Bạch
Ẩn Huệ Hạc là con út trong một gia đình có năm người con. Dòng họ ngoại
của ông rất sùng kính môn phái Nhật Liên. Bạch Ẩn lại rất thân cận với
mẹ, nên khi còn nhỏ ông chịu ảnh hưởng tính tình và khuynh hướng tôn
giáo của mẹ rất nhiều.
Bạch
Ẩn thường được mẹ dẫn đi nghe pháp ở các chùa thuộc hệ phái Nhật Liên.
Một lần, một cao tăng thuộc phái Nhật Liên tên là Nichigon Shonin, nổi
tiếng về tài hùng biện, đã đến giảng tại ngôi chùa thuộc địa phương ông
đang ở.
Khi
nghe diễn tả thật chi tiết vễ những nỗi khổ trong tám tầng địa ngục,
ông rúng động, cả người run bắn. Đêm đó, nằm trong vòng tay mẹ, ông
không sao ngủ được và khóc cả đêm. Nỗi sợ hãi đó là nhân duyên giúp ông
đến với đạo.
Mỗi
lần tắm cho con, bà vẫn có thói quen đun nước cho thật sôi. Bà bắt
người hầu gái phải liên tục châm củi cho đến khi lò lửa cháy bùng. Nhưng
đợt này, những vệt lửa nhảy múa qua lại bắn ra những đợt sáng giận dữ,
đã khiến Bạch Ẩn thét lớn. Tưởng ông bị phỏng, mọi người chạy ùa vào,
nhưng không ai biết chuyện gì xảy ra ngoài một lời yêu cầu: “Em chỉ nói
với mẹ, tất cả hãy đi hết đi!”.
Khi
tất cả đã đi hết, ông quì trước mặt mẹ, hai tay khoanh trước ngực và kể
cho bà nghe những tiếng động trong bồn tắm đã làm ông sợ hãi thế nào:
“Mẹ không hiểu đâu. Con không thể nào đi vào bồn tắm mà không sợ hãi khi
nghĩ đến lúc con phải vào trong hỏa ngục, bị đốt cháy trong đó. Con
phải làm sao bây giờ hả mẹ? Có cách nào tránh được điều đó không? Hay cứ
phải ngồi chờ cho tới khi cái chết đến? Con muốn biết con phải làm gì?
Mẹ phải cứu con. Con không chịu nỗi …”. Bà chỉ biết hứa với con: “Chuyện
này không thể bàn ở phong tắm được. Thôi để mai mình kiếm chỗ khác sạch
sẽ hơn”.
Ông
yên lòng và vào tắm trở lại như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Hôm sau,
bỏ mọi thú vui, ông tập trung khẩn khoản “Chắc chắn là không ai tội lỗi
nhiều như con. Mẹ nhớ lời hứa ngày hôm qua không? Nói cho con đi!”. Sau
nhiều lần thoái thác không xong, bà nói: “Lúc nào con cũng phải thờ
phụng vị thần của đền Kitano”.
Ông
vui mừng, giơ đầu cho mẹ chải tóc, rồi đến phòng thờ quét dọn sạch sẽ,
thắp nhang, và bắt đầu niệm tên Tenjin liên tục không ngừng. Ngay đêm đó
ông đã thuộc lòng cuốn kinh Tenjin. Sau đó, cứ vào giờ sửu mỗi sáng,
ông lại thức dậy thắp hương, cầu xin được thoát khỏi địa ngục nóng bỏng
đang chờ ông trong tương lai.
Sự
việc đó khiến cha ông tức giận: “Thằng nhãi ranh, một thằng như mày mà
đêm nào cũng thức dậy đọc kinh thì ích lợi gì? Chỉ tổ làm phí dầu”.
Nhưng mẹ ông thì khác, bà bảo: “Ông đã chẳng lo tu trì, còn bảo người
khác không tu như mình. Con nó muốn tụng kinh là điều đáng mừng. Đừng có
cản nó”. Nhờ đó ông được tiếp tục những gì mình muốn làm.
Thời
gian đó, phong trào bắn cung đang thịnh hành cho cả người lớn lẫn trẻ
con. Bạch Ẩn cũng tham gia. Ông quyết định bắn cho được một bông hoa
trên giấy dán cửa. Không ngờ mũi tên bay trật mục tiêu, nhắm thẳng vào
mắt trái của Saigyo. Đó là bức tranh rất quí của người anh rễ, họa thi
sĩ Saigyo đang đứng dưới cây liễu của một nghệ sĩ nổi tiếng.
Ông
kể : Khi thấy vậy, cả người tôi run lên. Tôi vội chấp hai tay lại cầu
khẩn thần Tenjin: “Lạy thần Kitano, xin ngài nhủ lòng từ bi và dùng năng
lượng vô biên của lời nguyện để bảo vệ con. Cầu xin ngài phù hộ cho
việc con làm vừa rồi không ai biết đến”.
Trong
khi tôi đang vã mồ hôi và co rúm người lại vì sợ, thì anh rễ tôi đã về
nhà lúc nào không biết. Anh nhìn thấy bức tranh bị hủy hoại, giựt nó ra
khỏi tường và chạy vội vào phòng mẹ tôi. Anh để nó trước mặt bà và giận
dữ: “Mẹ coi, thằng con vô tích sự của mẹ nó phá thế này đây!” Rồi lấy
lại bình tĩnh, anh nện mạnh gót giày và ra khỏi phòng, để lại sau lưng
một tiếng sầm chát chúa.
Mẹ
tôi trừng mắt nhìn tôi nhưng không trách mắng. Tôi bắt đầu nói chuyện
lung tung, nhưng thực ra bên trong rất rúng động: “A thần Tenjin! Ngài
là một vị thần hơi khó tin đó. Chuyện tương đối nhỏ vậy mà ngài còn
chẳng che nổi, làm sao con có thể trông cậy ngài cứu con khỏi lửa địa
ngục ?”
Đêm
đó tôi lại thức dậy vào giờ sửu, ra bàn thờ thắp hương cúng như thường
lệ. Tôi nhắm mắt lại, chắp hai tay vào nhau van vái: “Lạy ngài Kitano.
Con xin hoàn toàn nương nhờ vào ngài. Nếu ngài có thể cứu con ra khỏi
lửa địa ngục, xin hãy cho làn hương bay thẳng lên trời. Nếu ngài không
giúp con được, xin để khói hương tỏa tản mác mọi nơi”. Khấn xong, tôi
tĩnh tọa một lúc. Hai tay vẫn chắp trước ngực. Tôi mở mắt ra. Khói từ
cây nhang bay thẳng lên trời. Tôi nhắm mắt lại và nghĩ đến phước báu của
mình. Và lại mở mắt ra. Nhưng lần này, khói tỏa đi khắp mọi nơi. Lòng
tin của tôi đối với năng lực của thần Tenjin bị tổn thương nặng nề. Chưa
bao giờ tôi cảm thấy buồn lòng hơn.
Tôi
nghe nói khi có ai khẩn thiết cần sự cứu rỗi tâm linh như tôi, không có
vị thần nào có thể sánh kịp với năng lực vô biên của Quán Thế Âm. Vậy
là tôi lập tức tụng kinh Phổ Môn. Chỉ vài ngày sau tôi đã thuộc hết bài
kinh. Tôi tụng bài kinh đó song song với bài kinh của ngài Tenjin, sớm
tối không hề ngưng nghỉ. Nhưng rồi tôi bắt đầu suy nghĩ: “Mình đã bỏ
không biết bao nhiêu thời giờ và công sức để tụng mấy bài kinh này,
nhưng hình như chẳng thấy hiệu lực gì. Một vết bỏng trên da vẫn còn làm
mình sợ hãi”.
Lúc
đó, có một nhóm kịch rối đang đến địa phương để trình diễn. Vỡ diễn có
nhan đề “Cái mũ sắt của Nisshin Shonin”. Trong vở kịch, vị lãnh chúa đã
hỏi một tăng sĩ Nhật Liên, ngài Nisshin Shonin rằng: “Một người đang thọ
trì kinh Pháp Hoa có cảm thấy cái nóng của lửa cháy không?”. Nisshin
đáp: “Nếu hành trì đúng, người ta có thể vào lửa cháy bùng mà không bị
tổn hại. Cũng có thể vào nước mà không chết chìm”. Vị lãnh chúa bèn thử
Nisshin bằng cách cho đốt một lưỡi cầy và xiết chặt vào người Nisshin.
Nisshin chịu đựng khổ hình một cách hoàn toàn an nhiên tự tại. Khán giả
xem xong đều nhất loạt hô to danh hiệu của kinh Pháp Hoa “Nam mô Diệu
Pháp Liên Hoa Kinh. Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh …” .
Câu
chuyện này khiến tôi phải suy nghĩ: “Nếu được bản lãnh như vị tăng kia,
có lẽ sẽ tránh được cái họa thiêu đốt của địa ngục. A! Ta sẽ trở thành
một tăng sĩ Phật giáo như ông ấy”.
Tôi bày tỏ cho mẹ biết ước nguyện muốn xuất gia của mình, càng sớm càng tốt.
Bà
nói: “Kể cũng là một điều tuyệt vời! Lúc nào con cũng quan tâm đến việc
phải xuống địa ngục hay không. Thôi thì chẳng chóng thì chầy, ta cũng
phải chìu theo ý muốn của con thôi”.
Từ đó, tôi để hết thì giờ vào việc học kinh Phật. Tôi cũng đọc qua một tập thơ kệ thiền. Tôi làm việc đó trong hai tháng ...
Đó
là nhân duyên đến với đạo của thiền sư Bạch Ẩn trong hiện kiếp – Một
thiền sư nổi tiếng của Nhật Bản. Đương nhiên học kinh Phật và đọc thơ
thiền chỉ là bước đầu trong quá trình tu tập của ngài. Còn rất nhiều thứ
phải tu tập hành trì mới có thể phát huy được năng lực tiềm ẩn sâu xa
trong bản thân mình. Đó là năng lực vào lửa không cháy, vào nước không
chìm. Vậy mới có thể giúp mình thoát khỏi sự sợ hãi ngọn lửa địa ngục.
Muốn biết quá trình đó thế nào, xin mời đọc tiếp cuốn “Bạch Ẩn Huệ Hạc –
Cuộc đời, ngữ lục, thư pháp, họa phẩm”. Bản dịch của sư cô Thuần Bạch
và Ngọc Bảo - Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn - xuất bản năm 2008.
Chân Hiền Tâm