều người quá, không làm được việc gì, trong chùa hết gạo, chẳng lẽ họ làm ngơ. Thế là thương thầy bỏ công coi giùm nên họ cúng lại vài trăm, mỗi người một chút, lâu ngày chày tháng thành lệ. Từ đó thầy thấy coi bộ được, thôi để thầy coi cho. Rốt cuộc trong chùa sanh chuyện coi ngày, coi tháng, cúng sao, cúng hạn hồi nào không hay.

Đó là nguyên nhân cúng sao cúng hạn, thật ra trong sách Phật không có chuyện đó, Phật còn rầy nữa. Trong kinh Di Giáo Phật dạy các thầy Tỳ-kheo không được xin xăm bói quẻ, không được coi tướng coi sao… vậy mà bây giờ một số thầy cho đó là việc làm chính của nhà chùa thì thật là sai lầm lớn. Chẳng qua vì chiều lòng Phật tử, lại thấy có lợi thì làm, chớ không phải chủ trương của Phật dạy. Phật tử phải hiểu thật rõ điểm này để không bị lầm lẫn giữa cái mê và cái giác.

Phật tử khi đã hiểu rồi, thấy việc làm đó vô lý, thử đặt lại câu hỏi “Ngôi sao của mình là ngôi sao nào ?” Nếu chúng ta được đi phi thuyền lên cung trăng, chắc sẽ giật mình vì không thấy ngôi sao nào độ mạng cho mình hết. Bây giờ ngồi đó mà cúng lạy thì thật vô lý quá, không giác ngộ chút nào hết. Vì vậy chúng ta phải sáng suốt, nhận định cho thật kỹ thế nào là lời Phật dạy, thế nào không phải lời Phật dạy. Lời Phật dạy chúng ta mới làm, không phải lời Phật dạy thì không làm. Đó là người đang đi trên đường giác. Không phải Phật dạy mà làm là đang đi trên đường mê, đã lạc vào đường mê thì còn là Phật tử nữa không ? Mất tư cách Phật tử rồi, vì Phật tử là con bậc của giác ngộ, thì không thể làm điều mê được.

HT.T.T.T

Âm lịch

Ảnh đẹp