04/02/2011 08:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 3347
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Con người sanh ra đời đó là cái  kết quả hình thành tiếp nối của cái nhân mà do chúng ta đã gây tạo từ trong quá khứ. Căn cứ theo lý nhân quả nghiệp báo, thì ta nhìn cái thân và cuộc sống  của ta hiện tại mà ta có thể đoán định được phần nào cái nhân của quá khứ mà ta đã gây ra. Trong Kinh Pháp Cú Phật dạy rất rõ:

Dục tri tiền thế nhân,

Kim sanh thọ giả thị.

Yếu tri lai thế quả,

Kim sanh tác giả thị.

Nghĩa là:

Muốn biết đời trước của mình như thế nào, thì hãy nhìn kỹ cái quả báo mà mình đang lãnh thọ của đời hiện tại nầy. Muốn biết cái quả báo của mình đời sau ra sao, thì hãy nhìn vào cái tác nhân mà mình đang gây tạo trong hiện đời.

Ðó là ta nhìn nhân quả theo chiều thời gian. Còn về không gian, thì đời sống của ta có liên hệ mật thiết với tất cả muôn loài. Thế nên mọi ý nghĩ, hành động, lời nói, việc làm của ta đều có tác động ảnh hưởng xấu, tốt đến mọi loài. Ðó là cái nhìn đúng theo lý duyên sinh nhân quả của Phật giáo.

Ta nên biết thêm rằng, nhân quả là một chân lý phổ biến. Nó hình thành và tiềm tàng trong mọi sự vật, không một vật thể nào thoát khỏi nhân quả. Vì hiểu được định lý nhân quả, nên từ  ngàn xưa, tổ tiên ta đã khéo ứng dụng thể hiện vào đời sống theo chiều hướng thăng hoa tốt đẹp từ cá nhân, gia đình và xã hội. Do sự trải nghiệm theo dòng đời khổ vui đó mà ông cha ta đã để lại một kho tàng quý báu về những câu ca dao tục ngữ bất hủ trong việc xử thế, trị quốc, tu thân, tề gia, hành thiện theo hướng nhân quả tốt.


Những câu ca dao tục ngữ nhằm thức nhắc người ta nhớ đến nhân quả để hành xử cho mình và người trong tương quan đời sống, nên tránh những nhân xấu mà cần gây tạo những nhân tốt để có cái quả báo tốt đẹp. Chúng tôi thấy có rất nhiều câu ca dao tục ngữ theo dạng thức nầy.

Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra một số câu ca dao tục ngữ mà chúng ta thường nghe người ta hay đề cập đến liên quan đến lý nhân quả. Và qua mỗi câu ca dao, tục ngữ, chúng tôi xin được góp thêm chút ý mọn với mục đích là để làm sáng tỏ ý nghĩa của những câu ca dao hay tục ngữ đã được nêu ra. Chỉ góp thêm chút ý kiến nhỏ nhoi thôi, chớ chúng tôi không dám có cái cao vọng là bình phẩm rõ ràng cặn kẽ qua từng vấn đề của mỗi câu. Việc làm nầy, xin để cho các bậc học giả có kiến thức uyên thâm bình giải cho chúng ta.

Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa sơ qua một số câu tục ngữ mà chúng ta thường nghe thấy.

1.  Ở  hiền gặp lành.

Câu nói nầy, nhằm ý thức nhắc mọi người nên ăn ở hiền lương, không nên gây tạo những điều bất thiện. Hễ mình có lòng tốt giúp đỡ cho mọi người, khi người ta gặp cảnh hoạn nạn, ngặt nghèo, thì mình nên rộng lòng từ ái cứu giúp. Ðến khi mình gặp cảnh không may xảy ra, thì người ta sẽ giúp đỡ mình lại. Dù người đó không giúp mình, thì cũng có người khác giúp mình. Ðành rằng, khi thi ân, mình cũng không có ý mong cầu người ta đáp trả lại. Vì sách Nho có câu: “Thi ân bất cầu báo”.  Thi ân mà còn cầu đáp trả, đó là thi ân có ý mưu đồ. Ðúng theo luật tắc nhân quả, hễ có gây nhân, thì sớm hay muộn gì cũng có kết quả.

Sống ở đời, nếu mình quá ích kỷ, cái gì cũng chỉ nghĩ riêng cho phần mình, ai chết mặc ai, dù thấy người ta đang đau khổ ngút ngàn rên la oằn oại trước mắt mình, mình cũng không chút từ tâm thương xót. Như thế, thì thật mình quá  nhẫn tâm, không có chút tình người. Ta nên biết rằng, đời là vô thường nay vầy mai khác, đổi thay luôn luôn, chắc gì mình không có lúc gặp phải cảnh hoạn nạn khổ đau. Biết đâu sau nầy mình còn khổ đau hơn người ta nữa không chừng. Do nghĩ thế, nên hôm nay, mình nên đối xử tử tế hiền hòa với mọi người, thì mai kia, khi mình có gặp hoạn nạn, thì không ai lại bỏ mình.

Thế nên, mình cố gắng làm lành giúp người tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Ðược thế, thì còn gì quý giá cho bằng. Mình giúp cho người ta vui vẻ, tức mình cũng vui vẻ. Cho nên câu nói: “ở hiền gặp lành” tuy có 4 chữ ngắn gọn, nhưng nó cũng đã thức nhắc cho chúng ta rất nhiều trong đời sống tương thân, tương ái và tương trợ lẫn nhau. Hễ gây nhân hiền, thì tất sẽ gặt hái quả lành.

2. Ở ác gặp dữ.

Câu nói nầy, ngược lại với câu trên. Nếu ở hiền gặp lành, thì ở ác gặp dữ, đó là điều tất yếu, không thể tránh khỏi. Câu nói nầy, các bậc tiền nhân đã cho ta một kinh nghiệm sống ở đời. Nếu mình muốn có một đời sống an lành, không xảy ra lắm điều hệ lụy phiền toái, thì mình không nên gây tạo những điều ác đức, làm đau khổ cho mình và người. Như mình hung dữ, thô bạo cướp của, giết người, làm những việc phi pháp trái với luật quốc cấm, đó là mình đã gieo hạt giống bất thiện rồi. Ðã thế, thì thử hỏi làm sao tránh khỏi quả báo khổ đau.

Cứ nhìn vào xã hội loài người hiện nay, ta thấy có biết bao những tệ nạn xảy ra. Như kẻ cướp của giết người, bị cảnh sát bắt tống giam vào trong nhà lao. Dĩ nhiên, kẻ đó sẽ bị pháp luật trừng trị hành phạt đích đáng theo cái tội mà họ đã gây. Hôm nay, vì một cơn giận tức mình hung dữ ra tay đánh đập tàn nhẫn một người cô thân yếu thế, thì mai kia mình sẽ bị kẻ khác đánh đập lại. Chuyện đó đã và đang xảy ra hằng ngày.

Do đó, nên câu nói: “Ở ác gặp dữ”, cổ nhân nhằm khuyên chúng ta không nên hành động hung dữ mà phải chuốc lấy khổ lụy vào thân. Bởi do gây nhân bất thiện, nên gặp phải gặt hái cái quả bất thiện. Trong trường hợp nầy, ta thấy có nhiều câu tục ngữ cũng có đề cập đến, tiêu biểu như những câu nói sau đây: “Nhân nào quả nấy”Hay: “Gieo gió gặt bão” hoặc “ác lai ác báo” “quả báo nhãn tiền” v.v…Ðây là những câu tục ngữ có tác dụng, nhằm khuyên răn người đời, nên luôn nhớ đến luật nhân quả báo ứng một mảy may không hề sai chạy. Biết thế,  chúng ta phải cố gắng ăn ngay, ở hiền, làm lành, lánh dữ. Có thế, thì đời sống từ bản thân, gia đình, xã hội mới được an vui hạnh phúc.

3. Sinh sự, sự sinh.

Câu tục ngữ nầy nhằm chỉ cho người hay có tật phê bình chỉ trích vạch lỗi nói xấu người khác. Ðây là hạng người chuyên môn bới lông tìm vết hay vạch lá tìm sâu. Nhưng họ lại quên rằng: “chưn mình còn lắm lê mê, mà đi xách đuốc lại rê chưn người”. Từ chỗ hay bươi móc nói xấu người, nên họ thường hay gặp phải những chuyện xích mích gây gổ, đôi chối, lắm chuyện thị phi phiền hà rắc rối đủ thứ. Do đó,  nên mới có câu nói thật đáng kiếp ai bảo: “Sinh sự, sự sinh”. Hai chữ “sinh sự” đã nói lên con người thiếu tự trọng, nhân cách, hay gây ra sự bất an phiền toái cho mình và người. Sinh sự là muốn hại người, đó là “Nhân” mà sự sinh phải chuốc khổ lụy vào mình, đó là “Quả”. Ta nên nhớ nhân quả như vang theo tiếng, như bóng theo hình. Nếu chúng ta khéo biết “sinh sự” tốt, làm lợi ích cho tha nhân, thì chúng ta sẽ nhận được cái “sự sinh” tốt đẹp cho mình vậy.

4. Có tật giật mình.

Một người hay làm những điều phi pháp bất nhân, thấy ai họ cũng đâm ra nghi ngờ sợ hãi. Trong lòng của họ không lúc nào an ổn. Từ đó, nó hiện ra cái tướng bên ngoài không được tự nhiên. Bởi thế nên người xưa nói: “tâm ư trung xuất hành ư ngoại”. Nghĩa là trong lòng của con người hiền hoặc dữ, gian dối hay thành thật như thế nào, thì nó đều hiện ra cái tướng cũng y như thế đó. Trường hợp như những kẻ buôn lậu những thứ hàng hóa quốc cấm chẳng hạn, trong tâm cảnh đó, thì thử hỏi trong lòng và tướng trạng của họ ra sao? Dù cho họ có cố gìn giữ bình tĩnh đến đâu, cũng không thể nào che mắt được những con “mắt thần” của luật pháp. Ðã mang cái “Tật” hành vi phi pháp, thì nó cũng hiển lộ ra cái tướng thất đức bất bình thường. Nhất là nhìn trên gương mặt của họ thì người ta đủ biết nghi ngờ. Mà trên gương mặt chỗ dễ phát hiện ra nhất là ở nơi đôi mắt. Kẻ gian dối bao giờ đôi mắt của họ cũng láo liên, hay ngó trước nhìn sau, tỏ vẻ không yên sợ hãi. Do nhìn đôi mắt, người ta cũng đoán  biết được phần nào của kẻ ngay gian. Vì đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Chính vì thế, mà họ khó qua mắt nổi của những người có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự bảo vệ luật pháp.

Cho nên, chúng ta thường nghe hoặc thấy báo chí hay loan tin những kẻ buôn lậu nha phiến bị bắt nơi này, nơi kia, nhất là thường xảy ra ở các phi trường quốc tế. Sở dĩ công an cảnh soát bắt được những kẻ buôn lậu, cũng tại vì họ có cái tật gian dối muốn qua mặt luật pháp, nên nó mới hiện ra cái bệnh giật mình. Thấy công an cảnh sát, thì họ hồn phi phách tán. Nhất là đối với những kẻ chưa phải là chuyên nghiệp. Nhưng vì một hoàn cảnh nào đó, bắt buộc họ phải làm như thế. Ðối với những người này, thì sự giật mình của họ rất lớn. Nên họ khó qua khỏi luật pháp trừng trị. Bởi thế, kết quả là họ sẽ bị tù tội hoặc bị tử hình, tùy theo tội nặng nhẹ.

Câu tục ngữ trên, ngầm ý cổ nhân khuyên chúng ta không nên làm những điều ác đức phi pháp. Vì bản chất của con người là ham sống sợ chết. Dù là kẻ hung ác đến đâu, khi đối diện với luật pháp, thì lòng họ cũng phải rúng động rung sợ. Vì sao? Vì họ vẫn còn muốn sống. Biết thế, thì chúng ta đừng nên gây ra tội ác để cho mình  khỏi phải có cái “Tật” để rồi thấy ai cũng không phải “Giật” mình. Nếu mình không gây ra cái “Tật” đó, nghĩa là, phải ăn ở cho có đạo đức tình người, thì quả mình là kẻ rất tự do không sợ ai cả. Ðược thế, thì dù mình có đi đâu hay ở đâu, đối với bất cứ ai mình cũng là kẻ sống hiên ngang mà không bao giờ biết hổ thẹn với đất trời.

5. Ai làm người nấy chịu.

Câu tục ngữ nầy đã nói lên định luật nhân quả rất công bằng. “Ai làm người nấy chịu”. Chữ ai và người nấy, cũng chỉ là một người. Như nói ai ăn nấy no, ai học nấy biết chữ. Không thể người nầy ăn mà người khác lại no. Nhân và quả đáp lại đúng theo cái nhân mà mình đã gây tạo. Một kẻ giết người, tất phải đền tội trước pháp luật. Không thể anh A giết người mà anh B chịu thế. Như thế, là một điều ngịch lý và tất nhiên không bao giờ có thể xảy ra. Nếu người nầy làm mà người khác lại chịu thế, thì đó là chuyện tréo cẳng ngõng ngược kỳ đời và trái với luật nhân quả. Thậm chí, trong tình thân thuộc như: cha con, chồng vợ v.v… cũng không ai thay thế cho ai. Cha hành động sai trái, thì cha phải chịu tội. Không thể nào con  gánh vác chịu tội thay thế cho cha. Như cha vào tù, người con dù có thương cha đến mấy cũng không thể vào tù lãnh án thay thế cho cha được. Chính con người phải chịu trách nhiệm những gì mà mình đã gây tạo. Như thế, thì không ai có thể ỷ lại và đổ thừa cho ai. Vì ai làm người nấy chịu kia mà! Nhờ sợ nhân quả như thế, nên người ta mới không gây ra những điều xấu ác. Không gây tạo tội lỗi, tất nhiên, mình sẽ được an vui, thoát khỏi cảnh đau khổ tù tội. Câu tục ngữ trên, ngầm ý nhắc nhở người ta phải nhớ đến nhân quả và phải ý thức cẩn trọng ở nơi hành động việc làm của mình.

Ðồng thời, nó cũng nói lên một ý nghĩa tự lực không ỷ lại nhờ cậy bên ngoài. Mình làm mình chịu, không oán trách hờn giận đổ trút cho bất cứ ai.

Ðã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

( Nguyễn Du - Truyện Kiều )

Ai tu nấy thành, ai hành nấy đắc. Ðó là luật tắc xưa nay đều như thế. Tinh thần trách nhiệm, đó là tinh thần độc lập. Thành bại, đắc thất, nên hư v.v… tất cả đều do mình quyết định lấy. Mình phải gánh chịu trách nhiệm những gì mà chính mình đã gây tạo. Thành công không kiêu căng, thất bại cũng không nản chí. Ðược cũng tốt mà mất cũng không sao. Vì tất cả do mình quyết định. Chiếc thuyền đời của mình, phải do mình tự lèo lái. Lái dở hay giỏi đều do ở nơi mình. Ðó là tinh thần tự lực tự cường. Không đổ trút cho định mệnh hay số phận, cũng không nên trách trời, trách Phật. Phật trời không có thưởng phạt cho mình, mà chính mình tự thưởng phạt lấy mình. Mình gây nhân nào phải chịu gặt hái quả nấy. Ðịnh mệnh không thể an bày cho mình. Người nào tin tưởng theo thuyết định mệnh là người đó mất hết quyền tự chủ. Và cũng không hiểu rõ luật nhân quả. Cái gì cũng phó thác cho định mệnh. Thử hỏi định mệnh là gì? Bàn tay nào đã quyết định cho sinh mệnh của mình? Tại sao không quyết định cho mình những điều hay ho tốt đẹp, mà lại quyết định chi những điều xấu xa dở tệ? Thật là bất công phi lý! Tại sao tạo hóa không quyết định cho con người sống chung hòa bình, có phải hay hơn, còn tạo ra chi cảnh chiến tranh nồi da xáo thịt, cấu xé tranh giành chiếm đoạt tàn sát lẫn nhau chi cho thêm khổ?

Thử hỏi ai đã gây ra cảnh chiến tranh đau khổ? Phân chia giai cấp nghèo giàu, sang hèn cách biệt? Bao thảm cảnh nhà tan cửa nát, những vấn nạn hút chích xì ke ma túy, buôn lậu á phiện, bị tử hình hay bị tù tội giam cầm, rồi đến cờ bạc, rượu chè say sưa, hiếp dâm, cướp của giết người v.v… tất cả đều làm xáo trộn đảo lộn trật tự xã hội, thử hỏi ai đã an bày gây ra thảm cảnh như thế? Có phải định mệnh tạo hóa an bày chăng? Hay chính do lòng dục vọng si mê của con người tạo ra? Bệnh đổ thừa cho ngoại cảnh, đó là chứng bệnh trầm kha của những con người thiếu trách nhiệm và hèn nhát. Làm việc gì thành công, thì họ chường mặt ra để lãnh công trạng. Khi bị thất bại, thì họ co đầu rút cổ và đổ thừa cho hoàn cảnh hay tại, bị, ở nơi người khác. Chớ họ không chịu trách nhiệm do chính mình đã gây ra.  Ðây là chứng bệnh di truyền lâu đời của nhơn loại. Chứng bệnh trầm trọng nầy lan tràn khắp nơi trong xã hội loài người xưa nay.

Với tinh thần tự giác của đạo Phật, không chấp nhận những hạng người hèn yếu như thế. Ðạo Phật chủ trương phải có tinh thần tự giác trước hành động của mình. Mình đã gây ra làm đau khổ cho người khác, thì mình hãy mạnh dạn mà nhận lỗi. Nhận lỗi để tự sửa sai và phải nhận lỗi một cách hết sức thành thật. Chớ không phải nhận lỗi theo kiểu chánh trị thủ đoạn giả dối bề ngoài để che mắt thiên hạ. Trong đạo Phật hay dùng từ ngữ sám hối. Sám là ăn năn lỗi trước, dù vô tình hay cố ý mà mình đã gây ra làm cho đối phương phải chịu đau khổ vì hành động hay lời nói của mình. Còn Hối là nguyện từ nay trở đi mình quyết không bao giờ tái phạm nữa. Như vậy, sám hối là nói lên một tinh thần tự giác có trách nhiệm mạnh mẽ cao độ. Mình làm mình nhận lỗi. Không có thái độ che giấu tội lỗi, hay tốt thì khoe mà xấu thì che đậy. Ðó không phải là tinh thần giác ngộ của đạo Phật.

Với câu tục ngữ trên, chúng ta thấy cổ đức đã dạy cho người ta phải ăn ở cho có đạo đức, nhân nghĩa, thành tín. Mình phải tự cảnh tỉnh lấy mình, đừng làm những chuyện sai trái mà phải lãnh lấy hậu quả không tốt. Và hơn thế nữa, phải có tinh thần trách nhiệm cao trong việc đối nhân xử thế. Hiểu như vậy, chúng ta hãy tạo cho mình những chánh nhân tốt để mình sẽ hưởng lấy những quả báo tốt. Ðó là điều mà chúng ta cần phải quan tâm lưu ý.

6. Ăn lắm hay no, lo lắm hay phiền.

Câu tục ngữ nầy, bắt ta phải chú ý đến hai chữ: “ăn và lo”. Ăn là nhân mà no là quả. Lo là nhân mà phiền là quả. Nhân và quả đi liền với nhau, khác nào như bóng theo hình. Trước hết chúng ta thử tìm hiểu bốn chữ ở vế đầu: “ăn lắm hay no”. Câu nầy, nếu đem ứng dụng vào y học và đời sống để phân tích chiêm nghiệm, thì cũng rất có lợi ích cho sức khỏe của chúng ta. Ăn là điều mà ai cũng thích. Nhưng không nên ăn quá đầy bụng.

Thông thường động từ ăn nó đi liền với động từ uống. Ăn uống là một danh động từ không rời ra. Nhưng ăn để mà sống, thì nó khác hơn sống để mà ăn. Ăn để mà sống tự nó nói lên có sự hạn chế, điều độ và đơn giản. Có gì ăn nấy, không đòi hỏi cầu kỳ, theo kiểu phải có món ngon vật lạ hay cao lương mỹ vị. Ăn để sống cho qua ngày. Ðó là cách ăn của một con người khéo biết điều hòa sự sống có lý tưởng. Vì họ ý thức rằng, cuộc đời là tạm bợ, vô thường không có gì bền chắc. Thế thì, ai rồi cũng phải có ngày từ giả cõi đời giả tạm mà ra đi. Không ai lột da sống hoài để ăn uống. Quan niệm của họ, nhu cầu ăn uống chỉ là một nhu cầu phải có để tạm giải quyết cuộc sống. Sống càng đơn giản chừng nào, thì lại càng có nhiều hạnh phúc chừng nấy. Càng tham thực thì càng khổ thân. Người muốn ăn uống thưởng thức mọi thứ món ngon vật lạ trên đời, thì họ cũng phải làm lụng vất vả cực khổ đày đọa xác thân mới có đủ tiền bạc để tiêu thụ hưởng dụng như thế. Ngược lại, cũng có những người làm lụng vất vả cực khổ trối chết, họ cũng có nhiều tiền lắm bạc, nhưng mà họ không dám ăn xài. Dù rằng, họ cũng rất thèm khát ăn uống cho khoái cái lỗ miệng, nhưng vì bị con “rít” to lớn, nó nằm chấn ngang cái túi tiền, nên họ đành phải cam chịu nuốt nước miềng cầm hơi để sống. Người ta cho họ là hạng người quá ư là keo kiết, rít rắm kẹo kéo không ra. Sống mà quá nô lệ cho đồng tiền như thế, thì phải nói cuộc sống đã mất hết ý nghĩa!

Ðối với hạng người nói trên, ăn để mà sống, thì đời họ ít đau khổ hơn. Vì  họ là người khéo biết tri túc an phận thủ thường sống theo kiểu: “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Họ không muốn xoe xua, bon chen chạy đua để được vinh thân phì da. Họ là hạng người sống có lý tưởng đạo đức thực tiển. Mặc cho ai khen chê, họ cũng không cần phải quan tâm để ý đến chi cho mệt sức. Ngược lại, đối với những người mà họ thích đam mê thụ hưởng ăn uống, thì quan niệm sống của họ có khác. Họ cũng thừa biết cõi đời là giả tạm, nhưng theo họ, thì tại sao chúng ta không thụ hưởng cho hết mọi thứ mùi vị trên đời? Ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng sang trọng, thử hỏi trên đời nầy có mấy ai mà lại không ham thích? Vậy thì tội gì mà chúng ta không thụ hưởng cho nó sướng cái cuộc đời. Mai kia có nhắm mắt theo ông theo bà, thì chúng ta cũng không có gí phải ân hận. Ðó là quan niệm của những con người cũng sống thực tế, nhưng mà thực tế theo chiều hưởng thụ trụy lạc thọ khổ.

Bởi vì chúng ta nên biết rằng, ở đời không có sự hưởng thụ nào mà không có ngầm cái đau khổ ở trong đó. Như mới vào bàn tiệc ăn uống, thì thấy cũng ngon lành đó, nhưng chưa tàn tiệc nhậu, thì đã xảy ra lắm chuyện phiền phức không hay rồi. Bên ngoài nhìn vào, thì thấy bao bọc toàn là những thứ rất ngọt ngào, nhưng bên trong thì lại ngầm chứa những chất độc cay đắng. Thực tế cho thấy, những người thích ăn ngon ngủ kỹ chừng nào, thì lại giảm thọ nhiều chừng nấy. Vì ăn ngủ nhiều rất có tai hại cho sức khỏe. Không phải ăn thật no là khỏe mạnh. Hay ăn  nhiều chất bổ dưỡng mà được sống lâu. Càng ăn nhiều có chất bổ dưỡng chừng nào, thì người ta càng phát phì và rồi hay sanh ra nhiều chứng bệnh khó trị chừng nấy. Mà càng phát phì thì phải lên cân, càng lên cân thì lại càng sanh ra đủ thứ bệnh tật. Nhất là những người có bề thế mập mạp thì dễ mắc phải những chứng bệnh như: máu cao, tiểu đường, mở cao trong máu, tim mạch v.v… Cho nên, ngày nay, các bác sĩ thường khuyên chúng ta nên ăn ít lại chi vừa đủ no thôi. Trong quyển sách “Bác Sĩ Tốt Nhất Là Chính Mình”, bác sĩ  Hồng Chiêu Quang, có khuyên chúng ta mỗi bữa ăn chỉ nên no bảy tám phần, đó là cách đơn giản giúp cho người ta sống lâu. Không nên cố ráng ăn một lần cho đầy bụng. Ăn như thế là tự sát. Khổ nổi, đang ăn ngon miệng mà bảo người ta buông đủa dừng lại, không nên ăn no bụng, thì cũng không phải là chuyện dễ dàng, đối với những người khoái thích ăn uống.

Xin thưa, vấn đề ăn uống phải biết điều độ và dinh dưỡng như thế nào cho hợp lý, để người ta có thêm sức khỏe và sống lâu, thì đây thuộc về lãnh vực chuyên môn của ngành y học, hay theo phương pháp dưỡng sinh của các chuyên gia rành nghề có nhiều kinh nghiệm. Ở đây, không phải trong phạm vi  kiến thức của người viết, nên chúng tôi không dám lạm bàn nhiều. E rằng, sẽ mang cái lỗi là dám múa rìu qua mắt thợ.

Trở lại câu tục ngữ trên, theo sự nhận xét thô thiển của chúng tôi, thì chữ Ăn mà người xưa nói ở đây, ta cũng có thể hiểu rộng ra. Như nói, ăn chơi, ăn giựt, ăn cướp, ăn trộm, ăn quỵch, ăn nằm, ăn cắp, ăn tạp, ăn hại vân vân và vân vân, những thứ ăn nầy đều là cái nhân của đau khổ cả. Còn nói No, ta cũng có thể hiểu nghĩa bóng của nó là đau khổ. Hiểu như vậy, ta mới thấy rằng, câu tục ngữ nầy cổ nhân khuyên ta nên tránh cái nhân xấu xa thì không có cái quả báo đau khổ. Và cần phải khéo léo biết điều hòa sự sống, đừng thái quá mà cũng đừng bất cập. Làm việc gì cũng phải có chừng mực. Người khéo biết điều hòa sự sống, đó là người sẽ có nhiều hạnh phúc.

Ðó chính là cái dụng ý mà cổ nhân muốn dạy cho chúng ta. Chúng ta phải hằng nhớ đến nhân và quả. Vì nhân quả  luôn luôn bám sát theo nhau. Hễ ăn nhiều thì phải no, mà cái no nầy rất là khó chịu. Quả đúng như người ta thường nói: “ăn ít no dai, ăn nhiều tức bụng”. Tức bụng là cả một vấn đề khó thở, mệt mỏi buồn ngủ khó chịu. Vì thế, khi ăn, chúng ta nhớ phải ăn uống vừa chừng thôi. Cũng vậy, phàm khi chúng ta làm điều lành, điều phải, thì ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, thật thoải mái dễ chịu cho thân tâm. Ngược lại, khi chúng ta làm những điều bất chánh, phi pháp, tội lỗi, thì bản thân của chúng ta cảm thấy rất là đau khổ khó chịu vô cùng. Người mà có cái tà tâm chuyên làm những điều vô nghĩa, bậy bạ phi pháp, thì lòng họ không lúc nào an ổn. Nhìn bề ngoài tưởng là họ dễ chịu lắm, nhưng kỳ thật trong lòng của họ là cả một địa ngục. Lương tâm của họ luôn bị cắn rứt đay nghiến, vày xéo mãnh liệt. Họ lo sợ đủ thứ chuyện, ngồi đứng không yên, ăn ngủ cũng không yên giấc, tâm hồn của họ giống như bãi tha ma. Ðời họ không lúc nào an ổn. Nhìn ai, họ cũng cảm thấy mặc cảm hổ thẹn. Họ là con người đang rơi vào hố sâu tội lỗi. Họ tự cảm thấy họ là con người rất thấp hèn của xã hội. Ðời họ không còn lối thoát. Họ như người hết thuốc chữa. Ðó là một tâm bệnh thật đáng sợ!

Câu kế tiếp: “lo lắm hay phiền”. Chữ lo ở đây, nó có nhiều nghĩa. Nhưng dù nghĩa nào cũng nói lên cái tâm trạng bất an, phiền muộn. Thường người hay lo nhiều thì người đó chắc chắn khổ nhiều. Cái khổ trước mắt là mất ăn mất ngủ. Phàm hễ lo nghĩ, thì hay sanh ra sợ hãi và buồn rầu. Chữ “lắm” có nghĩa là nhiều. Chữ “phiền”, theo kết cấu của chữ Hán, thì nó gồm có 2 bộ: hiệt là đầu và hỏa là lửa. Cho nên, khi người ta lo nhiều, thì trong lòng cảm thấy bức rứt bất an, lửa nó vọng lên đầu, thành ra con người nóng nảy bực bội khó chịu vô cùng. Chính đó là nguyên nhân đưa đến tình trạng mất ngủ. Do đó, những người hay lo nhiều, thì dễ gây ra thần kinh căng thẳng và nếu không khéo sẽ dễ bị mắc bệnh tâm thần. Bởi do tình trạng mất ngủ nhiều mà ra. Ðó là một họa hại của những người có bệnh hay lo tính suy nghĩ lung tung nhiều quá.

Từ lo đâm ra sợ, từ sợ đâm ra hốt hoảng tinh thần. Ðó là một tai hại rất lớn.

Phàm là con người còn sống trong vòng tương đối, tất nhiên không ai mà không lo, vì đó là một căn bệnh tập khí sâu nặng của con người phàm tục. Vì sự sống mà con người phải lo lắng đủ mọi thứ trên đời. Ngoài những vấn đề lo chánh đáng cho sự sống như: lo ăn, lo mặc, lo ở, còn lại phải lo bao nhiêu thứ chuyện linh tinh khác. Thâm ý của câu tục ngữ trên, cổ nhân muốn khuyên chúng ta không nên lo lắng nhiều quá.

Xét ở đời, có những điều đáng lo, thì người ta lại không lo. Ngược lại, có những điều không đáng lo thì người ta lại hay lo. Thế nào là điều đáng lo? Ðiều đáng lo nói ở đây, không phải chỉ lo ăn, lo mặc… không thôi là đủ, mà chúng ta còn phải lo cho ngày mình nhăm mắt ra đi. Sống thì mù tịt, không biết mình là ai. Ðến khi chết mình cũng không biết mình sẽ đi về đâu. Nếu như hiện đời, mình khéo biết lo làm lành, tu tạo phước đức, ăn chay niệm Phật, thì Phật nói đó là người khéo biết lo cho đời mình. Vì ở đời, rốt lại, không có ai thương mình bằng chính mình tự thương lấy mình. Mình gây nhân khổ, không ai có thể thay thế tội khổ cho mình.

Có người, vì thương con thương cháu mà tự mình sát sanh hại vật, để cho con cháu thụ hưởng ngon miệng, nhưng cái quả báo đó ai sẽ là người gánh chịu cho mình? Thử hỏi chúng nó có thay thế cho mình được không? Vậy thì, tốt hơn hết là mình hãy nghe theo lời Phật dạy, mà tự mình lo cho đời mình có một hướng đi an lạc giải thoát. Ðó là tự biết thương lấy mình. Thử hỏi khi mình xuôi tay nhắm mắt ra đi, có ai đi theo mình không? Hay là khổ hay vui do mình chuốc lấy. Mình xuống địa ngục chịu khổ, có đứa con thằng cháu nào, nó đến thay thế cái khổ cho mình không? Hay là ai làm người nấy chịu. Ai ăn người nấy no, ai lo người ấy phiền.

Hiểu thế, thì mỗi ngươì hãy tự lo trước cho mình. Bằng cách là nên tạo nhiều điều lành. Cố gắng ăn chay niệm Phật giữ giới tu hành. Ðó là tự mình khéo biết đầu tư hạnh phúc phước báo cho mình trong hiện đời cũng như mai hậu.

Còn nói cái không đáng lo, là những chuyện như già, bệnh, chết. Và nhất là những chuyện thị phi, tức những chuyện bù khú tạp nhạp ở thế gian. Bởi già, bệnh, chết, nó là một chân lý hiện thực bất di bất dịch. Dù mình có để tâm lo sợ, thì trước sau gì nó cũng đến. Có bệnh thì cứ đi bác sĩ điều trị. Ở xứ nầy vấn đề bệnh hoạn không có gì phải bận tâm ưu tư lo lắng nhiều. Bởi có nhiều dụng cụ máy móc tinh xảo tối tân để chữa trị. Nếu như điều trị mà không hết bệnh, thì đó là nghiệp quả của mình đã tới. Dẫu mình có lo lắng đến đâu cũng không thể tránh khỏi. Cái không thể tránh khỏi, thì lo chi cho thêm hao hơi mệt sức. Có nhiều khi, bệnh ít mà chúng ta lo lắng nhiều quá cũng trở thành bệnh nhiều. Không bệnh, mà lo lắng ưu tư nhiều quá thì cũng sẽ thành bệnh. Chi bằng cứ lo niệm Phật, vui vẻ mà sống, rồi chuyện gì đến nó sẽ đến. Nhờ có tinh thần ổn định vững chắc như thế, mà bệnh tình cũng trở nên thuyên giảm và khỏe ra. Cho nên điều dưỡng cái tinh thần rất là quan trọng. Vì tinh thần là cái gốc chủ động điều khiển thân thể. Giống như anh tài xế điều khiển lái chiếc xe. Chiếc xe chỉ là những bộ phận máy móc để chạy. Nhưng chiếc xe chạy hay không là do anh tài xế. Như vậy, chúng ta cần phải chú ý lo cho anh tài xế nhiều hơn. Lo bằng cách điều dưỡng cho anh ta khỏe mạnh. Cũng vậy, ta phải lo di dưỡng cái tinh thần, tức cái tâm thức của chúng ta. Nhờ niệm Phật, tụng kinh, trì chú, tham thiền v.v… mà tâm ta được an định vững vàng. Bấy giờ, ta quyết không lo nghĩ gì đến bệnh hoạn.

Ðến như tuổi già cũng vậy, ở đây có nhà dưỡng lão. Nếu như người già độc thân, không có ai chăm sóc, thì vào nhà dưỡng lão sinh sống. Trong nhà dưỡng lão có các cô y tá, y công, họ đến chăm sóc người già bệnh một cách rất tử tế đàng hoàng. Thật tình công tâm mà nói, chưa chắc con cháu của mình mà chúng nó quan tâm chăm sóc chu đáo bằng họ. Vì họ là những người phục vụ bằng tất cả lương tâm nghề nghiệp. Cho nên, các cụ già không có gì phải lo sợ.

Rồi đến cái chết, người ta lo sợ nhứt là cái chết. Người trọng tuổi thì hay lo xa chuẩn bị cho mình cái chết. Tùy theo hoàn cảnh sống của mỗi người mà có những nỗi lo lắng khác nhau. Nhưng có điều, ta thấy các cụ của mình ngày xưa thường hay chuẩn bị sẵn cho mình cái ngày ra đi. Chuẩn bị có hai phần: vật chất và tinh thần. Phần vật chất, thì các cụ lo nào là cái quan tài hay còn gọi là cái cổ hậu, cổ thọ. Những nhà khá giả thì lo xây sinh phần, miền Nam gọi là kim tỉnh. Rồi đến áo quan và các đồ tẩn liệm.

Về phần tinh thần, thì tùy mỗi người theo mỗi tôn giáo mà có sự chuẩn bị tinh thần cho mình khác nhau. Ðiều nầy, cũng còn tùy theo nhân sinh quan, và duyên nghiệp của mỗi người nặng nhẹ mà có đời sống tâm linh khác nhau. Ðối với những người tu theo đạo Phật, thì tùy theo trình độ tu học nhận thức sâu cạn của mỗi người mà có sự chuẩn bị khác nhau. Nói chung, nếu người Phật tử nào khi còn mạnh khỏe biết chút ít tu hành như: ăn chay, niệm Phật, bố thí cúng dường, tụng kinh bái sám, tin kính Tam bảo, hết lòng niệm Phật, thì đối với những người nầy, họ đã có sự chuẩn bị sắp xếp cho mình ngày ra đi cũng rất chu đáo. Họ đã chọn cho họ có một hướng đi vững chắc bảo đảm. Do đó, nên họ không còn gì phải lo âu sợ hãi về cái chết cho lắm. Còn đối với các bậc tu hành đạo cao thâm hậu, thì cái chết đối với họ thật là không có nghĩa lý gì. Vì sinh tử chỉ là hư huyễn, như hoa đốm giữa hư không, không có gì phải lo âu sợ hãi. Các ngài xem cái chết như trò đùa, ảo hóa. Ðó là những bậc chân tu đã đạt ngộ chân lý.

Còn đối với những chuyện thị phi, nếu người biết tu hành, thì họ cũng không bao giờ quan tâm để ý tới. Ai nói phải trái gì họ cũng bỏ qua ngoài tai cho xong, không cần phải bận tâm nghĩ đến.Vì nghĩ đến chỉ chuốc thêm phiền muộn mà thôi. Học cách hành xử của bà Bá Bất Quản, trăm việc chẳng lo. Ai nói chuyện thị phi với bà, thì bà liền nói: “tùy tha khứ”, nghĩa là theo nó đi, không có chuyện gì bà để vào trong tâm. Bà để tâm chuyên chú vào câu hiệu Phật. Sáu chữ Di Ðà, bà cố gắng gìn giữ niệm luôn. Cứ thế mà hành trì. Chỉ một năm sau, bà có kết quả. Trước khi theo Phật, bà đi từ giả mọi người, vì bà biết trước giờ phút ra đi. Kết quả, bà đã được vãng sanh về Cực lạc.

Chính đó mới là điều đáng để cho chúng ta quan tâm lo nghĩ. Lo chí thành niệm Phật để ngày giờ ra đi của chúng ta được an ổn và vãng sanh về cõi Phật. Còn ngoài ra, bất cứ chuyện gì khác, chúng ta nên nhứt quyết gạt bỏ hết ngoài tai. Ðược thế, lo gì mà không được vãng sanh. Vãng sanh là chấm dứt khổ đau, chấm dứt nạn khổ: sanh già bệnh chết. Vĩnh viễn thoát ly sanh tử. Ôi! được thế, thì còn gi vui sướng hơn!

Kính mong mọi người bỏ qua những điều không đáng lo, để cho tâm ta an ổn khỏi phải chuốc thêm phiền lụy. Chúng ta nên nhớ: người nào lo nhiều dễ bị căng thẳng thần kinh. Từ đó, dễ sanh ra nhiều chứng bệnh khó trị, vì đa sầu là tự sát. Ðược thế, thì đời sống của chúng ta mới thực sự có ý nghĩa vậy.

Thích Phước Thái
Quangminh.org.au


Âm lịch

Ảnh đẹp